Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

TGH Gioan Phaolô II – BÀI 103. CÁC TÔNG ĐỒ ĐƯỢC SAI ĐI VÀO THẾ GIAN

Administrator
2020-07-30 09:02 UTC+7 29
Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh BÀI 103. CÁC TÔNG ĐỒ ĐƯỢC SAI ĐI VÀO THẾ GIAN Khi Thánh Thần ngự xuống trên cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi, Hội Thánh đã được sai đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. 1. Theo tiến trình của các bài giáo lý về Hội Thánh, […]

Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh

BÀI 103. CÁC TÔNG ĐỒ ĐƯỢC SAI ĐI VÀO THẾ GIAN

Khi Thánh Thần ngự xuống trên cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi, Hội Thánh đã được sai đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân.

1. Theo tiến trình của các bài giáo lý về Hội Thánh, chúng ta đã nói về kế hoạch đời đời của Thiên Chúa. Người muốn Hội Thánh là một Bí tích, là điểm hội tụ và là trung tâm lan tỏa chương trình cứu độ. Chúng ta đã diễn tả sứ vụ mà Hội Thánh phải đảm đương khi bàn đến các khía cạnh khác nhau trong mầu nhiệm Hội Thánh như là: Dân Thiên Chúa, bí tích hiệp nhất giữa con người với Thiên Chúa, Hiền thê của Đức Kitô, cộng đồng tư tế. Liên quan đến các sứ vụ này, chúng ta đã nói về sứ vụ của tập đoàn Giám mục tiếp nối tập đoàn các Tông đồ; nhiệm vụ của Đức thánh cha, Đấng kế vị thánh Phêrô trong vai trò Giám mục thành Rôma và trong vai trò đứng đầu Hội Thánh hoàn vũ; nhiệm vụ của các tư tế và chính những ràng buộc của bậc sống ấy; sứ vụ của các phó tế được các tín hữu xưa nay đánh giá và phải đánh giá là men hy vọng cho toàn thể Dân Thiên Chúa. Và nhất là, chúng ta đã nói đến các giáo dân là những người đã chiếu sáng trên ý nghĩa và sứ vụ của mình là những “tín hữu của Đức Kiô” cách chung, và trong hoàn cảnh riêng của cá nhân, gia đình và xã hội. Cuối cùng, chúng ta đã chiêm ngắm đời sống thánh hiến như là bảo bối của Hội Thánh trong những hình thức truyền thống và trong nhiều lối diễn tả đang phát triển mạnh mẽ ngày nay.

Trong các bài giáo lý đó, chúng ta luôn đề cập đến sứ vụ của Hội Thánh và của mỗi thành viên trong Hội Thánh. Tuy nhiên, đã đến lúc nói về những điều này một cách hệ thống hơn, cũng như xác định bản chất của sứ vụ Hội Thánh rõ ràng hơn, đồng thời, giải quyết những khúc mắc liên quan đến vấn đề này. Cho nên, chúng ta sẽ có cơ hội làm sáng tỏ hơn nữa ý nghĩa của hạn từ “công giáo” mà Kinh Tin kính của công đồng Nicea-Constantinopolis đã quy gán cho Hội Thánh như là đặc tính căn bản cùng với đặc tính “duy nhất”. Bằng cách này, chúng ta sẽ nói đến các chủ đề rất hợp thời và sẽ phân tích các vấn nạn do nhiệm vụ của việc đại kết đề ra.

Các Tông đồ trở thành những chứng nhân của Đức Giêsu trên toàn thế giới

2. Theo Công đồng Vaticanô II, tính phổ quát của sứ mạng Hội Thánh là “nỗ lực loan báo Tin Mừng cho tất cả mọi người” dựa trên “lệnh truyền” của Đức Kitô và “những đòi hỏi căn bản của tính công giáo” (AG, 1).

Đức Giêsu đã trao phó một nhiệm vụ đặc biệt cho các Tông đồ: “Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15), và “làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,29). Lúc Đức Giêsu lên trời, niềm hy vọng của các môn đệ vẫn còn bị giới hạn trong vương quốc Israel, nên các ông hỏi Thầy mình rằng: “Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Israel không?” (Cv 1,6). Đáp lại, Đấng Cứu Thế chỉ ra rằng, các ông phải vượt lên tầm nhìn hạn hẹp đó, và chính các ông sẽ trở thành chứng nhân của Người không chỉ ở Giêrusalem, mà còn trong khắp các miền Giuđê, Samari và “cho đến tận cùng trái đất.” (Cv 1,8).

Đấng Cứu Chuộc không chỉ cậy dựa vào sự ngoan ngùy của các môn đệ, nhưng còn trên sức mạnh trổi vượt của Thánh Thần mà Người đã hứa: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em” (Cv 1,8). Ở điểm này, mệnh lệnh ở lại Giêrusalem mới có ý nghĩa: để làm chứng nhân trên toàn thế giới, các môn đệ không được rời thành cho đến khi nhận được sức mạnh thần linh đã được hứa ban: “hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống” (Lc 24,49).

3. Tính phổ quát của sứ vụ thấm nhập vào tâm hồn các môn đệ với quà tặng Thánh Thần. Vì thế, khả năng mở ra với thế giới không phải là một đặc tính mà Hội Thánh nhận vơ, nhưng diễn tả một đặc tính nằm sâu trong bản chất của Hội Thánh. Hội Thánh là “công giáo”, là “bí tích cứu độ phổ quát” (LG, 48) bởi vì Vương quốc của Thiên Chúa được khởi sự nơi Hội Thánh nhờ sức mạnh Thánh Thần.

Trước khi trích câu hỏi của các môn đệ về việc khôi phục vương quốc Israel, thánh Luca đã tường thuật việc Đức Giêsu nói về “Vương quốc Thiên Chúa” như thế nào trong suốt 40 ngày sau khi phục sinh. “Vương quốc Thiên Chúa” là một vương quốc mang tính phổ quát, phản chiếu nơi mình sự vô biên của Thiên Chúa, không có ranh giới và sự phân chia như các vương quốc nhân loại.

4. Nguồn gốc từ Tam Vị hiện diện trong tính phổ quát của Kitô giáo. Như chúng ta đã biết, Đức Giêsu đã quy công việc Phúc Âm hóa toàn thế giới của các Tông đồ và cũng là của Hội Thánh cho chính Thánh Thần. Người nói về “Nước của Cha” (Mt 13,43; 26,29) và dạy họ kêu xin cho vương quốc này mau hiển trị: “Lạy Cha, … xin cho Nước Cha trị đến” (Mt 6,9-10; x. Lc 11,2); nhưng Người cũng nói “Nước của Tôi” (Lc 22,30; Ga 18,36; x. Mt 20,21; Lc 23,42), để giải thích rằng Vương quốc này đã được Chúa Cha dành sẵn cho Người (x. Lc 22,30) và không thuộc về thế gian (x. Ga 18,36).

Đối với các môn đệ, điều này có nghĩa là phải vượt lên trên những giới hạn của văn hóa và tôn giáo mà trong đó, họ đã quen suy nghĩ và quen sống để nhìn thấy chính mình trong tầm mức của một vương quốc của những chiều kích phổ quát. Khi nói chuyện với người phụ nữ Samari, Đức Giêsu nhấn mạnh đến việc cần phải vượt qua những mâu thuẫn về văn hóa, quốc gia, sắc tộc trong lịch sử vốn gắn liền với những nơi thờ phượng cụ thể, hầu kiến tạo việc thờ phượng Thiên Chúa cách chân thực: “Đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giêrusalem. […] Nhưng giờ đã đến, và chính là lúc này đây, giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế” (Ga 4,21.23). Những điều Đức Giêsu đề nghị với các môn đệ là ý muốn của Cha Người: chuyển từ vương quốc Thiên Chúa ở Israel, sang vương quốc Thiên Chúa nơi mọi dân tộc. Chúa Cha có một con tim rộng mở; nhờ Chúa Con và trong Chúa Thánh Thần, Người thiết lập một nền thờ phượng phổ quát. Như tôi đã nói trong thông điệp Redemptoris missio, Hội Thánh xuất phát từ trái tim phổ quát của Chúa Cha, và Hội Thánh là công giáo vì Chúa Cha mở rộng tương quan phụ hệ đến toàn thể nhân loại (x. số 12).

5. Tính phổ quát của kế hoạch đời đời của Chúa Cha nổi bật rõ nơi công trình thiên sai của Con Một Người nhập thể; đó là khởi điểm của Kitô giáo.

Theo sự ủy thác của Chúa Cha, Đức Giêsu chỉ giảng dạy cho dân Do Thái, như Người nói: “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Israel mà thôi” (Mt 15,24). Tuy nhiên, lời rao giảng của Người là sự khai mở cho việc Phúc Âm hóa vũ hoàn và cho toàn thể mọi dân mọi nước bước vào vương quốc mà chính Người đã loan báo: “Tôi nói cho các ông hay: Từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Ápraham, Ixaác và Giacóp trong Nước Trời” (Mt 8,11). Cái nhìn phổ quát này được sáng tỏ nhờ việc Đức Giêsu tự biểu lộ mình là “Con Người” chứ không chỉ là “Con Vua Đavít”, bởi chính Người là Chúa của vua Đavít (x. Mt 22,45; Mc 12,37; Lc 20,44).

Trong ngôn ngữ khải huyền của người Do Thái, danh hiệu “Con Người” được ngôn sứ Đanien gợi lên, và ám chỉ đến một nhân vật thuộc thiên giới được Thiên Chúa ban tặng vương quốc cánh chung. Đức Giêsu dùng danh hiệu này để diễn tả bản chất sứ vụ Mêsia của Người là sứ vụ được thực hiện ở cấp độ nhân loại thực sự, nhưng lại vượt lên mọi thứ chủ nghĩa duy sắc tộc, duy quốc gia và duy tôn giáo.

Sứ vụ phổ quát đến từ Thánh Thần

6. Tính phổ quát này bắt nguồn từ Chúa Cha và Chúa Con nhập thể, rồi được chuyển trao rõ ràng cho Hội Thánh vào ngày lễ Ngũ Tuần, khi Thánh Thần tràn ngập cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi và làm cho công đoàn ấy trở nên phổ quát. Sau đó, các Tông đồ làm chứng về Đức Kitô cho mọi người thuộc mọi quốc gia. Họ hiểu những điều các Tông đồ nói như thể các ông đang nói tiếng mẹ đẻ của họ. (x. Cv 2,7-8). Từ đó, như lời Đức Giêsu đã hứa, Hội Thánh với “sức mạnh của Thánh Thần” đã hoạt động nhiệt thành “ở Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8).

Vì thế, sứ vụ phổ quát của Hội Thánh không phải phát sinh từ dưới lên nhưng được tuôn đổ từ trên xuống, từ Thánh Thần, như thể được thấm nhập tính phổ quát của tình yêu Tam Vị. Nhờ mầu nhiệp Cứu Chuộc và sự tác động của Thánh Thần, mầu nhiệm Tam vị chuyển trao đặc tính phổ quát cho Hội Thánh. Do vậy, mầu nhiệm Hội Thánh bắt nguồn từ mầu nhiệm Tam Vị.