Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

TGH Gioan Phaolô II – Bài 18. Đức Giêsu là Lang quân của Dân

Administrator
2019-11-28 15:17 UTC+7 27
Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh Bài 18: Đức Giêsu là Lang quân của Dân Đức Giêsu Kitô là Chàng Rể được các ngôn sứ tiên báo từ trước. Nếu chúng ta mang “trang phục lễ cưới” thì đồng nghĩa với việc chúng ta được mời gọi tham dự tiệc cưới trong vương quốc […]

Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh

Bài 18: Đức Giêsu là Lang quân của Dân

Đức Giêsu Kitô là Chàng Rể được các ngôn sứ tiên báo từ trước. Nếu chúng ta mang “trang phục lễ cưới” thì đồng nghĩa với việc chúng ta được mời gọi tham dự tiệc cưới trong vương quốc của Người. Tiếp tục loạt bài giáo lý về Giáo Hội của mình, thứ Tư, ngày 11 tháng Mười Hai, Đức Thánh Cha giải thích việc Giáo Hội được mô tả như thế nào trong Tân ước như hiền thê của Đức Kitô.

1. “Đấng cùng ngươi sánh duyên cầm sắt chính là Đấng đã tác thành ngươi, tôn danh Người là Đức Chúa các đạo binh; Đấng chuộc ngươi về, chính là Đức Thánh của Israel” (Is 54,5). Một lần nữa, chúng tôi trích dẫn lại những lời của ngôn sứ Isaia để nhắc lại rằng: các ngôn sứ thời Cựu Ước đã xem Thiên Chúa như Đức Lang Quân của Dân được tuyển chọn. Israel được miêu tả như nàng dâu thường xuyên không chung thủy khi liên tục phạm tội, đặc biệt là tội thờ ngẫu tượng. Tuy nhiên, Đức Chúa các đạo binh vẫn luôn giữ lời hứa trung thành với Dân riêng. Thiên Chúa vẫn tiếp tục là người chuộc dân, là Đấng Thánh của Israel.

Dựa trên nền tảng các ngôn sứ thời Cựu ước, Tân ước trình bày Đức Giêsu Kitô như Đấng Lang Quân của Dân mới Thiên Chúa. Người là “Đấng cứu chuộc, là Đấng thánh của Israel” đã được tiên báo và giới thiệu từ ngàn xưa; những lời loan báo của các ngôn sứ đã được thực hiện nơi bản thân Người. Đức Kitô là chàng rể.

2. Trong chiều hướng đó, thánh Gioan Tẩy giả là người đầu tiên đã giới thiệu Đức Giêsu khi ông giảng cho dân chúng bên bờ sông Giođan. Gioan tẩy giả nói với những người đang lắng nghe ông: “tôi không phải là Đấng Mêsia”,“nhưng tôi là kẻ được sai đi trước Người. Ai cưới cô dâu, người ấy là chú rể. Còn người bạn của chú rể đứng đó nghe chàng, thì vui mừng hớn hở vì được nghe tiếng nói của chàng” (Ga 3,28-29). Rõ ràng, truyền thống hôn nhân thời Cựu ước đã phản ánh người ngôn sứ đau khổ của Thiên Chúa có sứ vụ trong mối liên hệ với căn tính của Đức Kitô. Ngôn sứ biết mình là ai và “những gì ngôn sứ nhận được là bởi trời”. Toàn thể sứ vụ phục vụ của ngôn sứ giữa dân đều hướng đến Đức Lang Quân sắp ngự đến. Gioan tẩy giả giới thiệu chàng rể là Đấng “cao trọng nhất”, và ông thừa nhận niềm vui lớn nhất của mình là được nghe tiếng của Đức Giêsu. Chính vì niềm vui này mà Gioan tẩy giả chấp nhận “lu mờ đi” nghĩa là dành mọi vinh dự cho Đấng được mặc khải, Đấng trổi vượt hơn ông và vì Đấng ấy mà Gioan sẵn sàng trao ban cuộc sống của mình. Gioan tẩy giả biết rằng: theo chương trình cứu độ của Thiên Chúa, Chàng rể – Đấng thánh của Israel phải “trổi vượt lên”. “Người phải nổi bật lên, còn tôi thì phải lu mờ đi” (Ga 3,30).

3. Do đó, Đức Giêsu Nazarét hiện diện giữa dân của mình, với tư cách là chàng rể được các ngôn sứ loan báo. Chính Đức Giêsu đã xác nhận điều này khi Người trả lời những câu hỏi của các môn đệ được thánh Gioan tẩy giả cử đến. “Tại sao các môn đệ người Pharisêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?” (Mc 2,18), Đức Giêsu trả lời: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ? Bao lâu chàng rể còn ở với họ, họ không thể ăn chay được. Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay trong ngày đó” (Mc 2,19-20). Với câu trả lời này, Đức Giêsu đã làm cho những lời loan báo của các ngôn sứ về Thiên Chúa là Đấng Lang Quân, “Đấng cứu chuộc, Đấng thánh của Israel” được nên hoàn trọn nơi chính mình. Đức Giêsu đã mạc khải cho các môn đệ nhận biết mình là chàng rể, tuy nhiên “chàng rể sẽ bị đem đi”. Đức Giêsu đã nhận biết sứ mệnh thiên sai của mình, và trong sự vâng phục thánh ý Chúa Cha, Người đã hoàn thành sứ mạng hy tế của mình trên Thánh Giá, như lời các ngôn sứ đã loan báo từ thuở trước (xc. Is 42,1-9; 49,1-7; 50,4-11; 52,13-53, 12).

4. Việc chàng rể mà các ngôn sứ xưa kia loan báo nay đã đến được chứng thực qua lời công bố của Gioan bên bờ sông Giođan, qua câu trả lời của Đức Giêsu trước câu hỏi của các môn đệ Gioan, và cả trong những câu chuyện dụ ngôn mà Đức Giêsu trình bày. Chủ đề hôn nhân tuy không được đề cập cách trực tiếp trong các dụ ngôn nhưng cũng có đủ dữ liệu giúp chúng ta hiểu. Đức Giêsu nói: “Nước Trời cũng giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho con mình” (Mt 22,2). Tất cả những điều được nói trong dụ ngôn thì rõ ràng là những điều Đức Giêsu đang nói về chính mình, nhưng Người lại sử dụng ở ngôi thứ ba, đó là điểm đặc biệt nơi các dụ ngôn. Trong văn cảnh dụ ngôn tiệc cưới, Đức Giêsu sử dụng lối nói loại suy về một tiệc cưới để làm nổi bật sự thật vương quốc Thiên Chúa mà chính Người đem lại cho thế giới và lời mời của Thiên Chúa dành cho các khách dự tiệc. Lời mời gọi này bao hàm việc chấp nhận sứ điệp của Đức Kitô trong sự hiệp thông với tất cả những người mới cùng được mời tham dự tiệc cưới (như dụ ngôn nhắc đến). Nhưng Đức Giêsu cũng đề cập một trường hợp liên quan tới việc từ chối lời mời tham dự, mà Người đã nhận thấy nơi những người đang lắng nghe lời của Người. Đức Giêsu cũng nói thêm rằng tất cả những người được mời gọi trong mọi thời, ngay cả những người sống cùng thời với Người đều phải có một thái độ xứng đáng với lời mời được gửi đến, thái độ này được biểu hiện bằng việc mặc “y phục lễ cưới”. Bất cứ ai không mặc y phục lễ cưới thì sẽ bị vua loại ra ngoài. Vị vua này không ai khác chính là Thiên Chúa Cha, Đấng đã mời chúng ta đến dự bàn tiệc của Chúa Con (Thánh Thể) trong Giáo Hội.

5. Trong văn hoá Israel, vào những buổi đại tiệc, trang phục dường như đã được chuẩn bị sẵn để phân phát cho những khách dự tiệc. Thực tế này làm cho nghĩa của những chi tiết trong dụ ngôn của Đức Giêsu sáng tỏ hơn: Trách nhiệm không chỉ thuộc về người từ chối lời mời, nhưng còn của những người muốn tham dự mà không đáp ứng các điều kiện cần thiết để mình trở nên xứng đáng đi vào bữa tiệc. Thái độ này ám chỉ những người vẫn giữ và tuyên xưng mình theo Chúa Kitô và là thành phần của Giáo Hội, mà lại không có được “y phục lễ cưới” của ân sủng, vốn đem lại một đời sống tin, cậy, mến sống động. Đương nhiên, Thiên Chúa, tác giả của ân sủng và mọi điều thiện hảo cho linh hồn, trao ban “y phục” đó, vốn là cái nội tại chứ không hào nhoáng bên ngoài. Nhưng điều mà dụ ngôn muốn nhấn mạnh là thái độ của mọi thực khách, những người thuộc mọi thành phần, không phân biệt nguồn gốc, với lời mời gọi của Thiên Chúa và phải đáp trả bằng việc tuân giữ lề luật của Thiên Chúa, chu toàn tất cả những trách nhiệm của ơn gọi Kitô hữu, và thêm nữa là tham gia tích cực hơn vào những sinh hoạt của đời sống Giáo Hội.

6. Trong dụ ngôn mười cô trinh nữ “cầm đèn và đi đón chàng rể”, (Mt 25,1) Đức Giêsu cũng sử dụng lối nói loại suy tiệc cưới để giải thích ý muốn của mình về vương quốc của Thiên Chúa và Giáo Hội cách cụ thể. Ở đây, chúng ta cũng bắt gặp lời khẳng định rằng những người tham dự bàn tiệc phải chuẩn bị tâm hồn xứng đáng. Trong dụ ngôn này, Đức Giêsu kêu gọi mỗi người hãy sẵn sàng, tỉnh thức và nhiệt thành trong việc chờ đợi chàng rể. Chỉ năm trong số mười trinh nữ đã nỗ lực sửa soạn để đảm bảo đèn của mình sẽ được thắp sáng khi chàng rể xuất hiện. Còn năm cô khờ dại có đèn nhưng đã hết dầu. “Chàng rể tới, và những cô đã sẵn sàng được đi theo chàng rể vào dự tiệc cưới. Rồi người ta đóng cửa lại” (Mt 25,10). Dụ ngôn ám chỉ một cách nhẹ nhàng, kín đáo, nhưng có thể nhận ra cách rõ ràng về những người thiếu sự chuẩn bị nội tâm cho việc gặp gỡ Thiên Chúa và do đó, thiếu sự nhiệt thành và kiên trì chờ đợi. Hình ảnh đó muốn nói đến việc cánh cửa sẽ được đóng lại và việc này đã được tiên báo. Một lần nữa, chúng ta nhận ra yêu cầu khẩn thiết về ý thức trách nhiệm liên quan đến ơn gọi Kitô hữu.

7. Sau khi đã đề cập đến dụ ngôn, bây giờ, chúng ta chuyển sang sự kiện tiệc cưới Cana miền Galilê nơi Đức Giêsu cùng các môn đệ của Người được mời tham dự, sự kiện này được thánh sử Gioan tường thuật lại (xc. Ga 2,1-11). Theo đó, Đức Giêsu đã thực hiện phép lạ đầu tiên của mình tại tiệc cưới này, và đây cũng là dấu chỉ đầu tiên về sứ mệnh thiên sai của Chúa Con. Người ta có thể giải thích phép lạ đầu tiên này của Đức Giêsu như một cách gián tiếp để làm cho dân chúng hiểu được rằng chàng rể mà các ngôn sứ loan báo nay đã ở giữa dân tộc Israel. Ở đây, toàn bộ hoạt động trong tiệc cưới tại Cana đều mang một ý nghĩa đặc biệt. Cách riêng, những lời yêu cầu của Mẹ Maria cách nào đó là điểm khơi mào cho dấu lạ đầu tiên này của Đức Giêsu. Thật đúng khi nhắc lại điểm giáo lý chúng ta đã cùng bàn luận trong bài lần trước: Đức Maria là khởi đầu và là hình ảnh của Giáo Hội như Hiền thê của giao ước mới.

Chúng ta hãy mượn những lời của thánh Gioan để kết thúc bài giáo lý tuần này: “Đức Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Cana miền Galilê và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người” (Ga 2,11). Những từ “đã làm điều này” thể hiện cách rõ ràng rằng: chính chàng rể đã thực sự hành động. Về phía thánh Gioan, hình ảnh Hiền Thê của giao ước mới đã bắt đầu hình thành: Giáo Hội hiện diện trong Đức Maria cũng như tất cả các môn đệ tại tiệc cưới.