Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

TGH Gioan Phaolô II – BÀI 41: HÀNG GIÁM MỤC GIẢNG DẠY, THÁNH HOÁ VÀ QUẢN TRỊ

Administrator
2020-01-02 15:10 UTC+7 25
Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh BÀI 41: HÀNG GIÁM MỤC GIẢNG DẠY, THÁNH HOÁ VÀ QUẢN TRỊ Nhằm thực thi sứ vụ tông đồ, hàng Giám mục phải là chứng tá của Đức Kitô cho tất cả mọi người, cả những người ngoài Kitô giáo trong Giáo phận Trong buổi Tiếp kiến chung […]

Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh

BÀI 41: HÀNG GIÁM MỤC GIẢNG DẠY, THÁNH HOÁ VÀ QUẢN TRỊ

Nhằm thực thi sứ vụ tông đồ, hàng Giám mục phải là chứng tá của Đức Kitô cho tất cả mọi người, cả những người ngoài Kitô giáo trong Giáo phận

Trong buổi Tiếp kiến chung vào thứ Tư, 8 tháng Mười, Đức Thánh Cha tiếp tục đề tài giáo lý hàng tuần về Giáo Hội. Bài thứ 41 trong loạt bài giáo lý, ngài nói về sứ vụ được trao phó cho mỗi Giám mục. Sau đây là bản dịch bài huấn giáo của ngài.

1. Là những người kế vị các Tông đồ, hàng Giám mục được mời gọi chia sẻ sứ vụ mà chính Đức Giêsu đã trao phó cho nhóm Mười Hai và cho Giáo Hội. Công đồng Vaticanô II nhắc nhở chúng ta: “Vì là những người kế vị các Tông đồ, các Giám mục lãnh nhận từ Chúa, Đấng được ban mọi quyền năng trên trời dưới đất, sứ mệnh dạy dỗ muôn dân và rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật, để mọi người được cứu độ nhờ lãnh nhận đức tin, phép Thánh tẩy và chu toàn các giới răn Chúa.” (Lumen gentium 24)

Theo Công đồng, đây là sứ vụ duy nhất mà hàng Giám mục “lãnh nhận từ Chúa” và là sứ vụ có cùng đích điểm như khi được trao cho các Tông đồ. Như chúng ta đã biết trong bài giáo lý trước, đó là trách nhiệm của cả hàng Giám mục. Tuy nhiên, phải nói thêm rằng, sứ vụ và năng quyền của các Tông đồ được truyền lại cho từng cá nhân Giám mục trong tập đoàn Giám mục. Chúng tôi muốn giải thích thực tế này trong bài giáo lý hôm nay, đặc biệt quy chiếu về bản văn Công đồng, giáo huấn có thẩm quyền cao nhất về chủ đề này.

2. Sứ vụ của từng cá nhân Giám mục được thực thi trong phạm vi nhất định. Thật vậy, chúng ta đọc thấy trong Hiến chế: “Mỗi Giám mục, người được đặt đứng đầu một Giáo Hội địa phương, thi hành việc điều hành mục vụ trên một phần của đoàn dân Thiên Chúa được trao phó cho mình, chứ không phải trên các Giáo Hội khác hoặc trên Giáo Hội phổ quát.” (Lumen gentium 23) Quan điểm này được quy định trong “sứ vụ theo Giáo luật”, áp dụng cho từng Giám mục. (Lumen gentium 24)

Mỗi giáo phận là hình ảnh của Giáo Hội phổ quát

Trong mọi trường hợp, sự can thiệp của thẩm quyền tối cao bảo đảm sự phân công thi hành sứ vụ theo Giáo luật không những vì lợi ích của cộng đoàn địa phương mà còn vì phúc lợi của toàn thể Giáo Hội, liên quan đến sứ vụ phổ quát của hàng Giám mục trong sự hiệp nhất với Giáo hoàng. Đây là yếu tố nền tảng của “thừa tác vụ Phêrô”.

3. Phần lớn Giám mục thực thi sứ vụ mục tử trong Giáo phận của mình. Giáo phận là gì? Sắc lệnh Christus Dominus trả lời câu hỏi này như sau: “Giáo phận là một phần của đoàn Dân Thiên Chúa được giao phó cho một Giám mục chăn dắt, với sự trợ giúp của Linh mục đoàn, để khi liên kết với vị chủ chăn của mình và được chính ngài qui tụ trong Chúa Thánh Thần nhờ Tin Mừng và Thánh Thể, giáo phận lập thành một Giáo Hội địa phương, trong đó Giáo Hội Duy Nhất, Thánh Thiện, Công Giáo và Tông Truyền của Chúa Kitô thật sự hiện diện và hành động.” (CD, số 11)

Vì thế, theo Công đồng, mỗi Giáo Hội địa phương sống đời sống của Giáo Hội hoàn vũ, là thực thể nền tảng của Giáo Hội. Hơn nữa, dấu chỉ đặc biệt và quan trọng nhất, Giáo phận là một phần của Giáo Hội hoàn vũ, không những là một phần của Dân Thiên Chúa, thường được xác định theo lãnh thổ, mà còn là một thực thể mang những đặc tính cao quý cần phải luôn tôn trọng. Trong một số trường hợp, như lịch sử đã chứng thực, những giá trị này rất có ý nghĩa và lan rộng trong từng dân tộc, thậm chí trong cả Giáo Hội hoàn vũ. Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể nói rằng, ở mọi nơi và mọi thời, sự đa dạng của các Giáo phận góp phần nâng cao gia sản thiêng liêng và đáp ứng nhu cầu mục vụ của Giáo Hội.

4. Chúng ta đọc tiếp trong Sắc lệnh: “Được ủy thác chăm sóc một Giáo Hội địa phương, mỗi Giám mục dẫn dắt đoàn chiên của mình nhân danh Chúa, dưới quyền Đức Giáo Hoàng, với tư cách là mục tử riêng, thường xuyên và trực tiếp khi thi hành phận vụ giáo huấn, thánh hóa và lãnh đạo đoàn chiên.” (CD, số 11) Do đó, quyền tài phán của Giám mục trên đoàn chiên là “riêng biệt, thường xuyên và trực tiếp”. Tuy nhiên, vì sự duy nhất và phẩm trật trong Giáo Hội, quyền tài phán này được thi hành trong sự hiệp thông với thẩm quyền của Đức Giáo Hoàng. Do vậy, các Giám mục “phải nhìn nhận năng quyền hợp pháp của các Thượng Phụ hay những Thẩm quyền phẩm trật khác.” (CD, số 11), theo như lịch sử tiến triển cơ cấu của Giáo Hội ở nhiều nơi khác nhau. Tuy nhiên, như Công đồng chỉ ra, điều thực sự quan trọng có tính quyết định là các Giám mục thi hành sứ vụ mục tử “nhân danh Chúa”.

5. Dưới ánh sáng Công đồng, sứ vụ của các Giám mục được trình bày trong những giá trị thuộc thể chế, tâm linh và mục vụ, trong mối tương quan với những điều kiện và tình trạng khác nhau của đoàn chiên được trao phó. Công đồng nhấn mạnh, “Các Giám mục phải tận tâm thực thi nhiệm vụ Tông đồ của mình như những chứng nhân của Chúa Kitô trước mặt mọi người, không chỉ chăm sóc những kẻ đang bước theo vị Thủ Lãnh các chủ chăn, mà còn ân cần quan tâm đến những người vì bất cứ lý do nào đã đi lạc đường chân lý hay không biết đến Tin Mừng và lòng thương xót cứu độ của Chúa Kitô, cho đến khi mọi người sẽ tiến bước “trong tất cả những gì là thiện hảo, công chính và chân thật” (Ep 5,9).” (CD, số 11)

Cho nên, các Giám mục được mời gọi noi gương “Con Người”, Đấng “đến để tìm và cứu những gì đã mất” (Lc 19,10), như lời của Đức Giêsu nói khi đến thăm nhà của Giakêu. Đó cũng là bản chất ơn gọi truyền giáo của các ngài.

Hàng Giám mục phải độc lập với quyền bính dân sự

6. Công đồng viết tiếp: “Cần quan tâm đặc biệt đến những tín hữu không được hưởng đầy đủ hoặc thậm chí thiếu hẳn sự chăm sóc mục vụ chung và thường xuyên của các cha xứ, chỉ vì lý do hoàn cảnh sinh sống, chẳng hạn đa số những người di cư, lưu đày, tị nạn, những người đi biển, các nhân viên phi hành, người phiêu cư và những trường hợp khác tương tự. Cũng nên cổ võ việc sử dụng những phương pháp mục vụ thích hợp để nâng đỡ đời sống thiêng liêng của những người phải đi tĩnh dưỡng trong một thời gian tại những nơi xa nhà.” (CD, số 18). Các Giám mục có bổn phận chăm sóc mục vụ cho những nhóm người và các tầng lớp xã hội trên, đặc biệt là những cá nhân thuộc các hình thức xã hội cũ và mới. Mặc dù họ không thuộc cơ cấu cố định của Giáo phận, tuy nhiên họ là những tín hữu thuộc Giáo Hội hoàn vũ.

7. Khi thi hành sứ mệnh của mình, các Giám mục có thể đối diện với sự chi phối của quyền lực và cơ cấu xã hội. Trong trường hợp này, các ngài phải hành động theo những chuẩn mực Tin mừng mà các Tông đồ đã theo đuổi, đó là tự do và bác ái. Với mọi trường hợp, những gì Phêrô và Gioan tuyên bố trước Thượng hội đồng Do thái đều luôn có giá trị: “Nghe lời các ông hơn là nghe lời Thiên Chúa, xin hỏi: trước mặt Thiên Chúa, điều ấy có phải lẽ không? Các ông thử xét xem! Phần chúng tôi, những gì tai đã nghe, mắt đã thấy, chúng tôi không thể không nói ra.” (Cv 4,19-20) Những lời này rõ ràng khẳng định nguyên tắc hành động cho những Mục tử của Giáo Hội trước quyền bính thế gian. Và nguyên tắc này luôn có giá trị cho mọi thời.

Về vấn đề này, Công đồng dạy: “Khi thi hành phận vụ tông đồ để cứu rỗi các linh hồn, các Giám mục có quyền được tự do và độc lập trọn vẹn và hoàn toàn đối với bất cứ quyền hành dân sự nào. Vì thế, không ai được phép trực tiếp hay gián tiếp ngăn cản việc thi hành phận vụ thuộc phạm vi giáo quyền của các ngài, hoặc ngăn cấm các ngài tự do liên lạc với Tòa Thánh, với những Thẩm quyền khác trong Giáo Hội, và với những kẻ thuộc quyền các ngài.

Khi chuyên tâm chăm sóc tinh thần cho đoàn chiên của mình, chắc chắn các Mục tử cũng quan tâm đến sự phát triển và thịnh vượng trong lãnh vực xã hội cũng như dân sự, đó là điều các ngài nhắm tới khi hợp tác trong các hoạt động cùng với chính quyền dân sự, đúng theo bản chất nhiệm vụ của mình và phù hợp với tư cách Giám mục, đồng thời sẵn sàng tuân thủ các luật lệ chính đáng cũng như tôn trọng các quyền bính hợp pháp.” (CD, số 19)

8. Khi nói về trách nhiệm và sứ mạng của hàng Giám mục, Công đồng cũng nói đến việc chỉ định Giám mục phụ tá cho Giám mục giáo phận. Theo đó, “vì Giám mục giáo phận không thể đích thân chu toàn mọi nhiệm vụ Giám mục như lợi ích của các linh hồn đòi hỏi, hoặc vì giáo phận quá rộng lớn, nhân số quá đông, hoặc do những hoàn cảnh đặc biệt của hoạt động tông đồ, hoặc do những lý do khác. Hơn nữa, đôi khi nhu cầu đặc biệt đòi hỏi, phải đặt một Giám mục Phụ tá để giúp đỡ Giám mục giáo phận” (CD, số 25). Theo quy định, Giám mục phụ tá được bổ nhiệm nhằm kế vị Giám mục giáo phận tại chức. Nhưng vượt lên trên những nguyên tắc thuộc Giáo luật, điều mà bản văn Công đồng nhắm đến: đó là “thiện ích của các linh hồn”. Tất cả nguyên tắc hay luật lệ phải luôn được sắp xếp và thực hiện theo “luật tối thượng”, đó là “cứu rỗi các linh hồn”.

9. Những điều luật sau đây của Công đồng cũng có thể giải thích dựa trên điều thiện ích trên: “Nhu cầu mục vụ ngày càng đòi hỏi một số công tác mục vụ phải được điều hành và phát huy cách đồng nhất, vì thế rất nên thiết lập một số cơ quan chức năng, có thể do các Giám mục đảm trách, để phục vụ tất cả hay nhiều giáo phận trong cùng một miền hay một nước.” (CD, số 42). Bất cứ ai quan sát tình hình mục vụ và cơ cấu của Giáo Hội ngày nay ở các quốc gia khác nhau trên thế giới đều có thể dễ dàng thấy rằng, các điều luật này đã được thi hành trong nhiều cơ quan do các Giám mục hoặc chính Tòa thánh thiết lập trước và sau Công đồng, đặc biệt phục vụ cho sứ vụ truyền giáo, bác ái xã hội và các hoạt động văn hóa. Một ví dụ điển hình và phổ biến là Công đồng cỗ võ việc thành lập nhiều Đấng Bản quyền đặc biệt, theo đường lối của Tòa thánh, nhằm chăm sóc tinh thần (tuyên úy) cho các quân nhân: “Việc chăm sóc phần thiêng liêng cho các quân nhân cũng rất đáng lưu tâm, do những hoàn cảnh đặc biệt của nếp sống quân ngũ, vì thế trong mỗi quốc gia phải tùy khả năng thiết lập một Nha Tuyên úy Công Giáo.” (CD, số 43)

Sự hiệp nhất và liên kết của hàng Giám mục là yếu tố cần thiết

10. Với những lĩnh vực hoạt động mới, thường phức tạp và khó khăn, cũng như trong việc hoàn thành bổn phận mục tử thông thường của từng Giáo phận, các Giám mục cần sự hiệp nhất và liên kết với nhau trong tinh thần bác ái huynh đệ và đoàn kết tông đồ với tư cách là những thành viên của Giám mục đoàn nhằm chu toàn các bổn phận lớn nhỏ mỗi ngày. Công đồng cũng nói như sau: “Đặc biệt ngày nay, các Giám mục thường không thể chu toàn nhiệm vụ của mình cách thích đáng và có hiệu quả, nếu không liên kết ngày càng chặt chẽ hơn và hợp tác ngày càng mật thiết hơn với các Giám mục khác.” (CD, số 37)

Rõ ràng, sự hiệp nhất và liên kết luôn được xem như chìa khóa của công tác mục vụ. Đây là một nguyên tắc của Hội Thánh mà chúng ta phải trung thành hơn bao giờ hết, nếu chúng ta muốn “xây dựng Thân Thể Chúa Kitô”, như thánh Phaolô nói trong (x. Ep 4,12; Cr 2,19; 1Cr 12,12; Rm 12,4-5; v.v.). Và theo lời thánh nhân, từng Mục tử chân chính khác của Giáo Hội trong nhiều thế kỷ đã thực thi điều đó.