Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

TGH Gioan Phaolô II – BÀI 50: ĐỨC GIÁM MỤC RÔMA LÀ VỊ KẾ NHIỆM CỦA THÁNH PHÊRÔ

Administrator
2020-01-11 15:28 UTC+7 25
Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh BÀI 50: ĐỨC GIÁM MỤC RÔMA LÀ VỊ KẾ NHIỆM CỦA THÁNH PHÊRÔ Thánh ý của Chúa Kitô là nên có những vị kế nhiệm thánh Phêrô để tiếp tục sứ mệnh của thánh nhân như nguyên lý hữu hình của sự hiệp nhất trong đức tin của […]

Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh

BÀI 50: ĐỨC GIÁM MỤC RÔMA LÀ VỊ KẾ NHIỆM CỦA THÁNH PHÊRÔ

Thánh ý của Chúa Kitô là nên có những vị kế nhiệm thánh Phêrô để tiếp tục sứ mệnh của thánh nhân như nguyên lý hữu hình của sự hiệp nhất trong đức tin của Giáo Hội

Thánh ý của Chúa Kitô là nên có những vị kế nhiệm thánh Phêrô để tiếp tục sứ mệnh của thánh nhân như nguyên lý hữu hình của sự hiệp nhất trong đức tin của Giáo Hội. Tại buổi Tiếp Kiến Chung thứ Tư, ngày 27 tháng Một, Đức Thánh Cha trở lại với bài giáo lý về mầu nhiệm Giáo hội. Buổi nói chuyện thứ 50 trong loạt bài về mầu nhiệm Giáo Hội, ngài nói về Đức Giám mục Rôma vị như là vị kế nhiệm thánh Phêrô. Đây là bản dịch bài nói chuyện bằng tiếng ý của ngài

1. Ý định của Chúa Giêsu là đặt thánh Phêrô làm “tảng đá” của Giáo Hội (x. Mt 16,18) có một giá trị vượt xa cuộc sống trần thế của Tông đồ. Chúa Giêsu thấu hiểu Giáo Hội của Người và muốn Giáo Hội hiện diện, hoạt động trong tất cả các quốc gia đến khi thành toàn lịch sử chung cuộc (xem Mt 26,14; 28,19; Mc 16,15; Lc 24,47; Cv 1,8). Do vậy, lúc Người muốn có vị kế nhiệm các Tông đồ để tiếp tục việc truyền giáo ở nhiều nơi trên thế giới, vì Người cũng đã thấy trước và mong muốn những vị kế nhiệm thánh Phêrô sẽ được giao phó cùng sứ vụ mục vụ và được trang bị những quyền hành tương tự, bắt đầu với sứ mệnh và quyền bính của Tảng đá thực hữu, tức là huấn lệnh hữu hình hiệp nhất trong đức tin, trong tình yêu, trong sứ vụ truyền giáo, trong việc thánh hóa và lãnh đạo được giao phó cho Giáo hội. Điều này được Công đồng Vatican I giải thích: “Điều Chúa Kitô, quân vương của các mục tử và người chăm sóc chiên vĩ đại, đã thiết lập Giáo hội nơi thánh Tông đồ Phêrô diễm phúc vì ơn cứu độ muôn đời và phúc lộc vĩnh hằng của Giáo hội, nên Giáo hội phải luôn sống theo thánh ý Chúa Kitô, vì được thiết lập trên Tảng đá sẽ vững bền đến ngày sau hết” (Const. Pastor aeternus, số 2: DS 3056). Công đồng cũng xác định với tư cách là chân lý của đức tin “Chính bởi sáng kiến của Chúa Kitô, Đấng thánh đã ban phúc lành cho thánh Phêrô luôn có những vị kế nhiệm nắm quyền tối cao trên toàn thể Giáo hội” (sđd., DS 3058). Đây là điều thiết yếu của một Giáo hội cơ cấu có hệ thống và phẩm trật mà không ai có quyền thay đổi. Qua các thời kì, Giáo hội luôn có những người kế nhiệm thánh Phêrô vâng theo thánh ý Chúa.

Giám mục Rôma kế vị quyền tối thượng của thánh Phêrô.

2. Công đồng Vatican II đã công nhận và nhắc lại giáo huấn của Công đồng Vatican I, nhấn mạnh hơn đến mối liên kết giữa quyền tối cao của vị kế nhiệm thánh Phêrô cũng như Hội đồng Giám mục, không được làm giảm đi quy định về quyền bính mà truyền thống Kitô giáo cổ thời đã xác nhận, nổi bật có thánh Inhaxiô thành Antiôkia và thánh Irênê thành Lyon. Dựa trên cơ sở truyền thống này, Công đồng Vatican I cũng khẳng định rằng “Giám mục Rôma là người kế vị quyền bính của thánh Phêrô” (DS 3058). Định nghĩa này khẳng định quyền tối thượng của thánh Phêrô và những vị kế nhiệm ngài với Tòa Rôma, không Tòa nào có thể thay thế nếu xét bối cảnh thời gian hay lý do đặc biệt, các Giám mục Rôma tạm trú ở ngoài thành Rôma. Chắc chắn, điều kiện chính trị của một thành phố có thể thay đổi sâu rộng qua hàng thế kỷ: nhưng vẫn như trường hợp của Rôma, một không gian xác định mà một tổ chức như Tòa Giám mục luôn được nhắc đến; trong trường hợp của Rôma, Tòa thánh Phêrô. Thật ra, Chúa Giêsu không nói rõ vai trò của Rôma trong việc kế nhiệm thánh Phêrô. Chắc hẳn, Người muốn thánh Phêrô có người kế vị, nhưng trong Tân ước không nói đến ước muốn cụ thể nào đến việc Người chọn Rôma là Tòa đứng đầu. Chúa Giêsu thích đưa ra các sự kiện lịch sử về chương trình của Thiên Chúa hơn khẳng định các hoàn cảnh cụ thể về vị kế nhiệm thánh Phêrô sẽ xuất hiện. Sự kiện lịch sử mang tính quyết định là sự kiện ngư dân thành Bêtsaiđa đến Rôma và đã chịu tử đạo trong thành phố này. Đó là sự kiện giàu ý nghĩa thần học vì cho thấy mầu nhiệm chương trình của Thiên Chúa sắp xếp tiến trình các sự kiện phù hợp với sự hình thành và phát triển của Giáo Hội.

3. Biến cố thánh Phêrô đến Rôma và chịu tử đạo tại đây là một phần của truyền thống rất cổ thời đã diễn tả trong sử liệu quan trọng và những khám phá khảo cổ học liên quan đến việc tôn kính lăng mộ thánh Phêrô, từ rất lâu đã trở thành nơi kính thờ. Trong số những tài liệu chép tay, trước tiên chúng ta nhắc lại lá thư của Đức Giáo Hoàng Clêmentê gửi giáo đoàn Côrintô (khoảng năm 89-97), Giáo Hội Rôma được xem là Giáo Hội của thánh Phêrô và Phaolô, người đã chịu tử đạo thời vua Nêrô. Đức Giáo Hoàng đã đề cập đến cuộc bách hại (5,1-7). Việc nhấn mạnh tham chiếu truyền thống của hai Tông đồ có liên quan đến cuộc tử đạo trong Giáo hội Rôma là điều thật thú vị trong mối liên hệ này. Giám mục Rôma là người kế vị thánh Phêrô; tuy nhiên, ngài cũng có thể được gọi là người thừa kế của thánh Phaolô, đại diện lớn nhất cho những nỗ lực truyền giáo của Giáo Hội thời kỳ sơ khai và sự phong phú về đặc sủng. Các Giám mục Rôma nói chung, đã giảng dạy, và bảo vệ chân lý của Chúa Kitô, cử hành các nghi thức Giám mục và ban phúc lành cho các tín hữu nhân danh thánh Phêrô và thánh Phaolô, “Quân vương của các Tông đồ”, the olivae binaepietatis unicae, được hát trong thánh thi ngày lễ trọng ngày 29 tháng 6 mừng kính hai thánh Tông đồ. Giáo phụ, phụng vụ và thánh tượng học thường diễn tả kết hợp với việc tử đạo và vinh quang.

 Chuỗi liên kết không bị phá vỡ giữa Phêrô và những người kế nhiệm

Tuy nhiên, các Giám mục Rôma đã thực thi quyền bính của mình ở Rôma và tùy theo bối cảnh và cơ hội mà thực thi trong khu vùng rộng lớn hơn và thậm chí là toàn cầu. Các bản văn không cho chúng ta biết sự kế vị này xảy ra như thế nào trong mắt xích đầu tiên kết nối thánh Phêrô với hàng loạt Giám mục Rôma. Tuy nhiên, có thể suy ra nhờ xem xét những điều mà Đức Giáo Hoàng Clementê đã nói trong thư đã trích dẫn ở trên liên quan đến các Giám mục đầu tiên sau thánh Phêrô và người kế nhiệm các Giám mục của họ. Sau khi nhớ lại việc các Tông đồ “rao giảng ở miền quê và các thành phố, đã trải nghiệm những hoa trái đầu tiên của họ trong Thánh Thần và bổ nhiệm họ là các Giám mục và phó tế của các tín hữu tương lai” (42,4). Thánh Clêmentê nói chi tiết hơn rằng để tránh các mâu thuẫn sẽ xảy ra những chuyện liên can đến phẩm giá của Giám mục, thì các Tông đồ “đã chỉ định cho những vị kế nhiệm và sau đó truyền lệnh là sau khi họ chết, những người được công nhận khác sẽ kế vị họ”. Nhờ các phương thế lịch sử và quy điển mà gia sản được truyền lại cho họ có thể thay đổi, và thực sự đã thay đổi; nhưng qua nhiều thế kỷ, có một chuỗi liên kết không bị phá vỡ từ thánh Phêrô sang người kế vị đầu tiên của ngài ở Tòa Rôma.

4. Phương pháp nghiên cứu lịch sử về người kế vị thánh Phêrô (có thể được gọi là di truyền học) trong Giáo Hội Rôma do hai nghiên cứu khác đã xác nhận : một là điều tiêu cực, bắt đầu với sự cần thiết người kế vị thánh Phêrô vì thể chế của Chúa Kitô (và iure divino, như luôn được nói trong ngôn ngữ thần học quy điển), xác định rằng không có dấu chỉ về quyền kế nhiệm trong bất kì Giáo Hội nào khác; ngoài ra, chúng ta có thể xét đến khía cạnh khác được gọi là tích cực: điều cốt yếu là diễn tả lý lẽ về các dấu chỉ trong mỗi thời điểm của Tòa Rôma về vị kế nhiệm thánh Phêrô.

5. Thánh Inhaxiô thành Antiôkia đã ca ngợi sự xuất sắc của Giáo Hội Rôma, và đưa ra lời chứng quan trọng liên quan đến mối liên hệ giữa quyền tối cao của Đức Giáo Hoàng và Tòa Rôma. Trong thư gửi cho tín hữu Rôma, nhân chứng có thẩm quyền về phát triển tổ chức và phẩm trật của Giáo Hội khi Giáo Hội đã trải qua trong nửa đầu thế kỷ thứ hai, tuyên bố Giáo Hội “Nơi nắm quyền tối cao trong mảnh đất của người Rôma, xứng đáng với Thiên Chúa, xứng đáng được kính trọng, xứng đáng được chúc phúc, xứng đáng với thành quả vui sướng, đáng trân trọng, nơi diễn tả lòng bác ái.” (Intr). Bác ái (agape:) theo ngôn ngữ của thánh Inhaxiô nói về cộng đoàn Giáo Hội. Chủ trì bác ái diễn tả quyền tối trong đó sự hiệp thông của bác ái và tính tất yếu bao gồm việc phục vụ của quyền bính, ministerium Petrinum. Thực ra, thánh Inhaxiô thừa nhận thẩm quyền giảng dạy của Giáo Hội Rôma: “Bạn chưa bao giờ tức giận với học trò của mình. Vì thế tôi muốn bạn kiên định với những điều bạn đã dạy” (3,1).

Đồng ý với tất cả yêu cầu của Giáo hội Rôma

Những câu nói liên quan đến tầm quan trọng về quyền bính của Giám mục Antiôkia cho thấy nguồn gốc của vị trí danh dự này cũng rất đáng kính bởi vì sự cổ kính và mối liên hệ đến các Tông đồ: “Tôi không ra lệnh cho anh giống như ông Phêrô và ông Phaolô đã làm” (4,3). Thay vào đó, Giám mục Inhaxiô giao Giáo Hội Syria cho Giáo Hội Rôma: “Trong lời nguyện hãy nhớ đến Giáo Hội Syria, vì Thiên Chúa đã trao cho bạn quyền mục tử thay tôi. Chỉ Chúa Giêsu Kitô, và lòng bác ái của bạn sẽ cai quản Giáo Hội như một Giám mục” (9,1).

6. Việc truy tìm để xác định người kế nhiệm các Tông đồ, thánh Irênê thành Lyon nhắc lại Giáo Hội Rôma như mẫu gương và tiêu chí xuất sắc của sự kế nhiệm này. Ngài viết: “Vì công việc liệt kê ra tất cả các người kế nhiệm trong toàn Giáo Hội mất quá nhiều thời gian, nên chúng tôi sẽ xem xét những Giáo Hội lớn và cổ xưa mà mọi người biết đến, do hai thánh Tông đồ vẻ vang Phêrô và Phaolô thành lập và thiết lập ở Rôma. Bằng cách thể hiện truyền thống nhận được từ các Tông đồ và đức tin được loan báo cho mọi người, những người đến với Giáo Hội qua các Giám mục kế nhiệm, chúng ta từ chối tất cả những người dù là điên rồ hay kiêu căng, mù lòa và lầm lỗi, tập hợp họ lại với nhau vượt ra ngoài những gì là đúng. Thực ra với Giáo Hội này, vì nguồn gốc của giáo hội này xuất sắc hơn mọi giáo hội (ví dụ: các tín hữu đến từ khắp mọi nơi) ắt hẳn phải công nhận về Giáo hội này – với Giáo Hội mang truyền thống đến từ các Tông đồ luôn được mọi người bảo vệ ( Adv. Haer., 3, 2). Người ta nhìn nhận Giáo Hội Rôma có “nguồn gốc trội hơn hẳn”, vì hai thánh Phêrô và Phaolô là hai đại diện lớn nhất về uy quyền và đặc ân của các Tông đồ: những Giáo Hội khác chỉ có thể sống và làm việc với sự chấp thuận (trong sự hòa hợp) của Giáo Hội Rôma: Chấp thuận (sự hòa hợp này) này đòi hỏi sự hiệp nhất trong đức tin, giảng dạy và kỉ luật, chính xác là điều được trong truyền thống tông đồ nắm giữ. Như vậy, Tòa Rôma là qui chuẩn và đo lường tính chính thống của các Tông đồ nơi các Giáo Hội khác, sự bảo đảm và nguyên tắc hiệp thông trong “đức ái” phổ quát, sự hình thành (Kephas) nền tảng của cơ cấu hữu hình của Giáo Hội được thiết lập và cai quản nhờ Đức Kitô phục sinh như là “Mục tử vĩnh hằng” của toàn thể đoàn chiên tín hữu.