Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

TGH Gioan Phaolô II – BÀI 63: BÍ TÍCH THÁNH THỂ NẰM TẠI TRUNG TÂM CỦA LINH ĐẠO LINH MỤC

Administrator
2020-01-24 15:54 UTC+7 26
Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh BÀI 63: BÍ TÍCH THÁNH THỂ NẰM TẠI TRUNG TÂM CỦA LINH ĐẠO LINH MỤC Trong bí tích Thánh Thể, linh mục được kết hợp với Đức Kitô trong hy lễ tạ ơn dâng lên Chúa Cha, được lớn lên trong đức ái mục vụ và học cách […]

Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh

BÀI 63: BÍ TÍCH THÁNH THỂ NẰM TẠI TRUNG TÂM CỦA LINH ĐẠO LINH MỤC

Trong bí tích Thánh Thể, linh mục được kết hợp với Đức Kitô trong hy lễ tạ ơn dâng lên Chúa Cha, được lớn lên trong đức ái mục vụ và học cách ca ngợi Thiên Chúa vì những ơn lành của Người

Trong buổi Tiếp kiến chung ngày 9 tháng 6, Đức Thánh Cha tiếp tục loạt bài về Giáo hội. Thứ Tư trước lễ Mình Máu Thánh Chúa và chuyến thăm Tây Ban Nha cho Đại hội Thánh Thể Quốc tế, Đức Thánh Cha đã nói về Bí tích Thánh Thể trong đời sống thiêng liêng của người linh mục. Bài giáo lý này là bài 62 trong loạt bài hiện tại.

Đôi mắt các tín hữu trên khắp thế giới đang hướng sang Seville nơi mà Đại hội Thánh Thể Quốc tế đang được cử hành, và nơi tôi sẽ có niềm vui vào thứ bảy và Chúa nhật tới.

Tại đầu buổi gặp gỡ hôm nay, chúng ta sẽ suy tư về giá trị của Bí tích Thánh Thể trong đời sống thiêng liêng của người linh mục. Trong tấm lòng của người cha, tôi xin mời mọi người tham gia vào tinh thần trong việc cử hành trọng đại đó, nơi kêu gọi mỗi người hãy làm mới thức sự về đức tin và lòng sùng kính đối với sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể.

1. Các bài giáo lý về đời sống tâm linh của người linh mục mà chúng ta đang khai triển đặc biệt liên quan đến các vị linh mục, nhưng chúng cũng được gửi đến tất cả các tín hữu. Thật tốt khi mọi người biết giáo lý Hội Thánh về chức linh mục và những gì Hội Thánh mong muốn nơi những người đã lãnh nhận được nó, được nên giống hình ảnh tuyệt vời của Chúa Kitô, Vị Thượng Tế đời đời và là lễ vật hy sinh thánh khiết nhất của hy tế cứu độ. Hình ảnh đó được triển khai trong thư Hipri và trong các bản văn khác của các Tông đồ và các tác giả Tin mừng, và được lưu truyền một cách trung thành trong truyền thống tư tưởng và đời sống của Giáo Hội. Ngày nay cũng vậy, các giáo sĩ cần trung tín với hình ảnh này, nhằm phản ánh chân lý sống động của Chúa Kitô, Thượng Tế và Lễ vật hy sinh.

Mỗi vị linh mục nên cử hành thánh lễ hàng ngày

2. Việc tái tạo hình ảnh đó nơi các linh mục được thực hiện chủ yếu thông qua sự tham gia đầy sức sống của họ vào mầu nhiệm Thánh Thể, mà chức tư tế Kitô giáo về bản chất được gắn kết với mầu nhiệm này. Công đồng Trentô nhấn mạnh mối ràng buộc giữa chức tư tế và hy lễ xuất phát từ ý muốn của Đức Kitô, Đấng đã trao cho các thừa tác viên của Người “quyền thánh hóa, dâng hiến và phân phát Mình và Máu của Người” (x. DS 1764). Trong đó, mầu nhiệm hiệp thông với Đức Kitô trong hiện hữu và hoạt động phải được chuyển thành một đời sống thiêng liêng thấm nhuần đức tin và tình yêu dành cho Bí tích Thánh Thể.

Linh mục ý thức rõ rằng các vị không thể dựa vào nỗ lực của chính mình để đạt được mục tiêu của thừa tác vụ. Nhưng hơn hết, các vị được kêu gọi phục vụ như một khí cụ trong hành động chiến thắng của Chúa Kitô mà hy tế của Người, hiện diện trên bàn thờ, dành cho nhân loại quà tặng thiêng liêng phong phú. Tuy nhiên, cũng biết rằng, để xứng đáng công bố những lời thánh hóa nhân danh Chúa Kitô – “Đây là mình Thầy …. Đây là chén máu Thầy” – các linh mục phải kết hiệp sâu sắc với Chúa Kitô và tìm cách tái hiện dung mạo của Chúa Kitô trong chính mình. Càng sống mãnh liệt trong Chúa Kitô, các linh mục càng có thể cử hành Bí tích Thánh Thể một cách xứng đáng.

Công đồng Vatican II nhắc lại rằng “Như thừa tác viên của Phụng vụ Thánh, nhất là trong Hiến tế Thánh lễ, các linh mục đặc biệt là hiện thân của Chúa Kitô” (Presbyterorum ordinis, số 13) và thiếu các linh mục thì không thể có hy tế Thánh Thể. Tuy nhiên, điều này nhấn mạnh rằng những ai cử hành hy lễ này nhất thiết phải hoàn thành vai trò của họ trong sự kết hiệp thiêng liêng mật thiết với Chúa Kitô, bằng lòng khiêm tốn, như những thừa tác viên phục vụ cộng đoàn của Đức Giêsu. “Các ngài được mời gọi sống theo điều các ngài đang thi hành, bằng cách khi cử hành mầu nhiệm Chúa chịu chết, các ngài khắc chế bản thân khỏi những khuyết điểm và dục vọng” (sđd., số 13). Khi dâng hy lễ Thánh Thể, các linh mục phải dâng hiến chính mình cùng với Đức Kitô, chấp nhận mọi từ bỏ và hy sinh theo yêu cầu của đời sống linh mục – một lần nữa và luôn luôn, với Chúa Kitô và như Chúa Kitô, “Sacerdos et Hostia”.

3. Nếu các linh mục “lắng nghe” sự thật đã được trao cho các vị và cho tất cả các tín hữu như tiếng nói của Tân Ước và Truyền thống, các vị sẽ hiểu được lời khuyên tha thiết của Công đồng: “Các ngài hãy cử hành Thánh lễ hàng ngày, kể cả khi không có các tín hữu tham dự, vì đó vẫn là hành động của Đức Kitô và của Giáo Hội” (sđd., số 13). Xu hướng cử hành bí tích Thánh Thể chỉ khi có sự hội tụ các tín hữu nổi lên trong những năm đó. Theo Công Đồng, mặc dù mọi thứ nên được thực hiện để tập hợp tín hữu cho việc cử hành, thế nhưng ngay cả khi linh mục chỉ có một mình, thì việc dâng thánh lễ mà vị ấy thực hiện cũng nhân danh Đức Kitô. Công hiệu của thánh lễ ấy vẫn phát sinh từ Chúa Kitô và luôn mang đến những ân sủng mới cho Giáo hội. Do đó, tôi cũng đề nghị với các linh mục và cho tất cả Kitô hữu rằng họ hãy cầu xin Chúa ban cho một đức tin mạnh mẽ về giá trị này của Bí tích Thánh Thể.

Việc viếng thăm Thánh Thể được khuyến nghị

4. Thượng hội đồng Giám Mục năm 1971 đã chấp nhận một điểm giáo lý và tuyên bố: “Ngay cả khi Bí tích Thánh Thể được cử hành mà không có sự tham gia của các tín hữu, nó vẫn là trung tâm đời sống của toàn thể Giáo hội và trọng tâm hiện sinh của linh mục” (x. Enchiridion Vaticanum, 4, 1201).

Đây là cách diễn tả tuyệt vời: “Trung tâm đời sống của toàn thể Giáo Hội”. Bí tích Thánh Thể tạo nên Giáo Hội, cũng giống như Giáo Hội tạo nên Bí tích Thánh Thể. Vị linh mục đã được giao trọng trách xây dựng Giáo Hội và thực hiện nhiệm vụ này chủ yếu thông qua Bí tích Thánh Thể. Ngay cả khi thiếu sự tham dự của các tín hữu, các linh mục vẫn hợp tác trong việc quy tụ mọi người xung quanh Chúa Kitô trong Giáo Hội bằng cách cử hành Thánh Thể.

Thượng hội đồng bàn thêm về Bí tích Thánh Thể như “trọng tâm hiện sinh của linh mục”. Điều này có nghĩa là vị linh mục, mong muốn được sống và kết hợp mật thiết với Chúa Kitô, tìm thấy Người trước tiên trong Bí tích Thánh Thể. Bí tích mang lại sự kết hiệp mật thiết này và mở ra cho một sự thăng tiến để có thể đạt đến đỉnh cao của sự hiệp nhất mầu nhiệm.

5. Ở cấp độ này, cấp độ của rất nhiều linh mục thánh thiện đạt tới, linh hồn của các vị không bị khép kín, bởi vì theo một cách đặc biệt trong bí tích Thánh Thể, linh hồn kín múc “tình yêu của Đấng đã trao ban chính mình làm lương thực cho các tín hữu” (Presbyterorum ordinis, số 13). Bởi thế người linh mục cảm thấy được dẫn dắt để dấn thân cho các tín hữu mà ngài đã trao Mình Thánh Chúa Kitô. Được nuôi dưỡng bởi Thánh Thể, các linh mục được thúc đẩy để giúp các tín hữu tự mở ra sự hiện diện tương tự, và được nuôi dưỡng từ tình yêu vô hạn của Người, để lãnh nhận hoa trái dồi dào hơn từ bí tích này.

Với mục đích này, linh mục có thể và phải tạo bầu khí cần thiết để cử hành Thánh Thể cách xứng đáng. Đó là bầu khí cầu nguyện: lời nguyện phụng vụ mà mọi người phải được mời gọi và đào luyện cho việc này; lời nguyện của việc chiêm niệm cá nhân; lời nguyện trong truyền thống phổ biến của Kitô giáo, có thể theo sau, và theo một chừng mực nào đó cũng đồng hành trong Thánh lễ. Lời nguyện của những nơi thiêng liêng, nghệ thuật thánh, bài hát thiêng liêng, thánh nhạc (đặc biệt là đàn organ), được thể hiện trong các công thức và nghi thức, và liên tục gợi hứng và nâng cao mọi thứ, đến nỗi nó có thể góp phần vào việc tôn vinh Thiên Chúa và nâng cao tinh thần của người Kitô hữu được tập hợp trong cử hành Thánh Thể.

6. Đối với các linh mục, ngoài việc cử hành Thánh lễ hàng ngày, Công Đồng cũng khuyến nghị “lòng sùng kính cá nhân” đối với Bí tích Thánh Thể, và đặc biệt là “thưa chuyện hàng ngày với Chúa Kitô khi viếng thăm Thánh Thể” (Presbyterorum ordinis, số 18). Đức tin và tình yêu đối với Bí tích Thánh Thể không thể cho phép để Đức Kitô trong đền tạm hiện diện một mình (Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 1418). Ngay trong Cựu Ước, chúng ta đã thấy rằng Thiên Chúa ngự trong “lều” (hay “nhà tạm”), được gọi là “lều hội ngộ” (Xh 33, 7). Cuộc gặp gỡ này được Thiên Chúa mong muốn. Có thể nói rằng trong nhà tạm của Bí tích Thánh Thể cũng vậy, Chúa Kitô hiện diện trong cuộc đối thoại với dân mới của Người và với cá nhân các tín hữu. Người linh mục là người đầu tiên được mời vào lều hội ngộ này, đến thăm Chúa Kitô trong đền tạm để “thưa chuyện hàng ngày”.

Cuối cùng, tôi muốn nhắc lại rằng, hơn bất kỳ ai khác, các linh mục được kêu gọi để chia sẻ tâm tình chủ yếu của Chúa Kitô trong bí tích Thánh Thể. Đó là “tạ ơn” mà từ đó tên của nó được dùng cho bí tích này. Kết hiệp với Chúa Kitô – Thượng tế và Lễ vật Hy sinh, các linh mục không chỉ chia sẻ của lễ của Người, mà còn cả tâm tình tạ ơn của Người đối với Chúa Cha vì những ơn lành mà Chúa Cha đã dành cho nhân loại, cho mọi linh hồn, cho chính các linh mục, cho mọi loài và dưới đất cũng như trên trời được chia sẻ vinh quang của Thiên Chúa. Gratias agimus tibi propter magnam gloriam tuam … Vì vậy, để chống lại những cáo trạng và phản đối Thiên Chúa – điều thường được nghe thấy trên thế gian – vị linh mục dâng lên khúc ca ngợi khen và cầu phúc, được cất lên bởi những người có khả năng nhận ra nơi con người và thế giới những dấu hiệu của một sự tốt lành vô hạn.