Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

TGH Gioan Phaolô II – BÀI 91: SỰ THẬT SÂU XA CỦA BỆNH TẬT

Administrator
2020-07-03 00:54 UTC+7 31
Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh BÀI 91: SỰ THẬT SÂU XA CỦA BỆNH TẬT Hai bài giáo lý trước đây bàn về ý nghĩa và giá trị của lao động và đau khổ. Buổi tiếp kiến lần này, ngày 15 tháng 06, tiếp tục nói về ý nghĩa của bệnh tật. Dựa vào […]

Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh

BÀI 91: SỰ THẬT SÂU XA CỦA BỆNH TẬT

Hai bài giáo lý trước đây bàn về ý nghĩa và giá trị của lao động và đau khổ. Buổi tiếp kiến lần này, ngày 15 tháng 06, tiếp tục nói về ý nghĩa của bệnh tật. Dựa vào Tin Mừng, chúng ta biết rằng Chúa Giêsu an ủi bệnh nhân và những thử thách của bệnh tật mời gọi họ dâng sự đau khổ của mình để thánh hóa thế giới

1. Trong bài giáo lý lần trước, chúng tôi đã bàn về phẩm giá của những người đau khổ và hoạt động tông đồ của họ trong Giáo hội. Hôm nay, chúng ta hãy xét riêng đến những người bệnh tật và đau yếu, bởi vì những thử thách về sức khỏe mà họ phải gánh chịu, mang một ý nghĩa quan trọng trong đời sống của con người, hôm nay cũng như trong quá khứ. Giáo hội cam thấy gần gũi và chia sẻ với mầu nhiệm đau khổ này đã liên kết nhiều người trong mọi thời đại với tâm tình của Chúa Giêsu Kitô trong cuộc thương khó.

Ai ai cũng đều gặp một vài cơn thử thách nào đó về sức khỏe, nhưng một vài người phải khổ sở hơn những người khác, chẳng hạn như những người phải chịu đựng một tật nguyền lâu năm, hoặc những người chịu hành hạ do thân thể suy yếu. Chỉ cần đến các bệnh viện thì thấy ngay thế giới của bện tật, khuôn mặt của nhân loại đang rên siết và đau đớn. Giáo hội không thể nào không thấy và không giúp đỡ những người bệnh tật biết nhận thấy “Christus patiens” (Đức Kitô chịu đau khổ), không thể nào không nhắc nhớ kế hoạch của Thiên Chúa đang hướng dẫn những mảnh đời trong tình trạng sức khỏe bấp bênh này lên đến một sự phong phú ở cấp độ cao hơn, không thể nào không trở thành một “Ecclesia compatiens” (Giáo hội đồng khổ): cùng chịu đâu khổ với Chúa Kitô và với tất cả những người đau khổ.

2. Chúa Giêsu đã tỏ lòng trắc ẩn đối với những người đau yếu và bệnh tật, cho thấy tấm lòng nhân hậu và âu yếm, sẵn sàng cứu giúp những người đau khổ trong tâm hồn và thể xác, kể cả bằng việc dùng quyền nằng của Người để làm phép lạ. Người đã thực hiện nhiều cuộc chữa lành đến nỗi rất nhiều bệnh nhân tìm đến được hưởng nhờ quyền năng chữa bệnh của Người. Như thánh Luca đã nói, nhiều đám đông đã tập hợp lại không chỉ để nghe Người giảng, mà còn để “được chữa lành những căn bệnh của họ” (Lc 5,5). Trong việc tận tâm của Người nhằm giải thoát gánh nặng bệnh tật hoặc đau yếu cho những ai tìm đến, Chúa Giêsu cho phép chúng ta thoáng thấy ý định đặc biệt của lòng thương xót Thiên Chúa đối với họ. Thiên Chúa không thờ ơ với những đau khổ do bệnh tật gây ra và Người giúp đỡ bệnh nhân thông qua kế hoạch cứu độ mà Ngôi Lời Nhập Thể mặc khải và hoàn tất trên trần gian.

Chúa Giêsu chữa bệnh để mặc khải sự cứu chữa tâm linh

3. Thật vậy, Chúa Giêsu đã quan tâm, đối đãi với bệnh nhân và người đau yếu dưới viễn ảnh của công trình cứu chuộc mà Người được sai đi để hoàn tất. Những cuộc chữa lành thể lý là một phần trong công việc cứu chuộc này và đồng thời, đó còn là dấu hiệu của sự chữa lành tâm linh tuyệt vời mà Người mang đến cho nhân loại. Ý định cao vời này được tỏ lộ rõ ràng khi đối diện với một người bại liệt được mang đến để được chữa lành, thì trước hết, Người ban cho anh sự tha thứ tội lỗi; thế rồi, khi biết được những thắc mắc của một số Kinh sư và Biệt phái về độc quyền dành cho Thiên Chúa trong lãnh vực này, Người tuyên bố: “Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội thì – Người bảo người bại liệt -, Ta truyền cho con: ‘Hãy đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi về nhà!’“(Mc 2,10-11).

Trong trường hợp này và nhiều trường hợp khác, Chúa Giêsu muốn cho thấy qua một phép lạ quyền năng của mình để giải thoát linh hồn con người khỏi tội lỗi bằng việc thanh tẩy nó. Người cứu chữa bệnh nhân nhằm đến hồng ân cao cả mà Người muốn trao ban cho tất cả mọi người: đó là sự cứu chữa tâm linh (x. CCC 549). Những đau khổ của bệnh tật không thể khiến chúng ta quên đi tâm quan trọng của việc cứu chữa tâm linh đối với mỗi người.

4. Vì vậy, trong viễn cảnh cứu chuộc này, Chúa Giêsu đòi hỏi lòng tin vào quyền năng của Người như Đấng Cứu độ. Trong trường hợp người bại liệt vừa được đề cập, Chúa Giêsu đã đáp lại niềm tin của bốn người đã mang bệnh nhân đến cho Người, theo thánh Máccô kể lại: “Chúa Giêsu thấy lòng tin của họ”(Mc 2,5).

Đối với cha của em bé bị chứng động kinh, Chúa Giêsu đòi hỏi lòng tin, khi nói: “Mọi sự đều có thể được đối với người tin” (Mc 9,23). Người đã thán phục lòng tin của viên sĩ quan: “Ông cứ về đi, ông tin thế nào thì được như vậy” (Mt 8,13), và người phụ nữ Canaan: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy“ (Mt 15,28). Phép lạ cho người mù Bartimaeus được quy cho đức tin của anh: “Lòng tin của anh đã cứu anh” (Mc 10,52). Người cũng nói những lời tương tự với người phụ nữ bị băng huyết: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con” (Mc 5,34).

Chúa Giêsu muốn cho những người ước ao được chữa lành hãy biết rằng lòng tin đặt vào Người sẽ mang lại sự cứu chữa tâm linh, là điều còn lớn lao hơn. Từ các trích dẫn Tin Mừng trên đây, chúng ta biết rằng, trong kế hoạch của Thiên Chúa, bệnh tật có thể khơi lên đức tin. Các bệnh nhân được thúc đẩy sống khoảng thời gian bệnh tật như một thời kỳ sống đức tin sâu xa hơn, nghĩa là thời kỳ để thánh hóa và chấp nhận ơn cứu chuộc từ Đức Kitô cách trọn vẹn và có ý thức hơn. Thật là một hồng ân cao quý khi lãnh nhận ánh sáng về chân lý sâu xa của bệnh tật!

5. Tin Mừng chứng thực rằng Chúa Giêsu đã kết hợp các tông đồ của Ngài với quyền năng chữa lành bệnh tật (x. Mt 10,1), thậm chí, trước khi lên trời, Người đã cho thấy việc chữa lành mà họ thực hiện sẽ là một trong những dấu chỉ về chân lý của việc rao giảng Tin Mừng (x. Mc 16,17-20). Tin Mừng phải được mang đến cho thế giới, đến mọi dân tộc, dẫu có những khó khăn vượt bực đối với loài người. Điều này giải thích tại sao vào thời đầu của Giáo hội, nhiều việc chữa lành kỳ diệu đã xảy ra, và được sách Công vụ Tông đồ nhấn mạnh (x. 3,1-10; 8,7; 9,33-35; 14,8-10; 28,8-10). Vào thời kỳ sau đó, không hề thiếu những việc chữa lành được xem là “kỳ diệu”, như được ghi lại trong các nguồn sử liệu có uy tín về cuộc đời các thánh và trong các hồ sơ của tiến trình phong thánh. Về khía cạnh này, chúng ta biết là Giáo hội đòi hỏi phải hết sức cẩn trọng, vì nó đáp ứng với bổn phận của đức khôn ngoan. Tuy nhiên, dưới ánh sáng lịch sử, người ta không thể nào phủ nhận nhiều trường hợp mà trong mọi thời đều chứng tỏ có sự can thiệp phi thường của Thiên Chúa cứu giúp các bệnh nhân. Tuy nhiên, mặc dù Giáo hội luôn tin rằng có những cuộc loại can thiệp như thế, nhưng Giáo hội không được hững hờ với nghĩa vụ thường nhật là cứu giúp và chữa lành các bệnh nhân, hoặc qua các tổ chức bác ái truyền thống hoặc nhờ nhiều cơ quan chăm sóc sức khỏe tân tiến.

Phục vụ người đau yếu là một con đường nên thánh

6. Thật vậy, trong cái nhìn đức tin, bệnh tật mang lai một giá trị cao quý hơn và chứng tỏ sức ảnh hưởng đặc biệt trong sứ vụ tông đồ. Theo nghĩa này, Giáo hội không ngần ngại tuyên bố rằng mình cần đến các bệnh nhân và sự dâng hiến của họ lên Thiên Chúa để nài xin những ân huệ dồi dào hơn cho toàn thể cộng đồng. Nếu dưới ánh sáng của Tin Mừng, bệnh tật có thể là thời kỳ của ân sủng, thời kỳ mà tình yêu Thiên Chúa thấm sâu hơn nơi những người đau khổ, thì rõ ràng là nhờ việc dâng hiến mình, các bệnh nhân và người đau yếu tự thánh hóa và góp phần vào việc thánh hóa của người khác.

Điều này có giá trị cách riêng đối với những ai dấn thân vào việc chăm sóc bệnh nhân và người đau yếu. Công việc phục vụ này là một con đường nên thánh cũng giống như bệnh tật vậy. Trải qua nhiều thế kỷ, đó là một biểu hiện của tình yêu Chúa Kitô, chính là nguồn mạch của sự thánh thiện.

Việc chăm sóc này đòi hỏi sự tận tâm, kiên nhẫn và bén nhạy, cùng với khả năng cảm thông trắc ẩn bao la, nhất là bởi vì, ngoài việc chăm sóc y tế theo nghĩa chặt, còn cần mang lại cho bệnh nhân sự an ủi tinh thần như Chúa Giêsu đã khuyên nhủ: “Ta đau yếu … các ngươi đã thăm viếng” (Mt 25,36).

7. Tất cả những điều này góp phần xây dựng “Thân Thể Chúa Kitô” trong đức ái, vừa nhờ hoa trái của sự dâng hiến của các bệnh nhân, vừa nhờ việc thực hành nhân đức nơi những người chăm sóc hoặc thăm viếng họ. Do đó, mầu nhiệm Giáo hội, là Mẹ và tác viên bác ái được nên hiện thực Các nghệ sĩ như Piero della Francesca đã vẽ lại hình ảnh đó. Trong Bức tranh về lòng thương xót (Polyptych of Mercy), được vẽ năm 1448 và được cất giữ tại Borgo San Sepolcro, ông phác họa Đức Trinh Nữ Maria như một hình ảnh của Giáo hội với động tác dang rộng tà áo của Mẹ để bảo vệ tín hữu, tức là những người yếu đuối, nghèo khổ, thất vọng, giáo dân, giáo sĩ và những trinh nữ tận hiến, như Giám mục Fulbert của Chartres đã liệt kê chúng trong một bài giảng vào năm 1208.

Chúng ta hãy cố gắng ngõ hầu công cuộc phục vụ các bệnh nhân cách khiêm tốn và âu yếm để mang lại sự chữa lành của tình yêu, được thông phần vào cuộc phục vụ của Giáo hội, là Mẹ của chúng ta, mà Mẹ Maria là mẫu gương hoàn hảo (x. LG 64-65).”