Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

TGH Gioan Phaolô II – BÀI 92: PHẨM GIÁ VÀ SỨ MẠNG CỦA PHỤ NỮ

Administrator
2020-07-04 00:06 UTC+7 27
Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh BÀI 92: PHẨM GIÁ VÀ SỨ MẠNG CỦA PHỤ NỮ Từ bài giáo lý thứ 92 (ngày 22 tháng 6) cho đến bài 98, đề tài là “các phụ nữ và đời sống gia đình”. Trước hết, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến sự bình đẳng giữa người […]

Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh

BÀI 92: PHẨM GIÁ VÀ SỨ MẠNG CỦA PHỤ NỮ

Từ bài giáo lý thứ 92 (ngày 22 tháng 6) cho đến bài 98, đề tài là “các phụ nữ và đời sống gia đình”. Trước hết, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến sự bình đẳng giữa người nam và người nữ cũng như sự bổ trợ của hai phái trong kế hoạch của Thiên Chúa

1. Trong loạt bài giáo lý về phẩm giá và hoạt động tông đồ của các giáo dân trong Giáo hội, chúng tôi đã trình bày tư tưởng và những của Giáo hội, áp dụng cho tất cả các tín hữu, cả nam lẫn nữ. Giờ đây, chúng tôi muốn chú ý cách đặc biệt hơn đến vai trò của người phụ nữ Kitô giáo, xét vì tầm quan trọng mà người nữ đã có trong Giáo hội, cũng như những hy vọng trong hiện tại và tương lai có thể và phải được đặt vào họ. Trong thời đại của chúng ta, có nhiều tiếng nói yêu cầu tôn trọng phẩm giá nhân vị của người nữ và công nhận quyền bình đẳng thực sự của họ với người nam, ngõ hầu tạo cơ hội đầy đủ cho họ chu toàn vai trò của mình trong mọi lĩnh vực và ở mọi cấp độ của xã hội.

Giáo hội coi phong trào này, mang tên là giải phóng hoặc thăng tiến phụ nữ, trong ánh sáng của giáo huấn mặc khải về phẩm giá của nhân vị, về giá trị của mỗi con người – dù nam hay nữ- trước mắt Đấng Tạo Thành, và về vai trò của người nữ trong công trình cứu chuộc. Do đó, Giáo hội cho rằng, việc nhìn nhận giá trị của phụ nữ có nền tảng tối hậu trong nhận thức Kitô giáo về giá trị của mỗi con người. Nhận thức này, được cổ võ bởi sự tiến triển của các điều kiện văn hóa xã hội và được Chúa Thánh Thần soi dẫn, đang dần đạt được sự nhận biết tốt hơn về ý định của kế hoạch của Thiên Chúa trong mặc khải. Chúng ta cố gắng tìm cách nghiên cứu những “ý định của Thiên Chúa” đó, đặc biệt trong Tin Mừng, trong bối cảnh bàn về giá trị trong đời sống của người giáo dân và cụ thể là của phụ nữ, nhằm thúc đẩy sự cộng tác của họ vào sứ vụ của Giáo hội trong việc loan báo sứ điệp Tin Mừng và chuẩn bị vương quốc Thiên Chúa đang đến.

Người nữ có phẩm giá như người nam, và cần được đối xử như nhân vị chứ không như đồ vật

2. Theo quan điểm của nhân học Kitô giáo, mỗi con người đều có phẩm giá của riêng mình; là một nhân vị, người nữ có phẩm giá không thua kém người nam. Tuy nhiên, điều thường xảy ra là người nữ bị coi như một đồ vật do lòng ích kỷ của người nam, và điều này được biểu hiện ở rất nhiều cách thức trong quá khứ và vẫn còn kéo dài cho đến nay. Trong bối cảnh hiện nay, có sự can thiệp của nhiều lý do văn hóa và xã hội mà ta cần xem một cách khách quan. Dù sao, không khó gì nhận ra ảnh hưởng của xu hướng thống trị và đàn áp mà nạn nhân là phụ nữ và trẻ em. Thực ra, hiện tượng này có tầm vóc rộng lớn hơn, như tôi đã viết trong Tông huấn Christifideles Laici, nó bắt nguồn, “từ não trạng bất công và tệ hại coi con người như là món đồ, như một đồ vật mua bán, như một dụng cụ thỏa mãn lợi lộc ích kỷ hoặc khoái lạc”(CL 49) .

Các giáo dân Kitô hữu được mời gọi chống lại tất cả các hình thức của não trạng này, ngay cả khi nó được chuyển sang phim ảnh và quảng cáo, được điều khiển bởi sự gia tăng thi đua tiêu thụ vô độ. Nhưng chính các phụ nữ cũng có nghĩa vụ đòi buộc phải tôn trọng nhân cách của mình, không hạ thấp mình dưới bất kỳ hình thức đồng lõa nào với những điều trái nghịch vói phẩm giá của mình.

Người nữ cần phải là chính mình, chứ đừng muốn giống người nam

3. Vẫn trên cùng một nền tảng nhân học, đạo lý của Giáo hội dạy rằng, nguyên tắc bình đẳng giữa người nữ và người nam, xét về phẩm giá cá nhân và các quyền lợi cơ bản của con người, cần phải dẫn đến những hệ luận thực tế. Chính Kinh Thánh mặc khải về sự bình đẳng này. Về điểm này, thật là thú vị khi thấy rằng trong phiên bản cổ xưa xưa nhất về việc tạo dựng ông Adam và bà Eva (x. St 2,4-25) người nữ được Thiên Chúa tạo ra từ “xương sườn” của người nam, nàng đã được đặt bên cạnh người nam như một “cái ngã” khác mà chàng có thể trò chuyện ngang hàng với nhau, khác với các thụ tạo khác. Đó cũng là viễn cảnh của trình thuật sáng tạo kia (x. St 1,26-28), khi lập tức tuyên bố rằng, con người được tạo dựng theo hình ảnh Chúa là “nam và nữ”. “Thiên Chúa đã tạo ra con người theo hình ảnh của chính Người, theo hình ảnh của Thiên Chúa, Người đã tạo ra con người, có nam và có nữ” (MD 6)[1]. Như vậy Kinh thánh diễn tả sự khác biệt giữa hai giới, nhưng nhất là sự bổ khuyết cần thiết cho nhau. Người ta có thể nói rằng, các tác giả Sách thánh luôn muốn khẳng định, một lần và mãi mãi, người nữ mang trong mình đặc tính giống với Thiên Chúa không kém gì người nam, và cô ấy được tạo ra theo hình ảnh của Thiên Chúa với đặc trung của mình là người nữ, chứ không chỉ vì những gì cô ấy có chung với người nam. Đây là sự bình đẳng trong sự khác biệt (x. GLCG, số 369). Do đó, sự hoàn hảo đối với người nữ không ở chỗ giống như người nam, hay trở nên nam tính đến mức đánh mất phẩm chất đặc thù của mình là người nữ. Sự hoàn hảo của cô ấy – cũng là một bí quyết cho việc khẳng định và tự chủ trong tương quan – là trở nên một người nữ, ngang hàng với người nam nhưng lại sự khác biệt. Trong xã hội dân sự và cả trong Giáo hội, sự bình đẳng và khác biệt của người nữ cần phải được công nhận.

4. Khác biệt không đương nhiên có nghĩa là đối lập và kình địch. Trong cùng một trình thuật Kinh Thánh về việc sáng tạo, sự cộng tác giữa người nam và người nữ được xem như điều kiện để phát triển nhân loại và công trình chế ngự vũ trụ: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều cho đầy mặt đất và thống trị mặt đất” (St 1,28). Dưới ánh sáng của mệnh lệnh này, Giáo hội chủ trương rằng “Đời sống đôi bạn và gia đình tạo ra khung cảnh đầu tiên của việc dấn thân xã hội của các tín hữu” (CL 40). Trên một bình diện rộng lớn hơn, chúng ta có thể nói rằng cuộc phục hưng trật tự thế tạm tùy thuộc vào sự hợp tác giữa người nam và người nữ.

5. Nhưng sau đó, bản văn sách Sáng thế cũng cho thấy rằng, theo kế hoạch của Thiên Chúa, sự hợp tác giữa người nam và người nữ cần phải được thực hiện ở một cấp độ cao hơn, trong viễn cảnh nối kết giữa ông Adam mới và bà Eva mới. Thật vậy theo “Tin Mừng tiên khởi” (Protoevangelium: x. St 3,15), mối thù được thiết lập giữa ma quỷ và người nữ. Người nữ là kẻ thù đầu tiên của ma quỷ, và trở thành đồng minh đầu tiên của Thiên Chúa (x. MD 11). Dưới ánh sáng của Tin Mừng, chúng ta có thể nhận ra người nữ ấy nơi Đức Trinh Nữ Maria. Nhưng trong bản văn này, chúng ta cũng có thể đọc thấy một chân lý liên quan đến người nữ nói chung: nhờ việc tuyển chọn không-công của Thiên Chúa, các người nữ đã được giao một vai trò tiên phong trong giao ước. Thật vậy, điều này có thể được nhận thấy nơi hình ảnh của nhiều thánh nữ, những vị nữ anh thư đích thực của vương quốc Thiên Chúa; mà ngay cả lịch sử và văn hóa của nhân loại cũng đã chứng kiến vai trò của các phụ nữ trong đóng góp vào thiện ích xã hội.

Đức Maria mẫu gương người nữ

6. Nơi Đức Maria, giá trị được gán cho bản thân và sứ mệnh của người nữ được mặc khải trọn vẹn. Để nhận ra điều này, ta chỉ cần suy nghĩ về giá trị nhân học của các khía cạnh nền tảng của Thánh Mẫu học: Đức Maria được “đầy ân phúc” ngay từ giây phút hiện hữu đầu tiên, vì thế đã được phòng ngừa khỏi tội lỗi. Lòng ưu ái của Thiên Chúa rõ ràng đã được tuôn ban dồi dào xuống Đấng “được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ”- và từ Đức Maria được phản chiếu ra điều kiện của người phụ nữ, loại trừ mọi ý tưởng thấp kém (x. Redemptoris Mater số 7-11)[2].

Ngoài ra, Đức Maria đã dấn thân với giao ước vĩnh viễn của Thiên Chúa với loài người. Mẹ có nhiệm vụ, thay mặt cho nhân loại, để thuận nhận cho Đấng Cứu thế đến. Vai trò này vượt qua tất cả các đòi hỏi về quyền lợi phụ nữ, ngay cả vào thời nay. Đức Maria đã can thiệp vào lịch sử nhân loại một cách siêu việt không thể nào tưởng tượng nổi, và với lời thuận nhận, Mẹ đã góp phần vào sự biến đổi số phận của toàn thể nhân loại.

Hơn nữa: Đức Maria còn cộng tác trong việc phát triển sứ vụ của Chúa Giêsu, cả bằng cách việc sinh hạ, dưỡng nuôi và gần gũi trong những năm đời sống ẩn dật; sau đó, trong những năm sứ vụ công khai của Đức Giêsu, Mẹ đã kín đáo trợ giúp các hoạt động của Người, bắt đầu ở Cana khi Mẹ xin được Chúa Cứu thế tỏ bày quyền năng làm phép lạ lần đầu tiên, như Công đồng đã nói, Đức Maria “qua lời chuyển cầu, đã hối thúc Đấng Mêsia khởi sự các dấu lạ” (LG 58).

Trên hết, Đức Maria đã cộng tác với Chúa Kitô trong công trình cứu chuộc, không chỉ trong việc chuẩn bị cho sứ vụ của Chúa Giêsu, mà Mẹ còn tham dự vào hy tế của Người vì ơn cứu chuộc của nhân loại (x. MD 3-5).

7. Kể cả vào thời nay, ánh sáng của Mẹ Maria có thể chiếu tỏa trên thế giới phụ nữ và bao trùm những vấn đề cũ và mới của người nữ, qua việc giúp mọi người hiểu được phẩm giá và nhận ra quyền lợi của họ. Các phụ nữ nhận được một ân sủng đặc biệt; họ nhận được nó để sống theo giao ước với Thiên Chúa, ở mức độ phẩm giá và sứ vụ của mình. Họ được mời gọi để được kết hợp với công trình cứu chuộc của Chúa Kitô theo cách thế riêng của họ – một cách thế tuyệt diệu. Phụ nữ có một vai trò lớn trong Giáo hội. Điều này có thể được hiểu rõ dưới ánh sáng Tin Mừng và hình ảnh cao vời của Đức Maria.

[1] Chú thích của người dịch: MD là viết tắt tông thư Mulieris dignitatem (Phẩm giá phụ nữ) do ĐTC Gioan Phaolô II ban hành ngày 15/8/1988.

[2] Chú thích của người dịch. Redemptoris Mater (Thân mẫu Đấng Cứu Chuộc) là tên của thông điệp ĐTC Gioan Phaolô II ban hành ngày 25/3/1987 về vai trò Dức Maria trong chương trình cứu độ.