Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

TGH Gioan Phaolô II – BÀI 93: CÁC PHỤ NỮ TRONG SÁCH TIN MỪNG

Administrator
2020-07-05 00:16 UTC+7 21
Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh BÀI 93: CÁC PHỤ NỮ TRONG SÁCH TIN MỪNG Tại buổi tiếp kiến ngày 06 tháng 07, tiếp tục bài giáo lý về phẩm giá và sứ vụ của phụ nữ, Đức Thánh Cha đã nói về thái độ của Chúa Giêsu đối với người phụ nữ trong […]

Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh

BÀI 93: CÁC PHỤ NỮ TRONG SÁCH TIN MỪNG

Tại buổi tiếp kiến ngày 06 tháng 07, tiếp tục bài giáo lý về phẩm giá và sứ vụ của phụ nữ, Đức Thánh Cha đã nói về thái độ của Chúa Giêsu đối với người phụ nữ trong các sách Tin Mừng và sự thán phục của Người đối với đức tin của họ.

1. Khi bàn đến phẩm giá và sứ vụ của người nữ theo giáo huấn và tinh thần Giáo hội, ta cần phải luôn luôn đối chiếu với Tin Mừng; dưới ánh sáng này, người Kitô hữu nhìn xem, phân tích và phán đoán mọi sự việc.

Trong bài giáo lý lần trước, chúng ta đã chiếu dọi ánh sáng của Mặc khải về căn cước và sứ vụ của người nữ, qua việc trình bày Đức Trinh Nữ Maria như bản hướng dẫn, dựa trên Tin Mừng. Tuy nhiên, cũng trong cùng một nguồn mạch thiêng thánh đó, chúng ta tìm thấy những dấu hiệu khác về ý định của Chúa Kitô đối với người nữ. Người nói về họ với lòng kính trọng và nhân hậu, được thể hiện qua thái độ sẵn sàng đón nhận người nữ và yêu cầu họ tham gia vào việc thiết lập vương quốc Thiên Chúa trên trần gian.

Chúa Giêsu bộc lộ lòng trắc ẩn với những phụ nữ đau khổ

2. Trước tiên, chúng ta có thể nhớ lại nhiều trường hợp mà Chúa Giêsu chữa lành các phụ nữ (x. MD 13) và những trường hợp khác mà Người bộc lộ trái tim của Đấng Cứu thế, tràn đầy tình thương mến khi gặp những người đau khổ, dù là người nam hay người nữ. Người nói với góa phụ thành Nain, “Đừng khóc nữa!”(Lc 7,13), rồi, Ngài trả lại cho bà người con trai đã được sống lại từ sự chết. Đoạn Tin Mừng này cho phép chúng ta có thể thoáng thấy những tâm tình thâm sâu của Chúa Giêsu dành cho thân mẫu của mình trong bối cảnh đau thương của cảnh Mẹ chia sẻ vào cuộc thương khó và cái chết của chính Người. Chúa Giêsu âu yếm nói với cô con gái đã chết của ông Gia-ia: “Này bé, Thầy truyền cho con, trỗi dậy đi!” Sau khi em bé trỗi dậy, Người “bảo họ cho con bé ăn” (Mc 5,41.43). Chúa Giêsu còn tỏ ra thương cảm với người phụ nữ còng lưng mà Người đã chữa lành. Trong trường hợp này, khi nhắc đến Xatan, Người cũng nghĩ đến việc cứu rỗi linh hồn mà Người đang mang lại cho bà (x. Lc 13,10-17).

Chúa Giêsu thán phục đức tin của các phụ nữ

3. Ở những trang khác của sách Tin Mừng, chúng ta thấy Chúa Giêsu bày tỏ lòng thán phục đối với đức tin của một số phụ nữ. Chẳng hạn, trong trường hợp người phụ nữ bị băng huyết, Ngài nói với cô: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con” (Mc 5,34). Lời khen này rất có giá trị bởi vì người phụ nữ đã phải chịu sự tách ly mà luật cũ áp đặt. Chúa Giêsu cũng giải phóng người nữ khỏi sự áp bức xã hội này. Đến lượt người phụ nữ Canaan cũng đón nhận lời khen của Chúa Giêsu: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật!” (Mt 15,28). Lời khen ngợi này có một ý nghĩa rất đặc biệt, xét vì được dành cho một người ngoại đạo ở Ítrael. Chúng ta cũng có thể nhớ lại lời khen mà Chúa Giêsu dành cho người góa phụ đã dâng cúng đồng xu nhỏ của mình vào thùng tiền của đền thờ (x. Lc 21,1-4), và Ngài cũng trân trọng sự phục vụ mà cô Maria ở Bêtania dành cho Người (x. Mt 26,6-13; Mc 14,3-9; Ga 12,1-8); Người quả quyết rằng hành động của cô Maria sẽ được loan báo cho khắp thiên hạ.

4. Rồi trong các dụ ngôn, Chúa Giêsu đã không ngần ngại đưa ra các thí dụ hay lối so sánh lấy từ thế giới phụ nữ, khác với các midrash của các Rábbi trong đó chỉ có các nhân vật nam giới xuất hiện. Chúa Giêsu nhắc đến cả người nữ và người nam. Nếu ai muốn làm một phép so sánh, thì có lẽ sẽ thấy người nữ đang chiếm ưu thế. Ít là ở điểm này, Chúa Giêsu đã tránh không đặt các phụ nữ ở vị trí thấp kém.

Rồi Chúa Giêsu cũng cho phép người nữ cũng như người nam được vào vương quốc của Người. Khi mở ra cho người nữ, Người cũng muốn mở ra cho các trẻ em nữa. Trong câu nói: “Cứ để cho các trẻ em đến với Thầy” (Mc 10,14), Người đã phản ứng với sự canh phòng của các môn đệ, những người muốn ngăn phụ nữ đưa con họ đến gặp Thầy. Có thể nói rằng, Người đã chấp nhận lý lẽ của phụ nữ và tình yêu của họ dành cho trẻ em!

Trong hành trình sứ vụ của Chúa Giêsu, nhiều phụ nữ đã đi theo và giúp đỡ Người cũng như cộng đoàn các môn đệ (x. Lc 8,1-3). Đây là một điều mới mẻ so sánh với truyền thống Do Thái. Do đó, Chúa Giêsu đã thu hút được những phụ nữ đi theo Người; điều này cho thấy Người vượt qua những định kiến tồn hữu trong môi trường xung quanh, cũng như trong phần lớn thế giới cổ đại, liên quan đến sự thấp kém của phụ nữ. Việc từ chối kỳ thị giữa người nam và người nữ trong Giáo hội nằm trong cuộc đấu tranh của Người chống lại sự bất công và hà hiếp (x. MD 13).

5. Chúng ta phải nói thêm rằng Tin Mừng còn cho thấy lòng khoan dung của Chúa Giêsu đối với một số phụ nữ đã phạm tội. Người đòi buộc họ phải thống hối, nhưng không gay gắt với những sai lầm của họ, nhất là khi những hành vi có liên hệ đến trách nhiệm của người đàn ông nữa. Một số đoạn văn Tin Mừng rất có ý nghĩa như: người phụ nữ tội lỗi đã đến nhà của ông Simon thuộc phái Pharisêu (x. Lc 7,36-50) không chỉ được tha thứ tội lỗi, mà còn được ca ngợi vì tình yêu của cô ta; người phụ nữ Samari đã trở thành một sứ giả của niềm tin mới (x. Ga 4,7-37); người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình nhận được sự tha thứ cùng với một lời khuyên nhỏ nhẹ là đừng phạm tội nữa (x. Ga 8,3-11; MD 14). Chắc chắn, Chúa Giêsu không làm ngơ đối với sự dữ, đối với tội lỗi, dù do bất cứ ai đã phạm. Nhưng Người thấu cảm về sự mỏng dòn của con người, và luôn tỏ lòng nhân hậu đối với những người đã phải chịu đau khổ về tình trạng khốn nạn của mình và đang tìm đến Người như Đấng Cứu tinh!

Tất cả chúng ta là một trong Đức Kitô Giêsu

6. Cuối cùng, Tin Mừng chứng thực rằng, Chúa Giêsu mời gọi phụ nữ cộng tác vào công trình cứu chuộc. Người không chỉ cho phép họ đi theo để phục vụ mình và cộng đoàn các môn đệ, mà Người còn yêu cầu họ những hình thức cam kết cá nhân khác. Người đã đòi hỏi cô Mácta phải cam kết trong đức tin (x. Ga 11,26-27), và cô đã đáp lại lời mời của Thầy bằng việc tuyên xưng đức tin trước khi Ladarô được sống lại. Sau cuộc phục sinh, Người đã trao phó cho bà Maria Mácđala và những người phụ nữ nhiệt tình đi viếng ngôi mộ nhiệm vụ loan truyền sứ điệp của Người cho các môn đệ (x. Mt 28,8-10; Ga 20,17-18). “Như vậy, những người phụ nữ là những sứ giả đầu tiên loan truyền sự phục sinh của Chúa Kitô cho chính các tông đồ” (GLCG số 641). Đây là những dấu chỉ khá hùng hồn cho thấy Chúa Giêsu mong muốn các phụ nữ dấn thân vào việc phục vụ Vương quốc.

7. Về mặt thần học, hành động của Chúa Giêsu được giải thích bằng ý định hợp nhất loài người. Như thánh Phaolô nói, Người muốn giao hòa tất cả mọi người, nhờ hiến tế của mình, trở nên “một Thân Thể” và làm cho mọi người trở thành “một con người mới” (Ep 2,15.16), để từ này “không còn chuyện phân biệt Do thái hay Hy lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả mọi người đều là một trong Đức Kitô“ (Gl 3,28). Đây là kết luận bài giáo lý của chúng tôi: nếu Chúa Giêsu Kitô đã liên kết người nam và người nữ trong sự bình đẳng làm con cái Thiên Chúa, thì Người đã đưa dẫn cả hai vào sứ vụ của Người, không bằng cách xóa bỏ sự khác biệt của họ, nhưng bằng cách loại bỏ mọi mối bất bình đẳng, bất công và bằng cách giao hòa tất cả trong sự hợp nhất Giáo hội.

8. Lịch sử của các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi cho thấy, các phụ nữ đã góp công lớn trong việc loan báo Tin mừng, khởi đi từ “cô Phêbê người chị em của chúng tôi”, như thánh Phaolô đã gọi, “một nữ trợ tá của Hội thánh Kenkhơrê … “vì chính chị cũng đã bảo trợ cho nhiều người, kể cả tôi nữa” (Rm 16,1-2). Ở đây, tôi muốn bày tỏ lòng cảm phục khi tưởng nhớ cô ấy cùng và với nhiều phụ nữ khác đã giúp đỡ các tông đồ tại Kenkhơrê, ở Rôma và tất cả các cộng đoàn Kitô hữu. Cùng với họ, chúng tôi ghi nhớ và ca ngợi tất cả những người phụ nữ khác –tu sĩ và giáo dân- trải qua nhiều thế kỷ đã làm chứng cho Tin Mừng và truyền lại đức tin, góp công lớn cho sức ảnh hưởng đối với sự hưng thịnh của bầu khí Kitô giáo trong gia đình và xã hội.”