Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

TGH Gioan Phaolô II: Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh – Bài 14

Administrator
2019-11-14 00:53 UTC+7 24
BÀI 14: TỰ BẢN CHẤT, HỘI THÁNH LÀ PHỔ QUÁT Trong Cựu Ước, một dân đã được Thiên Chúa tuyển chọn. Còn giao ước mới mở ra cho mọi nước, mọi chủng tộc, mọi dân và mọi ngôn ngữ. Trong buổi tiếp kiến chung ngày 13 tháng Mười Một, Đức thánh cha nói về Hội […]

BÀI 14: TỰ BẢN CHẤT, HỘI THÁNH LÀ PHỔ QUÁT

Trong Cựu Ước, một dân đã được Thiên Chúa tuyển chọn. Còn giao ước mới mở ra cho mọi nước, mọi chủng tộc, mọi dân và mọi ngôn ngữ.

Trong buổi tiếp kiến chung ngày 13 tháng Mười Một, Đức thánh cha nói về Hội Thánh là Dân Thiên Chúa phổ quát. Bài nói chuyện này tiếp tục loạt bài giáo lý về Hội Thánh. 

1. Như đã biết trong bài giáo lý trước, Hội Thánh là Dân của giao ước mới. Chủ đề của bài giáo lý hôm nay là chiều kích phổ quát của Dân Thiên Chúa. Theo giáo huấn của công đồng Vaticanô II, “tuy chưa thực sự bao gồm toàn thể nhân loại và thậm chí chỉ là một đoàn chiên nhỏ, dân tộc thiên sai ấy lại chính là hạt mầm đầy năng lực (firmissimum germen) của sự hợp nhất, của niềm hy vọng và ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại” (LG, số 9).

Đặc tính phổ quát của Hội Thánh là Dân Thiên Chúa liên hệ mật thiết với chân lý mạc khải về Thiên Chúa là Đấng Tạo Dựng của mọi thụ tạo, Đấng Cứu Chuộc của toàn thể nhân loại, Tác Giả của sự thánh thiện và sự sống nơi mỗi người nhờ quyền năng Thánh Thần.

2. Chúng ta biết rằng, giao ước cũ được thiết lập chỉ với một dân được Thiên Chúa tuyển chọn – dân Israel. Tuy nhiên, Cựu Ước không thiếu những bản văn báo trước tính phổ quát này trong tương lai. Lời hứa của Thiên Chúa với Abraham cho thấy điều này: “Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc” (St 12,3); lời hứa này còn được nhắc lại vài lần và được mở rộng cho “mọi dân trên mặt đất này” (St 18,18). Các bản văn khác chỉ rõ rằng, lời chúc phúc mang tính phổ quát này gắn liền với dòng dõi Abraham (St 22,18), Isaac (St 26,4), và Giacóp (St 28,14). Hạn từ tương tự cũng được lặp đi lặp lại trong lời các ngôn sứ, nhất là Isaia: “Trong tương lai, núi Nhà Đức Chúa đứng kiên cường vượt đỉnh các non cao, vươn mình trên hết mọi ngọn đồi. Dân dân lũ lượt đưa nhau tới, nước nước dập dìu kéo nhau đi. Rằng: “Đến đây, ta cùng lên núi Đức Chúa, lên Nhà Thiên Chúa của Giacóp, để Người dạy ta biết lối của Người, và để ta bước theo đường Người chỉ vẽ’ … Người sẽ đứng làm trọng tài giữa các quốc gia và phân xử cho muôn dân tộc” (Is 2,2-4). “Trên núi này, Đức Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc: tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon, thịt béo ngậy, rượu ngon tinh chế. Trên núi này, Người sẽ xé bỏ chiếc khăn che phủ mọi dân, và tấm màn trùm lên muôn nước” (Is 25,6-7). Isaia Đệ Nhị đưa ra những lời tiên báo về “Người Tôi Trung của Đức Chúa” rằng: “Ta là Đức Chúa, Ta đã gìn giữ ngươi và đặt làm giao ước với dân, làm ánh sáng chiếu soi muôn nước” (Is 42,6). Sách ngôn sứ Giôna cũng đáng lưu tâm khi kể về sứ vụ của ngôn sứ Giôna nơi thành Ninivê, một thành bên ngoài lãnh thổ Israel (x. Gn 4,10-11).

Những bản văn trên, cũng như những bản văn khác, giúp chúng ta hiểu rằng, đoàn Dân được tuyển chọn trong giao ước cũ là điềm báo và là bước chuẩn bị cho đoàn Dân mang tính phổ quát của Thiên Chúa trong tương lai. Vì thế, sau khi Đức Kitô phục sinh, “Tin Mừng” được rao giảng trước hết cho dân Israel (Cv 2,36; 4,10).

3. Đức Giêsu Kitô là Đấng thiết lập đoàn dân mới này. Khi Đức Giêsu còn bé, cụ già Simêon đã nhận ra Hài Nhi là “ánh sáng” đến “để mạc khải cho dân ngoại” như lời ngôn sứ Isaia đã báo trước (Is 42,6). Chính Đức Kitô là người mở đường dẫn thiên hạ đến với sự phổ quát của Dân mới của Thiên Chúa như lời thánh Phaolô viết: “Chính Người là bình an của chúng ta: Người đã liên kết đôi bên thành một; Người đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét” (Ep 2,14). “Không còn chuyện phân biệt Do Thái hay Hy Lạp, … nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô” (Gl 3,28). Thánh Tông đồ Phaolô là phát ngôn viên tiên khởi cho sự mở rộng phổ quát này của Dân Thiên Chúa. Đặc biệt, từ giáo huấn và hành động của thánh nhân, vốn bắt nguồn từ lời nói và việc làm của Đức Giêsu, Hội Thánh đi đến xác tín chắc chắn rằng: trong Đức Kitô, tất cả mọi người đều được kêu gọi, không phân biệt quốc gia, ngôn ngữ, hay văn hóa. Như công đồng Vatican đã khẳng định, “dân tộc thiên sai ấy” vốn được sinh ra từ Tin Mừng và công trình cứu chuộc nhờ Thập giá, lại chính là hạt mầm đầy năng lực (firmissimum germen) của sự hợp nhất, của niềm hy vọng và ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại. (x. LG, 9).

Được ơn trên soi sáng, lời khẳng định về tính phổ quát của Dân Thiên Chúa trong giao ước mới đồng nhịp với những khát vọng và nỗ lực tìm kiếm sự hiệp nhất và hòa bình của con người đang diễn ra trong mọi lĩnh vực quốc tế và các tổ chức trọng yếu. Vì ơn gọi và sứ vụ chính yếu của mình, Hội Thánh không thể đứng ngoài thời khắc lịch sử này.

4. Thật vậy, công đồng tiếp tục phát biểu rằng: Hội Thánh – dân thiên sai – “được Đức Kitô thiết lập để đi vào hiệp thông sự sống, bác ái và chân lý, dân tộc này cũng được Người dùng như khí cụ để cứu chuộc mọi người, và được sai đi vào thế giới như ánh sáng trần gian và muối đất (x. Mt 5,13-16)” (LG, 9). Việc mở ra cho toàn thế giới, cho mọi dân tộc và mọi người thuộc về bản tính của Hội Thánh. Nó tuôn chảy từ tính phổ quát của công trình cứu chuộc được thực hiện nhờ thập giá và sự sống lại của Đức Kitô (x. Mt 28,19; Mc 16,15). Nó được thánh hiến vào ngày lễ Ngũ Tuần khi Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các tông đồ và cộng đoàn Giêrusalem – hạt nhân đầu tiên của Hội Thánh. Từ đó, Hội Thánh luôn nhận thức về lời mời gọi phổ quát dành cho hết mọi người để họ được tham phần vào đoàn dân của giao ước mới.

5. Thiên Chúa đã kêu gọi toàn thể cộng đoàn những người trông cậy Đức Giêsu, tác giả của ơn cứu độ và nguồn mạch của hòa bình và hiệp nhất, hầu họ được tham dự vào đoàn dân của Người. “Cộng đoàn những người được kêu gọi” này là Hội Thánh, được thiết lập “để trở nên bí tích hữu hình của sự hợp nhất mang lại ơn cứu rỗi cho mọi người và từng người. Bởi được đặt định trải rộng khắp trái đất, nên Hội Thánh hoà mình vào lịch sử nhân loại, trong khi vẫn siêu việt trên tất cả giới hạn thời gian và ranh giới chủng tộc” (LG, 9). Công đồng nói tiếp: “Như đoàn dân Israel theo huyết nhục, vào những ngày còn đi trong sa mạc, đã được gọi là Hội Thánh của Thiên Chúa (x. Nkm 13,1; Ds 20,4; Đnl 23,1tt), cũng vậy, dân Israel mới, đang tiến bước trong thời đại này tìm về thành đô tương lai bất diệt (x. Dt 13,14) cũng được gọi là Hội Thánh Đức Kitô (x. Mt 16,18), vì chính Đức Kitô đã chuộc lấy Hội Thánh bằng máu mình (x. Cv 20,28), đã đổ tràn Thần Khí của Người trên Hội Thánh, đã trao ban cho Hội Thánh các phương thế thích hợp cho sự hợp nhất của một cộng đoàn hữu hình” (LG, 9).

Bởi đó, tính phổ quát của Hội Thánh phù hợp với kế hoạch siêu việt của Thiên Chúa, Đấng hoạt động trong lịch sử nhân loại do lòng thương xót của Người, muốn “mọi người được cứu độ” (1Tm 2,4).

6. Ngay từ đầu, ý muốn cứu độ của Chúa Cha đã là lý do và mục đích cho hoạt động của Hội Thánh trong việc đáp trả lời mời gọi trở thành dân thiên sai của giao ước mới, với sự năng động mở ra cho sự phổ quát. Chính Đức Giêsu đã chỉ ra điều này trong lệnh truyền và lời bảo đảm với thánh Phaolô thành Tarsô, vị Tông đồ dân ngoại: “Ta sẽ cứu ngươi thoát khỏi tay dân Do Thái và các dân ngoại: Ta sai ngươi đến với chúng để mở mắt cho chúng, khiến chúng rời bóng tối mà trở về cùng ánh sáng, thoát khỏi quyền lực Satan mà trở về cùng Thiên Chúa. Như vậy, nhờ tin vào Ta, chúng sẽ được ơn tha tội và được hưởng phần gia tài cùng với các người đã được thánh hiến” (Cv 26,17-18)

7. Giao ước mới với những người được kêu gọi cũng là giao ước vĩnh cửu (x. Hr 13.20), và vì thế, dân thiên sai được ghi dấu ơn gọi cánh chung. Điều này được chứng thực cách đặc biệt trong cuốn sách cuối cùng của Tân Ước, sách Khải Huyền, trong đó nêu bật bản tính phổ quát của một Hội Thánh kéo dài theo thời gian, và vượt trên thời gian, đi vào cõi vĩnh cửu. Trong thị kiến thiên đàng mà các thư này ám chỉ đến 7 Hội Thánh trong sách Khải Huyền, Con Chiên được tán tụng long trọng, bởi đã chịu sát tế và đã dùng máu mình mà chuộc về cho Thiên Chúa “muôn người thuộc mọi chi tộc và ngôn ngữ, thuộc mọi nước, mọi dân”, và làm cho họ thành một vương quốc tư tế để phụng thờ Thiên Chúa chúng ta (x. Kh 5,9-10). Trong thị kiến cuối cùng, thánh Gioan nhìn thấy “một đoàn người thật đông, không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai [Thiên Chúa] và trước Con Chiên” (Kh 7,9). Hội Thánh trên trần thế này và Hội Thánh trên trời; Hội Thánh của các Tông đồ cùng các đấng kế vị, và Hội Thánh của các phúc nhân; Hội Thánh của con cái Thiên Chúa trong thời gian và trong vĩnh cửu – tất cả là một thực tại duy nhất của dân thiên sai, trải dài và vượt trên mọi giới hạn không gian và thời gian, theo kế hoạch cứu độ thần linh được phản ánh trong tính công giáo của Hội Thánh.