Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Là Những Người “Thiên Đạo Chí Công”

Administrator
2018-09-23 07:48 UTC+7 39
Lm. Mai Đức Vinh               Thánh Anê Lê Thị Thành, tử đạo                      Mẹ gia đình (+1841)   Trong bài giảng trên núi, cũng gọi là Tám Mối Phúc Thật hay Hiến Chương Nước Trời, Chúa Giêsu long trọng tuyên bố với những người vây quanh Ngài rằng: “Phúc cho anh chị em là những kẻ […]


Lm. Mai Đức Vinh

              Thánh Anê Lê Thị Thành, tử đạo
                      Mẹ gia đình (+1841)

 

Trong bài giảng trên núi, cũng gọi là Tám Mối Phúc Thật hay Hiến Chương Nước Trời, Chúa Giêsu long trọng tuyên bố với những người vây quanh Ngài rằng: “Phúc cho anh chị em là những kẻ bị người ta nói xấu, vu khống và bách hại vì danh Ta. Anh chị em hãy vui mừng vì phần thưởng dành cho anh chị em ở trên trời thật lớn lao” (Mt 5,11-12). Đọc lịch sử truyền giáo tại Việt Nam, cách riêng, đời sống và cuộc tử đạo của các tiền nhân, chứng nhân Tin Mừng, trên Quê Hương chúng ta vào thời điểm 1583-1886, chúng ta thấy lời chúc phúc của Chúa trên đây đã ứng nghiệm thật rõ nét: các ngài bị hiểu lầm và vu oan đủ điều, bị hành hạ và giết chết đủ dạng thức vì danh Chúa. Chúa rất trân trọng lòng hy sinh chịu oan ức và đau khổ, cũng như cái chết đắt giá của các Thánh Tử Đạo… Và Chúa không để các ngài bị thua thiệt, Chúa đã ân thưởng các ngài nhãn tiền ngay tại thế qua những dấu lạ thật diệu huyền.

Từ điều suy nghĩ trên đây, tôi lần đọc lại những lời dạy của tổ tiên được trao truyền lại cho người Việt Nam qua những câu ca dao tục ngữ, những truyện cổ tích, và những lời hay ý đẹp của cổ nhân, tôi sung sướng nhận ra những tia sáng tương hợp. Quả vậy, tuy không mang chất liệu siêu nhiên, nhiều câu ca dao tục ngữ, nhiều câu truyện cổ tích và nhiều lời hay ý đẹp của cổ nhân là những dấu chứng hùng hồn về phong thái của các Đấng Tử Đạo: Vì Chúa, vì Đức Tin Công Giáo, nhưng cũng vì những xác tín tôn giáo và luân lý cổ truyền, vì những đức tính bao gồm trong tam cương “Thiên Địa, Quân Thần, Phụ Mẫu” và ngũ thường “Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín” mà các thánh tiền nhân đã bình thản chấp nhận và can tràng chịu đựng mọi vu khống, mọi hành hạ, mọi án tử… đồng thời hân hoan được Trời thương nâng đỡ, ban sức mạnh và cho nhiều dấu lạ làm vinh danh Thiên Chúa và dân tộc… Tóm lại, các Thánh Tử Đạo không chỉ làm chứng về tình yêu dâng lên cho Thiên Chúa, nhưng còn biểu dương các tinh túy tôn giáo, luân lý và văn hóa của dân tộc.

Từ những gợi ý trên đây, tôi sẽ trình bày năm điểm trong bài viết mang tên là ‘Thiên Đạo chí công’ nghĩa là ‘Đạo Trời thật công bằng’: 1) Những lời dạy của tổ tiên. 2) Những hiểu lầm đáng tiếc 3) Những vu oan ác nghiệt. 4) Những hành nhục và tử nhục. 5) Những dấu lạ ân thưởng.

I. NHỮNG LỜI DẠY CỦA TỔ TIÊN

1. Trong ca dao tục ngữ

• Ai cũng biết: “Trời không đóng cửa đuổi ai”, “Trời nào có phụ ai đâu”, “Trời sinh Trời chẳng phụ nào”, “Khi nên Trời giúp công cho”. “Ở hiền gặp lành, những người nhân đức trời dành phúc cho”. “Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong”. “Thiên đạo hảo hoàn”.

• Bởi vì “Thiên đạo chí công”, “Thiên bất dung gian”, “Lưới trời lồng lộng thưa mà khó lọt”. “Cứ trong nghĩa lý luân thường, làm người phải giữ kỷ cương mới mầu; Đừng cậy khoẻ chớ cậy giàu, Trời kia còn ở trên đầu còn kinh”. “Đạo trời báo phục chẳng lâu, hễ là thiện ác đáo đầu chẳng sai”.

• Cho nên khi gặp gian nan, không thất vọng, không thù oán, nhưng xác tín ngửa mặt lên mà “van trời”, “vái trời”, “có trời biết”, “xin trời xét”, “xin trời phù hộ”, “mong trời biết cho”, “vì trời đã định”, “xin theo ý trời”… “Cóc kêu ba tiếng thấu trời, huống lọ lời cầu của người hiếu trung”…

2. Trong những câu chuyện cổ:

• Sự tích dưa hấu: Anh Mai An Tiêm, vì tin vào thuyết luân hồi, nên tuyên bố rằng “mọi vật trong nhà đều là tiền thân của tôi cả”. Nghe vậy, Hùng Vương và các cận thần phản đối cho là vô ơn với Trời và với Vua, nên bắt đi đầy cả gia đình. Tại đảo đi đày, thấy vợ buồn bã, thất vọng vì bị vu oan, nên lâm kiếp đầy ải, Mai An Tiêm đã nói an ủi: “Trời sinh voi, trời sinh cỏ. Trời luôn có mắt, cứ phấn chấn lên, đừng sợ”… Rồi khi trồng được dưa hấu thơm ngon, Mai An Tiêm ôm lấy vợ mà nói: “Trời nuôi sống và thưởng công chúng ta thật” (1).

• Truyện tấm cám: Tấm và Cám là hai chị em cùng cha khác mẹ. Tấm ở với dì ghẻ là mẹ của Cám. Tấm bị Cám và dì ghẻ lường gạt và đày đọa đủ điều… Nhưng Tấm luôn được Trời phù hộ… Cấu trúc của câu truyện đầy nét thần thoại, tuy nhiên làm nổi bật ý nghĩa: Người đơn thành bao giờ cũng được Trời giúp đỡ, chở che và cho mọi may mắn. Đúng là “ở hiền gặp lành” (2).

• Truyện Quán Tử. Quán Tử là chàng trai nghèo, sống độc thân… nhưng rất hiếu thảo với cha mẹ và tổ tiên, lại nhân hậu đối với mọi người, kể cả loài vật… Nhờ đó mà luôn được đền bù, tránh được mọi rủi ro và được ân thưởng bội hậu. Quả là “những người nhân đức, Trời dành phúc cho” (3).

• Truyện bốn người bạn: Ất, Bính, Đinh, Giáp là bạn thân lâu năm. Nhưng Giáp đã làm nhiều truyện động trời phản bội Ất: cướp vợ của Ất, giết vợ của mình rồi vu khống cho Ất, vu oan cho Ất muốn cướp vợ của Giáp… Vì thế, Ất bị bắt và bị tòa án xử tử. Bính và Đinh biết rõ tính trung thực của Ất, đã đến xin Giáp là người bạn giàu có nhất, cứu nguy cho Ất. Giáp từ chối thẳng thừng và còn vu oan thêm cho Ất… May, vừa lúc đao phủ giơ gươm chém đầu Ất, thì cô đầy tớ của Giáp, cô biết rõ câu chuyện, đã chạy ra xin đao phủ ngưng tay, và cô kể cho mọi người hiện diện biết rõ sự thật của câu chuyện… Nhờ đó Ất được tha, tìm lại được vợ. Còn Giáp phải mất nhiều tiền mua chuộc quan tòa, nên cũng được tha. Nhưng lúc Giáp từ tòa án ra về, bị sét đánh chết. Khi người ta khiêng xác của Giáp đi chôn, một con cọp không biết từ đâu nhảy tới và công mất xác của Giáp… Mọi người bảo nhau: “Thiên bất dong gian” (4).

• Truyện Quan Âm Thị Kính: Thị Kính là vợ của Thiện Sĩ. Hai vợ chồng luôn tâm đồng ý hợp. Thế nhưng một hôm Thiện Sĩ đang ngủ ngon, Thị Kính thấy chồng có một cái râu độc, nàng muốn cắt cái râu độc ấy đi. Vừa cầm kéo lên, Thiện Sĩ giật mình dậy hô lớn lên rằng: “Nàng cầm kéo muốn giết tôi”. Mẹ chồng nghe vậy cũng ùa vào kết án Thị Kính… Thị Kính bị hành hạ đủ điều và sau cùng bị đuổi ra khỏi nhà… Từ đó, mỗi khi có những vụ oan ức lớn, người ta thường nói: “oan như oan Thị Kính”. Vì thế mới có câu ca dao: “Chỉ Trời mới thấu tâm can, trước bao oan nghiệt chỉ than với Trời” (5).

• Trong truyện Kim Vân Kiều: Vào thế kỷ XVIII, ông Nguyễn Du (1765-1820) tác giả của cuốn “Đoạn Trường Tân Thanh (Kim Vân Kiều) không ngại viết lên những trường hợp người ta bịa đặt điều ác cho nhau, vu oan cho nhau để thỏa mãn dục vọng tham lam hay trả thù, trả oán. Đây, ông Nguyễn Du nói đến một trường hợp điển hình của một lời vu cáo:

Đầy nhà vang tiếng ruồi xanh,

Rụng rời khung dệt, tan tành gối mai.

Đồ tế nhuyễn của riêng tây,

Sạch-sành-sanh vét cho đầy túi tham!

Điều đâu ai buộc, ai làm?

Này ai dan-dập, giật giàm bỗng dưng?

Hỏi ra sau mới biết rằng:

Phải tên xưng xuất là thằng bán tơ!

Một nhà hoảng hốt ngẩn ngơ,

Tiếng oan dậy đất, án ngờ lòa mây.

Không những chỉ có đoàn tham quan ô lại đến phá phách nhà Vương-Ông trong dịp oan ức này mà có thể ở mọi thời, lúc nào cũng có vô số người sung vào đoàn ruồi xanh như thế! (6).

3. Những lời khuyên của tiền nhân.

• “Muốn giữ được lương tâm, nuôi được linh tính, cần phải chịu khổ, chịu phiền thì con người mới thuần thục” (Lưu Trực Trai).

• “Lửa bốc cao, nước chảy xuống thấp, thế mà lửa bao giờ cũng thua nước” (Văn Trung Tử).

• “Lấy oán báo oán thì oán chồng chất, lấy đức báo oán thì oán tiêu tan” (Phật Thích Ca).

• “Một bên là quần chúng, một bên là bản thân, hai bên đều trọng cả. Nhưng gặp trường hợp cần, thì phải hy sinh bản thân để cứu giúp quần chúng” (Khuyết danh).

• “Cắn chặt răng để chịu thiệt, đứng vững gót để làm người” (Cổ ngữ).

• “Vật trong thiên hạ chẳng gì mềm bằng nước, thế mà to vô hạn, sâu vô cùng, mạnh không sức nào địch nổi” (Hoài Nam Tử).

• “Độ lượng to lớn bao nhiêu thì phúc trạch cũng to lớn bấy nhiêu. Có mưu sâu độc bao nhiêu thì tai vạ cũng sâu độc bấy nhiêu” (Minh Tâm Bửu Giám).

• Người biết “đạo” tất không khoe, người biết “nghĩa” tất không tham, người biết “đức” tất không thích tiếng tăm lừng lẫy (Trương Cửu Thành).

II. NHỮNG HIỂU LẦM ĐÁNG TIẾC

1. Bầu khí hiểu lầm.

Những cuộc bách hại ác nghiệt đối với đạo Công Giáo từ 1583 đến 1838 bắt đầu từ những hiểu lầm. Tôi trích lại đây một đoạn trong cuốn “Lịch Sử Đạo Thiên Chúa tại Việt Nam”, tác giả Hồng Lam ghi rằng: “Người Việt Nam ta xưa nay vốn tính tình hòa nhã, trung hậu, không hề có ác cảm với người ngoại quốc, như các giáo sĩ và với người Tây phương đầu tiên đã công nhận. Vì thế mà giáo sĩ mới vào nước ta, đều được dân chúng tỏ vẻ hoan nghênh. Cả đến vua quan trong nước vào thời bấy giờ cũng có ý muốn thân thiện với người ngoại quốc, để bắt chước việc buôn bán trong nước, và có khi cũng để lợi dụng sức mạnh và sự tài giỏi của người vào công việc của mình”. Nhưng tiếc thay, về sau, chỉ vì nhiều sự hiểu lầm đáng tiếc mà gây nên những mối nghi kỵ giữa người ngoài và người Việt Nam ta, rồi giữa đồng bào Công Giáo với đồng bào lương. Hồi đó các giáo sĩ và các nhà buôn Tây phương thường bị coi là những kẻ do thám, hoặc những người dọn đường cho các nước thực dân Âu châu có ý dòm ngó nước ta. Đạo Thiên Chúa bị coi lầm là một tà đạo có thể làm hại đến thuần phong mỹ tục và những tập quán cổ truyền trong nước. Còn những kẻ theo đạo thì bị coi là đi ngược với luân thường đạo lý, có thể làm đảo lộn trật tự cựu truyền, và lay chuyển cả nền tảng luân lý, và có thể đẩy nước nhà đến sự suy vong. Một ít việc bất ngờ xảy ra, và một số người ghen ghét, đố kỵ hoặc cạnh tranh về vấn đề tôn giáo lại càng giúp cho mối ngờ vực đó tăng thêm” (7). May thay, giữa bầu khí ngột ngạt vì hiểu lầm như vậy, cũng nổi lên những vì sao muốn xóa tan những vòm mây hiểu lầm. Đó là những vua chúa hay quan quyền ngỏ lời bênh vực hay ca tụng đạo Thiên Chúa, như vua Gia Long (DMAH 2, tr.7), tướng Lê Văn Duyệt (DMAH 2, tr.26) (8), chí sĩ Phan Đình Phùng với khẩu hiệu “Lương Giáo thông hành” (DMAH 3,339)… Nhưng đặc biệt là bản tấu của quan thượng Nguyện Đăng Giai dâng lên vua Tự Đức. Ông nhận xét: “Cách thức của đạo này (Công Giáo) chinh phục lòng người như sau: trước hết họ chinh phục một người, đàn ông cũng như đàn bà, rồi trở thành một gia đình, một xóm đạo. Họ nuôi ăn những người đói kém, cho quần áo những người bị lạnh lẽo, giúp đỡ những người bất hạnh, an ủi những người sầu khổ, họ tụ họp đông để tiễn đưa những người quá cố. Họ không phân biệt quốc gia mà coi mọi người như một, như thân thuộc vậy… Như thế thì làm sao khuyên nhủ họ theo đường lối của chúng ta được? Các sách vở của họ tuy không viết bằng chữ đẹp như của chúng ta, nhưng không chứa đựng những điều gì sai trái nguy hại cho loài người. Các lời giảng dạy của họ chỉ có một mục đích là làm cho con người trở nên đức hạnh và làm ích cho người khác. Họ sống bằng lòng với tình trạng, đóng thuế rất sòng phẳng, không có trộm cướp hay làm loạn. Sáng chiều họ đọc kinh, cố gắng trở nên tốt hơn, hầu được hạnh phúc trên trời… Tôi nghĩ cứ để người Công Giáo sống an bình. Nếu đây là tà đạo, thì ‘sự thật khó hủy diệt còn cái dối trá tự nó sẽ tiêu tan. Chúng ta hãy thực hành đạo chúng ta một cách rầm rộ, để người ta sẽ thấy đạo lý giả trá xấu xa tan biến đi như tuyết tan dưới ánh mặt trời’ (DMAH 3, tr.59-61).

2. Đạo Hoa Lang:

Theo cuốn “Để tìm hiểu Lịch Sử Đạo Thiên Chúa ở Việt Nam đầu thế kỷ XVII, thì “Vào lúc đầu, giáo sĩ chưa biết tiếng, người thông dịch mới hiểu lờ mờ và nói bập bẹ vài ba tiếng Bồ, vì thế việc diễn giảng gặp rất nhiều khó khăn. Người ta cũng chưa biết phải gọi đạo mới này là đạo gì. Thế là người ta đã gọi đạo do người Bồ đưa tới là đạo người Bồ. Gaspar Louis viết: “Thực ra họ cũng nhận đức tin, nhưng chỉ tin theo cách đại khái rằng đạo người Bồ tốt hơn đạo của họ”. Borri kể lại câu chuyện nực cười, khi người ta hỏi xem có muốn theo đạo Kitô không, thì người ta đã nói: “Con nhỏ muốn vào lòng Hoa Lang chăng?” với ý nghĩa là “muốn vào đạo Hoa Lang” tức là đạo người Bồ. Về sau, nhiều người căn cứ vào đó mà hiểu lầm đạo Thiên Chúa là “đạo quái gở”, là “đạo tà”, là ‘đạo ngoại quốc”. Khi thông thạo tiếng Việt, và nhờ có chữ quốc ngữ, các thừa sai mới cắt nghĩa được cho người ta hiểu: không phải ‘đạo Hoa Lang’ hay ‘đạo của người Bồ’, nhưng là “Đạo chung của mọi người, tức là đạo Công Giáo’. Cha A. de Rhodes, trong cuốn “Phép Giảng tám ngày”, ngài để nguyên chữ la tinh “Ecclesia catholica apostolica” (9). Thời Chúa Trịnh Sâm, nhiều tín hữu bị khắc trên trán ba chữ “Hoa Lang Đạo” (10). Để đánh tan sự hiểu lầm này, thày giảng Inhaxiô đã thưa cùng chúa Thượng Vương: ‘Kính thưa chúa thượng, đạo hạ thần theo không phải là đạo Bồ Đào Nha, nhưng là đạo của Chúa Trời Đất” (DMAH 1, tr.37).

3. Không thờ cúng Tổ Tiên:

Đây là một hiểu lầm lớn nhất, tai hại nhất, đánh vào con tim và tâm não của người Việt Nam hơn cả. Câu “đi đạo Thiên Chúa là bỏ cha bỏ mẹ” đã phổ biến từ đó. Không phải chỉ là một sự hiểu lầm của giới bình dân, nhưng cả của giới trí thức và quan quyền, vua chúa. Nhất là sau khi công bố Hiến chế Ex quo sungulari providentia (1742) của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XIV, cấm mọi hình thức tôn kính người đã mất (11). Hầu hết trong các sắc lệnh cấm đạo đều “coi việc không thờ kính tổ tiên là lý do chính yếu”. Chẳng hạn vua Nguyễn Nhạc đã tuyên bố năm 1785 rằng: “Trẫm muốn tiêu diệt đạo Âu Châu, vì nó đã lan tràn trong nước. Đó là giáo phái không thờ kính tổ tiên…” (DMAH 1, tr. 211). Nguyễn Ánh tức vua Gia Long, tuy rất thiện cảm với đạo Thiên Chúa, nhưng không theo đạo, vì đạo cấm thờ kính Tổ Tiên (DMAH 3, tr.3-4). Mở đầu sắc lệnh cấm đạo năm 1833, vua Minh Mệnh tuyên bố: “Ta, Hoàng Đế Minh Mệnh, truyền lệnh cấm các người Tây Phương đến truyền đạo Giatô, vì chúng… không thờ kính Tổ Tiên…” (DMAH 3, tr.34). Rồi đại diện cho giới Nho Sĩ và phong trào Văn Thân, ông Nguyễn Đình Chiểu đã chửi xéo người Thiên Chúa giáo bằng câu thơ:

Thà mù mà giữ đạo nhà,

Còn hơn có mắt ông cha không thờ.

Quả thật, từ các vua chúa, quan quyền và đa số dân chúng chưa hiểu được rằng ‘Hiếu thảo là giới răn thứ IV trong 10 điều răn của Thiên Chúa truyền dạy, cũng như cách thức bề ngoài tuy khác nhưng cốt lõi vẫn là một. Đạo hiếu hay cách thế tôn kính đối với người quá cố mà đạo Công Giáo dạy người tín hữu phải giữ, phải sống còn nghiêm túc và sâu xa hơn… đức hiếu thảo cổ truyền và việc thờ kính Tổ Tiên hiện có’. Sự hiểu lầm này cũng có một phần đáng tiếc về phía các linh mục truyền giáo Phanxicô, Đaminh và Thừa Sai Ba Lê thiếu sự phân biệt nghi thức với niềm tin và vội coi mọi lễ nghi cúng bái là dị đoan, trái tín lý. Hầu hết các vị tử đạo đều bị chất vấn “tại sao các ngươi lại bất kính tổ tiên, đó là một tội nặng”. Chúng ta hãy nghe linh mục Laurensô Nguyễn Văn Hưởng trả lời: “Thưa quan, nói rằng bên đạo chúng tôi không thờ kính tổ tiên là điều vu khống và bỏ vạ. Người lương lấy cơm, cá thịt, trái cây mà cúng ông bà cha mẹ đã qua đời, còn chúng tôi không dùng những thức ăn mà cúng, vì biết ông bà cha mẹ đã chết rồi, thì không ai ăn được nữa, không còn hưởng nhờ các thức ăn đó. Nhưng chúng tôi nhớ đến ông bà cha mẹ tối sáng. Hằng ngày cầu xin cho các ngài được hạnh phúc trên thiên đàng. Hơn nữa, chúng tôi tuân giữ các lời ông bà cha mẹ răn dạy hầu giữ luật luân lý và làm vinh danh cho các ngài’ (DMAH 3 tr. 114).

4. Một số quan điểm về tôn giáo và phong tục.

Người ta ác cảm với đạo Thiên Chúa vì cho rằng đạo mới này đảo lộn trật tự xã hội và vi phạm tục lệ quốc gia:

• “Trời-Phật” Vì xưa kia Việt Nam nội thuộc nước Tàu nên chịu ảnh hưởng cả Nho giáo, Lão giáo và Phật giáo. Đến thời Việt Nam độc lập, thì theo sử chép, vua Đinh Tiên Hoàng là người làm cho đạo Phật lớn mạnh và trở thành như “quốc giáo”, đặc biệt về sau vào các triều nhà Lý, nhà Trần. Từ đó người Việt Nam quen miệng kêu “Trời Phật” muốn đồng hóa Phật với Trời hay đặt Phật ngang với Trời. Đến khi đạo Thiên Chúa được rao giảng ở Việt Nam thì quan điểm tôn giáo như trên thay đổi: Trời là Thượng Đế, Tạo Hóa là Thiên Chúa tối cao, duy nhất. Phật không phải là Trời, không thể đồng hàng với Trời, không được coi là Thượng Đế hay Thiên Chúa. Điểm này làm cho nhiều vua quan, nhiều chức sắc Phật giáo và nhiều người dân hiểu lầm và sinh ghét đạo Thiên Chúa.

• “Trời-Đất”. Trong thời Bắc thuộc, tức thời nhà Hán đô hộ nước Việt Nam, hai quan thái thú Tích Quang và Sĩ Nhiếp đã du nhập đạo Nho vào nước ta. Đạo Nho phát triển mạnh và đã tạo nên cho nước ta “một giới trí thức” trong đó có vua chúa, quan quyền và nho sĩ. Thời nhà Lê, Nho giáo được coi như quốc giáo. Vì thế quan niệm Trời-Đất (Thiên-Địa, Dương-Âm) được đề cao: Mặc dầu Trời là đấng tối cao chỉ huy mọi vật trong vũ trụ, mọi vật đều có một cha mẹ chung sinh ra là Trời và Đất. Trời sinh ra các “loài đực”, đất sinh ra các “loài cái”. Đang khi đó đạo Thiên Chúa dạy: Trời hay Thượng Đế duy nhất dựng nên hết mọi vật, kể cả Đất (trong Nho giáo) cũng do Thượng Đế hay ông Trời (trong Nho giáo) dựng nên. Đây là điểm làm cho giới trí thức thời xưa hiểu lầm và chống đối đạo Thiên Chúa.

• “Quân-thần, Phụ-tử”: Theo Nho giáo, vua có quyền tuyệt đối trên quần thần và dân chúng. Cũng vậy người cha có quyền tuyệt đối trên con cái, như lời ghi của sử gia Trần Trọng Kim: “… Con phải theo cha, tôi phải theo vua, ai trái với cái đạo ấy, thì mang tội nặng, đáng chém giết” (12). Đạo Thiên Chúa thay đổi quan niệm: chỉ mình Thiên Chúa có quyền tuyệt đối trên mọi người, mọi vật. Tuy nhiên, Ngài kính trọng tự do lương tâm của mỗi người.

• + “Đa thê”: Phong tục Việt Nam cho phép người đàn ông cưới nhiều vợ, tục đa thê. Đạo Thiên Chúa dạy “chỉ một vợ một chồng”. Chính Nguyễn Ánh đã nói với Đức Cha La Mothe: “Đạo của Đức Cha là một đạo tốt lành, nhưng nghiêm khắc quá, ai mà có thể giữ được? Tôi không thể nào chỉ cưới một vợ” (DMAH 2, tr.5).

• “Nộp tiền cúng tế”. Khi chưa có những làng Công Giáo thuần nhất, mà còn tình trạng người Công Giáo thiểu số trong một làng, thì vấn đề đặt ra là người Công Giáo có buộc phải góp tiền tổ chức các lễ cúng tế theo phong tục quốc gia nữa hay không? Hai Đức Cha Labarette và La Mothe đã xin với Nguyễn Ánh miễn chuẩn cho người Công Giáo khỏi giữ nhiệm vụ này. Nguyễn Ánh để cho các quan cứu xét. Các quan từ chối và để quyền đó cho các hương chức, vì đây là tục lệ quốc gia (DMAH 2, tr.5).

III. NHỮNG VU OAN ÁC NGHIỆT

Những hiểu lầm đáng tiếc chúng ta vừa nêu lên nhiều khi đã biến thành hay tạo nên những vu oan ác nghiệt. Chẳng hạn:

1. Móc mắt”: Khi thấy Nguyễn Ánh bao dung đạo Thiên Chúa và còn trao hoàng tử Cảnh cho Đức Cha Bá Đa Lộc huấn luyện, nhiều quan trong triều tức giận và muốn bày cớ vu khống đạo Thiên Chúa. Vậy, có một quan lại tố cáo rằng: các thừa sai lấy mắt người chết làm hạt ngọc rồi nhét bông vào mắt thay thế. Vị quan còn nói: ông thấy trong nhà thờ có nhiều hạt ngọc như thế. Nghe vậy, Nguyễn Ánh nói: “Nếu quả có thật như vậy, thì người Công Giáo sẽ bị trừng phạt; ngược lại, nhà ngươi sẽ bị chém đầu”. Ông quan thú nhận là chỉ nghe như thế. Nguyễn Ánh bèn ra lệnh chém đầu vị quan vu cáo này. Nhưng nhờ sự can thiệp của Đức Cha Bá Đa Lộc, ông quan được khoan hồng (DMAH 2,3-4). Thế nhưng, trong đầu óc các quan vẫn còn coi điều vu khống quái ác trên đây là thật. Bằng chứng là năm 1826, Bộ Lễ đã làm kiến nghị dâng lên vua Minh Mạng xin trừ diệt đạo Giatô, trong đó có câu: “…Những người rao giảng khuyến dụ dân theo đường hư hỏng, những người móc mắt người ốm, nếu bị bắt sẽ bị phạt theo trọng tội” (DMAH 2, tr.22). Đến năm 1835, ngay lúc sắp xử lăng trì cha Giuse Marchand Du, quan còn hỏi cha: “Vì lý do gì bên đạo móc mắt người chết?”. – Cha trả lời vắn gọn: “Không bao giờ tôi thấy như vậy” (DMAH 2, tr.82). Mãi tới năm 1856, trong phiên tòa xử cha Laurensô Nguyễn Văn Hưởng (bị trảm quyết 27.4.1856), quan đầu tỉnh Hà Nội còn hỏi cha: “Tại sao khi người ta đau ốm, các đạo trưởng đến khoét mắt đem về làm thuốc cho người ta mến và theo đạo? Cha Hưởng thưa: “Bẩm quan lớn, điều ấy không đúng. Bên Phật giáo họ ghét đạo nên bỏ vạ chúng tôi như vậy. Những người kẻ liệt thì cũng một nửa còn sống, nếu khoét mắt thì họ mù làm sao còn xem được nữa. Vì khi còn khỏe, người ta hay dùng ngũ quan mà phạm tội, nên khi họ ốm đau, chúng tôi đến xức dầu thánh nơi con mắt và chân tay để trừ tội và ma quỷ chứ không làm sự gì khác” (DMAH 3, tr.113-114).

2. Từ vu cáo móc mắt đến các vu cáo quái đản khác.

• Năm 1836 các quan đã làm kiến nghị dâng lên vua Minh Mệnh và vu cáo đạo Công Giáo như sau: “Các thừa sai dùng bánh nhiệm mầu để mê hoặc dân chúng và làm cho họ cố chấp giữ đạo. Các thừa sai còn lấy mắt người chết pha lẫn vào hương để làm thuốc chữa bệnh. Trong khi cử hành hôn phối, đạo trưởng bắt làm những điều đồi bại” (DMAH 2,86).

• Năm 1837 Quan tổng Hào nói với thầy giảng Phanxicô Xaviê Cần (bị xử giảo 1837) như sau: “Ta nghe nói các linh mục thường móc mắt đàn bà ốm yếu bỏ vào chum nước có chó ngao, rồi lấy nước làm bùa mê rảy trên dân chúng, có thật vậy không?” – Thầy Cần thưa: “Thưa quan, đó là điều bịa đặt vu khống hoàn toàn. Các đạo trưởng rất thành thật và không bao giờ nói dối” (DMAH 2, tr.102).

• Năm 1838, Dưới thời Tây Sơn, tổng đốc Lê Văn Đức đã hạch hỏi thày giảng Phaolô Mĩ: “Tại sao đã có lệnh vua cấm theo đạo mà ngươi còn theo? Trong đạo có những chuyện móc mắt, làm bùa mê, rồi các đạo trưởng thông gian với phụ nữ…”. – Thầy Mĩ trả lời: “Thưa quan lớn, chúng tôi xả thân cầu đạo, nếu có khoét mắt người nào thì anh em con cái họ để chúng tôi sống chăng? Nếu trong đạo chúng tôi có chuyện đồi tệ như quan tố cáo, thì chúng tôi dạy bảo ai được. Mà nếu chúng tôi đi tu, lại ăn ở thể ấy thì vợ chồng người ta để chúng tôi đến nhà mình nữa chăng? (DMAH 2, tr.273).

• Hơn thế, chính vua Minh Mệnh, trong sắc lệnh ra ngày 29.7.1839, còn mạt sát đạo Công Giáo: “Đạo này không tuân giữ luật nước, đầy rẫy sự giả dối, rao giảng những điều phi lý như thiên đàng, nước thánh… các đạo trưởng móc mắt người chết và dụ dỗ đàn bà con gái…” (DMAH 2, tr.289).

3. Vấn đề chính trị.

Từ sự hiểu lầm “đạo Thiên Chúa là đạo ngoại quốc, đạo do người ngoại quốc du nhập vào”, triều đình làm sao khỏi nghi ngờ và nghi kỵ? Xưa cũng như nay, nhiều kẻ thù của Giáo Hội vẫn cố tìm cách ghép buộc “công trình truyền giáo với việc nước Pháp thôn tính đất nước Việt Nam dưới chiêu bài đòi tự do buôn bán và tự do tôn giáo” (DMAH 3, tr.124). Tôi nghĩ họ cần có cái nhìn đứng đắn của ông Toan Ánh. Ông viết: “Nhiều người thường quan niệm sai lầm rằng đạo Thiên Chúa cùng tới Việt Nam với thực dân Pháp. Sự thật, đâu có phải. Đạo Thiên Chúa đã truyền sang Việt Nam từ lâu, trước hồi Pháp thuộc, từ đầu thế kỷ XIV, nhưng sự truyền giáo đã gặp khó khăn, nên sự phát triển không được mạnh mẽ lắm. Thực dân Pháp tới Việt Nam, mục đích của họ cốt để thôn tính đất nước, nô lệ hóa nhân dân, còn công việc khai thông đạo giáo, đó là công việc của các tu sĩ truyền giáo… Và tình thương đã quảng bá đạo Chúa… Tóm lại, Thiên Chúa giáo đã tới Việt Nam trước thực dân và trải nhiều thế kỷ đã lan rộng để ngày nay trở nên một tôn giáo quan trọng tại Việt Nam” (13).

Từ sự hiểu lầm “đạo Chúa là đạo ngoại quốc, đạo do người ngoại quốc du nhập vào Việt Nam”, triều đình và giới Nho sĩ đã nghi ngờ các thừa sai và khối Công Giáo, nhất là khi “dã tâm của người Pháp muốn thôn tính nước Việt Nam mỗi ngày một hiển hiện”. Tuy nhiên, đọc lại các sắc lệnh, các chỉ dụ cấm đạo của các chúa, các vua cũng như các kiến nghị của các quan triều thần, chúng tôi không thấy một lý do chính trị nào được nêu lên, ngoại trừ khẩu hiệu “bình tây sát tà” của phong trào Văn Thân: ý đồ của họ là cho rằng “Nước Việt Nam bị Pháp thôn tính là vì đạo Công Giáo”; “Đạo Công Giáo là tả đạo, cần tàn sát và tiêu diệt”. Và họ đã dấy quân thi hành, gây nên bao nhiêu tang tóc trong thời gian 1864-1883 (14). Trước cảnh “nước mất nhà tan” này, chính vua Tự Đức đã ca tụng lòng trung thành của người Công Giáo và công nhận người Công Giáo đã bị vu oan (15) Sau đây là hai vụ vu oan chính trị đáng chú ý:

• Vụ cha Giuse Marchand Du bị nghi là có liên hệ với giặc Lê Văn Khôi. Năm 1833, dân tình chán ghét vua Minh Mệnh, nhiều cuộc nổi loạn bùng nổ. Đáng quan tâm nhất là tại tỉnh Gia Định, Lê Văn Khôi nổi loạn vì uất ức trước thái độ của quan lớn đối với Lê Văn Duyệt. Kể từ tháng 7.1833, giặc Lê Văn Khôi chiếm trọn vùng Nam Kỳ và ông nghĩ rằng: nếu có một thừa sai tây phương ở trong thành thì sẽ nắm phần thắng. Nên ông cho quân đi bắt cha Du lúc ấy đang ở xứ Mặc Bắc. Khi quan Đội Miêng cho lính ập tới, cha Du trả lời: “Tôi chỉ lo giảng đạo mà thôi, việc chiến tranh tôi không biết chi. Nếu Chúa sai tôi đi đánh giặc thì một mình tôi một tỉnh, tôi cũng không sợ”. Đội Miêng bảo: “Trong Thành có đông người Công Giáo lắm. Nếu cha không đi ông Khôi sẽ chém đầu những người Công Giáo”. Vì thế, cha Du để họ bắt dẫn đi… Về sau, cha Du bị bắt và ra trước tòa các quan triều đình. Các quan hỏi cha: “Người ta thấy cha ở trong thành, vậy cha có làm gì giúp giặc không?”. – Cha Du trả lời: “Tôi chỉ giảng đạo và biết có việc giảng đạo mà thôi”. Lần khác các quan lại hỏi: “Ông có giúp Khôi làm giặc không?”. – Cha Du thưa: “Không. Ông Khôi cho quân đi bắt tôi đem về Sàigòn. Việc chiến tranh tôi không biết gì, tôi chỉ giảng đạo, cầu nguyện và làm lễ thôi”. – “Có phải ông đã giúp tên Khôi viết thơ xin quân Xiêm và giáo dân Đồng Nai đến giúp y không?”. – “Ông Khôi ép tôi viết thơ song tôi không chịu và nói cho ông biết, đạo cấm làm chuyện chính trị. Tôi cũng nói: thà chết chứ tôi không làm như thế được. Ông Khôi còn đem mấy thơ đến xin tôi ký vào. Tôi không chịu và xé thơ trước mặt ông”. Sau cùng các quan làm án tâu lên vua Minh Mệnh, xin “xử bá đao về hai tội: Là đạo trưởng, không chịu đạp ảnh Thánh Giá, và có dính líu với nghịch tặc’. Vua Minh Mệnh chấp thuận và cho đi xử bá đao ngày 30.11.1835. Đầu cha Du bỏ vào thùng đem rêu rao khắp nơi, sau cùng đem về Huế, bỏ vào cối xay nát ra và bỏ xuống biển (DMAH 2, tr. 73-84).

• Vụ liên quân Pháp và Tây Ban Nha tấn công Đà Nẵng: Thánh Hồ Đình Hy là một quan chức được vua Tự Đức tín nhiệm, trao cho nhiều công tác và thăng quan tiến chức đều, đến tước thái bộc và làm quan tam phẩm. Vì thế nhiều quan triều ghen ghét, tìm cách hãm hại quan Hồ Đình Hy. Vậy, nhân vụ liên quân Pháp và Tây Ban Nha ở ngoài khơi cửa Hàn, lăm le xâm chiếm Đà Nẵng. Các quan triều xấu bụng đã làm đơn dâng lên vua Tự Đức buộc tội quan Thái Bộc là liên lạc với người Pháp, họ xin vua bóc chức quan Hồ Đình Hy và trừng trị xứng đáng. Trong bản án còn nêu lên hai tội: cả gan tin theo tà đạo, lại liên lạc với nhiều đạo trưởng và còn nhờ linh mục Oai cho con đi học ở Singapore. Mặc dầu đã bị tra khảo nhiều lần, Hồ Đình Hy vẫn một mực chối không có liên lạc gì với quân Pháp. Vua Tự Đức tin theo những lời vu khống ác độc của các quan triều, đã y án: quan thái Bộc Hồ Đình Hy bị trảm quyết ngày 22.5.1857 (DMAH 3, tr.150-160).

• Văn Thân vu khống và bày trò gian ác để gây thù oán giữa dân lương với đạo Công Giáo (DMAH 3, tr.331-332):

+ Văn Thân đồn thổi: ‘Đức Cha Sohier đã mang về 400 cân thuốc độc để triệt hại các vua và các quan hầu đem người Công Giáo lên làm vua. Lúc đó, dân lương nào không theo đạo sẽ giết hết’.

+ Đức Cha Theurel địa phận Tây Bắc cho biết: ‘Văn Thân vu cáo người Công Giáo bỏ thuốc độc vào các giếng nước’.

+ Đức Cha Cezon địa phận Trung cho biết: ‘Văn Thân thuê người đi bỏ thuốc độc vào các ao hồ và giếng nước và nếu bị bắt thì nói rằng “người Công Giáo thuê”. Đã có 100 người bị bắt và khai rằng “Văn Thân đã thuê họ”.

+ Đức Cha Gauthier địa phận Vinh báo động: “Văn Thân giả mạo một lá thư mang tên ngài, ra lệnh cho hai họ đạo Hội Yên và Phủ Lý phải cử năm người đi đốt phá và bỏ thuốc độc vào giếng của các làng bên cạnh… Kết quả là hai họ đạo Hội Yên và Phủ Lý bị chính Văn Thân đến đốt cháy’.

+ Văn Thân còn phao lên rằng ‘các thày lang Công Giáo làm thuốc độc bán cho dân. Vì thế một ông lang Công Giáo đã buộc phải uống một lúc hết các thuốc ông bán… Kết quả, ông bị chết vì thuốc hành’.

4. Những vụ khác do các sư sãi, thày phù thủy vu khống và xúi dân khiếu nại:

• Năm 1625, hai nhà sư đã kiện lên chúa Sãi rằng: người Công Giáo bỏ bê tổ tiên và tục lệ quốc gia. Vịn vào đó, chúa Sãi ra lệnh “không ai, dù là Công Giáo, được bỏ bê các lễ lạy trong làng’ (DMAH 1, tr.12).

• Năm 1627, các thày cúng và sư sãi lại tố cáo với Trịnh Tráng: các lễ nghi bên đạo là một phù phép giết người, và xin chúa Trịnh canh chừng kẻo các thừa sai phù thủy giết hết các nhân tài và tướng giỏi để chuẩn bị nổi loạn dễ dàng. Họ cũng vu khống là các thừa sai liên lạc với nhà Mạc và chúa Nguyễn trong Nam. Đặc biệt cha Đắc Lộ là một phù thủy cao tay. Vì thế chúa Trịnh ra lệnh cấm dân chúng không được liên lạc với các đạo trưởng tây phương và không được theo đạo Giatô giả dối… (DMAH 1, tr.107-108).

• Năm 1663 các sư sãi lại vu khống và khiếu nại lên chúa Trịnh: người Công Giáo phá chùa, bẻ tượng… Sự hiện diện của đạo Công Giáo là nguyên cớ gây nên tai ương mưa lụt, hạn hán… Nghe vậy, vua Cảnh Trị ra lệnh cho các quan đi các làng, thấy có ảnh đạo phải tịch thu và bắt dân Công Giáo phải tuân giữ các tục lễ cúng bái của làng xã và của quốc gia (DMAH 1, tr. 122-123).

• Năm 1698 các thày phù thủy và sư sãi lại xúi dân làng Thương Lo làm đơn tố cáo lên chúa Minh Vương: Người Công Giáo bẻ gãy tượng phật, phá chùa và lấy các đồ thờ. Minh Vương cho người đi điều tra thì, chùa không hư hại gì và tượng Phật đã gãy tay từ hai chục năm trước (DMAH 1, tr.70-71).

IV. NHỮNG HÀNH NHỤC VÀ TỬ NHỤC

Hệ quả của những hiểu lầm và vu cáo như trên là các cuộc bắt đạo cứ từ từ bùng nổ, các chúa, các vua, các quan chức đều nuôi lòng ghen ghét, hoài nghi, và tìm mọi lý do, mọi hoàn cảnh khả dĩ để tiêu diệt đạo Công Giáo, nhất là thời vua Minh Mệnh, Tự Đức và phong trào Văn Thân. Trong nước dần dần thành hai khối “một bên là lương dân, quan quyền và vua chúa, một bên là dân Công Giáo với các thừa sai và thày giảng”. Một bên có quyền, có quân, một bên chỉ có niềm tin để chịu đựng mọi thua thiệt, mọi đàn áp, mọi hành nhục và tử nhục với tinh thần hiền lành, kiên nhẫn, can tràng… vẫn một lòng kính vua chúa, quan quyền, thương cha mẹ, yêu đồng bào… nhưng thờ Chúa là trên hết…. Thánh Philippê Phan Văn Minh đã diễn bầu khí bách hại đó như sau:

Lừng lẫy oai hùng tiếng đã rân,

Chỉ truyền cấm đạo khắp xa gần.

Thánh đường chốn chốn đều tiêu triệt,

Giáo hữu người người chịu khổ tân.

Linh mục giảo lưu, hình giảm khốc,

Cận thần trảm quyết, lính đồ thân.

Há rằng vương đế làm nhân chánh,

Sao nỡ phiền hà hại chúng nhân.

(Bắt đạo thơ)

Như trên chúng ta thấy, hơn ba trăm năm đạo Công Giáo, hay các linh mục, thày giảng và giáo dân nam nữ, già trẻ, đều sống trong bầu khí “nghi ngờ, vu oan và bách hại”. Ít có thời gian được “tương đối bình an”. Tuy có một vài tiếng nói của vua chúa hay quan quyền bênh vực khen lao đạo Công Giáo, vì quyền lợi hay vì thời cơ, đều èo ẹt như một tia sáng nhỏ giữa đêm khuya mịt mù. Ai bảo vua Gia Long hay Nguyễn Ánh là người bênh vực đạo? (xem DMAH 2, tr.3-6). Ai bảo tiếng nói của quan triều Lê Văn Duyệt (DMAH 2, tr.26), hay Nguyễn Đăng Giai (DMAH 3, tr.59) được lắng nghe và xoay chiều tình thế có lợi cho đạo Công Giáo?…

Mọi người Công Giáo sống trong “bản án tập thể” là theo đạo ngoại quốc, đạo “hoa lang”, đạo “Bồ Đào Nha”; mang trên má hai cụm từ “hoa lang đạo” hay “tả đạo”; bị coi như những người khờ dại, đần độn, để người ta quyến dũ và mê hoặc, “bỏ đạo quốc gia đi theo đạo Giatô dạy điều giả dối, điên rồ và phi lý…”. Khiếu nại cùng ai, khi nhà bị cướp, bị đốt, bị chiếm? Nuối tiếc chi được khi bó buộc ra khỏi nhà, đi sống “phân sáp” hay lưu đày… Đúng như lời thánh Phaolô nói: “đành chịu mọi thua thiệt để được Chúa Giêsu!”. Nếu là linh mục hay thày giảng, các ngài phải ẩn tránh, lén lút, trốn hết nhà này qua nhà khác, tránh mọi dòm ngó của quan quyền, lính tráng hay “những người dân ghét đạo”. Nhiều khi phải trốn ẩn dưới hầm, ngoài đồng, trong rừng…

Khi bị bắt, lập tức mang gông, ngồi cũi, dẫn bộ về nộp cho quan huyện, quan tỉnh… để vào tù đợi ngày ra xử. Nhiều trường hợp các quan đòi tiền mua chuộc. Ngày ra tòa trước mặt các quan là ngày bị hỏi cung, bị dụ dỗ, bị nguyền rủa, bị buộc tội, bị những trận đòn 50, 100, 150 roi, tuỳ theo là roi mây, roi trượng, roi đuôi trâu, roi móc thịt… Bị đánh nhừ tử, và trở lại tù… Sau hai, ba lần hỏi cung và tra tấn, các quan lập biên bản, tức làm bản án, nộp lên hoàng đế. Khi hoàng đế “y án”, các quan sẽ thi hành bản án. Có nhiều loại án, hoặc đánh đòn và nộp tiền phạt rồi tha về đặc biệt đối với thường dân và phụ nữ; có khi bị bỏ chết đói trong tù; có khi thả vào chuồng voi cho voi giẫm chết, có khi bị lưu đày xa quê hương và làm công dịch, có khi bị lưu đày hay phát vãng đến tận miền xa xôi, nước độc…. Hầu hết các vị tử đạo, nhất là các giám mục, linh mục, thày giảng, quan chức hành chánh, sĩ quan hay binh lính thuộc quân đội và các chức sắc trong họ đạo, đều bị xử tử. Xử tử bằng hình thức xử giảo, chém đầu, xử trảm, lăng trì, bá đao, xử tử bêu đầu ba ngày, xử tử ném xác xuống sông sâu hoặc biển khơi, có trường hợp còn bỏ đói, chôn sống hay thiêu sống!

Có lẽ tử đạo đau đớn nhất và nhục nhã nhất là trường hợp của thánh linh mục Giuse Marchand Du: Ngài bị xử bá đao ngày 30.11.1835 tại họ Thọ Đúc (Huế). Ngài bị trói vào thập tự, miệng ngậm đầy đá sỏi và khóa lại bằng tre, để khi chịu đau kêu không ra tiếng. Vào giờ xử, lý hình tháo cha Du ra khỏi thập tự, trói vào cọc. Hai tên lý hình một người cầm kìm, một người cầm dao để xẻo ra từng miếng thịt. Hai tên lý hình khác đứng bên đếm từng miếng thịt lắt ra và ghi vào sổ. Sau hồi trống lệnh, lý hình xẻo trán cha Du trước để da phủ xuống che kín mắt của cha, sau đó lấy kìm lôi hai vú ném xuống đất. Lần lượt lý hình lấy kìm bấm và lôi thịt ra từ hai bên mông, cắt đứt ném xuống đất. Lúc ấy cha Du không còn sức nữa, gục đầu xuống và linh hồn về với Chúa. Thấy cha đã chết, tên lý hình cầm đao sắc, kéo đầu lên và chém đứt cổ, bỏ đầu vào thúng vôi. Lý hình xô xác cha xuống đất và tiếp tục cắt thân thể cha ra thành trăm mảnh, hết bổ dọc đến bổ ngang như bổ xẻ một khúc cây. Vì cha Du sống khắc khổ, chịu hành hạ nhiều nên không còn máu chảy ra. Khi xong xuôi tất cả, lý hình gom các miếng thịt vụn lại bỏ vào mấy thúng rồi đem nộp cho quan để vất xuống sông. Còn đầu bỏ vào thùng đem bêu khắp nơi trên đất nước. Đầu cha Du tới Hà Nội ngày 02.01.1836. Sau cùng đầu cha Du được đưa về Huế bỏ vào cối xay nát ra và ném xuống biển. Không ai giữ được một di tích nào của cha Du (DMAH 2, tr.84).

Đọc lại cái chết tử đạo của tiền nhân, đặc biệt cái chết đau thương của cha Du, ai lại không thấy hữu tình, hữu lý, những lời Thánh Thi của Kinh Chiều lễ các Thánh Tử Đạo:

Muôn thử thách, vì Chúa đâu xá kể,

Không hé một lời oán trách thở than,

Chẳng xôn xao, lòng thơ thới yên hàn,

Trước sau vẫn hiền hòa luôn kiên nhẫn.

Hay lời thơ của thánh linh mục Phlippê Phan Văn Minh:

Dĩ nhược thắng cương minh chứng rõ,

Kiếp sau hiện hữu sống muôn đời

V. NHỮNG DẤU LẠ ÂN THƯỞNG

“Phúc cho anh chị em, là những kẻ bị người ta gièm pha, vu khống đủ điều và bách hại vì danh Ta. Anh chị em hãy vui mừng phấn khởi, vì phần thưởng dành cho anh chị em thật lớn lao” (Mt5, 11-12). Vâng, các thánh Tử Đạo tiền nhân của chúng ta đã thấu hiểu lời chúc phúc của Chúa Giêsu hơn ai hết. Các ngài cũng nằm lòng những lời dạy của tổ tiên chúng ta nêu lên ở trên (số I). Lời chúc phúc của Chúa Giêsu và những lời dạy của tổ tiên đã ăn sâu vào xương tủy máu huyết của các ngài, nên các ngài can tràng chấp nhận mọi hy sinh vì đức tin, mặc ai gièm pha, nghi kỵ, vu khống và bách hại. Những trận đòn nhừ tử, những cái chết đau thương không làm các ngài suy giảm đức hiền hoà và nhẫn nhục. Các ngài ý thức rõ các ngài chết cho ai, chết vì ai. Tất cả vì Chúa, vì quê hương, vì dân tộc, vì đồng lúa của Giáo Hội hoàn vũ và Giáo Hội Việt Nam, vì phần rỗi của mình và của đồng bào… Các Thánh Tử đạo là những người bỏ mọi sự đi theo Chúa đến tận cùng. Các ngài đáng được Chúa thưởng bội hậu trên thiên đàng, và ngay ở trần thế. Phần thưởng bội hậu của các thánh trên trời, chúng ta chỉ biết hân hoan chúc mừng theo lời Chúa dạy “thật bội hậu, thật lớn lao”, và theo mức độ cảm nghiệm hạn chế của chúng ta hay như lời Giáo Hội thường hát:

Thật khôn tả, nguồn vinh quang vô tận,

Chúa dành cho bậc tử đạo anh hùng:

Áo huy hoàng thắm đỏ máu tôi trung,

Đây rực rỡ mũ triều thiên chiến thắng…

(Thánh thi kinh chiều 2 lễ Tử Đạo)

Còn những phần thưởng Thiên Chúa ban cho các thánh Tử Đạo tại Việt Nam ngay ở trần gian, thì ngoài đời sống gương mẫu, ngoài tinh thần can đảm chịu đựng mọi gian lao vì đức tin, và dũng lực chấp nhận cái chết đau thương vì danh Chúa mà chúng ta có thể nhận ra nơi mỗi vị, chúng ta cũng có thể dựa vào những điều lịch sử ghi lại để nêu lên như những dấu chứng tiêu biểu về “phần thưởng bội hậu” mà Thiên Chúa dành để cho các tôi trung của Chúa. Quả vậy, đọc lịch sử truyền giáo tại Việt Nam, đọc truyện mỗi vị tử đạo, đã được phong thánh hay chưa, là người bản xứ hay người ngoại quốc, chắc chắn không ai dám phủ nhận: “những dấu chứng về phần thưởng bội hậu ngay ở trần gian, thật phong phú dưới nhiều dạng thức”. Chúng ta không thể nêu lên hết, dưới đây chỉ là những dấu chứng độc đáo nơi một số vị tử đạo mà thôi:

1. Năm 1663: Ông Alexi Đậu là con trai của một thương gia Nhật, và bà mẹ, người Việt Nam Công Giáo. Bà bị voi dày chết vì đạo. Khi đi ra Pháp trường với người bạn tên là Toma Nhuệ, ông mặc áo lụa trắng mới, bình tĩnh vui vẻ lạ thường. Khi lý hình chém đầu ông Toma, ông Alexi Đậu còn nói vui vẻ: “Bạn tôi đã đi hết đoạn đường và đoạt chiến thắng. Bây giờ đến lượt tôi đi theo”. Rồi ông đưa đầu cho lý hình và hỏi xem đã đúng cách chưa. Khi lý hình đã chém đứt cổ và tung đầu lên, người ta còn nhìn thấy vẻ mặt tươi vui suốt hai ngày liền. Hơn thế, ông Alexi Đậu còn hiện ra với người lính đã chém đầu mình, trong đoàn ngũ các thánh hân hoan, và cám ơn người lính đã giúp mình đạt được ước nguyện (DMAH 1, tr.51).

2. Năm 1658, thời chúa Trịnh Tráng, ông Phanxicô là người Công Giáo tử đạo đầu tiên của Giáo Hội miền Bắc. Ông đã đổ máu ra để làm cho công việc truyền giáo của các thừa sai trổ sinh nhiều kết quả phong phú. Đặc biệt Chúa đã làm nhiều phép lạ thưởng công ngài và các thừa sai không thể kể hết. Sách vở còn ghi: Nhờ khấn nguyện với ông Phanxicô, một giáo dân đã chữa lành 30 người bị quỷ ám. Nhờ khấn nguyện với ông Phanxicô, một cô gái tỉnh nghệ an đã cứu người mẹ hấp hối hồi tỉnh và khoẻ lại bình thường. Một người khác đi trong rừng, gặp một cụ già nằm liệt sắp chết, đã cầu khấn với ông Phanxicô, rồi lấy nước làm phép cho cụ già uống, cụ liền khoẻ lại và trở về nhà (DMAH 1, tr.110).

3. Năm 1723, thời chúa Trịnh, cha Bucharelli bị bắt với 9 giáo dân. Cả 10 người bị giam trong chuồng voi. Ngày 11.10, các ngài bị dẫn ra pháp trường. Cha Bucharelli khích lệ giáo dân: “Chỉ còn ít giờ nữa, chúng ta sẽ được tự do, thoát khỏi đời sống trần thế khổ cực này, Thiên Chúa sẽ dắt đưa chúng ta lên trời”. Đoàn người anh hùng bước ra pháp trường cách vui vẻ giữa tiếng kêu của xiềng xích và tiếng cầu kinh. Lương dân, quân lính và lý hình rất bỡ ngỡ về thái độ bình tĩnh vui tươi của các ngài. Tới Đồng Mơ, nơi hành quyết, cha Bucharelli quì xuống đất, cất lời cầu nguyện sốt sắng, 9 giáo dân cũng làm theo: hai tay đưa ra sau, nghển cổ lên cho lý hình làm việc bổn phận. Từng cái đầu một rơi xuống, máu nóng tuôn chảy chan hòa tưới đỏ khu đất. Trời tối sụp lại. Các lý hình vội vã đi về, để lại cho dân chúng tự do thấm máu và tôn kính các anh hùng tử đạo. Những người lương dân chứng kiến vụ việc, nói với nhau: “Đạo Công Giáo là một đạo thánh, không sớm thì muộn, Trời sẽ báo oán cho những người thánh này” (DMAH 1, tr. 158).

4. Năm 1745, thời chúa Trịnh Doanh, cha Tế và cha Đậu dòng Đaminh, bị lính dùng gươm chém đầu ngày 22.1.1745. Dân chúng chen nhau thấm máu đào của hai cha. Tối hôm ấy, xác hai cha được tắm rửa và an táng tại xứ Kẻ Bùi. Nhưng hai xứ Trung Linh và Trung Lễ đòi quyền được chôn cất xác của hai cha. Vì thế, một tuần sau, Đức Giám Mục cho phép đào xác hai cha lên để đưa về Trung Linh mai táng trong nhà thờ. Lạ thay, xác các ngài không bốc mùi thối, nhưng mọi người đều ngửi thấy một hương thơm lạ lùng thoát ra… (DMAH 1, tr.179). Chứng kiến cái chết của cha Tế và cha Đậu, một tên lý hình đã thốt lên: “Rồi đây đói kém và thiên tai sẽ đổ xuống trên chúng ta. Tại sao cứ phải giết các đạo trưởng không hề trộm cắp giết người? Chúng ta đều biết rõ họ là đấng thánh”. Lòng tôn kính các đấng anh hùng tử đạo đã lôi kéo nhiều người đến mộ các ngài để cầu nguyện… Nhiều người đã được ơn lạ. Như trường hợp sau đây mà ông Giuse Can đã thề là chuyện có thật: “Thầy già Khiêm đã kể lại cho tôi nghe truyện lý hình Chân Nhuệ đã bắt cha Đậu trước đây, bị đau ốm lâu dài. Sau khi nghe biết cha Đậu đã chết vì đạo thánh, thì ông ta hối cải cầu xin với cha Đậu phù hộ, ông ta được khỏi bệnh cách lạ lùng. Ông ta đã từ bỏ thần phật đã theo đạo do cha Đậu rao giảng trước đây”. Một trường hợp khác được kể lại là người giữ chùa bị đau nặng, dù đã cầu đảo các thần phật và chạy chữa thuốc men nhưng vẫn không khỏi. Một người Công Giáo đến thăm, lặng lẽ nhúng miếng vải đã được thấm máu đào của cha Đậu vào ly nước rồi cho bệnh nhân uống mà không nói gì cả. Bệnh nhân vừa uống hết ly nước thì khoẻ mạnh lại. Ông từ giã chùa và sau xin trở lại đạo (DMAH 1, tr.188-189).

5. Năm 1798, cha Gioan Đạt, người Thanh Hóa, bị trảm quyết và được Chúa cho nhiều dấu lạ xảy ra nhờ lời cha Đạt bầu cử. Nghe vậy, Đức Cha Monger coi sóc địa phận Tây Đàng Ngoài, đã ra lệnh tìm nhân chứng tường thuật lại cuộc tử đạo của cha Đạt. Có ba bài tường thuật đầy đủ. Một bài của y sĩ Huyền Trang, một bài của thày Tăng cùng bị giam với cha, và một bài của thày Benoit Huy. Ngoài ra có nhiều nhân chứng kể lại những phép lạ Chúa ban cho cha Đạt làm, như trường hợp sau đây: Ông Phêrô Vũ Văn Thang kể lại “Cháu trai của tôi bị chứng bệnh đau bụng kinh niên, nhiều khi đau kinh khủng, không thuốc nào chữa được. Tôi liền đi đến mộ cha Đạt đọc năm kinh Lạy Cha, năm kinh Kính Mừng, rồi nhổ vài ngọn cỏ trên mộ ngài đem về nấu nước cho cháu uống. Vừa uống xong bát nước, cháu khỏi bệnh ngay, không đau lại nữa”. Một người khác cũng làm chứng “Tất cả nhà tôi đều tin chắc rằng cậu Đam được chữa khỏi là do lời bầu cử của cha Đạt” (DMAH 1, tr.244).

6. Năm 1833, thời vua Minh Mệnh, cha Phêrô Tùy bị xử trảm tại Thanh Trì (Hà Nội). Ngay khi đến nơi hành quyết, trời bỗng nhiên u tối vì mây đen bao phủ. Những người lý hình nói với nhau: “Ông này có phải là một vị thần không mà trời bỗng dưng ra tối tăm làm vậy?” Thày Bernard Thu làm chứng về đời sống và cuộc tử đạo của cha Tùy như sau: “Nhiều lần tôi nghe kể lại những phép lạ do lời bầu cử của cha thánh nhưng chưa ai viết ra. Tuy nhiên, riêng tôi, tôi tin chắc chắn rằng nhiều lần khi tôi chữa trị cho các bệnh nhân nan y, tôi thường cầu khấn với cha Tùy, chính ngài đã chữa họ lành. Tôi cũng biết chắc một sự kiện khác là đang khi lương dân không làm sao ngăn chặn được sâu phá hoại mùa màng, tôi liền chạy đến cầu nguyện với cha Tùy và rảy nước thánh trên ruộng lúa. Lời cầu nguyện của tôi được chấp nhận. Mọi người sửng sốt thấy ruộng của họ bị sâu phá hoại còn ruộng của tôi thì trổ bông. Tôi cho họ biết lý do và họ ca ngợi Đấng Tử Đạo… Mấy năm sau người ta cải táng và đem xác cha về Pháp. Khi mở mộ ra, người ta ngửi thấy mùi thơm tho dịu ngọt tỏa ra và nước trong bao quanh xác ngài. Nhiều bệnh nhân uống nước này và được khỏi bệnh lập tức. Một số người khác giữ nước này để khi đau sẽ dùng tới” (DMAH 2, tr.50-51).

7. Năm 1837, cha Tân bị xử lăng trì tại Sơn Tây. Khi tiếng chiêng nổi dậy, năm người lý hình tiến ra, chặt đầu cha Tân và phân thây làm bốn miếng. Họ vất ra xa từng miếng một, trừ miếng bụng, họ mổ ra lấy gan của ngài chia nhau mà ăn. Vì họ nghĩ rằng: “ăn gan của người chết vì đạo, họ sẽ được thừa hưởng lòng can đảm”. Khi cuộc xử đã bế mạc, một y sĩ Công Giáo, hai người lính và hai chị nữ tu ở lại lượm nhặt các phần thân thể của cha Tân đem về chôn ở làng Chiêu Ẩn. Qua năm 1838, giáo dân xứ Bách Lộc mới cải táng đưa xác cha Tân về chôn trong nhà kho của nhà dòng Mến Thánh Giá. Từ đó giáo dân quen đến viếng và gọi là nhà mồ. Người ta kể rằng: dân chúng tranh nhau thấm máu cha Tân, vì họ nghĩ: “Máu bên đạo thiêng lắm, đem về nhà thì quỷ không dám quấy phá nữa’. Người ta còn thuật lại hai phép lạ đã xảy ra do lời cha Tân bàu cử. Một lần có quan quân lùng bắt, nhà dòng mang đồ đạo chạy lên rừng trốn, đêm về nhà thì thấy nhà sáng trưng như có người thắp đèn. Lần khác, có đám nhà cháy, các bà chạy đến cầu nguyện tại mồ cha Tân, lập tức đám cháy ngưng lại, lửa lụi xuống (DMAH 2, tr. 97-98).

8. Năm 1838, cha Phêrô Nguyễn Văn Tự bị trảm quyết tại Nam Định. Khi lý hình vung gươm chém đầu lìa khỏi cổ và tung lên ba lần cho mọi người thấy như tục lệ vốn có, thì dân chúng, Công Giáo và bên lương, chen nhau thấm máu của cha Tự. Người ta chen lấn nhau đến nỗi một số người ngã trên vũng máu và làm cho cả đám người dấy máu của đấng Tử Đạo. Nhiều phép lạ đã xảy ra, chứng tỏ Thiên Chúa muốn cho mọi người ta hiểu của lễ hy sinh mà cha Tự đã dâng lên cho Thiên Chúa, đẹp lòng Ngài biết bao nhiêu. Vừa khi cha được dẫn tới nơi xử, thì trời bỗng dưng tối sầm lại và có ba tràng sấm vang dội. Rồi khi đầu cha rơi khỏi xác, một đoàn chim sẻ từ đâu bay tới đậu chung quanh như để chào đón linh hồn thánh thiện của cha. Một người Công Giáo lấy khăn tay thấm máu cha, lạ lùng thay, ông thấy ba hình in trên vải: một hình cha Tự, một hình tên đao phủ và một hình bối cảnh của pháp trường. Một em bé ngoại đạo mắc bệnh đau bao tử đã lâu năm, người ta cho em uống một ly nước có hòa thêm máu của cha, tự nhiên em được khỏi bệnh hẳn. Cậu Thanh con quan Tuần đã lấy được một miếng vải của cha thánh, nhiều người muốn mua lại, nhưng cậu không bán. Cậu quen nói: “Từ khi tôi có miếng vải này, tôi hết bị ma quỷ quấy nhiễu”. Theo lời thày giảng Tín, một tên lính ăn xôi cúng, bị quỷ nhập, thầy lấy nước thánh rảy lên, nó chỉ cười. Ông Loan nhớ ra mình còn giữ được cái kiếm lý hình đã chém cha Tự. Ông ta lấy ngay thanh kiếm ép vào cổ người bị quỷ ám, lập tức anh ta được lành. (DMAH 2, tr.229-230).

9. Năm 1838, y sĩ Giuse Lương Hoàng Cảnh bị xử trảm tại Bắc Ninh. Tới nơi xử, người ta tháo gông của cụ ra, bắt cụ quỳ cúi đầu xuống. Một hồi chiêng vang dội, lý hình chém đầu cụ rơi khỏi cổ. Lương dân xô nhau thấm máu và xâu xé tấm áo cụ mang trên mình, đến nỗi quan và lính không sao cản ngăn nổi. Sau đó người ta chôn tạm xác cụ ở bên sườn đồi. Hai người lương đã ăn cắp xác cụ Cảnh và đòi người Công Giáo phải trả 36 quan tiền mới trả lại. Trên đường đi đến nghĩa trang, người ta bó buộc phải có đò mới qua sông được. Thế mà hôm nay, khi tới sông Câu, đò đã không có, nước lại dâng cao. Những người Công Giáo hộ tống xác cụ Cảnh quỳ xuống sốt sắng xin Chúa cho có đò hay phương thế nào để đưa xác cụ Cảnh qua sông. Lạ thay, nước xuống thật nhanh chưa từng có. Người ta có thể đi qua sông dễ dàng, đem được xác cụ Cảnh tới nơi họ muốn an táng cụ. Mọi người hân hoan cám ơn Chúa và coi đó như một phép lạ Chúa làm để ân thưởng người tôi trung của Ngài (DMAH 2, tr. 234).

10. Năm 1838, cha Vinhsơn Nguyễn Thế Điểm bị xử giảo tại Đan Sa. Nếu trong bản án của cha Điểm quan tỉnh vu cáo là “ngài đã dùng phù phép kín đáo để dụ dỗ người ta theo đạo”, thì khi ngài vừa bị xử giảo, Thiên Chúa đã cho ngài làm nhiều phép lạ vinh danh Chúa. Khi cải táng cha Điểm về Hướng Phương có xảy ra một sự lạ: một cậu học sinh ăn cắp một miếng xương đốt ngón tay của cha Điểm đem về nhà chơi. Không bao lâu, cậu lên cơn đau bụng kinh khủng. Cha Tự biết chuyện, liền bảo cậu phải đem trả lại đốt xương. Cậu học trò vâng lời đem để trên mộ cha Điểm. Lập tức cơn đau bụng chấm dứt và không bao giờ trở lại nữa. Hai chuyện khác: một gia đình Công Giáo ở gần mộ của cha Điểm. Họ sợ khi có bắt đạo, họ sẽ bị liên lụy. Vì thế một đêm khuya, họ cả gan ra san bằng mộ của cha Điểm. Chỉ hai hôm sau, người chồng bị tai nạn chết cách đau thương. Người vợ hối hận, nhận tội và cầu nguyện xin cha Điểm thứ tha. Cũng tương tự, một nông phu dám dắt trâu đến ăn cỏ và đạp lên mộ của cha Điểm. Trâu của ông bỗng nhiên liệt hai cẳng sau. Ông sợ quá, vội khấn xin cùng cha Điểm, trâu của ông mới đặng khỏi (DMAH 2, tr. 268-269).

11. Năm 1839, ông Toma Nguyễn Đệ bị xử giảo tại Cổ Mễ. Sau khi quân lính buộc dây vào cổ ông Đệ và kéo cho chết nghẹt, dân chúng ùa vào thấm máu và lấy các di tích của ngài. Giữa nửa đêm, một người Công Giáo chạy vào vác xác thánh Đệ đưa về Kẻ Mốt. Ông kể lại câu chuyện xảy ra trong khi ông vác xác thánh như sau: “Tôi vác xác thánh vào lúc nửa đêm. Bất chợt xác ngài tỏa ra ánh sáng chỉ đường cho tôi phải đi về đâu. Khi tới bờ sông tôi rất lo lắng vì tôi biết chắc chắn không có đò vào giờ đó, thì làm sao tôi qua được bờ bên kia? Nhưng trái với ý nghĩ của tôi, lúc đó nước rút xuống rất thấp đến nỗi tôi có thể lội qua bờ bên kia cách dễ dàng. Hơn nữa, khi tôi đến làng Kẻ Mốt, tôi thấy cổng làng đã mở, dù cổng làng luôn đóng chặt vào lúc ban đêm. Tôi vác xác thánh vào nhà thờ và đặt trên bàn thờ. Lúc đó không có đèn sáng trong nhà thờ, nhưng có ánh sáng phát ra lạ lùng từ xác của vị thánh. Thật là một dấu lạ!” (DMAH 2, tr. 372).

12. Năm 1840, thày Toma Toán bị kết án “bỏ đói tới chết”. Khi quan biết thày Toma đã chết thật, quan truyền chôn xác thày cùng một chỗ quen chôn xác tù nhân. Ông Phêrô Dần và hai giáo dân khác đã đút tiền để lấy xác thày cho vào quan tài và chôn cất tử tế. Sắp sửa chôn thì có hai người đàn bà đã giúp thày trong tù, chạy đến xin được nom thấy mặt thày lần cuối cùng. Nắp quan tài được mở ra, mọi người kinh ngạc khi thấy mặt thày chiếu sáng với một vẻ đẹp siêu thoát. Họ liền cắt lấy một ít tóc của thày và chia nhau giữ làm kỷ niệm. Thày được chôn cất lại như cũ (DMAH 2, tr. 437).

13. Năm 1842, cha Phêrô Khanh bị xử trảm tại Hà Tĩnh. Người ta kể: hôm xử án cha Khanh trời nắng đẹp khắp nơi. Thế nhưng, lúc 10 giờ sáng, cha Khanh vừa quỳ xuống cầu nguyện trên pháp trường thì tự nhiên trời sập tối, rồi đến khi cha Khanh bị chặt đầu, thì trời lại đổ mưa thật lớn trong vòng ba phút. Người lương đi coi rất đông, thì thầm với nhau: “Tại sao trời nắng mọi chỗ, chỉ có nơi xử là mưa?’ Hoặc: “Xử cụ đạo có mưa làm vậy là sự lạ!’. Ngay khi cha bị chém đầu, đồng bào ùa vào thấm máu. Tính ra có tới 500 tờ giấy thấm máu cha Khanh. Dù là mùa hè, thân xác của cha Khanh vẫn thơm tho, không mùi hôi thối, nét mặt vẫn tươi tốt, máu chảy ra vẫn đỏ đến nỗi nhiều người tưởng cha Khanh chưa chết. Khi cha Nghiêm hỏi: “Tại sao xác cha Khanh vẫn mềm hè?”. Dân chúng thưa: “Bẩm vì xác thánh thì mềm!”. Xác cha Khanh được an táng trong nhà thờ họ đạo. Một số ơn lạ được ban xuống cho người kêu xin, nhất là việc được sinh con dễ dàng, nhờ lời bầu cử của cha Khanh (DMANH 3, tr. 37-38).

14. Năm 1857, cha Phaolô Lê Bảo Tịnh bị xử chém tại Nam Định. Trong thời gian từ 1831 đến 1838, khi còn là thày giảng, nhiều lần thầy Phaolô được Đức Giám Mục sai đi Macao đón các thừa sai và lấy đồ về cho nhà chung. Lần cuối cùng đồ hàng bị cướp, thày Phaolô phải lưu lại Macao một năm để thưa kiện và lấy lại đồ đã bị cướp. Rồi trong một đêm Đức Mẹ đã hiện ra nói với thầy: “Phaolô, Phaolô, khi về Việt Nam, con sẽ phải chịu khổ vì đạo”. Thầy không tin, thày tưởng một mỹ nhân nào đến cám dỗ, nên thầy hỏi lại bằng tiếng latinh, tiếng việt, tiếng trung hoa. Hỏi tiếng nào, Đức Mẹ trả lời bằng tiếng ấy: “Ta là Đức Bà Maria”. Dầu vậy thầy Tịnh vẫn không tin cho tới khi bị bắt ở Thạch Tổ năm 1841 (DMAH 3, tr.131).

15. Năm 1858, cha Đaminh Mầu bị chém đầu tại Hưng Yên. Cha nổi tiếng về lòng yêu mến kinh Mân Côi, cha luôn đeo chuỗi Mân Côi bên ngoài cổ. Xác cha Mầu được giáo dân đem về an táng trong nhà thờ Mai Lĩnh tỉnh Hưng Yên. Trước tòa án điều tra năm 1864, nhiều người đã làm chứng được ơn lạ nhờ lời bầu cử của cha Mầu: Ông Đaminh Đỗ thuộc họ Đức Bà Thượng Lạc, xứ Kẻ Điền quyết đáp mình đã được khỏi bệnh đau bụng nguy kịch; bà Thị Chi, 50 tuổi, thuộc làng Lập Bái, cũng tuyên chứng mình được khỏi quỷ ám cách lạ lùng năm 1884; Ông Cai Thìn, người lương, cũng quả quyết mình được khỏi bị quỷ ám nhờ cầu khấn trên mộ cha Mầu (DMAH 3,tr.197).

16. Năm 1861, ba Đức Cha Vọng (Liêm), Đức Cha Tuấn và Đức Cha Vinh cùng bị trảm quyết một ngày tại Hải Dương. Bản án cấm không một ai được vào thấm máu các ngài. Nhưng khi hành quyết ba đấng xong, các quan đi về hết, dân chúng tự do ùa vào thấm máu của ba Đức Cha và họ được chứng kiến nhiều phép lạ, xảy ra ngay từ lúc hành quyết, như trời tối sập lại, hương thơm tỏa ra từ thân xác của các ngài, những đàn bướm trắng đến đậu trên xác các ngài. Riêng đầu của ba Đức Cha, sau ba ngày bị bêu nắng, đã được giáo dân bày mưu chiếm lại: Giáo dân đãi lính canh ăn một bữa cơm thật thịnh soạn. Trong lúc lính ăn vui vẻ, giáo dân lợi dụng trời đã nhá nhem tối, lấy ba củ chuối thế vào ba cái đầu bọc trong bao bố. Lính không ngờ, họ đem ba củ chuối ném xuống sông. Còn giáo dân, đứng đầu là ông tổng Oánh, lấy áo gói ba cái đầu của ba Đức Cha đem về an táng trong nhà thờ thánh Gioan ở Yên Dật. Các bà dòng xin cái áo quý đó để giữ làm kỷ niệm, nhưng ông tổng Oánh không chịu. Ông đã dùng chiếc áo này cứu được nhiều bệnh nhân nhờ phúc đức của các Đấng tử đạo: Ba đứa con ông lên đậu mùa, ông tổng Oánh lấy chiếc áo phủ lên chúng, cả ba đứa được khỏi bệnh. Ông cũng giữ được một tấm vải thấm máu Đức Cha Vọng: Hễ soi ra ánh sáng, người ta nhìn thấy cây thánh giá. Còn thân xác ba Đức Giám Mục, sau này, người Công Giáo đã chuộc về với giá 100 quan tiền. Đêm cải táng, nhiều luồng sáng tỏa ra từ thân xác các ngài, thật lạ lùng. Hơn thế, dù đã chôn hơn ba tháng rồi, khi đào lên, cả ba thân xác vẫn còn nguyên vẹn, tươi tốt và tỏa hương thơm ngào ngạt (DMAH 3, tr.290).

17. Thời gian 1883-1886, phong trào Văn Thân và Cần Vương nổi lên tàn sát đạo Công Giáo cách dã man nhất trong lịch sử, từ Hà Nội, Hải Dương, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Huế… đổ vào miền Nam. Nhưng thiệt hại nhất là Bình Định: có 8 thừa sai, 7 linh mục, 270 nữ tu, 24.000 giáo dân bị giết chết. Ngoài ra toà giám mục, 2 chủng viện, 10 tu viện, 17 nhà mồ côi, đều bị tàn phá. Các họ đạo cũng chung số phận, chỉ có hai họ đạo thoát nạn. Chính trong cuộc tàn sát này, Đức Mẹ đã hiện ra cứu chữa dân làng Trà Kiệu (DMAH 3, tr. 336-338)
 

* * * * *
Đức Giáo Hoàng Gregoriô XVI (1834-1846) được nhiều sử gia như Goyau và Schmidlin tặng khen là “vị giáo hoàng truyền giáo của thế kỷ XIX”. Ngay khi vừa lên ngôi, ngài đã quan tâm đến những cuộc bắt đạo đẫm máu tại Việt Nam và Trung Hoa. Riêng với Giáo Hội non trẻ tại Việt Nam, đức Grêgoriô XVI đã phát động một chiến dịch có tầm mức hoàn vũ, xin mọi Kitô hữu cầu nguyện đặc biệt cho giáo dân được kiên trì trong mọi thử thách. Đồng thời, năm 1840, ngài viết thư yên ủi và khích lệ tinh thần can đảm sống đức tin, tuyên chứng đức tin và chết vì đức tin của các linh mục, tu sĩ và giáo dân Việt Nam. Ngài viết “Các con thân yêu, các con là những người đã can đảm không chối đạo, các con đừng bao giờ nản lòng vì những khốn khổ, hãy ngước mắt trông lên trời nơi dành cho những người chiến thắng đạt được triều thiên bất tử. Ngày gian khổ thì vắn vỏi, nhưng theo sau bao nhiêu an ủi và phần thưởng dồi dào và hạnh phúc trường sinh đang chờ đợi chúng con. Các con sẽ không phải chịu bắt bớ hành hạ tàn nhẫn mãi như vậy đâu. Sẽ có ngày, các con được lau sạch nước mắt, được thoát khỏi cơn bão táp khủng khiếp và sẽ được an bình phụng sự Thiên Chúa hằng sống và chân thật”. Lời của Đức Thánh Cha Gregoriô XVI đã tóm tắt những gì chúng ta trình bày trong chương sách này. Ngài cũng mở ra cho chúng ta một viễn tượng tương lai “sau cơn giông trời lại sáng”, “sau gian lao thử thách sẽ có trời mới đất mới” hay như lời Chúa chúc phúc: “Phúc cho anh chị em khi bị người ta gièm pha, vu khống, bắt bớ và giết hại vì danh Ta. Anh chị em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh chị em ở trên trời thật lớn lao” (Mt 5,11-12). Nói một cách khác sát với chủ đề của bài viết: tiếp theo những gièm pha, vu khống, hình nhục và chết nhục là những dấu lạ ân thưởng tại thế, báo hiệu “phần thưởng bội hậu trên trời”. Cũng có thể nói vắn gọn theo văn hóa Việt Nam: “Thiên Đạo chí công”, Đạo Trời thật công bằng!.

——————

(1) Nguyễn Đồng Chi, “Kho tàng truyện Cổ Tích” 1, tr. 7-13.

(2) Nguyễn Đồng Chi, sd 4, tr. 211-223.

(3) Nguyễn Đồng Chi, sd 5, tr.12-15.

(4) Nguyễn Đồng Chi, sd 5, tr. 148-154

(5) Nguyễn Đồng Chi, sd 5, tr. 105-110.

(6) Phạm Đình Tân, “Tâm Hồn Việt Nam” (1988), bài “Nguyễn Du, thi sĩ đau khổ”, tr.54.

(7) Hồng Lam, “Lịch sử đạo Thiên Chúa tại Việt Nam”, 1944, Đại Việt xuất bản, Huế, tr.23-24. Đoạn này được Trịnh Việt Yên trưng lại trong cuốn “Máu Tử Đạo Trên Đất Việt Nam”. 1949, tr. 19-20. Có hai việc đáng tiếc to lớn và tai hại là “tranh dành vấn đề quyền hành và cãi nhau về vấn đề nghi lễ thờ cúng tổ tiên” xem Phan Phát Huồn, “Việt Nam Giáo Sử” I, tr. 188-200.

(8) Vũ Thành, Dòng Máu Anh Hùng ba cuốn 1, 2, 3. Trong bài này tôi trưng dẫn nhiều và viết tắt là (DMAH, 1, 2, 3, tr….). Chúng tôi trích dẫn hoặc dựa theo bộ sách của cha Vũ Thành, vì đọc các chú giải hay thư mục ở phần cuối của mỗi cuốn, chúng tôi yên tâm về nguồn liệu lịch sử liên hệ đến Giáo Hội Việt Nam mà cha đã nghiên cứu và xử dụng.

(9) Nguyễn Khắc Xuyên, “Để Hiểu Lịch Sử Đạo Thiên Chúa ở Việt Nam đầu thế kỷ XVII” C.A. 1994, tr. 52-54.

(10) Trịnh Việt Yên, sd, tr. 26.

(11) Đỗ Quang Chính sj, “Hòa mình vào xã hội Việt Nam”, nxb Tôn Giáo, 2008, tr.222. Cao Kỳ Hương, “Đạo Hiếu của người Công Giáo”, Hà Nội, 2010, tr. 42+48-54. Phan Phát Huồn, sd, tr. 196-200.

(12) Trần Trong Kim, “Việt Nam Sử Lược”, 2, tr.186. xem Phan Thiết, “Đất Việt, Người Việt, Đạo Việt” 1995, tr.345.

(13) Toan Ánh, “Tín Ngưỡng Việt Nam” quyển hạ, tr. 17-18.

(14) Xem: Vũ Thành, sd 3, tr.330-339, Phan Phát Huồn, sd 2, tr.512-519. Chúng ta có thể đọc lời nhận định của sử gia Trần Trọng Kim: “Nước ta mà không chịu khai hóa ra như các nước khác là cũng bởi bọn sĩ phu cứ giữ thói cũ, không chịu theo thời thế mà thay đổi. Nay sự suy nhược của mình sờ sờ ra đấy, thế mà vẫn cứ không chịu mở mắt ra mà nhìn, lại vì sự tức giận một lúc mà việc nông nổi càn dở, để cho thiệt hại thêm, như thế thì cái tội trạng của bọn sĩ phu đối với nước nhà chẳng to lắm ru?” (sd 2, tr.289).

(15) Phan Phát Huồn, sd 2, tr.513