Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

LỊCH SỬ CÁC HÌNH THỨC TU TRÌ – CHƯƠNG HAI

Administrator
2021-07-26 00:46 UTC+7 26
LỊCH SỬ CÁC HÌNH THỨC TU TRÌ Phan Tấn Thành ———— Chương Hai NHỮNG CHẶNG KHỞI ĐẦU CỦA ĐỜI ĐAN TU ————- Như đã nói trong chương trước, có những sử gia cho rằng đời sống tu trì Kitô giáo bắt đầu ngay từ khi đức Giêsu rao giảng Tin mừng, và các môn đệ […]

LỊCH SỬ CÁC HÌNH THỨC TU TRÌ

Phan Tấn Thành

————

Chương Hai

NHỮNG CHẶNG KHỞI ĐẦU CỦA ĐỜI ĐAN TU

————-

Như đã nói trong chương trước, có những sử gia cho rằng đời sống tu trì Kitô giáo bắt đầu ngay từ khi đức Giêsu rao giảng Tin mừng, và các môn đệ của Người là những tu sĩ tiên khởi (nếu chưa dám đi trở ngược lên đến Mẹ Maria); có ý kiến khác chủ trương rằng đời sống tu trì Kitô giáo chỉ thực sự bắt đầu với thánh Antôn tu hành. Đàng sau hai ý kiến đối nghịch là hai quan niệm thần học khác nhau về đời tu hành: có gì khác biệt giữa “đời sống tu trì” và “đời sống Kitô hữu” không? Phải chăng đời tu trì cũng chỉ là đời sống Kitô hữu mà thôi?

Nhìn dưới khía cạnh lịch sử, chúng ta thấy rằng trong số những người môn đệ của Đức Kitô, có những người được mời gọi từ bỏ gia đình để chia sẻ nếp sống lữ hành như Ngài, nhưng đại đa số vẫn tiếp tục nếp sống gia đình nghề nghiệp như trước. Bước sang thời Giáo hội nguyên thủy, chúng ta thấy là trong cộng đoàn tín hữu, có những người nam nữ sống tiết chế khổ hạnh bên cạnh những người lập gia đình. Có thể coi đây như là hiện tượng những người “tu tại gia”. Với thánh Antôn, một giai đoạn mới khởi đầu, nghĩa là những tín hữu rời bỏ cộng đoàn, rút lui vào sa mạc, tạo thành một nếp sống quen gọi là “đan tu”. Có sử gia muốn nêu bật sự liên tục trải qua những chặng vừa nói, nghĩa là từ các môn đệ qua các nhà khổ hạnh cho đến các đan sĩ, tất cả đều ôm ấp chung một lý tưởng đi theo sát gót Chúa Giêsu; sự khác biệt chỉ liên quan đến môi trường sinh sống mà thôi. Một nhóm tác giả khác thì muốn vạch ra khúc quặt: đời đan tu chỉ thực sự bắt đầu với thánh Antôn, nghĩa là một hàng ngũ tách biệt khỏi đa số tín hữu. Tại sao nảy sinh hiện tượng này? Theo các học giả, trong ba thế kỷ đầu, lý tưởng của đời sống Kitô hữu là các vị tử đạo, những chứng nhân sẵn sàng hy sinh mạng sống cho Đức Kitô; sang thế kỷ IV, khi các tín hữu được hưởng tự do tôn giáo, thì nếp sống đạo trở thành lỏng lẻo vì không còn gặp gian truân như trước. Trong bối cảnh đó, một số tín hữu nhiệt thành đã rút lên sa mạc, để nuôi dưỡng chí khí của các anh hùng tử đạo: đời đan tu được ví như một thứ “tử đạo trắng” (nghĩa là không đổ máu).

Thay vì dừng lại ở các cuộc tranh luận và những giả thuyết, thiết tưởng chúng ta nên theo dõi sự tiến triển của hình thức đan tu trong những thế kỷ đầu tiên, bên Đông phương (mục I) và Tây phương (mục II), nghĩa là dưới khía cạnh lịch sử. Trong chương tới, chúng ta sẽ tìm hiểu những văn phẩm về đời đan tu để khám phá những động lực và lý tưởng (khía cạnh thần học)[1].

Mục I. Lịch sử đời đan tu bên Đông phương

Trong tập Năm, chúng tôi đã trình bày nguồn gốc đời đan tu bên Đông Phương, nơi phát xuất các trường phái tâm linh quan trọng, vì thế ở đây chúng tôi chỉ bàn qua các hình thức tu trì và cơ cấu tổ chức.

I. Nếp sống sa mạc

Dù thánh Phaolô Thebes (+347) được coi như người khai sinh cho nếp sống trên sa mạc, nhưng thánh Antôn (k.251-351) mới đáng mang danh “tổ phụ đời đan tu” bởi vì có những đệ tử tiếp nối đời sống. Thực vậy, đang khi thánh Phaolô ra như sống một thân một mình trên sa mạc, thì chung quanh thánh Antôn, chúng ta đã thấy có những nhóm đệ tử quây quần.

1. Hình thức các “nhóm ẩn sĩ” (anachoreta, bởi tiếng Hy-lạp anakoreo: rút lui; eremitica, gốc bởi eremia: hoang điạ) có lẽ bắt nguồn từ “nhóm ngôn sứ” vào thời ông Elia và Elisa trong Cựu ước; nhưng đó là xét về phương diện lý tưởng chứ thực ra chẳng có sự liên tục nào xét về thể chế. Vào thời kỳ đang bàn (thế kỷ IV), thì chúng ta thấy nhiều nhóm ẩn sĩ trụ trì tại vài điạ điểm bên Ai cập, có liên hệ cách nào đó với thánh Antôn:

Nitria (cách thành phố Alexandria 40 cây số về hướng đông nam), do ông Ammoun (Ammonios) lập ra vào khoảng năm 320. Theo ông Palladius kể lại, có thời số các ẩn sĩ tại đây lên tới 5 ngàn người. Có lẽ con số này được thổi phồng lên, hoặc mang ý nghĩa biểu tượng gì đó. Dù sao đi nữa, khi thấy sa mạc trở thành chỗ tấp nập thì ông Ammoun đã quyết định rời nơi này, để tiến sâu hơn vào nơi cô tịch. Theo một truyền thuyết, ông Ammoun cùng với thánh Antôn rời Nitria sau bữa ăn (lúc 9 giờ sáng) và cứ đi thẳng vào sa mạc cho đến khi mặt trời lặn mới dừng lại: đó là nguồn gốc của trung tâm Kellia.

Kellia (Cellules) cách Nitria 18 cây số, do ông Ammoun thành lập khoảng năm 338 và ông qua đời tại đây, hưởng thọ 72 tuổi. Kellia được nhiều người biết đến nhờ các văn phẩm của ông Macarius Alexandria (+394) và nhất là của ông Evagrius (345-399).

Sketis (Scété), cách Nitria 70 cây số, được ông Macarius Ai-cập (cũng gọi là Macarius Cả, khác với ông Macarius Alexandria nói trên) chọn làm địa điểm ẩn tu vào khoảng năm 360. Trong số những nhân vật lừng danh tại đây, ta không thể nào quên được ông Arsenius (nguyên là một viên quan đại thần ở Constantinopolis).

2. Không lâu sau, đời ẩn tu cũng được phổ biến sang Syria, Edessa, Palestina, với vài đặc trưng của mỗi nơi.

– Một hình thức đặc biệt ở Palestina là laura (gốc Hy-lạp có nghĩa là đường mòn, ngõ hẹp), dưới dạng bán-ẩn-tu: các ẩn sĩ cất những chòi (hoặc sống trong các hốc đá), khá gần nhau, dưới sự hướng dẫn của một sư phụ. Suốt trong tuần lễ, họ cầu nguyện và lao động trong cái chòi của mình, và đến ngày thứ bảy và chủ nhật thì hội nhau đọc kinh chung và cử hành Thánh lễ. Nếp sống laura xem ra bắt đầu tại Gaza do thầy Hilarion (291-371) một đệ tử của thánh Antôn, và tại Pharan do thầy Chariton, và đạt đến cao điểm vào những năm từ 420 dến 530, không những vì số các đơn vị nhưng nhất là với những sư phụ lừng danh như: Barsanuphius, Dorotheus Gaza, Euthimius (+473), Sabas (+532).

– Qua các tác phẩm của các giáo phụ như thánh Gioan Kim khẩu hoặc Theodoretus Cyr, chúng ta được biết đến nếp sống khổ hạnh ở miền Bắc Syria, Mesopotamia (mà có người coi là lập dị, người khác coi là khắc khổ, tuỳ theo quan điểm riêng). Một hình thức khổ chế là sống suốt ngày đêm trên một cái cột (stylitae), giống như thánh Simeon Cột (389-459) trụ trì trên cái cột cao 10 thước suốt 30 năm trường, gần thành phố Antiochia. Những hình thức khác là: sống ở trên cây (dendritrae), hoặc một cái chòi nhỏ, hoặc sống giữa trời (hypaitrae) chịu cảnh dầm mưa dãi nắng.

– Sau cùng, có những cộng đoàn đan tu cũng được thiết lập cạnh các thành phố lớn, như ở Cesarea (Cappadoxia), và ngay tại thủ đô Constantinopolis (điển hình là thánh Gioan-Kim Khẩu).

3. Xưa nay, nói đến nếp sống sa mạc, người ta thường chỉ nghĩ đến nam giới. Điều này dễ hiểu, bởi vì khó lòng tưởng tượng được các phụ nữ sống một thân một mình nơi đồng không mông quạnh. Tuy vậy, từ khi các phụ nữ tham gia vào công cuộc nghiên cứu lịch sử, họ mới lưu ý đến sự hiện diện của nữ giới trong giai đoạn đầu tiên của đời sống tu trì Kitô giáo, không chỉ nơi các phụ nữ đi theo Đức Giêsu trong cuộc rao giảng Tin mừng hoặc nơi các trinh nữ và goá phụ tại các cộng đoàn tiên khởi, mà ngay cả trong số những vị ẩn sĩ trên sa mạc: sách Danh ngôn các sư phụ (Apophthemata) có nhắc đến những tấm gương khắc khổ của amma Sarra, amma Théodora, amma Synclética. Sau này, khi cộng đoàn đan tu được thiết lập, ta thấy xuất hiện nhiều cộng đoàn nữ, thường do một chị em của vị sáng lập làm đầu, như trường hợp của Maria (em gái của thánh Pacomiô), Macrina (chị của thánh Basiliô), Scolastica (em của thánh Biển-đức).

II. Đời sống cộng đoàn

Theo dòng lịch sử, nếp sống đan tu bắt đầu từ những vị ẩn sĩ đơn độc (tựa như thánh Phaolô Thebes), rồi đến các “nhóm ẩn sĩ” (tựa như các đệ tử của thánh Antôn), và tiến tới nếp sống cộng đoàn (coenobitismus, gốc Hy-lạp koinos-bios có nghĩa là “chung sống”). Tuy nhiên sự tiến triển không có tính cách một chiều, bởi vì kể cả vào thời nay tại nhiều nơi ba hình thức ẩn sĩ, bán-ẩn-sĩ, cộng đoàn vẫn tồn tại bên cạnh nhau; thậm chí có người bắt đầu đời tu từ cộng đoàn rồi lần lần chuyển qua đời bán ẩn sĩ và kết thúc với cảnh cô tịch, tựa như thánh Gioan Climacus hoặc các đan sĩ trên núi Athos mà chúng tôi đã trình bày trong tập Năm (trang 139; 151).

Bên Đông phương có hai khuôn mẫu tổ chức đời sống cộng đoàn, dựa theo thánh Pacômiô và thánh Basiliô. Trong mục này, chúng tôi chỉ giới thiệu cách thức tổ chức, và dành việc phân tích bản luật vào chương tới, bàn về những văn phẩm đời đan tu.

A. Cộng đoàn Pacômiô

Thánh Pacômiô (k.290-346) được coi như khai sinh cho đời sống cộng đoàn[2]. Xuất thân từ một gia đình ngoại giáo ở Ai-cập, khi lên 20 tuổi Pacomiô bị cưỡng bách tòng quân và phục dịch ở trên sông Nil. Khi tới Thèbes, anh và các đồng đội phải lao động khổ sai, nhưng may mắn được các người Kitô hữu đến nâng đỡ. Cảm kích vì nghĩa cử này, anh xin theo đạo sau khi được giải ngũ.

Vài tháng sau khi lãnh bí tích rửa tội (khoảng năm 313), anh rút vào đời ẩn tu ở làng Seneset, thọ giáo với một sư phụ tên là Palamon. Sau bảy năm tu luyện, thầy đến cư ngụ tại làng Tabennisi và có nhiều người đến xin làm môn đệ. Tại đây một cộng đoàn được thiết lập vào khoảng năm 320. Vì số môn đệ mỗi lúc một tăng, thầy Pacomiô thấy cần soạn ra một bản luật để điều hành.

Cộng đoàn Pacômiô gồm chín đan viện dành cho nam giới (và hai dành cho nữ giới, trong đó một cộng đoàn được giao cho bà em gái đứng đầu). Mỗi đan viện giống như một ngôi làng (nếu chưa dám nói là trại lính, mà Pacomiô đã quen biết khi tòng quân) xa cách với thế giới bên ngoài bằng một tường luỹ, và chỉ có một cổng ra vào. Đan viện gồm nhiều “căn hộ”, nghĩa là đơn vị gồm chừng 20-30 thành viên, được phân phối dựa theo nghề nghiệp, dưới sự điều khiển của “thủ trưởng” (prepositum), với một nguyện đường, nhà cơm, nhà bếp, bệnh xá. Đứng đầu đan viện là “bề trên” (superior), và tất cả chín vị bề trên đều ở dưới quyền của “Viện phụ”, cư ngụ ở Tabennesi.

Mỗi năm tất cả các đan sĩ họp nhau hai lần tại đan viện Pbow (cơ sở thứ hai của cộng đoàn): vào lễ Phục sinh và vào giữa tháng 8. Đại hội dịp lễ Phục sinh mang tính cách phụng vụ, còn đại hội mùa thu bàn về quản trị và kinh tế.

Cộng đoàn được xây dựng trên ba yếu tố: bản luật, viện phụ, tình huynh đệ.

1/ Bản luật quy định việc thâu nhận phần tử, đời sống chung, việc cầu nguyện, lao động, các bữa ăn, các giấc ngủ, việc sử dụng tài sản, công cuộc khổ chế (ăn chay, thinh lặng), tiếp xúc với ngoại giới, các buổi hội họp. Nhờ tuân giữ một kỷ luật chung mà các phần tử kiến tạo một đời sống cộng đoàn.

2/ Bề trên chịu trách nhiệm về việc điều hành cộng đoàn. Các phần tử phải vâng lời bề trên, nhưng bề trên chỉ thực thi quyền bính trong lãnh vực của mình (có nhiều cấp độ bề trên), và bề trên cũng phải tùng phục kỷ luật.

3/ Sự thông hiệp huynh đe. Các đan sĩ gọi nhau là “anh em”. Đa số các tu sĩ là giáo dân. Việc khước từ tư sản và sự vâng phục bề trên được coi như phương tiện để xây dựng sự thông hiệp.

Bản luật của thánh Pacomiô để lại ảnh hưởng sâu đậm đối với lịch sử đan tu bởi vì nhiều vị sư phụ nổi tiếng đã được đào tạo tại các cộng đoàn này (Basiliô, Hieronymô, Gioan Kim khẩu), hoặc đã thâu nhận các tư tưởng của bản luật của mình (Cassianô, Biển-đức). Tuy nhiên xét về thể chế, cộng đoàn thánh Pacômiô không tồn tại lâu dài.

B. Cộng đoàn Basiliô

Khi bàn về đời sống đan tu, chúng ta hãy lột bỏ quan niệm “tổ phụ lập dòng”, bởi vì tuy nhiều dòng cận đại áp dụng luật thánh Basiliô (bên Đông phương) hoặc thánh Biển-đức, nhưng hai vị này không hề nghĩ tới việc sáng lập một “Dòng tu” mà các ngài sẽ làm bề trên tổng quyền (hoặc tổng viện phụ); điều này cũng được áp dụng cho luật thánh Augustinô. Vào lúc nguyên thủy, các bản luật được viết ra cho một (hoặc vài) cộng đoàn cụ thể mà thôi.

Cộng đoàn thánh Basiliô (k.330-379) mang một chiều kích bé nhỏ (chừng độ mươi người, chứ không phải hàng trăm người như cộng đoàn Pacômiô), mang tính cách gia đình. Ngoài những giờ canh tác, thời khóa biểu còn ấn định những lúc học hỏi Sách Thánh. Thực vậy, thánh Basiliô không hề gọi các phần tử là “tu sĩ, đan sĩ” (religiosus, monacus), mà chỉ là “anh em” (fratres), và “kitô hữu”, bởi vì lý tưởng được đặt ra là sống theo Phúc âm, được tóm lại trong các nghĩa vụ như sau:

– dùng tài sản để giúp đỡ người nghèo;

– vâng phục luật tối cao của Phúc âm, đó là bác ái yêu thương;

– học hỏi Lời Chúa;

– cầu nguyện liên lỉ.

Tuy thánh Pacomiô và thánh Basiliô đều cổ võ nếp sống cộng đoàn, nhưng hai người trở thành nguồn gốc cho hai khuôn mẫu:

1/ Thánh Pacomiô thiên về chiều dọc: bề trên giữ vai trò giống như sư phụ của các ẩn sĩ; khuôn mẫu này sẽ phản ánh bên Tây phương nơi những tác phẩm của thánh Cassianô và thánh Biển-đức.

2/ Thánh Basiliô hướng về chiều ngang, nghĩa là tình huynh đệ “một lòng một ý”, dựa theo lý tưởng của cộng đoàn Giêrusalem (Cv 2,44; 4,32). Đó cũng là lý tưởng của thánh Augustinô bên Tây phương.

III. Giáo hội với đời sống đan tu

Đời sống đan tu thành hình không do một nghị quyết của giáo quyền. Thậm chí có ý kiến cho rằng các đan sĩ đã rút lên sa mạc, chấp nhận một nếp sống khắc khổ như là dấu chỉ phản kháng các chức sắc Giáo hội đã bắt tay với chính quyền Rôma. Dù nói thế nào đi chăng nữa, các giám mục không thể làm ngơ hiện tượng đan tu.

Như đã nói trong tập Năm, khi nghiên cứu cuốn sách bàn về cuộc đời thánh Antôn, các học giả ghi nhận rằng thánh Athanasiô không nhằm viết tiểu sử của vị thánh tu hành tiên khởi cho bằng đề nghị cho các đan sĩ một con đường nên thánh dựa theo quan điểm của vị giám mục. Chính thánh Athanasiô đã chia sẻ nếp sống đan tu và được các đan sĩ cho tá túc khi ngài bị chính quyền truy nã. Thánh Athanasiô cũng phổ biến lý tưởng đời đan tu sang châu Âu khi bị lưu đày.

Với thánh Basiliô thì tình hình thay đổi. Trước khi làm giám mục, Basiliô đã là một đan sĩ. Kinh nghiệm này có thể đưa đến chỗ áp đặt kỷ luật đời tu cho toàn thể Giáo hội; tuy nhiên cũng có thể nói ngược lại, đó là lấy Giáo hội làm lý tưởng cho đời tu. Trên thực tế đây là điều đã xảy ra. Như đã nói trên đây, bản luật của thánh Basiliô không phải là một văn kiện pháp lý về thể chế cộng đoàn cho bằng kim chỉ nam thực hành Phúc âm. Mặt khác, lý tưởng của cộng đoàn đan tu là thể hiện sự thông hiệp, một khuôn mẫu mà Giáo hội luôn nhắm tới.

Dù sao, có thể ví đời đan tu vào buổi đầu như là một phong trào cổ võ sống tinh thần Phúc âm triệt để. Đến khi phong trào này lớn mạnh cũng như những sự lệch lạc và tranh chấp xảy ra đây đó, nhà chức trách trong Giáo hội phải can thiệp bằng những luật lệ. Văn kiện quan trọng nhất trong thời các giáo phụ là công đồng Calcedonia (năm 451). Các đan sĩ được nhìn nhận như là một hàng ngũ (ordo monachorum) trong Hội thánh bên cạnh hàng giáo sĩ (ordo clericorum). Ai muốn thành lập đan viện thì phải xin phép giám mục. Các đan sĩ phải phục tùng giám mục sở tại.

Tuy nhiên, nên biết rằng các giám mục đều xuất thân từ hàng ngũ đan sĩ: truyền thống này vẫn còn được duy trì cho đến nay bên các Giáo hội Đông phương.

Mục II. Lịch sử đời đan tu bên Tây phương

Khi bàn về lịch sử đời đan tu, sự phân biệt giữa Đông phương và Tây phương không phải là chuyện đơn giản, bởi vì không thể chỉ dựa trên tiêu chuẩn địa lý cũng hoặc tiêu chuẩn ngôn ngữ (Đông phương nói tiếng Hy-lạp, Tây phương nói tiếng La-tinh). Một thí dụ: thánh Hiêrônymô tuy trụ trì bên Palestina nhưng được coi như thuộc Tây phương bởi vì cộng đoàn gồm những phần tử xuất thân từ thành phố Rôma[3]; đang khi đó thánh Cassianô gốc Đông phương và truyền bá kinh nghiệm đời tu Ai cập cho các đan sĩ tại Marseille thì được xếp vào Tây phương, có lẽ bởi vì các tác phẩm của ông được viết bằng tiếng latinh.

Chúng tôi xin bỏ qua vấn đề nguồn gốc đời sống tu trì bên Tây phương, và đi thẳng vào việc mô tả các hình thức khác nhau vào thời các giáo phụ. Nói chung, đời tu bên Tây phương thiên về hình thức cộng đoàn hơn là hình thức ẩn sĩ.

I. Các đan viện giáo sĩ

Một đặc trưng của đời đan tu bên Tây phương vào buổi đầu là những cộng đoàn giáo sĩ được thiết lập cạnh toà giám mục, họp thành “đan viện giáo sĩ” (monasterium clericorum) với đời sống chung. Chúng ta thấy sự xuất hiện những cộng đoàn như vậy với thánh Hilarius (+k.367) ở Poitiers, thánh Eusebius (+371) ở Vercelli, thánh Martinus (+397) ở Tours, thánh Ambrosiô (+397) ở Milano, thánh Cromatius (+407) ở Aquileia, và đặc biệt là thánh Augustinô (354-430).

Sinh ở Tagaste (Bắc Phi) năm 354, Augustinô đã trở về đức tin Kitô giáo sau một thời bị lôi cuốn theo đạo Mani. Trong thời gian chuẩn bị lãnh bí tích thánh tẩy, anh đã đọc Hạnh thánh Antôn tu hành, và đã chia sẻ kinh nghiệm tu trì ở Cassiciacum gần Milano. Trên đường hồi hương, anh dừng lại ở Rôma và có dịp làm quen với vài cộng đoàn đan tu tại đây.

Về đến quê nhà năm 388, anh đã lập một cộng đoàn các thân hữu ở Tagaste, chia sẻ với nhau công việc cầu nguyện và học hành. Ba năm sau, anh rời Tagaste và dọn nhà sang Hippo, nơi anh thụ phong linh mục (năm 391) và giám mục (năm 395). Tại thành phố này, Augustinô đã thành lập một cộng đoàn giáo sĩ: họ vừa sống cộng đoàn, vừa tham gia vào công tác mục vụ. Thánh Augustinô đã viết bản luật cho họ, mang tên là Regula ad servos.

II. Đan tu “sa mạc

Nếp sống tu trì “sa mạc” bên Ai-cập được truyền bá sang Tây phương nhờ các tác phẩm của Cassianô. Thánh Cassianô thiết lập hai tu viện ở Marseilles (Saint Victor cho nam giới, và Saint-Sauveur cho nữ giới). Gần thành phố này nổi lên vài trung tâm đan tu nổi tiếng, đó là: Lérins (do thánh Honoratus), Arles (với thánh Caesarius).

Dù sao, tại miền Nam Gallia và bên Hispania (với các trung tâm như là Toledo, Zaragoza, Merida, Sevilla), các cộng đoàn đan tu được thiết lập gần thành phố hoặc tòa giám mục. Muốn nói đến hình thức “sa mạc” xa cách thành phố thì phải kể thánh Biển-đức (Benedictus, k.480-547). Trước khi đi vào tiểu sử của ngài, thiết tưởng cũng nên lưu ý đến vấn đề tư liệu lịch sử. Nguồn tài liệu duy nhất là quyển sách Dialogi (Đối thoại) do thánh Grêgôrio Cả viết khoảng năm 593-594. Một vấn đề phê bình đã được đặt lên: ai đã cung cấp dữ liệu cho thánh Grêgôriô? Soạn giả có chủ đích gì khi viết tiểu sử vị thánh qua đời 50 năm trước đó?

Chào đời vào khoảng năm 480 tại Norcia, đang khi theo học tại Rôma thì Biển-đức cảm thấy chán cảnh sống của thành phố và tìm một nếp sống ẩn dật nơi thanh vắng. Lúc đầu anh đến một làng tên là Affile. Các đan sĩ ở Vicovaro nghe biết tiếng tăm nhân đức của thầy nên họ mời đến hướng dẫn. Nhưng họ đã đổi thái độ vì thấy thầy quá khắc khổ đến nỗi đã âm mưu ám hại thầy. Thấy thế, Biển đức rút lên núi Subiacô tu một mình. Nhiều người đến xin làm môn đệ (nổi danh hơn cả là Placidus, Maurus); thế rồi nhiều cộng đoàn đã được thiết lập. Thầy Biển đức bắt đầu viết bản luật cho họ. Đến lượt dân làng Subiaco tỏ ra chống đối thầy; vì thế vào năm 529, thầy di chuyển về hướng Nam, lập nhà dòng trên núi Cassinô. Tại đây thầy hoàn tất bản luật (Regula monachorum), và qua đời năm 547.

Đan viện được tổ chức như một gia đình, nơi các đan sĩ học tập cách phụng sự Thiên Chúa (schola divini servitii), dưới sự hướng dẫn của viện phụ. Cuộc đời đan viện được phân phối giữa việc cầu nguyện và lao động.

III. Đời sống tu trì ở miền Bắc Âu

Hình thức đan tu bên Tây phương mang một sắc thái khá độc đáo nơi các dân tộc Celtic (Ai-len, Anh). Giáo hội tại đây được điều hành không do những cơ chế phẩm trật (giáo phận, giám mục), nhưng xoay quanh các đan viện. Chính các bề trên đan viện điều hành đời sống đạo. Có lẽ lề lối này chịu ảnh hưởng của văn hoá địa phương, nghĩa là những nhóm người du mục lang thang, ở dưới sự chỉ huy của trưởng tộc. Điều này cũng giải thích tâm lý của người địa phương thích lên đường hành hương kính viếng các nơi thánh, hơn là “trụ trì” một chỗ theo như khuôn mẫu của thánh Biển-đức.

Dù sao, bên cạnh nếp sống tu trì thành hình từ văn hóa bản địa, miền Bắc Âu cũng tiếp nhận hình thức đan tu giống như tại Rôma kể từ năm 596 khi đức thánh cha Grêgôriô Cả cử một đoàn 40 đan sĩ dưới sự lãnh đạo của thánh Augustinô (+604) sang Anh, đặt trụ sở ở Cantebury. Đúng ra, sự giao dịch mang tính cách hai chiều: nếu có những đan sĩ từ Rôma sang thiết lập đời tu ở phương Bắc, thì cũng có những đan sĩ từ phương Bắc đến lập cơ sở ở Gallia và Italia, như trường hợp của thánh Columbanô (550-615), gốc ở Bangor (gần Belfast, Ai-len), lên đường thiết lập các đan viện Anegray, Luxeuil, Fontaine (miền Bretagne, Bourgogne) và Bobbio, nơi ngài tạ thế. Việc kết nạp hai hình thức tu trì (bản điạ và Rôma) được thành công nhờ công lao của viện phụ Vilfredus (+709) ở Ripon, và viện phụ Biscop (+690), người sáng lập đan viện Wearmouth và Jarrow. Khuôn mặt nổi bật nhất của các đan sĩ Anh vào thời giáo phụ là thánh Bêđa (+735).

——————

[1] Thư tịch. AA.VV. Monachesimo, in: Dizionario degli Istituti di Perfezione, V (1978), 1672-1742. AA.VV. Monachisme, in: Dictionnaire de Spiritualité, X (1979), 1524-1617. G.M. Colombas, Il monachesimo delle origini, 2 voll, Jaca Book, Milano 1990. I. Gobry, Storia del monachesimo 2 voll, Città Nuova, Roma 1991. Xem thêm: Về Nguồn, tập IV, trang 533-550; 747-762. Đời sống tâm linh, tập II, trang 97-149.

[2] Cuộc đời của thánh Pacômiô được ghi trong tám (hay chín) cuốn hạnh tích do các môn đệ viết lại, nhưng chỉ có ba bản Adài@ (trong đó hai bản viết bằng thổ ngữ coptic – Boharic và Saidic -, và một bản bằng tiếng Hy-lạp) thì đầy đủ, còn những bản kia chỉ chép được một phần.

[3] Thánh Hiêrônymô thiết lập đan viện tại Be-lem khoảng năm 387-390, cùng với vài phụ nữ đến từ Rôma. Trước đó ít lâu, bà Melania đã cùng với Rufinus Aquileia lập hai đan viện ở Giêrusalem trên núi Cây Dầu, khoảng năm 380. Xc. Về nguồn tập IV trang 476-477; 495-496.