Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

LỊCH SỬ TRUYỀN GIÁO

Administrator
2020-10-15 00:06 UTC+7 36
Stephen Bevans, SVD (Trích TSTH số 86 (tháng 11 năm 2019), trang 31-63) Tuy chủ trương rằng, “lịch sử truyền giáo” và “lịch sử Giáo hội” cũng là một, nhưng khi phân chia các giai đoạn của lịch sử truyền giáo, thay vì theo tiêu chuẩn thông thường (bốn thời kỳ: Giáo phụ; Trung đại; […]

Stephen Bevans, SVD

(Trích TSTH số 86 (tháng 11 năm 2019), trang 31-63)

Tuy chủ trương rằng, “lịch sử truyền giáo” và “lịch sử Giáo hội” cũng là một, nhưng khi phân chia các giai đoạn của lịch sử truyền giáo, thay vì theo tiêu chuẩn thông thường (bốn thời kỳ: Giáo phụ; Trung đại; Cận đại; Hiện đại), tác giả dựa theo những khúc ngoặt gây ra bởi các “phong trào” (hoặc đợt sóng) truyền giáo, và trình bày 8 giai đoạn: 1/ Chúa Giêsu. 2/ Thánh Phaolô. 3/ Giáo hội sau thời các tông đồ. 4/ Phong trào đan tu (từ thế kỷ IV). 5/ Các dòng hành khất (Trung đại). 6/ Dòng Tên với thời kỳ “khám phá” vùng đất mới (thế kỷ XVI). 7/ Đại thế kỷ truyền giáo (thế kỷ XIX). 8/ Thế kỷ XX và XXI[1].

Nguồn: Đây là một bài thuyết trình dành cho dòng Thừa sai Bửu Huyết: Breve Historia de la Mision de la Iglesia. https://www.cppsmissionaries.org/download/mission/Breve_Historia_De_La_Mision_De_La_IglesiaBevans_Sp.pdf

————————————

Nhập đề

Sắc lệnh về Truyền giáo của Công đồng Vaticanô II đã tuyên bố: “Hội thánh, tự bản chất, mang tính truyền giáo”, bởi vì Hội thánh được chia sẻ vào đời sống của Thiên Chúa, mà bản tính là tình yêu trao ban[2]. Ngay từ giây tíc tắc thứ nhất của buổi tạo dựng, Thiên Chúa đã hiện diện qua Thần khí của Người, và còn hiện diện cách cụ thể trong lịch sử nhờ cuộc Nhập Thể của Ngôi Lời. Vì thế, khi nói đến lịch sử truyền giáo của Hội thánh là chúng ta đang nói đến lịch sử của Hội thánh. Trong các ngành nghiên cứu lịch sử, người ta thường phân biệt giữa “lịch sử Giáo hội” và “lịch sử truyền giáo”, nhưng càng ngày người ta càng thấy sự phân chia ấy không hợp lý. Các tác phẩm như: History of the World Christian Movement, của Dale Irvin và Scott Sunquist; Christianity: A Short Global History, của Frederick A. Norris, đang góp phần vào việc thay đổi viễn tượng trong sự hiểu biết về lịch sử Giáo hội[3].

Công cuộc truyền giáo không phải là điều gì ở bên lề lịch sử Giáo hội, nhưng nằm trong tâm điểm của đời sống Giáo hội. Lịch sử mà chúng tôi sắp bàn liên quan đến hoạt động truyền giáo của Giáo hội, vì thế chúng tôi sẽ không dừng lại ở các công đồng và giáo hoàng, hoặc các thỏa ước giữa Giáo hội và các quốc gia. Nhưng các biến cố, các phong trào và những con người mà chúng ta sẽ gặp đều là quan trọng đối với lịch sử của toàn thể Giáo hội. Mặc dù một vài biến cố và nhân vật cũng được nói đến trong các khảo luận kinh điển của lịch sử Giáo hội, nhưng một số khác có vẻ xa lạ. Dĩ nhiên là chúng tôi sẽ nhắc đến các nhân vật quen thuộc như Grêgôriô Cả, Charlemagne, Luther, Phanxicô, Clara, Ignaxiô Loyola và Rosa Lima, và chúng tôi cũng sẽ kể đến các vị thừa sai như Alopen, Augustinô Canturbery, Cosma và Đamianô, Ramón Lull, Matteo Ricci và Marie de l’Incarnation. Nhìn lịch sử Giáo hội dưới góc độ truyền giáo sẽ giúp chúng ta hiểu rằng Giáo hội của chúng ta luôn mang đặc tính phổ quát, và phong trào các Kitô hữu luôn luôn là một phong trào toàn cầu. Sứ vụ của Giáo hội Đông Syria dọc theo “con đường tơ lụa” sang Trung quốc cũng quan trọng như là sứ vụ của T. Patrick sang Ai-len và T. Bonifaxiô sang Đức. Cuộc hoán cải của vua Nubia cũng nằm trong lịch sử Giáo hội giống như cuộc hoán cải của vua Constantinô.

“Giáo hội hiện hữu để truyền giáo cũng giống như lửa để thiêu đốt”, nhà thần học Tin lành Emil Brunner đã viết như vậy hồi thế kỷ XX [4]. Tôi hy vọng rằng những trang này tuy sơ lược nhưng sẽ chứng tỏ điều đó.

I. Sứ vụ của Đức Giêsu tạo lập Giáo hội

Đức Giêsu là một thừa sai, được Thiên Chúa phái đi rao giảng Vương quốc Thiên Chúa, phục vụ và làm chứng cho Vương quốc ấy. Sứ điệp của Người là tình thương vô bờ của Thiên Chúa, Đấng tha thứ các tội nhân kể cả những người đã bị khai trừ khỏi đạo truyền thống, chữa lành các bệnh nhân, trục xuất tà thần, kêu mời mọi người hãy làm hòa với nhau kể cả với kẻ thù. Người nhắm đến một xã hội mới, và mời gọi thiên hạ hãy thống hối, không phải bằng mặc cảm tội lỗi nhưng bằng việc thay đổi não trạng, “một lối suy tưởng khác” [5], nói theo ngôn ngữ của Rudy Wiebe, một tiểu thuyết gia người Canada. Tất cả các lời giảng và dụ ngôn, các hành động chữa lành và trừ tà, thái độ đón nhận hết mọi người và thách thức Lề Luật để bảo vệ con người, giải thích ý nghĩa của lời tuyên bố cơ bản: “Thời kỳ đã mãn, triều đại Thiên Chúa đã đến gần, hãy sám hối và tin vào Tin mừng” (Mc 1,15).

Việc thách thức hãy mường tượng một thế giới mới, một hình ảnh khác về Thiên Chúa, tôn giáo và cộng đồng, cũng là một thách thức bên trong đạo Do thái, theo nghĩa là tưởng tượng một hình thức mới của đạo Do thái, hay nói theo nhà thần học Anh giáo Kenan Osborne, “một người Do thái kiểu khác”[6].  Mặc dù Người quy tụ một số môn đệ và cung cấp một cơ cấu nền tảng với ông Phêrô và nhóm Mười Hai, nhưng có lẽ Người không có ý tưởng (ít là vào lúc bắt đầu sứ vụ) đặt nền tảng cho một cộng đoàn về sau gọi là “Giáo hội” khác với đạo Do thái, và tiếp nối sứ vụ của Người  Người đã ra khỏi thế giới.

Dù vậy, Người đã bị hành quyết như là kẻ phạm thượng, như là hệ luận của viễn ảnh mà Người đã sống và tuyên bố. Việc thách thức hình dung một đường lối khác đã bị các nhà lãnh đạo Do thái giải thích như là phản bội truyền thống, và nguy hiểm đối với chính quyền Rôma. Tuy nhiên, cái chết đã không thắng được Người, và các môn đệ nhút nhát đã cảm nghiệm Người phục sinh. Thế rồi cộng đoàn mà Người thành lập trước đây đã tiếp tục tụ họp, cùng nhau bẻ bánh để tưởng nhớ Người như Người đã nói cho họ và để lắng nghe lời giảng của ông Phêrô và nhóm Mười Hai. Dù vậy, kể cả sau khi đã cảm nghiệm Thánh Linh vào lễ Ngũ tuần, cộng đoàn vẫn cảm thấy mình thuộc về dân Do thái. Họ ý thức rằng mình được mời gọi tiếp tục sứ vụ của Đức Giêsu để rao giảng Vương quốc Thiên Chúa và làm chứng tá về Người cho dân Do thái. Thiên Chúa đã ban cho dân này một cơ may khác, sau khi Đức Giêsu phục sinh, để thúc đẩy họ nhìn nhận Người là Đấng Mesia, và thống hối trước khi Người đến lần thứ hai để thiết lập Vương quốc Israel. Nhưng họ khó nhận ra rằng, mình là “Giáo hội”, một thực tại khác biệt với truyền thống Do thái.

Thế nhưng, dần dần, cộng đoàn nhận thức rằng trong Thánh Linh, Thiên Chúa có những chương trình khác cho cộng đoàn bé nhỏ ấy. Theo tường thuật của sách Công vụ Tông đồ (với nội dung thần học, nhưng với dữ kiện lịch sử chính xác), sau khi ông Stephanô bị hành quyết vì công bố Đức Giêsu là Mêsia và đặt vấn đề về tương lại đạo Do thái, cộng đoàn các môn đệ Đức Giêsu phân tán sang các làng lân cận. Một người trong nhóm họ, tên là Philiphê, đã rao giảng sứ điệp cho người Samaria (một dân hỗn tạp giữa Do thái và ngoại đạo), và được họ vui vẻ đón nhận. Ông Philiphê cũng được gọi đi giảng cho một viên quan thái giám quê ở Ethiopia lên Giêrusalem, một người do điều kiện thể lý sẽ không bao giờ được nhận vào đạo Do thái. Thế rồi, một con người bị coi là không đủ điều kiện nhập đạo Do thái thì lại được tiếp nhận làm tín đồ của Chúa Giêsu. Ông Phêrô may mắn đi giảng cho ông Corneliô, thuộc dân ngoại, và ông cùng với gia đình được đón nhận vào cộng đoàn. Sau cùng, theo như sách Công vụ Tông đồ kể lại, một vài người trốn khỏi Giêrusalem sau cuộc hành quyết ông Stêphanô, đã giảng đạo sang một thành phố lớn tên là Antiôkia: họ thuộc dân ngoại nhưng đã tin nhận Chúa Giêsu; họ được gia nhập cộng đoàn và được đồng bào gọi là “các Kitô hữu”. Chính tại Antiôkia mà cộng đoàn các môn đệ Đức Giêsu bắt đầu ý thức về căn tính và ơn gọi của mình. Chú ý lắng nghe tiếng thỏ thẻ của Thánh Linh vượt khỏi biên cương, họ nhận ra rằng một hình thức tôn giáo mới đang thành hình. Từ lúc ấy, họ bắt đầu coi mình như là “Giáo hội”.

Nói cách khác, chính lúc thi hành việc truyền giáo, nghĩa là vượt qua biên cương của đạo Do thái và tiếp nhận những người thuộc các dân tộc và văn hóa khác vào cộng đoàn, mà từ chỗ là một nhóm của đạo Do thái, các môn đệ Chúa Giêsu bắt đầu nhận ra rằng mình khác biệt với đạo ấy. Thánh Linh thúc đẩy họ hãy đi xa hơn đạo Do thái để giúp họ biết rằng, đức tin vào Chúa Giêsu và sứ vụ thực hiện nhân danh Người đã tạo cho họ một căn cước mới.

Cộng đoàn các môn đệ Chúa Giêsu đã vượt quá đạo Do thái và trở thành Giáo hội. Một cách tương tự như vậy, mỗi khi sống lại động lực truyền giáo thì Giáo hội tiếp tục được thành lập, vì Giáo hội tự bản chất mang tính truyền giáo.

II. Thánh Phaolô và Giáo hội của Tân ước

Mặc dù cho đến các thế kỷ thứ IV và thứ V, đặc biệt là ở mạn Đông của Palestin và trong đế quốc Ba-tư, Kitô giáo vẫn tiếp tục mang một bộ mặt với bản sắc Do thái, nhưng trong Đế quốc Rôma, cách riêng trong vùng Tiểu Á, ở phần lãnh thổ hiện nay thuộc về nước Thổ-nhĩ-kỳ, bắt đầu chớm nở một Kitô giáo phần lớn gồm bởi dân ngoại. Một trong những thừa sai vĩ đại của thời Kitô giáo sơ khai là ông Phaolô, vốn là người Do thái. Ông đã thực hiện nhiều chuyến đi truyền giáo sang Thổ-nhĩ-kỳ và Hy-lạp, và các tác phẩm của ông đã để lại nhiều ảnh hưởng sâu đậm đến nỗi có những sử gia cho rằng ông mới thực là người thành lập Kitô giáo. Qua các lá thư của ông, chúng ta biết được rằng trong công tác truyền giáo ông có rất nhiều cộng sự viên, nam cũng như nữ. Các nhà thừa sai này lợi dụng hệ thống đường sá của đế quốc Rôma để giảng đạo ở những thành phố lớn, và nhờ một lá thư, chúng ta biết giáo hội đã được thiết lập tại thủ đô Rôma. Trong chương 16 của thư gửi tín hữu Rôma, ông Phaolô kể tên nhiều người nam nữ: bà nữ trợ tá Phebê, đôi vợ chồng Prisca và Aquila, Epéneto, Maria, Anđrônicô và Giunia (được xếp vào hàng tông đồ), Aristóbulô, Pérsiđê, Hermes, v.v…

Các thư của ông Phaolô cho ta hình dung một vài chức vụ trong các cộng đoàn. Có những tông đồ, trợ tá, ngôn sứ, thầy dạy, chữa bệnh, mục tử (xem Rm 16, 1 Cr 12, Ep 4). Những chứng từ khác của Tân ước nói đến các kỳ mục hoặc bô lão, nhiều khi được đồng hóa với các giám sát (chẳng hạn 1 Tm 3, Tt 1, Gc 5, 14). Một vài chức vụ này được đặt lên để phụ trách công tác trong nội bộ cộng đoàn, nhưng do sự tăng trưởng liên tục của cộng đoàn, chúng cho thấy rằng các chức vụ ấy cũng nhắm đến công cuộc truyền giáo, nhiều khi diễn ra trong khung cảnh bị bách hại. Dù vậy, thư thứ nhất của ông Phêrô đã mời gọi cộng đoàn hãy làm chứng cho niềm hy vọng của mình (1 Pr 3, 15).

III. Kể chuyện Tin mừng

Các văn kiện khác của Giáo hội nguyên thủy cho biết sự hiện hữu của những tông đồ và ngôn sứ lưu động, giống như ông Phaolô, đi từ làng này sang làng khác, từ thị trấn này sang thị trấn khác để giảng Tin mừng. Những điều này được đọc thấy trong các tài liệu cổ, có khi cổ hơn cả những bản văn pháp lý còn lưu giữ, chẳng hạn như sách Didakhê (hoặc: Giáo huấn của XII thánh tông đồ) có lẽ ra đời vào đầu thế kỷ II ở Syria. Tuy nhiên, theo lời của Mike Green, có lẽ những thừa sai tuyệt vời nhất của Giáo hội nguyên thủy là người bình thường, cả nam lẫn nữ, giảng đạo bằng đời sống liêm chính và vui vẻ chuyện trò với thân nhân láng giềng về niềm tin của mình; họ “kể chuyện Tin mừng”[7]. Bên cạnh hình thức giảng đạo không chính thức này, nhà xã hội học còn giả thiết một hình thức truyền đạo nữa nhờ những mạng giao lưu cá nhân hoặc gia đình, nhờ đó các bà vợ thuyết phục người chồng, các bà mẹ giảng đạo cho con cái, bạn bè trao đổi chuyện trò với nhau.[8]  

Tin mừng được chia sẻ cách tự phát. Tuy vậy, có lẽ việc thông đạt hữu hiệu hơn cả là qua chứng tá của các người tín hữu. Thực vậy, các người ngoại đạo cảm thấy kinh ngạc vì các Kitô hữu yêu thương nhau. Rodney Stark xác nhận điều này khi kể lại sự cảm phục của dân chúng vì chứng kiến các tín hữu chăm sóc cho nhau trong những cơn dịch bộc phát ở những thị trấn đông đảo. Nhưng ông cũng cho biết thêm rằng, các tín hữu còn đi xa hơn nữa, bởi vì họ chăm sóc cả những người không phải là thành phần của cộng đoàn, và nhờ chứng tá đó mà nhiều người trở lại đạo. Thông thường, khi ai mắc bệnh dịch thì bị bỏ rơi bên vệ đường cho đến khi chết. Trước sự kiện là các Kitô hữu chăm lo những người đồng đạo và khác đạo như nhau, nhiều người nghĩ rằng có lẽ nên theo đạo này. Điều tương tự cũng có thể nói về việc các tín hữu tôn trọng đời sống hôn nhân, khiến cho nhiều người chú ý, đặc biệt là các phụ nữ, Kitô giáo không cho phép ly dị, không cho phép giết các trẻ thơ nữ giới, cấm phá thai. Ngoài ra không thể nào bỏ qua sự kiện  Kitô giáo là một đạo đắt giá, theo nghĩa có thể phải hy sinh tính mạng. Thiên hạ ngạc nhiên khi thấy những người dám chấp nhận cái chết vì niềm tin và đặt niềm hy vọng vào đời sống sung mãn hơn sau khi chết. Tôn giáo mới mẻ này tăng trưởng nhờ chứng từ chân chính của những con người thi hành sứ mạng trong cuộc sống hằng ngày.

Kitô giáo đã bành trướng sang lãnh thổ hiện nay thuộc nước Thổ-nhĩ-kỳ và Hy-lạp, cũng như dọc theo bờ biển ở mạn bắc châu Phi, và từ Antiôkia cho đến phía Đông của đế quốc Rôma. Đạo cũng phát triển đến các quốc gia nằm giữa Rôma và đối thủ là đế quốc Ba-tư. Năm 301, vua Armênia, trở lại đạo nhờ thánh Grêgoriô Illuminator, đã tuyên bố toàn quốc là Kitô giáo.

Mặc dù việc loan truyền Tin mừng cho nước Etiopia (Phi châu) đã được nói trong sách Công vụ Tông đồ, chương 8, về một quan thái giám vô danh trở lại đạo, nhưng chứng cớ lịch sử về sự hiện diện của Kitô giáo tại nước này bắt đầu với Frumentiô, một thanh niên người Syria, vào thế kỷ IV. Anh ta bị bán làm nô lệ cho vua Axum nước Etiopia, và nhà vua trở lại đạo nhờ lời giảng của anh. Nhà vua sai anh sang Alexandria (Ai cập) để kiếm các vị thừa sai, nhưng chính anh Frumentiô được thụ phong giám mục và được Thượng phụ Alexandria sai trở về Etiopia.

IV. Phong trào đan tu với việc truyền giáo

Vào đầu thế kỷ IV, số người Kitô hữu đã đạt tới 10 phần trăm dân số trong đế quốc Rôma. Theo Stark, để đạt được kết quả này, tỉ lệ gia tăng mỗi thập niên phải là 40%, đến mức mà vào năm 350, số người Kitô hữu đã lên đến gần phân nửa dân số[9]. Vào cuối thế kỷ III, hoàng đế Đioclêtianô nhận thấy sự tăng trưởng này như là mối đe dọa cho tôn giáo cổ truyền của Rôma cho nên ra lệnh bách hại, trong toàn Đế quốc, các tín đồ của Kitô giáo và của tổ chức tôn giáo nào không chịu thực hành đạo của Rôma. Tuy nhiên cuộc bách hại đã không thể kìm hãm làn sóng Kitô giáo. Theo như lời của ông Tertullianô, máu của những vị tử đạo là mầm mống mọc lên các tín hữu mới, bởi vì các cuộc trở lại đạo vẫn cứ gia tăng. Vị tân hoàng đế Constantinô nhận thấy rằng không thể nào ngăn chặn các Kitô hữu nên tìm cách liên minh với họ. Ông đã trở thành hoàng đế duy nhất sau trận chiến thắng ở Cầu Milvio (ngoại ô Rôma), trong đó ông ra lệnh khắc hình thập tự trên các khiên thuẫn. Năm 313, ông ra sắc chỉ bao dung, hợp thức hóa đạo Kitô trong đế quốc, nhờ vậy đạo này được hưởng nhiều điều kiện thuận lợi. Năm 381, hoàng đế Theođosiô tuyên bố đạo Kitô là tôn giáo chính thức của đế quốc.

Mặc dầu tình thế này xem ra thuận lợi cho Kitô giáo, và có những văn hào như Eusebiô Cesarêa hoan hỉ chào đón (đến độ coi hoàng đế Constantinô như là vị tông đồ thứ 13), nhưng sự thịnh vượng này phải trả giá đắt. Trước đây Kitô giáo là một tôn giáo nhiều hiểm nghèo, bây giờ trở thành một lợi thế. Điều này dẫn đến những cuộc trở lại đạo ồ ạt, hạ thấp yêu sách đức tin.

Trong bối cảnh này, một phong trào mới được phát triển trong Giáo hội, đó là phong trào đan tu. Một số tín hữu, nam có nữ có, nhận thấy rằng từ nay không còn có thể chịu “tử đạo đỏ” cho nên đi tìm “tử đạo trắng” của đời sống khổ hạnh. Một trong những người tiên phong của cuộc “tử đạo trắng” là thánh Antôn ẩn tu, sống trong sa mạc Ai cập cũng như vô số những nhà ẩn sĩ muốn chọn lựa đời sống kham khổ trong sa mạc hơn là đời sống dễ dàng ở thành phố. Họ là những người xa tránh thế gian; nhưng nếu chỉ có vậy thì họ đã không đạt được nhiều thành quả như thế. Với dòng thời gian, họ trở nên điểm quy chiếu cho nhiều người muốn đi tìm một định hướng tâm linh, và như thế nếp sống cô tịch và khổ hạnh của họ trở nên chứng tá trong thế giới. Như đã nói, phong trào đan tu không chỉ gồm nam giới, nhưng còn có nhiều phụ nữ, trong đó phải kể đến Amma Synlectica.

Một vài đan sĩ như Pacômiô và Gioan Cassianô đã bắt đầu đời ẩn sĩ ở Bắc Phi, nhưng đến khi có một cộng đoàn được quy tụ chung quanh họ, thì họ đã đứng ra điều hành và viết những bản luật nổi tiếng. Cả Pacômiô cũng như Cassianô đã du hành sang châu Âu và thiết lập những cộng đoàn trên đất Pháp hiện nay. Người ta nói rằng các đan sĩ Ai cập đã sang Ai-len và có lẽ là những người sáng lập đời đan tu Ai-len sau này, sẽ phát triển dồi dào sau khi thánh Patrixiô cải hoán đảo này vào thế kỷ V. Đời đan tu ở Ai-len phát triển phương pháp truyền giáo riêng của mình. Để thực hành khổ chế, họ vượt biển sang vùng đất ngày nay là nước Anh và Scotland với tư cách là “những người lữ hành của Chúa Kitô” (peregrini pro Christo). Họ rao giảng Tin mừng trên đường lữ hành, và một khi đã ổn định, họ mời gọi người khác đến lập cộng đoàn, rồi từ đó lại lên đường lữ hành. Đan viện Iona bên Scotland là nơi xuất phát của đan sĩ Columba; một đan sĩ khác tên là Columbanô đã sang tận nước Italia, nơi ngài thiết lập một đan viện ở Gubbio. Đời đan tu bên Ai-len còn nổi tiếng vì những đan viện kép (nghĩa là cộng đoàn nam và cộng đoàn nữ sống trong những ngôi nhà riêng biệt, nhưng cùng cử hành phụng vụ với nhau). Trong số các đan viện kép nổi tiếng phải nhắc đến cộng đoàn dưới sự điều hành của viện mẫu Brígida ở Kildare, và đan viện được điều khiển bởi viện mẫu Hilda ở Whitby, miền bắc nước Anh.

Phong trào đan tu cũng phát triển bên Tiểu Á (Thổ-nhĩ-kỳ ngày nay) và Hy lạp. Tại Capađôxia (Tiểu Á), có những người nam như là Basiliô, em là Grêgoriô Nyssa và người bạn là Grêgoriô Naxianxô, có những người nữ như Macrina, chị của Basiliô và Grêgoriô, đã sống hầu như suốt đời trong đan viện, mặc dù về sau ba người nam đều trở thành giám mục (một hiện tượng khá phổ thông vào thời ấy, bất chấp sự phản đối của đương sự; trong một tác phẩm viết cho các đan sĩ, Gioan Cassianô tuyên bố rằng một đan sĩ phải tránh xa phụ nữ và giám mục).[10]

Cũng như nhiều đan sĩ trên sa mạc bên Đông phương và châu Phi, thánh Bênêđictô bước vào đời đan tu vào đầu thế kỷ VI như một ẩn sĩ. Nhưng không bao lâu, nhiều người đến chỗ ẩn cư của ngài ở Subiaco (gần Rôma) để xin hướng dẫn. Một thời gian sau, ngài viết một bản luật rồi dời chỗ ở về phía nam, đến Monte Casino, nơi mà em gái là Scolastica cũng đến lập một đan viện gần đó. Nếp sống đan tu của thánh Bênêđictô ít khổ hạnh hơn các đan sĩ trong sa mạc. Ngài tìm một sự quân bình giữa cầu nguyện và lao động, và dạy các đan sĩ sự điều độ trong việc ăn uống. Chẳng bao lâu nếp sống đan tu này trở thành phổ thông tại châu Âu, và hàng ngàn đan viện được lập ra trên khắp lục địa. Vào thời kỳ châu Âu hứng chịu những cuộc xâm lăng của các bộ tộc từ phía Bắc, còn mạn Đông của đế quốc đang suy sụp, thì các đan sĩ thánh Bênêđictô làm chứng tá về kỷ luật và văn minh. Các đan viện này (cũng tương tự các đan viện Ai-len trước đây) đã bảo tồn kho tàng văn hóa Tây phương, về đạo cũng như về đời. Họ duy trì các truyền thống canh nông và thuốc men,  dạy dỗ các thanh thiếu niên tại các trường học của tu viện. Các đan viện trở nên tiền đồn của việc rao giảng Tin mừng, như ta thấy nơi công trình của thánh Bonifaxiô và Leoba bên Đức, và Augustinô Cantorbery bên Anh. Có lẽ Bonifaxiô tỏ ra lãnh đạm đối với văn hóa địa phương của dân Saxon, thế nhưng trớ trêu thay, đan viện của ngài là nơi viết ra cuốn Heliand, bản Tin mừng bằng tiếng Saxon vào thế kỷ IX.

Bên Đông phương, từ Antiôkia và Đông Syria, các đan sĩ đi theo các thương gia trên “con đường tơ lụa” băng ngang đế quốc Ba-tư đến Trung quốc. Sau khi Kitô giáo được hoàng đế Consantinô hợp thức hóa trong đế quốc Rôma, thì tôn giáo này chịu cuộc bách hại trong đế quốc Ba-tư khiến cho hàng vạn tín hữu bị sát hại. Với sự xuất hiện của Islam hồi thế kỷ VII, các Kitô hữu vẫn tồn tại tuy không luôn luôn được hưởng tự do. Thế nhưng các đan sĩ nam nữ vẫn tiếp tục hoạt động và mở các trạm lữ hành dọc theo con đường tơ lụa. Theo một di tích khám phá bên Trung quốc vào thế kỷ XVI, các đan sĩ Đông Syria, dưới sự hướng dẫn của Alopen đã đến nước này hồi thế kỷ VIII, thiết lập một đan viện ở Tràng An, một thành phố lớn nhất thế giới vào thời ấy, dịch các sách đạo Kitô sang tiếng Hoa. Gần đây, người ta khám phá ra một bộ “Giêsu thiên sai kinh”, một nỗ lực hội nhập các sách đạo Kitô vào văn hóa địa phương. Hơn kém một thế kỷ, một vị giám mục quý danh là Adam đã sống tại kinh đô và cùng hợp tác với các nhà sư để dịch các sách thánh của đạo Kitô và đạo Phật. Tiếc thay, giai đoạn mở đầu của Kitô giáo đã kết liễu khi nhà Đường sụp đổ vào đầu thế kỷ X, và Kitô giáo đã chìm vào bóng tối. Các đan sĩ Tây Syria cũng sớm đến Ấn độ và có lẽ mãi tận Sri Lanka và Indonesia. Tại những địa điểm này, họ thiết lập đan viện, trợ giúp các thương gia, và chắc hẳn là cũng giảng đạo cho người bản xứ. Mấy thế kỷ sau, khi người Bồ-đào-nha đến Ấn độ, họ khám phá một cộng đồng Kitô hữu vẫn liên hệ với các Thượng phụ Antiôkia và sử dụng nghi điển Syria trong phụng vụ.

Vào thế kỷ X, hai anh em đan sĩ Cyrillô và Mêtôđiô, được giáo hội Constantinopolis phái sang phía đông để giảng đạo cho người Slavic tại vùng trung-bắc châu Âu hiện nay. Dưới nhiều phương diện, họ có thể được coi là những người tiên phong của cuộc hội nhập văn hóa, khi chủ trương rằng Tin mừng phải được giảng và Kinh thánh phải được dịch sang tiếng Slavic bản địa. Để được như vậy, họ đã tạo ra bản mẫu tự mang tên là Cyrillo (tuy đã được biến đổi nhiều lần). Tuy nhiên những nỗ lục thích nghi của họ đã bị chống đối bởi các thừa sai Latinh, vì thế hai anh em sang Rôma để gặp Đức thánh cha, và được ngài ủng hộ. Vào khoảng năm 1000, nước Nga được các đan sĩ đến từ Constantinopolis đến giảng đạo. Người ta kể rằng, khi các phái đoàn Nga đến kinh đô này, họ đã cảm động vì cảnh huy hoàng của phụng vụ đan tu, và họ đã trở lại đạo đồng thời yêu cầu các thừa sai sang Nga, và những người này đã làm cho Nga hoàng và dân tộc Rus trở lại đạo.

V. Phong trào hành khất với việc truyền giáo

Các dòng đan tu vẫn tiếp tục là một lực lượng truyền giáo sau ngàn năm thứ nhất và còn giữ đặc tính ấy cho đến nay. Tuy nhiên vào thế kỷ XIII nảy ra một phong trào khác, và sẽ giữ vai trò chủ động trong việc loan báo Tin mừng trong khoảng thời gian từ thế kỷ XIII đến XVI. Đó là phong trào hành khất, được khai sinh với Dòng Anh em Hèn mọn của thánh Phanxicô xứ Assisi và Dòng Anh em Giảng thuyết của thánh Đaminh Guzmán xứ Caleruega.

Tuy nhiên các tu sĩ Phan sinh và Đaminh chỉ là hai mẫu gương của những phong trào được phổ biến thời đó, cách riêng ở miền Tây Âu. Bên Tây, các nhà lãnh đạo Giáo hội đã có nhiều quyền hành cho nên cuxg ra hư hỏng. Từ đó nảy ra những người kêu gọi trở về với sự tinh tuyền và đơn giản của Tin mừng, cũng như sống “nếp sống tông đồ” (vita apostolica). Trong nhóm đó có ông Pierre Valdo bên Pháp, là một phong trào giáo dân, kêu gọi cải tổ hàng giáo phẩm và lưu tâm hơn đến công tác mục vụ. Tiếc rằng phong trào của ông Valdo không chiếm được cảm tình của giáo quyền, và bị kết án cùng với nhiều nhóm khác (trong số đó, nhóm Humiliati xem ra chính thống và nhóm Cathari chắc chắn lạc đạo). Biệt tài của Phanxicô và Đaminh là hoạt động canh tân cải tổ Giáo hội nhưng vẫn trung thành với thể chế.

Ngay từ đầu, phong trào của Phanxicô mang tính giáo dân. Chúng ta đã biết chuyện ngài hoán cải và kết bạn với đức khó nghèo. Ngài đã rảo khắp miền Umbria để giảng Tin mừng, và  thu hút các đồ đệ. Rồi ngài đã sang bên Đông cùng với một cuộc Thập tự chinh; nhưng ngài rời bỏ doanh trại để đi giảng đạo cho nhà vua ở gần Đamieta. Sau ba ngày hội ngộ, thay vì được tử đạo như lòng mong ước, ngài được nhà vua cảm phục vì tư cách hơn là vì sứ điệp; đối lại, Phanxicô bị ấn tượng bởi tinh thần cầu nguyện của người Islam. Cuộc gặp gỡ này đã ảnh hưởng đến bản luật được viết về sau , trong đó ngài nói đến hai loại rao giảng Tin mừng: trực tiếp và chứng tá. Có lẽ từ những quan niệm ấy mà người ta gán cho ngài câu nói sau đây: “Hãy luôn luôn rao giảng Tin mừng, nhưng chỉ khi cần thiết mới dùng lời nói”.

Ngay từ đầu đã có những phụ nữ đi theo Phanxicô. Người đầu tiên và gần gũi hơn cả là chị Clara, sống cùng thị trấn Assisi. Cùng với các phụ nữ khác, chị dấn thân vào việc cầu nguyện, không phải cho mình nhưng cho công cuộc mà Phanxicô và các anh em đang thực hiện. Họ không khép kín nhưng cởi mở với thế gian, mặc dù sống trong bức tường kín theo phong tục đương thời dành cho các phụ nữ. Chị Clara cử nhiều chị em sang vùng đất Islam để làm chứng cho Tin mừng, nhưng phần lớn đã chịu tử đạo không lâu sau khi đến nhiệm sở.

Trong bài viết ngắn ngủi này, không thể nào bỏ qua hai thành viên dòng Phan sinh. Thứ nhất, ông Ramón Lull là một phần tử dòng Ba, là một trong những nhân vật nổi bật trong lịch sử Giáo hội và lịch sử truyền giáo. Ông xác tín rằng, các người theo đạo Islam chỉ có thể trở lại đạo khi Tin mừng được rao giảng bằng ngôn ngữ của họ để họ hiểu được. Vì thế ông bắt đầu học tiếng ả-rập, viết cả trăm quyển sách, và dạy học tại nhiều nơi ở châu Âu. Ông đã du hành ba lần từ Tây-ban-nha sang Bắc Phi. Hai lần đầu, ông bị bắt và bị trục xuất lập tức, lần thứ ba thì ông bị giết. Người tu sĩ thứ hai nổi bật của dòng Phan sinh là giám mục Gioan de Montecorvino, được cử sang triều đình Trung quốc vào thế kỷ XIII, khi mà đạo Kitô bắt đầu hồi sinh, tuy chỉ được một thời gian ngắn. Những bức tranh  chân dung cho thấy ngài mặc phẩm phục theo văn hóa Trung hoa.

Thánh Đaminh Guzmán xứ Caleruega (Tây-ban-nha) vốn là một kinh sĩ của giáo phận Osma, đã cùng với vị bề trên là Diego (sau đó trở thành giám mục) tháp tùng hai phái bộ ngoại giao, và những chuyến đi này đã tác động mạnh đến cả cuộc đời. Một lần khi đi ngang qua Toulouse (Pháp), cha Đaminh gặp một người Cathari, và đã nói chuyện với ông suốt đêm để trình bày giáo lý công giáo và những sai lầm của nhóm lạc giáo. Cuối cùng, ông này hối hận và trở về với Giáo hội. Sau này khi gặp một phái đoàn thanh tra của Giáo hội trong cung cách bệ vệ, cha  đề nghị với họ hãy sống đạm bạc, bởi vì gương lành may ra mới cảm hóa được các người lạc giáo. Sau khi giám mục Diego qua đời, cha Đaminh chỉ còn một mình, và cha quy tụ vài môn đệ để thực hành một nếp sống đơn giản, kết hợp với lòng đạo đức và học hành. Đó là gốc tích của Dòng Anh em Giảng thuyết, rất hấp dẫn vào thế kỷ XIII, gồm những con người học thức, có tài giảng thuyết, sống giản dị, và đã rảo qua khắp châu Âu để giảng thuyết và cỗ võ việc cải tổ. Họ cũng cử người sang Trung quốc, và cũng như đối với Phanxicô, nhiều phụ nữ đã tham gia phong trào này ngay từ ban đẩu. Nổi tiếng nhất là chị Catarina Siena, được đồng bào biết đến qua các công tác từ thiện, rồi chị sang Avigon để thuyết phục giáo hoàng trở về Rôma, thoát khỏi ảnh hưởng của nhà vua Pháp.

Bên xứ Hà-lan, có một nhóm giáo dân nam nữ được biết đến dưới tên gọi bégardsbéguines. Họ là những giáo dân nam nữ sống thành cộng đoàn, tuy không kín cổng cao tường nhưng thi hành công tác từ thiện bác ái. Trong số các phụ nữ thời danh, ta phải kể đến chị Marie d’Oignies, Matilde de Magdeburg, và Matilde de Hackenborn. Tuy nhiên, do nếp sống đời hoạt động của mình, một số người bị nghi ngờ và thậm chí có những người bị hành quyết vì tội lạc giáo. Dù sao, họ tượng trưng cho lực lượng phụ nữ luôn luôn cố gắng sống miệt mài với ơn gọi Kitô hữu qua việc dấn thân hoạt động trên đời (và sẽ phát triển mạnh vào hai thế kỷ XVIII và XIX).

Năm 1453, thủ đô Constantinopolis đã bị thất thủ trước lực lượng Islam. Đế quốc Byzantium đã sụp đổ, sau mấy thế kỷ bị bao vây bởi các lực lượng Islam. Bên Đông phương, hoạt động truyền giáo bị khựng lại do những đe dọa của Hồi giáo, giờ đây coi như đã kết thúc.

VI. Sự xuất hiện của Dòng Tên và việc truyền giáo trong thế kỷ XVI

Một biến cố quan trọng trong lịch sử truyền giáo của Giáo hội diễn ra hồi thế kỷ XVI. Chân trời của châu Âu được mở rộng với việc “khám phá” hay gặp gỡ các dân tộc châu Mỹ, và với việc tăng cường tiếp xúc với các dân tộc châu Á. Đó cũng là thế kỷ mà Kitô giáo bị xâu xé bởi những ly giáo gây ra do cuộc cải cách của Luther, Calvin.

Vào cuối thế kỷ XV, Christophe Colomb “khám phá”, hoặc “gặp gỡ”, hoặc “xâm chiếm” (tùy theo quan điểm của mỗi người) một thế giới xa lạ đối châu Âu. Ông Colombo và những người nhà thám hiểm châu Âu gặp thấy những vùng đất rộng lớn mà dân cư chưa hề được nghe nói đến danh Chúa Giêsu hoặc Tin mừng. Đang khi động lực của nước Tây-ban-nha, và sau này của Bồ-đào-nha, phần lớn là vì lòng tham lam, thì nhà vua cũng quan tâm đến việc truyền giáo cho các dân bản địa. Vì thế, các thừa sai dòng Phan sinh, Đaminh, Âu tinh đi theo các nhà thám hiểm trong những cuộc hành trình xâm lăng và khám phá: chính sách của thập giá và lưỡi kiếm.

Có những cuộc trở lại đạo, những cũng có nhiều cuộc khai thác các dân tộc bản địa tại châu Mỹ. Tại Española (tên gọi của hòn đảo ngày nay là Cộng hòa Santo Domingo và Haiti), các thừa sai Đaminh đứng ra bảo vệ các thổ dân. Vào trước lễ Giáng sinh năm 1501, tu sĩ Antonio de Montesinos, dòng Đaminh, đã giảng một bài tố cáo sự lạm dụng của các địa chủ như sau: “Tất cả các ông đều phạm tội trọng” và cần được được cứu độ cũng giống như những người chưa được rửa tội vậy.[11]

Người ta kể lại rằng ngồi trong nhà thờ hôm đó có một người địa chủ trẻ tuổi tên là Bartolomé de Las Casas. Trở về quê hương Tây-ban-nha, Las Casas thụ phong linh mục, trở thành tu sĩ dòng Đaminh, và dành những năm còn lại trên đời để bênh vực các thổ dân ở châu Mỹ. Cha đã nhiều lần đi đi về về vượt Đại Tây dương, để bảo vệ họ trước triều đình và giáo quyền, và đã viết rất nhiều tác phẩm, xứng đáng được mang danh hiệu “Trạng sư của thổ dân châu Mỹ. Tuy rằng có lúc cha đã nảy ra ý nghĩa là thay thế thổ dân châu Mỹ bằng các nô lệ bị bắt từ châu Phi, nhưng cha đã sớm nhận ra điều nghịch lý và đã hối hận vì ý tưởng này. Đây là một trong những tiếng nói (không phải là ít) của lòng trắc ẩn từ phía các nhà thừa sai lúc ấy[12].

Ở phía bên kia thế giới, vào thập niên 1530, nước Tây-ban-nha bắt đầu chiếm đóng nước Philippines, và cũng tương tự như bên châu Mỹ Latinh, các tu sĩ dòng Đaminh, Âu tinh và Phan sinh được cử đi rao giảng Tin mừng cho dân bản xứ. Vào lúc đầu, các thừa sai rất cởi mở đối với văn hóa địa phương. Họ học hỏi ngôn ngữ, dịch ra tiếng tagalog sách giáo lý biên soạn tại Mêxicô. Nhưng họ liên minh với chính phủ Tây-ban-nha, làm chủ các đồn điền rộng lớn và trở thành những kẻ bóc lột dân bản xứ. Một vài ngôi thánh đường lộng lẫy đã được xây cất bởi những nô lệ dưới sự giám sát của các thừa sai Tây-ban-nha. Vào cuối thế kỷ XIX, nhà tiểu thuyết yêu nước José Rizal đã kịch liệt công kích các tu sĩ. Mặc dù vậy, nước Philippines là quốc gia công giáo đứng hàng thứ bốn trên thế giới, và nổi tiếng về lòng trung thành với Giáo hội Công giáo.

Trong khi cha Las Casas cố gắng thuyết phục người Tây-ban-nha và giáo hoàng hãy tôn trọng nhân vị của các dân tộc châu Mỹ Latinh, thì Luther và Calvin bắt đầu kiến thiết giáo hội Phản kháng. Họ chống lại vài lạm dụng của Giáo hội thời Trung cổ (tác phong suy đồi, bê trễ mục vụ, bỏ qua Lời Chúa, thực hành mê tín trong việc cử hành bí tích, mua bán ân xá). Vì không được Rôma lắng nghe nên họ lập ra Giáo hội riêng. Châu Âu bị chia đôi giữa Công giáo và Phản kháng, đưa đến những xung đột không những về tôn giáo mà còn về chính trị nữa. Thêm vào đó là 200 năm chiến tranh tôn giáo, cùng những cuộc bách hại người Công giáo về phía người Phản kháng, và những cuộc bách hại người Phản kháng về phía người Công giáo.

Dòng Tên Chúa Giêsu ra đời trong bối cảnh ấy. Dòng được thành lập bởi thánh Inhaxiô Loyola, một quân nhân đã được hoán cải trong thời gian điều trị vết thương, và vì vậy mang dấu vết quân sự trong cách tổ chức. Nhờ huấn luyện cao về kỷ luật, học hành, động lực và di động, các tu sĩ Dòng Tên đã hình thành một lối sống tu trì mới mẻ: họ không phải là đan sĩ hoặc hành khất, nhưng là những tu sĩ “hoạt động”, với lời khấn thứ bốn, sẵn sàng đặt dưới sự điều động của Đức thánh cha. Dòng đã truyền bá kiến thức và khả năng giảng dạy ra khắp châu Âu, và thu hút nhiều người trước đó đã chuyển sang nhóm Phản kháng.

Dòng Tên cũng mang lại một mô hình mới về việc truyền giáo. Họ sang châu Mỹ Latinh và bắt đầu thiết lập các “thái ấp” (reducciones), quy tụ các thổ dân vào các thôn ấp để bảo vệ họ khỏi bị thực dân Tây-ban-nha và Bồ-đào-nha bắt làm nô lệ. Họ cũng sang châu Á. Nhân vật nổi tiếng nhất chắc hẳn là Phanxicô Xaviê, một bạn đồng môn của Inhaxiô. Trước tiên, cha sang Ấn độ, và tỏ ra hăng say với việc hoán cải các linh hồn. Kế đó cha sang Nhật, và rất bị ấn tượng bởi văn hóa dân tộc này. Trong một bức thư gửi cho Inhaxiô, cha đã thuật những điều kỳ diệu của người Nhật, với trình độ văn hóa cao, chân thành, và một khi nhận ra chân lý thì sẵn sàng cam kết dấn thân. Trước kia, khi ở Ấn độ cha không đếm xỉa đến văn hóa địa phương, nhưng lúc ở Nhật, cha hết sức quan tâm đến văn hóa: ăn mặc theo phong tục địa phương, thu nhận các cộng tác viên địa phương, cố gắng giảng giải Tin mừng theo cách thức mà họ hiểu được.

Một trong những thừa sai Dòng Tên quan trọng nhất là cha Alessandro Valignano, người Italia. Cha nghĩ rằng các thừa sai phải thoát khỏi sự kiềm tỏa của người Bồ-đào-nha đang là một thế lực tại châu Á lúc ấy. Đối với người Bồ, đi theo đạo Kitô có nghĩa là trở thành người Âu. Ngược lại, cha Valignano chủ trương rằng, Kitô giáo không bị ràng buộc vào châu Âu nhưng được phép phát triển ở trong bất cứ nền văn hóa nào. Cha cố gắng huấn luyện Dòng Tên theo đường hướng đó. Nhận vật được biết đến nhiều nhất là cha Matteo Ricci. Cha Ricci làm việc bên Trung quốc, thành thạo ngôn ngữ địa phương cũng như các sách cổ điển của Nho giáo, cộng thêm sự hiểu biết các khoa học phương Tây. Nhờ kiến thức quảng bác, cha được đưa vào triều đình để làm việc; và khi qua đời, cha được an táng theo nghi lễ danh dự dành cho các nhân vật quan trọng của quốc gia. Cha đã thành công trong việc đưa vài người theo đạo; trong số đó có người trở thành linh mục.

Bên Ấn độ, cha Roberto de Nobili Dòng Tên cũng áp dụng đường lối tương tự. Cha ăn mặc giống một hiền sĩ Ấn giáo, và là người Âu đầu tiên thông thạo chữ Phạn. Cha thông hiểu triết học, các sách thánh của Ấn giáo, và trình bày Kitô thích hợp với vũ trụ quan Ấn giáo. Tiếc rằng cha có nhiều đối thủ, và những cố gắng thích nghi bị khựng lại do cuộc “tranh luận về các lễ nghi”. Đây là một chương phiền phức và đáng buồn trong lịch sử truyền giáo, khiến cho công việc thích nghi đạo Chúa vào văn hóa địa phương bị chậm lại; mãi đến thập niên 40 của thế kỷ trước, các ngăn cấm của cuộc “tranh luận về các lễ nghi” mới được giải.

Cần nhắc đến một vị thừa sai Dòng Tên nữa ở châu Á vào thế kỷ XVII, đó là cha Alexandre de Rhodes, giảng đạo ở Việt Nam, người đã sáng chế bản mẫu tự để viết tiếng Việt. Cha cũng soạn một quyển giáo lý, trong đó ngài thu nhận các nguyên tắc Khổng giáo vào đạo lý Kitô giáo. Cha cũng đào tạo các thầy giảng để đảm nhận việc truyền đạo trong một lãnh thổ rộng lớn. Cuối cùng, bị trục xuất khỏi Việt Nam, cha sang Ba-tư tiếp tục giảng đạo và qua đời tại đây.

Các tu sĩ Dòng Tên cũng làm việc với các thổ dân Iroquois và Huron tại vùng đất nay thuộc nước Canada, và cố gắng thích nghi vào tình thế địa phương, Các cha đi theo các đoàn người du mục và tìm cách học hỏi ngôn ngữ và phong tục của họ. Họ phải sống giữa những bộ lạc đang có chiến tranh với nhau, và bị cả đôi bên ngờ vực. Một vài vị phải chịu tử đạo, như là I Isaac Jogues và Jean de Brebeuf, cùng với René Gupil là một giáo dân; tất cả đã được phong thánh như là những vị tử đạo Bắc Mỹ. Nữ tu Marie de l’Incarnation là phụ nữ thừa sai tiên khởi của Bắc Mỹ. Chị định cư tại Montréal (Canada), mở trường học cho các thiểu nhi người Pháp cũng như thổ dân. Nhiều phụ nữ người Pháp cũng đến cư ngụ ở vùng Montréal. Một thiếu nữ người bản xứ, Kateri Tekawitha, đã theo đạo nhờ các nữ tu người Pháp và được phong thánh năm 2012.

Vào thời ấy, châu Âu bị tàn phá giữa các cuộc chiến tôn giáo (giữa Công giáo và Phản kháng), tạo ra một bầu khí hoài nghi đối với tôn giáo và tin tưởng hơn vào lý trí con người. Trong thế kỷ của Ánh sáng, lần đầu tiên trong lịch sử, một lòng tín thác vào tiềm năng con người, kèm theo những nghi ngờ về sự hiện hữu của chiều kích siêu việt của con người, mở màn cho thái độ thế tục hóa tiến đến chủ nghĩa vô thần.[13] Như hệ luận của nhiều yếu tố, trong đó có vụ tranh luận về các nghi lễ (ở Trung hoa) và vụ tranh luận với nhóm Jansenist, Dòng Tên giải thể năm 1773 (mặc dù nước Nga vẫn chấp nhận cho họ hoạt động). Cuộc khủng hoảng tâm linh tại châu Âu, việc giải thể Dòng Tên, sự tàn phá của Cách mạng 1789: những yếu tố này đưa đến việc kết thúc công cuộc truyền giáo trên khắp thế giới. Người ta nói rằng vào năm 1800, chỉ còn vài trăm nhà thừa sai Công giáo trong toàn thể địa cầu. Thế nhưng bức tranh đen tối này bỗng dưng thay đổi hoàn toàn vào thế kỷ tiếp theo.

VII. “Đại thế kỷ truyền giáo” và mẫu gương truyền giáo của các Hiệp hội

Năm 1880 đánh dấu điểm thấp nhất – tận đáy – về hoạt động truyền giáo của Giáo hội Công giáo, nhưng đồng thời đánh dấu sự bùng lên của công cuộc truyền giáo của các Giáo hội Phản Kháng, kéo dài cho đến đầu thế kỷ. Ông Luther và nhất là ông Calvin cho rằng việc truyền giáo không cần thiết, bởi vì những người nào được tiền định cứu độ thì đã nhận được Tin mừng rồi. Cánh Mộ đạo của Giáo hội Luther dưới sự hướng dẫn của Công tước Nicholas Ludwig von Zinzendorf đã thực hiện vài hoạt động truyền giáo trong thế kỷ XVIII, nhưng công cuộc truyền giáo của Giáo hội Phản kháng được khai trương vào năm 1793, với sự phát hành tác phẩm nổi danh của ông William Carey về bổn phận của người Kitô hữu phải làm cho dân ngoại trở lại[14]. Quả thật là một dự án to lớn. Ông Carey và một vài đồng bạn đi Ấn độ, và ít lâu sau, nhiều người cũng theo ông sang Ấn độ, Trung quốc, Phi châu để truyền đạo. Việc truyền giáo cũng gây ra một phong trào mạnh bên Hoa kỳ, nơi xuất phát của những đoàn truyền giáo sang Trung quốc, Polinesia và Đại dương châu. Nhiều hiệp hội truyền giáo (Missionary Society; Société des Missions) được thiết lập, tựa như London Missionary Society (LMS), American Board of Commissioners for Foreign Missions (ABCFM), Southern Baptist Convention (SBC).

Sự nở rộ hoạt động truyền giáo trong thế kỷ XIX trùng hợp với lúc châu Âu, và kế đó là Bắc Mỹ, tham gia vào chính sách thực dân. Chính sách thuộc địa đã giúp cho các nhà truyền giáo người Anh dễ dàng hoạt động tại các nước thuộc địa như Ấn độ, Kenya, Bờ biển Vàng (nay là Ghana). Chính quyền thuộc địa rất hài lòng vì các thừa sai dạy các Kitô hữu trở nên những người dân tốt, các trường học của các nhà truyền giáo đã đào tạo những con người giỏi về ngôn ngữ và văn hóa châu Âu, góp phần vào việc đào tạo các công chức phục vụ chính quyền. Các thừa sai, Công giáo hay Phản kháng, không phải là nạn nhân của chính quyền thuộc địa, tuy vậy đôi lúc cũng trở thành nạn nhân, hoặc vô tình hay hữu ý. Một thí dụ rõ rệt là anh Samuel Ajayi Crowther. Trong khi anh bị đưa lên tàu từ Nigeria để đi làm nô lệ, thì quân đội Anh đã theo dõi và chặn lại. Anh ta được phóng thích và đưa về chỗ ở an toàn tại Freetown (nước Sierra Leone). Sau đó, anh được sai về quê hương để giảng đạo ở Yurubaland, nơi mà anh trở thành giám mục. Tiếc rằng vị kế nhiệm không phải là một người Phi nhưng là người Âu.

Năm 1815, hòa bình được tái lập sau cuộc thất trận của Napoléon tại Waterloo. Cũng năm ấy, lệnh giải tán dòng Tên được rút lại. Các dòng tu bị Cách mạng trục xuất khỏi nước Pháp lại hồi hương và tái thiết. Các giáo hoàng, sau khi đã bị Napoleon uy hiếp (Piô VII và Piô VIII) đã lấy lại uy tín ở châu Âu. Trong thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX, chỉ có đôi ba dòng được thành lập: Dòng Chúa Thánh Thần (1703), Thừa sai Bửu huyết (1815), Hiến sĩ Đức Mẹ vô nhiễm (1816), Dòng sư huynh Mariste (1817). Thế nhưng hơn kém vào năm 1830, nói được là thời kỳ bùng nổ các dòng truyền giáo: các cha dòng Maristes (1836), Dòng Trái tim Đức Mẹ của cha Francis Libermann (1848) về sau sát nhập vào Dòng Chúa Thánh Thần, Dòng Thừa sai Thánh Tâm của cha Jean Jules Chevalier (1850), Dòng Thừa sai Mill Hill (1866), các cha Dòng Trắng (Peres Blancs) năm 1868, Dòng Ngôi Lời của cha Arnold Janssen (1875), Dòng Thừa sai Comboni (thập niên 1840). Nhiều dòng nam cũng có nhánh nữ, chẳng hạn các nữ tu Maristes, Bửu huyết, Comboni, Thừa sai Thánh Linh. Bên Hoa kỳ, hai dòng Nữ tu Thánh Thể và Nữ tu Thánh Gia được thiết lập để làm việc với những người Mỹ gốc  Phi, tuy Dòng Nữ tu Thánh Thể (do thánh Katherine Drexel lập) cũng làm việc với người Hoa kỳ.

Vào thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX có hàng ngàn vị thừa sai đi truyền giáo. Theo sử gia Dana Robert[15], 60 phần trăm các nhà truyền giáo Phản kháng người Hoa Kỳ thuộc nữ giới. Phía Công giáo cũng có những phụ nữ thừa sai nhưng không nhiều như phía Phản kháng. Công tác truyền giáo khá đa dạng: trường học, bệnh viện, các công tác bác ái xã hội. Đa số các thừa sai đều có một ý tưởng rõ rệt về công tác truyền giáo, đó là cứu rỗi các linh hồn và xây dựng giáo hội địa phương. Phần lớn các thừa sai nghĩ và dạy rằng những người chết mà không được rửa tội sẽ sa hỏa ngục (hoặc ít là vào ngục lâm-bô). Các nền văn hóa và tôn giáo bản địa bị coi là xấu xa, và cần phải từ bỏ để trở thành những Kitô hữu chân chính. Đây là giai đoạn “xác tín”[16], “đại thế kỷ” như sử gia Kenneth Latourette đặt tên cho bộ sách lịch sử truyền giáo gồm ba quyền.[17] Các thừa sai làm việc trên toàn châu Phi, miền nam, đông nam và đông bắc của châu Á, các quần đảo Thái bình dương, Australia và New Zeland.

Năm 1910, 1,200 đại biểu của các giáo hội Phản khác đã tổ chức Hội nghị Truyền giáo quốc tế tại Edinburg, với đề tài: “Việc loan báo Tin mừng trong thế hệ hôm nay” (do John R. Mott gợi lên). Tiếc rằng xác tín quá lạc quan đó chẳng bao lâu sẽ bị lung lay.

VIII. Thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI

Bất chấp những tàn phá do hai cuộc thế chiến xảy ra vào tiền bán thế kỷ XX, giai đoạn “xác tín” vẫn tiếp tục một thời gian. Thế nhưng đó là một sự xác tín luôn bị đe dọa bởi những trào lưu thần học mới, nhận thức mới về văn hóa, sự kết liễu của chế độ thực dân và sự trỗi dậy của chủ nghĩa ái quốc, sự hồi phục các tôn giáo bản địa. Vào lúc họp Công đồng Vaticanô II (chúng tôi xin tập trung vào Giáo hội Công giáo), người ta cảm thấy việc thay đổi không khí, đưa đến điều mà cha Robert J. Schreiter đặt tên là “giai đoạn dậy men” của công cuộc truyền giáo.

Vaticanô II đã trình bày một hình ảnh khác biệt về Giáo hội. Việc truyền giáo được coi như thành phần cấu tạo nên căn cước của Giáo hội, chứ không còn hạn chế vào một hoạt động tại một lãnh thổ nào, cũng không giới hạn vào một vài người trong những hoàn cảnh đặc biệt. Sắc lệnh về Truyền giáo của Công đồng Ad gentes (AG) phần nào vọng lại một hội nghị của Hội đồng Đại kết các giáo hội họp tại México năm 1963, nói đến việc truyền giáo “khắp sáu châu lục”.[18] Văn hóa, như được trình bày trong AG và Hiến chế Gaudium et Spes (GS), được nhìn cách tích cực, và nhà truyền giáo được mời gọi hãy tìm cách nhận ra những kho tàng phong phú mà Thiên Chúa đã phân phát cho dân tộc.[19] Trong Tuyên ngôn về sự liên lạc với các tôn giáo ngoài Kitô giáo Nostra Aetate (NA), Công đồng nhìn nhận rằng, nơi các tôn giáo ấy phản chiếu một luồng của Chân lý chiếu soi hết mọi người. Công đồng đã nói rõ là ơn cứu độ có thể ban ngoài đức tin minh nhiên vào Chúa Kitô (x. LG 16).

Giai đoạn “dậy men” mang lại nhiều tư tưởng mới cho việc truyền giáo nhưng cũng sớm đặt lại vấn đề liên quan đến quan điểm cổ điển về truyền giáo, về phía Giáo hội Công giáo cũng như về phía Giáo hội Phản kháng. Theo như lời phát biểu của giám mục Stephen Neil thuộc Anh giáo, nếu tất cả là truyền giáo thì chẳng còn gì truyền giáo nữa. Nói cách khác, nếu toàn thể Giáo hội là sứ vụ, thì chẳng còn sứ vụ nào đặc biệt dành cho các nền văn hóa, cũng chẳng còn những nhà thừa sai đi đến các văn hóa hay quốc gia khác. Nếu các nền văn hóa đều thánh thiện và tốt lành, thì các Kitô hữu có lý do gì đến quấy rầy họ với một tôn giáo Tây phương? Điều gây ra nhiều khúc mắc nan giải hơn cả có lẽ là thế này: nếu tất cả mọi người có thể được cứu độ mà không cần phải nhận biết Chúa Kitô và Giáo hội của Người, thì tại sao một số người phải rời bỏ quê hương và văn hóa của mình để đi rao giảng Tin mừng? Sau Công đồng Vaticanô II, các ơn gọi thừa sai bắt đầu sút giảm; nhiều vị thừa sai rời bỏ nhiệm sở và trở về quê hương của mình. Vào cuối thập niên 70 và đầu thập niên 80, người ta nói đến một thứ “đình chỉ” hoạt động truyền giáo. Tại một vài xứ truyền giáo, có người yêu cầu các thừa sai ngoại quốc hồi hương, và dành số tiền chu cấp cho họ vào việc phát triển các giáo hội địa phương.

Tuy nhiên, vào năm 1975, sau Thượng hội đồng giám mục về việc loan báo Tin mừng và việc ban bố Tông huấn Evangelii Nuntiandi (EN) của ĐTC Phaolô VI, cũng như nhờ những biến cố tương tự về phía các Giáo hội Phản kháng, tựa như hội nghị Nairobi của Hội đồng đại kết các Giáo hội và hội nghị Lausanne của các Giáo hội Tin lành năm 1974, hoạt động truyền giáo đã chứng kiến một cuộc “tái sinh”. Tông huấn EN mở rộng khái niệm truyền giáo đến độ bao gồm các hoạt động như là hội nhập văn hóa và tranh đấu cho công lý và giải phóng. Việc mở rộng khái niệm truyền giáo được tiếp tục trong thông điệp Redemptoris Missio (RM) của ĐTC Gioan Phaolô II, trong đó ngài tuyên bố rằng truyền giáo là một “thực tại duy nhất nhưng nhiều mặt”[20]. Việc truyền giáo không chỉ bao gồm hội nhập văn hóa và thực hiện công lý, mà còn đối thoại tôn giáo nữa. Ở số 37, thông điệp vạch ra nhiều lãnh vực truyền giáo, chẳng hạn như: thế giới truyền thông, mục vụ đô thị, giới trẻ, khoa học.

Vào những năm tiếp theo RM, khái niệm truyền giáo vẫn tiếp tục phát triển. Sau biến cố Hội nghị Medellin năm 1968 của Liên hiệp Hội đồng Giám mục châu Mỹ Latinh, nảy ra thần học giải phóng, không mang tính lý thuyết nhưng mang tính thực hành (hành động / suy tư) của những cộng đoàn giáo hội cơ bản dấn thân vào cuộc giải phóng chính trị và xã hội, cũng như giải phóng khỏi tội lỗi cá nhân và cơ cấu, nguyên nhân gây ra sự đàn áp định chế. Cha Robert J. Schreiter đã đề ra một suy tư hệ thống về sự cần thiết phải bao gồm mục vụ hòa giải như là thành phần của truyền giáo trong một thế giới đầy bạo lực như ngày nay. Đặc biệt, sau sự sụp đổ của các chế độ đàn áp như ở Nam Phi, Argentina và Nicaragua, sau cuộc diệt chủng xảy ra ở Rwanda và Burundi, việc hòa giải không còn là một thực tại lý thuyết nữa mà là một sự cần thiết khẩn trương. Cha Schreiter chủ trương rằng việc hòa giải là một trong những hình thức chính mang  bộ mặt tin vui trong thế giới hôm nay, vì thế nó trở nên thành phần của hoạt động truyền giáo.

Tòa Thánh lo âu vì một khuynh hướng của các giáo hội châu Á làm lu mờ vị trí trung tâm của Chúa Kitô trong công trình cứu độ thế giới. Mặc dù cách thức của những lần can thiệp về phía Tòa thánh có khi không chính xác lắm, nhưng nội dung của vấn đề thực là nghiêm trọng. Một cuộc đối thoại với những người thuộc tín ngưỡng khác chỉ có thể tiến hành một khi chúng ta có ý thức rõ rệt về vai trò độc nhất của Chúa Kitô trong lịch sử cứu độ.

Dần dần vấn đề di dân cũng trở nên nổi bật trong hoạt động truyền giáo của Giáo hội. “Thế giới của các miền truyền giáo” quay trở về với “các giáo hội mẹ”. Giờ đây không còn các giáo hội “sai đi” hoặc “tiếp nhận” nhưng tất cả đều sai đi và tiếp nhận. Trong Giáo hội, thực tại này còn mang một ý nghĩa khác. Bên Tây phương, các ơn gọi thừa sai giảm sút, càng ngày càng phải phái các thừa sai từ “thế giới thứ ba” sang các vùng truyền giáo khác, hoặc sang các nước Tây phương để thi hành mục vụ cho các người di dân. Thí dụ như trong Dòng Ngôi Lời của tôi, gần 1/6 các phần tử là người Indonesia, và phần lớn các thừa sai đến từ Indonesia, Ấn độ, và Philippines. Tôi đang viết bài này từ Australia, và tham gia chương trình đào tạo là các phần tử đến từ vùng Thái-bình-dương, Ấn độ và Việt Nam. Bên các Giáo hội Phản kháng, đa số các thừa sai đến từ Hàn quốc. Nhiều thừa sai của thế giới thứ ba được cử đến châu Âu, Bắc Mỹ, Australia và New Zeland để tái truyền giảng Tin mừng cho những văn hóa tục hóa và bịt tai trước sứ điệp của Tin mừng. Dĩ nhiên, điều này kéo theo nhiều vấn đề đặc thù của nó.

Ngoài ra, ngày nay việc truyền giáo được thực hiện phần lớn bởi các giáo dân (cả nữ lẫn nam). Nhiều người chỉ tham gia vào việc truyền giáo trong một thời gian ngắn, từ một tuần (các bác sĩ được cử đến Haiti) cho đến một vài năm (Hiệp hội tín hữu truyền giáo Maryknoll ký hợp đồng từng 5 năm và có thể lặp lại vô hạn định). Có thể nói rằng, công tác truyền giáo quan trọng hiện nay là loại được thực hành với các giáo dân trong thời gian ngắn hơn, đến nỗi nói được là đã đến giai đoạn của các thừa sai giáo dân ngắn hạn.

Kết luận

Điều đã viết trong vài trang chỉ là một lời giới thiệu sơ lược về lịch sử trải dài của Giáo hội, được đánh dấu bởi chứng tá truyền giáo. Tuy nhiên, tôi hy vọng rằng những yếu tố này đã đủ để độc giả khám phá vị trí trọng yếu của hoạt động truyền giáo trong suốt lịch sử hiện hữu của Giáo hội. Các tác giả về Giáo hội học và lịch sử tôn giáo gợi ý là chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên của “Giáo hội toàn cầu”. Tuy nhiên, phàm ai đã hiểu biết lịch sử của Giáo hội, thì biết rằng chúng ta vẫn luôn luôn sống kỷ nguyên ấy. Kitô giáo sinh ra ở châu Á, được truyền bá phía Đông sang Ba-tư và đến tận Trung Hoa, phía nam đến Ethiopia và Nubia, phía Tây sang Bắc Phi, phía Bắc sang lãnh thổ hiện nay thuộc nước Pháp, Đức, Ai-len, Anh, Scotland. Khi châu Âu “khám phá” các vùng đất mới, thì Giáo hội cùng đi với họ. Điều này muốn nói rằng Giáo hội đến gặp gỡ đạo Zoroaster, đạo Do thái, đạo Rôma, đạo Islam, các tôn giáo ở Bắc Âu, Ấn giáo, Phật giáo, Khổng giáo, các tôn giáo bản địa ở Indonesia và Philippines. Nhiều thừa sai tựa như Alopen, Cosma và Đamianô, và Alexandre de Rhodes, đã trân trọng các nền văn hóa địa phương, và, giống như Phanxicô Assisi, Bartolomé de las Casas và Marie de l’Incarnation, dấn thân phục vụ sự thăng tiến nhân phẩm của người dân. Tuy nhiên, công cuộc truyền giáo cũng có bộ mặt tối của nó. Những thừa sai như Bonifaxiô và các tu sĩ Tây-ban-nha bên châu Mỹ đã không tôn trọng địa phương, và rao giảng một Kitô giáo hủy diệt văn hóa. Nhiều thừa sai đã lên án các tôn giáo địa phương là xấu xa. Nhiều thừa sai đã cộng tác vào việc mở rộng chủ nghĩa thực dân trong thế kỷ XIX.

Ngoài ánh sáng và bóng tối, còn có một yếu tố khác nữa. Trong Tông huấn Evangelii nuntiandi, ĐTC đã lưu ý rằng “Thánh Linh là tác nhân chính của công cuộc loan báo Tin mừng”[21]. Chính Thánh Linh là Đấng tạo dựng Hội thánh, tiếp tục trang bị cho Giáo hội bằng những ân huệ ban cho các tín hữu để thi hành sứ vụ, và liên lỉ thách thức họ hãy từ bỏ các “chỗ tiện nghi” để thực hiện ý Chúa trên thế giới. Thực ra, lịch sử cuộc truyền giáo là lịch sử của Thánh Linh, mặt trái của lịch sử Thiên Chúa trong cuộc tạo dựng. Đặc ân và vinh dự của chúng ta xét như là Giáo hội, hệ ở chỗ thông dự một cách nào đó, tức là trở nên bí tích, của lịch sử tình yêu, chữa lành và giải phóng ấy.

——————————-

Phụ thêm: Thư mục về lịch sử truyền giáo

Dĩ nhiên, có nhiều cách trình bày lịch sử truyền giáo, chẳng hạn như Mario Menin, Lịch sử và các khuôn mẫu truyền giáo, trong: Thời sự thần học số 70 (tháng 11 năm 2015) trang 135-166.

Trong bài tóm lược trên đây, cha Evans chú ý đến sự đóng góp của các giáo dân và các dòng tu vào công cuộc truyền giáo. Dù sao, vào thời “khám phá” các lục địa mới, thiết tưởng không thể nào bỏ qua vai trò của triều đình hai nước Tây-ban-nha và Bồ-đào-nha trong việc truyền giáo qua thể chế “bảo hộ” (Padronado). Ngoài ra, cũng cần nhắc đến sự can thiệp của Tòa Thánh qua Bộ Truyền bá đức tin (được thành lập năm 1622), và sự góp phần của các Hội Giáo hoàng Truyền giáo.

Sau đây là vài tác phẩm cổ điển về lịch sử truyền giáo:

Bosch, David J., Transforming Mission : Paradigm Shifts in Theology of Mission, Orbis Books, Maryknoll N.Y. 1991.

Comby, Jean, Deux mille ans d’évangélisation. Histoire de l’expansion chrétienne. Desclée, Tournai 1992.

Delacroix, Simon (dir.), Histoire universelle des Missions Catholiques, 4 voll., Editions de l’Acanthe-Grund, Monaco-Paris 1956-1959.

Gonzalez, Justo L., Historia de las Misiones, La Aurora, Buenos Aires, 1970.

Irvin, Dale T. – Sunquist, Scott W., History of the World Christian Movement, vol.I: Earliest Christianity to 1453, Orbis Books, Maryknoll N.Y., 2001.

Latourette Kenneth Scott, A History of the Expansion of Christianity, 7 voll., New York 1937-1945 (được tóm lược thành một cuốn The Christian Outlook, năm 1948).

Martina Giacomo – Dovere Ugo, Il cammino dell’evangelizzazione. Problemi storiografici, Il Mulino, Bologna 2001.

Schmidlin Joseph, Katholische Missionsgeschichte, Steyl, 1924 được bổ túc bởi Alphons Mulders, Missiegeschiedenis, Bussum 1957.

—————————————-

[1] Chú thích của người dịch. Bài này chỉ là tóm lược của cuốn sách do cùng tác giả biên soạn: Stephen B. Bevans – Roger P. Schroeder, Constant in Context. Theology of Mission for Today, Claretian Publications, Quezon City (Philippines) 2005. (Bản dịch tiếng Việt của LM Đaminh Ngô Quang Tuyên: Trung thành và thích nghi. Một thần học truyền giáo cho hôm nay. Saigon 2015). Trong bài này, chúng tôi dịch “Protestantism” là “Phản Kháng”, dành thuật ngữ “Tin Lành” cho “Evangelicals”.

[2] Công đồng Vaticanô II, Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Giáo hội “Ad gentes” (AG), 2.

[3] Dale Irvin & Scott Sunquist, History of the World Christian Movement (Maryknoll, NY: Orbis Books, 2001 / 2010); Frederick A. Norris, Christianity: A Short Global History (Oxford: OneWorld Publications, 2002).

[4] Emil Brunner, The Word in the World (London: SCM Press, 1931), 11.

[5] Rudy Wiebe, The Blue Hills of China (Toronto, Canada: McClelland & Stewart, New Canadian Library Edition, 1995), 258.

[6] Kenan Osborne, A Theology of the Church for the Third Millennium: A Franciscan Approach (Leiden: Brill, 2009).

[7] Michael Green, Evangelism in the Early Church (Grand Rapids, MI: William B. Eerdmans Publishing Company, 1970), 173.

[8] Rodney Stark, The Rise of Christianity (San Francisco: Harper Collins Publications, 1996).

[9] Ibid., 3-27.

[10]Jean Cassien, De Institutis Coenobiorum et de Octo Pincipalium Vitiorum Remediis, XI, 18 (in: J.-C. Guy, ed., SC 108.444). Nguyên bản tiếng Latinh như sau: “. . . omnimodis monachum fugere debere mulieres et episcopos.”

[11] Nguyên văn bài giảng có thể đọc trong Gustavo Gutiérrez, Las Casas: In Search of the Poor of Jesus Christ (Maryknoll, NY: Orbis Books, 1993), 29.

[12] Xem Justo L. González, “Voices of Compassion,” Missiology: An International Review, 20, 4 (1992): 163-­173.

[13] Về lịch sử chi tiết của tiến trình này, xem: Charles Taylor, A Secular Age (New York: Oxford University Press, 2006).

[14] Chú thích của người dịch. Tựa đề tác phẩm của ông William Carey (1761-1834) là: “An Enquiry into the Obligations of Christians to Use Means for the Conversion of the Heathen”.

[15] Dana L. Robert, American Women in Mission: A Social History of Their Thought and Practice (Macon, GA: Mercer University Press, 1996), 37.

[16] Robert J. Schreiter, “Changes in Roman Catholic Attitudes toward Proselytism and Mission,” en James A. Scherer and Stephen B. Bevans, eds., New Directions in Mission and Evangelization w: Theological Foundations (Maryknoll, NY: Orbis Books, 1994), 113-125.

[17] Kenneth Scott Latourette, A History of the Expansion of Christianity (New York: Harper & Brothers, 1937-1945), Các quyển 4, 5 và 6 bao trùm “Đại thế kỷ” trong khoảng thời gian 1800 và 1914.

[18] Conferencia sobre Misión Mundial y Evangelismo (CWME), Ciudad de México, 1963.

[19] Vaticanô II, Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Giáo hội, Ad Gentes, 11.

[20] ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris Missio, 41.

[21] EN 75.