Antonio Rehbein Pesce[1]
Trích Thời sự Thần học, Số 75 – 02/2017
Sự tiến triển của phong trào đại kết cho thấy rằng những nỗ lực để tiến đến sự hợp nhất các Kitô-hữu không thể nào bỏ qua các tài liệu lịch sử. Để hiểu rõ mối tương quan giữa Giáo Hội Công giáo và Giáo hội Luteranô, việc nghiên cứu lịch sử rất quan trọng, cách riêng liên quan đến bản thân của ông Martin Lutero. Dưới phương diện này, cần phải hiểu biết cách thức mà các sử gia công giáo đã trình bày con người của ông và ghi nhận những sự thay đổi theo dòng thời gian, để rồi tiến đến quan điểm của Giáo hội Công giáo hiện nay.
Trước khi đi vào nội dung, thiết tưởng cần phải nêu bật một vài tiền đề căn bản. Tiên vàn, cần phải khám phá con người đích thực của Lutero thì mới có thể đánh giá đúng mức sự nghiệp của ông. Vì lý do đó, không lạ gì mà nhiều lối tiếp cận khác nhau được sử dụng để tìm hiểu căn cước của ông: lịch sử, thần học, triết học, tâm lý học. Điều này cho thấy rằng con người của ông khá đa dạng; mỗi ngành muốn nêu bật một khía cạnh của ông, nhưng chưa thể nói là toàn diện.
Thật ra, một nguồn gốc gây ra sự khó khăn cho những nhà nghiên cứu là do cá nhân và các tác phẩm của ông. Ông không để lại một tác phẩm hệ thống trình bày toàn thể quan điểm thần học của mình. Tư tưởng của ông được phát biểu rải rác trong nhiều bài viết tùy theo cơ hội, những cuộc tranh luận, những bài giảng, những cuộc đàm đạo. Thêm vào đó, Martín Lutero đã trải qua một cuộc biến đổi sâu xa từ một tu sĩ dòng Âu-tinh đến một nhà cải cách và sáng lập một Giáo hội. Do đó, khi viết về cuộc đời của ông, nhà sử học dễ dừng lại ở một chặng nào đó của cuộc đời (thí dụ như chặng đầu tiên làm tu sĩ dòng Âu-tinh), và giải thích phần còn lại dựa theo giai đoạn ấy được lấy làm mốc. Không lạ gì mà có nhiều hướng phê bình Lutero khác nhau tùy theo góc độ, với nguy cơ là chỉ mới nhìn thấy một khía cạnh của tư tưởng của ông[2].
Về phía công giáo, càng ngày càng có nhiều người để ý đến việc tìm hiểu Martin Lutero và phong trào Cải Cách. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng sự chuyển hướng này chỉ mới xảy ra trong thế kỷ XX. Vì thế, trong một thời gian tương đối ngắn ngủi, người ta chứng kiến một cuộc thay đổi kinh ngạc, từ chỗ bài trừ hoàn toàn đến chỗ hiểu biết và trân trọng. Việc thay đổi không phải là chuyện đơn giản và cũng không phải là chuyện nông nổi chạy theo thời cuộc[3].
Cuộc nghiên cứu lịch sử và thần học về Lutero được phát triển sau thế chiến thư hai và đặc biệt là trong thời kỳ trước và sau công đồng Vaticanô II, đã giúp cho hai giáo hội Công giáo và Luterano xét lại các lập trường cố hữu.
1. HÌNH ẢNH LUTERO TRONG GIỚI CÔNG GIÁO TỪ THẾ KỶ XVI ĐẾN XX
Những cuộc khảo cứu sử học của người Công giáo về Martin Lutero đã bắt đầu ngay từ thời của ông. Chỉ ba năm sau khi ông tạ thế, một quyển sách viết bằng tiếng Latinh đã được xuất bản năm 1549 ở Mainz với tựa đề “Chú giải về cuộc đời và tác phẩm của Martin Lutero” của Johannes Cochlaeus, (tên bằng tiếng Đức là Dobeneck, 1479-1552)[4]. Tác giả là một linh mục và nhất là một nhà tranh biện, đã có mặt trong những cuộc tranh luận với Lutero từ năm 1521; sau đó ông làm kinh sĩ tại nhà thờ chính tòa Mainz (từ năm 1526) và tại nhà thờ chính tòa Breslau (từ năm 1539).
Trong tác phẩm này, Cochlaeus tuyên bố sẽ dựa trên các nguồn sử liệu, nghĩa là chính cuộc đời và các tác phẩm của Lutero, từ năm 1517 cho đến lúc qua đời vào năm 1546. Những thông tin rất là dồi dào và kỹ lưỡng, dựa trên tất cả những tác phẩm của Lutero, nhưng được giải thích một chiều. Ngoài ra, ông thâu thập những luận cứ của nhóm phản biện chống lại Lutero, đặc biệt là của Hieronimus Emser (1478-1527)[5].
Đồng thời ông cũng sưu tầm những tiếng đồn thổi và những tích truyện về cuộc đời của Lutero; nhiều truyện đó không những không đúng, nhưng tệ hơn nữa là được bịa ra để dùng vào việc tranh luận và bôi nhọ. Ngay từ trong lời tựa, ông đã kể lại một tin đồn Lutero là con đẻ của ma quỷ, và các anh em dòng thánh Âu-tinh đã nhận thấy nhiều cử chỉ kỳ dị của ông, chắc hẳn là nhờ thông thương với ma quỷ.
Ngoài ra, đối với ông Cochlaeus, vụ ông Lutero phản đối chống lại các ân xá bắt nguồn từ những tranh chấp kinh niên giữa dòng Âu-tinh và dòng Đa-minh, giữa tu sĩ Lutero của dòng Âu-tinh chống lại các ân xá và tu sĩ Tetzel của dòng Đa-minh được cử đi giảng các ân xá ở bên Đức. Dù nói gì đi nữa, điều mà Chochlaeus bôi đen hơn cả trong cuộc đời của Lutero là đời sống luân lý: ông là một con người tồi tệ; một con người kiêu căng, ham hố danh vọng, giả hình, cộc cằn (dễ nổi nóng khi tranh luận), quỷ quyệt, gian dối (bịa chuyện để vu khống). Nói tóm lại, nguyên nhân của cuộc khủng hoảng và nổi loạn của tu sĩ Luteo quá dễ hiểu: tại tính tình kiêu căng, ương ngạnh, không biết vâng lời, khinh rẻ các nhà cầm quyền. Từ những mối đam mê đó, ông tìm cách thăng hoa qua việc giải thích các đoạn văn của thánh Phaolô về sự công chính hóa[6].
Hình ảnh của Lutero do Cochlaeus trình bày đã ảnh hưởng đến sử học công giáo cho đến thế kỷ XX; các nhà thần học và sử học đã lặp đi lặp lại những luận cứ của Cochlaeus đầy thiên kiến và thù nghịch; và như thế đã tạo ra một bức tường chống đối Lutero về phía công giáo[7].
Bước sang thế kỷ XX, nước Đức sống dưới thời của hoàng đế Wilhelm II, giáo hội Luterano trải qua thời kỳ hưng thịnh tiếp theo việc cử hành kỷ niệm 400 năm sinh nhật của Lutero (1883). Vào cuối năm 1903, một tác phẩm của cha Henri Suso Denifle O.P. (1844-1905) được xuất bản tại Mainz. Đây là một tác phẩm uyên thâm viết về Lutero, dựa trên cuộc khảo cứu tỉ mỉ các nguồn tư liệu, nói chung là tiêu cực về ông. Cuốn sách này như một quả bom cho các học giả về phía Công giáo cũng như về phía Luterano bên Đức. Tác phẩm mang tựa đề “Lutero và học thuyết của ông vào lúc khởi thủy”, dày 860 trang, đã bán sạch trong một tháng, và được tái bản vào đầu năm 1904[8].
Quyển sách đã gây ra một tiếng vang bởi vì tác giả là một sử gia nổi tiếng, am tường thời Trung cổ xét về mặt thần học và văn chương, chuyên gia về lịch sử thần học kinh viện và các đại học thời trung cổ cũng như về các nhà thần bí sông Rhin. Ngoài ra cha Denifle cũng là phó giám đốc Văn khố Vatican, thành viên các việc hàn lâm Khoa học của Vienne, Berlin, Goettingen, Praga, thành viên Hàn lâm viện Văn học Paris, tiến sĩ danh dự của các đại học Innsbruck, Münster, Cambridge[9]. Ngoài ra, tác giả cũng muốn hạ bệ Lutero, đang khi các giáo hội Tin lành bên Đức muốn đề cao ông như là anh hùng của dân tộc. Đối lại, phía Giáo hội Luterano, họ coi cuốn sách này như là sản phẩm của cuộc trả đũa của Giáo hội công giáo. Dù sao, cha Denifle không chủ trương viết một cuốn tiểu sử của Lutero, cho bằng, qua những bài khảo luận sâu sắc mang tính lịch sử và thần học, nêu lên hai điểm phê bình đạo lý của Lutero: Lutero và sự tiến triển ý tưởng cải cách; Lutero và thần học kinh viện.
Nhờ sự đóng góp của cha Denifle, người ta thấy rõ mối liên hệ về thần học giữa Lutero và thời suy tàn của kinh viện trung cổ, đặc biệt là thuyết duy danh: Lutero chịu ảnh hưởng của thuyết duy danh, trường phái thần bí sông Rhin, và những luồng tư tưởng khác của thời trung cổ.
Cha Denifle là người đầu tiên hiểu được giá trị lịch sử thần học của tập sách Lutero chú giải thư thánh Phaolo gửi tín hữu Roma, qua việc khám phá (năm 1899) một bản sao chép chính thức được lưu trữ trong thư viện Vatican. Quyển chú giải này tương ứng với thời gian dạy học vào những năm 1515-1516, và rất quan trọng để hiểu rõ sự tiến triển thần học của Lutero. Cha Denifle đã xuất bản và chú giải nhiều đoạn văn của tập sách này[10].
Tuy nhiên, ngoài những nghiên cứu giá trị mang tính khoa học vừa nói, tác phẩm của cha Denifle đã không đóng góp cho sự xích lại gần Lutero. Cha dùng những lời chỉ trích nặng đối với ông : ngoài hình ảnh về một tu sĩ phá giới và bất khẳng do Cochlaeus để lại, tác giả còn thêm hình ảnh của một con người sa đọa ngay từ thiếu thời. Ông ta dùng thần học để biện minh sự sa ngã của mình. Hình ảnh này được duy trì lâu năm trong giới học thuật công giáo bên Đức[11].
Dù sao, khi nghiên cứu những chặng đầu của tư tưởng Lutero, cha Denifle bắt buộc các nhà sử học Luterano phải xét lại những quan điểm của các thế hệ kế tiếp trong Giáo hội của họ liên quan đến cuộc đời của nhà Cải cách khi còn là tu sĩ Âu-tinh và những ảnh hưởng của thần học công giáo[12].
Một bước tiến nữa trong sử học công giáo do cha Hartmann Grisar S.J. thực hiện. Sau hai thập niên giảng dạy môn giáo sử, cha sang Roma để dấn thân vào công cuộc nghiên cứu ngành khảo cổ Kitô giáo. Tiếc rằng vì lý do sức khỏe cha phải rời Roma năm 1902 và trở về Đức, và cha dành trọn thời giờ để nghiên cứu Lutero và phong trào Cải cách dựa trên các tài liệu nguyên gốc. Kết quả của công trình này là bộ sách mang tựa đề « Lutero » gồm ba quyển được xuất bản vào năm 1911-1912, và một cuốn tiểu sử « Cuộc đời và sự nghiệp của Martin Lutero » xuất bản năm 1926[13]. Trong tác phẩm đầu tiên, tác giả muốn trình bày Lutero cách toàn diện dưới khía cạnh lịch sử và tâm lý, qua một loạt bài khảo cứu, dựa trên dữ liệu dồi dào, theo đúng phương pháp khoa học. Tiếc rằng vì thiếu thứ tự và có những điểm lặp đi lặp lại, khiến cho người đọc khó theo dõi. Tác phẩm thứ hai, nhằm phổ biến đại chúng, dùng lối thuật chuyện, cho nên dễ đọc hơn và được dịch ra nhiều ngôn ngữ[14].
Liên quan đến bản thân Lutero, cha Grisar khám phá nhiều điểm tích cực, đặc biệt chứng minh rằng ông không phải là con người vô luân và sa đọa; tác giả cũng nhìn nhận rằng ông không bịa ra đạo lý mới nhằm biện hộ cho cuộc sống lăng loàn của mình. Ngoài ra, tác giả cũng muốn đến sát với con người Lutero lịch sử, bằng cách gạt bỏ những chuyện hoang đường được dựng lên cả về phía công giáo lẫn về phía cải cách.
Tác giả cũng muốn đi sâu vào việc nghiên cứu tâm lý của ông Lutero, nhưng lại lướt qua khía cạnh thần học. Vì thế, mặc dù tác giả có một kiến thức rộng rãi về cá nhân Lutero, nhưng nói được là chỉ biết ông ta một cách hời hợt, bởi vì không nắm bắt được cốt lõi của ông ta, tức là khía cạnh thần học và đạo đức. Cha Grisar không nhận ra động lực đạo đức nào nơi ông Lutero[15]. Sau cùng, theo tác giả, nguyên nhân cuộc khủng hoảng của Lutero tính kiêu căng và cố chấp của ông, bắt nguồn từ một căn bệnh tâm lý, một thứ chấn thương rối loạn thần kinh. Qua kết luận này, tác giả đã mở ra một hướng mới cho việc nghiên cứu Lutero, đó là con đường tâm phân học[16].
2. SỰ ĐÓNG GÓP CỦA JOSEPH LORTZ CHO VIỆC NGHIÊN CỨU LUTERO
Nhà thần học công giáo đã trình bày một khuôn mặt đáng kính nể của Lutero là cha Joseph Lortz S.J., đang giữ chức giáo sư đại học Münster. Năm 1939 cha cho xuất bản tác phẩm gồm hai quyển mang tựa đề “Cuộc Cải cách bên Đức”[17]. Lập tức cuốn sách này đã được coi như một sự thay đổi tận gốc trong cách trình bày hình ảnh Lutero và cuộc Cải cách về phía công giáo[18], và đã đóng góp phần rất lớn trong việc thay đổi bầu không khí trong tương quan giữa hai giáo hội trong những thập niên gần đây.
Theo cha Lortz, tình hình của Giáo hội vào lúc sắp bùng nổ cuộc Cải cách được mô tả như là xảy ra nhiều lạm dụng, thiếu một nền thần học sáng suốt, suy sút lòng đạo đức; nói tóm lại là Giáo hội của thời hạ Trung cổ đang cần một cuộc cải cách. Nhiều cơ hội để khởi sự cuộc cải tổ đã vụt mất, thì cuộc Cải cách đã xảy đến như một cuộc cách mạng. Nói khác đi, Giáo hội công giáo cũng có một phần trách nhiệm trong cuộc ly khai do phong trào Cải cách đề xướng.
Martin Lutero, sau nhiều cuộc giằng co với Thiên Chúa, đã rời bỏ Giáo hội công giáo không do một sự toan tính từ trước. Ông đã trở thành nhà cải cách khi chống lại sự trình bày lệch lạc của thực tại công giáo. Cha Lortz đã khám phá và khai triển luận đề “Lutero công giáo”. Ông muốn giật sập một xã hội có tiếng là công giáo mà không còn tính công giáo nữa (I, 176) và khám phá một cách lạc giáo điều cấu thành trọng tâm của gia sản Kitô giáo (I, 434). Ngoài ra, những yêu cầu đạo đức của ông đã không gặp được sự đáp ứng nghiêm túc từ phía các nhà lãnh đạo giáo hội, giáo hoàng và các giám mục.
Ở trên hết mọi đặc trưng của Lutero, cần nêu bật rằng ông là một con người đạo đức và cầu nguyện rất nhiều (I, 383), một con người sống phó thác cho Chúa Cha nhờ Đấng chịu đóng đinh; từ đó nảy sinh thần học về Thập giá. Tác giả cũng nhìn nhận rằng Lutero là một nhà thần học có tầm cỡ. Đạo lý về sự công chính hóa được xem như là phù hợp với đạo lý công giáo, và dựa trên thần học của thời Hạ trung cổ. (I, 177).
Việc nhìn nhận những điểm tích cực vừa nói đã không ngăn cản cha Lortz phê bình Lutero cách nghiêm khắc. Ông chịu ảnh hưởng nhiều bởi môi trường sống, dễ mất sự kiềm chế, nóng tính và thiếu nhã nhặn. Tính của ông là muốn làm chủ thực tại, thay vì chấp nhận thực tại cách bình thản và khiêm tốn. Do đó, ông ta không phải một người ngoan ngoãn lắng nghe lời Thiên Chúa, lại càng khó nghe lời của Giáo hội. Nói vắn tắt : ông Lutero đã mang trong mình tính chủ quan triệt để.
Quan điểm của cha Lortz đã gây ra nhiều ngạc nhiên cho giới công giáo, và còn gây ngỡ ngàng hơn nữa cho các học giả Luterano. Nhà sử học Tin lành Erwin Mülhaupt tuyên bố rằng quan điểm của cha Lortz không thể nào được coi như tiêu biểu cho Giáo hội công giáo được[19]. Trên thực tế, tác phẩm của cha Lortz đã gặp phải nhiều khó khăn từ phía lãnh đạo công giáo[20] và chỉ được tái bản vào năm 1942 và 1948[21]. Tuy vậy, từ sau đệ nhị thế chiến, các nghiên cứu của cha Lortz đã dần dần được chấp nhận. Tác giả tiếp tục đào sâu thêm hình ảnh của Lutero cho đến khi qua đời vào năm 1975[22]; có khi phải điều chỉnh chỗ này, xác định chỗ kia, sửa chữa những điều có thể gây hiểu lầm[23].
Nhờ việc sửa lại hình ảnh của Lutero về phía công giáo, cha Joseph Lortz đã mở cửa cho Giáo hội công giáo gia nhập phong trào đại kết tại công đồng Vaticano II. Một sự thay đổi đường hướng có thể nhận thấy nơi sắc lệnh về đại kết Unitatis redintegratio. Công đồng yêu cầu các người công giáo hãy biết nhận ra nơi các anh em ly khai những nét phong phú của Chúa Kitô và những công việc đức độ mà họ đã thực hiện để làm chứng cho Chúa (số 4). Công đồng thú nhận rằng những sự chia rẽ đã xảy ra « do lỗi của những con người từ phía bên này và phía bên kia » (số 3). Cha Lortz đã nhận thấy điều này khi viết về những nguyên nhân của cuộc Cải cách rằng « cuộc Cải cách là một sự cố liên can đến Giáo hội Công giáo với tư cách đồng phạm, xét về lý do cũng như lỗi phạm… Chúng ta cần phải chấp nhận lỗi của mình, và hãy đón nhận gia sản của Lutero vào kho tàng của Giáo hội công giáo”[24].
“Cha Joseph Lortz đã mở mắt cho thần học và Giáo hội công giáo để nhìn ngắm toàn diện Lutero, mời gọi họ hãy đọc và trân trọng ông với ít thiên kiến hơn và với nhiều nghiêm túc và bác ái hơn. Cha Lortz đã khai phá con đường cho người công giáo tìm hiểu Lutero”. Đó là những lời đánh giá của ông Johannes Brosseder, giáo sư đại học Bonn năm 1983 về sự đóng góp của cha Lortz[25].
3. TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU HIỆN NAY CỦA CÁC HỌC GIẢ CÔNG GIÁO
Khởi đi từ hình ảnh về Lutero mà cha Lortz đã cung cấp, ta có thể tóm tắt ba loại phản ứng nổi bật của các nhà sử học và thần học công giáo[26].
1/ Thái độ thứ nhất là trở về với hình ảnh của Lutero trước khi xuất bản tác phẩm của Lortz. Thực ra điều này không khó hiểu nếu chúng ta đã biết quan niệm tiêu cực về Lutero đã thống trị lâu đời trong ngành sử học công giáo cho đến thế kỷ XX. Trong loại này, ta có thể kể đến các tác phẩm của Paul Hacker (Cái tôi trong đức tin, theo Martín Lutero, 1966); Teobald Beer (Những nền tảng thần học của Martín Lutero, 1974), và Remigius Bäumer (Lịch sử Giáo hội nước Đức, 1980)[27]. Tuy những tác giả này có những quan điểm khác nhau về chi tiết, nhưng những lời phê bình Lutero được gợi hứng từ Cochlaeus, nghĩa là một tu sĩ phá giới và nổi loạn.
2/ Thái độ thứ hai là tán đồng quan điểm của Lortz, tuy cũng thêm những đóng góp riêng. Đây là hướng đi chung của sử học và thần học công giáo trong việc nghiên cứu Lutero. Tiêu biểu của thái độ này là Erwin Iserloh và Peter Manns, những môn sinh của Lortz và đã góp phần vào việc kỷ niệm 500 năm sinh nhật của Lutero (1983) với nhiều tác phẩm quan trọng.
Giáo sư Iserloh đã đặt vấn đề: Lutero có chủ trương ly khai khỏi Giáo hội không?[28] Lutero có lý khi chống lại lối sống đạo và thần học của thời ấy, bởi vì đã làm sai lệch bộ mặt công giáo. Động lực căn bản của Lutero là công giáo. Việc cải tổ và ly khai đã được du nhập sau đó, tiếp theo những cuộc tranh luận và đối đầu vào những năm 1518-1519; chính trong bối cảnh này mà Lutero trình bày quan điểm của mình về Giáo hội, giáo hoàng, công đồng, chức tư tế và các bí tích. Theo Iserloh: “Đó là những lý do đã gạt Lutero ra bên lề Giáo hội thời ấy, và ngày nay ông vẫn còn bị coi là ly giáo. Những lý do đưa đẩy Lutero đến sự ly giáo, ngoài bầu khí tranh luận, là sự thiếu kiên nhẫn về phía một nhà cải cách, sự thiếu hiểu biết của các nhà thần học, và thái độ mục vụ yếu kém mà các giám mục và giáo hoàng trong cách đối xử với Lutero”[29]. Vì vậy tác giả đã có lý khi chỉ trích thần học và các cấp lãnh đạo Giáo hội thuộc thế kỷ XVI.
Tập sách tựa đề “Martin Lutero” của Peter Manns, xuất bản năm 1982, thì khác hẳn. Chưa có cuốn tiểu sử nào về Lutero do người công giáo viết lại mang nét thân tình, đầy thiện cảm như vậy. Tuy thế, Peter Manns cũng không từ chối gọi Lutero là “lạc giáo”, nhưng liền đó lại đặt tên cho ông là “người cha trong đức tin”. Việc gắn liền hai danh hiệu “lạc giáo” và “người cha trong đức tin” chắc hẳn là bắt nguồn từ công thức simul iustus et peccator (vừa công chính vừa tội lỗi) của Lutero. Tuy nhiên yếu tố “lạc giáo” đã bị loãng tan khi tác giả nghiên cứu thần học Lutero và giải thích theo nghĩa “công giáo”[30].
Nhân dịp tái bản lần thứ 6 quyển sách “Cuộc Cải cách bên Đức” của Joseph Lortz vào năm 1982, Peter Manns đã thêm một lời kết, điểm qua những phản ứng đối với chủ trương “Lutero công giáo” của Lortz trong bối cảnh hiện nay. Manns cho rằng đây là lối tiếp cận độc nhất để đạo lý của Lutero có thể được chấp nhận về phía Giáo hội công giáo. Tác giả trưng dẫn bài diễn từ của Hồng y Willebrands, chủ tịch Văn phòng hợp nhất các Kitô hữu đọc tại đại hội liên đoàn Luther thế giới họp tại Evian năm1970. Nội dung bài diễn văn hoàn toàn dựa theo đường hướng của Lortz.
3/ Thái độ thứ ba còn muốn đi xa hơn Lortz, bắt nguồn từ việc nghiên cứu thần học hệ thống chung quanh Lutero. Khuôn mặt tiêu biểu của nhóm này cha Otto Hermann Pesch O.P., xuất bản năm 1982 hai cuốn sách: “Dẫn nhập vào Lutero” và “Được trở nên công chính nhờ đức tin. Lutero chất vấn Giáo hội”[31]. Tác giả muốn mở cuộc đối thoại thần học với trường phái Lortz, đặc biệt là với Peter Manns, chủ yếu là khái niệm “công giáo” khi đề cập đến thần học Lutero. Lấy tiêu chuẩn gì để định nghĩa “công giáo”: đây là vấn đề mà trường phái của cha Lortz chưa đề cập có hệ thống. Thật vậy, cần phải xác định rõ ràng ý nghĩa “công giáo”, ngõ hầu có thể nhìn nhận đạo lý của Lutero là “công giáo” đang khi mà cho đến nay, những điều ấy bị xem là “lạc giáo”. Mặt khác, phải chăng khi chủ trương rằng “Lutero công giáo” thì buộc phải chấp nhận tất cả những gì ông viết đều thuộc đạo lý công giáo, hoặc chỉ giới hạn vào những gì ông viết trước khi tách rời khỏi Giáo hội công giáo? Theo cha Pesch, cần phải giải thích những chủ trương của Lutero sau khi đã ly khai (lạc giáo) như một cách thức khác để hiểu tư tưởng công giáo. Điều này đòi hỏi thần học hệ thống phải nghiên cứu những câu hỏi phức tạp mà Lutero đã đặt ra cho đạo lý công giáo, cách riêng về vai trò của Giáo hội và các tác vụ. Như vậy, thái độ thứ ba cho rằng tư tưởng của Lutero có thể đóng góp cho thần học công giáo; tuy nhiên, cần phải nghiên cứu sâu xa ngõ hầu để khám phá ra những điều ấy[32].
Sử học công giáo cho thấy có một bước tiến trong việc nghiên cứu Lutero và cuộc Cải cách, và giúp hiểu rõ hơn về ông, đồng thời đã góp phần vào sự hiểu biết giữa hai giáo hội, và nói chung, cho phong trào đại kết.
4. LUTERO NHÌN TỪ GIÁO HỘI CÔNG GIÁO HIỆN NAY
Khi đề cập đến phong trào Cải cách, công đồng Vaticano II đã coi đó như một sự kiện lịch sử và như một cuộc khủng hoảng Kitô giáo còn đang kéo dài. Ta có thể nhận thấy điều này trong sắc lệnh Unitatis Redintegratio về đại kết, trong đó công đồng nêu lên những nguyên tắc hướng dẫn công cuộc đại kết. Sắc lệnh nhìn nhận rằng trong cuộc ly khai của phong trào Cải cách, “cả hai bên đều có lỗi”; và Giáo hội công giáo khiêm tốn chấp nhận trách nhiệm của mình trước lịch sử.
Mặt khác, cuộc Cải cách đã đưa ra nhiều giá trị lớn lao mang tính tôn giáo, văn hóa và nhân văn trải qua lịch sử. Ngoài ra, không thể gán tội chia rẽ cho những phần tử của các giáo hội Cải cách ngày nay. Công đồng khẳng định rằng thái độ đúng đắn là sự hiểu biết nhau chính xác hơn về đạo lý, lịch sử, đời sống tâm linh, phụng vụ, và thẳng thắn đối thoại về những vấn đề thần học khác biệt giữa đôi bên. Người công giáo có thể học hỏi nơi các anh em Tin Lành và chấp nhận chứng từ của họ. Qua sắc lệnh cũng như các văn kiện khác, công đồng Vaticano II đã mở ra một cái nhìn mới về các giáo hội ngoài công giáo, và sẵn sàng để cho các giáo hội ấy chất vấn.
Thái độ của Giáo hội công giáo đối với cuộc cải cách cũng làm thay đổi cái nhìn về bản thân của con người đã gây ra cuộc cải cách: Lutero được đánh giá một cách tích cực hơn. Điều này có thể nhận thấy trong bài diễn từ của hồng y J. Willebrands, chủ tịch văn phòng hợp nhất các Kitô hữu đọc tại đại hội liên đoàn Luterano thế giới họp tại Evian năm1970. Diễn giả đã chấp nhận quan điểm của cha Lortz, như đã đề cập trên đây, và nói như sau: “Trải qua lịch sử, bản thân của Martin Lutero đã không luôn luôn được hiểu đúng đắn cũng như thần học của ông đã không được trình bày trung thực. Ngày nay, ai có thể chối được Martin Lutero là một con người đạo đức sâu xa, đã tìm kiếm sứ điệp Tin mừng một cách thành thực và khiêm hạ? Ai có thể phủ nhận rằng, bất chấp những dao động gây ra cho Giáo hội công giáo và cho Tòa thánh – ta nên thẳng thắn nói lên điều đó -, ông đã duy trì một phần của đức tin công giáo cổ truyền? Chính công đồng Vaticano II đã chẳng chấp nhận một vài yêu sách mà Martin Lutero đã đề xướng đấy ư? Nhờ vậy nhiều khía cạnh của đức tin và đời sống Kitô hữu đã được diễn đạt tốt hơn trước đây. Nhận ra những điều ấy, mặc dù còn nhiều điểm khác biệt, là một lý do lớn để vui mừng và hy vọng. Martin Lutero đã đặt Kinh thánh làm khởi điểm cho thần học và đời sống Kitô hữu, đó là một điều mới mẻ đối với thời ấy”[33].
Chứng từ của hồng y Willebrands mang ý nghĩa đặc biệt bởi vì được phát biểu trong cương vị của nhân vật đại diện Tòa thánh trong cuộc đối thoại đại kết, và đánh dấu mốc của việc chấp nhận quan điểm của các nhà nghiên cứu công giáo về Lutero.
Chính Đức thánh cha Gioan Phaolo II, bằng cử chỉ và lời nói, cũng đã diễn tả thái độ của Giáo hội công giáo đối với Lutero và cuộc Cải cách. Nhân chuyến viếng thăm nước Đức lần đầu tiên năm 1980, ngài đã đến Mainz ngày 17/11 để gặp gỡ Hội đồng Giáo hội Tin lành Luterano ở Đức. Biến cố này mang ý nghĩa quan trọng bởi vì đây là lần đầu tiên một vị giáo hoàng gặp gỡ các đại diện của Giáo hội do Lutero lập ra, và tại nước Đức, là nơi mà Lutero chào đời, sinh sống và khởi đầu cuộc Cải cách. Trong bài diễn từ, đức Gioan Phaolo II nhắc đến ông Lutero với những lời như sau: “Tôi nhớ lại là khoảng thời gian này vào năm 1510/11, Martin Lutero đã đến Roma như một người hành hương về ngôi mộ của vị thủ lãnh các tông đồ và cũng như một con người đi tìm tòi và chất vấn. Ngày hôm nay, tôi đến đây với quý vị, là những người kế thừa tinh thần của Martín Lutero, và tôi đến như một người hành hương; tôi đến để trao một dấu chỉ của sự hợp nhất của chúng ta trong mầu nhiệm trọng tâm của đức tin trong cộng đồng này giữa một thế giới đang thay đổi rất nhiều”[34].
Đức giáo hoàng nói đến một ông Lutero đạo đức sâu xa, say mê tìm kiếm ơn cứu độ và trong tất cả những lần can thiệp đại kết, ngài luôn nêu bật những gì liên kết chúng ta, những gì mà chúng ta đã có chung với nhau.
Văn kiện chính thức quan trọng và đầy đủ nhất về Lutero là Tuyên ngôn của Ủy ban hỗn hợp Công giáo – Lutero nhân dịp kỷ niệm 500 năm sinh nhật của Martin Lutero, mang tựa đề “Martin Lutero, chứng nhân của Chúa Giêsu Kitô”[35]. Vì là một tuyên ngôn của một ủy ban chính thức, văn kiện này đã trình bày một cái nhìn của đôi bên, giải thích những điểm đồng nhất giữa giáo hội Công giáo và giáo hội Luterano.
Văn kiện mở đầu với việc ghi nhận sự thay đổi viễn tượng, chuyển từ thời xung khắc đến thời hòa giải. “Trải qua nhiều thế kỷ, Lutero đã được phê phán với những hình dáng đối nghịch nhau. Đối với người công giáo, Lutero là đầu não của mọi lạc giáo. Ông bị quy tội là cội nguồn của ly giáo bên Tây phương. Về phía Cải cách, kể từ thế kỷ XVI, ông được tôn vinh như là anh hùng đức tin, sự tuyên dương này đôi khi còn kèm theo lời tuyên dương là anh hùng quốc gia. Nhưng nhất là Lutero thường được coi là người lập ra một Giáo hội mới”. “Phía các giáo hội và thần học Cải cách, từ đầu thế kỷ XX, người ta đã tái khám phá ra Lutero. Ít lâu sau, về phía Công giáo, người ta cũng bắt đầu tăng gia nghiên cứu về bản thân và sự nghiệp của Lutero. Những cuộc nghiên cứu này đã góp phần đáng kể vào việc học hỏi cuộc Cải Cách và về Lutero, và nhờ sự tiến bộ của đối thoại đại kết, đã chuẩn bị cho phía công giáo có một cái nhìn tích cực hơn về Lutero. Vì thế, những hình ảnh cố cựu về Lutero, mang dấu tích tranh luận, đã được xóa bỏ nơi cả đôi bên. Đồng thời, người ta bắt đầu nhìn nhận Lutero như là một chứng nhân của Tin mừng, một thầy dạy đức tin, một kẻ loan báo sự đổi mới tinh thần”[36]. Trong bản tóm lược vắn tắt này, người ta ghi nhận sự thay đổi triệt để về hình ảnh Lutero về phía công giáo, và sự nhìn nhận những khía cạnh tích cực của ông. Như vậy, bản tuyên ngôn chung khởi đi từ việc xét lại của các nhà sử học và thần học công giáo và Lutero trong thế kỷ XX, và hoàn toàn tán đồng.
Đàng khác, bản tuyên ngôn nhìn nhận rằng cốt lõi của thần học Lutero trùng hợp với truyền thống chân chính của công giáo: “Trong suốt thế kỷ XX, và nhất là trong các phương tiện truyền thống công giáo tiếng Đức, người ta đã tiến hành việc xét lại những ý tưởng về bản thân Lutero và lý tưởng cải cách của ông. Người ta nhìn nhận lý do chính đáng của nỗ lực cải cách, xét trong tình hình của thần học và những lạm dụng trong Giáo hội thời bấy giờ; người ta cũng chấp nhận rằng sự khám phá nền tảng của cuộc cải cách (ơn công chính được bàn trong Chúa Kitô không do công trạng của chúng ta) chẳng có gì trái ngược với truyền thống công giáo, được phát biểu nơi thánh Augustinô và thánh Tôma Aquino”[37].
Văn kiện tóm tắt điểm nòng cốt của đạo lý Lutero, đó là sự công chính hóa nhờ đức tin, cội rễ của sự xung khắc lịch sử và thần học[38], và kết luận rằng: “Ngày nay, các cuộc nghiên cứu về Lutero từ cả đôi bên, cũng như những nghiên cứu Kinh thánh, đã mở đường cho đôi bên đạt được một sự thỏa thuận chung quanh nguyện vọng trung tâm của cuộc Cải cách. Việc nhận ra điều kiện lịch sử của các hình thức suy tư và diễn đạt cũng đã góp phần cho các học giả công giáo nhận ra rằng tư tưởng Lutero là một hình thức hợp pháp của thần học công giáo, kể cả đạo lý về sự công chính hóa. Nhắc lại rằng kể từ năm 1972, các nhà thần học Công giáo và Lutero đã đồng ý trong tuyên ngôn về bản Tuyên xưng đức tin Ausburg như sau: “Một sự thỏa thuận đã được phác thảo về đạo lý về sự công chính hóa, là một điểm nòng cốt của cuộc Cải cách: chỉ duy nhờ ân sủng và đức tin vào công trình cứu độ của Chúa Kitô chứ không dựa trên công trạng của chúng ta mà chúng ta được đẹp lòng Thiên Chúa và chúng ta lãnh nhận Thánh Linh, Đấng ban cho chúng ta khả năng và mời gọi chúng ta làm việc thiện” (Tất cả dưới duy một Chúa Kitô, 1980)[39]. Như vậy, bản tuyên ngôn “Martin Lutero, chứng nhân của Chúa Giêsu Kitô” nhìn nhận rằng việc thay đổi hình ảnh về Lutero đã cho phép phía công giáo xích lại gần hơn thần học của ông và đạo lý về sự công chính hóa.
Cũng nhân dịp kỷ niệm 500 năm sinh nhật của Lutero, đức thánh cha Gioan Phaolo II đã gửi một bức thư cho hồng y J. Willebrands mang tựa đề “Sự thật lịch sử về Lutero” đề ngày 31/10/1983[40]. Ngài đã nêu bật sự thay đổi sâu xa mà Lutero đã để lại trong Hội thánh, và ảnh hưởng vẫn còn kéo dài.
Sứ điệp bắt đầu với việc gợi lên việc kỷ niệm: “Ngày 10/11/1983, người ta đã mừng kỷ niệm 500 năm sinh nhật của tiến sĩ Martín Lutero. Vào dịp ấy, nhiều Kitô hữu, đặc biệt thuộc giáo hội Tin lành Lutero, đã tưởng niệm nhà thần học đã góp phần vào sự thay đổi Giáo hội và xã hội của Tây phương vào lúc chuyển tiếp sang thời cận đại. Thế giới hiện nay vẫn còn cảm nhận ảnh hưởng lớn lao của ông đối với lịch sử. Đối với Giáo hội công giáo, tên tuổi của Martin Lutero đã gắn liền với kỷ niệm một giai đoạn đau thương và cách riêng với kinh nghiệm của những sự chia rẽ trong Giáo hội. Vì lý do ấy, kỷ niệm 500 năm sinh nhật của Martin Lutero phải trở thành cơ hội cho chúng ta suy nghĩ, trong bác ái và chân lý Kitô giáo, về biến cố in sâu vào lịch sử, đó là thời kỳ Cải cách. Khoảng cách thời gian giữa chúng ta và những diễn biến lịch sử ấy giúp cho chúng ta hiểu rõ hơn ý nghĩa của chúng”[41].
Đức thánh cha không dừng lại ở đây, nhưng còn muốn đi xa hơn nữa khi đánh giá Martin Lutero và cuộc Cải cách. Ngài nói: “Thực vậy, những cuộc nghiên cứu khoa học của các chuyên gia phía Tin lành và Công giáo, với những kết quả là đạt được nhiều điểm đồng quy, đã đưa đến một cái nhìn đầy đủ hơn về cá nhân ông Luterô và khung cảnh phức tạp của lịch sử, xã hội, chính trị và giáo hội vào tiền bán thế kỷ XVI.” … « Vì thế, cần cố gắng hai điều liên quan đến Martin Lutero và việc tái lập sự hiệp nhất. Trước tiên, cần phải tiếp tục công tác sử học tỉ mỉ. Nhờ cuộc nghiên cứu không thiên kiến mà chỉ do chân lý thúc đẩy, làm sao đạt được một hình ảnh trung thực về nhà cải cách, về toàn bộ thời Cải cách và những nhân vật có liên hệ. Nếu thấy có lầm lỗi, dù từ bất kỳ phía nào, thì phải nhìn nhận. Điều gì đã bị lệch lạc do sự tranh biện, thì cần phải sửa sai, bất kỳ nguồn gốc phát xuất từ bên này hay bên kia” … Điều thứ hai là: “Việc làm sáng tỏ lịch sử, nhìn về quá khứ để hiểu rõ ý nghĩa vẫn kéo dài của nó, cần phải đi đôi với cuộc đối thoại đức tin mà chúng ta đang bước vào để tìm về sự hợp nhất. Cuộc đối thoại này đặt nền tảng trên những bản tuyên xưng đức tin của giáo hội Luterano trong những điểm ràng buộc chung tất cả chúng ta, nghĩa là dựa theo Kinh thánh, các tín biểu, các công đồng của Hội thánh cổ thời. Vì thế, tôi tin tưởng rằng, dựa trên những nền tảng ấy và trong tinh thần ấy, Văn phòng hiệp nhất dưới sự lãnh đạo của đức hồng y, sẽ tiếp tục cuộc đối thoại nghiêm túc đã bắt đầu ở bên Đức ngay từ trước công đồng Vaticano II”[42].
Bức thư này là một chứng cớ hùng hồn của Đức thánh cha Gioan Phaolô II về tinh thần mới mẻ trong Giáo hội công giáo liên quan đến bản thân và thần học của Martin Lutero cũng như liên quan đến cuộc Cải cách; đồng thời vạch hướng đi để cho cuộc đối thoại giữa hai giáo hội thu lượm được kết quả, mặc dù vẫn còn tồn tại những khác biệt. Mặt khác, trong khung cảnh lịch sử của việc kỷ niệm 500 năm sinh nhật của Lutero, hai văn kiện đã để lại một dấu ấn mang đầy ý nghĩa: Tuyên ngôn “Martin Lutero, chứng nhân của Chúa Giêsu Kitô” của Ủy ban hỗn hợp công giáo-luterano và Bức thư “Sự thật lịch sử về Lutero” của đức Gioan Phaolo II đánh dấu một dấu mốc trong con đường tiến đến sự hợp nhất.
——————————–
Phụ thêm (Ban biên tập)
Bài này được viết vào năm 2001. Chúng ta có thể thêm vài tài liệu gần đây liên quan đến cuộc Cải cách của Lutero.
Nên biết là từ năm 1967, một Ủy ban song phương đặc trách đối thoại giữa Giáo hội Công giáo và Giáo hội Luterano đã được thiết lập (với một bên là đại diện của Văn phòng – nay là Hội đồng giáo hoàng – hợp nhất các Kitô hữu, và một bên đại diện của Liên đoàn Luterano thế giới). Trong số các văn kiện quan trọng đã được công bố, ta có thể kể đến “Tuyên ngôn chung về sự công chính hóa” (1999) và “Từ xung khắc đến hiệp thông (From Conflict to Communion)” được phát hành ngày 17/6/2013. Văn kiện này nhằm chuẩn bị cho việc cử hành kỷ niệm 500 năm cuộc Cải cách của Lutero. Sau phần nhập đề, văn kiện dành chương I để nói đến ý nghĩa của việc kỷ niệm (sô 4-15), và chương II đề cập đến những cái nhìn mới về cuộc Cải Cách (số 16-34). Chương III trình bày những sự kiện của cuộc Cải Cách, tóm tắt thần học của Martin Lutero và trình bày vắn tắt những quyết nghị của công đồng Trento liên quan đến những chủ trương của ông (số 35-90):Thánh kinh và Thánh truyền; ơn công chính hóa; các bí tích; những cải cách mục vụ). Chương IV, điểm lại những đề tài mà ủy ban song phương đã bàn thảo trong vòng 50 năm qua: về sự công chính hóa, về bí tích Thánh Thể, về thừa tác vụ, về Thánh kinh và Thánh truyền, xét đến những điểm đồng thuận cũng như những điểm còn tranh luận (số 91-218). Hai chương cuối cùng nêu lên những lý do thúc đẩy việc tưởng niệm biến cố này. Đặc biệt đối với khía cạnh sử học, văn kiện nhìn nhận sự tiến triển trong thế kỷ XX trong việc đánh giá vai trò của Lutero về phía công giáo, nhưng cũng không quên nhắc nhở phía Luterano xét lại các luận điệu chống công giáo trong quá khứ (số 18-23). Một cách tương tự như vậy, khi nghiên cứu Lutero, cần phân biệt những tác phẩm của Lutero và những sự tiến triển về sau của giáo hội Luterano (số 93).
Sau cùng, biến cố gần nhất cỗ võ cuộc đối thoại là cuộc viếng thăm Thụy điển của Đức Giáo hoàng Phanxicô vào ngày 31/10/2016. Tại đây một bản tuyên ngôn chung đã được ký kết giữa Giám mục Roma và chủ tịch Liên đoàn Luterano Thế giới. Một điểm mới trong bản tuyên ngôn này là bên cạnh cuộc đối thoại đạo lý, cần thêm cuộc đối thoại bác ái để cùng nhau làm chứng nhân cho Chúa Kitô.
——————————–
[1] Tác giả là giáo sư sử học tại phân khoa thần học của Giáo hoàng Chile.
[2] X. Erwin Iserloh, Lutero visto hoy por los católicos, in: Concilium (Madrid), 14 (1966), pp. 477-479
[3] X. Joan Busquets, ¿Quién era Martín Lutero? Salamanca 1986, pp. 253-254.
[4] Tựa đề bằng tiếng latinh “Commentaria de actis et scriptis Martini Lutheri Saxonis“. Tác phẩm được tái bản ở Paris năm 1565.
[5] Về nhân vật này, x. H. Jedin, Manual de historia de la lglesia. T.5 (Barcelona, 1972), pp. 293-4
[6] X. Ricardo García-Villoslada, Martín Lutero. T.1 (Madrid 1976 2a edición), pp. 254-256.
[7] Khảo luận khá nhất về tác phẩm của Johannes Cochlaeus và về ảnh hưởng đối với sử học là Adolf Herter, Das katholische Lutherbild im Bann der Lutherkommentare des Cochläus (Hình ảnh của công giáo về Luteo dưới sự hấp dẫn của những chú giải về Lutero do Cochleo), vols. 1-3, Münster 1943. Hubert Jedin đã giới thiệu vắn tắt nhưng súc tích về tác phẩm này trong bài viết Wandlungen des Lutherbildes in der katholischen Kirchengeschichtschreibung (Những thay đổi quanh hình ảnh Lutero trong lịch sử Giáo hội về phía công giáo), in: VV. AA., Martin Luther – 450 Jahre Reformation. Bad Godesberg 1967, pp. 82-87.
[8] Tựa đề trong nguyên bản tiếng Đức : Luther und Luthertum in der ersten Entwicklung, quellenmässig dargestellt. Lời tựa của ấn bản đầu tiên đề ngày 4 tháng 10 năm 1903. Ấn bản thứ hai, thường được trích dẫn hơn cả, đề năm 1904. Trong lời tựa của lần tái bản, tác giả bỏ qua những trang phê bình các lỗi của nhà xuẩt bản Weimar (toàn bộ các tác phẩm của Lutero) và các bức chân dung của Lutero. Cha Alberto M. Weiss, OP, đã cho tái bản lần nữa và thêm quyển hai (Mainz, 1906-1909).
[9] Ricardo García-Villoslada, op. cit., pp. 256-258.
[10] ldem, p. 227 y 263.
[11] Để đánh giá công trình của Denifle xem: Hubert Jedin, op. cit., pp. 87-88.
[12] Erwin Iserloh, op. cit., p. 482. Tác phẩm của nhà thần học Lutero Otto Scheel, Martin Luther. Vom Katholizismus zur Reformation (Martín Lutero. Từ công giáo đến cải cách), 2 vols. Tubinga 1916-17 (3d edic., 1921-1930) là một thí dụ điển hình.
[13] Hartmann Grisar, Luther. Freiburg im Br., 1911-1912; Martin Luthers Leben und sein Werk. Freiburg im Br. 1926.
[14] X. Ricardo García-Villoslada, op. cit., pp. 276-277.
[15] X. lời phê bình của Hubert Jedin, op. cit., pp. 88-89
[16] Chẳng hạn như R. Dalbiez, P.J. Reiter, E. H. Erikson, J. Maritain. X. Ricardo García-Villoslada, op. cit, pp. 265 y ss.
[17] J. Lortz, Die Reformation in Deutschland, 2 vols. Freiburg im Brisgau 1939.
[18] X. lời phê bình của Hubert Jedin, op. cit., pp. 90-94, khi phân tích sự đóng góp của tác phẩm. r
[19] X. trưng dẫn trong Erwin Iserloh, op. cit., pp. 484-485.
[20] Theo Hubert Jedin, op. cit., p. 92, thật là may mắn cho phong trào đại kết vì tác phẩm của cha Lortz không bị kết án bởi các nhà chức trách Giáo hội lúc ấy.
[21] Năm 1962 tác giả cho xuất bản lần thứ bốn, với thư tịch được cập nhật, và ít lâu sau, lần thứ năm. Năm 1982, tác phẩm được xuất bản lần thứ sáu và cũng là lần cuối cùng.
[22] Năm 1973, nhân dịp phát hành tập kỷ yếu tặng cha Ferdinand Maas, SJ, tác giả tiếp tục khai triển lập trường của mình trong bài viết “Luther und wir katholiken heute” (Lutero và chúng ta, những người công giáo hôm nay), in: Wilhelm Baum (ed.), Kirche und Staat in Idee und Geschichte des Abendlandes. Wien – München 1973, pp. 161-191.
[23] Johannes Brosseder. La imagen católica y evangélica de Lutero en la actual investigación sobre el reformador. In: VV.AA., Martín Lutero (1483-1983). Salamanca 1984, p. 189.
[24] X. Erwin Iserloh, op. cit., p. 485.
[25] Johannes Brosseder, op. cit., pp. 188-189.
[26] X. J. Brosseder, op. cit., pp. 189-194.
[27] P. Hacker, Das Ich im Glauben bei Martin Luther,1966; Th. Beer, Der fröhliche Wechsel und Streit. Grunzüge der Theologie Martin Luthers, 1974; R. Bäumer, Kleine deutsche Kirchengeschichte, 1980, pp. 53-79.
[28] Erwin Iserloh, Weder Ketzer noch Heiliger. Luthers Bedetung für den öcumenischen Dialog (Chẳng rối đạo cũng chẳng thánh thiện. Ý nghĩa của Lutero đối với việc đối thoại đại kết). 1982, pp. 73-92.
[29] Erwin Iserloh, ibidem, pp. 78-79.
[30] Johannes Brosseder, op. cit., pp. 191-192.
[31] Otto Hermann Pesch, Einführung zu Luther, 1982; Gerechtfertig aus Glauben. Luthers Frage an die Kirche, 1982.
[32] X.. Johannes Brosseder, op. cit., pp. 193-194.
[33] X. Documentation Catholique (1970), p. 765.
[34] ĐGH Gioan Phaolo II, Diễn từ trước hội nghị Giáo hội Tin lành-Lutero bên Đức, in: Ecclesia (Madrid) 1980, Nº 2008, p. 1481.
[35] Bản tuyên ngôn mang chữ ký của hai vị đồng chủ tịch ủy ban hỗn hợp Công giáo và Luther họp tại Kloster Kirchberg, Würtemberg (Đức): đức cha Hans L. Martensen, giám mục công giáo và ông George A. Lindbeck, giáo sư đại học Yale (Hoa kỳ).
[36] Bản tuyên ngôn đã dẫn, số 2 và 4.
[37] Bản tuyên ngôn, số 22.
[38] Bản tuyên ngôn, số 8-10.
[39] Bản tuyên ngôn, số 11.
[40] Botschaft von Johannes Paul II an Kard. Johannes Willebrands,Präsident Des Sekretariats Für Die Einheit Der Christen, (31. Oktober 1983).
[41] Ibidem.
[42] Ibidem.