Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

MỘT VÀI Ý TƯỞNG VỀ ĐÀO TẠO TRUYỀN GIÁO TẠI VIỆT NAM HÔM NAY

Administrator
2019-10-25 00:58 UTC+7 36
Đức Cha Anphong Nguyễn Hữu Long Giám mục Phụ tá Giáo phận Hưng Hóa Chủ tịch Uỷ ban Loan báo Tin Mừng ———————- DÀN BÀI Nhập đề Văn kiện về đào tạo truyền giáo Đào tạo truyền giáo tại các đại chủng viện Nhận định Kết luận ———————————-  Nhập đề Thực hành lệnh truyền của […]

Đức Cha Anphong Nguyễn Hữu Long
Giám mục Phụ tá Giáo phận Hưng Hóa
Chủ tịch Uỷ ban Loan báo Tin Mừng

———————-

DÀN BÀI

Nhập đề

Văn kiện về đào tạo truyền giáo

Đào tạo truyền giáo tại các đại chủng viện

Nhận định

Kết luận

———————————- 

Nhập đề

Thực hành lệnh truyền của Chúa Giêsu trước khi về trời “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15), Giáo Hội không ngừng đào tạo linh mục và sai đi loan báo Tin Mừng.

Tại Việt Nam, dù Tin Mừng đã được loan báo hơn 400 năm (tính từ năm 1533 hoặc 1615), Giáo Hội này vẫn là một Giáo Hội truyền giáo, xét về tỷ lệ tín hữu còn khiêm tốn, chỉ 6,93%, vẫn trực thuộc Bộ Phúc-Âm hóa các dân tộc, vẫn nhận sự tài trợ hàng năm để đào tạo linh mục và cho các công cuộc liên quan đến truyền giáo.

Văn kiện về đào tạo truyền giáo

Nếu sứ vụ Loan báo Tin Mừng là bản chất của Giáo Hội, thì việc đào tạo linh mục – những thợ gặt, thợ làm vườn nho Chúa – luôn là mối quan tâm hàng đầu của Giáo Hội mọi nơi mọi thời. Chúng ta nhận ra điều ấy nơi các văn kiện liên quan đến đào tạo linh mục của huấn quyền Giáo Hội, xin điểm vài văn kiện quan trọng nhất:

– Sắc lệnh Optatam Totius (28.10.1965) nói đến việc dạy môn truyền giáo trong chủng viện và thực tập tông đồ trong kỳ nghỉ (OT. số 20 và 21[1]). Cả hai bổ túc cho nhau, như lý thuyết bổ túc cho thực hành.

– Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis (07.12.1965) nhấn mạnh đến nhiệm vụ loan báo Tin Mừng được các linh mục thực hiện bằng nhiều cách : qua lời rao giảng, qua việc cử hành bí tích, bằng đời sống gần gũi, gương mẫu, bằng sự hiện diện âm thầm khi không được làm gì… Những điều này phải được lưu tâm trong thời gian đào tạo chủng sinh.

– Tông huấn Pastores Dabo Vobis (25.3.1992) nói nhiều về việc đào tạo linh mục hướng đến sứ vụ Loan báo Tin Mừng, theo đó, mục đích của chủng viện là đào tạo được những “nhà rao giảng tin mừng mới trong tư cách là mục tử” (nouvel évangélisateur en tant que pasteur)[2].

– Đào tạo linh mục – Định hướng và Chỉ dẫn (Ratio), được HĐGMVN phê chuẩn (11.4.2012) làm văn kiện căn bản về đào tạo linh mục tại Việt Nam hiện nay, cho thấy việc hướng chủng sinh đến sứ vụ loan báo Tin Mừng phải được lưu ý trong suốt tiến trình đào tạo, gồm giai đoạn trước chủng viện, tại chủng viện, và sau chủng viện, nhằm giúp chủng sinh biến đổi nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu, để rồi khi làm linh mục, họ ra đi loan báo Tin Mừng cho muôn dân và xây dựng nhiệm thể là Giáo Hội.

Kim Chỉ Nam về tác vụ và đời sống linh mục (11.02.2013) cho những chỉ dẫn thiết thực để linh mục sống tốt đẹp tác vụ trong ý thức mình thuộc về Giáo Hội phổ quát cách trực tiếp, có sứ mạng loan báo Tin Mừng cho đến tận cùng trái đất (KCN số 15). Linh mục tham gia vào công cuộc tân Phúc-Âm hóa với ý thức về tính khẩn thiết của việc truyền giáo, sự làm chứng bằng chính đời sống của mình, sự dấn thân năng động để làm chứng cho tình yêu Chúa, tha thiết với sứ mạng truyền giáo bằng quả tim và ý thức truyền giáo[3] (KCN số 16).

Tông huấn Evangelii Gaudium (24.11.2013) của Đức thánh cha Phanxicô nói đến niềm vui loan báo Tin Mừng cho thời đại hôm nay, nhiệt huyết giới thiệu Chúa Giêsu cho đồng loại mời gọi toàn thể Giáo Hội đứng dậy, mở cửa, ra đi đến vùng ngoại vi để làm công việc này, thà bị lấm lem vì đi đường hơn là xanh xao ốm yếu vì ngồi yên trong nhà. Đức thánh cha cũng nói nhiều đến tác vụ rao giảng, làm sao chuyển tải sứ điệp Tin Mừng sống động, từ con tim đến con tim… Thiết tưởng phải giúp chủng sinh học tập văn kiện này như là chất liệu của môn Truyền Giáo học trong thời gian đào tạo ở chủng viện, hoặc của các khóa thường huấn sau này.

Đào tạo truyền giáo tại các đại chủng viện

Tại Việt Nam hiện có 10 chủng viện đào tạo linh mục giáo phận[4], chưa kể các học viện dòng đào tạo giáo sĩ cho các dòng[5]. Sau khi tham khảo chương trình của một số chủng viện về việc đào tạo truyền giáo cho các chủng sinh, cả mặt lý thuyết lẫn thực hành, tôi xin tóm tắt những điểm chính như sau:

– Các chủng viện đều có giáo trình về môn Truyền Giáo và các môn liên quan như Thần học truyền giáo, Lịch sử truyền giáo, Linh đạo truyền giáo, Triết học về tôn giáo, Mục vụ chuyên biệt truyền giáo (Tâm lý-Gia đình-Truyền thông-Giới trẻ-Di dân).

– Các giáo sư thường tu nghiệp các trường đại học, học viện công giáo ở nước ngoài và có bằng cấp chuyên môn, như vậy là rất tốt ;

– Tiết học: Từ 30-60 tiết học trong chu kỳ thần học (ĐCV Xuân Lộc thêm 30 tiết về mục vụ chuyên biệt truyền giáo).

– Chủng viện phác họa chủ đề sống cho cả năm học liên quan đến truyền giáo, và các cuộc tĩnh tâm đều qui chiếu vào đề tài này (ĐCV Nha Trang) ; mời các vị truyền giáo đến chia sẻ kinh nghiệm ; tổ chức hội thảo chuyên đề mục vụ truyền giáo, di dân, liên tôn…

– Trong năm học, chủng sinh có những buổi thực tập tại giáo xứ hoặc cơ sở xã hội, bao gồm dạy giáo lý, sinh hoạt đoàn thể, mục vụ di dân, thăm viếng người nghèo, neo đơn, bệnh tật cả lương giáo, sinh hoạt với cô nhi, trẻ em đường phố, người khuyết tật, người già ở các trung tâm xã hội, các bệnh nhân… Trong mùa hè, chủng sinh đến sống tại những thí điểm truyền giáo, trại phong hay bản làng dân tộc, học hỏi ngôn ngữ và chia sẻ cuộc sống với họ… Có chủng viện đặt nặng việc học ngoại ngữ để sau này có thể đi truyền giáo hoặc làm mục vụ ở nước ngoài (ĐCV Nha Trang).

Nhận định :

– Linh mục, do bí tích Truyền chức, gắn liền với sứ vụ loan báo Tin Mừng cách nổi bật nhất. Người ta thường nghĩ linh mục là người được trạch cử để “lo công việc của Chúa” tức truyền giáo, trước hết và hơn ai hết, mặc dù sứ vụ này liên hệ tới tất cả mọi tín hữu Chúa Kitô. Nếu linh mục không truyền giáo thì ai sẽ làm việc này ? Công cuộc loan báo Tin Mừng, như đã nói trên, nhắm tới ba đối tượng : người chưa hề biết Chúa, người lơ là đạo, và người đang giữ đạo. Xem ra các linh mục mới chỉ quan tâm đến mục vụ cho người đang giữ đạo, còn người lơ là hay người không biết Chúa thì chưa được quan tâm lắm. Các linh mục còn tập trung công sức vào mục vụ bảo tồn (pastoral de maintien) chứ chưa nhắm đến mục vụ truyền giáo (pastoral missionnaire). Cha Piô Ngô Phúc Hậu, một nhà truyền giáo lão thành tại giáo phận Cần Thơ, cũng nhận xét rằng các cha Việt Nam giỏi về điều hành giáo xứ, nhưng ít quan tâm đến việc truyền giáo. Có lẽ vì thế mà công cuộc Loan báo Tin Mừng tại Việt Nam dậm chân tại chỗ, không có kết quả là bao.

– Chương trình đào tạo còn thiếu linh hồn của công cuộc truyền giáo, tức là làm thế nào giúp chủng sinh ý thức sứ vụ truyền giáo là mục đích của ơn gọi và lý tưởng linh mục, để họ sẵn sàng lên đường, đi ra ngoại biên, tới bất cứ nơi đâu có nhu cầu truyền giáo, hơn là ở những nơi an toàn, dễ chịu, đầy đủ tiện nghi. Xem ra các linh mục ít dấn thân truyền giáo, ngại đến nơi xa xôi, bằng lòng với việc coi sóc giáo xứ.

– Linh mục có ba nhiệm vụ căn bản: Rao Giảng, Cử hành bí tích và Quản trị giáo xứ. Nói chung, các linh mục đều cố gắng thực hiện ba nhiệm vụ này. Tuy nhiên, ta nhận thấy nhiều linh mục xem ra hài lòng với việc cử hành bí tích, tổ chức các cuộc lễ sao cho hoành tráng, hình thức, mà chẳng lưu tâm tới mục vụ chiều sâu và chăm sóc mục vụ hậu bí tích ; bận tâm đến việc tổ chức các hội đoàn, đổ công sức, thời giờ vào việc xây dựng cơ sở vật chất, trong khi lơ là với việc rao giảng (giảng thuyết và dạy giáo lý), ít tiếp xúc, gặp gỡ người nguội lạnh bỏ đạo, nói chi đến việc gặp gỡ, đối thoại và giới thiệu Chúa cho người chưa biết (truyền giáo).

– Tại Việt Nam có hiện tượng giáo phận này thiếu linh mục, giáo phận khác lại dồi dào linh mục. Giả như các giáo phận biết chia sẻ linh mục cho nhau, theo lời kêu gọi của công đồng Vatican II và các văn kiện huấn quyền[6], mô phỏng kế hoạch Fidei Donum! Có nơi giám mục sẵn sàng cho, nhưng chẳng có linh mục nào tình nguyện; có nơi linh mục sẵn sàng đi thì giám mục lại không đồng ý, viện cớ giáo phận mình còn thiếu linh mục ! Nên chăng khi đào tạo, chúng ta ươm vào tâm hồn các chủng sinh sự sẵn sàng ra đi, phục vụ nơi cần, dù ngoài giáo phận của mình.

– Các chủng viện đều có những hoạt động liên quan đến truyền giáo trong thời kỳ đào tạo cho các chủng sinh, nhưng cần xét xem những hoạt động ấy có thật sự khơi lên và nuôi dưỡng nhiệt huyết truyền giáo nơi các linh mục tương lai không ? E rằng họ chỉ làm một cách thụ động, như việc phải làm để được xét chịu chức ! Sau khi làm linh mục rồi, không thấy mấy vị có nhiệt tình truyền giáo, để mãn nguyện với việc mục vụ bảo trì xứ đạo ! ĐCV Huế đã thử làm một khảo sát để kết luận rằng chỉ có khoảng 5-10% linh mục quan tâm đến công cuộc truyền giáo !

– Đức Gioan-Phaolô II đã kêu gọi phải thực hiện công cuộc Tân Phúc-Âm hóa với “nhiệt tâm mới, phương pháp mới và cách diễn tả mới”. Do đó, cần đào tạo thế nào để các chủng sinh:

* có nhiệt huyết tông đồ nhờ đời sống tâm linh sâu sắc, có hồn tông đồ, mặc lấy tâm tình, thái độ như Chúa Kitô, Vị Mục Tử Nhân Lành (yêu mến chiên, biết chiên, bảo vệ chiên, chăm sóc chiên, hy sinh vì chiên). Một linh mục mà không có nhiệt huyết tông đồ thì sẽ sống và thi hành sứ vụ mục tử cách xoàng xĩnh, nói gì đến truyền giáo.

* áp dụng những phương pháp mới trong công cuộc loan báo Tin Mừng cho thích hợp với thời đại hôm nay, vd. vận dụng phương pháp thính thị, công nghệ thông tin… Đức Phanxicô cũng có trang Tweeter, và đạt hơn 26 triệu người theo dõi[7] !

* học cách diễn tả mới cho hợp với người thời đại hôm nay, không theo cách cũ là học thuộc lòng, vd. “Kể chuyện Chúa Giêsu”[8], nói về Chúa cách xác tín chứ không phải như con vẹt. Về điểm này, chúng ta nghi ngại các chủng sinh chưa được trang bị thích hợp để rao giảng về Chúa.

– Cần có tầm nhìn vươn xa và dự liệu, hướng đến lúc mà việc loan báo Tin Mừng sẽ được dễ dàng, tự do hơn, lúc ấy chúng ta sẽ phải gửi các thừa sai đi loan báo Tin Mừng ở các nước lân cận, kể cả những nơi trước đây từng là nước công giáo, đã gửi thừa sai đến rao giảng Tin Mừng cho cha ông chúng ta, bây giờ đến lượt chúng ta đền đáp lại. Muốn thế, ngay bây giờ, phải huấn luyện các chủng sinh có tinh thần dấn thân, sẵn sàng chấp nhận được sai đi đến mọi chân trời góc bể.

– Tại Việt Nam có 53/54 dân tộc thiểu số, thế mà hiện nay mới chỉ có một ít sắc tộc được nghe rao giảng Tin Mừng. Tại giáo phận Hưng Hóa có trên 30 dân tộc, mà mới chỉ có một ít người H’Mông, Dao, Tày, Mường biết Chúa. Cần đẩy mạnh việc loan báo Tin Mừng cho các dân tộc ít người, và việc đào tạo linh mục cần dự liệu nhân sự đảm trách việc này.

– Việt Nam là một nước đa tôn giáo, việc đối thoại liên tôn trong viễn tượng loan báo Tin Mừng cũng là điều mà Giáo Hội phải lưu tâm. Rồi vì là một nước chậm phát triển, nên hiện nay hiện tượng di dân cũng là một thách đố, đặt ra nhiều vấn đề về mục vụ cho người di dân, trong tương quan với việc loan báo Tin Mừng. Chúng tôi vui mừng nhận thấy vấn đề này đang được các chủng viện lưu tâm, đưa vào chương trình đào tạo linh mục, tuy thực tế việc đối thoại liên tôn tại Việt Nam và mục vụ di dân chưa có kết quả đáng kể.

– Sứ vụ loan báo Tin Mừng được thực hiện bằng nhiều cách để diễn dịch tính mầu nhiệm- hiệp thông-sứ vụ trong tương quan với Đức Giêsu Kitô và với Hội Thánh, chẳng hạn qua việc rao giảng, cử hành bí tích, quản trị giáo xứ, qua những giao tiếp đối thoại với mọi hạng người, các công tác bác ái, chứng tá đời sống, sự chọn lựa và gần gũi người nghèo, ý thức công bằng xã hội, xây dựng hòa bình, tinh thần nhập thế để xây dựng xã hội tốt đẹp… Nói tóm, toàn thể hoạt động của Giáo Hội đều xuất phát và qui hướng về sứ vụ loan báo Tin Mừng. Chương trình đào tạo linh mục cho Giáo Hội Việt Nam hôm nay, vì thế, phải làm sao giúp chủng sinh ý thức sống đời linh mục và thi hành sứ vụ nhắm đến việc loan báo Tin Mừng.

Kết luận

Người ta nói rằng linh mục thế nào, Giáo Hội sẽ thế ấy, và ngày nay đào tạo chủng sinh thế nào sẽ cho linh mục ngày mai như thế. Tất cả chúng ta khi tham dự khóa thường huấn này với chủ đề “Bối cảnh của việc Phúc-Âm hóa và tân Phúc-Âm hóa trong việc đào tạo linh mục tại Việt Nam”, hẳn đều mong ước rút ra những gì cần làm, để cống hiến cho Giáo Hội những linh mục thật sự là mục tử như lòng Chúa mong ước, là những thợ gặt có năng lực trong cánh đồng của Chúa, là những nhà truyền giáo không mỏi mệt công bố Tin Mừng cứu độ. Chúng ta hãy phó thác trọng trách này cho Chúa Thánh Thần, Đấng hướng dẫn Giáo Hội đi vào những nẻo đường mới và thích hợp cho người thời đại hôm nay.

————————-

[1] “Tập hoạt động tông đồ. Cũng phải dạy họ biết sử dụng những phương thế mà các khoa sư phạm, tâm lý cũng như xã hội có thể cung cấp cho, theo những phương pháp đúng đắn và các tiêu chuẩn do Giáo Quyền ấn định. Phải lo giáo huấn họ biết khích lệ và nâng đỡ hoạt động tông đồ giáo dân, cũng như biết khởi xướng nhiều hình thức hoạt động tông đồ khác nhau cho hữu hiệu hơn. Họ phải được thấm nhuần tinh thần Công Giáo đích thực, để biết quen vượt khỏi những ranh giới địa phận, quốc gia hoặc lễ chế riêng hầu hỗ trợ các nhu cầu của toàn thể Giáo Hội và sẵn sàng đi rao giảng Phúc Âm ở bất cứ nơi nào”. (OT số 20)

“Tập hoạt động ngoài chủng viện. Vì các chủng sinh phải học nghệ thuật hoạt động tông đồ không những trên lý thuyết nhưng trên thực hành nữa, và còn phải có khả năng thi hành công tác với tinh thần trách nhiệm cá nhân hay tập đoàn, nên trong kỳ học cũng như kỳ nghỉ, phải cho họ tập sự mục vụ bằng những công tác thực tập thích đáng. Phải tùy theo tuổi của chủng sinh, tùy theo hoàn cảnh địa phương và sự xét đoán khôn ngoan của các Giám Mục mà thực hiện các hoạt động ấy cho có phương pháp với sự hướng dẫn của những vị giàu kinh nghiệm mục vụ, đồng thời cũng đừng quên sức hiệu nghiệm của những phương thế hỗ trợ siêu nhiên”. (OT số 21)

[2] “Thật vậy, vì tương lai của công cuộc phúc âm hóa nhân loại, việc chuyên chăm đào tạo các linh mục tương lai được Giáo Hội nhìn nhận như là một trách vụ có tầm quan trọng đặc biệt” (PDV số 2; 4).

“Giáo Hội cũng được khích lệ … bởi sự cần thiết tuyệt đối phải làm cho công cuộc “phúc âm hóa mới” có được những “nhà phúc âm hóa mới”, đầu tiên là các linh mục. (PDV số 2; 6).

“Công cuộc phúc âm hóa mới” cần có những nhà rao giảng mới, những linh mục dấn thân sống chức linh mục như một con đường nên thánh. (PDV số 82, 8).

[3] “Linh mục tham gia vào việc thánh hiến của Chúa Kitô và được đưa vào sứ vụ cứu độ theo như lệnh truyền sau cùng của Ngài : “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28, 19-20; x. Mc 16,15-18; Lc 24,47-48; Cv 1,8). Tính khẩn thiết của việc truyền giáo là một phần làm nên đời sống linh mục –được mời gọi trở nên “tấm bánh bẻ ra cho thế gian được sống”- bởi vì “Sứ mạng đầu tiên và cơ bản đến từ các Mầu nhiệm thánh mà chúng ta cử hành, đó là làm chứng bằng chính đời sống chúng ta. Sự ngạc nhiên thán phục trước hồng ân Thiên Chúa ban cho chúng ta qua Chúa Kitô, phải in sâu vào đời sống chúng ta một sự năng động mới, thúc đẩy chúng ta dấn thân trở nên chứng nhân cho tình yêu của Ngài. Chúng ta trở thành chứng nhân, khi bằng lời nói, hành động và cách cư xử của mình, một Đấng khác được tỏ lộ và thông ban mình”.

“Các linh mục, nhờ Bí tích truyền chức, được mời gọi chia sẻ mối bận tâm truyền giáo : “Hồng ân thiêng liêng mà các linh mục lãnh nhận trong việc truyền chức giúp họ chuẩn bị cho sứ mạng cứu độ ở mức phổ quát” (Presbyterorum Ordinis 10). Mọi linh mục phải có một con tim và một ý thức truyền giáo, rộng mở trước nhu cầu của Giáo Hội và thế giới”. Mỗi linh mục phải nhận ra và sống đòi hỏi này của đời sống Giáo Hội trong thế giới hiện nay. Chính vì vậy mà mỗi linh mục được mời gọi có một tinh thần truyền giáo, một tinh thần thật sự “công giáo” khởi đi từ Chúa Kitô gởi đến mọi người, “vì Ngài muốn cho mọi người được cứu độ và đạt tới việc nhận biết chân lý đầy đủ” (1Tm 2,4-6). (KCM số 16).

[4] Các đại chủng viện hiện nay tại Việt Nam gồm : Hà Nội, Thái Bình, Bùi Chu, Vinh-Thanh, Huế, Nha Trang, Xuân Lộc, Đà Lạt, Sài Gòn, Cần Thơ.

[5] Các học viện dòng như : Lasan, Đaminh, Dòng Tên, Phanxicô,  Dòng Chúa Cứu Thế.

[6] Lumen Gentium số 23; Presbyterorum Ordinis số 10; Pastores Dabo Vobis số 32; Bộ Giáo sĩ, Postquam Apostoli (25.3.1980) : l.c., 343-364; Bộ Truyền giáo (1/10/1989), 4;  EV 11, 1588-1590 ; Giáo luật, 271; KCN số 16.

[7] Theo WHĐ (trang web của HĐGMVN) ngày 10.01.2016.

[8] http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/Giaohoi/PhucAmHoa/GiaoHoiAChau/FABC/25DCLuisTagle.htm