Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Thừa sai Công Giáo đầu tiên đến vùng đất Hà Tiên

Văn phòng Học Viện
2024-11-18 08:43 UTC+7 582
Nhiều nhà giáo sử coi năm 1533 là năm khởi đầu lịch sử truyền giáo của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam với sử liệu giáo sĩ I-nê-xu (hay I-nê-khu, I-ni-khu) đến truyền giáo tại các xã Ninh Cường, Quần Anh huyện Nam Chân, và xã Trà Lũ huyện Giao Thủy, thuộc tỉnh Nam Định ngày nay. Tuy nhiên, cũng khoảng thời gian này, ở phía Nam, cụ thể là vùng đất Hà Tiên (đương thời chưa thuộc về Việt Nam) cũng đã có ghi nhận dấu ấn của các vị thừa sai Dòng Đa Minh.

THỪA SAI CÔNG GIÁO ĐẦU TIÊN ĐẾN VÙNG ĐẤT HÀ TIÊN

Patrice Trần Văn Mãnh

(Paris 11-12-2023)

https://trunghochatienxua.wordpress.com/tag/marcos-gispert/

Lời nói đầu:

Đây không phải là một bài nghiên cứu viết về nguồn gốc đạo Thiên Chúa ở Hà Tiên, lại càng không phải là bài viết về lịch sử đạo Thiên Chúa ở Việt Nam. Đây chỉ là một bài viết thứ nhất trong một loạt các bài viết góp nhặt các thông tin và trình bày với mục đích phổ biến một cách rộng rãi, bình dân về các liên hệ giữa các thừa sai Tây phương (bắt đầu là các thừa sai gốc Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp…) với vùng đất Hà Tiên, từ thế kỷ thứ 16 khi trấn Hà Tiên chưa được thành lập cho đến khi Mạc Thiên Tích quản trị Hà Tiên ở giữa thế kỷ thứ 18, gặp gở đức giám mục Bá Đa Lộc (Pierre Pigneau de Behaine) khi đức giám mục quản lý chủng viện ở Hòn Đất (thuộc trấn Hà Tiên xưa nhưng Cambodge ngày nay). Ngoài ra trong vòng hai thế kỷ 17 và 18, các giáo sĩ thuộc Hội truyền giáo nước ngoài Paris cũng đã có dịp đặt chân nhiều lần đến trấn Hà Tiên và vùng đất Cambodge.

Xin giới thiệu bài đầu tiên viết về sự có mặt và về quyển sách của một vị giáo sĩ dòng Đa Minh đã có dịp đặt chân đến vùng đất sau nầy trở thành trấn Hà Tiên và từ đó các nhà viết sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam thường cho là người thừa sai Tây phương đầu tiên đến truyền giáo ở nước Việt Nam.

A/ Nhắc lại một chi tiết liên quan đến việc truyền giáo ở nước Đại Việt (1):

Bàn về lịch sử Công Giáo ở Việt Nam, nhiều sử gia đã nhắc đến một sự kiện xảy ra năm 1533 dưới thời vua Lê Trang Tông. Xưa nay nhiều tài liệu giáo sử cho rằng năm 1533 có giáo sĩ I-nê-xu (hay I-nê-khu, I-ni-khu) đến truyền giáo tại các xã Ninh Cường, Quần Anh huyện Nam Chân, và xã Trà Lũ huyện Giao Thủy, thuộc tỉnh Nam Định ngày nay. Từ đó, năm 1533 được nhiều nhà sử học Công Giáo Việt Nam chọn là năm khởi đầu lịch sử truyền giáo của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam.

Đây là một chi tiết xuất phát từ quyển sách bằng chữ Hán có tên “Tây Dương Gia Tô Bí Lục” của các tác giả Phạm Ngộ Hiên, Nguyễn Hoà Đường, Nguyễn Bá Am và Trần Đình Hiên, viết vào khoảng năm 1794. Sau đó sách “Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục” của Quốc sử quán triều Nguyễn cũng có nhắc một chi tiết trùng hợp với chi tiết trong sách “Tây Dương Gia Tô Bí Lục”, nhưng chỉ viết trong phần chú thích (gọi là phần “chua”, phía dưới phần chính biên) và còn ghi là chi tiết nầy viết theo một quyển sách Dã Lục, tức là loại sách ghi chép những câu chuyện truyền tụng trong dân gian. Sách “Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục” viết bằng chữ Hán trong thời gian 1856-1881.

Nhiều học giả và các vị linh mục hiện đại đã ít nhiều chứng minh rằng chi tiết người giáo sĩ Tây phương tên I-nê-xu đến truyền đạo ở Nam Định vào năm 1533 nói trên là không đúng sự thật vì không phù hợp với những dữ liệu lịch sử đã được xác nhận. Thật vậy, chi tiết được kể trên rất có thể chỉ xuất phát từ một nguồn duy nhất là từ quyển sách “Tây Dương Gia Tô Bí Lục” và không được kể ra một cách độc lập trong bất cứ tài liệu, thư từ, ký sự nào trong kho tàng tài liệu vốn khá phong phú của các giáo sĩ Tây phương.

Ngoài những quyển sách viết về giáo sử ở Việt Nam xuất bản cận đại (Lịch sử Đạo Thiên Chúa ở Việt Nam: Hồng Lam, Huế – 1944; Làn sóng tôn giáo trên đất Việt: Tâm Ngọc, Cần Thơ – 1959; Việt Nam giáo sử: Phan Phát Huồn, SaiGon –   1965…v…v…), đều nhắc lại chi tiết người giáo sĩ Tây phương tên I-nê-xu  đến truyền đạo ở Nam Định vào năm 1533  theo một nguồn duy nhất từ sách “Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục”, các sách viết bằng tiếng Pháp xuất bản khá lâu trước đó như: Cours d’histoire annamite: Jean-Baptiste Pétrus Trương Vĩnh Ký, SaiGon – 1875; Variétés Tonkinoises: Henri-Emmanuel Souvignet, HaNoi-1903; Les débuts du Christianisme en Annam: Auguste Louis Marie Bonifacy, HaNoi – 1930, tuy cũng có nhắc lại chi tiết giáo sĩ I-nê-xu truyền giáo năm 1533 ở nước An nam nhưng vẫn chú thích lấy nguồn từ sách “Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục”.

Nói tóm lại chúng ta hoàn toàn không biết gì về giáo sĩ I-nê-xu, không có vị giáo sĩ Tây phương nào tên như vậy mà trùng hợp với các sự kiện về thời gian, nơi chốn, hoàn cảnh lịch sử đã được biết rỏ trong quá trình truyền giáo của các giáo sĩ Tây phương, đến nổi nhà nghiên cứu Á Đông, giáo sư, nhà văn và trung tá Auguste Bonifacy phải thốt ra rằng: “Người ta không biết gì hơn về vị giáo sĩ I-Ni-Khu”.

Đến đây chúng ta thấy điều thích hợp nhất là dùng câu kết luận của linh mục Gioan Võ Đình Đệ trong bài  “Thực hư có giáo sĩ Inêxu lén truyền giáo ở Đại Việt năm 1533”, viết ngày 28/10/2021 như sau: “Tóm lại, sự kiện và nhân vật mà Tây Dương Gia Tô Bí Lục và Khâm Định Việt Sử viết về mốc điểm truyền giáo ở Việt Nam là một vấn đề tồn nghi lịch sử, thậm chí là sự bịa đặt của Tây Dương Gia Tô Bí lục, không thể tin tưởng”.

B/ Giáo sĩ dòng Đa Minh (Dominicains) đến vùng đất sau nầy là Hà Tiên:

Vào thế kỷ thứ 16, Mạc Cửu chưa đến vùng Hà Tiên và nơi nầy hoàn toàn chưa có chủ quyền nhất định mặc dù về phương diện địa lý, vùng nầy thuộc Vương Quốc Khmer (đã suy yếu và trong thời kỳ hậu Angkor) . Về mặt xã hội, vùng nầy chỉ có một số rất ít cư dân nhiều gốc gác đến sinh sống, nhất là người Việt, người Khmer và người Trung Hoa…v…v…, một vùng đất bỏ ngỏ không có chánh quyền cai trị. Vả lại từ thế kỷ 16, do sự can thiệp của chánh quyền Xiêm La (Siam, tức Thái Lan ngày nay) triều đình Khmer bị chia rẽ sâu sắc và dần bước vào thời kỳ suy vong, hầu như không có điều kiện quan tâm đến vùng đất còn ngập nước và trên thực tế đã không đủ sức quản lý vùng đất nầy. Tuy nhiên do vị trí thuận tiện, vùng nầy chính là cửa ngỏ cho sự thông thương của một số người phương Tây, nhất là người của các nước Bồ Đào Nha (Portugal), Tây Ban Nha (Espagne),…trong các mục đích thám hiểm, trao đổi buôn bán và  cũng để loan truyền đức tin Phúc Âm Công Giáo (2)…

1-1731893197.jpg
Bản đồ hàng hải chỉ một số thành phố người Bồ Đào Nha đi tới trong thế kỷ 15/16

Về nước Đại Việt vào thế kỷ thứ 16, lãnh thổ gồm gần như toàn bộ miền Bắc, kéo dài cả từ miền Trung về phía Nam cho tới Qui Nhơn, chấm dứt ở Phú Yên. Phần lãnh thổ tiếp theo về phía Nam : Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận vẫn còn thuộc Vương Quốc Champa (Chiêm Thành). Ngoài ra tất cả lãnh thổ còn lại về phía Nam cho đến vịnh Thái Lan đều là của Vương Quốc Khmer tuy vào thời kỳ nầy đã bắt đầu suy yếu vì các cuộc xâm chiếm liên tục của Xiêm La.

Nếu như phần đầu đã nói, vào giữa thế kỷ 16 trở về trước, chưa có một nguồn tài liệu chánh thức và bằng chứng rỏ ràng nào để xác nhận có các giáo sĩ Tây phương đến truyền đạo ở nước ta thì ngay tại vùng đất mà sau nầy mang tên là Hà Tiên, đã bắt đầu ghi nhận dấu chân của giáo sĩ Bồ Đào Nha thuộc dòng Đa Minh đi theo tàu buôn cặp bến tại đây, sau khi khởi hành cuộc hải trình từ thành Malacca (thuộc nước Mã Lai Malaisie ngày nay) vốn thuộc phần đất do người Bồ Đào Nha chinh phục từ năm 1511.

2-1731893256.jpg
Bản đồ chỉ vị trí miền duyên hải vào thế kỷ 16 nơi Gaspar da Cruz vào Vương Quốc Khmer

Các tài liệu ghi chép rằng vào tháng 9 năm 1555 giáo sĩ người Bồ Đào Nha tên là Gaspar da Cruz (có sách viết theo dạng khác Gaspar de Santa Cruz) đáp tàu buôn người Bồ Đào Nha đi từ Malacca, đổ bộ lên vùng đất mang tên CanCao (vùng mà người Tây phương ghi trên bản đồ tên Ponthiamas vào thế lỷ 16, sau nầy trở thành trấn Hà Tiên), lúc bấy giờ vùng nầy thuộc vương triều Khmer hậu Angkor, vì thế giáo sĩ Gaspar da Cruz vừa đến nơi thì tiếp tục đi theo dòng sông Cửu Long (Mékong) vào sâu lãnh thổ Khmer để được tiếp xúc với vua Khmer và hy vọng sẽ thực hiện được mục đích của ông là rao giảng tin mừng cho dân chúng ở đây (3).

Mặc dù vùng đất nơi giáo sĩ Đa Minh Gaspar da Cruz đến thời đó là thuộc đất Khmer, nhưng vì khoảng 150 năm sau vùng nầy sẽ trở thành một nơi rất phồn thịnh và là cửa khẩu có danh tiếng của vùng Đông Nam Á và sẽ thuộc về nước Đại Việt do sự kiện Mạc Cửu dâng đất cho nhà Nguyễn, nên các sử gia nghiên cứu về nguồn gốc Công Giáo ở Việt Nam đều thừa nhận Gaspar da Cruz là người giáo sĩ đầu tiên đặt chân lên nước Việt Nam và là nhà truyền giáo tiên khởi ở nước ta.

3-1731893298.jpg
Bản đồ chỉ lãnh thổ trấn Hà Tiên (1757) hơn 200 sau khi Gaspar da Cruz đến vùng đất nầy (1555).

C/ Về cuộc đời và hoạt động của giáo sĩ Gaspar da Cruz :

Như đã nói phần trên, giáo sĩ Gaspar da Cruz là người Bồ Đào Nha, ông sinh ra tại Évora, một thành phố lớn thuộc vùng Alentejo về phía nam nước Bồ Đào Nha và rất phong phú về các di sản thời trung cổ. Tuy nhiên người ta không có tài liệu chắc chắn về ngày sinh của ông, chỉ biết năm sinh của ông vào khoảng những thập niên đầu của thế kỷ 16. Ông được thu nhận vào tu viện của dòng tu Đa Minh ở Azeitão thuộc đô thị vùng biển Setubal.

Vào năm 1548, 12 giáo sĩ dòng Đa Minh trong đó có Gaspar da Cruz, theo lịnh truyền của bề trên là Diogo Bermudez, vượt biển cả từ Bồ Đào Nha đi đến các thành phố của Ấn Độ thuộc địa Bồ Đào Nha, mục đích là lập ra một phái bộ truyền giáo Đa Minh ở Đông phương. Trong vòng 6 năm làm công việc mục vụ tại vùng nầy, ông đã có dịp đi nhiều nơi ở các thành phố : (4) Goa, Chaul, Cochin (Ấn Độ) và ngay cả trên đảo Tích Lan (Ceylan nay là Sri Lanka). Đến năm 1554 ông được cử đến Malacca, một thành phố thuộc bán đảo Mã Lai (Malaisie) vốn là thuộc địa của Bồ Đào Nha trong vòng 130 năm (1511 – 1641) để thành lập một tu viện của dòng Đa Minh. Tại đây Gaspar da Cruz nghe được tin đồn từ Vương Quốc Khmer rằng vua nước nầy muốn mời các giáo sĩ Bồ Đào Nha đến để truyền đạo Tây phương…

Vốn luôn được hướng dẫn bởi một tinh thần năng động tìm những vùng đất mới ở Đông phương để mang tin mừng đến với lời thuyết giảng Phúc Âm nên Gaspar da Cruz đã chú ý đến tin đồn trên và nhất quyết có một dự định sẽ tìm cách đi đến Vương Quốc Khmer đó, tuy nhiên các giáo sĩ và những thân hữu chung quanh ông đã ngăn cản dự định nầy, ngại rằng đó không phải là tin đúng đắn và chuyến đi sẽ rất khó khăn không thể lường trước được. Cuối cùng do cũng được sự chấp nhận của bề trên dòng Đa Minh nên vào tháng 9 năm 1555, Gaspar da Cruz đã đáp tàu buôn Bồ Đào Nha để đi đến vùng duyên hải của Vương Quốc Khmer bất chấp các lời ngăn cản.

Đúng như lời các giáo sĩ thân hữu đã ngăn cản ông về chuyến đi đầy gian truân nầy, trên chuyến hải hành, Gaspar da Cruz đã gặp rất nhiều khó khăn và trở ngại rất lớn : đau bệnh, đói khát, và các điều bất lành không ngờ trước được, sau cùng ông đã đến được bờ biển vùng đất sau nầy chính là Hà Tiên, ở đây ta chưa có tài liệu chính xác để khẳng định nơi ông đặt chân lên đất liền là chỗ nào của trấn Hà Tiên sau nầy, chỉ có thông tin đáng tin cậy vì chính được ông đã kể lại trong một quyển sách rất quan trọng do ông viết sau khi trở về nước Bồ Đào Nha 15 năm sau rằng ông đã đi theo con sông Cửu Long (Mékong) để đến tận thành La Bích (Loech), lúc đó là thủ đô của Vương Quốc Khmer để được gặp vua nước nầy (5).

4-1731893366.jpg
Đài kỷ niệm 450 năm ngày thành lập nhà thờ Công Giáo ở Campuchia, được tính kể từ việc truyền giáo của giáo sĩ Gaspar da Cruz tại nước nầy.

Tuy nhiên Gaspar da Cruz khám phá ra nhanh chóng là vua nước Khmer và hầu hết thần dân trong nước đều theo đạo Phật (6) và điều trở ngại lớn lao hơn nữa là giới tu sĩ Khmer thừa hưởng nhiều đặc quyền lớn lao trong triều đình và rỏ ràng là ông không thể nào truyền bá được Phúc Âm để cải đạo cho dân chúng ở đây. Vả lại chính vua Ang Chan đệ nhất (tên Ponhea Chan, hiệu là Barom Reachea đệ nhị) của Vương Quốc nầy thú nhận là vì ông muốn cho người Bồ Đào Nha đến nước ông để buôn bán và giúp ông chống lại người Xiêm La nên mới tung tin là muốn rước giáo sĩ Tây phương đến…

Trong quyển sách của giáo sĩ Gaspar da Cruz viết, ông có kể lại giai đoạn nầy với mẫu chuyện nhỏ như sau : Dân Khmer rất tin tưởng và rất kính trọng giới tu sĩ ở triều đình nên không ai dám cải lời họ hay nói ngược lại bất cứ điều gì, có nhiều lần Gaspar da Cruz đang thuyết giảng lời Phúc Âm cho một nhóm đông dân cư, ông nhận thấy rằng họ rất chăm chú nghe lời ông giảng và có vẻ rất hài lòng nhận những điều ông đang nói, nhưng chỉ cần có một trong những ông tu sĩ Khmer đi đến và nói với Gaspar da Cruz như sau : « Lời ông giảng nghe hay lắm nhưng những gì chúng tôi có ở đây là hay nhất ! », sau đó cả nhóm đông dân Khmer đều rút lui và bỏ ông lại một mình nơi đó…

Một trở ngại khác nữa là một số người Bồ Đào Nha thường có nhiều thái độ không đúng đắn và gây ra nhiều rối loạn khi đến mua bán với dân Khmer, cuối cùng vì lại lâm bệnh hoạn trong một môi trường chưa quen sống nên Gaspar da Cruz quyết định rời khỏi Vương Quốc Khmer, chấp nhận một thực tế cay đắng là dự định truyền đạo của ông thật sự thất bại ở đây.

Một lần nữa tinh thần náo nức của một tu sĩ Đa Minh lúc nào cũng muốn khám phá ra các chân trời mới của Á Đông để rao giảng Phúc Âm, Gaspar da Cruz lại nghe tin có một nước Trung Hoa  rộng lớn mà lúc bấy giờ người Bồ Đào Nha đã được phép giao lưu buôn bán và cảng thị đón thương thuyền nước ngoài ở Quảng Châu (Canton) của nước nầy đã được mở cửa lại, rằng dân chúng ở vùng đó có thể đón nhận tin mừng để theo đức tin của Thiên Chúa nên vào cuối năm 1556 ông đáp tàu buôn người Trung Hoa để đi đến Quảng Châu với giấy phép của quan chức cho ông lưu trú tại đó khoảng một tháng (7).

Mặc dù thời gian Gaspar da Cruz ở tại Quảng Châu (Trung Hoa) chỉ ngắn ngủi khoảng một tháng, nhưng ông đã thu nhặt một số lượng thông tin rất to lớn qua nhiều nguồn : suy nghĩ cá nhân và những quan sát tận mắt của ông, các văn bản hành chánh bằng tiếng Hoa mà ông đã có được qua các tiếp xúc với quan địa phương, các cuộc tiếp xúc và nghe kể chuyện thực tế của các tù nhân người Bồ Đào Nha trong thời gian họ bị cầm tù ở Quảng Châu, đặc biệt là Gaspar da Cruz đã có tham khảo hồi ký của một người Bồ Đào Nha vốn là một nhà thám hiểm, người lính, thương nhân tên là Galiote Pereira, người đã tham gia vào cuộc chống đối với nhà cầm quyền Phúc Kiến (Fujian hay Fukien) và đã bị bắt giam từ năm 1549 đến năm 1552. Về sau qua những kinh nghiệm thực tế đã trải qua, Galiote Pereira đã viết lại một tập du ký với các chi tiết rất đầy đủ về tất cả các mặt trong đời sống ở Trung Hoa và là nguồn thông tin quý báo cho Gaspar da Cruz sau đó có dịp đọc qua tập du ký nầy.

Sau khi nhận ra được một lần thứ hai là trên thực tế, không thể truyền bá được Phúc Âm Thiên Chúa ở vùng đất Trung Hoa nơi ông lưu trú (thành phố Quảng Châu) vì những trở ngại không thể vượt qua được (8), Gaspar da Cruz đành phải đáp tàu trở về Malacca vào đầu năm 1557 và ở lại đây khoảng chín tháng.

Trong thời gian nầy tài liệu xưa không nói rỏ chi tiết về các chuyến du hành của Gaspar da Cruz, chỉ có các điều suy luận trên những thông tin có liên quan đến các hoạt động truyền giáo ở vùng Đông Nam Á thời bấy giờ do các tác giả Bồ Đào Nha hiện đại khi tái bản quyển sách của Gaspar da Cruz có góp thêm các chi tiết như sau : Gaspar da Cruz có đi đến đảo Makassar thuộc nước Nam Dương (Indonésie), ông cũng đến vùng đất Mylapore ở Ấn Độ nơi tông đồ Thomas tử đạo (khoảng năm 72 sau Công Nguyên), vào khoảng giữa năm 1560, Gaspar da Cruz cũng có tham gia vào đoàn truyền giáo Đa Minh đi tới đảo Ormuz (Hormuz, ngày nay thuộc Iran) để phục vụ việc làm lễ đạo cho những người Bồ Đào Nha sống ở đó, trong khi công việc truyền Phúc Âm ở đảo nầy lại cũng không thành công vì nơi đây là đất của Hồi giáo, đó là lý do khiến ông rời khỏi đảo Ormuz năm 1563.

Từ năm 1563 đến năm 1569, người ta lại cũng không biết rỏ các hoạt động và nơi lưu trú của Gaspar da Cruz, chỉ biết là ông có mặt ở thủ đô Lisbonne của nước Bồ Đào Nha vào năm 1569 và đã tham dự tích cực bằng cách cống hiến cuộc đời ông vào việc chống lại cơn bệnh dịch hạch đang lan truyền tàn phá thủ đô. Trong vòng hơn một năm khi cơn dịch bệnh bớt hoành hành ở thủ đô, ông lui về thành phố Setubal là một thành phố biển ở phía nam Bồ Đào Nha để tiếp tục giúp giáo dân trong cơn dịch.

Gaspar da Cruz đã hy sinh cuộc sống mình trong công việc chống dịch bệnh, thật vậy, cuối cùng ông đã bị lây nhiễm bệnh dịch hạch vì tiếp xức quá nhiều với các bệnh nhân, ông trút hơi thở cuối vào ngày 5 tháng hai năm 1570 mà chưa kịp thấy tận mắt quyển sách du hành mà ông đã ghi chép lại tất cả những điều nghe thấy và thu nhặt được về nước Trung Hoa do ông đã bỏ nhiều thời gian khi về Bồ Đào Nha để viết ra nhưng chưa được xuất bản cho đến khi ông mất.

D/ Về quyển sách chuyên luận của Gaspar da Cruz viết về những điều nghe thấy và thu thập được ở nước Trung Hoa :

Những tiếp xúc đầu tiên giữa người Tây phương và người Trung Hoa bắt đầu có từ thế kỷ thứ 13 vào thời kỳ thống trị của người Mông Cổ (Mongoles) tại Trung Á và nước Trung Hoa, trường hợp điển hình nhất trong lịch sử là chuyến du hành và làm việc dưới triều đình vua Hốt Tất Liệt (Kubilai Khan) của người nước Ý gốc Venise tên Marco Polo và người cha, người chú vào năm 1271. Sau cuộc du hành nầy Marco Polo đã kể lại tất cả những chi tiết về nước Trung Hoa Mông Cổ và vùng Trung Á cho một người bạn tù nghe và người nầy đã ghi lại thành một tập sách bằng tiếng Ý gồm bốn quyển với tên gọi là « Marco Polo du ký » (9). Ta có thể xem như đó là quyển sách đầu tiên có vai trò như tự điển bách khoa về nước Trung Hoa cho người Tây phương đọc.

Từ đó phải đợi đến thế kỷ 16 khi người Bồ Đào Nha đã đặt chân lên đất Trung Hoa (và đến lượt trường hợp Galiote Pereira và giáo sĩ Gaspa da Cruz), người Tây phương mới có thêm hai quyển sách quan trọng viết về tất cả các khía cạnh của nước Trung Hoa.

Galiote Pereira sau khi trốn khỏi nhà tù ở Phúc kiến (Fujian hay Fukien) thì về Quảng Châu với những bạn đồng hương Bồ Đào Nha vào năm 1552. Vào khoảng giữa tháng hai năm 1553 chính Galiote Pereira có chứng kiến sự khai quật ngôi mộ tạm của giáo sĩ dòng Tên François Xavier trên đảo Shangchuan thuộc tỉnh Quảng Đông (Guangdong)  do người Bồ Đào Nha thực hiện để đưa thi thể giáo sĩ về thành Goa chôn cất. Cho đến ngày nay, thánh François Xavier vẫn được mọi người tôn vinh và kính trọng.

Một thời gian sau khoảng năm 1561 Galiote Pereira có viết tay một quyển sách bằng tiếng Bồ Đào Nha kể lại những gì đã trải nghiệm qua trong thời gian tù tội với tiêu đề « “Một số điều được biết về nước Trung Hoa…” (10). Quyển sách nầy không được xuất bản ngay sau đó nhưng đã được các học trò trường dòng Tên ở thành phố Goa (Ấn Độ) chép tay và chuyển về văn phòng bề trên ở Châu Âu, vì thế nội dung sách nầy đã được phổ biến bằng cách được chép lại trong các quyển sách bằng tiếng Ý xuất bản năm 1565 và bằng tiếng Anh năm 1577. Như thế người Tây phương biết được thêm một quyển sách thứ hai viết về nước Trung Hoa sau quyển của Marco Polo.

Quyển sách thứ ba của người Tây phương viết về nước Trung Hoa là do Gaspar da Cruz viết và đây là một quyển sách giúp cho người Tây phương hiểu rỏ thêm nhiều về một đế chế có tính chất bí ẩn ở miền Á Đông. Tên của quyển sách rất dài, viết bằng tiếng Bồ Đào Nha, nếu tạm dịch để dễ hiểu thì tựa sách như sau : « Chuyên luận trong đó chúng tôi kể lại nhiều điểm kỳ dị của nước Trung Hoa, với những đặc điểm riêng, cũng như vương quốc Ormuz. Do thầy Gaspar da Cruz thuộc dòng Thánh Dominique tổng hợp viết ra. Dành riêng cho vị vua đầy quyền lực Sebastian, vị chúa của chúng ta ». (11)

Mặc dù đã có hai quyển sách ra đời trước đó viết về nước Trung Hoa, quyển sách của giáo sĩ Gaspar da Cruz được xem như là quyển chuyên luận đầu tiên cống hiến cho người Tây phương một số lượng khổng lồ kiến thức về đất nước rộng lớn nầy. Trong đó ông đề cập đến mọi mặt : Lý do ông du hành đến Vương Quốc Khmer và Trung Hoa, địa lý và con người nước Trung Hoa, các tiểu quốc chung quanh nước Trung Hoa, sự rộng lớn và sự phân chia vùng, tỉnh, thành phố cũng như cách sắp xếp các quan cai trị của nước nầy, sự xinh đẹp, trang trọng của các dinh thự, nhà ở của các quan chức, nền buôn bán, kinh tế, thức ăn, thực phẩm và thói quen ẩm thực của người Hoa, cho đến cách đào tạo giới quan chức, về nhà vua, về sự kiểm soát chặc chẻ thần dân trong nước, kể cả hệ thống tòa án, sự kết tội, tra khảo, hình phạt đánh bằng roi đòn bằng tre, cách xử trí về những tội phạm bị án tử hình, và dĩ nhiên là giáo sĩ cũng không quên ghi lại các ảnh hưởng về tinh thần, tôn giáo, sự thờ cúng, lý do mặc nhiên về các trở ngại không thể vượt qua được của sự truyền giáo Phúc Âm tại nước nầy…v…v…

Chương cuối của quyển sách Gaspar da Cruz viết về sự thành lập thành phố Ormuz trên đảo cùng tên do ông lấy nguồn từ một bản biên niên sử do một vị vua của vùng nầy có tên là Pachaturunxa (1346 – 1377) viết bằng tiếng Ả Rập và do Gaspar da Cruz dịch sang tiếng Bồ Đào Nha trong thời gian ông phục vụ trên đảo Ormuz khoảng 3 năm (1560 – 1563).

Một người Tây Ban Nha tên là André de Burgos thiết lập xưởng in sách của ông ở thành phố Évora (Bồ Đào Nha) từ khoảng năm 1554, sau khi biết đến quyển sách của giáo sĩ Gaspar da Cruz, đã quyết định in và xuất bản quyển sách nầy bằng tiếng Bồ Đào Nha vào năm 1569 đến năm 1570 và hiến dâng sách cho vua Bồ Đào Nha Sébastien để quyển sách được sự ủng hộ và che chở của hoàng gia, từ đó sách được giới Tây phương biết đến.

Lúc đầu vì sách xuất bản bằng tiếng Bồ Đào Nha và vào năm có dịch bệnh lan truyền nên chưa được phân phối rộng rải khắp Âu Châu. Phải đợi đến năm 1625, một nhà văn nước Anh tên Samuel Purchas, đưa vào bộ sách « Purchas his Pilgrimes » của ông phần lớn nội dung sách của Gaspar da Cruz trong tập có tên là « A Treatise of China and the adjoining regions », dịch sang tiếng Anh, góp phần phổ biến rất rộng rãi tác phẩm của Gaspar da Cruz. Từ đó có đến biết bao nhiêu tác giả và ngay cả các nhà nghiên cứu viết luận án ở các trường Đại Học Âu Châu đã không ngần ngại trích đăng nội dung sách của Gaspar da Cruz trong các tác phẩm của họ, nâng cao sự hiện diện của quyển sách của ông vào thế kỷ 16 trở đi. Ngoài ra các bản in gốc của năm 1570 bằng tiếng Bồ Đào Nha được chú ý đến rất nhiều và đã được lưu chuyển không những ở Âu Châu mà còn có mặt đến tận các nước ở Mỹ Châu.

Trong đa số các tác phẩm đã dịch thuật và đăng lại nội dung quyển sách của Gaspar da Cruz, có vài quyển rất đặc sắc và được dùng làm tài liệu chuẩn cho các nhà nghiên cứu hay dịch thuật hiện đại, ta có thể kể ra :

« South China in the Sixteen Century – being the Narratives of Galeote Pereira, Fr. Gaspar da Cruz, Fr. Martin de Rada » của tác giả nước Anh tên Charles Ralph Boxer, xuất bản tại Luân Đôn (Londre) năm 1953.

« Tratado das Cousa da China”, của tác giả Rui Manuel Loureiro, xuất bản tại Lisbonne (Bồ Đào Nha) năm 1997, 2010 và 2021.

« Merveilles de la Chine », đây là một quyển sách rất quan trọng vì tác giả là một nhà nghiên cứu về biên niên sử của những nhà du hành Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha vào thế kỷ 16 và 17 ở Á Châu. Các tập du ký của các nhà du khách nầy là trọng tâm suy tư và chủ đề nhằm hiện đại hóa các phiên bản xưa vốn thường viết bằng tiếng Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, được dịch giả chuyển sang tiếng Pháp mới mẻ giúp người đọc dễ hiểu và dễ nghiên cứu nội dung sách. Dịch giả là một nữ giáo sư tên Charlotte ORTIZ xuất thân từ trường Ecole Normale Supérieure Lyon, tiến sĩ ngành nghiên cứu về lãnh vực tiếng Tây Ban Nha và đồng thời cô cũng giảng dạy tại trường đại học Sorbonne Paris, nước Pháp. Quyển sách « Merveilles de la Chine » là bản dịch từ tiếng Bồ Đào Nha của quyển sách gốc của giáo sĩ Gaspa da Cruz sang tiếng Pháp và được xuất bản tại Paris, Éditions Chandeigne (Collection Magellane Poche), năm 2022.

5-1731893439.jpg
Giáo sư, tiến sĩ Charlotte Ortiz hiện đang giảng dạy ở viện đại học Sorbonne nước Pháp, là dịch giả đã chuyển quyển sách tiếng Bồ Đào Nha của giáo sĩ Gaspar da Cruz (1570) sang tiếng Pháp giúp độc giả hiểu rỏ một cách chính xác hơn về cuộc đời và các cuộc du hành của giáo sĩ ở vùng Đông Nam Á vào thế kỷ 16.
6-1731893469.png
Trang bìa của quyển sách bằng tiếng Bồ Đào Nha của Gaspar da Cruz.
7-1731893489.jpg
Trang bìa quyển sách do Charlotte Ortiz dịch sang tiếng Pháp (2022) quyển sách viết bằng tiếng Bồ Đào Nha (1570) của Gaspar da Cruz

Đây là một quyển sách mà mình đã chờ đợi từ rất lâu vì bản thân từ khi khám phá ra Gaspar da Cruz là người thừa sai đầu tiên đến nước Việt Nam ta qua ngả vùng sau nầy trở thành trấn Hà Tiên, mình đã để tâm nghiên cứu rất nhiều tư liệu, chính giới hạn về ngôn ngữ khi tìm hiểu qua bản gốc bằng tiếng Bồ Đào Nha đã gây trở ngại lớn lao trong việc nầy, vì thế khi quyển sách được dịch từ tiếng Bồ Đào Nha qua phiên bản tiếng Pháp của Charlotte Ortiz vừa ra đời không lâu (2022), mình rất thích và chính quyển sách nầy đã giúp rất nhiều trong việc thảo ra bài viết hiện tại. Ngoài công việc dịch thuật nội dung chính xác tập du ký ở Vương Quốc Khmer và nước Trung Hoa với bao nỗi gian khổ của giáo sĩ Gaspar da Cruz, tác giả Charlotte Ortiz đã viết nhiều phần để giới thiệu nội dung quyển sách, tóm tắt các phần chính yếu, phân tích và nêu rỏ các điểm rất giá trị cũng như những phán đoán còn hơi chủ quan và mơ hồ của Gaspar da Cruz, thêm vào đó, phần tiểu sử rất chi tiết của Gaspar da Cruz sẽ giúp cho các tác giả hoặc các nhà nghiên cứu giáo sử ở Việt Nam sau nầy thống nhất và chỉnh đổi lại các niên biểu, nơi chốn trong cuộc đời của Gaspar da Cruz, vốn có rất nhiều sai lệch trong rất nhiều sách và tài liệu đã được phổ biến ra từ xưa đến nay (12).

 

Mời các bạn xem một vidéo do dịch giả Charlotte ORTIZ giới thiệu quyển sách « Merveilles de la Chine », bản dịch ra tiếng Pháp quyển sách xưa của giáo sĩ Gaspar da CRuz xuất bản năm 1570.
Charlotte Ortiz, traductrice des « Merveilles de la Chine » de Gaspar da Cruz, nous parle de ce traité, paru pour la première fois en 1570. Écrit par un frère dominicain de retour de voyage en Orient, ce livre nous renseigne sur le regard porté par les Européens de l’époque sur la civilisation chinoise, entre surprise, émerveillement et condamnation.

https://www.youtube.com/watch?v=-NjMlFSODwc&ab_channel=%C3%89ditionsChandeigne

E/ Chú thích :

(1) Đại Việt là danh hiệu của nước ta có từ đời nhà Lý tính từ năm 1054 đến năm 1400 và sau đó từ năm 1428 đến năm 1804. (từ năm 1400 đến năm 1407 nhà Hồ đổi tên nước là Đại Ngu, từ năm 1407 đến năm 1427 nước ta bị nhà Minh xâm chiếm và trở lại thành một tỉnh tên Giao Chỉ thuộc nhà Minh, đến khi vua Lê Lợi đánh thắng quân Minh năm 1428 và lập nhà Hậu Lê thì tên nước đổi lại là Đại Việt).

(2) Vào thế kỷ thứ 15, người Bồ Đào Nha nói riêng và người Tây phương nói chung vượt biển đến các nơi xa lạ chỉ để thực hiện hai mục đích, hai mục đích mà sử gia người Đức Felix Alfred Platter đã tóm gọn lại trong mấy chữ : « Hạt tiêu và các linh hồn ». (sách « Quand l’Europe cherchait l’Asie : Jésuites missionaires, 1541-1785 » của sử gia người Đức Felix Alfred Platter, nhà xuất bản Casterman, 1954.

(3) Lãnh thổ của trấn Hà Tiên dưới thời Mạc Thiên Tích vào năm 1757 rất rộng lớn bao gồm toàn bộ vùng đất hữu ngạn sông Hậu, kéo dài ra tới vịnh Thái Lan, rồi có cả một phần đất của Cambodge lên đến tỉnh Kampong Som với một phần của tỉnh Kampot, nói tóm tắt là từ vùng duyên hải Kampong Som xuống tới vùng mũi Cà Mau và qua vùng bờ biển phía đông trở lên tới Bạc Liêu, Cần Thơ, vì thế khi các sử gia cận đại viết giáo sử Việt Nam đã nói giáo sĩ Gaspar da Cruz tới vùng đất sau nầy trở thành trấn Hà Tiên và sẽ đi ngược lên nhánh sông Cửu Long để đến tận thủ đô của Vương Quốc Khmer thì không phải là không có căn cứ, tuy chỉ có điều nếu muốn xác định nơi ông đổ bộ lên bờ chính xác tại nơi nào thì không có tài liệu nào nói rỏ.

(4) Chaul, Goa, Cochin : các thành phố ở bờ Tây của lục địa Ấn Độ theo thứ tự từ Bắc xuống Nam. Thành phố Chaul ngày nay đã bị bỏ hoang, Goa vào thế kỷ 16 được xem như thủ đô của thuộc địa Bồ Đào Nha ở Ấn Độ, Cochin còn được viết là Kochi là nguyên nhân của tên gọi Cochinchine để chỉ một phần hay toàn phần nước ta tùy theo các thời kỳ khác nhau, người Bồ Đào Nha đặt ra tên Cochinchine (Cochin gần Chine) để phân biệt với thành phố Cochin (Kochi) của Ấn Độ.

(5) Thành La Bích, Loech, Lovek, Longvek là thủ đô trong khoảng thời gian 1525 – 1603 của Vương Quốc Khmer thời hậu Angkor, vị trí ở khoảng giữa của điểm cực nam hồ Tonle Sap và thành phố Phnom Penh.

(6) Có nguồn cho rằng thời vua Ang Chan đệ nhất trị vì trong khoảng 1515 – 1566, lúc Gaspar da Cruz đến Vương Quốc Khmer, đại đa số người Khmer theo Phật giáo nhưng vua Ang Chan đệ nhất là người theo đạo Bà La Môn (Brhamane).

(7) Quảng Châu (Canton hay Guangzhou) là thủ phủ và thành phố đông dân nhất của tỉnh Quảng Đông (Guangdong) ở phía Nam của nước Trung Hoa.Về dân số Quảng Châu được xếp thứ ba sau thành phố Thượng Hải (Shanghai) và Bắc Kinh (Pékin) của Trung Hoa.

(8) Trong một chương viết về cư dân Hồi giáo ở Trung Hoa và các trở ngại của việc truyền Phúc Âm ở đây, Gaspar da Cruz có nói rỏ là chỉ có một cách duy nhất mà người Tây phương có thể rao giảng đức tin ở Trung Hoa là phải xin phép của nhà vua Trung Hoa, phải cử một phái đoàn ngoại giao nhân danh vua nước Bồ Đào Nha, cùng đi theo một cách trang trọng phải có một đoàn giáo sĩ và không có người nào được mang vũ khí để chứng mình với vua Trung Hoa là đức tin Thiên Chúa sẽ không có gì là hại cho đất nước và chánh quyền của nhà vua mà ngược lại nhờ có đức tin đó, thần dân sẽ vâng lời nhà vua và mọi người sẽ tôn trọng luật pháp của nhà vua. Tuy nhiên trong hoàn cảnh lúc đó, Gaspar da Cruz không thể thực hiện được giải pháp nầy nên ông đành phải rời khỏi nước Trung Hoa.

(9) Quyển sách của Marco Polo được biết đến với nhiều hình thức, nhiều ngôn ngữ khác nhau cũng như tựa đề : Le Livre de Marco Polo, Le Devisement du monde, Le Livre des merveilles, …v…v…Ban đầu viết bằng tiếng Ý (1298), sau đó được viết lại bằng tiếng Pháp (1307). Tuy tác giả là Marco Polo nhưng do ông kể lại cho một nhà văn viết chuyện hiệp sĩ tên là Rustichello da Pisa viết ra khi hai người cùng bị giam trong tù khi có chiến tranh giữa hai thành phố Venise và Gênes (cả hai đều là thành phố của nước Ý ngày nay)

(10) Bản viết tay quyển sách của Galiote Pereira sau đó được kể lại bằng tiếng Ý trong một tập sách gồm các báo cáo của các giáo sinh dòng Tên năm 1565, từ bản tiếng Ý đó có được một bản dịch ra tiếng Anh do một cựu giáo sinh dòng Tên người Anh Richard Willis in ra sách năm 1577 và được in lại nhiều lần.

(11) Quyển sách của Gaspar da Cruz về nước Trung Hoa là một một tổng hợp đáng chú ý về kiến ​​thức được lưu truyền trong khu vực Á Đông này trên thế giới, là bản chuyên luận đầu tiên hoàn toàn dành riêng cho nền văn minh Trung Quốc. Sách cung cấp cho người đọc hiện tại một bức ảnh chụp nhanh về quan điểm của người Âu Châu về các nền văn minh Á Châu vào thời điểm “Những khám phá vĩ đại” vào thế kỷ 15 và 16. Tựa sách trong bản gốc bằng tiếng Bồ Đào Nha dịch qua tiếng Pháp như sau : « Traité où on narre de nombreuses singularités de la Chine, avec ses particularités, ainsi que du royaume d’Ormuz. Composé par le frère Gaspar da Cruz de l’ordre de saint Dominique. Dédié au très puissant Roi Sébastien, notre seigneur. »

(12) Trước đây khi bản dịch tiếng Pháp của quyển sách của Gaspar da Cruz chưa ra mắt (bản dịch tiếng Pháp xuất bản năm 2022), đại đa số thông tin về việc đến vùng đất thuộc Hà Tiên của giáo sĩ Gaspar da Cruz thường được ước lượng theo nhiều niên biểu khác nhau tùy theo nguồn sách và tác giả. Các tác giả xưa viết về giáo sử ở Việt nam thường lấy năm 1550 là năm giáo sĩ Bồ Đào Nha đến vùng Hà Tiên lúc đó còn thuộc Vương Quốc Khmer, thông tin nầy xuất phát từ quyển sách « l’Historia de las Misiones dominicanas en Tungkin » ( Lịch sử truyền giáo của dòng Đa Minh ở miền Bắc), viết bằng tiếng Tây ban Nha của giáo sĩ Marcos Gispert, xuất bản năm 1927-1928 ở thành phố Avila thuộc Tây ban Nha. Giáo sĩ Marcos Gispert người gốc Taragone thuộc Tây Ban Nha, ông vào tu viện Ocana năm 1880. Sau khi đến thủ đô Manille của Phi Luật Tân trong phái đoàn dòng Đa Minh, ông được cử đi truyền giáo ở miền Bắc Việt Nam năm 1888, ông ở lại miền Bắc nước Việt Nam hơn 35 năm, khi về Tây Ban Nha ông đã viết quyển sách nói trên, đó là quyển sách đã được các nhà viết giáo sử ở Việt Nam lấy làm tiêu chuẩn để đưa ra những thông tin trong sách của họ.

Nhà thám hiểm và sĩ quan Hải Quân Pháp Francis Garnier (1838 – 1873) cho rằng các giáo sĩ Đa Minh đến Vương Quốc Khmer vào năm 1553. Jean Moura (1827 – 1885) nhà thám hiểm, quản trị hành chánh và nhà nghiên cứu về Vương Quốc Khmer cho rằng Gaspar da Cruz đến Cambodge vào năm 1560.

F/ Sơ lược vài kiến thức bổ túc cho bài viết :

F1/ Thuật ngữ :

Hiện nay ta nên dùng từ ngữ nào để chỉ đạo thờ Đức Chúa Trời ?

Danh từ Kitô Giáo và Cơ Đốc Giáo bắt nguồn từ cách gọi tên và danh xưng mà con người thường gọi Chúa Jésus.

Jésus (sách xưa thường viết là Gia Tô hay Da Tô) là tên gọi có nguồn gốc trong tiếng Do Thái (Hebrew) và có nghĩa là « Đấng Cứu Rỗi » (Yehoshua).

Kitô là từ có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp (Khristós), từ ngữ nầy cũng được dịch từ tiếng Do Thái sang tiếng Hy Lạp, từ gốc Đo Thái có nghĩa là « Đấng được xức dầu » và khi dịch qua tiếng Anh thì có nghĩa là « Đấng Cứu Thế », dần dần từ Kitô trở thành một thành phần trong tên của Chúa thành Jésus Christ.

Hai từ Jésus và Christ khi được chuyển thành tiếng Hán Việt thì trở thành Gia Tô và Cơ Đốc, cho nên đạo do Đức Jésus Christ lập ra và giảng dạy thì được gọi là đạo Gia Tô (từ ngữ xưa), hay Kitô Giáo, Cơ Đốc Giáo, các từ nầy tuy viết khác nhau nhưng chỉ có cùng một nghĩa (Christianisme, Christianity).

Trải qua nhiều thế kỷ, có nhiều bất đồng nên có phong trào « ly giáo » tức là các giáo hội tách rời nhau, ta có thể nói các nhánh chính của Cơ Đốc Giáo (Kitô Giáo) như sau :

1/ Công Giáo La Mã (Église catholique romaine, Roman Catholic Church)

2/ Chính Thống Giáo Đông phương (Église orthodoxe orientale, Eastern Orthodox Church)

3/ Tin Lành (Protestantisme, Protestantism)

Thuật ngữ Công Giáo bắt nguồn từ từ ngữ Hy Lạp (katholikos)  và có nghĩa là chung, phổ quát, giáo hội Công Giáo có nghĩa là giáo hội phổ quát và hoàn toàn do Đức Giáo Hoàng lãnh đạo, đặt trụ sở ở Vatican thuộc thủ đô Rome của nước Ý.

Vào thế kỷ thứ 17 các giáo sĩ thuộc Giáo Hoàng La Mã đến Trung Hoa truyền đạo thì các ngài dùng tên gọi đạo của Thiên Chúa (Dieu, God) nên người Trung Hoa dịch ra chữ Thiên Chúa giáo (thật ra lúc đầu là Thiên Chủ giáo). Vì lúc đó các vị đi truyền đạo thường là linh mục thuộc Dòng Tên tức trực thuộc Đức Giáo Hoàng Công giáo La Mã nên từ ngữ Thiên Chúa giáo nầy cũng đồng nghĩa với Công giáo.

Khi đạo Thiên Chúa được truyền tới Việt Nam thì các giáo sĩ cũng dùng từ Thiên Chúa Giáo để gọi đạo của Đức Chúa Trời. Vì thế ta thấy tất cả các sách vở viết về nguồn gốc đạo Công Giáo ở Việt Nam xuất bản từ xưa đến thời cận đại đều dùng từ Thiên Chúa Giáo, mãi đến đầu thế kỷ thứ 20 mới có từ Công Giáo xuất hiện. Hiện nay nếu một người Việt Nam theo đạo của Đức Chúa Trời thì theo lời các vị linh mục, nên xem như đó là một người Công Giáo.

Tóm lại các từ ngữ « Kitô Giáo », « Cơ Đốc Giáo » là những từ rất xa xưa trong lịch sử đạo Thiên Chúa ở Việt Nam, ngày nay không còn được dùng nữa. Từ « Thiên Chúa Giáo » được dùng để chỉ đạo Công Giáo » trong thời gian từ thế kỷ thứ 17 đến hết thế kỷ thứ 19. Hiện tại dùng từ « Công Giáo » để chỉ nhánh của đạo theo Giáo Hội La Mã là hợp thời nhất và cũng đúng theo ý của các vị linh mục và giáo dân.

F2/ Các tên gọi Nam Triều, Bắc Triều, Đàng Trong, Đàng Ngoài, Nam Hà, Bắc Hà:

Trong khoảng các thập niên từ năm 1527 đến năm 1802, lãnh thổ nước ta (vào thời đó có tên là Đại Việt) bị chia cắt liên tục khiến cho tên gọi những vùng có các vua chúa chiếm cứ có những tên gọi khác nhau như : Nam Triều, Bắc Triều, Đàng Trong, Đàng Ngoài, Nam Hà, Bắc Hà.

Theo lịch sử, nước ta có hai thời kỳ họ Lê làm vua : thời kỳ thứ nhất gọi là thời Tiền Lê (thời nhà Lê trước) bắt đầu từ năm 980 với vua Lê Đại Hành cho đến năm 1009 vua cuối là vua Lê Long Đĩnh. Thời kỳ thứ hai gọi là thời Hậu Lê (thời nhà Lê sau), thời kỳ nầy bắt đầu từ năm 1428 Lê Lợi đánh tan quân Minh của Trung Hoa và lên ngôi tức vua Lê Thái Tổ, đặt tên nước là Đại Việt, lập thủ đô ở thành Thăng Long xưa (Hà Nội) lúc nầy được gọi là Đông Đô (sau đó đổi tên thành Đông Kinh, theo đó đến thế kỷ thứ 17 thời Trịnh Nguyễn phân tranh, người Tây phương gọi là Tunquin hay Tonkin để chỉ cả xứ miền Bắc) . Đến năm 1527 Mạc Đăng Dung cướp ngôi vua Lê Cung Hoàng, lập ra nhà Mạc (họ Mạc nầy hoàn toàn không có liên quan đến gia đình Mạc Cửu lập ra trấn Hà Tiên sau nầy), thời kỳ nầy còn gọi là thời Lê Sơ.

Đến năm 1533 đại thần nhà Lê là Nguyễn Kim phục hồi nhà Lê, lập vua Lê Trang Tôn, lấy thủ đô tạm ở Thanh Hóa còn được gọi là Tây Đô. Ngoài Bắc là lãnh thổ nhà Mạc được gọi là Bắc Triều, từ Thanh Hóa vào phía Nam tới vùng đất của Chiêm Thành là lãnh thổ của vua Lê với hai đại thần phò vua là Nguyễn Kim và Trịnh Kiểm, gọi là Nam Triều. Hai bên Nam Bắc Triều đánh nhau từ năm 1533 cho đến năm 1592, họ Mạc thua phải rút về Cao Bằng và còn cát cứ ở đó cho tới năm 1677 mới bị nhà Lê và họ Trịnh tiêu diệt hoàn toàn, chiến tranh Nam Bắc Triều chấm dứt.

Đồng thời trong thời kỳ nầy, năm 1558 Nguyễn Hoàng là con của Nguyễn Kim xin vào trấn thủ đất Thuận Hóa và bắt đầu gầy dựng cơ ngơi của nhà Nguyễn. Cuộc phân tranh Trịnh Nguyễn có mầm móng bắt đầu với cuộc chinh phạt của vua Lê và chúa Trịnh đối với họ Nguyễn (1627), khái niệm Bắc Hà và Nam Hà vẫn còn với sông Lam ở Nghệ An làm ranh giới hai bên.

Đến giai đoạn Trịnh Nguyễn thật sự đi vào chiến tranh (1627 – 1672), hai bên đánh nhau và kết cuộc đưa đến việc tạm đình chiến, lấy sông Gianh (Linh Giang) ở Quảng Bình làm ranh giới. Đến đây xuất hiện hai tên gọi Đàng Trong và Đàng Ngoài : Đàng Trong là lãnh thổ của Chúa Nguyễn, từ sông Gianh kéo dài qua các cuộc chinh phục đất đai Nam tiến, đỉnh cao là năm 1757, lãnh thổ mở rộng cho đến mũi Cà Mau. Đàng Ngoài từ sông Gianh trở lên phía Bắc thuộc vua Lê và Chúa Trịnh. Từ đây vì đã có nhiều sự tiếp xúc với người Tây phương, nhất là các giáo sĩ Công giáo nên dưới con mắt người nước ngoài, Đàng Trong được gọi tên là Cochinchine và Đàng Ngoài là Tonkin, họ cũng xem như là hai vương quốc khác nhau, mỗi bên đều có Chúa cai trị riêng mặc dù đều lấy danh hiệu phù Lê vì nhà Lê vẫn còn trên ngai vị ở ngoài Bắc.

Đến thời Tây Sơn bắt đầu khởi nghĩa và lần lượt xâm chiếm Đàng Trong của các Chúa Nguyễn, tính từ năm 1778 trở đi Đàng Trong bị chia cắt, cao điểm là từ năm 1785 Tây Sơn chiếm cả Đàng Trong, để phân biệt với lãnh thổ của Chúa Nguyễn trước đây, tên Đàng Trong được thay đổi là Nam Hà và Đàng Ngoài của vua Lê được gọi là Bắc Hà cũng với sông Gianh làm ranh giới và cũng là hai vương quốc riêng biệt.

Khi vua Quang Trung (Nguyễn Huệ) mất, nhà Tây Sơn bắt đầu suy yếu, Nguyễn Ánh chống lại quân Tây Sơn và dần dà thắng cuộc chiến tranh nầy, đến năm 1802 trở thành vua Gia Long, bắt đầu một sự nghiệp của nhà Nguyễn kéo dài đến năm 1945 mới chấm dứt chế độ phong kiến. Kể từ năm 1802, nước nhà thống nhất nên không còn hai danh xưng Đàng Trong và Đàng Ngoài nữa (tuy nhiên trong các tập du ký truyền đạo và các thư từ liên lạc do các giáo sĩ viết đều vẫn dùng hai tên Cochinchine và Tonkin). Sau đời vua Gia Long, vua Minh Mạng có thực hiện nhiều cuộc cải cách về hành chánh nên sau năm 1832 nước ta mặc dù thống nhất nhưng trên mặt địa lý chia làm 3 vùng có tên là Bắc Kỳ (Tonkin), Trung Kỳ (Annam) và Nam Kỳ (Cochinchine).

F3/ Dòng tu Công Giáo :

Dòng tu là một tổ chức thuộc Công Giáo, chuyên lo việc truyền đạo, hoạt động giáo dục, y tế, xã hội và cả về văn hóa. Đó là một tổ chức quy tụ những tu sĩ sống theo những quy tắc đã được định ra tùy theo mỗi loại dòng tu. Nguyên tắc chung là các tu sĩ gia nhập dòng tu thì phải khấn nguyện giữ ba điều : đó là vâng lời, sống nghèo khó và sống khiết tịnh. Ba điều nguyện nầy được khấn phải giữ suốt đời hay phải giữ trong một thời gian rồi khi mãn hạn phải khấn nguyện tiếp tục lại. Sau đây là sơ lược một số dòng tu đã có ảnh hưởng rất to lớn trong việc tiếp xúc và truyền đạo ở Đàng Trong (miền Nam) và Đàng Ngoài (miền Bắc) của nước ta.

F3-a/ Dòng tu Phan Sinh

Dòng tu Phan Sinh (Ordre des Franciscains), từ xưa gọi là Dòng Anh Em hèn mọn (Ordre des Frères mineurs), là một dòng tu Công Giáo do thánh François d’Assise thành lập năm 1209  tại nước Ý.

Thánh François d’Assise tên thật là Giovani di Petro sinh khoảng năm 1181 hoặc 1182 tại Assise, nước Ý (Italie) và qua đời ngày 3 tháng 10 năm 1226 cũng tại Assise, nước Ý. Sau khi ông mất chưa được 2 năm, ông được Đức Giáo Hoàng Grégoire IX phong thánh.

Năm 1209 thánh François d’Assise lập ra một đoàn huynh đệ dựa trên sự nghèo khó và sự rao giảng, qua năm sau 1210 Đức Giáo Hoàng Innocent III phê duyệt và hội đoàn nầy trở thành Dòng tu Anh Em hèn mọn. Dòng tu đặt trưng bởi sự cầu nguyện, niềm vui, sự nghèo khó, sứ mạng truyền giáo và tình yêu đối với tạo hóa thiêng liêng.

Tên của những vị linh mục thuộc dòng tu Phan Sinh thường được viết thêm các chữ tắt : O.F.M (Ordre des Frères Mineurs ; Order of Friars Minor).

F3-b/ Dòng tu Đa Minh

Dòng tu Đa Minh (Ordre dominicain) là một hội dòng tu Công Giáo do thánh Dominique de Guzman thành lập năm 1216 tại Toulouse, nước Pháp.

Thánh Dominique de Guzman sinh khoảng năm 1170 tại Caleruega, vùng Castille, nước Tây Ban Nha (Espagne). Trong một cuộc hoạt động truyền giáo  ở Lombardie, khi trở về Bologne (nước Ý), ông bị kiệt sức và qua đời ở đó vào ngày 6 tháng 8 năm 1221. Ngày 3 tháng 7 năm 1234 ông được Đức Giáo Hoàng Grégoire IX phong thánh.

Dòng tu Đa Minh ban đầu có tên là Dòng Anh Em thuyết giảng (Ordre des Frères Prêcheurs hay Ordre des Prêcheurs), sau đó được gọi theo tên thông dụng là Dòng Đa Minh. Đến năm 1217, dòng có lập ở thủ đô Paris một tu viện ở đường Saint-Jacques nên còn có tên là Jacobins. Dòng tu Đa Minh tôn trọng kiến thức, ý tưởng và sự lý luận, cho rằng sự suy tư, chiêm nghiệm sẽ dẫn đến đức tin. Các tu sĩ Đa Minh chỉ có một điều khấn nguyện là vâng lời người đứng đầu dòng tu. Ngoài ra hai lời nguyện chủ yếu khác là sống nghèo khó và tịnh khiết cũng được tuân thủ theo một cách mặc nhiên. Tu sĩ dòng Đa Minh sống gia nhập vào xã hội chứ không ràng buộc hay tự cô lập trong các tu viện.

Chính vào thế kỷ thứ 16, một tu sĩ dòng tu Đa Minh đã đến trước nhất ở vùng CanCao (Hà Tiên sau nầy) và vùng lân cận thuộc nước Cambodge để truyền giáo.

Dưới ảnh hưởng của cuộc cách mạng tư sản Pháp vào cuối thế kỷ thứ 18, dòng tu Đa Minh bị giải thể khỏi nước Pháp năm 1790 và được lập lại năm 1839.

Tên của những vị linh mục thuộc dòng tu Đa Minh thường được viết thêm các chữ tắt : O.P (Ordre des Frères Prêcheurs ; Order of Preachers).

F3-c/ Dòng tu Thánh Augustin

Dòng tu Thánh Augustin còn có tên khác là Dòng tu các ẫn sĩ Thánh Augustin (Ermites de Saint Augustin) hay là Dòng tu Âu Tinh, là một dòng tu Công Giáo được thành lập năm 1243 ở La Mã (Rome) nước Ý và sau đó được mở rộng do một cuộc họp lớn để phát triển dòng tu nầy vào năm 1256 cũng tại La Mã, nước Ý.

Sở dĩ dòng tu có tên Thánh Augustin là vì quy luật của dòng nầy bắt nguồn từ một bức thư do Thánh Augustin viết ra nhằm mục đích thiết lập ra các quy tắc sống chung và hoạt động của các tu sĩ. Nhiều thế kỷ sau có rất nhiều dòng tu dựa theo bức thư nầy của Thánh Augustin để lập ra quy tắc của các dòng tu đó.

Augustin d’Hippone sinh ngày 13 tháng 11 năm 354 (sau Công Nguyên) tai làng Thagaste, thuộc một tỉnh của chế độ La Mã ở Phi Châu, hiện nay nơi nầy có tên là Souk Ahras, nước Algérie. Ông là giáo viên dạy hùng biện ở Rome và Milan (nước Ý). Khi trở thành linh mục và giám mục ông thực hiện nhiều cuộc hành trình dài hạn để giảng đạo. Vào năm 430, ông ngã bệnh và qua đời ngày 28 tháng 8 tại thành phố Hippone thuộc một  tỉnh của chế độ La Mã, nay là Annaba, nước Algérie.

Tên của những vị linh mục thuộc dòng tu Âu Tinh thường được viết thêm các chữ tắt : O.S.A (Ordre de Saint Augustin ; Order of Saint Augustine).

F3-d/ Dòng tu Chúa Jésus

Dòng tu Chúa Jésus là một dòng tu Công Giáo do thánh Ignace de Loyola và một số bạn hữu (thánh François Xavier, thánh Pierre Favre,…)  thành lập năm 1539 tại Rome, nước Ý và được Đức Giáo Hoàng  Paul III chấp thuận năm 1540. Ban đầu là một giáo đoàn dành cho nam giáo sĩ, có tên chính là Compagnie de Jésus hay Society of Jesus.

Thánh Ignace de Loyola tên thật là Inigo Lopez de Loyola sinh năm 1491 tại Loiola thuộc vùng đất xứ Basque, nước Tây Ban Nha (Espagne), ông mất năm 1556 ở Rome nước Ý (Italie). Ignace de Loyola được phong thánh ngày 12 tháng 3 năm 1622.

Ban đầu dòng có tên là dòng Đức Chúa Jésus, dần dà theo sự phát triển truyền giáo ở Việt Nam trong thế kỷ thứ 19, người Công giáo Việt Nam gọi là Dòng Tên, có sự giải nghĩa là do tôn trọng Đức Chúa nên không gọi thẳng tên Chúa Jésus. Ngoài sứ mạng truyền giáo, dòng Tên còn hoạt động về giáo dục, nghiên cứu và thăng tiến văn hóa. Vào thế kỷ thứ 17 các thừa sai dòng Tên đầu tiên đã đến nước Việt Nam, nhất là ở Đàng Trong để hoạt động truyền giáo. Một trong những giáo sĩ nổi tiếng nhất thời đó là giáo sĩ Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes), người đã góp phần cùng các giáo sĩ Bồ Đào Nha (Portugal) sáng tạo ra chữ Quốc Ngữ của nước ta.

Vì có nhiều biến cố chánh trị của các triều đình các nước Âu Châu có liên quan đến dòng Tên, năm 1773 Đức Giáo Hoàng Clément XIV dưới áp lực của các nền quân chủ Pháp, Tây Ban Nha, Ý…bắt buộc phải giải tán dòng Tên. Đến năm 1814 dòng Tên được Đức Giáo Hoàng Pie VII thiết lập trở lại.

Tên của những vị linh mục thuộc dòng tu Đức Chúa Jésus thường được viết thêm các chữ tắt : S.J (Society of Jesus).

F3-e/ Hội thừa sai hải ngoại Ba Lê

Hội thừa sai hải ngoại Ba Lê (Missions étrangères de Paris), một số sách báo còn dùng tên Dòng Sai để chỉ hội nầy, ban đầu không phải là một tổ chức theo cách thức một dòng tu Công Giáo mà là một hiệp hội các tông đồ Công giáo có trụ sở tại Paris với mục đích là công việc truyền giáo ở các quốc gia không theo đạo Thiên Chúa, đặc biệt là ở Châu Á. Hội thừa sai Ba Lê được thành lập vào năm 1663 tại Paris, nước Pháp (France), bắt nguồn từ những vận động của giáo sĩ Alexandre de Rhodes ngay từ năm 1653.

Mục đích của Hội thừa sai Ba Lê lúc đầu theo ý của giáo sĩ Alexandre de Rhodes là xin giáo hội Công Giáo La Mã thiết lập trường đào tạo linh mục và giám mục để từ đó đưa đi vào các nước Châu Á thoát khỏi ảnh hưởng và quyền hạn của chánh quyền và giáo quyền Bồ Đào Nha. Các giáo sĩ có ảnh hưởng quan trọng trong bước đầu của hội gồm : Alexandre de Rhodes, Pierre Lambert de La Motte, François Pallu, Ignace Cotolendi, François Montmorency-Laval. Đến thập niên đầu của thế kỷ 20, Hội thừa sai Ba Lê mới chánh thức trở thành một tổ chức đúng nghĩa là một dòng tu của Thiên Chúa Giáo.

Alexandre de Rhodes sinh năm 1591 tại Avignon, nước Pháp (France) và mất năm 1660 tại Ispahan, thành phố thuộc nước Ba Tư (Perse, nay là Iran). Ông là một linh mục dòng Tên, hoạt động truyền giáo ở Viêt Nam và cũng là nhà ngôn ngữ học, thông thạo rất nhiều thứ tiếng. Chính giáo sĩ Alexandre de Rhodes đã phiên âm tiếng nói của tiếng Việt thành kiểu chữ viết theo mẫu tự La Tinh, sau đó đã trở thành chữ quốc ngữ Việt Nam. Ông cũng viết ra quyển tự điển đầu tiên Việt-Bồ Đào Nha-La Tinh do Thánh Bộ Truyền Giáo các Dân Tộc xuất bản tại La Mã (Rome) năm 1651.

Một giáo sĩ khác có ảnh hưởng ít nhiều đối với việc thiết lập nhà Nguyễn ở Việt Nam và là hội viên của Hội thừa sai hải ngoại Ba Lê là giáo sĩ Pigneau de Béhaine. Ông được cử đến chủng viện ở Hòn Đất thuộc trấn Hà Tiên năm 1767 và vì nhiều biến cố chánh trị, chiến tranh, đã có dịp tiếp xúc với tổng trấn Mạc Thiên Tích và cả với Chúa Nguyễn Phúc Ánh, từ đó ông theo giúp đở Nguyễn Ánh trong công cuộc phục hồi nhà Nguyễn.

----------------------------------------------

Tên của những vị linh mục thuộc Hội thừa sai Ba Lê  thường được viết thêm các chữ tắt : M.E.P (Missions Étrangères de Paris) .

Paris, Patrice Trần Văn Mãnh, bắt đầu viết ngày 26 tháng 7 năm 2023 và viết xong ngày chúa nhật 10 tháng 12 năm 2023.