Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Có Một Nền Luân Lý Kitô Giáo Hay Không

Administrator
2018-09-23 09:11 UTC+7 36
Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Đức Quang Giáo sư bộ môn Luân Lý: Đại Chủng Viện Thánh Giuse – Sài Gòn và Trung Tâm Học Vấn Đaminh (Viết theo “Is there Chritian Ethics?” của Dionigi Tettamanzi, trong Reading in Moral Theology no. 2, The Distinctiveness of Christian Ethics, do Richard A. McCormick, SJ. và Charles […]


Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Đức Quang
Giáo sư bộ môn Luân Lý: Đại Chủng Viện Thánh Giuse – Sài Gòn và Trung Tâm Học Vấn Đaminh

(Viết theo “Is there Chritian Ethics?” của Dionigi Tettamanzi, trong Reading in Moral Theology no. 2, The Distinctiveness of Christian Ethics, do Richard A. McCormick, SJ. và Charles E. Curran xuất bản 1980, trg. 20-60)

Ngày nay một trong những vấn đề được thần học luân lý lưu tâm cách đặc biệt, đó là nét đặc trưng của nền luân lý Kitô giáo đối với những nền luân lý thuần túy nhân bản. Khi tiếp cận đầu tiên với vấn đề này cách sâu sắc, ta liền tự hỏi : Nền luân lý Kitô giáo, được gọi là nền luân lý Mạc khải do Đức Giêsu giảng dạy và Giáo hội đề nghị, nó có khác biệt với nền luân lý nhân bản liên quan tới cuộc sống và phẩm giá con người không? Nếu câu trả lời là có, liệu ta có thể chỉ rõ sự khác biệt giữa hai nền luân lý đó? Nếu làm được là đã thành công trong việc phát hiện những đặc điểm “Kitô giáo” của nền luân lý này và nhờ đó tạo nên được khía cạnh riêng biệt và đặc thù của nó được không?
 
Không ai lại không biết rằng tầm quan trọng của vấn đề này ngày nay lại được người ta tranh cãi. Giải đáp được chuyện này là góp phần vào việc đặt nền tảng phê bình cho nền thần học luân lý. Vì thế ai cũng quá rõ là mỗi một bộ môn được yêu cầu đưa ra những định nghĩa chính xác về “căn tính”, nghĩa là bản chất và những vấn đề riêng biệt trong lãnh vực của mình. Tương tự như thế, vì là bộ môn đích thực và riêng biệt của đời sống luân lý Kitô giáo, nên người ta vẫn luôn luôn đòi buộc thần học luân lý định rõ nội dung qua việc nghiên cứu và định nghĩa đối tượng của mình. Thêm vào đó là những nghiên cứu khác liên hệ tới bối cảnh văn hóa – lịch sử của thế giới hiện nay về mặt Giáo hội lẫn mặt dân sự.
 
Nên có thể tìm hiểu vấn đề theo trình tự như sau:
 
1. Vấn đề trong bối cảnh văn hóa – lịch sử hiện đại.
 
2. Những câu trả lời chính được đưa ra cho vấn đề này.
 
3. Thử phân tích phê bình và đưa ra giải pháp.
 
I. VẤN ĐỀ TRONG BỐI CẢNH VĂN HÓA – LỊCH SỬ HIỆN ĐẠI
 
Cách chung, ta có thể khẳng định vấn đề nảy sinh mỗi khi Kitô giáo và luân lý Kitô giáo xét đến những hoàn cảnh văn hóa mới, thí dụ: ta có thể gợi lại giáo huấn luân lý của các thánh Giáo phụ thời các Tông đồ (ta gọi là Tông phụ), nhưng các nhà Hộ giáo buộc phải nêu bật tính chất mới mẽ của nền luân lý Kitô giáo đối với lý tưởng luân lý của thế giới phi Kitô giáo.
 
Ngày nay vấn đề lại được đưa ra lần nữa như góp phần riêng biệt của Kitô giáo để giải quyết những vấn đề luân lý mới mẻ của con người thời nay. Ở đây ta giới hạn trong việc mô tả những hướng đi phức tạp và khác biệt cả về lý thuyết lẫn thực hành. Chúng ta có thể phân ra làm 3 điểm sau đây :
 
1. Tiến trình tục hóa
 
Trong Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng số 4 và 7, Công đồng Vaticanô II thừa nhận tiến trình tục hóa đã ảnh hưởng và thay đổi sâu xa lãnh vực luân lý. Về mặt tích cực, một vài khía cạnh của tiến trình này có thể được giữ lại, nếu chúng ở lại trong giới hạn riêng biệt của mình.
 
a. Việc nhấn mạnh đến sự tự trị của con người có âm hưởng đến cách hiểu luân lý. Con người thời nay đặc biệt chú trọng, nhạy cảm với những giá trị nhân bản và tìm cách khám phá cũng như hiểu những giá trị này qua lý trí và kinh nghiệm của riêng mình. Ngược lại họ tỏ ra ít lưu tâm hay nghi ngờ, thậm chí còn chống lại những câu trả lời dứt khoát, mang tính quyền bính tôn giáo phát xuất từ những can thiệp mục vụ của Huấn quyền. Đối với những giá trị khác, ngay cả những giá trị luân lý, con người thời đại tục hoá muốn mình thoát khỏi sự canh chừng của tôn giáo. Với sự giúp đỡ của lý trí và kinh nghiệm của chính mình, họ tự giải quyết những vấn đề luân lý trong cuộc sống.
 
b. Hướng chung của tiến trình này là nhấn mạnh đến tính cách đặc trưng cho mọi vấn đề luân lý liên quan đến phạm vị kinh tế-xã hội, chính trị-xã hội trong hoàn cảnh lịch sử hiện tại. Đối diện với thách thức khổng lồ như chiến tranh, cách mạng, nghèo đói, những bất công xã hội đủ loại mang tầm mức toàn cầu, sự thặng dư dân số, thì liệu còn có thể dính dáng gì đến Tin mừng và Giáo hội, khi cả hai xem ra không chứa đựng những yếu tố riêng biệt và đặc thù để giải quyết vấn đề ? Ngay cả những người vô tín cũng phải đương đầu với những vấn đề như thế và họ dấn thân tìm ra giải đáp với một nhiệt tâm không kém gì những người có niềm tin. Do đó khi người Kitô hữu tiếp cận với người vô tín, nghĩa là với những “khả năng” khác với những khả năng có giá trị đối với người tín hữu, nếu ta đòi họ theo quan điểm của mình lại không phải là một yêu sách ngây thơ và cao ngạo sao ?
 
c. Với hiện tượng tục hóa, người ta sẽ đi đến nền thần học về cái chết của Thiên Chúa. Về mặt luân lý, sứ điệp của nền thần học như thế có thể được tổng hợp cách ngắn gọn và chính xác trong sứ điệp của lòng nhân ái: là người Kitô hữu chỉ có nghĩa đơn sơ là giống Đức Giêsu; Ngài là một con người vì người khác. Điều này có nghĩa Ngài là một người dấn thân sống yêu thương, kính trọng, khoan dung, công bằng, lương thiện… Nhưng nếu trong nền thần học tục hóa, luân lý Kitô giáo và lòng nhân ái giống nhau đến mức độ trùng khớp với nhau, thì chúng ta phải tự hỏi mình còn có thể nói cách chính đáng về tính “nguyên thủy” của nền luân lý Kitô giáo nữa không?
 
Vì thế trong bối cảnh tục hóa và dưới sự thúc đẩy của nền thần học về cái chết của Thiên Chúa, ta lại thấy nổi lên một lần nữa vấn đề sự hiện hữu của nền luân lý Kitô giáo.
 
2. Những vấn đề thần học
 
Vấn đề đặc điểm riêng của nền luân lý Kitô giáo liên hệ đến những vấn đề khác đang được tranh luận trong thần học. Ở đây ta chỉ tự giới hạn trong những ghi nhận rất ngắn gọn đối với mục tiêu ban đầu là phác thảo một bộ khung thần học tổng quát làm nảy sinh nền luân lý đặc thù Kitô giáo.
 
Trong những vấn đề thần học ảnh hưởng đến chủ đề tính đặc thù của nền thần học luân lý Kitô giáo, trước hết ta phải kể đến.
 
a. Nền luân lý hoàn cảnh (situation ethics) khích lệ những thần học gia công giáo nghiên cứu những giá trị luân lý tôn giáo của những hoàn cảnh. Những hoàn cảnh được hiểu như lời mời gọi cá vị (personnal) của Thiên Chúa trong tình huống độc nhất và không thể lặp lại được, xét về mặt xã hội cũng như trên bình diện cá nhân. Người tín hữu không chỉ suy diễn những mệnh lệnh luân lý từ những trang Tin mừng và những can thiệp của Giáo hội, nhưng còn từ những hoàn cảnh cụ thể, trong đó chính họ đang sống.
 
Tuy nhiên vẫn còn có cội nguồn chuẩn mực cụ thể cho đời sống luân lý. Nó đồng hành với những người Kitô hữu cũng như với những người phi-Kitô hữu trong chừng mực cả hai bên cùng chia sẻ một hoàn cảnh giống nhau.
 
Trong phạm vi của luân lý hoàn cảnh, ta còn phải nhấn mạnh đến “dấu chỉ thời đại” như Locus théologicus cho thánh ý Chúa, liên quan đến thái độ ứng xử của mỗi người. Nhưng đâu là phần đóng góp đặc thù và độc đáo của đức tin? Người Kitô hữu và phi – Kitô hữu có những khả năng giải thích và thực hiện giống nhau hay khác nhau không ?
 
b. Thêm vào đó là cuộc tranh luận mới đây về luật tự nhiên liên quan đến nội dung của luật tự nhiên và tính lịch sử của nó, hoặc liên quan đến thẩm quyền của Huấn quyền trong lãnh vực này.
 
Thông điệp Humanae Vitae rõ ràng nhìn nhận những nguyên tắc luân lý được nêu lên trong đó liên quan đến việc điều hoà sinh sản có thể được khám phá và hiểu dưới ánh sáng của lý trí suy tư về cuộc sống của con người, đồng thời Thông điệp này củng cố lại thẩm quyền của Giáo hội liên quan đến luật tự nhiên. Làm như thế Đức Phaolô VI không loại trừ nhưng kêu gọi sự suy tư thần học, nhưng sự suy tư này không thể né tránh câu hỏi sau đây: Thử hỏi Huấn quyền có thể có nguồn mạch nhận thức khác với lý trí nói chung để giải thích những vấn đề của luật tự nhiên và cách riêng để giải quyết những vấn đề không chứa đựng trong Mạc khải không ?
 
Ngay cả trong phạm vi này, ta cũng phải đối diện với vấn đề nét riêng biệt của nền luân lý Kitô giáo, ít là trong phần nội dung của luật tự nhiên. Trong lãnh vực luật tự nhiên thử hỏi người Kitô hữu và phi – Kitô hữu có cùng những khả năng để hiểu và giải thích và có được kêu gọi để sống cũng những giá trị luân lý như nhau không ? Liên quan đến điều hoà sinh sản hay một vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội nào đó, luân lý Kitô giáo có cái gì riêng biệt, đặc thù là “Kitô giáo” không ?
 
c. Ngay cả nỗ lực của vài thập niên trở lại đây cũng gặp phải vấn đề luân lý mang tính chất đặc thù Kitô giáo. Việc nghiên cứu Kinh thánh cho thấy ngày càng rõ nét nhiều chuẩn mực luân lý không thể được gọi là đặc thù ‘Kitô giáo’ như thế nào, vì đơn thuần chúng chỉ là sự thừa nhận những chuẩn mực luân lý của luật tự nhiên hay nhân luật (positive law) của môi trường văn hóa-lịch sử mà Sách Thánh có liên quan tới.
 
Khi thần học bàn luận đến những mối liên hệ:
 
– giữa đức tin và luân lý.
 
– giữa ý muốn Thiên Chúa với những đòi buộc luân lý.
 
– giữa ơn cứu độ siêu nhiên với tác phong thực hành của con người.
 
– giữa “chiều kích dọc” trong mối liên hệ với Thiên Chúa với “chiều kích ngang” của lòng yêu thương tha nhân,  thì vấn đề nét riêng biệt Kitô giáo nhất định sẽ nảy sinh.
 
Giải quyết được vấn đề bản chất riêng của luân lý Kitô giáo là rõ ràng có được chìa khóa cho vấn đề liên quan đến tính độc đáo của luân lý Kitô giáo.
 
3.      Lập trường Giáo hội
 
a. Sự kiện đầu tiên mang đầy ý nghĩa nhất là các Đức Giáo Hoàng khởi đi từ Đức Lêô XIII thường nhờ đến luật tự nhiên để giải quyết cho những vấn đề luân lý đa dạng về chính trị, kinh tế, xã hội. Những Thông điệp mang tính xã hội làm chứng cho điều này. Các Đức Giáo Hoàng giả thiết, thậm chí thừa nhận rằng những người “thiện tâm” đang trên con đường tìm kiếm và thấy được những giải pháp cho những vấn đề luân lý, nhờ vào những kinh nghiệm lý trí của riêng mình. Một lần nữa, người ta lại đặt ra câu hỏi: Cuối cùng nền luân lý Kitô giáo có cái gì riêng biệt và đặc thù cho những vấn đề kinh tế – xã hội, và chính trị – xã hội?
 
b. Sự kiện đầy ý nghĩa thứ hai đó là khái niệm và giải đáp mối tương quan giữa Giáo hội và thế giới được canh tân. Hiến chế GS nhận thức Giáo hội nhận được sự giúp đỡ từ thế giới hiện nay. Thế giới này có được sự tự trị chính đáng của riêng mình. Đàng khác Giáo hội tiếp tục khẳng định mình có sứ điệp riêng để nói với thế giới. Theo cách này, khái niệm canh tân mối liên hệ giữa Giáo hội và thế giới đặt ra một lần nữa một cách tận căn hơn: điều gì nói lên sứ điệp của Giáo hội cho thế giới như là “đặc điểm Kitô giáo” và qua đó nó phân biệt với di sản văn hóa của nhân loại.
 
c. Cuối cùng, việc thúc đẩy đại kết của Công đồng cũng được đề ra. Công đồng Vaticanô II kêu gọi sự cộng tác rộng rãi giữa các Giáo hội khác nhau trong việc giải quyết những vấn đề kinh tế và xã hội. Môät sự cộng tác như thế giả thiết những người Kitô hữu đồng ý với nhau. Trong một ý nghĩa nào đó, không đặt vấn đề họ thuộc các tôn giáo nào, mọi người đồng ý với nhau liên quan đến một vài giá trị và chuẩn mực.
 
II. NHỮNG CÂU TRẢ LỜI CHÍNH CHO VẤN ĐỀ
 
1. Tuần lễ Giới Trẻ trí thức công giáo Pháp lần thứ 28 (từ 2-8/3/1966)
 
Giá trị của tuần lễ này là đặt vấn đề cách công khai. R. Remond đã nhận định về tuần lễ này như sau: “Vài người muốn tranh luận về sự hiện hữu của luân lý tự nhiên, trong khi đó những người khác nhắm đến sự nghi ngờ không biết có một nền luân lý Kitô giáo phân biệt với nền luân lý chung cho mọi người không. Hai thuật ngữ luân lý tự nhiên và luân lý Kitô giáo được đặt ra trong cuộc tranh luận và được phê bình triệt để.” (x. Morale humaine, Morale chrétienne. Recherches et débats số 55, Brussels, 1966).
 
Có khoảng 30 người tranh luận (mà không phải tất cả đều là Kitô hữu) về vấn đề này. Dựa trên những trang tài liệu trong khóa họp về “Luân lý, siêu hình và tôn giáo”, ta lưu ý đến hai nhân vậït sau đây.
 
a. Jean Lacroix.
 
Ông là giáo sư triết học tại Lyon và là cộng tác viên của tờ báo Le Monde. Ông này có lập trường rõ ràng như sau: “Phát biểu rõ ràng về chuyện này ngay từ đầu, kết luận của tôi sẽ là chỉ có một nền luân lý, đó là nền luân lý nhân bản (human), nhưng Kitô giáo mang lại cho nó loại chiều kích nội tâm – mà tôi muốn định nghĩa như là nghĩa thứ hai – chiều kích này không thay đổi hay thêm thắt gì vào nền luân lý này.” (trg 124). Lacroix phủ nhận luân lý Kitô giáo có một nội dung riêng khi cho rằng luân lý Kitô giáo chỉ có “âm hưởng” trên đời sống luân lý của người tín hữu.
 
Rồi ông kết luận: “Nền luân lý nhân bản không thay đổi gì cả. Nó vẫn còn những khó khăn và hy vọng của mình. Nó đón nhận những chiều kích thẳng đứng mới. Kitô giáo không biến đổi nhưng chỉ định vị cho luân lý (trg 139). Cuối cùng, đó là mối liên hệ với Đức Giêsu Kitô chết và sống lại. Mối liên hệ này nói lên âm hưởng của Kitô giáo trên luân lý: “Nếu từ ngữ Luân lý Kitô giáo có ý nghĩa nào đó, thì chỉ có nghĩa là nền luân lý nàyđược sống trước mặt Đức Kitô, và dưới ân sủng của Ngài” (trg 140).
 
b. Jean Jacques Latour.
 
Ông này đem lại một viễn tượng thần học hơn. Theo ông, luân lý của người Kitô hữu mang một đặc điểm đó là biến cố Đức Giêsu Kitô chết và sống lại. Khởi đi từ sự kiện này và xử dụng ngôn ngữ của Karl Barth, ông khẳng định tính đồng thời và căn tính của lề luật và ân sủng, giới răn và lòng mến, bởi vì: “Đức Giêsu Kitô là vấn đề mà Thiên Chúa đặt cho tôi, như lời mời gọi và đòi hỏi, đồng thời cũng là câu trả lời Thiên Chúa ban cho tôi như giới lệnh và sự xét xử” (trg 152).
 
“Vì thế nền luân lý Kitô giáo là nền luân lý nói rõ những hậu quả sống còn việc Đức Giêsu Kitô tác động trên nỗi khát vọng con người” (trg 157).
 
Luân lý Kitô giáo nằm trong Tin mừng được coi như luật nội tâm của ân sủng và của tự do : “Tin mừng đích thực không bao giờ chỉ được đề nghị cho ta từ bên ngoài, nhưng là Tin mừng nội giới. Đây là nguyên lý đích thực và sâu xa của luân lý Kitô giáo. Tin mừng loan báo cho tôi sự tự do của tình yêu được thực hiện dưới hình thức lề luật” (trg 158-159).
 
2. F. Böckle: Tình yêu là điểm trung tâm của nét đặc trưng Kitô giáo
 
Khi ta tìm kiếm điểm riêng biệt của luân lý Kitô giáo, nhà thần học gia luân lý của Đại học Bonn đã tiến hành bằng hai cách. Trước tiên ông nhận dạng bất cứ điều gì rõ ràng là Kitô giáo và sau đó ông nghiên cứu những hậu quả kèm theo đối với luân lý Kitô giáo.
 
a. Ông trả lời câu hỏi: Điều gì phân biệt Kitô giáo? Với câu trả lời: chỉ mình Đức Giêsu Kitô mà thôi! Yếu tố làm nên nét đặc trưng Kitô giáo là biến cố cứu độ mà cùng với biến cố này Thiên Chúa mạc khải và thông ban tình yêu của Ngài trong Đức Giêsu Kitô. Duy nhất chỉ khởi đi từ Thiên Chúa và từ Đức Kitô. Từ tình yêu của Ngài mà con người có được phẩm giá và có thể đạt tới sự quên mình là điều tạo nên lòng yêu mến tha nhân. Đây là luận đề về nhân học mang tính thần học: Giá trị và phẩm giá của mỗi người trong chừng mực họ được Thiên Chúa yêu thương và cứu độ trong Đức Kitô. Một niềm tin vào tình yêu Thiên Chúa như thế hơn là tin vào lề luật thuần túy hay nguyên tắc luân lý đơn thuần, đây có thể được coi như cái mới của luân lý.
 
b. Yếu tố đặc thù này của Kitô giáo đưa đến một số những hậu quả cho nền luân lý Kitô giáo:
 
Theo ông hậu quả trước tiên là tuyệt đối loại trừ tận gốc mọi hình thức con người tự cứu độ chính mình.
 
Hậu quả thứ hai là điểm trung tâm của nét đặc trưng Kitô giáo là tình yêu. Chính bản thân của Mạc khải rõ ràng đề nghị lòng yêu mến Chúa và yêu tha nhân như “luật của lề luật”.
 
Hậu quả thứ ba chủ yếu liên hệ tới việc áp dụng giới răn yêu thương. Nhà luân lý chỉ có thể đưa ra ‘‘những chỉ dẫn” cho những ai quyết định một cách cá nhân và có trách nhiệm trong hoàn cảnh cụ thể của họ.
 
* Tuy nhiên nét đặt trưng Kitô giáo là đòi hỏi tận căn về tình yêu; đòi hỏi này chỉ có thể được hiểu nhờ nhìn ngắm mẫu gương của Đức Kitô. Khi hy sinh chính bản thân mình vì anh em với lòng yêu mến Thiên Chúa, ngài đã giao hòa nhân loại với Thiên Chúa, đồng thời Ngài mạc khải – thông ban cho con người sức mạnh đó để biến đổi thế giới.
 
3. A. Jousten: Nền luân lý tôn giáo và nền luân lý về Đức Ái
 
Jousten đã tự hỏi đâu là vai trò của việc loan báo Tin mừng và đặc biệt đâu là vai trò của Đức Kitô trong lãnh vực luân lý?
 
Liên quan đến điểm đặc trưng của luân lý Kitô giáo, ông đã tìm thấy được yếu tố riêng biệt trong hai sự kiện đó là nền luân lý tôn giáo và nền luân lý Đức Ái.
 
a. Yếu tố riêng biệt thứ nhất: Trước tất cả mọi sự, nền luân lý Kitô giáo chủ yếu là nền luân lý tôn giáo. Trên thực tế nó được đặt trong sứ điệp của Đức Giêsu là Đấng công bố Nước Chúa ngự đến. Ngài đã mạc khải ý nghĩa nguyên thủy của Thánh ý Thiên Chúa như chuẩn mực luân lý. Vì thế nền luân lý Kitô giáo mang chiều kích thẳng đứng: nó là lời đáp trả sự kêu gọi hiện tại của Đức Kitô. “Bề ngoài, nền luân lý mà người kitô hữu thực hành không khác với nền luân lý nhân bản, những lề luật và chuẩn mực mà họ tuân giữ không có gì khác hay bắt buộc phải khác với luật tự nhiên. Nhưng đối với người Kitô hữu, đời sống luân lý không chỉ là lời đáp trả ơn gọi làm người của họ; nhưng còn là sự đáp trả lời kêu gọi hiện tại của Đức Kitô. Vì thế đời sống luân lý diễn tả niềm tin vào Đức Kitô” (trg 427). Nên luân lý của người tín hữu chỉ mang tính Kitô giáo trong phạm vi Đức Kitô là Đấng sống động đang hiện diện trong đó và chỉ trông chờ ơn cứu độ nơi mình Ngài mà thôi. Tính độc nhất và đặc trưng của nền luân lý này nằm ở chỗ đó (trg 428).
 
b. Yếu tố riêng biệt thứ hai của nền luân lý Kitô giáo nằm ở giới răn yêu thương. Chính giới răn này tạo nên nội dung cho nền luân lý Kitô giáo. Rõ ràng đây là một dữ kiện được mạc khải, là “sự viên mãn” của lề luật do Đức Kitô thực hiện. Ngài đã thu gọn lề luật được viết ra vào thánh ý của Thiên Chúa và tập trung vào giới răn yêu thương. Ngài làm cho nó nên trọn hảo bằng chính sự thực hiện hoàn hảo của Ngài (W. Trilling).
 
Ở điểm này chúng gặp lại một vài nhận xét của Böckle: tình yêu đức ái là một nguyên lý hoạt động trong bối cảnh cụ thể của đức tin Kitô giáo. Nét đặc thù của luân lý Kitô giáo trong mối tương quan với luân lý tự nhiên nằm ở chỗ “đào sâu và triệt để hoá luật tự nhiên”; “không một người nào cảm nghiệm cùng một cường độ như Đức Giêsu những đòi hỏi của luân lý và tình yêu” (trg 437).
 
c. Cuối cùng kết luận của ông xem ra mang tầm quan trọng đặc biệt “Nền luân lý nhân bản hay nền luân lý Kitô giáo?” Cuối cùng ta tin rằng người ta chỉ có thể phác thảo một kết luận duy nhất: ta không nên đề ra một song luận, vì không nên loại trừ một trong hai yếu tố tùy thuộc lẫn nhau này.
 
Nói đến luân lý Kitô giáo là điều chính xác và xác đáng vì sự đóng góp độc đáo do bản thân Đức Giêsu đem lại. Nhưng đồng thời nền luân lý này cũng hoàn toàn nhân bản bởi vì nó mang tính chất Kitô giáo. Trong thực tế, Đức Giêsu mạc khải ‘‘ý nghĩa trọn vẹn’’ hoạt động của con người, và chương trình của Thiên Chúa đảm nhận và nâng cao – mà không làm biến đổi hay làm tan biến đi – tất cả những gì là nhân bản, kể cả những chuẩn mực luân lý tự nhiên. Nên ta phải nói rằng nền luân lý Kitô giáo chứa đựng nền luân lý tự nhiên và nhân bản (trg 440).
 
d. Kết thúc suy tư của mình, tác giả định rõ vai trò của Đức Giêsu trong luân lý Kitô giáo: Đức Kitô không phải đơn thuần là khuôn mẫu hay lý tưởng cho cuộc sống, nhưng Ngài là chuẩn mực ngoại tại và nội tại cho luân lý Kitô giáo. Trong thực tế người Kitô hữu sống đời sống kết hiệp với Đức Kitô, theo cách đó họ được chia sẻ đức ái của Người. Tuy nhiên, qui chiếu vào Đức Kitô mang tầm quan trọng vô cùng: ta làm điều tốt không chỉ để nên giống Đức Kitô, nhưng còn vì Đức Kitô muốn thế và cùng với Ngài  (trg 441).
 
4. J.M.Aubert: Tư tưởng của Thánh Tôma và Đức tin
 
Nét đặc trưng của luân lý Kitô giáo là chủ đề của hội nghị các giáo sư luân lý nói tiếng Pháp (Dreux, từ ngày
19-22.9.1969). Trong số những bài thuyết trình mang tầm quan trọng đặc biệt, ta chỉ đưa ra ở đây hai bài thuyết trình: một là suy tư mang tính lịch sử và một bài khác mang tính thần học do hai tác giả J.M.Aubert và R. Simon đưa ra.
 
a. Theo Aubert, Thánh Tôma đưa ra cho ta những yếu tố để giải quyết vấn đề khi nói về mối liên hệ giữa các nhân đức (luân lý) nhân bản với những nhân đức (thần học) trong Kitô giáo và giữa luật mới của Đức Kitô và nhân luật.
 
– Lập trường của Thánh Tôma: cùng một lúc bảo vệ tính nguyên thủy hay “đậm đặc” (density) của tự nhiên và sự tối thượng của lãnh vực thần học. Mối liên hệ giữa nhân đức luân lý- với vai trò của đức ái như mô thức của mọi nhân đức (caritas forma virtuum). Theo đó các nhân đức nhân bản không những là các phương tiện để đi đến Thiên Chúa nhưng còn là “những con đường của Đức Ái”.
 
– Tư tưởng trường phái thánh Tôma còn lưu tâm đến điểm thứ hai: mối liên hệ giữa luật mới với nhân luật, hay luật ân sủng với luật tự nhiên. Luật mới có nội dung là Đức ái, nó biến đổi cuộc sống con người đã mang nội dung luân lý rồi và đem lại một ý nghĩa mới cho cuộc sống đó. Vậy điều mới mẻ của giới răn yêu thương của Đức Kitô nằm ở chỗ nào? Nó có phải là điều mới mẻ liên quan đến luật tự nhiên hay không?
 
Phải hiểu điều mới mẻ này theo nghĩa lịch sử – Kinh thánh. Với tư cách là tạo vật, con người có mục tiêu là hướng về Thiên Chúa và yêu mến Ngài và yêu thương tha nhân là “hình ảnh Thiên Chúa”. Nhưng ta cũng phải nói tình yêu Kitô giáo, trong mối liên hệ với tình yêu tự nhiên, đòi hỏi tính mới mẻ tận căn. Tình yêu Kitô giáo nâng con người lên trên khả năng của họ và đưa họ vào trong sự thâm sâu của đời sống thần linh.
 
b. Dưới ánh sáng của học thuyết Tôma được tóm tắt ngắn gọn, Aubert thử giải quyết vấn đề nét đặc trưng của luân lý Kitô giáo bằng cách phân biệt những “nguyên nhân”  khác nhau (chất thể, cứu cánh, hiệu năng và mô thức) của hoạt động luân lý Kitô giáo.
 
– Nguyên nhân chất thể: chỉ có một nền luân lý, chung cho hoạt động được đức tin hướng dẫn lẫn hoạt động thuần túy con người. Điều này dẫn đến việc người ta không tìm kiếm nét riêng biệt của luân lý Kitô giáo.
 
– Nguyên nhân cứu cánh: Đức ái là mô thức của mọi nhân đức (forma virtuum), hướng dẫn toàn bộ đời sống luân lý, và mỗi hành vi luân lý.
 
– Nguyên nhân hiệu năng: nằm trong ân sủng như sự tham dự vào tình yêu Thiên Chúa.
 
– Nguyên nhân mô thức, hoặc yếu tố làm nên nét đặc trưng của luân lý Kitô giáo đó là đức tin.
 
* Kết luận là có “một sự đồng nhất chất thể” giữa đòi hỏi luân lý Kitô giáo với đòi hỏi được nhận biết bởi lý trí. Nhưng một sự đồng nhất hóa như thế lại không triệt tiêu “sự phân biệt mô thức”. Nói cách rõ nét hơn, đức tin như nguyên nhân mô thức của hoạt động luân lý.
 
5. R. Simon: Chức năng xây dựng và phê bình của luân lý Kitô giáo
 
Vấn đề tính đặc trưng của luân lý Kitô giáo đuợc một tu sĩ Salésien người Pháp là R. Simon tiếp cận với hai điểm bổ túc sau đây đó là mối liên hệ sáng tạo – cứu độ và mối liên hệ luật luân lý tự nhiên – luật ân sủng trong hai bài viết tựa đề ‘Spécificité de l’éthique chrétienne’ trong Le Supplément 1970, số 92, trg 70-104 và “Nouvelles orientation de la Morale chrétienne’ trong Supplément de la Vie Spirituelle, 1968, số 87 trg 491-494.
 
a. Sự tiếp cận thần học thứ nhất:
 
Mối liên hệ tạo dựng – cứu độ dự định “qui về một mối” trong Đức Giêsu Kitô của Thiên Chúa (Cl. 1,16) dẫn đến sự khẳng định: mọi điều gì thuộc về con người đều được Đức Kitô đảm nhận. Qua việc nhập thể, Ngôi Lời đảm nhận thân phận con nguời, ngay cả trong chiều kích luân lý của nó.
 
Trước tiên, ta phải khẳng định mỗi hoạt động của con người đều mang viễn tượng “siêu nghiệm”, trong mức độ nó đòi hỏi một định hướng về Thiên Chúa là “Đấng là sự viên mãn trong tất cả”. Điều này được phản ánh trong luân lý. Con người được mời gọi nói lên lập trường theo hay chống lại Thiên Chúa (chọn lựa siêu nghiệm). Ý nghĩa của điều vừa nói trên đó là: con người là một thụ tạo được mời gọi đến ơn cứu độ trong Đức Kitô, họ được dẫn đến quyết định phải đáp lại những mời gọi đến từ Đấng Tuyệt Đối, là Thiên Chúa.
 
– Kế đến, ta có thể đặt câu hỏi : Có luân lý Kitô giáo hay không ? Simon trả lời vừa có lại vừa không:
 
* “Không, bởi vì theo một nghĩa nào đó đức tin không tự mình thay thế luân lý với mục đích đem đi khỏi luân lý điều nó phải làm và điều nằm trong thẩm quyền của nó…
 
* Có, theo nghĩa tác động của đức tin hoặc theo kiểu nói của J. Lacroix, âm hưởng của đức tin trên nền luân lý nhân bản, làm cho nền luân lý này thay đổi ý nghĩa bằng cách đưa nó hội nhập vào nhiệm cục cứu độ. Nhiệm cục này định vị con người liên hệ tới lời mời gọi đến từ Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô” (trg 81). Kết quả là ta có thể hiểu tại sao “chức năng của luân lý Kitô giáo không phải là thêm vào nền luân lý nhân bản cho bằng mạc khải nền luân lý nhân bản về chính bản thân nó, trong chiều kích thần linh liên hệ đến Thiên Chúa” (trg 82).
 
b. Sự tiếp cận thần học thứ hai:
 
Ông xác định bản chất riêng của luân lý Kitô giáo khi nghiên cứu mối tương quan giữa luật tự nhiên và luật ân sủng. Theo sát suy tư của B. Schuller, ông cho rằng luật tự nhiên là trung gian cần thiết để hiểu luật ân sủng theo cách loại suy, tính chất mới mẻ của luật ân sủng không nằm trong nội dung các giới luật, nhưng đúng hơn nằm ở sự kiện Thiên Chúa can thiệp vào đời sống con người. Đến mức độ như thế, thì về mặt tác phong luân lý, giới luật tự nhiên cùng một lúc trở thành giới luật ân sủng.
 
Vì thế trong mối liên lạc giữa luật tự nhiên và luật ân sủng ta lại tìm thấy mối liên hệ giữa bình diện sáng tạo và bình diện cứu độ. “Cuộc sống và hoạt động của người Kitô hữu không khác cuộc sống và hoạt động của người khác. Nhưng chỉ khác một điều, cuộc sống và hoạt động của con người, nhờ ân sủng, lại trở thành cuộc sống của người tín hữu. Họ là người sống trong và nhờ Đức Kitô. Cuộc sống và hoạt động của họ hướng mở đến tương lai tuyệt đối. Niềm hy vọng của đức tin đảm bảo cho điều này” (trg 87).
 
c. Từ điều trên ta có thể gom lại thành ba chức năng của nền luân lý Kitô giáo:
 
– Chức năng xây dựng: đức tin không chỉ tỏ lộ những giới luật liên hệ tới những “dữõ kiện” được mạc khải, nhưng còn tỏ lộ những giới luật của luật tự nhiên. Thêm vào đó đức tin đi vào lãnh vực cụ thể bằng cách đưa ra ánh sáng chiều kích cánh chung của luân lý.
 
– Chức năng thứ hai là phê bình hay chức năng phản kháng lại thế giới và tội lỗi của nó. Cái chết của Đức Kitô cho thấy không thể có bất cứ liên minh nào giữa Thiên Chúa và những ngẫu tượng thế gian (trg 95).
 
– Cuối cùng tác giả trình bày những thái độ Kitô giáo chủ yếu được tìm thấy trong tinh thần nghèo khó, thái độ vâng phục theo Tin mừng, cuộc sống yêu thương tha nhân. Những thái độ này cho thấy tầm ảnh hưởng của mạc khải trên cuộc sống và hoạt động của người Kitô hữu. Đây là vấn đề kiến tạo cuộc sống và lương tâm của người Kitô hữu nhờ tiềm lực và năng lực của đức tin. Qua đó, họ đưa ra lời giải đáp mang tính nhân bản và Kitô giáo trước những hoàn cảnh đổi thay của thế giới hiện đại (trg 103).
 
6. J. Fuchs: Tính chất ý hướng Kitô giáo
 
a. Nhà thần học luân lý nổi tiếng người Đức của Đại học Gregorianna ở Roma đã khởi đi từ sự phân biệt bên trong hoạt động luân lý Kitô giáo.
 
Trên hết là khía cạnh siêu nghiệm, theo đó người Kitô hữu trao phó trọn vẹn chính bản thân mình cho Thiên Chúa, Đấng kêu gọi họ trong Đức Giêsu Kitô (đây là ý hướng chọn lựa cơ bản).
 
Rồi đến khía cạnh phạm trù cá biệt, qua đó họ diễn đạt và sống trạng thái sẵn sàng hoàn toàn của chính bản thân (total disposition of self) trong những hành động cá nhân. Chính ở đây, những giá trị, nhân đức và chuẩn mực đặc thù tìm thấy được sự ứng dụng.
 
Theo sự phân biệt này, Fuchs khẳng định người ta tìm thấy yếu tố Kitô giáo nơi quyết định nền tảng của người Kitô hữu, họ chấp thuận đáp trả tình yêu của Thiên Chúa trong Đức Kitô… “Tính ý hướng Kitô giáo” được hiểu như quyết định hiện tại đối với Đức Kitô và Cha của Đức Giêsu Kitô. Nó hiện diện cách ý thức trong thái độ ứng xử luân lý mỗi ngày. Ý hướng này được coi như yếu tố quan trọng và đặc trưng nhất của nền luân lý Kitô giáo” (x. Existe una morale christiana ?) (Brescia, 1970; trang 13-44).
 
b. Bởi vì “tính ý hướng Kitô giáo” cho phép và hoàn thiện thái độ ứng xử cá biệt của người Kitô hữu, nhưng lại không xác định nội dung của nó, nên vấn đề vẫn mở ngỏ xem nội dung đặc trưng của luân lý người Kitô hữu có rõ ràng là mang tính Kitô giáo và có khác biệt với luân lý của một người bình thường hay không ? Phát biểu theo cách này, Fuchs đã giải quyết vấn đề bằng cách tái khám phá trong luân lý đặc trưng Kitô giáo cả khía cạnh nhân bản lẫn khía cạnh Kitô giáo.
 
– Tính cách nhân bản đến trước tiên: “Luân lý Kitô giáo tự bản chất mang tính nhân bản, vì thế nó là nền luân lý của nhân loại” (trg 20). Một lần nữa người ta tìm thấy chứng từ trong giáo huấn của thánh Phaolô (x. Rm. 2,1tt; 12,1; 1Cr. 10,32; 1Tx. 4,12) và của thánh Tôma, theo ngài Đức Kitô không thêm một giới răn luân lý mới nào vào trong “bộ luật luân lý” của nhân loại (x. Summa Theologica, I-II, 102,2).

– Tính cách Kitô giáo: Mặt khác trong lối ứng xử đặc trưng của người Kitô hữu cũng có chất Kitô giáo: các vấn đề như Đức Kitô và Chúa Thánh Thần hoạt động ở trong ta, cộng đoàn Kitô hữu, Giáo hội phẩm trật, các bí tích: ‘‘chúng ta nhìn nhận và chấp nhận mình có mối liên hệ với những thực tại này bằng đức tin. Mối liên hệ này tạo nên một phần của cuộc sống chúng ta’’ (trg 29).

c. Nhưng làm thế nào những thực tại Kitô giáo đó có thể hướng cách ứng xử của ta vượt xa hơn tính chất nhân bản? Fuchs nói đến tầm ảnh hưởng kép:

– Những thực tại này như động lực thúc đẩy mang tính Kitô giáo, chúng thông truyền một ý nghĩa sâu sắc và phong phú hơn cho tính chất nhân bản (như giáo huấn của thánh Phaolô liên quan đến sự chân thực và đức ái: Ep. 4,15; 1Cr. 6,12-20), và kêu gọi phát huy mọi hành vi nhân bản đích thực.

– Những thực tại này như nội dung trong đó gồm cách hiểu và sống từ bỏ, việc vác thập giá, chọn lựa sống trinh khiết và thái độ vâng phục sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

( Cuối cùng, về vấn đề nền luân lý Kitô giáo cho người phi Kitô hữu, Fuchs theo luận đề nổi tiếng của Rahner “Kitô giáo vô danh” (hay người tín hữu vô danh) và khẳng định người duy nhân bản vô thần có thể có “tính ý hướng Kitô giáo”. Quả thực người ta có thể không nhìn nhận, thậm chí là chối bỏ tính ý hướng như thế trên bình diện nhận thức phản tỉnh – minh nhiên (reflexive-thematic awareness), nhưng người ta có thể lại sống điều đó trên bình diện nhận thức phi-phản tỉnh và phi-minh nhiên (non- reflexive and non- thematic awareness).

7. Charles E. Curran: Nền luân lý “Kinh nghiệm của con người”

Nét đặc trưng của nền luân lý Kitô giáo về “xã hội” là một khía cạnh đặc biệt được một số những thần học gia lưu tâm trong đó có Curran. Người ta không thể khám phá nét riêng biệt của luân lý Kitô giáo dựa trên nền tảng lịch sử (vì nó không làm chứng cho phần đóng góp đặc thù vào nội dung của luân lý xã hội).

a. Theo truyền thống vấn đề được tranh cãi về thuật ngữ luật tự nhiên. Người ta thường coi điều tự nhiên không chỉ là phân biệt với, nhưng còn tương phản với điều siêu nhiên.

– Nền thần học Tin lành phái Luther đã chọn cách tiếp cận tương tự khi đưa ra lý thuyết hai vương quốc (điều này tương ứng với sự phân biệt giữa sự sáng tạo và cứu chuộc, giữa lề luật và Tin mừng). Lối tiếp cận luật tự nhiên và lý thuyết hai vương quốc dẫn đến việc chối bỏ nền luân lý đặc trưng Kitô giáo đối với cơ cấu xã hội và những thể chế.

– Trường phái theo K. Barth (có R. Niebuhr, D. Bonhoeffer, P. Lehmann) phản ứng chống lại sự phân chia giữa tay phải và tay trái của Thiên Chúa, giữa sáng tạo và cứu chuộc, giữa luật và Tin mừng. Họ nhấn mạnh đến vị trí trung tâm của Đức Kitô trong đời sống luân lý (Ngôi Lời Thiên Chúa cũng một lúc vừa là Tin mừng vừa là lề luật). Thì với Nhất nguyên thuyết qui Kitô, họ đi đến việc loại trừ vai trò của lý trí và kinh nghiệm đích thực của con người như phương thế tiếp cận đối với suy tư Kitô giáo về vấn đề luân lý.

b. Do đó, Curran không đồng ý với những lối tiếp cận trên và giải quyết vấn đề tính đặc trưng của luân lý Kitô giáo bằng cách phủ nhận sự phân rẽ giữa luân lý Kitô giáo với luân lý nhân bản. Ông đưa ra hai lý do:

– Thứ nhất khi nghiên cứu cực chủ quan của thực tại nhân loại, nói nôm na là con người, ông bác bỏ ý kiến có sự khác biệt đặc thù giữa người Kitô hữu và phi Kitô hữu. Lý do đó là ước muốn cứu độ mang tính phổ quát của Thiên Chúa theo Thần học công giáo truyền thống giải thích, hoặc theo lý thuyết của Rahner về “người Kitô hữu vô danh hay tiềm ẩn”.

–  Thứ hai là cực khách quan của cuộc sống người Kitô hữu, nói nôm na là thế giới. Curran cũng đi tới một kết luận tương tự. Theo ông, thế giới không hoàn toàn bị biến dạng bởi tội lỗi và không bị tay trái của Thiên Chúa điều khiển. Bầu khí “tự nhiên” cũng không tuyệt đối phân biệt khỏi điều “siêu nhiên”, nhưng nó được ơn cứu độ của Đức Kitô thấm nhuần toàn diện và liên hệ đến cuộc sống tương lai cánh chung. Vì thế ta phải khẳng định mối liên hệ giữa sáng tạo và cứu chuộc theo nghĩa sự cứu chuộc đưa sự sáng tạo đến sự hoàn thành chung cuộc. Thế thì chất Kitô giáo không đối nghịch với chất con người, cũng không hoàn toàn tách biệt khỏi chất con người, nhưng người Kitô hữu đưa chất con người đến chỗ hoàn thiện (x. GS. Số 22 và 23).

– Kết luận, không có nền luân lý đặc trưng Kitô giáo: “Hiển nhiên việc nhìn nhận Đức Giêsu là Chúa ít nhất đụng chạm đến ý thức của cá nhân và sự phản tỉnh minh nhiên của họ về ý thức, nhưng người Kitô hữu và phi – Kitô hữu có thể đi đến những kết luận luân lý tương tự; họ có thể có cùng những hành vi luân lý, cùng một trạng thái sẵn sàng, cùng một mục đích và một kết quả… Với ý nghĩa rõ ràng, tôi chối bỏ sự hiện diện của một nền luân lý đặc trưng Kitô giáo: tức là những người phi Kitô hữu có thể đi đến những kết luận luân lý tương tự và cũng cùng coi trọng những ý định, mục đích, hành vi như người Kitô hữu… Chối bỏ sự hiện hữu của một nền luân lý đặc trưng Kitô giáo đơn thuần chỉ có nghĩa là những người khác chưa gắn bó với Đức Kitô, thậm chí chưa nghe nói về Ngài: Họ không chỉ có thể đi đến cùng một quyết định luân lý trong những phạm vi đặc biệt, mà còn có thể có cùng những trạng thái và thái độ như niềm hy vọng, tự do, lòng yêu thương tha nhân đến mức hy sinh bản thân mình như người Kitô hữu” (trg. 54-55).

c. – Vì lý do này, Curran theo GS số 46 nói đến “Kinh nghiệm của con người”. Ông tránh sự phân chia truyền thống giữa Tin mừng và lý trí, giữa luật Tin mừng và luật tự nhiên. Kinh nghiệm con người trong thế giới hiện nay gồm những yếu tố thuộc về phạm vi nhập thể, cứu chuộc và định mệnh phục sinh, cũng như những yếu tố thuộc phạm vi sáng tạo và tội lỗi.

– Kết luận nghiên cứu của ông liên quan đến chiều kích cánh chung của luân lý: “Điều thực sự thuộc về con người thì cũng kèm theo khái niệm cứu chuộc và định mệnh phục sinh. Nhưng vẫn còn đó nguy cơ quên đi chiều kích siêu việt và cánh chung của nền luân lý thực sự nhân bản. Trong những điều kiện hiện nay, thần học luân lý và những Giáo hội Kitô giáo. nhấn mạnh đến viễn tượng cánh chung của nền luân lý Kitô giáo. Điều này nhắc lại tầm quan trọng của nhân đức Cậy’’ (trg 57).

8. a. Những phát biểu nêu trên được cho rằng là có ý nghĩa nhất trong việc tranh luận về vấn đề nét riêng biệt của luân lý Kitô giáo. Việc nhìn lại tư tưởng của các tác giả (mặc dầu ngắn gọn nhưng trung thực) đưa ra ánh sáng những điểm đồng ý hoặc giống nhau, cũng như những điểm khác biệt, và những phương pháp khác biệt kèm theo, những viễn tượng nghiên cứu khác nhau, và những điểm cần minh xác hơn. Ta có thể nói những tác giả trên đều khẳng định mối liên lạc giữa luân lý và Kitô giáo là lịch sử ơn cứu độ trong Đức Kitô.

b. Trong việc nghiên cứu xa hơn về ý nghĩa ơn cứu độ của Đức Kitô đối với con người và hoạt động luân lý của họ, những tác giả này cho thấy ít nhiều khác biệt sâu sắc, vì những mối quan tâm khác nhau của họ:

– Một vài tác giả tập trung vào việc thiết lập những nguyên lý linh hứng tối hậu cho hoạt động luân lý Kitô giáo (đức tin, cậy, mến).

– Những tác giả khác lại chú tâm hơn đến nội dung chất thể của hoạt động này (giới răn mến Chúa yêu người).

– Còn những người khác nghiên cứu những mức độ khác nhau của chiều sâu cá nhân đưa đến những nghĩa vụ luân lý.

– Cuối cùng là những người nhắc đến những hậu quả đặc trưng của Kitô giáo trên luân lý (sự hiệp nhất giữa tình yêu và giới răn, mối liên hệ giữa luật tự nhiên và luật ân sủng, chức năng phê bình của luân lý, việc hiểu và chỉ sống những giá trị luân lý đặc biệt như sự khiết trinh, chấp nhận thập giá).

Bây giờ ta thử đánh giá cách phê bình những tư tưởng của những tác giả vừa nêu ở trên và đưa ra một vài đường lối chỉ dẫn cho việc giải quyết vấn đề nét riêng biệt của luân lý Kitô giáo.

III. THỬ PHÂN TÍCH PHÊ BÌNH VÀ ĐƯA RA GIẢI PHÁP

Ấn tượng đầu tiên khi đọc những tư tưởng của những tác giả vừa nêu đó là họ bỏ qua, hay không định nghĩa nội dung cách rõ ràng và đầy đủ những từ ngữ gặp phải: luân lý Kitô giáo, luân lý nhân bản. Vì thế, ta có thể ghi nhận ý nghĩa tổng quát, thậm chí là những khác biệt về thuật ngữ trong cuộc tranh luận. Mối liên hệ giữa hai nền luân lý và việc tìm kiếm nét đặc trưng của luân lý Kitô giáo cũng tối thiểu không thể có được nếu trước tiên không phân biệt xác đáng giữa những khái niệm khác biệt về luân lý Kitô giáo và nhân bản, dựa vào đó để so sánh. Vì thế cần làm sáng tỏ các khái niệm.

1. Làm sáng tỏ các khái niệm

a. Luân lý Kitô giáo là luân lý được Thiên Chúa mạc khải cho loài người trong Đức Giêsu Kitô và được Giáo hội đề xuất. Liên quan đến nền luân lý này là tĩnh từ “Kitô giáo” hiểu theo nghĩa bao hàm toàn diện – nó có thể dùng để chỉ cách chi tiết ba khía cạnh phân biệt đôi chút. Ta có thể gọi nền luân lý Kitô giáo là:

– nền luân lý có liên quan tới mẫu gương và giáo huấn của Đức Giêsu Kitô.

– hay liên quan đến toàn bộ Mạc khải của Thiên Chúa cho nhân loại.

– hoặc cuối cùng là nền luân lý được Giáo hội của Đức Giêsu đưa ra.

* Ở đây ta có thể nói đến nền luân lý Kitô giáo theo nghĩa bao hàm toàn diện này.

b. Luân lý nhân bản là nền luân lý về con người và phẩm giá của con người. Nhưng cách diễn tả vẫn còn quá chung chung. Với lưu tâm làm cho rõ nét hơn, ta cần phải đưa ra ba nội dung hay ý nghĩa nền tảng về luân lý nhân bản. Nó có thể chỉ ý nghĩa:

– Nền luân lý “tự nhiên” theo nghĩa chặt của từ ngữ, điều này có nghĩa là một nền luân lý riêng cho con người trong mức độ đó là con người thuần túy tự nhiên; nghĩa là họ không bị đưa vào lãnh vực siêu nhiên.

– Nền luân lý nhân bản có thể được đặt chung lại với nhau theo khái niệm nhân học vô thần về con người hoàn toàn nội tại và độc lập, không hướng về Thiên Chúa.

– Nền luân lý đặt nền tảng trên cuộc sống đích thực của con người như là một người (không quan tâm đến sự kiện cuộc sống của họ là một con người chỉ được thực hiện trong phạm vi siêu nhiên và chỉ trở thành “con người mới” trong Đức Giêsu Kitô) và có thể được nhận biết qua những đòi hỏi của nó nhờ lý trí con người (ở đây không quan tâm đến sự kiện điều này được ân sủng siêu nhiên trợ giúp).

* ( Chỉ có ý nghĩa thứ ba là chấp nhận được. Nghĩa thứ nhất không thể chấp nhận được vì chỉ có sự hiện hữu của lãnh vực lịch sử mà thôi. Ý nghĩa thứ hai cũng không chấp nhận được vì con người chỉ có thể được định nghĩa trong tương quan với Thiên Chúa về mặt hữu thể học.

( Tuy nhiên ta làm cho ý nghĩa thứ ba được rõ nét hơn. Đối với chúng ta luân lý nhân bản là luân lý mô tả những đòi hỏi (hoặc những vấn đề) mà lý trí con người có thể khám phá như riêng biệt của con người. Nên ở đây ta khảo sát lý trí của con người trong khả năng “tự nhiên” của nó để nhận biết những điều chân thiện.

c. Những nhận xét vừa nêu cho thấy bản tính con người, mà nền luân lý nhân bản có liên hệ, có thể được xem xét theo hai viễn tượng siêu hình và lịch sử:

– Theo viễn tượng thứ nhất, những yếu tố của con người là “tuyệt đối”, theo nghĩa nếu không có chúng thì con người không còn là con người nữa (natura ut sic).

– Còn viễn tượng thứ hai nghiên cứu những yếu tố “bất tất” của con người theo nghĩa hiện sinh và lịch sử (natura ut hic).

d. – Thế thì hiện nay khi tranh luận về mối liên hệ giữa luân lý Kitô giáo và luân lý nhân bản người ta hiểu bản tính con người như thế nào? Câu trả lời liên hệ đến nét riêng biệt của luân lý Kitô giáo, hay căn bản hơn nó liên hệ tới sự hiện hữu thực sự của nền luân lý Kitô giáo (và nhìn dưới một quan điểm khác, câu hỏi có thể như thế này: có nền luân lý nhân bản hay không ?). Câu trả lời thay đổi khác nhau tùy theo việc hiểu khác nhau về bản tính con người .

– Hơn nữa nền luân lý nhân bản và luân lý Kitô giáo có thể được nghiên cứu theo những khía cạnh hay mức độ khác nhau:

( Nền tảng hữu thể học (sự hiện hữu của con người và của người Kitô hữu).

( Nội dung khách quan (những đòi hỏi phát xuất cách khách quan từ cuộc sống của con người và của người Kitô hữu).

( Nền tảng lý trí (lý trí thuần túy hay lý trí được đức tin soi dẫn là sự đón nhận Lời Chúa).

( Sự hiện thực chủ quan (luân lý được hiểu không phải là một lời đề nghị của lý tưởng luân lý, nhưng là sự nhập thể vào cuộc sống luân lý cụ thể).

* Khi ta thảo luận về mối liên hệ giữa luân lý nhân bản với luân lý Kitô giáo ta phải xem xét những khía cạnh khác biệt vừa nên ở trên.

2. Đề nghị một giải đáp cho vấn đề

Trước tiên ta nhắc lại những khía cạnh chính yếu của luân lý Kitô giáo: “Câu hỏi mà người Kitô hữu tự đặt ra cho mình trước tiên không phải là người Kitô hữu khác như thế nào (so sánh với người phi Kitô hữu, tôi có cái gì hơn? Sự kiện là người Kitô hữu có thêm gì cho tôi ?), nhưng có khác là ở chỗ Căn tính Kitô giáo ?” Ở đây chúng ta chỉ lưu tâm đưa ra một loạt những chủ đề và việc triển khai những chủ đề này. Chỉ như thế mới có thể làm cuộc so sánh giữa luân lý Kitô giáo với luân lý nhân bản và câu trả lời sẽ không còn khó khăn, nhờ việc làm sáng tỏ các khái niệm ta vừa nêu ở trên.

a. Luân lý Giao ước

Đối với chúng ta xem ra khía cạnh nền tảng và quyết định tối hậu của luân lý Kitô giáo là giao ước giữa Thiên Chúa và con người. Luân lý Kitô giáo phát xuất từ sự kiện lịch sử của Giao ước và cũng dẫn đưa ta đến đó.

Trước hết điều này có nghĩa luân lý có điểm xuất phát là sự kiện lịch sử được xác định rõ. Nó thách đố kinh nghiệm sống của mọi người và mỗi người. Một sự kiện như thế vừa phức tạp vừa nhất thống:

– Phức tạp vì đây là toàn bộ lịch sử cứu độ ở những thời điểm biểu lộ khác nhau “từ Ađam, Abel người công chính đến người được tuyển chọn cuối cùng” (Lumen Gentium, số 2).

– Nhất thống:

( Vì Đức Giêsu, là giao ước hóa thành người. Ngài “tổng hợp” và là “trung tâm” của lịch sử cứu độ. Lịch sử này được tổng kết và tập trung nơi Ngài và được phát xuất từ Ngài (Gaudium et Spes, số 45). Nói rõ ràng hơn, sự kiện lịch sử này là chính Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa nhập thể đã chết và đã sống lại. Nơi Ngài Giao ước giữa Thiên Chúa và loài người đạt đến sự hoàn thành và “mầu nhiệm giao hoà” được thực hiện cách đặc biệt (2 Cr. 5,17-21).

( Nếu luân lý khởi đi từ sự kiện lịch sử giao ước giữa Thiên Chúa và con người trong Đức Giêsu Kitô, thì một trong những khía cạnh nền tảng của luân lý được làm sáng tỏ ngay. Người ta không thể giản lược luân lý Kitô giáo vào việc khám phá lý thuyết và thực hành một ý tưởng trừu tượng, một giá trị cá biệt hay một lề luật đơn giản. Luân lý Kitô giáo được biến đổi vào trong mối tương quan liên vị, cuộc gặp gỡ thực sự và riêng tư, cuộc đối thoại giữa các ngôi vị.

( Luân lý Kinh thánh không khởi đi từ “bản tính”, từ “suy tư thuần lý” về bản tính và những đòi hỏi luân lý của nó, nhưng từ “lịch sử” cứu độ, từ “đức tin”. Chắc chắn điều này không có nghĩa chối bỏ “bản tính” và “suy tư thần lý” về bản tính nhưng những giá trị đó phải được hội nhập vào trong giá trị của lịch sử cứu độ và đức tin.

( Sự kiện lịch sử Giao ước diễn đạt và hiện thực hóa mối liên hệ tình yêu cứu độ giữa Thiên Chúa và con người trong Đức Giêsu Kitô. Nơi Ngài là Đấng chết và sống lại, agape của Cha đối với Người Con yêu dấu và đối với mọi người được mạc khải và thông ban, cũng như agape của Chúa Con và của nhân loại trong Ngài đối với Chúa Cha.

( Điều này dẫn đến chuyện vì có liên quan đến Giao ước cứu độ mà luân lý Kitô giáo chủ yếu là một loại đặc biệt về đối thoại mang tính tôn giáo. Vì thế ơn gọi là một phạm trù diễn đạt hay nhất về vấn đề này như Vaticanô II đã nhắc trong Optatam Totius, số 16. Từ “ơn gọi” nhấn mạnh đến đặc tính đối thoại của luân lý. Nó không chỉ bác bỏ nền luân lý tự hoàn thiện bản thân, qua đó con người vun trồng những giá trị của mình mà không qui chiếu về Thiên Chúa, nhưng còn nhấn mạnh đến nét đặc trưng của nền luân lý đối thoại.

( Đây là vấn đề đối thoại trong đó hai bên “không có ngang hàng với nhau”, không chỉ vì Thiên Chúa là Đấng có sáng kiến kêu gọi con người, từ đó con người không ai lại không thể “đáp lời”, nhưng trên hết còn vì đây là lời mời gọi của Thiên Chúa, Đấng làm cho con người có khả năng và nghĩa vụ phải trả lời.
( Con người “có thể” và “phải” trả lời Thiên Chúa bởi vì rõ ràng họ bị Thiên Chúa thách đố với lời kêu gọi. Ngài không gởi đến lời kêu gọi này cho con người đã được hoàn thành, nhưng nó lại là nhân tố tạo thành chính con người (“kẻ lắng nghe Lời”).

Cuộc đối thoại mang tính luân lý, trong mức độ xuất phát từ Giao ước. Nó giới thiệu chính mình như là cuộc đối thoại cứu độ. Theo nghĩa này, luân lý Kitô giáo mang một chiều kích tôn giáo nội tại. Được biểu thị và trình bày bởi Giao ước, ơn cứu độ là thành quả độc quyền của tình yêu nhưng không của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô. Vì liên hệ tới ơn cứu độ, nên luân lý phải loại bỏ việc con người đòi hỏi tự đủ cho mình.

b. Ơn cứu độ của Thiên Chúa và luân lý

– Mạc khải thì rõ ràng và không thay đổi trong mối liên hệ với sự kiện lịch sử ơn cứu độ của Thiên Chúa và nghĩa vụ luân lý của người được cứu độ:
( Cựu ước không bao giờ chán việc trình bày magnalia Dei như là danh nghĩa bắt buộc làm cho Israel có những hành vi luân lý. Sự hiện diện hành động của Giavê trong lịch sử Israel trên thực tế đặt nền tảng cho luân lý của người Do Thái. Tân Ước tự định vị mình vừa tiếp tục vừa có điểm mới liên hệ tới điều vừa nói.

( Tân ước tiếp tục khẳng định cách ứng xử luân lý là lời đáp trả của con người trước sự can thiệp cứu độ của Thiên Chúa. Nhưng có điều mới mẻ ở chỗ từ nay trở đi lời đáp trả phải được thực hiện trong Đức Kitô, bởi vì Ngài là sự mạc khải trọn vẹn và là việc thể hiện hoàn hảo sự can thiệp cứu độ của Thiên Chúa. Chân lý này được chính Đức Kitô loan báo: “Thời kỳ đã mãn, và triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin mừng” (Mc. 1,15). Sau đó chân lý này được các Tông đồ đề cập đến: đối với Phaolô, cuộc sống luân lý của người Kitô hữu được đặt trên nền tảng Phép Rửa của Đức Kitô (Rm. 6, 3-5), còn đối với Gioan cho thấy làm thế nào tình trạng hữu thể mới của người tín hữu  (là kẻ được sinh ra bởi Thiên Chúa và là con cái của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô) lại là nền tảng cho đời sống luân lý : “Ai nói rằng mình ở lại trong Người, thì phải đi trên con đường Đức Giêsu đã đi” (1Ga. 2,6).

– Điều này dẫn đến việc suy diễn: những yếu tố đặc trưng của nền luân lý Kitô giáo rõ ràng được tìm thấy trong công trình cứu độ của Đức Giêsu Kitô, nó là nền tảng cho nền luân lý này. Nên ơn cứu độ siêu nhiên tự giới thiệu như “cuộc giải phóng” khỏi tội lỗi và Satan, và như “sự thông ban” đời sống thần linh cho con người. Theo cách này, ơn cứu độ của Đức Giêsu Kitô chạm đến cách sâu xa toàn bộ hữu thể con người, cho nên cũng chạm cả đến nghĩa vụ luân lý của họ. Nó không chỉ giải thoát họ khỏi những giới hạn do tội lỗi gây ra, nhưng còn mở ra cho con người những chân trời mới, có liên quan đến mục tiêu siêu nhiên mới được đặt ra trước mặt họ.

( Trước hết ơn cứu độ của Đức Giêsu Kitô là sự giải phóng khỏi tội lỗi. Điều này dẫn đến việc trong khi nghiên cứu luân lý, ta không thể bỏ qua khía cạnh đầu tiên của tình trạng lịch sử của con người (mọi người và mỗi người): đó là tình trạng trong tội. Tội lỗi làm suy yếu nỗ lực luân lý bằng cách bộc lộ hai trở ngại. Tội lỗi như “bóng tối” (Ga. 8,12) và như “sự lừa dối” (1Ga. 1,6; 2,4; và 4,20). Nó làm mờ đi nội dung chuẩn mực của giá trị luân lý, và như một hình thức nô lệ cho Satan, nó làm yếu đi sức mạnh thúc đẩy của giá trị luân lý.

Luân lý Kitô giáo là thành quả và là đòi hỏi của ơn cứu độ giải thoát của Đức Giêsu Kitô. Nền luân lý này nhận thức và công bố cho mọi người rằng con người lịch sử tội lỗi không thể và không đủ để biết và thúc đẩy giá trị luân lý theo cách thế hoàn hảo. Chắc chắn ta không thể giản lược toàn bộ nội dung luân lý Kitô giáo vào sự giải phóng khỏi tội lỗi, Satan, xác thịt, sự chết và nô lệ. Nhưng nó vẫn còn là khía cạnh chủ yếu của ơn cứu độ và điều này được gọi là “âm hưởng” đầu tiên của Giao ước trên luân lý Kitô giáo.

( Ơn cứu độ trong Đức Giêsu Kitô là sự thông ban đời sống thần linh. Đây là việc nâng con người lên bình diện siêu nhiên cho tham dự vào cuộc sống nhận biết và yêu mến Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Vì chỉ có một cùng đích được ban cho con người, đây không phải là cùng đích “tự nhiên”, nhưng là cùng đích “siêu nhiên”, nên ta phải khẳng định rằng trong phạm vi giả thiết thân phận hư mất vì tội lỗi, với nỗ lực luân lý của riêng mình, con người không thể đạt tới cùng đích được đề ra cho họ.

( Vì thế ta hiểu rõ: ơn cứu độ liên quan hoàn toàn tới luân lý, tự nó luân lý có thể là sự điều chỉnh của con người để đạt tới cùng đích của mình, nhưng chỉ bằng cách khởi từ ơn cứu độ. Từ đó trở đi chỉ có một con đường được ban cho con người để được cứu độ đó là Đức Giêsu Kitô và cũng chỉ có Ngài là con đường duy nhất cho đời sống luân lý: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống; không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” (Ga. 14,6).

( Ý nghĩa tối hậu của luân lý trở thành theo và bắt chước Chúa Kitô. Ngài chu toàn cách hoàn hảo thánh ý Chúa Cha và phục vụ Chúa Cha, đặc biệt trong việc hy sinh chính bản thân mình. Chỉ vì yêu mến Thiên Chúa và các anh em của Ngài; qua việc thực hiện hoàn hảo ý muốn của Chúa Cha, Ngài “kiện toàn” lề luật (Mt. 5,17).

( Rõ ràng điểm mới mẻ của luân lý Kitô giáo nằm ở chỗ này: sự vâng phục của Đức Kitô đối với Chúa Cha, sự ngoan ngoãn vâng phục và yêu mến của Người tôi tớ của Giavê từ nay trở đi, ngang qua ân sủng, nó trở thành “mẫu gương” và “nguồn mạch” cho sự vâng phục của người tín hữu đối với thánh ý Thiên Chúa.

Sự đáp lời mang tính luân lý của người tín hữu đối với chương trình cứu độ của Thiên Chúa là “sự minh bạch hóa” và là “sự tái hiện thực hóa” sự vâng phục của Đức Kitô: chỉ trong “cùng và qua” Đức Kitô, việc đáp lời cách hiếu thảo đối với Chúa Cha trở thành có thể được một cách hạnh phúc và việc đáp lời của mọi người Kitô hữu trở thành bắt buộc một cách khẩn trương.

c. Biện chứng giữa lề luật và tự do

Như kết quả của ơn cứu độ trong Đức Kitô, nét đặc trưng của luân lý Kitô giáo là giải pháp độc đáo cho biện chứng giữa lề luật và tự do. Từ thánh Phaolô đến thánh Tôma, truyền thống đã nhấn mạnh đến điều này cách đặc biệt: luật và tự do được giải quyết ở trong ân sủng; hay đúng hơn, ân sủng là luật mới cho người tín hữu (Rm. 8, 2) và cũng là nguồn mạch của tự do (Gl. 5, 1 ; 2Cr. 3, 17).

– Ơn sủng là tự do: ân sủng “trao ban” tự do và đồng thời “đòi hỏi” sự giải thoát. Không những “mục tiêu” của Lex gratiae là sự tự do, nhưng nó còn tạo nên nội dung cho tự do nền tảng và siêu nghiệm. Nó như “linh hồn” của sự tự do cá biệt.

– Ơn sủng là lề luật : Thần khí của Đức Kitô “soi sáng đôi mắt tâm hồn” (Ep. 1,17-18; Dt. 6,4) và hướng dẫn chúng ta thực hiện ý muốn của Thiên Chúa (1Cr. 2,10 tt).

Tình trạng của tội lỗi trong lịch sử làm cho mối liên hệ giữa tự do và lề luật luôn nằm dưới dấu chỉ biện chứng và xung đột. Mối liên hệ này là khó khăn nếu không muốn nói là bất khả giải quyết.

Ơn sủng được ban như sự “giao hòa” và “hiệp nhất” cho con người “bị phân hóa” giữa tự do và lề luật. Đây không phải chỉ là vấn đề tái khám phá sự hiệp nhất, nhưng còn là vấn đề đào sâu hai thực tại đang được tranh cãi. Trong thực tế sự tự do của người tín hữu nằm ở nơi sự phục vụ Thiên Chúa và tha nhân (1Cr. 7,22), và lề luật tiếp theo sau, nó ràng buộc tính hữu trách của con người với sức mạnh của tình yêu.

d. Bác ái, đức tin và ý hướng Kitô giáo

Khi nhận diện nét riêng biệt của nền luân lý Kitô giáo, các tác giả nói đến giới răn yêu thương (Bưckle, Jousten), đức tin (Aubert, Simon) và tính ý hướng Kitô giáo (Fuchs). Ta đưa ra những nhận xét về vấn đề trên như sau.

– Hiển nhiên ở đây tình yêu là agape phát xuất từ Thiên Chúa và được Thánh Thần của Đức Kitô đổ vào trong tâm hồn chúng ta. Cho nên đó là tình yêu “siêu nhiên” dành riêng cho “con cái Thiên Chúa”. Thêm vào đó ta nói đến “giới răn” yêu thương hay “luật” của người Kitô hữu. Từ ngữ “giới răn”, và “luật” được quy chiếu về tình yêu theo nghĩa loại suy. Ta đề nghị nói đến đức ái như “luật nền tảng” hay khía cạnh siêu nghiệm của cuộc sống luân lý Kitô giáo. Nó được diễn đạt trong những luật lệ hay giới luật khác nhau. Theo nghĩa này, đức ái không thể bị giản lược vào một giới luật, hay một giá trị luân lý đặc thù. Đức ái nằm ở “trên” (chứ không nằm ở ngoài) mọi luật đặc thù khác; hơn nữa những luật đặc thù lại “làm trung gian” cho đức ái. Điều này nói lên “kiểu mẫu” liên hệ giữa đức ái và các giá trị khác.

Người ta có thể giải quyết vấn đề đức ái như nét riêng biệt của luân lý Kitô giáo bằng cách theo những chỉ dẫn của truyền thống Kitô giáo, chúng liên hệ đến mối tương quan giữa lex gratiae và giới luật. Giới luật trình bày rõ những đòi hỏi “khách quan” của ân sủng, giống như những giới luật khác nhau của luật tự nhiên diễn đạt những đòi hỏi thuộc về con người. Đây không phải là “nhận diện, chia cắt, đối kháng” giữa luật ân sủng và các giới luật, nhưng chỉ đem lại mối liên hệ nội tại và khách quan cho chúng mà thôi.

– ( Rồi ta nói đến đức tin đem lại yếu tố “mô thức” cho luân lý Kitô giáo. Đức tin không thay đổi những mệnh lệnh luân lý, nhưng ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động luân lý nơi người Kitô hữu. Nhưng bằng cách nào? Đơn thuần nó làm sáng tỏ ý nghĩa việc đức ái ở trong hành vi được thực hiện cùng với đức tin. Thêm vào đó, đức tin làm cho hoạt động luân lý của người Kitô hữu được tự do khỏi cơn cám dỗ tuyệt đối hóa những cứu cánh trần thế (chức năng “phê bình” của luân lý Kitô giáo). Nó còn làm giàu cho hoạt động luân lý này bằng sự hiểu biết và thực hiện những giá trị đặc biệt như thập giá, khó nghèo, trinh khiết và dễ bảo đối với Thánh Thần (chức năng “kiến tạo” của luân lý Kitô giáo).

( Cần định rõ tốt hơn khái niệm đức tin như nguyên nhân mô thức của hoạt động luân lý Kitô giáo. Thử hỏi đức tin có bị giới hạn vào trong việc “mạc khải” cho người sở hữu nó “sự hiện diện của đức ái trong hành vi luân lý” ? Hoặc thử hỏi đức tin có biến đổi người tín hữu bằng cách “tạo nên” tính chất mới mẻ cho họ và cho hành động của họ không ? Điều này có nghĩa đức tin phổ biến ơn cứu độ siêu nhiên. Ơn cứu độ này làm cho hoạt động luân lý được tự do khỏi những giới hạn của tội lỗi và mặt khác ơn này nới rộng hoạt động luân lý bằng cách làm cho nó phù hợp với những hành vi và hành động mới mà chỉ mình chúng mới có thể đưa con người tới mục đích siêu nhiên. Cho nên ta nói đức tin không chỉ là “mạc khải”, nhưng còn là sự cứu độ.

* Hơn nữa ta có cảm tưởng những từ ngữ “đức ái”, “đức tin” được người ta sử dụng mà không phân biệt những ý nghĩa khác nhau của chúng: đôi khi chúng nói đến “nội dung”, lúc khác chúng nói đến “sự gợi hứng” cho hoạt động luân lý; đôi lúc chúng được hiểu theo nghĩa “mệnh lệnh” (categorial), và những lúc khác chúng lại được hiểu theo nghĩa “siêu nghiệm”. Theo nghĩa cuối cùng, chúng có khuynh hướng thế cho nhau như Fuchs nói đến tính ý hướng Kitô giáo.

– Liên quan đến tính ý hướng Kitô giáo mà Fuchs cho là yếu tố đầu tiên trong nét riêng biệt của luân lý Kitô giáo, ta cho rằng cần nhấn mạnh quyết liệt đến “sự phụ thuộc lẫn nhau” giữa khía cạnh “siêu nghiệm” với khía cạnh “cá biệt”, không chỉ liên quan đến “động lực thúc đẩy”, nhưng còn liên quan tới cả “nội dung” nữa. Điều này đòi hỏi một nghiên cứu kép.

( Trước tiên ta nói đến mối liên hệ giữa hữu thể và hành động trong mức độ hành động tỏ lộ và hiện thực hóa hữu thể. “Tính mới mẻ” làm nên điểm đặc trưng của người Kitô hữu đó là “tạo vật mới trong Đức Kitô” phải được người ta nhìn trong “tính mới mẻ” của hành động.

( Thêm vào đó ta còn nhắc đến mối liên hệ giữa động lực thúc đẩy và nội dung chất thể của hành động. Việc nghiên cứu nội dung chất thể của hoạt động luân lý của người Kitô hữu và người Phi-Kitô hữu rõ ràng là điều chính đáng và bắt buộc: Nó là sự khám phá ra “vấn đề” .

( Vấn đề nét riêng biệt của luân lý Kitô giáo được nhiều thần học gia giải quyết theo nghĩa: nét riêng biệt nằm ở chỗ “ý hướng” hơn ở mức độ nội dung. Việc đó dẫn đến nguy cơ nghiên cứu cách trừu tượng hoạt động luân lý của con người. Điều này xem ra mang tính quyết định hơn nếu ta chấp nhận đức tin (đức ái, tính ý hướng Kitô giáo), chúng không chỉ có chức năng “tỏ lộ”, nhưng còn có chức năng “biến đổi” người tín hữu trong cuộc sống và hoạt động cụ thể của họ.

e. Kết luận

– Câu trả lời cho vấn đề nét riêng biệt của luân lý Kitô giáo nằm ở ân sủng của Đức Kitô là lex nova cho người tín hữu.

Nếu nhờ “nền luân lý nhân bản” ta nói đến chuẩn mực khách quan có giá trị đối với con người, được nghiên cứu chỉ trên bình diện hữu thể, thì ta có thể nói về sự khác biệt của nền luân lý Kitô giáo.

Tuy nhiên, nếu nhờ “nền luân lý nhân bản” ta nói đến chuẩn mực khách quan có giá trị cho con người hiện hữu trên bình diện lịch sử, ta phải xác nhận rằng điều này được thực hiện trong luân lý Kitô giáo và do đó trùng với nền luân lý này. Ân sủng đảm nhận và hoàn thiện mọi giá trị đích thực của nhân loại. Theo nghĩa này con người không thể tốt theo nghĩa đích thực trừ phi họ cũng tốt theo nghĩa Kitô giáo. Như E. Hamel đã từng nói: “Luân lý Kitô giáo để có thể là Kitô giáo trọn vẹn, nó cũng phải có tính nhân bản trọn vẹn; và sẽ không được như thế trừ phi nó để cho mình được thế giới hiện đại soi sáng. Luân lý nhân bản để có tính nhân bản nhất nó phải có tính Kitô giáo, và sẽ không được như thế trừ phi nó để mình được ánh sáng Tin mừng soi sáng” (“Lux evangelii in constitutione Gaudium et Spes” trong Periodica 60, 1971, trg.120).

– Nói cách khác ta không được quên ân sủng hiện diện và hoạt động cả ở nơi chưa có niềm tin minh nhiên nơi Đức Giêsu Kitô. Trong ân sủng của Ngài, việc ta muốn giải thích thế nào về sự hiện diện và việc làm của ân sủng (ý muốn cứu độ phổ quát của Chúa, hiện sủng trong việc tuân giữ luật tự nhiên, hoặc Kitô giáo vô danh) sẽ không còn là vấn đề nữa. Ta nên thêm rằng người Kitô hữu được đức tin dạy cho biết về chương trình của Thiên Chúa dẫn đưa con người đến ơn cứu độ và do đó họ sống đời sống mới của Đức Kitô phục sinh, nhưng với một yêu sách họ phải trở thành “những nhà truyền giáo” ơn cứu độ cho anh em mình. Do đó, qua lời nói và chứng từ đời sống luân lý của chính họ, người tín hữu được mời gọi tỏ lộ cho mọi người tính mới mẻ hoặc ý nghĩa tối hậu của luân lý mà Đức Giêsu Kitô đề nghị trong ân sủng Ngài ban cho mọi người.

Trong chương này ta thấy được vị thế quan trọng của Đức Giêsu trong luân lý Kitô giáo, bây giờ ta sẽ bàn đến mối liên hệ giữa Ngài với cách sống luân lý.