Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.
NHẬP ĐỀ
Có nhiều cách thức để trình bày bản chất đức tin. Nhiều tác giả bắt đầu từ việc Thiên Chúa mạc khải những chân lý vượt qua tầm hiểu biết của lý trí, và chúng ta phải chấp nhận bằng đức tin. Lối trình bày như vậy dễ đưa tới hai nguy cơ: thứ nhất, Thiên Chúa là một nhà độc tài, bắt buộc con người phải chấp nhận những chân lý mà nó không hiểu gì hết; nguy cơ thứ hai là quan niệm đức tin như là cái gì thuộc lãnh vực siêu nhiên, xa rời cuộc sống hằng ngày.Vì thế có người tìm lối tiếp cận cách khác, theo chuyển động ngược lại, nghĩa là khởi hành từ con người. Trước khi nói đến “nhân đức tin”, chúng ta hãy nghĩ đến “niềm tin, lòng tin”, hoặc đơn giản là “tin”. Chúng ta biết rằng “tin” là một điều kiện tất yếu của cuộc sống con người. Thật vậy, chuyện “tin” không chỉ liên quan đến thế giới thần phật, nhưng nó chi phối các mối tương quan hằng ngày trong xã hội, bắt đầu ngay từ trong gia đình: vợ chồng cần tin nhau thì mới dám trao thân cho nhau, chấp nhận xây dựng một gia đình. Trong công việc làm ăn buôn bán cũng vậy: cần phải tin nhau, dựa trên sự trung tín với lời hứa. Hiểu như vậy, chắc chắn không ai dám mạnh miệng tuyên bố rằng “tin là chuyện phù phiếm”, hoặc “tin là chuyện không cần thiết”. Không phải thế đâu, tin cần thiết lắm! Chỉ xin đan cử một thí dụ nho nhỏ thì đủ hiểu, đó là chuyện ăn uống: khi ngồi vào bàn ăn, ta đã phải vận dụng đến niềm tin: tin rằng không ai bỏ thuốc độc vào thức ăn của ta, trước khi tin rằng món ăn này thực sự bồi dưỡng cơ thể!
Thí dụ vừa rồi đưa ta đến một nhận xét như sau: tin không chỉ giới hạn vào tương quan với tín ngưỡng, nhưng còn với những người sống chung quanh ta. Trước khi nói đến “tin cái gì”, cần nhấn mạnh đến “tin ai”ù: tin vào sự thành thực của họ, tin vào tình nghĩa của họ đối với ta. Như sẽ thấy sau, đây là khía cạnh mà Kinh thánh nói nhiều về lòng tin (hay đức tin): tin là tin tưởng, tín thác vào Chúa, trước khi là chấp nhận các chân lý, hay đạo lý. Khi mà mình đã tin ai hết lòng, thì ta không ngần ngại chấp nhận tất cả những gì người ấy nói, cũng như dám trao phó đời của mình cho họ dẫn dắt.
Chúng ta sẽ bàn vắn tắt về đức tin trong Cựu ước và trong Tân ước, qua những khái niệm và đặc tính của nó. Chúng ta có thể nhận thấy rằng có sự tiến triển từ Cựu ước sang Tân ước, và ngay trong Tân ước, có sự tiến triển từ Tin mừng nhất lãm đến các tác phẩm của Gioan và Phaolô.
I. ĐỨC TIN TRONG CỰU ƯỚC
A. Từ ngữ
Mặc dù chúng ta đang tìm hiểu đức tin, nhưng thiết tưởng cần phải ghi nhận rằng không phải lúc nào “tin” cũng là “nhân đức”. Trong ngôn ngữ Do thái và các ngôn ngữ châu Âu, người ta chỉ đơn thuần nói đến “tin”[1], và phải tùy mạch văn mà dịch: lòng tin, niềm tin, đức tin. Trên thực tế, phải chờ đến thời các giáo phụ, người ta mới đặt vấn đề “tin” như là một nhân đức, nhân đức hướng Chúa (quen gọi là nhân đức đối thần: virtus theologalis).
Như đã nhận xét trước đây, “tin” là một thái độ quan trọng trong cuộc sống hằng ngày, cách riêng trong tương quan xã hội, trước khi nói đến thế giới thần linh. Cứ điểm qua các từ ngữ gắn liền với “tin” hoặc “tín” thì đủ rõ điều ấy: tin cậy, tin tưởng; tín cẩn, tín thác, tín nhiệm, tín thành (thành tín), trung tín. Không những “tin” cần thiết trong tương quan xã hội, mà ngay cả trong cách ứng xử bản thân nữa, như khi nói đến sự “tự tin”.
Kinh thánh cũng khởi đi từ nhận định đó. Tiếng Do thái có nhiều từ ngữ để nói đến việc tin, nhưng đặc biệt là hai động từ aman và batakh.
1. Động từ Aman, xét theo nguyên ngữ, có nghĩa là: đeo, mang (thí dụ mang đứa con trên tay: Ds 11,12; R 4,16; 2Sm 4,4); theo nghĩa bóng aman là dựa vào ai, nương tựa, tin tưởng. Do động từ aman mà có thán từ (hay trạng từ) amen, có nghĩa là: đúng thế, chắc rồi, chính xác!
2. Động từ batakh nói lên ý tưởng: trông cậy, tín thác. Như vậy, tin có nghĩa là: trông mong, hy vọng, tin tưởng.
Những từ ngữ này được dùng trong đời sống hằng ngày, cách riêng trong bối cảnh của mối tương quan xã hội. Ở đây chúng ta chỉ xét đến tương quan giữa con người với Thiên Chúa. Những ý tưởng vừa gợi lên (nương tựa, tín thác) sẽ được kiện toàn dần dần trải qua tiến trình mạc khải của Thiên Chúa cho Israel.
B. Ý niệm
Chúng ta hãy rảo qua sự tiến triển của khái niệm đức tin qua bốn chặng đường chính của lịch sử mạc khải: thời tổ phụ Abraham, thời xuất hành của Môsê, thời các ngôn sứ, thời các nhà hiền triết.[2]
1/ Lịch sử bắt đầu với ông Abraham. Hồi ấy ông tin thờ các thần khác. Thế rồi, Thiên Chúa hiện ra với ông, hứa ban cho ông một vùng đất màu mỡ và con cháu đông đúc (St 12,1). Lời hứa ấy xem ra xa vời, nhưng ông tin vào Thiên Chúa (St 15,6), tin vào lời hứa của ngài. Ông tin rằng Thiên Chúa trung tín với lời hứa và có khả năng thực hiện. Ông tín thác vào ngài, và thậm chí sẵn sàng hy sinh đứa con của mình khi ngài đòi hỏi. Ông trở thành khuôn mẫu của một kẻ có lòng tin (Hc 44,20) và tổ phụ của những kẻ có lòng tin (Rm 4,9-11).
2/ Lịch sử mạc khải Cựu ước bước sang một chặng quyết liệt khi Thiên Chúa can thiệp vào cuộc giải thoát dân Israel ra khỏi cảnh nô lệ Ai cập. Thiên Chúa của các tổ phụ đã thăm viếng đoàn dân đang bị áp bức. Thiên Chúa gọi ông Môsê, và hứa sẽ ở với ông trong công cuộc dẫn dắt Israel vào đất hứa (Xh 3,11-15). Ông Môsê đã đáp lại bằng niềm tin (Dt 11,23-29). Ông được đặt làm một kẻ môi giới giữa Thiên Chúa với dân: ông thông đạt chương trình của Chúa cho dân, và kêu gọi họ hãy tin vào Chúa, hết lòng tín thác vào ngài (Ds 14,11; Xh 19,9). Tin có nghĩa là vâng nghe (Đnl 9,23), đáp lại amen (Đnl 27,9-6) với lời Chúa, được biểu thị qua giao ước. Như vậy, tin không chỉ là một lời thưa chấp thuận nhưng còn là thái độ trung thành kéo dài qua năm tháng. Niềm tin thường được lặp lại qua những cuộc tuyên xưng (Đnl 6,4-9; 26,1-9; Tv 78; 105): dựa trên việc kỳ diệu của Thiên Chúa đã làm cũng như thâm tín quyền năng và lòng trung tín của Ngài (Tv 136), dân Israel khẳng định ý chí dành tất cả tâm trí để yêu mến một mình Thiên Chúa mà thôi.
3/ Tin có nghĩa là tín thác vào lời hứa; tin có nghĩa là chấp nhận giao ước, và biểu lộ qua việc tuyên xưng. Các ngôn sứ còn vạch ra những yêu sách khác của đức tin, khi đụng đến những hoàn cảnh khác nhau của lịch sử.
– Hệ luận quan trọng của niềm tin vào Thiên Chúa là từ bỏ các ngẫu tượng. Israel luôn bị cám dỗ chạy theo các vị thần của các tôn giáo lân cận, nhất là khi niềm tin được gắn liền với những phúc lộc trước mắt: tiền của, hoa màu ruộng đất, thắng lợi quân sự. Khi thấy các dân lân bang được những thành quả ấy, Israel bị cám dỗ muốn chạy theo các thần của họ (chẳng hạn thần Baal) vì nghĩ rằng các thần ấy “thiêng” hơn là Giavê, Thiên Chúa của các tổ phụ. Các ngôn sứ không những tố cáo tội thờ ngẫu tượng (Hs 2,7-15; Gr 2,5-13) bởi vì đó là đồ hư ảo (Gr 2,25), mà cả việc cứu viện các cường quốc bởi vì làm như vậy là cậy dựa vào binh mã nhân loại thay vì tin tưởng vào sự che chở của Thiên Chúa (Hs 1,7; Is 31,1). Các ngôn sứ nhắc nhở dân Israel hãy bình tĩnh tín thác vào Thiên Chúa. Thiên Chúa là đá tảng của dân (Is 44,8; 50,10), Đấng trung tín với lời hứa, mạnh mẽ hơn các thần của Babylonia (Is 44,6; 43,8-12; Tv 115,7-11).
– Đức tin của dân Israel đã trải qua một cuộc thử thách nặng nề khi họ chứng kiến cảnh tàn phá đền thờ và cảnh lưu đày sang Babylonia. Các ngôn sứ giải thích rằng đây là một hình phạt về tội bất trung với giao ước, đã được cảnh cáo nhiều lần. Không phải là Thiên Chúa bỏ rơi Israel, nhưng là Israel đã bỏ Chúa, khi họ tìm sự nương tựa nơi các thế lực nhân loại và ngay cả khi việc thờ phượng của họ rỗng tuếch. Dù nói gì đi nữa, nếu có ai nghi ngờ quyền năng Thiên Chúa trước thảm họa này thì cũng là điều dễ hiểu. Thế nhưng trong hoàn cảnh hầu như tuyệt vọng ấy, các ngôn sứ thời lưu đày đã đào sâu hơn khía cạnh bền bỉ của niềm tin vào Thiên Chúa: tin không những có nghĩa là giữ vững lòng tin tưởng kể cả lúc gặp thử thách, nhưng tin còn có nghĩa là hy vọng bất chấp mọi hoàn cảnh trái ngược. Thật vậy, giữa cảnh nước mất nhà tan, các ngôn sứ loan báo rằng Thiên Chúa sẽ đưa dân trở về quê hương, sẽ tái thiết xứ sở. Để củng cố niềm tin tưởng ấy, các ngôn sứ nại đến chân lý về sự tạo dựng: Thiên Chúa có quyền năng tạo dựng vạn vật từ hư vô, thì Ngài cũng có dư sức để tái lập dân Israel hiện đang tản mát nơi đất khách quê người.
4/ Những tác giả các sách Khôn ngoan mở rộng đối tượng của niềm hy vọng: người tín hữu tin tưởng rằng Thiên Chúa không chỉ hứa ban thưởng những phúc lộc ở đời này (tài sản phong phú, con cháu đầy đàn), nhưng nhất là những điều thiện ở đời sau. Vào giai đoạn cuối của Cựu ước, chúng ta thấy thêm một chiều kích mới của đức tin: tin vào Thiên Chúa kể cả vào những lúc bị thử thách, tựa như ông Giób, và thậm chí ngay cả khi người tín hữu bị bách hại (2Mc 7; Đn 12,2; Kn 2,3; 3,1-9).
Như vậy, quan niệm về niềm tin được tiến triển dần dần: từ chỗ tín thác vào lời hứa, đến chỗ chấp nhận giao ước; từ việc chấp nhận giao ước đến việc trung thành với giao ước; từ việc trung thành với giao ước đến chỗ mở tầm nhìn đến những thực tại không thuộc thế giới này. Song song với sự kiện toàn ý niệm là sự kiện toàn những tâm tình về phía con người: từ chỗ tin tưởng vào một thần linh quyền năng, đến chỗ lắng nghe Lời Chúa, tuyên xưng những kỳ công của Chúa, trung thành với Luật Chúa kể cả khi phải hy sinh mạng sống.
II. ĐỨC TIN TRONG TÂN ƯỚC
Chúng ta sẽ tìm hiểu: từ ngữ và những khái niệm.
A. Từ ngữ
Xét về từ ngữ, Tân ước sử dụng danh từ pistis và động từ pisteuein.[3] Hai từ này đã được gặp thấy trong bản dịch LXX của Cựu ước. Trong nguyên ngữ Hy-lạp, pistis ám chỉ lòng trung thành của các hội viên đối với quy ước; hoặc là tính khả tín của những lời hứa; rồi từ đó, dần dần ý nghĩa được mở rộng đến việc tin tưởng, chịu thuyết phục, tuân theo.
Dù sao, đối với các tác giả Tân ước, vấn đề từ ngữ không được đặt ra bởi vì đã được sử dụng từ Cựu ước rồi. Tuy nhiên, mặc dù có sự đồng nhất về từ ngữ giữa Cựu ước và Tân ước, nhưng cũng cần nêu bật sự khác biệt về nội dung giữa đôi bên. Trong Cựu ước, tin là tín thác vào Thiên Chúa, Đấng hoạt động trong lịch sử của dân tộc Israel. Trong Tân ước, sự can thiệp của Thiên Chúa dồn vào thân thế và công trình của đức Kitô. Tin bao gồm nhiều khía cạnh:
– “Tin” có nghĩa là chấp nhận sứ điệp mà đức Kitô mang lại, nghĩa là ơn cứu độ được Thiên Chúa ban cho nhân loại qua cái chết và phục sinh của đức Giêsu. Tuy đó là một biến cố lịch sử nhưng nó được diễn tả thành sứ điệp, vì thế nó bao hàm khía cạnh đạo lý. Tin là một hành vi có chiều kích tri thức: chấp nhận sứ điệp được rao giảng qua ngôn ngữ và nếp sống.
– Tuy nhiên, “tin” không chỉ giới hạn vào lãnh vực hiểu biết. Tin đòi hỏi sự tuân phục, tín thác vào tình yêu của Thiên Chúa được biểu lộ nơi việc trao ban Con của Ngài. Tin cũng kèm theo một cuộc thay đổi não trạng và nếp sống.
B. Khái niệm
Đó mới chỉ là những nét khái quát. Mỗi tác giả Tân ước khai triển một vài khía cạnh đặc thù tùy theo nhu cầu của mỗi giáo đoàn cụ thể. Chúng ta hãy lược qua ba nhóm quan trọng hơn cả: Tin mừng nhất lãm, Tin mừng thánh Gioan, các thư thánh Phaolô.
1/ Trong Tin mừng nhất lãm
“Tin” có ba nghĩa: tin tưởng vào quyền năng của Đức Giêsu (x. Mc 2,5; 5,34); chấp nhận Tin mừng mà Đức Giêsu rao giảng (Mc 1,15; 16,16.17); chấp nhận chính đức Giêsu.
a) “Tin” có nghĩa là tín thác vào lòng tốt và quyền năng của đức Giêsu. Nên lưu ý là vào giai đoạn đầu của sứ vụ Đức Giêsu, các sách Tin mừng nhất lãm hiểu việc “tin” ở một cấp độ nhân bản, đó là tin tưởng vào quyền năng của Đức Giêsu có thể làm phép lạ. Chúng ta sẽ thấy nhiều trường hợp trong đó “tin” là điều kiện để Đức Giêsu làm phép lạ (như vậy là khác với quan điểm của thánh Gioan, theo đó Đức Giêsu làm phép lạ để củng cố lòng tin). Nơi thánh Marcô. Tin là điều kiện tiên quyết để Chúa làm phép lạ: họ phải tin tưởng Người. Người không thể làm phép lạ nào ở Nazareth bởi vì dân thiếu lòng tin (Mc 6,5-6). Ngược lại, Người nói với ông Giairô đã mất người con gái: “Đừng sợ; chỉ cần tin thôi” (Mc 5,36). Câu chuyện của ông này làm chúng ta liên tưởng đến trường hợp của người bất toại được đưa từ mái nhà và đặt trước mặt Đức Giêsu. Thánh Marcô bình luận: Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giê-su bảo người bại liệt: này con, tội con đã được tha rồi (Mc 2,5). Trong trường hợp này, “lòng tin của họ” không hẳn là của người bệnh, nhưng có thể chỉ là các người bạn của anh ta. Tình liên đới là như thế.
b) “Tin” có nghĩa là chấp nhận Tin mừng do Đức Giêsu rao giảng. Điều này được thấy ngay từ đầu Tin mừng Marcô: “Thời gian đã viên mãn, và triều đại Thiên Chúa đã gần kề; hãy thống hối và tin vào Tin mừng” (Mc 1,15) cũng như vào lúc kết thúc cuốn sách: “Hãy ra đi khắp thế giới, rao giảng Tin mừng cho mọi thụ tạo. Ai tin và lãnh phép rửa thì sẽ được cứu rỗi” (Mc 16,15-16). Tin vào Tin mừng có nghĩa là chấp nhận rằng Thiên Chúa đã can thiệp vào thế giới nơi bản thân, lời nói và lời giảng của Đức Giêsu. Vì thế, ai muốn vào vương quốc Thiên Chúa thì phải chấp nhận những điều kiện mà đức Giêsu đặt ra. Điều này đòi hỏi một cuộc hoán cải, thay đổi não trạng. Nhìn dưới khía cạnh, có lẽ con số tin theo lời giảng của Đức Giê-su không nhiều cho lắm; tuy nhiên, ta có thể một mẫu gương nơi các môn đệ, mặc dù họ cần được huấn luyện để trưởng thành dần. Thật vậy, chúng ta biết rằng nhiều lần các môn đệ đã bị trách là “kém tin, yếu tin”, và thậm chí “không tin” sau khi được thông báo Chúa đã sống lại.
c) “Tin” có nghĩa là chấp nhận bản thân Đức Giêsu. Đây là bước thứ ba: từ chỗ chấp nhận lời giảng về Đức Giêsu đến chỗ chấp nhận bản thân Người: Người là “Chủ tể” (Kyrios). Điều này xảy ra sau cuộc Phục sinh, và được nhấn mạnh trong sách Tông đồ công vụ (x. các kerygma). Dù sao, thánh Luca diễn tả thái độ tin vào Chúa Giêsu bằng những hành động cụ thể, đó là: đi theo Đức Kitô, vác thập giá (Lc 9,23), làm chứng và tuyên xưng (Lc 12,8-9).
2/ Thánh Gioan
“Tin” chiếm một địa vị nổi bật trong các tác phẩm của thánh Gioan. Động từ pisteuein (tin) được dùng 98 lần trong Tin mừng thứ bốn và 9 lần trong các thư ; còn danh từ pistis chỉ được dùng 1 lần trong 1 Ga 5,4 (“Đây là điều làm cho chúng ta thắng được thế gian: lòng tin của chúng ta”). Xem ra thánh Gioan quan tâm đến lối sống hơn là đến đạo lý. Tuy vậy, ở cuối Tin mừng, tác giả đã viết như sau: “Những điều này đã được ghi chép ngõ hầu anh em tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để nhờ tin mà được sự sống đời đời” (20,31). Chúng ta hãy tìm hiểu ba điểm liên quan đến: đối tượng, bản chất, hiệu quả của việc tin.
a) Đối tượng
Tin vào Thiên Chúa và tin vào Đức Giêsu (8,31.45.46; 10,37.38; 14.11). Đức Giêsu là Đấng Kitô (11,27; 20,31), kẻ được Chúa Cha sai đến (11,42; 17,8.21), là Con Thiên Chúa (20,31), kẻ từ Chúa Cha mà đến (16,27.30). Chúa Cha với Đức Giêsu là một (10,30; 17,21). Nói cách khác, trong Cựu ước, người Do thái đã tin vào Thiên Chúa; bây giờ phải thêm một điều nữa, đó là Đức Giêsu là Thiên Chúa.
b) Bản chất
Thánh Gioan quan niệm “tin” như là một tiến trình gặp gỡ. Cùng với động từ “tin”, tác giả còn dùng những động từ đồng nghĩa tựa như: “đến với” (5,40; 6,35.44ff.65; 7,37), “tiếp đón” (1,12; 5,43), “yêu mến” (8,42; 14,15.21.23f.28; 16,27). Tin là một tiến trình năng động: nó tăng trưởng tiệm tiến, từ những bước khởi đầu đến chỗ hoàn bị, từ chỗ đón nhận Đức Giêsu vì phép lạ đến chỗ đó chấp nhận Người mà không cần phép lạ (20,26-28). Vài thí dụ: 4,46-53 (sĩ quan cận vệ, động từ “tin” được nói đến ở câu 50 và 53, với hai cấp độ); 4,39-42 (người dân Samaria tin vì nghe lời thuật của người phụ nữ và tin vì nghe lời của Chúa); chương 9 (người mù: so sánh câu17 với câu 38).
Chúng ta nên ghi nhận ba điểm:
(i) Tin mang tính cách động: từ chỗ tin vì phép lạ, đến chỗ tin vào Lời Chúa chứ không dựa theo phép lạ. Ở những chương đầu, tác giả đã thuật lại vài trường hợp điển hình (như vừa nói: người phụ nữ Samari, sĩ quan cận vệ); đồng thời, tác giả cũng cho thấy các môn đệ là những người đến với Chúa nhờ lời chứng chứ không nhờ phép lạ. Dầu vậy, đức tin của họ cũng cần tăng trưởng, như trường hợp ông Phêrô, ông Tôma (chúng ta cũng biết là có nhiều môn đệ rời bỏ Đức Giêsu sau khi nghe bài giảng về bánh).
(ii) Tin bao hàm toàn thân con người. Tuy biết rằng “tin” đã bao hàm một thái độ gắn bó với một Ai đó, nhưng ông còn muốn gắn thêm vài động từ đi kèm, tựa như: thấy và tin, nghe và tin, tin và biết, tin và hiểu, tin và ở lại.
– Thấy và tin
Đối với thánh Gioan tông đồ, việc tin vào Chúa Giêsu giả thiết phải biết nhìn và ngắm. Trước hết, cần phải “thấy” Người (theo nghĩa thể lý), “quan sát” kỹ lưỡng (theorein: 14,19-20), rồi đến “chiêm ngưỡng” Người ( hoặc: nhìn ngắm, thâsthai: 1, 14; 1 Ga 1,1), và sau cùng là “thấy” (horân) dưới nhãn giới của đức tin[4]. Đến cấp độ này thì mới đáng gọi là “tin”. Như vậy có thể phân biệt hai thứ “thấy”: một cái thấy theo nghĩa thể lý, và một cái thấy với cặp mặt đức tin; cái thấy thứ hai này mới chính là “tin”.
– Tin và biết
Trong văn hóa Do thái, “biết” không chỉ là một tác động của trí tuệ nhưng còn là một cảm nghiệm (tựa như là “quen biết” trong tiếng Việt). Cái “biết” này giả thiết một việc đào sâu và tăng trưởng lòng tin đến chỗ yêu mến Chúa Kitô và sống hiệp thông với Người. Chúng ta gặp thấy một thí dụ ở cuối chương 6. Vì đã thâm tín rằng Đức Giêsu “có những lời đem lại sự sống đời đời”, ông Phêrô đã tuyên xưng: “Chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (6,69). Qua câu này, người ta nghĩ rằng “biết” là một hệ luận của “tin”: đức tin dẫn đến hiểu biết. Tuy nhiên, có khi “biết” đi trước “tin”, chẳng hạn 1Ga 4,16: “chúng tôi đã biết tình yêu và tin vào tình yêu”. Cuối cùng, nhờ tin mà ta được đưa đến sự sống đời đời, đó là biết Cha là Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và biết Đấng Cha sai đến là Giêsu Kitô (x. 17,3).
– Tin, yêu, tuân giữ, ở lại
Ông Origène (thế kỷ III) đã gọi Tin mừng thánh Gioan như một sách dạy về đời sống huyền nhiệm Kitô giáo. Chúng tôi không muốn đi sâu vào đề tài này, nhưng chỉ muốn lưu ý rằng, theo quan niệm của vị tông đồ này, “tin” vào Chúa Giêsu không chỉ là chấp nhận bằng một hành vi trí tuệ, nhưng còn là duy trì một tương quan thân mật với Người. Bên cạnh việc liên kết giữa động từ “tin” với các động từ “nghe”, “thấy”, “biết”, tác giả còn nói đến việc “tuân giữ lời” của Chúa, “ở lại” trong Chúa. Những mối liên hệ ấy chung quy cũng là những khía cạnh của “yêu thương” : ai tiếp đón Lời của Người thì ở lại trong Người và Người ở lại trong kẻ ấy. Ai giữ các điều truyền của Người thì ở lại trong tình yêu của Người, cũng như Người đã giữ các giới răn của Chúa Cha và ở lại trong tình yêu của Chúa Cha (xc. 15,4-10).
(iii) Tin là một hành động của con người, nhưng cũng là một hồng ân Thiên Chúa. Để có thể đến với Chúa Giêsu cần có một hấp lực, sự “thu hút” từ phía Chúa Cha, như chúng ta đọc thấy hai lần trong chương 6: “Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy” (6,44.65). Chính Chúa Cha đã trao các môn đệ cho Đức Kitô, và không ai có thể tách rời họ được (6,26t.43-45.64. 10,29; 17,2.6.9). Một cách tương tự, các môn đệ cần có Thần khí thì mới thấu hiểu lời của Thầy (7,39).
c) Hiệu quả
Tin liên quan đến chuyện sinh tử: số phận vĩnh cửu của con người tùy thuộc vào việc tin hay không tin: “Ai tin thì sẽ không bị xét xử, ai không tin thì đã bị xét xử rồi” (3,18). Ai tin vào Con thì được sự sống hằng hữu (3,36; 6,40.47; 20,31). Tin dẫn đến sự sống vĩnh cửu; không tin dẫn tới hư vong. Tin mang tính quyết định đến số phận vĩnh hằng. Tin mở đường đến hạnh phúc đời đời; nhờ tin mà chúng ta biết Chúa, ở lại trong đức Kitô.
3/ Thánh Phaolô
Trong nguyên bản Hy-lạp của Tân ước, “tin” có thể được diễn tả bằng danh từ pistis (lòng tin, niềm tin, đức tin: 243 lần), hoặc bằng động từ pisteuein (tin: 241 lần). Hai từ ngữ này được gặp thấy nhiều nhất nơi thánh Phaolô và thánh Gioan. Thánh Phaolô dùng danh từ 142 lần (đặc biệt trong thư Rôma 40 lần, thư Galat 22 lần; đó là không kể thư Hipri với 32 lần) và dùng động từ 54 lần (trong đó 21 lần trong thư Rôma), như vậy tổng cộng là 196 lần; còn thánh Gioan thì chỉ dùng động từ (107 lần: 98 trong Tin mừng và 9 trong các thư) và danh từ chỉ được dùng một lần trong 1Ga 5,4. Như vậy, trong các tác giả Tân ước, thánh Phaolô là người nói nhiều đến đức tin hơn cả (đặc biệt là dưới dạng danh từ: 142 trên 243 lần: 58,43%, còn dưới dạng động từ thì chỉ được 22,40%).[5]
Chính vì thánh Phaolô bàn đến nhiều khía cạnh của đức tin, cho nên khó trình bày một tổng hợp vắn tắt. Trên thực tế, trong lịch sử Kitô giáo, nhiều cuộc tranh luận đã nổi lên bởi vì người ta chỉ nhấn mạnh đến một khía cạnh nào đó của đức tin trong các thư của thánh tông đồ, chẳng hạn như cuộc tranh luận giữa đức tin và việc làm (chớm nở ngay từ trong thư của Giacôbê), hoặc cuộc tranh luận chung quanh bản tính đức tin giữa Tin Lành với Công giáo (tin là nhắm mắt tín thác, hay tin là chấp nhận đạo lý). Một nhận xét nữa không kém quan trọng là khi viết các lá thư, thánh Phaolô trình bày đạo lý dựa trên chính cảm nghiệm của mình. Ông muốn chia sẻ với các tín hữu kinh nghiệm đức tin của mình, chứ không phải chỉ bàn về một lý thuyết về đức tin. Như chúng ta sẽ thấy, đối với thánh Phaolô, tin có nghĩa là gắn bó với Đức Giêsu Kitô, yêu mến Người bởi vì đã cảm nhận được tình yêu của Người. Từ đó ông muốn dùng lời giảng dạy để làm cho mọi người biết Người, bởi vì nhờ tin vào Đức Kitô mà con người được cứu độ.
Chúng ta tạm tóm lại đạo lý của thánh Phaolô vào ba điểm chính: bản chất, nội dung, hiệu quả.
a) Bản chất (hay cũng có thể gọi là “khía cạnh chủ thể của đức tin: fides qua)
Tin là vâng theo lời Chúa được biết nhờ việc rao giảng (Rm 10,17; 16,26; 1,5; 2 Cr 9,13; 10,5; 2 Tx 1,8). Điều này hàm ngụ một tiến trình: trước hết là lắng nghe lời Chúa (fides ex auditu; Rm 10,17; Gl 3,5); nhưng muốn nghe thì phải có ai nói, “làm thế nào tin vào Đấng mà mình chưa nghe nói đến, và làm sao nghe nói đến nếu không ai giảng?” (xc Rm 10,14). Mặt khác, “lắng nghe” mới chỉ nói lên một thái độ chú ý; còn “vâng nghe” (hay tuân phục, vâng phục) bao hàm một sự suy phục, một quyết định, một cam kết trước mặt Chúa. Đức tin đòi hỏi một cuộc hoán cải, một cuộc thuận tuân toàn diện. Ta có thể bắt đầu từ lý trí: tin có nghĩa là chấp nhận đường lối của Thiên Chúa, Đấng biểu lộ sức mạnh và quyền năng qua thập giá Đức Kitô là một chuyện yếu đuối và điên rồ đối với thế gian (1Cr 1,17.24-25).
Bước kế tiếp là chấp nhận đồng hóa với Đức Kitô, mặc lấy những tâm tình của kẻ tự hạ và vâng phục cho đến chết, chết trên thập giá (Pl 2,5.8). Với thái độ vâng phục ấy, con người lột bỏ mọi sự an toàn theo lối tính toán của thế gian, để trao phó cuộc đời cho Thiên Chúa. Đó là một thái độ giống như ông Abraham xưa kia, phó thác cuộc đời cho Thiên Chúa dìu dắt, tuy chưa biết đi về đâu (Rm 4,18-22). Khác một điều là ngày nay, chúng ta có một điểm để quy chiếu là Đức Giêsu. Người là chứng tá không chỉ về sự suy phục Chúa Cha, nhưng còn làm chứng tá rằng Thiên Chúa là Đấng trung thành với lời hứa khi cho Người sống lại. Ngoài ra, đức tin không phải là một hành động chớp nhoáng nhưng là một cuộc sống luôn tiến triển, được so sánh với một cuộc chạy đua không ngừng (1Cr 9,26; Pl 3,12-14), hoặc theo một kiểu nói khác, “từ đức tin đến đức tin” (Rm 1,17). Đức tin cần được bổ túc những gì thiếu sót (1 Tx 3,10), để có thể lớn mạnh (2 Cr 10,15).
Sự tăng trưởng chắc hẳn bao hàm sự tín thác vào Thiên Chúa, nhưng đồng thời cũng mang theo sự hiểu biết: không những biết sứ điệp mà mình chấp nhận (Rm 6,8; 2 Cr 4,13tt), nhưng còn biết được tình trạng con người trước mặt Thiên Chúa (Rm 5,3; 14,14; Cr 1,7; Pl 1,19); từ đó tin có nghĩa là biết Thiên Chúa (Gl 4,9), biết chân lý (1Tm 2,4). Dù sao, chúng ta đừng nên quên rằng hành trình đức tin không chỉ là thành quả của nỗ lực về phía con người.
Ngay từ đầu, Thánh Linh đã đến hỗ trợ chúng ta, ngõ hầu chúng ta chấp nhận Lời Chúa (1Tx 1,4), có khả năng tuyên xưng Thiên Chúa như là “Abba” (Gl 4,6) và tuyên xưng đức Giêsu là Kyrios (1Cr 12,3). Thánh Linh biến đổi “thần trí” của chúng ta hòa hợp với “thần trí” của Thiên Chúa (1 Cr 2,10-15). Cuộc đời của người tín hữu là một cuộc “đi trong Thánh Linh” (Gl 5,25). Thánh Linh nâng đỡ sự yếu hèn của chúng ta, ngay cả trong việc cầu nguyện, bởi vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho thích hợp (Rm 8,26-27; Ep 5,18-19). Nhờ ơn Thánh Linh, người tín hữu được tái sinh, tăng trưởng để đạt đến tầm mức trưởng thành của Đức Kitô (Ep 4,13). Thánh Tông đồ đã dành suốt chương 8 của thư gửi Rôma để bàn về hoạt động của Thánh Linh trong đời sống người Kitô hữu.
b) Nội dung (hay đối tượng)
Lời giảng và lời tuyên xưng đều có một nội dung: “Đức Giêsu là Chúa; Người đã chịu chết trên thập giá vì tội chúng ta, nhưng Thiên Chúa đã cho Người chỗi dậy vào ngày thứ ba” (1Cr 15,3; xc. 1 Tx l,9t; Rm 10,4; Cl 2,12; Ep 1,20; Gl 1,1; Rm 4,25, vv.). Một điều đáng nêu bật ngay từ đầu là đối với Phaolô, trọng tâm của đức tin là Đức Giêsu Kitô. Ông ít khi nói đến “đức tin vào Thiên Chúa” (1Tx 1,8), “tin vào Chúa” (Rm 4,8.17: nói về ông Abraham; 4,24; Gl 3,6: cũng nói về ông Abraham; Cl 2,12), “đức tin vào Tin mừng” (Pl 1,27; 1 Tx 2,4), “đức tin vào chân lý” (2Tx 2,12-13); nhưng phần lớn ông nói đến “tin vào Đức Giêsu Kitô”. Thật ra chính qua Đức Kitô mà chúng ta biết rõ Thiên Chúa là ai, biết Thiên Chúa yêu thương chúng ta đến mức nào, biết được ý định cứu độ của Thiên Chúa dành cho nhân loại nơi đức Kitô; do đó, ai tin vào đức Kitô thì sẽ được cứu độ.
Việc tin vào Đức Kitô không chỉ là một hành vi của lý trí, nhưng bao hàm một tương quan sinh động. Đối với thánh Phaolô, không thể nào coi việc tin như là chấp nhận một lý thuyết. Tin là một cuộc chuyển động, ví như là “chạy tới, để chiếm đoạt Đức Kitô Giêsu bởi vì chính mình đã bị Người chiếm đoạt” (Pl 3,12), “chạy tới đích để chiếm được phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa dành cho kẻ được kêu gọi trong Đức Kitô Giêsu” (Pl 3,14). “Hiện tại tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2,20), một cuộc khởi sự để đạt đến sự thành toàn của Đức Kitô (Gl 3,3; Ep 4,13). Nói tắt: đối với ông Phaolô, tin là sống, và “sự sống của tôi là Đức Kitô” (Pl 1,21).
Như vậy, tin vào đức Kitô không chỉ có nghĩa là tin vào sự hiện hữu của Người mà thôi, nhưng còn là sống tương quan mật thiết với Người, muốn kết hợp khắng khít với Người, để cùng đi theo Người trên đường về với Thiên Chúa. Tin vào Đức Kitô là để cho Người hoạt động trong ta nhờ quyền năng của Thánh Linh, và để cho ta sống trong Người (Gl 2,20).
c) Hiệu quả của đức tin: ơn công chính hóa
Chúng ta đã tách rời đức tin thành hai khía cạnh để nghiên cứu: bản chất và nội dung, tương đương với hai khía cạnh chủ thể (tin là gì) và khác thể (tin cái gì). Hai khía cạnh ấy liên kết với nhau, bởi vì tin là gắn bó kết hiệp với Đức Kitô Giêsu, đấng đã chết trên thập giá và đã phục sinh để chúng ta được ơn cứu độ. Điều này đưa chúng ta đến khía cạnh thứ ba: hiệu quả của đức tin: “tin làm gì?”.
Trong lịch sử Kitô giáo, ngay từ thời các thánh tông đồ, đã nảy ra một cuộc tranh luận gay gắt giữa hai vị tông đồ Phaolô và Giacôbê, và sau này giữa Tin Lành và Công giáo vào thời cận đại, đó là: phải chăng chỉ cần tin là đủ để được cứu rỗi, hay là còn phải hành động nữa?
(i) Khi đọc thư thánh Phaolô, chúng ta gặp những câu khẳng định rằng chỉ cần tin là đủ để được cứu độ, chứ không cần đến hành động; thậm chí hành động chẳng có ích gì cho ơn cứu độ: “Vì biết rằng con người được nên công chính không phải nhờ những gì Luật dạy, nhưng nhờ tin vào Đức Giêsu Kitô, nên chúng ta cũng tin vào đức Kitô Giêsu, dể được nên công chính, chứ không phải nhờ làm những điều Luật dạy” (Gl 2,16). “Con người được nên công chính vì tin chứ không phải vì làm những gì Luật dạy” (Rm 3,28).
Những câu quả quyết mạnh mẽ của thánh Phaolô về giá trị của đức tin đến nỗi loại trừ việc giữ Luật, đã gây ra một phản ứng nơi thánh Giacôbê, như ta đọc thấy ở chương 2 của lá thư (câu 14-26) :
“Thưa anh em, ai bảo rằng mình có đức tin mà không hành động theo đức tin thì nào có ích lợi gì? Đức tin có thể cứu người ấy được chăng? … Đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết. Đàng khác, có người sẽ bảo: Bạn, bạn có đức tin; còn tôi, tôi có hành động. Bạn thử cho tôi thấy thế nào là tin mà không hành động, còn tôi, tôi sẽ hành động để cho bạn thấy thế nào là tin. Bạn tin rằng chỉ có một Thiên Chúa duy nhất. Bạn làm phải. Cả ma quỷ cũng tin như vậy, và chúng run sợ. Hỡi người đầu óc rỗng tuếch, bạn có muốn biết rằng đức tin không có hành động là vô dụng không?… Một thân xác không hơi thở là một xác chết, cũng vậy, đức tin không có hành động là đức tin chết”.
Như vậy, trong khi thánh Phaolô nói rằng chỉ duy đức tin mới cứu rỗi, còn hành động chẳng ích lợi gì, thì thánh Giacobe nói ngược lại: con người thực sự được cứu rỗi nhờ các hành động, và ông đưa ra ba lý luận: a) ma quỷ cũng tin có Thiên Chúa, nhưng niềm tin ấy chẳng ích lợi gì, bởi vì chúng run sợ nghĩa là bị đày đọa; b) ông Abraham được nên công chính nhờ việc làm, nghĩa là qua việc hiến tế đứa con một của mình cho Thiên Chúa; c) Rakhab là một cô gái điếm nhưng đã được cứu độ nhờ hành động, qua việc đón tiếp các sứ giả của Israel.
(ii) Thực chất của vấn đề
Thực ra khi đọc lại các bản văn, chúng ta thấy hai thánh tông đồ không mâu thuẫn với nhau. Mỗi người viết trong một hoàn cảnh cụ thể; thế nhưng, có người đã trích câu văn ra khỏi mạch văn, và thổi phồng đến mức độ khẳng định điều mà tác giả không muốn nói đến.
+ Trước hết, chúng ta hãy trở lại với mạch văn của thánh Phaolô. Ông viết trong một hoàn cảnh lịch sử cụ thể, trong cuộc tranh luận với các Kitô hữu gốc Do thái hoặc với chính những người Do thái. Họ hãnh diện vì Thiên Chúa đã ban cho họ lề luật, và họ nghĩ rằng nếu họ tuân giữ lề luật thì Thiên Chúa sẽ trả công cho họ theo phép công bằng. Trong viễn tượng này, họ không cần đến ơn cứu độ nào khác nữa. Thánh Phaolô cũng là người Do thái và ông cũng đã tin như vậy, nhưng từ khi ông được Chúa Kitô mặc khải, ông đã thay đổi cái nhìn. Luật mà Chúa ban cho dân Do thái qua ông Mosê đã hoàn tất nhiệm vụ rồi, đó là chuẩn bị cho Đức Kitô. Nơi Đức Kitô, Thiên Chúa đã ban ơn cứu độ vĩnh viễn cho loài người, và con người lãnh nhận ơn ấy nhờ đức tin vào Đức Kitô chứ không phải nhờ việc giữ luật Mosê. Để củng cố thêm lập luận của mình, thánh tông đồ đưa thêm hai luận cứ: a) thứ nhất, con người không thể được cứu độ do luật Mosê, bởi vì không ai có khả năng giữ trọn tất cả các lề luật; lề luật vạch ra nghĩa vụ và gây thêm những sự vi phạm luật (Rm 3,20); b) luậân cứ thứ hai, ông Abraham được nên công chính do lòng tin chứ không do việc giữ lề luật (Rm 4,3, trích dẫn St 15,6). Dù sao, đàng sau cuộc tranh luận này, điều mà thánh Phaolô muốn nêu bật là sự cứu độ là một hồng ân Thiên Chúa ban, chứ không phải là yêu sách mà con người có thể đòi hỏi dựa theo những công lênh của mình.
Như đã thấy trên đây, đức tin mà thánh Phaolô đề cập không chỉ giới hạn vào việc chấp nhận một chân lý trừu tượng (tin có Thiên Chúa), nhưng là một đức tin sống động, diễn tả qua mối tương quan năng động với Đức Kitô, cố gắng càng ngày càng trở nên đồng hình đồng dạng với Người, cách riêng qua việc họa lại mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Người. Vì thế đức tin đòi hỏi những hành động diệt trừ tội lỗi và con người cũ, đồng thời để cho Thánh Linh hướng dẫn ngõ hầu phát sinh những hoa trái của đức ái. Đức tin hành động nhờ đức ái (Gl 5,6). Mặt khác, thánh Phaolô đã nhiều lần khiển trách các tín hữu vì đã không trung thực với ơn gọi của mình, cách riêng khi buông theo cái mà ông gọi là những đam mê của tính xác thịt: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tị say sưa, chè chén (Gl 5,19). Đó là những công việc của kẻ còn làm nô lệ. Các tín hữu đã được giải thoát khỏi những cảnh nô lệ, vì thế cần sống phù hợp với tự do con cái Chúa (Gl 5,13).
+ Hiểu như vậy, thánh Giacobê không mâu thuẫn với thánh Phaolô. Ông Giacobê cũng nhìn nhận sự cần thiết của đức tin, bởi vì nếu không có đức tin thì đâu có thể được cứu độ? Ông chỉ đả kích cái “đức tin chết”, chứ không phải là “đức tin sống động”. Đức tin của ma quỷ là đức tin chết, nghĩa là đức tin lý thuyết: một đức tin như thế thì tất nhiên không mang lại ơn cứu độ (Gc 2,14-16). Nhưng ông Giacobê không hề nói rằng chỉ cần hành động chứ không cần đức tin. Các hành động chứng tỏ rằng đức tin sống động, chứ không loại trừ đức tin. Điều thú vị là cả hai vị tông đồ đều trưng dẫn tổ phụ Abraham để minh chứng cho luận đề của mình. Thánh Phaolô cho thấy rằng ông Abraham được nên công chính nhờ lòng tin; thánh Giacobê nói rằng ông Abraham được nên công chính nhờ việc hy sinh đứa con một của mình. Tuy nhiên, nếu bình tĩnh đọc lại tích truyện của ông Abraham thì ta thấy cả hai việc đó liên hệ với nhau chứ không loại trừ nhau. Ông Abraham là mẫu gương cho đức tin kể từ khi ông lên đường đi theo tiếng Chúa gọi, và đức tin của ông đạt đến cao điểm khi ông dám hy sinh đứa con duy nhất. Thật vậy, ông tin rằng Chúa có thể thực hiện lời hứa bằng những đường lối khác với cách thức suy nghĩ của chúng ta.
Tóm lại, không có sự mâu thuẫn giữa lời khẳng định của thánh Phaolô “con người được cứu độ nhờ đức tin”, và lời khẳng định của thánh Giacobê: “đức tin không có việc làm là đức tin chết”. Cả hai đều nhìn nhận sự cần thiết của đức tin; cả hai đều nhìn nhận sự cần thiết của hành động. Điều rắc rối còn kéo dài trong lịch sử thần học ở chỗ là đức tin là một ân huệ ban không về phía Thiên Chúa[6], nhưng đồng thời đức tin cũng đòi hỏi đáp ứng về phía con người. Trong cuộc tranh luận về ân sủng và tự do, thánh Augustinô đã phát biểu nguyên tắc: “Chúa đã dựng nên ta mà không cần ta, nhưng Chúa sẽ không cứu ta mà không có ta (hợp tác)”[7]. Vào thời cận đại, cuộc tranh luận giữa Tin Lành và Công giáo xoay quanh hai vấn đề chính: “tin là gì?” (tin thác, tin tưởng; hay là tin nhận đạo lý); “ý nghĩa của việc trở-nên-công-chính” (Chúa xóa bỏ hết lỗi phạm của chúng ta, biến chúng ta thành trong trắng; hay tội lỗi vẫn còn đó nhưng màø Chúa không chấp?); “sự hợp tác với ơn thánh” (các việc lành có thêm công trạng gì không?). Chúng ta sẽ trở lại điểm này trong bài tới.
Để kết thúc, xin thêm hai nhận xét
(a) Người ta nhận thấy rằng trong những thư đầu tiên, thánh Phaolô nhấn mạnh đến quyền năng và sức mạnh của Lời Chúa hay của Tin mừng, nhưng trong những thư mục tử, Người bận tâm đến “đạo lý” và khuyên răn Timôthê hãy “giữ gìn đạo lý” (1Tm 6,20; 2 Tm 1,14), “đạo lý lành mạnh” (1Tm 1,10; 2Tm 4,3; Tt 1,9; 2,1). Đây là một “gia sản” (depositum: paratheke) được ủy thác và cần phải giữ gìn cẩn thận.
(b) Tuy ngày nay các học giả không coi thánh Phaolô là người viết Thư gửi người Hipri, nhưng tư tưởng của nó gần gũi với thánh Tông đồ. Tác giả dành trọn chương 11 để trưng bày mẫu gương của các chứng nhân đức tin, với lời mở đầu như sau: “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy”. Đức tin gồm có hai yếu tố.
+ Yếu tố thứ nhất: “bảo đảm những điều hy vọng”[8]. Đức tin bao gồm một cái nhìn tin tưởng và hy vọng về những điều tương lai. Dưới khía cạnh này, đức tin và đức cậy giống nhau.
+ Yếu tố thứ hai: “bằng chứng cho những điều ta không thấy”[9]. Đức tin bao hàm một sự thâm tín về sự hiện hữu của những điều mà ta không thấy.
Theo thánh Tôma Aquinô (Summa Theol. II-II, q.4, a.1), yếu tố thứ nhất liên quan đến đối tượng của đức tin (đó là những điều mà ta hy vọng); yếu tố thứ hai liên quan đến chủ thể của đức tin (nó là một sự xác tín của lý trí về những chân lý tuy không thấy nhưng chấp nhận dựa trên uy tín của Chúa). Chúng ta có thể tóm tắt như thế này: tín hữu là người không dừng lại ở những điều vật chất hữu hình, nhưng tin tưởng hướng về những thực tại siêu việt mà hiện thời ta không thấy được, song đã được Thiên Chúa bảo đảm.
KẾT LUẬN
Tóm lại, pistis trong Tân ước là một thực thể phong phú bao hàm nhiều khía cạnh.
– Khía cạnh tri thức: hiểu biết về bản thân và sứ điệp của đức Giêsu.
– Khía cạnh tin tưởng vào sự chân thành của Thiên Chúa mạc khải cho chúng ta nơi đức Kitô. Sự tín thác kèm theo niềm hy vọng rằng những lời Chúa hứa sẽ được thực hiện (Dt 11,9-11; Rm 4,17-20; 1Pr 1,5-9). Hy vọng phát sinh sự kiên trì và chung thủy (2Tm 4,7; Rm 1,5; Gl 5,6).
– Hiệu quả: đức tin mang lại đời sống mới (ơn trở nên công chính; thụ tạo mới).
Khi đối chiếu giữa quan niệm “tin” trong Cựu ước và Tân ước, các tác giả nhận thấy sự liên tục và sự mới mẻ. Sự liên tục ở chỗ tin bao hàm thái độ tín thác, tin tưởng vào Thiên Chúa can thiệp trong lịch sử; sự mới mẻ ở chỗ đối tượng của sự can thiệp của Thiên Chúa được biểu lộ cách cụ thể nơi đức Giêsu Kitô: kể từ nay, ai tin vào Thiên Chúa thì cũng phải tin vào Đức Giêsu Kitô. Như vậy trong Tân ước, tin mang thêm một chiều kích, đó là chấp nhận Đức Kitô. Riêng về điểm này, các sách Tân ước cũng cho thấy một sự tiến triển. Thực vậy, vào lúc bắt đầu rao giảng Tin mừng, Đức Giêsu chỉ đòi hỏi nơi người nghe sự tin tưởng vào lời của Người và cải hoán cuộc đời; vai trò của Ngài có thể ví như một đại ngôn sứ. Dần dần, và cách riêng là kể từ cuộc Phục sinh, Đức Giêsu đòi hỏi các môn đệ và người nghe hãy tin vào Người, tin rằng Người là vị Cứu thế, và hơn thế nữa, tin rằng Người là Thiên Chúa. Ta có thể nhận thấy sự tiến triển ấy khi bắt đầu với các bản văn tương đối thô sơ của Tin mừng nhất lãm cho đến cao điểm nơi các tác phẩm của thánh Phaolô và thánh Gioan.
Một điều trớ trêu là khi đọc Tin mừng, ta thấy những kẻ không tin Đức Kitô là những người Do thái. Họ đâu phải là người vô thần; trái lại, họ đã tin vào Thiên Chúa, và đa số rất trung thành với Luật Mosê. Trong bối cảnh ấy, ta dễ hiểu vì sao Tân ước nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tiến thêm một bước nữa, đó là nhìn nhận rằng Thiên Chúa đang can thiệp vào lịch sử nơi bản thân của Đức Giêsu: từ đó vấn đề được đặt lên về việc tin vào lời giảng của đức Giêsu và lời giảng của Hội thánh về Đức Giêsu. Đức tin cần thiết để được cứu rỗi. Đức Giêsu đã làm nhiều phép lạ để chứng minh sứ mệnh của mình, nhưng phép lạ chưa đủ để tin. Cần có thái độ cởi mở với những hình thức mới của sự can thiệp của Thiên Chúa, cũng như hợp tác với ân sủng để đón nhận đức tin. Ngoài ra, vài vấn nạn khác cũng được nêu lên trong cộng đoàn tiên khởi, chẳng hạn như: tương quan giữa tin và biết, tin và thấy, tin và làm. Đó là bối cảnh của các bản văn Tân ước về đức tin.
Những khía cạnh khác nhau của đức tin sẽ còn được khai triển trong lịch sử Giáo hội.
[1] Tiếng Anh: faith, belief, to believe; tiếng Pháp: foi, croyance, croire; tiếng Latinh: fides credere.
[2] J. Duplacy, “Fede” in: Xavier Leon Dufour (dir.), Dizionario di Teologia Biblica, Marietti Torino 1971, col.380-385.
[3] Thật ra, batak được chuyển sang tiếng Hy-lạp là elpìs, elpìzo, pèpoitha (và sang tiếng Latinh Vulgata là spes, sperare, confido); còn aman là pìstis, pistúein, alétheia (Latinh: fides, credere, veritas). Trong Tân ước danh từ pistis xuất hiện 243 lần và động từ pisteúein 241 lần.
[4] Trong tiếng Hy-lạp, tác giả dùng những động từ khác nhau: blepein (thấy vật lý), theorein (quan sát kỹ lưỡng), theâsthai (chiêm ngưỡng), horan (thấy của đức tin).
[5] Điều này còn rõ hơn khi so sánh với các tác giả Tin mừng nhất lãm, với tỉ lệ danh từ và động từ là: Mt 11/8; Mc 14/5; Lc 9/11.
[6] “Chúng ta được nên công chính nhờ công trình cứu chuộc thực hiện trong Đức Kitôâ Giêsu” (Rm 3,24) “Chính Thiên Chúa tác động đến ý chí cũng như hành động của anh em do lòng yêu thương của Ngài” (Pl 2,13). “Thiên Chúa Đấng cứu độ chúng ta, đã biểu lộ lòng nhân hậu và lòng yêu thương của Ngài đối với nhân loại. Không phải vì tự sức mình chúng ta đã làm nên những việc công chính, nhưng vì Ngài thương xót, nên Ngài đã cứu chúng ta nhờ phép rửa ban ơn Thánh Linh, để chúng ta được tái sinh và đổi mới” (Tt 3,5).
[7] “Qui creavit te sine te, non iustificabit sine te” (Sermones ad populum 169, c.11: PL 38,923)
[8] Dịch sát là: nền tảng, bản thể của những điều mà ta hy vọng (hypostasis elpisoménôn / substantia sperandorum). Nên biết là Đức thánh cha Benedicto XVI đã chú giải đoạn văn này trong thông điệp Spe salvi (30/11/2007) số 7.
[9] Dịch sát: luận chứng chắc chắn của những điều mà ta không thấy (elenchos ou blepoménon / argumentum non apparentium).