Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

HẠNH PHÚC

Administrator
2020-02-05 00:04 UTC+7 38
Bình Hòa Từ ngữ I. Kinh thánh A. Cựu ước : Chủ thể hạnh phúc. Nội dung B. Tân ước : Đức Giesu và hạnh phúc. Nội dung hạnh phúc II. Thần học A. Khía cạnh khách thể B. Về phía chủ thể  —————————– Hạnh phúc là một thuật ngữ khá quen thuộc trong đời sống hằng […]

Bình Hòa

Từ ngữ

I. Kinh thánh

A. Cựu ước : Chủ thể hạnh phúc. Nội dung

B. Tân ước : Đức Giesu và hạnh phúc. Nội dung hạnh phúc

II. Thần học

A. Khía cạnh khách thể

B. Về phía chủ thể

 —————————–

Hạnh phúc là một thuật ngữ khá quen thuộc trong đời sống hằng ngày: đó là điều mà ta ước mong cho chính mình, và cũng cầu chúc cho thân bằng quyến thuộc, đặc biệt là dịp đầu năm. Tuy nhiên, nếu phải giải thích “hạnh phúc là gì?”, hoặc “tìm đâu ra hạnh phúc?” thì câu chuyện trở thành phức tạp, và là đầu đề tranh luận cho biết bao triết gia. Thánh Augustinô (De civitate Dei, XIX,1) đã đếm được 288 ý kiến khác nhau về bí quyết hạnh phúc. Chúng tôi không có tham vọng điểm qua các học thuyết triết học, nhưng chỉ giới hạn vào tư tưởng của Kinh thánh và truyền thống thần học.

Từ ngữ

Trước khi vào đề, chúng tôi muốn ghi vài nhận xét về từ ngữ.

– Trong tiếng Việt, theo ông Lê Gia (Tiếng nói nôm na, NXB Văn Nghệ, TPHCM 1999, trang 753), phúc (hoặc phước) là điều may mắn tốt lành được hưởng trong đời (từ này được ghép với phúc đức, phúc hậu, phúc lộc); đối lại với phúc là họa (hoặc vô phúc, bạc phúc). Hạnh cũng là may mắn. Như vậy, xem ra hạnh phúc là điều không hoàn toàn tùy thuộc vào quyết định của chúng ta nhưng nhờ một yếu tố nào bên ngoài. Bên cạnh đó, đôi khi “hạnh phúc” được dùng như đồng nghĩa với: thỏa mãn, vui thích, sung sướng. Dù sao, những tâm trạng này có thể qua đi, và vì thế ta trông mong được một hạnh phúc vững bền, không bao giờ tàn.

– Trong tiếng Hy lạp có ba từ để ám chỉ hạnh phúc: eutikhia, eudaimonía, makaria. Hai từ đầu tiên mang tính thụ động, may rủi; từ thứ ba đôi khi hàm ngụ chiều kích siêu việt. Eutikhia có nghĩa vận may (Tikhê là nữ thần số mệnh, quyết định phúc hay họa cho mỗi người), hoàn toàn không tùy thuộc vào ý muốn của con người. Eudaimon ghép bởi eu (tốt) và daimon (thần linh, hoặc vận mạng) cũng mang một ý tưởng tương tự, nghĩa là con người gặp được vận may. Makaría (makariotes) bao hàm ý tưởng ân huệ, quà tặng, và đôi khi mang chiều kích siêu việt, trường cửu.

– Hai từ Hy lạp eudaimon makaria được chuyển sang tiếng La tinh là felicitasbeatitudo, tuy với những ý nghĩa khác biệt. Felicitas bởi tính từ felix có nghĩa là phong phú, dồi dào. Beatitudo (tính từ beatus) bởi động từ beare có nghĩa là đổ tràn, không còn thiếu gì. Mặc dù theo tầm nguyên, hai từ ngữ vừa kể bao hàm những ý nghĩa khác nhau, nhưng qua dòng thời gian chúng được coi như đồng nghĩa. Nên ghi nhận là trong tiếng Hy lạp, ông Platon thích dùng từ makaria, còn ông Aristote thích dùng từ eudaimonia. Một cách tương tự như vậy, truyền thống thần học Kitô giáo La tinh thường sử dụng từ beatituto (dựa theo Kinh thánh) hơn là felicitas.

I. Kinh thánh

Kinh thánh không đưa ra một định nghĩa về hạnh phúc, nhưng cung cấp khá nhiều yếu tố để có thể rút ra một khái niệm về bản chất hạnh phúc cũng như những phương tiện để được hạnh phúc. Chúng ta sẽ lần lượt học hỏi các bản văn Cựu ước và Tân ước chung quanh hai vấn đề: chủ thể hạnh phúc và nội dung hạnh phúc.[1]

A. Cựu ước

1. Chủ thể hạnh phúc

Trong tiếng Hípri, Cựu ước sử dụng từ asrey (44 lần) để ám chỉ con người hạnh phúc. Trong bản Hy lạp, ý tưởng đó được chuyển dịch thành makarios (17 lần), makarizein (8 lần), và makaristos (1 lần ở 2 Mcb 7,24).

Nói chung, người hạnh phúc là kẻ không bị đau khổ về thể chất hoặc tinh thần. Trong Cựu ước (cũng như sau này trong Tân ước) hạnh phúc tự nó là một sự ca ngợi thán phục; về sau này, nó trở thành một thể văn khen ngợi hoặc chúc mừng một người vì gặp may mắn hạnh phúc, đồng thời cũng nêu bật lý do của sự may mắn ấy (“Phúc thay … vì …”). Thể văn này gặp thấy đặc biệt nơi các sách Khôn ngoan: 2 lần ở Giob (5,17; 29,11), 27 lần trong các thánh vịnh, 10 lần trong sách Châm ngôn, 1 lần trong sách Diễm ca (6,9), 1 lần trong sách Giảng viên (10,17), 3 lần trong sách Khôn ngoan (2,16; 3,13; 18,1), 17 lần trong sách Huấn ca, 1 lần trong sách Baruc. Trong các sách còn lại của Cựu ước, từ này ít khi được sử dụng: St 30,13; Đnl 33,29; 1V 10,8; 2Sbn 9,7; Tb 13,14.16; 2 Mcb 7,24; Is 3,10 (không rõ); 30,18; 32,20; 56,2; Đn 12,12; Ml 3,12.15.

Trong Kinh thánh, “phúc” được áp dụng cho con người, chứ không cho sự vật hoặc hoàn cảnh. Một trừ lệ là Gv10,17: “Phúc cho đất nước có vua cai trị là con nhà quyền quý”; nhưng hiểu ngậm là tác giả đang nói đến thần dân của nhà vua, chứ không ám chỉ đất đai.

Văn chương Hy lạp coi các thần linh là “diễm phúc” (makares) bởi vì họ được giải thoát khỏi cái chết, các âu lo, các lao nhọc; con người ở thế giới bên kia được coi là diễm phúc vì được hưởng tình trạng giống các thần linh. Ngược lại, Kinh thánh không hề gọi Thiên Chúa là “diễm phúc”, ngoại trừ hai chỗ trong 1Tm 1,11 và 6,15, khi thánh Phaolô tuyên xưng Thiên Chúa “vạn phúc” (makarios), vì ngài là đấng trường sinh bất tử. Tuy nhiên, đang khi các thần linh Hy lạp hưởng hạnh phúc mà không quan tâm tới loài người, còn các thần linh Babylonia dựng nên loài người để cho chết và dành lại sự sống cho mình, thì Thiên Chúa của Kinh thánh lại muốn cho con người được hạnh phúc bằng cách thông ban cho họ sự sống, ân sủng và vinh quang cùng với những phúc lộc khác.

2. Nội dung

Nền tảng của hạnh phúc khá đa dạng. Nói chung, hạnh phúc hệ tại sự sống sung mãn. Sự sống ấy được đồng hóa với cuộc đời trần thế này. Mãi về sau, mặc khải mới mở rộng viễn tượng và cho biết rằng sự sống tràn đầy chỉ đạt tới ở cuộc sống tương lai.

Khi đi vào chi tiết hơn của các lời chúc phúc mà Chúa ban cho dân Ngài, Cựu ước nói đến: một nhà vua đức độ (Gv 10,17), một người vợ đảm đang (Hc 25,8), một hậu duệ đông đúc (St 30,13, Hc 25,7), thân thể xinh đẹp (Dc 6,9), dồi dào của cải, danh giá, khôn ngoan minh mẫn (Gv 25,8-10; G 29,1-11.21-25; Is 32,20), tuổi thọ và ngôi mộ huy hoàng (G 29,18-20; 21,30-33). Trong sách Giob, ta có thể gặp được bản mô tả đầy đủ những sự lành và những sự dữ có thể xảy đến cho con người ở trên đời này: tác giả trình bày luận đề về sự thịnh vượng của người dữ và tai họa của người lành. Ông Giob cho thấy kẻ gian ác cũng được hạnh phúc, an cư, lạc nghiệp, con đàng cháu đống, là những điều mà các đối thủ của ông coi là phần thưởng dành cho kẻ đức hạnh (G 21,7-13.16-21.23-33). Thực ra các chi tiết này cũng gặp thấy trong văn chương Babylonia. Bệnh tật, âu lo, chết yểu là những tai ương mà dân Babylonia cho rằng các thần linh sử dụng để trừng phạt kẻ tội lỗi. Người Babylonia chỉ quan tâm đến cuộc đời hiện tại. Sống thọ, không bệnh tật, của cải dư dật: đó là những phúc lộc mà con người trông mong từ các thần linh.

Kinh thánh chỉ trích quan điểm duy vật ấy. Trong số những điều tạo nên hạnh phúc, Cựu ước nhấn mạnh đến đức cao minh (Cn 3,13; Hc 14,20; 25,9; 37,24; 50,28), đức khôn ngoan, điều độ và hiếu thảo, là những ân huệ Chúa ban, và là những điều kiện để được hạnh phúc (Ml 3,12.15; Br 4,4). Vì thế, để hiểu được ý nghĩa và giá trị của vài câu châm ngôn xem ra chỉ giới hạn hạnh phúc vào những khoái lạc vật chất (chẳng hạn Tv 1,1; 41,2.3; 106,3; 119,1.2; 128,1; Cn 14,21; 20,7; 29,19), ta cần phải lồng chúng trong khung cảnh tôn giáo. Cựu ước đã cảnh giác rằng những cảnh phú quý giàu sang bề ngoài có thể che giấu một lương tâm gian ác và tội lỗi (Ml 3,15), và dĩ nhiên đó không phải là hạnh phúc chân thật (Hc 14,1-2). Ngoài ra, kinh nghiệm cho thấy rằng đừng vội vàng đánh giá một con người là hạnh phúc trước khi họ lìa đời (Hc 11,28), bởi vì chỉ lúc ấy mới có thể nhận biết kẻ ngay lành hạnh phúc (Kn 2,16).

Sách Khôn ngoan mở ra một viễn ảnh mới cho cuộc đời: còn có cuộc sống ở bên kia thế giới nữa. Đồng thời tác giả đặt nhân đức như là giá trị cao quý hơn các của cải vật chất: đó là tiêu chuẩn cần phải quy chiếu khi đánh giá hạnh phúc của một cá nhân. Những kẻ son sẻ có thể hạnh phúc nếu họ sống cuộc đời không tì ố (Kn 3,13-15).

Như vậy, nhờ sự mạc khải tiệm tiến, người ta biết được đâu là hạnh phúc chân thật mà con người cần phải hết lòng tìm kiếm. Kẻ hạnh phúc là người kính sợ Thiên Chúa, yêu mến và tìm kiếm ngài, hy vọng vào ngài (Tv 2,12; 34,9; 40,5; 84,13; 112,1; Cn 16,20: 28,14; Hc 34,15; Is 30,18; Tb 13,14). Phúc cho dân Israel bởi vì họ đã nhận được mặc khải của Thiên Chúa, được Chúa thiết lập giao ước, được tuyển chọn và cứu thoát (Đnl 33,29; Tv 33,12; 65,5; 84,5.6; 89,16; 114,15; 146,5). Phúc cho kẻ nào được thứ tha tội lỗi (Tv 32,1.2), phúc cho những ai giữ lương tâm trong sạch, không phạm lỗi trong lời ăn tiếng nói (Hc 14,1-2; 25,8; 28,19). Nói cho cùng, hạnh phúc hệ ở sự thông hiệp với Thiên Chúa (Tv 73,25). Người công chính xác tín rằng ngay cả trong cảnh buồn phiền khổ cực, đặc biệt là tử vì đạo, ta cũng có thể hạnh phúc (Đn 12,12; 2Mcb 7,24.36-37). Thiên Chúa dùng sự đau khổ để rèn luyện con người; hiểu như vậy, người công chính chấp nhận đau khổ, thậm chí tuyên xưng rằng phúc cho ai để cho Thiên Chúa cải hoán (G 5,17; Tv 94,12; Tb 13,16). Văn chương ngụy thư còn khai triển những tư tưởng ấy, xem sự đau khổ và tử đạo như là hạnh phúc tuyệt vời nhất (x. 4 Mcb 6,11; 7,15; 10,15; 12,1).

B. Tân ước

Mặc khải của Đức Kitô mang lại hai điều mới mẻ cho quan niệm về hạnh phúc: 1) tất cả những điều làm nên hạnh phúc chân chính đã hiện diện cách tiềm ẩn nơi Người; 2) hạnh phúc mang ý nghĩa tôn giáo và tinh thần, mà nền tảng là ơn cứu độ trong Nước Trời.

1. Đức Giêsu và hạnh phúc

Lời giảng của Đức Giêsu đã làm thay đổi triệt để các ý tưởng về phúc và họa. Người đã làm cho nhiều người được hạnh phúc và nhiều người mang họa. Vô phúc cho những người không đón nhận tin mừng, chẳng hạn như các thành phố cứng lòng (Mt 11,21); vô phúc cho những người kinh sư và biệt phái vì bám sát vào tục lệ mà bỏ qua Luật Thiên Chúa (Mt 23,13-31). Ngược lại, phúc cho những ai nhận ra ơn cứu độ của Thiên Chúa được ban nơi bản thân và hoạt động của Đức Giêsu: đó là những kẻ lắng nghe lời Thiên Chúa (Lc 11,28), những kẻ tin tuy không thấy (Ga 20,29), những kẻ không vấp ngã vì Đức Giêsu (Lc 7,23; Mt 11,6). Phúc cho những cặp mắt đã nhìn thấy Đức Kitô (Mt 13,16); phúc cho thân mẫu của Đấng Mêsia vì đã sinh hạ Đấng Cứu độ thế gian (Lc 1,48; 11,27), và đã tin vào những lời Thiên Chúa hứa (Lc 1,45); phúc cho ông Simon Phêrô, bởi vì ông được Chúa Cha mặc khải cho biết Đức Giêsu là Con Thiên Chúa (Mt 16,17); phúc cho những kẻ tỉnh thức trông chờ Chúa đến (Lc 12,37-38; Kh 16,15); phúc cho những tôi tớ trung thành và khôn ngoan (Mt 24,46: Lc 12,43); phúc cho những kẻ thực hành việc thương xót tha nhân (Lc 14,140, khiêm tốn phục vụ anh em (Ga 13,17); phúc cho ai kiên nhẫn chịu đựng những thử thách và chiến đấu cho đức tin (Gc 1,12.25; 5,11; 1Pr 3,14; 4,14).

2. Nội dung hạnh phúc

Nội dung của những hạnh phúc được tóm lại trong bản tuyên ngôn các điều kiện để được hạnh phúc (Mt 5,3-12; Lc 6,24-26); song song với những “vô phúc” hoặc “khốn” (Mt 23,13-32; Lc 6,24-26). Các mối phúc của Tin mừng đánh dấu một kỷ nguyên mới, một cái nhìn mới về hệ trật các giá trị. Đối lại các sự hào nhoáng giả dối của thế gian, Đức Kitô tuyên bố sứ điệp hạnh phúc và cho biết có thể tìm thấy ở đâu hạnh phúc đích thực. Sứ điệp này lật ngược tất cả quan điểm của người đời thường về hạnh phúc. Đức Giêsu không nói rằng những người giàu, sung túc, quyền thế là hạnh phúc, nhưng là những người nghèo, những người sầu muộn. Hạnh phúc mà Người hứa sẽ được thỏa mãn ở chốn vĩnh cửu, nhưng mà ngay từ bây giờ, hạnh phúc ấy đã bắt đầu thực hiện trong bình an và hoan lạc của Thánh Linh. Người Kitô hữu đã được hạnh phúc trong hy vọng, tuy chưa được tỏ hiện hoàn toàn như khi được chiêm ngưỡng Thiên Chúa nhãn tiền (1Ga 3,2-3)

a) Thánh Luca kể lại một danh mục gồm bốn mối phúc (và còn thêm bốn “vô phúc” 6,24-26). Danh mục của thánh Mátthêu gồm tám mối phúc. Không có gì khác biệt căn bản giữa hai tác giả. Các mối phúc của Luca xem ra loan báo một sự đảo ngược tình trạng: đau khổ ở đời này, vui sướng ở đời sau (x. Lc 16,25). Các mối phúc của thánh Mátthêu vạch ra một chương trình sống đức độ và nêu bật mối liên hệ giữa nếp sống đức hạnh với phần thưởng cánh chung. Thánh Mátthêu trình bày diễn từ của Đức Giêsu ở ngôi thứ ba (“Phúc cho ai nghèo khó”), thánh Luca đặt ở ngôi thứ hai (“Phúc cho anh em là những người nghèo khó”). Theo thánh Luca, Đức Giêsu tuyên bố hạnh phúc cho những người nghèo, đói khát, khóc lóc và chịu bách hại (Lc 6,20-22); nơi thánh Mátthêu, hạnh phúc dành cho những người nghèo, hiền lành, khóc lóc, đói khát, nhân từ, tâm hồn thanh sạch, hiếu hòa, chịu bách hại (Mt 5,3-12). Thánh Luca nhấn mạnh vị trí tuyệt đối của đời sống vĩnh cửu, còn đời sống trần thế chỉ là khí cụ: quả vậy, chỉ có một điều duy nhất cần thiết; những gì còn lại cần được nhìn như dụng cụ để đạt được cái giá trị tuyệt đối ấy. Vì thế ta hiểu được vì sao chịu đau khổ vì Đức Kitô lại là một mối phúc: “Anh em hãy vui mừng hớn hở vì phần thưởng dành cho anh em trên trời sẽ lớn lao” (Lc 6,23). Thánh Mátthêu gắn cho các mối phúc một đặc tính thiêng liêng: những người nghèo có phúc không phải là những người nghèo túng nhưng là những người nghèo “trong tinh thần”; những người đói khát có phúc là những kẻ đói khát “sự công chính” chứ không phải đói cơm bánh. Thánh Luca đặt nặng chiều kích xã hội: hạnh phúc tương lai là phần thưởng cho những lầm than hiện tại. Thánh Mátthêu chú trọng đến thái độ nội tâm, vạch ra lý tưởng nghèo khó. Tuy nhiên cả hai chiều kích, nội tâm và xã hội, đều có liên hệ chặt chẽ; bởi vì nếu ai có tinh thần nghèo khó đích thực thì trước sau cũng thoát ly khỏi tiền bạc của cải.

b) Bốn mối phúc chung – khó nghèo, đói khát, khóc lóc, chịu bách hại – nêu bật rằng hạnh phúc của người Kitô hữu chấp nhận điều kiện khó nghèo (đói khát và nước mắt là hệ luận của nghèo khó) với đức tin, hy vọng và yêu mến, thì đã là công dân của vương quốc Thiên Chúa, vương quốc mà hiện thời ở trong thế chiến đấu nhưng sẽ là vương quốc hạnh phúc vĩnh cửu trong vinh quang. Các mối phúc này cũng muốn nêu bật rằng hạnh phúc của một tín hữu chịu bách hại, không những phải chấp nhận cuộc sống cam go và khó nghèo mà còn phải chịu đựng sự đàn áp của những đối thủ của Thiên Chúa và tôn giáo, giống như dân Israel, các ngôn sứ và nhất là Đức Giêsu Kitô. Kể từ khi Đức Kitô chịu chết trên thập giá trước khi phục sinh thì đau khổ và vinh quang, chịu bách hại và hạnh phúc là những thực tại không thể tách rời nhau. Khó nghèo, đói khát và nước mắt, chịu ngược đãi, là những tình trạng ưu tiên để vào Nước Trời. Hạnh phúc thay ai chấp nhận những sự dữ ấy vì Đức Kitô và với Đức Kitô; mặc dù điều đó không đồng nghĩa với thái độ thụ động, buông xuôi khi đối diện với sự dữ.

c) Bốn mối phúc riêng của thánh Mátthêu – hiền lành, thương xót, thanh tịnh và hiếu hòa – nêu bật những tâm tình khác cần có để đạt tới hạnh phúc chân chính. Sự hiền lành đối lại với bạo lực và khắc nghiệt (x. Mt 11,28-30; 23,4). Lòng thương xót, được thể hiên qua những việc bác ái dành cho những người cùng cực, được bảo đảm sẽ được vị Thẩm phán tối cao thương xót lại (Mt 25,31-46). Thanh tịnh là một thái độ ở trong tâm hồn, chứ không phải là một số hành vi thanh tẩy bên ngoài (Mt 23.25-28). Hiếu hòa là kẻ duy trì bình an trong mình và đứng ra hòa giải giữa các anh chị em đồng loại.

3. Thánh Phaolô ít khi đưa những lời khẳng định về hạnh phúc, nhưng những lần ít ỏi đó rất có ý nghĩa thần học. Khi trưng dẫn một đoạn văn Cựu ước (Tv 32,1-2), thánh tông đồ nói rằng phúc cho ai lãnh nhận sự tha thứ lỗi lầm, và hạnh phúc ấy phát sinh từ chỗ biết rằng mình đã nên công chính, nghĩa là đã được giao hòa với Thiên Chúa (Rm 4,7-9). Một lần khác, thánh Phaolô tuyên bố rằng phúc cho ai không bị lương tâm khiển trách về những quyết định liên quan đến các vấn đề luân lý còn đang hồ nghi (Rm 14,22). Sau cùng, ngài cho rằng một góa phụ không tái giá thì hạnh phúc hơn, ngõ hầu dành hết công sức để phục vụ Chúa (1Cr 7,40).

4. Sách Khải huyền chứa đựng 7 mối phúc (và 14 mối họa), bổ sung cho quan niệm Tân ước về hạnh phúc. Tác giả mở đầu với lời tuyên bố: “Phúc thay người đọc, phúc thay những ai nghe những sấm ngôn đó và tuân giữ các điều chép trong đó” (1,3), và kết thúc với những lời tương tự (22,7). Những lời chúc phúc còn lại liên quan đến: những người đã ly trần trong Chúa, bởi vì họ được nghỉ ngơi sau những công lao vất vả (14,13); những tín hữu đã tỉnh thức suốt đời và đầy dẫy những việc lành (16,15); những người được mời tham dự tiệc cưới của Con Chiên bởi vì niềm hạnh phúc được cứu rỗi (19,9: x. Lc 14,15; 22,30; Mt 26,29); những người được thông dự vào sự phục sinh lần thứ nhất bởi vì họ sẽ được giải thoát khỏi cái chết đời đời (20,6); những kẻ đã giặt áo mình trong máu của Con Chiên, nghĩa là đã được hưởng nhờ những hiệu quả của ơn Cứu chuộc, và như thế họ sẽ bước vào vinh quang trên trời (22,14).

Tóm lại, trong những bản văn cổ xưa của Cựu ước, hạnh phúc dừng lại ở cuộc sống hiện tại. Với sự tiến triển của mặc khải, viễn tượng được mở ra: các bản văn cuối cùng của Cựu ước nói đế hạnh phúc ở cuộc sống bên kia, hạnh phúc hệ tại yêu mến, kết hợp với Thiên Chúa, sự minh tuệ, công chính, thánh thiện. Những điểm này đã được đề cập đến trong chương Một.

Tân ước khai mạc thời buổi của một Tin vui mừng. Thiên sứ Gabriel mời gọi Đức Mara hãy vui lên, vì Thiên Chúa ở với Người (Lc 1,28); các thiên sứ loan báo cho các mục đồng một tin vui vì Đấng Cứu thế đã ra đời (Lc 2,10). Hạnh phúc chính là ơn cứu độ mà Đức Giêsu mang đến cho nhân loại, hạnh phúc hệ ở đồng hóa với Người ở đời này, chia sẻ những tâm tình và nếp sống của Người. Người hứa cho ai chấp nhận con đường ấy sẽ được hưởng hạnh phúc ngay từ bây giờ, tuy chỉ được hoàn tất ở đời sau. Dù sao, hạnh phúc là một ân huệ của Thiên Chúa, và đồng thời cũng đòi hỏi nỗ lực của con người.

Hạnh phúc chân thật là được ở với Thiên Chúa, được chia sẻ tình yêu với Thiên Chúa. Thật là một thực tại khó diễn tả bằng ngôn ngữ loài người. Tuy vậy, trong các dụ ngôn, Đức Giêsu cũng tìm những hình ảnh để người nghe có vài ý niệm sơ đẳng về thực tại ấy. Với giới thương gia, Đức Giêsu ví Nước Trời như viên ngọc quý. Với các ngư phủ, Nước Trời được ví như mẻ lưới đầy. Với các nông dân, Nước Trời được ví như mùa gặt dồi dào. Chúa Giêsu sử dụng những hình ảnh vừa rồi không chỉ bởi vì các thính giả thuộc giới bình dân (không phải trí thức) nhưng còn vì ngôn ngữ biểu tượng xem ra là đường lối hữu hiệu nhất để diễn tả những thực tại vượt quá tầm mức của trí tuệ con người.

Trong số những biểu tượng được sử dụng để diễn tả niềm vui và hạnh phúc của con người, có hai hình ảnh xuất hiện nhiều lần, đó là đám tiệchôn lễ (Mt 22,1-10; 25,1-10; Lc 12,35-38; 13,28-29; 14,16-24). Thực ra, chúng đã được các ngôn sứ nói đến rồi (x. Is 25,6): đám tiệc và hôn lễ đáp ứng cho hai bản năng cơ bản của loài người, đó là duy trì sự sống của bản thân và chủng loại. Khác với động vật, hai bản năng đó được nhân-bản-hoá qua các lễ nghi, gia tăng thêm tính cách tưng bừng để chào mừng thành công, tình nghĩa gia tộc. Thêm vào đó là tính cách cộng đoàn (chúng ta có thể ăn uống riêng tư một mình, nhưng đã là “tiệc” thì phải có ba bốn người trở lên), đặc biệt là khi được gắn liền với hình ảnh “đô thành” (Kh 21,9tt). Niềm vui được trọn vẹn hơn khi được chia sẻ với bằng hữu, chứ không đơn độc.

Trước đó, trong Bài giảng trên núi, Đức Giêsu cũng đã áp dụng một phương pháp tương tự để diễn tả “phúc thật vĩnh cửu”, chẳng hạn: “Nước Trời là của họ ¼; được Đất Hứa làm gia nghiệp ¼; sẽ được ủi an ¼; được Thiên Chúa cho thoả lòng ¼; được Thiên Chúa xót thương¼; được nhìn thấy Thiên Chúa¼; được gọi là con Thiên Chúa” (x. Mt 5,3-9).

Một cách tương tự, trong bảy lá thư được sách Khải Huyền chương 2-3 nói tới, những lời hứa về phần thưởng được diễn tả như: “ăn quả cây sự sống trồng nơi ngự uyển của Thiên Chúa” (2,7); “được ban triều thiên sự sống ¼ không bị cái chết lần thứ hai làm hại” (2,10-11); “được ban một viên sỏi trắng, trên đó có khắc một tên mới” (2,17); “được ban Sao Mai” (2,28); “được mặc áo trắng, được Đức Kitô nhìn nhận trước mặt Chúa Cha” (3,5); “được làm cột trụ trong Đền thờ Thiên Chúa” (3,12); “dùng bữa với Chúa” (3,20).

Chúng ta cố gắng khám phá thực chất, đàng sau các hình ảnh biểu tượng.

II. Thần học

Dựa trên các dữ kiện của Kinh thánh, đồng thời cũng tiếp nhận các học thuyết của các triết gia cổ điển, thần học Kitô giáo đã phát triển một đạo lý về hạnh phúc, hoặc giải thích bản chất của thiên đàng trong bối cảnh của thần học tín lý, hoặc khi trình bày cứu cánh đời người trong bối cảnh của thần học luân lý. Một thí dụ có thể thấy nơi Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo: đề tài hạnh phúc được nói ở số 1023-1029 và 1045 (cuối phần thứ nhất: tuyên xưng đức tin) và ở các số 1718-1724 (mở đầu cho phần thứ ba: đời sống trong đức Kitô). Ở đây, chúng tôi chỉ muốn giới thiệu đạo lý của thánh Tôma Aquinô (Summa Theologica, I-II, q.1-5), kết quả của một tổng hợp triết học Aristote, Kinh thánh và các giáo phụ.[2]

Trước khi đi vào chi tiết, thiết tưởng nên phân biệt những lối tiếp cận khác nhau khi đề cập đến hạnh phúc.

– Trước hết, hạnh phúc có thể xét đến dưới khía cạnh “chủ thể” và “khách thể”: a) khía cạnh chủ thể (subiectiva) ám chỉ một tâm trạng về phía con người: sung sướng, thoải mái, thích thú; b) khía cạnh khách thể (obiectiva) muốn nói đến đối tượng có khả năng mang lại tâm trạng ấy. Các cuộc tranh luận trong lịch sử tư tưởng thường xoay quanh khía cạnh khách thể: cái gì có khả năng mang lại cho chúng ta sự sung sướng thỏa mãn?

– Kế đó, khi bàn đến khả năng đạt đến hạnh phúc, thần học phân biệt giữa hạnh phúc “tự nhiên” (naturalis) và “siêu nhiên” (supernaturalis). Hạnh phúc được gọi là “tự nhiên” khi nằm ở trong tầm tay của con người; đối tượng của nó là những sự thiện tự nhiên trên đời này. Hạnh phúc được gọi là “siêu nhiên” khi vượt quá khả năng của loài thụ tạo, và chỉ có thể đạt được nhờ ân sủng của Chúa.

– Sau cùng, hạnh phúc siêu nhiên cũng có thể là “bất toàn” (imperfecta) hoặc “hoàn toàn” (perfecta). Trên cuộc sống lữ hành, người tín hữu dã được nếm hưởng đôi chút niềm vui của sự kết hiệp với Thiên Chúa; nhưng thực tại ấy chỉ thành trọn vẹn trong cuộc sống mai hậu.

Dựa theo nhận xét của thánh Augustinô, thánh Tôma nhắc lại rằng ai ai cũng ước ao hạnh phúc, hiểu như là đạt đến cứu cánh tối hậu của con người, có khả năng thỏa mãn mọi khát vọng cũng như giúp con người được trở nên hoàn hảo. Tuy nhiên, khi đi vào hoàn cảnh cụ thể, không phải tất cả mọi người đều đồng ý về đối tượng ấy: có người cho rằng đó là của cải, người khác lại nghĩ là khoái lạc, hoặc điều gì khác nữa. Nói đúng ra, có lẽ nhiều người không biết chính xác đâu là cứu cánh tối hậu của đời mình, vì thế mà họ chỉ biết chạy theo những điều hấp dẫn trước mắt. Bởi vậy, cần phải ý thức cứu cánh tối hậu, bởi vì nó sẽ định hướng những tâm tình và quyết định khác trong đời sống.

A. Khía cạnh khách thể

Trước tiên, thánh Tôma rảo qua một vòng những đối tượng (7) mà người đời theo đuổi vì nghĩ rằng sẽ mang lại hạnh phúc: của cải, danh vọng và địa vị, quyền hành, thân thể lành mạnh, khoái lạc, những điều thiện hảo của linh hồn, các vật thụ tạo (Summa Theologica, I-II, q.2).

Tuy nhiên, những đối tượng này không thể mang lại hạnh phúc:

– Của cải. Đành rằng “có tiền mua tiên cũng được”, nhưng ai đã kiếm được tiền thì chưa hẳn là hạnh phúc, bởi vì vẫn còn nơm nớp lo sợ sẽ bị cướp giật mất. Thêm vào đó, tiền tài là căn cớ cho bao nhiều cuộc tranh chấp.

– Danh vọng và địa vị. So sánh với tiền tài, danh vọng có vẻ cao thượng hơn. Người ta không ngại bỏ tiền để kiếm danh vọng. Nhưng danh vọng chỉ là tương đối, bởi vì nó tùy thuộc vào sự nhìn nhận về phía người đời: công danh sự nghiệp của ta có thể lên xuống tùy theo người đời hoan hô hay phản đối. Xét vì nó thay đổi theo chiều gió cho nên không thể là hạnh phúc được.

– Quyền hành. Nhiều người mơ ước quyền hành có lẽ bởi vì ngỡ rằng mình cũng toàn năng như Thượng đế. Thực tế cho thấy rằng ai đang nắm quyền thì trở thành nạn nhân của sợ hãi: sợ bị mất quyền, sợ bị người khác âm mưu lật đổ. Vì thế họ phải dùng thủ đoạn để nắm chặt quyền bính, và không ngại loại bỏ các đối thủ. Như vậy quyền bính không đưa đến hạnh phúc.

– Thân thể lành mạnh. Chúng ta có nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe (và sắc đẹp), nhưng đó chưa phải là hạnh phúc. Thật vậy, xét về sức mạnh, nhiều thú vật sung sức hơn ta nhưng chúng đâu có hạnh phúc?

– Khoái lạc. Nên phân biệt nhiều thứ khoái lạc. Có thứ khoái lạc nhục dục, bởi vì thỏa mãn một đòi hỏi của nhục dục; nhưng đó chưa phải là hạnh phúc bởi vì nó không bền lâu và không đưa chúng ta lên cao hơn loài thú vật. Có thứ khoái lạc thích thú do kết quả đạt được sau một công việc (chẳng hạn một nhà khoa học đã khám phá một chân lý sau bao năm sưu tầm); nhưng nó không phải là hạnh phúc, bởi vì là hậu quả của sự tìm kiếm chứ không phải là đối tượng của sự tìm kiếm.

– Nhiều triết gia đặt bí quyết hạnh phúc nơi các giá trị tinh thần (kiến thức, đức độ). Tuy các đối tượng này cao thượng nhưng chưa phải là hạnh phúc bởi vì còn bất toàn, không đủ khả năng lấp đầy khát vọng vô biên của ta.

– Như vậy, các đối tượng vừa kể trên không phải là hạnh phúc. Nhưng nếu gom lại tất cả các đối tượng ấy, thì liệu chúng có tạo nên hạnh phúc không? Câu trả lời là không, bởi vì tổng số các điều hữu hạn vẫn là hữu hạn, đang khi ý chí của con người chỉ thỏa mãn với điều thiện tuyệt đối mà thôi.

Nói khác đi, đối tượng tạo ra hạnh phúc phải là một điều thiện tuyệt đối, có khả năng lấp đầy mọi ước mong khao khát của con người. Điều thiện tuyệt đối cũng loại trừ hết mọi bất toàn thiếu sót. Đối tượng ấy chỉ có thể là Thiên Chúa mà thôi (I-II, q.3).

B. Về phía chủ thể

Hạnh phúc là tình trạng của con người được hoàn toàn thỏa mãn mọi khát vọng. Nếu duy chỉ Thiên Chúa mới là Hạnh phúc tuyệt đối, thì chỉ khi nào ta chiếm được Thiên Chúa, ta mới được hạnh phúc đích thực. Điều này diễn ra như thế nào?

Dưới khía cạnh lý luận tự nhiên, phải nhìn nhận rằng ta chỉ có thể đến với Thiên Chúa bằng những quan năng tinh thần (lý trí và ý chí), chứ không bằng những các cơ quan khả giác. Điều khó khăn là làm sao ta có thể hiểu biết và yêu mến Thiên Chúa được? Các triết gia Hy lạp như Platon và Aristote trả lời là nhờ sự chiêm niệm (contemplatio). Điều này đòi hỏi nhiều nỗ lực của trí tuệ, và có lẽ chỉ dành cho các triết gia chứ không phải cho hết mọi người.

May thay, chính Thiên Chúa đã đến gặp gỡ con người, và nâng con người lên với mình. Đức tin Kitô giáo đặt tên là “hồng ân kết hiệp” hoặc “hồng ân được thiên hóa”.[3]

Bước đầu tiên của tiến trình này là chính Thiên Chúa đã gieo vào lòng con người sự khát khao hướng về những thực tại tuyệt đối (Chân – Thiện – Mỹ), như thánh Augustinô đã viết: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Chúa; trái tim con sẽ mãi xao xuyến bao lâu chưa an nghỉ trong Chúa”. Kế đó, Thiên Chúa đã tự tỏ mình ra cho con người, và tạo điều kiện để nguyện vọng của con người có thể thực hiện được.

Trên thực tế, con người chỉ có thể đạt được hạnh phúc tuyệt đối ở đời sau. Tuy nhiên, ở đời này con người có thể được Chúa ban cho hưởng được phần nào hạnh phúc mai hậu. Sự kết hiệp với Thiên Chúa là một hồng ân siêu nhiên mà ngài ban cho con người. Tuy vậy, ngài muốn cho chúng ta chuẩn bị đón nhận hồng ân ấy bằng cách thực hành các nhân đức. Đó là lý do của đời sống luân lý. Thánh Tôma bàn về hạnh phúc khi mở đầu phần thần học luân lý (chứ không phải ở cuối cùng). Tại sao vậy? Bởi vì thánh nhân nhận xét rằng khi hành động, con người luôn đặt câu hỏi về lý do và mục đích của nó: Tại sao mình làm cái này? Làm cái này để được gì? Dần dần câu hỏi không chỉ giới hạn vào một hành vi cụ thể mà kéo dài ra suốt cả cuộc đời: Mình sinh ra trên đời để làm gì? Cuộc đời có ý nghĩa gì? Đó là câu hỏi về cứu cánh của cuộc sống. Thánh Tôma trả lời rằng cứu cánh của cuộc sống là hạnh phúc. Hạnh phúc là tiêu chuẩn đo lường giá trị tốt xấu của các hành vi: một hành vi được đánh giá là tốt khi nó đưa chúng ta đạt đến hạnh phúc thực; trái lại, hành vi xấu khi nó làm chúng ta mất hạnh phúc.

Chúng ta sẽ còn trở lại với những vấn đề này khi phân tích nội dung của tư tưởng “sự sống đời đời”. Ở đây chỉ cần lưu ý một số từ ngữ liên hệ đến hạnh phúc trong văn chương thần học bằng tiếng La tinh. Hạnh phúc là beatitudo; những kẻ được hạnh phúc được gọi là beatus hoặc beata (được dịch sang tiếng Việt là “chân phúc” hoặc “phúc nhân”). Cốt yếu của hạnh phúc là được nhìn thấy Thiên Chúa mặt giáp mặt; thuật ngữ chuyên môn là visio beatifica (được dịch là “phúc kiến”, có nghĩa là sự nhìn ngắm mang lại hạnh phúc). Ý tưởng này dựa trên hai đoạn văn Tân ước, đó là: 1Cr 13,12 (Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ trong một tấm gương, mai sau sẽ được mặt giáp mặt. Bây giờ tôi biết chỉ có ngần có hạn, mai sau tôi sẽ được biết hết, như Thiên Chúa biết tôi) và 1Ga 3,1-2 (Anh em hãy xem Chúa Cha yêu thương chúng ta dường nào, đến nỗi chúng ta được gọi là con Thiên Chúa – mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa… Hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Đức Kitô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy).

Nên lưu ý là trong hai đoạn văn này, việc nhìn thấy Chúa đi kèm việc biết Chúa, và được biến đổi trở nên giống như Chúa, Đấng là Chân lý, Tình yêu, Sự sống vĩnh cửu. Nói khác đi, việc “nhìn ngắm Chúa” không phải là một trạng thái bất động, nhưng là một hoạt động hiệp thông, trao đổi, như sẽ nói sau.

Hạnh phúc vừa nói chỉ đạt được ở thế giới mai hậu. Tuy nhiên, ngay từ đời này, ta đã có thể nếm hưởng phần nào nhờ con đường tám mối phúc thật. Bài giảng bát phúc thanh luyện chúng ta khỏi những ảo tưởng về hạnh phúc giả tạo, và vạch cho ta thấy con đường dẫn tới Hạnh phúc chân chính. Nhờ việc học hỏi chân lý, chúng ta phần nào được thông dự vào sự hiểu biết Thiên Chúa chân thật, nhưng nhất là nhờ yêu mến, chúng ta được dẫn vào sự kết hiệp với Ngài. Nên nhấn mạnh rằng “yêu mến” cần được nhìn từ phía Thiên Chúa trước khi nhìn từ phía chúng ta: Thiên Chúa yêu thương chúng ta trước, và đã trút đổ Thần khí yêu thương vào lòng ta để ta có đáp trả. Yêu thương có nghĩa là ra khỏi cái “bản ngã” để kết hợp với Người Yêu. Điều này giải thích vì sao bài giảng các mối phúc thật đòi hỏi ta phải vượt ra nhiều thứ hạnh phúc giả tạo bởi vì chúng chỉ xoay quanh cái bản ngã (chiếm hữu tài sản, hà hiếp bóc lột tha nhân, …). Nói cho cùng, tám mối phúc thật đã họa lại cho ta chính bức chân dung của Đức Giêsu, mời gọi chúng ta chia sẻ con đường yêu thương qua việc từ bỏ mình để phục vụ (xc. GLCG 1717). Các chân phúc cũng nâng đỡ niềm hy vọng của ta trong lúc phải tranh đấu để đạt những điều Chúa đã hứa, khi phải trải qua những lúc sầu muộn, khi lựa chọn con đường hiền từ, khi chịu bách hại vì công lý. Trên thực tế, trải qua bao thế hệ, các Kitô hữu đã dấn thân vào việc phụng sự Chúa Kitô, – dù là những công trình vĩ đại như rao giảng Tin mừng (chẳng hạn thánh Phaolô), hoặc là những công tác khiêm tốn, tựa như cho kẻ đói ăn cho kẻ khát uống vì lòng mến Đức Kitô …, bởi vì họ hy vọng vào phần thưởng mà Chúa đã hứa sẽ ban cho những tôi trung (xc. 2Tm 4,6-8). Đây cũng là mục tiêu của mọi nỗ lực trong đời sống tâm linh, nhằm thanh luyện con tim được trong trắng ngõ hầu xứng đáng chiêm ngắm Chúa, kết hiệp với Ngài.

————————

[1] O. García De La Fuente, “Felicidad” in: Diccionario Enciclopedico Rialp Madrid 1991. J. Dupont, “Beatitudine / beatitudini” in: Nuovo Dizionario di Teologia Biblica, Paoline, Cinisello Balsamo, 1988, p. 155-161.

[2] X. Đời sống tâm linh tập VIII (Nhân sinh quan Kitô giáo), Rôma 2009, trang 441-450.

[3] Xc. Đời sống tâm linh tập III trang 118-124; tập V trang 188-198.