Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Những Nét Đặc Trưng Trong Luân Lý Kitô Giáo

Administrator
2018-09-23 09:11 UTC+7 32
Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Đức Quang Giáo sư bộ môn Luân Lý: Đại Chủng Viện Thánh Giuse – Sài Gòn và Trung Tâm Học Vấn Đaminh (viết theo tác phẩm “La Morale” của Jean Marie Aubert, Nxb. Centurion 1992, từ trang 17 – 49) I. LUÂN LÝ KITÔ GIÁO LÀ NỀN LUÂN LÝ VỀ […]


Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Đức Quang
Giáo sư bộ môn Luân Lý: Đại Chủng Viện Thánh Giuse – Sài Gòn và Trung Tâm Học Vấn Đaminh

(viết theo tác phẩm “La Morale” của Jean Marie Aubert, Nxb. Centurion 1992, từ trang 17 – 49)

I. LUÂN LÝ KITÔ GIÁO LÀ NỀN LUÂN LÝ VỀ HẠNH PHÚC
 
1. Theo bản tính tự nhiên, con người mong muốn hạnh phúc
 
Đây quả thực là một chân lý sơ đẳng: việc tìm kiếm hạnh phúc là động cơ nền tảng và cuối cùng của cuộc sống tự nhiên nơi con người. Trong thực tế của cuộc sống, ta không thể phủ nhận sự kiện sau đây: Con người khát khao, tìm kiếm hạnh phúc bằng những con đường rất khác biệt nhau. Người ta mong muốn có được sức khoẻ, tình yêu, tiền của, danh giá hay quyền lực và coi đó là những nhân tố đem lại hạnh phúc cho bản thân cũng như cho gia đình. Ta thấy rõ ngay từ trong nền tảng, ai cũng đều mong muốn hạnh phúc, nhưng thực tế nhiều khi lại rất phũ phàng, vì người ta thường gặp những bất hạnh hơn là hạnh phúc.
 
2. Con người là một hữu thể có những nhu cầu và khát vọng
 
Nếu con người khát khao hạnh phúc mãnh liệt như vậy, chính là vì con người bị dày vò bởi một nhu cầu sâu thẳm. Nhu cầu này tương ứng với một nỗi thiếu thốn nơi bản thân họ.
 
a. Ngoài nhu cầu ăn uống là ưu tiên số một để sinh tồn giống như các loài động vật khác, đây là nhu cầu sinh vật học; con người còn có những nhu cầu khác như hiểu biết, yêu thương, văn hoá, tôn giáo, sống hiệp thông với người khác. Những nhu cầu này vượt quá những nhu cầu vật chất bình thường, ta gọi đây là những nhu cầu mang chiều kích tâm linh hay thiêng liêng. Chính nhờ chiều kích này, con người mới có thể đạt được những tiến bộ mà những loài khác không thực hiện được. Nhưng cũng với chiều kích trên, ta có thể nói con người là một hữu thể dở dang, không bao giờ được hoàn thành vì luôn hướng mở về phía trước.
 
b. Nếu con người là một hữu thể có những nhu cầu, thì họ trở thành một hữu thể có khát vọng. Nhu cầu hiện tại vừa được thoả mãn, thay vì làm dịu đi nỗi khát vọng nơi con người, thì nó lại làm nảy sinh việc hướng chiều đến một nhu cầu mới. Thế là một nỗi khát vọng mới lại xuất hiện. Kinh nghiệm hiện sinh này cho thấy nơi chúng ta có một nỗi thiếu thốn nền tảng được diễn tả bằng sự khát vọng.
 
3. Hạnh phúc của con người là sự hoàn thành chính bản thân mình
 
Kinh nghiệm trong cuộc sống thường cho thấy hạnh phúc ở trần thế nhiều khi ngắn hạn, chóng qua. Cho nên ngay chính trong sự thoả mãn lại nảy sinh sự cay đắng. Điều này càng thúc đẩy ta tìm kiếm đích điểm chính yếu của hạnh phúc hơn, với mong ước niềm hạnh phúc đích thực phải vượt lên trên những thất bại chóng qua ở trần thế. Thái độ tìm kiếm như thể luôn đặt con người trong trạng thái hy vọng.
 
Con người muốn thành công và đem lại cho cuộc sống một ý nghĩa, họ muốn nắm bản thân mình trong tay để thể hiện chính mình. Họ coi việc hoàn thành bản thân mình là niềm hạnh phúc. Điều này liên hệ đến tính hữu trách trong luân lý.

4. Những mối phúc thật đối diện với nỗi thống khổ của con người
 
a. Qua sứ điệp của Đức Kitô, Mạc khải Kitô giáo đem lại câu trả lời đích thực, với hai điểm cơ bản sau đây:
 
Con người được dựng nên để hưởng hạnh phúc, å thể hiện chính mình, và triển nở trong niềm vui. Đây là nét lạc quan căn bản trong việc loan báo Tin mừng Nước Thiên Chúa mà mọi người được mời gọi đạt tới. Nhưng nếu con người được dựng nên để hưởng hạnh phúc vô hạn, thì chỉ mình Thiên Chúa là Đấng vô hạn mới có thể thoả mãn nỗi khát khao hạnh phúc như thế.
 
Nỗi thất vọng lớn lao của con người trong việc tìm kiếm hạnh phúc đã tạo nên tình trạng lắng nghe nơi họ. Sự chênh lệch giữa nỗi khát vọng và sự thoả mãn trở thành điểm tiếp xúc của lời mời gọi trong các mối phúc Tin mừng. Đức Kitô mời gọi người nghe thấy được niềm vui và hạnh phúc trong các mối phúc.
 
b. Tuy nhiên lời mời gọi đó có nét đối nghịch trong từng mối phúc:
 
Hạnh phúc hứa ban chỉ đạt tới được với cái giá là phải từ bỏ thái độ tự khép kín mình trong sự thoả mãn nhu cầu tiêu thụ. Hạnh phúc, sự thoả mãn những nỗi khát vọng của con người sẽ không bao giờ được hoàn tất ở trần thế này.
 
Cho dù vẫn còn trong tình trạng chưa đạt đến đích, nhưng hạnh phúc được Đức Giêsu trình bày như thế trong Tin mừng đã là sự tham dự vào hạnh phúc viên mãn của Thiên Chúa. Trạng thái huyền nhiệm này được diễn đạt qua niềm an bình sâu đậm, sự thanh thản, và niềm hy vọng khôn nguôi trong tâm hồn.
 
5. Sự từ bỏ trong các mối phúc
 
Theo Cha Henri de Lubac S.J., cứu cánh cuối cùng của bản tính con người mang tính chất siêu nhiên (x. Mystère du surnaturel, Nxb. Aubier, trg 180). Đối với con người, chỉ có một cứu cánh duy nhất mà vì đó ta được dựng nên. Nó mang lại cho ta hạnh phúc đích thực, đó là việc tham dự vào sự sống của Thiên Chúa trong Đức Kitô. Nhưng con người không thể tự mình đạt đến cứu cánh đó được, mà phải nhờ đến ân huệ nhưng không của Thiên Chúa. Vì cấu trúc bẩm sinh nơi con người là hình ảnh của Thiên Chúa, nên ơn huệ nhưng không này phù hợp với hướng chiều tự nhiên của chúng ta là khát khao được nhìn thấy Thiên Chúa, còn gọi là tình trạng Nước Trời.
 
Trong các mối phúc, ta thấy hạnh phúc và việc đạt tới Nước Trời lại được liên kết với tình trạng xem ra chẳng hay ho gì theo cái nhìn bình thường của nhân loại (td. Như tình trạng bị thiệt thòi). Chính điều này làm cho các mối phúc trở thành nghịch lý.
 
Vì hạnh phúc được hứa ban đòi hỏi sự từ bỏ (td. Như tinh thần khó nghèo chẳng hạn). Điều này dẫn đến mối liên hệ giữa tinh thần từ bỏ và việc theo đuổi một lý tưởng. Trong các mối phúc điều này có nghĩa: Sự hoán cải cõi lòng dẫn ta đến tâm tình gắn bó với Thiên Chúa, phải kèm theo thái độ dửng dưng (như một hình thức từ bỏ) đối với tất cả những gì không phải là Thiên Chúa.
 
6. Hai mức độ hạnh phúc
 
a. Các mối phúc trong Tin mừng là hạnh phúc bất toàn.
 
Người theo đuổi chúng vẫn còn phải chịu những điều khó chịu, phiền toái trong cuộc sống trần thế trên con đường tiến về với Chúa. Chúng đòi hỏi những chọn lựa xem ra khó có thể thực hiện được. Những chọn lựa này liên kết với đau khổ, thử thách phải vượt qua vì lòng yêu mến Chúa. Đây là tình trạng cuộc sống lữ hành của Giáo hội nói chung, và của người Kitô hữu nói riêng cho đến ngày tận thế. Ta xác tín mạnh mẽ mình đã được gặp gỡ Thiên Chúa rồi, cho dù vẫn còn đó những nỗi thăng trầm của cuộc sống hiện tại.
 
b. Hạnh phúc hoàn hảo chỉ tình trạng viên mãn cuối cùng của cuộc sống mới trong Đức Kitô.
 
Cuộc sống mới này không phải có được ngay một lúc, nhưng phải trải qua một tiến trình chậm chạp. Không nên dùng khái niệm thời gian bình thường để nhìn hai mức độ hạnh phúc này. Tốt hơn nên coi những mối phúc trong Tin mừng như sự chuẩn bị cho hạnh phúc hoàn hảo. Hạnh phúc hoàn hảo này được coi như một cực hút toàn bộ cuộc sống của con người.
 
Chính vì thế, luân lý về các mối phúc được coi như nền luân lý chuẩn bị và xây dựng cho hạnh phúc hoàn hảo này. Vì vậy, mục tiêu tối hậu của con người (theo cách khách quan đó là hạnh phúc đích thực của con người trong việc tham dự vào sự sống của Thiên Chúa) phải được hiểu là nền tảng cuối cùng, là phần nền cho mỗi lựa chọn, mỗi quyết định, mỗi hành vi tự do của con người. Điều này bao hàm sự từ bỏ và chấp nhận những đau khổ không thể tránh khỏi và hạnh phúc không được tròn đầy.
 
Sống các mối phúc trong Tin mừng được coi như một sự khúc xạ của hạnh phúc toàn hảo xuyên qua những hành vi thường ngày. Đây là hành trình luân lý của mỗi người chúng ta. Thánh Phaolô đã diễn tả tình trạng này rất hay như sau: “Bây giờ ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương, mai sau sẽ được giáp mặt. Bây giờ tôi biết chỉ có ngần có hạn, mai sau tôi sẽ được biết hết như Thiên Chúa biết tôi” (1Cr. 13,12).
 
II. LUÂN LÝ KITÔ GIÁO LÀ NỀN LUÂN LÝ VỀ TÌNH YÊU
 
Nước Thiên Chúa hiểu ngầm là cuộc sống mới mà Đức Kitô ban tặng cho con người. Cuộc sống mới này là cuộc sống yêu mến.
 
1. Thiên Chúa là tình yêu
 
Cuộc sống của Thiên Chúa còn gọi là sự hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa. Sự hiệp thông này là sự hiệp thông tình yêu được Chúa Thánh Thần diễn đạt. Có thể nói cuộc sống của Thiên Chúa Ba Ngôi là cuộc sống tình yêu ở mức độ cao nhất, trong đó bao gồm niềm vui và hạnh phúc viên mãn. Điều này cho ta hiểu được định nghĩa của thánh Gioan khi ông nói Thiên Chúa là tình yêu.
 
Tình yêu Thiên Chúa tỏa sáng, lan tỏa ra bên ngoài bằng việc tạo dựng nên cái gì mới là vũ trụ tự nhiên này. Ngài là Đấng yêu thương thông ban sự giàu có của mình. Với tư cách là Đấng Sáng Tạo và Quan Phòng, Thiên Chúa biểu lộ tình yêu của Ngài ra như thế. Ngài là Đấng viên mãn đã sáng tạo và nâng đỡ công trình tạo dựng. Ngài phân phát sự toàn hảo của mình cho các tạo vật. Việc tạo dựng được coi như Mạc khải đầu tiên của Thiên Chúa: Ngài bộc lộ tình yêu của mình khi tạo dựng.
 
Cũng thế, đời sống luân lý mà Kitô hữu được mời gọi đến, đó là sự tham dự vào sự sống của chính Thiên Chúa. Nên nó chỉ có thể là cuộc sống yêu thương, tiến trình của một tình yêu có Thiên Chúa làm đối tượng và qua đó, con người được tham dự vào tình yêu của Ngài.  Tiến trình này là một lời đáp trả tự do của con người trước tình yêu của Thiên Chúa và đem  lại cho con người niềm vui, hạnh phúc không bao giờ tàn. Nhưng với tự do, con người có thể có những chọn lựa không đúng và đưa tiến trình này đến chỗ thất bại.
 
2. Con người được dựng nên để yêu mến
 
Với tư cách một tạo vật và là hình ảnh của Thiên Chúa tình yêu, con người có ơn gọi yêu thương và được yêu thương. Như thế ơn gọi của con người là tình yêu. Tình yêu tìm kiếm niềm vui, hạnh phúc, sự triển nở trong cuộc sống. Từ trong sâu thẳm lòng mình, con người tìm kiếm tình yêu trong sự gặp gỡ và khám phá ra người khác, cũng như trong việc đón nhận và lắng nghe người khác, để nhờ đó mỗi ngày được phong phú hơn và tự kiện toàn chính bản thân mình.
 
3. Con người được dựng nên để yêu mến Thiên Chúa
 
Con người chỉ có thể làm dịu đi cơn khát vô hạn về tình yêu nơi Đấng có thể làm thỏa mãn cơn khát ấy, đó chính là Thiên Chúa. Nhưng thực ra, Thiên Chúa không chịu ngồi đó chờ đợi con người hướng về Ngài, yêu mến Ngài. Ngược lại, chính Chúa là Người có sáng kiến và đi bước trước trong tình yêu. Ngài yêu thương con người bằng một tình yêu vô hạn. Ngài bộc lộ tình yêu bằng nhiều cách khác nhau nơi mỗi người, và tình yêu của Ngài vượt hẳn mọi trí tưởng tượng của con người.
 
Ơn gọi của con người là đáp lại tình yêu vô biên đó trong nội tâm sâu thẳm của mình. Chính Chúa Thánh Thần đã nâng đỡ và giúp ta thể hiện lời đáp trả đó. Nói cách khác, chính tình yêu của Thiên Chúa đã trở thành ơn huệ Chúa ban giúp con người biết đáp trả.
 
Lời loan báo lớn lao của Tin mừng mạc khải cho thấy kể từ nay giữa lòng nhân loại, tình yêu của Thiên Chúa đã hiện diện nơi Đức Giêsu Kitô. Ngài đang hoạt động trong cõi lòng con người và ban cho họ niềm hy vọng có thể đạt tới niềm vui và hạnh phúc đích thực, nhờ việc được tham dự vào sự sống của Thiên Chúa. Vì vậy định mệnh của con người giả thiết sự thâm nhập của Thiên Chúa vào trong họ qua tác động của ân sủng. Nó như một lời mời gọi con người đến việc yêu mến Ngài và để cho họ được tự do đáp trả.
 
4. Tình yêu đối với Thiên Chúa được thử thách trong lòng yêu mến đối với tha nhân
 
Thiên Chúa mà ta yêu mến lại là Đấng ẩn giấu và vô hình, vì thế lòng yêu mến của ta đối với Ngài phải được thể hiện trong cuộc sống thường nhật. Thiên Chúa muốn được yêu mến cách hữu hình, theo cung cách Người Con của Ngài là Đức Giêsu, Đấng yêu thương mọi người.
 
Cho nên lòng yêu mến tha nhân không nằm ở ngoài lòng yêu mến Thiên Chúa, nhưng có sự đồng nhất hai giới răn này, như thánh Phaolô đã tóm lược rất hay ý tưởng này như sau: “Vì tất cả lề luật được nên trọn trong giới răn duy nhất này là: ngươi phải yêu mến người lân cận như chính mình” (Gl. 5,14). Còn thánh Gioan thì nói mộc mạc nhưng dễ hiểu hơn: “… Ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1Ga. 4,20).
 
Đòi hỏi của việc yêu thương tha nhân làm cho lòng yêu mến Thiên Chúa hiện diện trong cuộc sống thường nhật của ta. Thiên Chúa mời gọi ta từng bước, trong mỗi cuộc gặp gỡ với tha nhân, trong từng nỗ lực để hướng tới công bằng và tình thương hơn giữa con người với nhau, để qua đó đi đến với Ngài và gặp gỡ Ngài.
 
III. LUÂN LÝ KITÔ GIÁO LÀ NỀN LUÂN LÝ PHỤC VỤ CON NGƯỜI
 
Tin mừng mời gọi đi vào cuộc sống mới và đòi hỏi con người đáp trả. Đương nhiên đây phải là lời đáp trả tự do và có trách nhiệm. Thánh ý Thiên Chúa không có tính cách độc đoán, nhưng mang tính sáng tạo. Khi thực hiện thánh ý Ngài thì đó là cách ta sống đời sống luân lý Kitô giáo và cũng là cách ta đáp lại lời mời gọi của Chúa. Nhưng là một con người có tự do, ta làm thế nào để sống sự tự do ấy trong việc đáp lại lời Thiên Chúa, nhưng đồng thời vẫn phải tuân phục những qui định như áp đặt từ bên ngoài. Vì vậy cũng nên tìm hiểu xem thế nào là con người với tư cách là chủ thể của đời sống luân lý và có tự do.
 
1.  Con người là một tinh thần nhập thể
 
Thuyết nhân vị (personnalisme) làm nổi bật một khía cạnh mà trước đây người ta thường bỏ qua, đó là “cái tôi’’. Nó là nguồn mạch và là chủ thể của mọi tư duy, quyết định nơi con người. Cái tôi không phải là một sự vật, nhưng nó có nét đặc thù riêng biệt, tính nội tại, và là một cái gì duy nhất. Đây là lãnh vực của những quyết định tự do.
 
Đồng thời thuyết hiện sinh và tâm lý học chiều sâu cho thấy thân xác không phải là dụng cụ của tâm hồn, nhưng là trung gian giữa con người với thế giới. Nó được coi như khuôn mặt nhập thể của tâm hồn, ta đừng nhìn nó theo khía cạnh thuần túy vật chất mà thôi.
 
Có thể nói tâm hồn và thân xác là hai nguyên lý của một hữu thể duy nhất. Chính vì thế thân xác của tôi là chính tôi trong mối tương quan với thế giới.
 
Ở đây nên nói qua cấu trúc nền tảng của con người trong cuộc sống với ba nét tiêu biểu sau đây:
 
a. Con người như một hữu thể sống trong thế giới

Khi tự hỏi về bản thân, con người thấy mình được định vị trong một thế giới mà họ đâu có được chọn lựa trước và đã mang những dấu ấn của thế giới này từ khi chào đời (di sản về di truyền, mối liên hệ thân tộc). Người ta phải xây dựng sự tăng trưởng của mình khởi đi từ thế giới này (môi trường thể lý, địa dư, sinh học, văn hóa và xã hội), và họ không thể thoát khỏi những yếu tố này. Lương tâm con người là nơi gặp gỡ thế giới bên ngoài với những quyết định. Đây là một lương tâm luôn hướng mở về thế giới như J.P. Sartre nói trong tác phẩm L’Imagination, trang 144: “Tất cả mọi lương tâm là lương tâm về một điều gì”.
 
Khi muốn kiện toàn bản thân và tăng trưởng bằng cách khẳng định mình khi gặp gỡ với thế giới bên ngoài, con người khám phá ra nơi họ những đòi hỏi thuộc lãnh vực luân lý (để thực hiện chính mình được luôn hoàn bị hơn). Sống trong thế giới, và đối thoại với thế giới, con người đã khám phá ra ngay giữa hoạt động của mình những điều cần thiết và đòi hỏi, mà mình phải chấp nhận như điều liên kết với sự tăng trưởng, kiện toàn bản thân để trở nên người hơn. Những điều cần thiết đó dẫn đưa ta đến lãnh vực nghĩa vụ luân lý. Điều này nảy sinh từ chính nơi sâu thẳm của ta, chứ không phải là cái gì áp đặt từ bên ngoài.
 
b.   Con người như là một hữu thể sống với những người khác và việc xã hội hóa
 
Con người không sống đơn độc, nhưng sống với người khác (sociable). ĐGH Gioan XXIII nhấn mạnh đến việc gia tăng rất mau lẹ những mối quan hệ trong cuộc sống chung (Thông điệp Mater et Magistra số 58). Ngài nói con người lệ thuộc lẫn nhau và sống liên đới với nhau hơn. Đây là nét đặc trưng của việc xã hội hóa. Với những phương tiện truyền thông rất hiện đại ngày hôm nay như việc nối mạng Internet làm cho thông tin mang tính chất toàn cầu. Kể từ nay con người có thể tiếp xúc với nhau nhiều hơn; điều này có thể nói nhân loại bước vào một nền văn minh phổ quát và mang tính toàn cầu. Đây quả là một sự chuyển dịch từ bình diện cá nhân sang bình diện xã hội.
 
Ta cũng không nên coi thường việc xã hội hóa bởi vì nó điều kiện hóa, ảnh hưởng đến một số những thái độ luân lý. Nó có thể dẫn đến một tinh thần liên đới hơn, hoặc đến một tinh thần cục bộ thái quá về chủng tộc, giai cấp, có nguy cơ gây ra khủng bố được dùng như phương tiện để lôi kéo sự chú ý của mọi người. Việc xã hội hóa còn dẫn đến nguy cơ ra đời những chênh lệch giữa người giàu và người nghèo, giữa những nước đã, đang hay kém phát triển. Chính vì thế, Giáo hội coi việc xã hội hóa như dấu chỉ của thời đại. Cần gây ý thức là phải có những cơ quan quốc tế để giải quyết các vấn đề công bằng xã hội ở tầm mức toàn cầu.
 
c.  Con người như một hữu thể mang tính lịch sử
 
Qua những nền văn minh trên thế giới từ trước đến nay, ta thấy con người có những tiến bộ. Tuy nhiên, về phương diện luân lý, tiến bộ đích thực của con người phải vượt qua những giai đoạn khoa học và kỹ thuật. Nó phải đi vào chiều hướng làm thăng tiến sự thống nhất nhân loại để tiến đến một nhân loại huynh đệ hơn. Quan điểm Kitô giáo về vấn đề này được lồng vào trong tương quan với việc xây dựng Nước Chúa, và gắn liền với sứ điệp Tin mừng.
 
2.  Sự tự do được coi như việc khẳng định bản thân
 
Sự tăng trưởng và phát triển của con người được thực hiện nơi thân xác, theo định luật tăng trưởng sinh vật. Nhưng nếu nhìn bản thân như một hữu thể thiêng liêng, thì sự tăng trưởng lại được thực hiện qua việc khẳng định bản thân như một chủ thể. Bản thân tìm kiếm sự tăng trưởng khi nhắm đến một sự độc lập ngày càng lớn hơn đối với môi trường sống của mình. Ta sử dụng môi trường sống này và tự kiến tạo chính mình khởi đi từ đó. Con người thực hiện sự khẳng định bản thân bằng những hành vi riêng, với những quyết định xuất phát từ chính mình. Điều này có nghĩa là bằng việc sử dụng tự do đích thực ta chiến thắng được những lôi cuốn và những điều tất định.
 
Chỉ mình tự do nội tâm mới là cái gì riêng tư của con người. Hiểu như thế ta có thể nói chính sự tự do định nghĩa con người. Vì thế tự do nằm trong nền tảng của tính luân lý. Chỉ có hành vi tự do mới có thể được coi là tốt hay xấu. Các nhà luân lý chỉ lưu tâm đến những hành vi xuất phát từ sự tự do nội tâm, từ ý chí của con người.
 
Trong Tin mừng, lời mời gọi đến cuộc sống mới trong Đức Kitô đã đem lại cho tự do một ý nghĩa cao hơn. Được tham dự vào cuộc sống của Thiên Chúa, con người cũng tham dự vào sự tự do tối thượng của Thiên Chúa.
 
Sự tham dự này càng có ý nghĩa hơn nữa vì tội lỗi và sự ác là sự thoái hóa về luân lý. Điều này làm cho việc trợ giúp của Thiên Chúa trở nên cần thiết và chứng thực cho vai trò của Giáo hội trong những lần can thiệp vào lãnh vực luân lý (vì những thực tại con người đang sống có liên hệ với định mệnh thần linh của con người).
 
3. Chức năng giải thoát của luân lý Kitô giáo
 
Khi đặt tự do của con người vào ngay trung tâm của hành vi luân lý, thì luân lý Kitô giáo thực sự phục vụ cho con người và nhằm giải thoát con người khỏi nhiều thứ nô lệ. Nền luân lý này giúp con người thực hiện được vận mạng đích thực của mình, đó là ơn cứu độ. Nó cho phép con người được độc lập thực sự đối với tất cả những gì lôi kéo con người và làm cho con người bị xuống cấp; td. như sự gắn bó bất hợp lý với những thực tại vật chất hay những hướng chiều để mình buông thả theo những dục vọng có nguy cơ giam hãm không cho họ tìm kiếm những giá trị cao hơn. Chức năng giải thoát này của luân lý Kitô giáo tương ứng với những điều Đức Giêsu nói về sứ mạng của Ngài trong hội đường Nagiarét (Lc. 4,16-22).
 
Sau khi tìm hiểu những nét đặc trưng của luân lý Kitô giáo, chúng ta sẽ nói đến vấn đề gây tranh cãi giữa các thần học gia: có một nền luân lý Kitô giáo hay không.