Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Sự Phát Triển Của Giáo Thuyết Tính Dục Đồng Tính

Administrator
2018-09-23 09:09 UTC+7 34
Tác giả: Ron Belgau Chuyển ngữ: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính        Chân lý Tin Mừng thì ngàn đời vẫn không thay đổi (Dt 13,8[1]). Tuy nhiên, mỗi thế hệ kitô hữu luôn đối mặt với thách đố chia sẻ Tin Mừng về tình yêu của Thiên Chúa. Các nền văn hóa khác […]


homosexuality-1726500168.jpg
Tác giả: Ron Belgau
Chuyển ngữ: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
 
    

Chân lý Tin Mừng thì ngàn đời vẫn không thay đổi (Dt 13,8[1]). Tuy nhiên, mỗi thế hệ kitô hữu luôn đối mặt với thách đố chia sẻ Tin Mừng về tình yêu của Thiên Chúa. Các nền văn hóa khác nhau đặt ra những vấn nạn khác nhau và đòi hỏi những giáo huấn khác nhau. Hầu như trong gần 20 thế kỷ, giáo huấn Kitô giáo có rất ít tranh cãi về tính dục đồng tính (homosexuality). Trong vài thập niên gần đây, đã có khá nhiều tranh cãi bất thường. Kitô hữu phải đối phó thế nào trước tình trạng thay đổi này?

Ta có thể thấy điều này ngay trong Tân Ước. Cách rao giảng Tin Mừng của Thánh Phaolô thay đổi tùy theo nhu cầu của thính giả. Dù trực tiếp rao giảng hay qua thư tín, trong từng trường hợp ngài không lập lại chỉ mỗi một điều. Khi viết, ngài nhắm đến từng giáo hội, khen ngợi những ơn sủng mà chỉ mình họ có và nói đến những thách đố đặc thù mà họ phải đối mặt. Và khi rao giảng, ngài thích ứng giáo huấn với từng nhóm thính giả.

Vài độc giả khó chịu về điều đó, họ sợ rằng giáo huấn như vậy sẽ nhuốm mùi chủ trương tương đối và đạo đức hoàn cảnh. Tuy nhiên, hiểu như vậy là sai. Thánh Phaolô rao giảng chân lý bởi vì ngài yêu những người mà ngài rao giảng. Vì yêu họ và muốn họ hiểu, ngài cố gắng trình bày chân lý cách thích hợp với nhu cầu của họ và tìm cách làm thế nào để cho họ có thể hiểu được (xem 1 Cr 3,2[2]).

Chẳng hạn, khi nói với các triết gia phái Khoái lạc và Khắc kỷ ở thành Areopagus, Athens, ngài nói về sự tôn kính nhiều thần thánh của họ, ngay cả một bàn thờ dâng kính “thần vô danh”. Ngài nói Thiên Chúa là vị thần vô danh mà họ thờ lạy, trích dẫn các nhà thơ Hy Lạp để minh họa cho niềm tin Kitô giáo bằng những lời lẽ mà họ có thể hiểu (xem Cv 17,16-34). Trái lại, khi đến Côrintô, ngài dùng cách tiếp cận khác. Tại đây, ngài không nói với các triết gia. Ở đây không có ai thông thái theo tiêu chuẩn toàn cầu, không ai có quyền lực hay quý tộc gì cả (1 Cr 1,26[3]). Cho nên thay vì dùng cách nói ở Areopagus, ngài hoàn toàn nói về Đức Kitô chịu đóng đinh (1 Cr 1,23; 2,2) – một chủ đề mà ngài chẳng hề đề cập đến trong cuộc đối thoại với các triết gia như được ghi lại trong sách Công Vụ.

Khi rao giảng ở Athens hay ở Corintô, Thánh Phaolô giải thích các điều chính yếu của Tin Mừng. Tại hai nơi này, vài thính giả đã nhận ra sứ điệp và rồi tin theo Đức Kitô. Thánh Phaolô không dùng chỉ một cách tiếp cận để rao giảng Tin Mừng. Thay vào đó, ngài thông minh lựa chọn cách bắt đầu để thính giả sẵn sàng lắng nghe. Khi nói với những nhà trí thức hàng đầu của thời đại, ngài nói với họ về cuộc truy tìm thuần lý về vị thần vô danh là đấng sáng tạo nên mọi sự, và trích dẫn lời một nhà thơ của chính họ để minh họa cho quan điểm của ngài. Trái lại, khi nói với những người hèn kém và bị khinh miệt, ngài nói về một Thiên Chúa, Đấng đã cất đi sự hèn kém của họ và tự nguyện chết trên Thập giá. Tin Mừng mà ngài mời gọi thính giả lắng nghe ở Athens cũng như ở Corintô thì giống nhau nhưng cách tiếp cận thì tùy theo nhu cầu và thích hợp với từng nhóm thính giả.

Ngày nay, chúng ta sống trong nền văn hóa rất khác biệt với bất kỳ nền văn hóa cổ xưa nào. Tin Mừng mà chúng ta phải chia sẻ cũng chính là Tin Mừng mà Thánh Phaolô đã chia sẻ ở Athens, ở Corintô cũng như khắp thế giới cổ xưa. Nhưng vài vấn nạn chúng ta gặp phải rất khác với những vấn nạn thời thánh Phaolô, và để trả lời cho những vấn nạn này thì chúng ta cần giải thích Tin Mừng theo cách mới mẻ.

Điều này không phủ nhận tính liên tục phải có giữa Tin Mừng mà Thánh Phaolô rao giảng và Tin Mừng mà chúng ta được mời gọi rao giảng. Nhận ra từng nhu cầu cho mỗi cách tiếp cận khác nhau tùy theo những hoàn cảnh khác nhau để rao giảng cùng một sứ điệp thì không giống chút nào với việc thay đổi sứ điệp để làm cho nó dễ nghe hơn đối với các thính giả hiện đại.

Tính dục đồng tính đã trở thành vấn đề gây chia rẽ nhất trong văn hóa phương Tây hiện đại. Nó không chỉ gây chia rẽ trong mối tương quan giữa các kitô hữu và một xã hội rộng lớn hơn, nhưng còn chia rẽ trong những cuộc tranh luận giữa chính các kitô hữu. Tuy nhiên, đối với các độc giả của Thánh Phaolô, rõ ràng không cần phải bàn cãi để khẳng định rằng tính dục đồng giới là sai. Vì thế, ngài đã dùng tính dục đồng giới để minh họa cho sự  đồi trụy của người dân ngoại (Rm 1,26-27[4]) hoặc liệt kê nó vào số nhiều tội lỗi khác nhau (1 Cr 6,9-10[5] và 1 Tm 1,10[6]) mà không cần phải giải thích gì thêm nữa. Điều này trái ngược với cách tiếp cận về vấn đề gây tranh cãi rất nhiều trong Giáo Hội sơ thời: người dân ngoại có cần phải chịu cắt bì hay không. Thánh Phaolô lập đi lập lại vấn đề cắt bì và bàn luận rất sâu trong các thư của ngài (xem Rm 2,25-3,1; 3,30; 4,9-12; 15,8; 1 Cr 7,18-19; Gl 2,3-12; 5,2-11; 6,12-15; Ep 2,11; Pl 3,3-5; Cl 2,11; 3,11; 4,11; Tt 1,10).

Ở thời đại chúng ta, vấn đề cắt bì không còn chỗ đứng trong tranh luận thần học Kitô giáo. Dù rằng vẫn có những lý luận về văn hóa như xem thử cắt bì có phải là ý kiến tốt hay không, nhưng những cuộc tranh luận loại này không mang ý nghĩa tôn giáo đối với kitô hữu nữa: nó chỉ là vấn đề lợi ích về mặt y học hoặc quyền của cha mẹ quyết định thay cho con cái dựa vào niềm tin tôn giáo của mình (Do Thái giáo hay Hồi giáo). Khi các nhà thần học Kitô giáo viết về vấn đề cắt bì thì không phải là tranh luận về việc kitô hữu có cần chịu cắt bì hay thì không mới được cứu rỗi như vào thời Thánh Phaolô. Vấn đề này đã được quyết định cách đây hai mươi thế kỷ. Họ chỉ nghiên cứu và giải thích sâu xa hơn hoàn cảnh nào đã khiến Thánh Phaolô từ chối nhu cầu cắt bì. Như vậy, điều này đã trở thành mô hình để chúng ta xem xét về mối tương quan giữa Giao Ước cũ và Giao Ước mới.

Ngày nay, vấn đề cắt bì từng một thời gây tranh cãi có thể được bàn luận thoáng qua, cũng như Phaolô có thể nói thoáng qua về tội lỗi của hành vi tính dục đồng tính. Và giáo huấn của Thánh Phaolô về tính dục đồng tính, điều mà ngày xưa chấp nhận dễ dàng, ngày nay lại là nguồn tranh cãi dường như chưa đến hồi kết thúc. Vì mối quan hệ đồng tính đã ngày càng được xã hội chấp nhận, kitô hữu phải suy nghĩ sâu hơn về lý do tại sao Thánh Phaolô gọi tính dục đồng tính là “trái với tự nhiên”. Hơn nữa, vấn đề này đã được đề cập trong vài thập kỷ qua nhiều hơn cả hai thiên niên kỷ trước đây.

Nhiều kitô hữu lấy làm bối rối khi phải giải thích điều dường như quá rõ ràng trong Kinh Thánh: hình vi tính dục đồng giới đã bị cả Cựu Ước lẫn Tân Ước kết án  (Lv 18:22[7] và 20:13[8]; Rm 1:26-27[9]; 1 Cr 6:9-11[10]; 1 Tm 1:9-10[11]). Đâu cần phải giải thích gì thêm ngoại trừ từ “kê gian” trong tiếng Việt được dùng để dịch các đoạn thư trên của Thánh Phaolô. Theo Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh, “kê gian” là: “Con trai với con trai hoặc với con gái gian dâm nhau nơi lỗ đít như gà, thói ấy rất lưu hành ở các nước văn minh (Sodomie)”

Thật dễ nãn lòng trước những tranh luận hiện thời về tính dục đồng tính. Tuy nhiên, cứ tin tưởng rằng nếu mình cố tìm hiểu tại sao Thánh Phaolô nhìn thấy các hành vi tính dục đồng tính là trái với ý định của Thiên Chúa đã dành cho tương quan tính dục của con người, thì chúng ta sẽ hiểu được cả Tin Mừng lẫn ý định đó của Thiên Chúa một cách sâu xa hơn. Tuy nhiên, để làm được như vậy, ta phải dùng thời gian suy tư, đưa ra những câu trả lời thật sâu xa như chính Thánh Phaolô chắc chắn sẽ phải đưa ra nếu ngài viết cho nhóm người như chúng ta đang lúng túng về những vấn đề như thế này. Mặc dù đặt ra mục đích như thế này thì thật táo bạo, nhưng Chúa thánh Thần sẽ dẫn đưa chúng ta đến chân lý (Ga 16,13).

Không cần phải lo lắng khi nhìn nhận rằng Kinh Thánh ít bàn đến tính dục đồng tính và như thế không đủ câu trả lời cho vấn đề của nền văn hóa của chúng ta. Nhưng nên tin tưởng rằng nếu mình cứ suy tư thật sâu xa về những chủ đề của Tin Mừng – như tạo dựng, quan phòng, hôn nhân, độc thân, tội lỗi, etc. – ta sẽ tìm thấy nguồn mạch để hiểu giáo huấn của Thánh Phaolô về tính dục đồng tính, mặc dù chính bản thân ngài ít nói về vấn đề ấy hơn nhiều người trong chúng ta khi cố giải thích những lý do nằm bên dưới luật cấm này.
 


[1] Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời

[2] Tôi đã cho anh em uống sữa chứ không cho dùng thức ăn, vì anh em chưa chịu nổi. Nhưng bây giờ anh em cũng vẫn còn không chịu nổi

[3] Thưa anh em, anh em thử nghĩ lại xem: khi anh em được Chúa kêu gọi, thì trong anh em đâu có mấy kẻ khôn ngoan trước mặt người đời, đâu có mấy người quyền thế, mấy người quý phái.

[4] Bởi thế, Thiên Chúa đã để mặc họ buông theo dục tình đồi bại. Đàn bà không quan hệ theo lẽ tự nhiên, mà lại làm điều trái tự nhiên. Đàn ông cũng vậy, không quan hệ với đàn bà theo lẽ tự nhiên, mà lại đem lòng thèm muốn lẫn nhau: đàn ông bậy bạ với đàn ông. Như vậy là chuốc vào thân hình phạt xứng với sự lầm lạc của mình.

[5] Nào anh em chẳng biết rằng những kẻ bất chính sẽ không được Nước Thiên Chúa làm cơ nghiệp sao? Anh em đừng lầm. Những kẻ dâm đãng, thờ ngẫu tượng, ngoại tình, truỵ lạc, kê gian, những kẻ trộm cướp, tham lam, say sưa rượu chè, quen chửi bới, sẽ không được Nước Thiên Chúa làm cơ nghiệp.

[6] dâm dật, kê gian, buôn người, nói dối, bội thề, và những kẻ sống ngược với giáo lý lành mạnh.

[7] Ngươi không được nằm với đàn ông như nằm với đàn bà: đó là điều ghê tởm.

[8] Khi người đàn ông nào nằm với một người đàn ông như nằm với đàn bà, thì cả hai đã làm điều ghê tởm; chúng phải bị xử tử, máu chúng đổ xuống đầu chúng.

[9] Bởi thế, Thiên Chúa đã để mặc họ buông theo dục tình đồi bại. Đàn bà không quan hệ theo lẽ tự nhiên, mà lại làm điều trái tự nhiên. Đàn ông cũng vậy, không quan hệ với đàn bà theo lẽ tự nhiên, mà lại đem lòng thèm muốn lẫn nhau: đàn ông bậy bạ với đàn ông. Như vậy là chuốc vào thân hình phạt xứng với sự lầm lạc của mình.

[10] Nào anh em chẳng biết rằng những kẻ bất chính sẽ không được Nước Thiên Chúa làm cơ nghiệp sao? Anh em đừng lầm. Những kẻ dâm đãng, thờ ngẫu tượng, ngoại tình, truỵ lạc, kê gian, những kẻ trộm cướp, tham lam, say sưa rượu chè, quen chửi bới, sẽ không được Nước Thiên Chúa làm cơ nghiệp. Trước kia, có vài người trong anh em đã là như thế. Nhưng anh em đã được tẩy rửa, được thánh hoá, được nên công chính nhờ danh Chúa Giêsu Kitô và nhờ Thần Khí của Thiên Chúa chúng ta!

[11] Thật vậy, Lề Luật có đó, không phải cho người công chính, mà là cho hạng người sống ngoài lề luật và bất phục tùng, vô luân và tội lỗi, phạm thánh phạm thượng, giết cha giết mẹ, sát nhân, dâm dật, kê gian, buôn người, nói dối, bội thề, và những kẻ sống ngược với giáo lý lành mạnh