Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Bí Tích Hôn Nhân – Giới Thiệu

Administrator
2018-09-23 09:19 UTC+7 33
  BÍ TÍCH HÔN NHÂN Giới Thiệu   – Hôn nhân có thể được tìm hiểu dưới nhiều khía cạnh: lịch sử, nhân học, thần học, pháp luật, xã hội học, vv… Trong thần học, hôn nhân là đề tài cho nhiều chuyên ngành: Kinh thánh, thần học tín lý và luân lý, giáo luật, […]


 

BÍ TÍCH HÔN NHÂN

Giới Thiệu

 

– Hôn nhân có thể được tìm hiểu dưới nhiều khía cạnh: lịch sử, nhân học, thần học, pháp luật, xã hội học, vv… Trong thần học, hôn nhân là đề tài cho nhiều chuyên ngành: Kinh thánh, thần học tín lý và luân lý, giáo luật, mục vụ. Chúng ta chú trọng cách riêng đến khía cạnh tín lý (bí tích) kèm theo phụng vụ và giáo luật.

– Nội dung của tập tóm lược: gồm bốn phần.

Nhập đề. Khái niệm về hôn nhân gia đình trong các khoa học nhân văn.

Phần I. Hôn nhân trong kế hoạch của Đấng Tạo hoá.

Phần II. Khía cạnh “bí tích” của hôn nhân, dựa trên Kinh thánh và truyền thống của Giáo hội. Cũng trong phạm vi bí tích, chúng ta sẽ nghiên cứu hai đặc tính của hôn nhân: duy nhất và bất khả phân ly, cùng với những cuộc tranh luận trong lịch sử (ly dị, tháo gỡ dây hôn phối).

Phần III. Việc cử hành hôn nhân, dưới khía cạnh phụng vụ cũng như giáo luật.

Phụ lục: Gia đình trong Giáo huấn xã hội của Giáo hội. Linh đạo về hôn nhân gia đình.

Đối chiếu với cấu trúc của sách Giáo lý Hội thánh Công giáo (Phần Hai, số 1601-1658, dành cho bí tích hôn phối)

I. Hôn nhân trong kế hoạch của Thiên Chúa

Hôn nhân trong trật tự của công trình tạo dựng

Hôn nhân dưới sự kiểm soát của tội lỗi

Hôn nhân dưới giáo huấn của Lề Luật

Hôn nhân trong Chúa

Trinh khiết vì Nước Trời

II. Cử hành bí tích hôn phối

III. Sự ưng thuận kết hôn

IV. Những hiệu quả của bí tích hôn phối

Dây hôn phối

Ân sủng của bí tích hôn phối

V. Những điều thiện hảo và những đòi hỏi của tình yêu phu phụ

Tính duy nhất và tính bất khả phân ly của hôn nhân

Sự chung thuỷ trong tình yêu phu phụ

Sẵn sàng đón nhận con cái

VI. Hội thánh tại gia

Những điểm vừa kể nằm trong Phần thứ Hai (cử hành đức tin), và cần được bổ túc với những điểm nói trong Phần thứ Nhất (về sự tạo dựng nguyên tổ) cũng như Phần thứ Ba (luân lý: điều răn thứ bốn và thứ sáu).

 

*************************************************

 

NHẬP ĐỀ

 

I. Vài khái niệm: từ ngữ

1/ Tiếng Việt:

– hôn nhân, hôn thú, hôn phối, giá thú (tái hôn, tái giá, tục huyền),

– vợ (hiền thê, hôn thê), chồng (hôn phu), phối ngẫu, phu phụ (phu thê)

– gia đình, gia thất

2/ Tiếng Latinh:

– matrimonium (matris munus), sponsalia (spondere), coniux, consors, connubium; velatio, coronatio.

– consensus; contractus; consortium totius vitae; institutio

– matrimonium in fieri / matrimonium in factum esse.

– matrimonium ratum / ratum et consummatum

– Bí tích tình yêu: áp dụng cho cả bí tích Thánh Thể và bí tích hôn nhân

II. Hôn nhân trong các khoa học nhân văn

A. Nhân học (Anthropologia)

1/ Sự khác biệt giới tính: nam nữ / gender?

2/ Giới tính và tính dục.

B. Cổ sử

1/ Tiến hóa? (J. Bachofen, J. F. MacLennan, L. H. Morgan, F. Engels). a) ăn ở chung chạ; b) hôn nhân cả nhóm; c) đa thê; d) đơn thê

2/ Thoái hoá?   (R. Thurwald, W. Schmidt, W. Koppers). a) đơn thê; b) đa thê; c) hôn nhân cả nhóm; d) ăn ở chung chạ.

C. Xã hội học

1/ Chế độ phụ hệ / mẫu hệ

2/ Monogamia / Polygamia (polyginia / polyandria)

3/ Endogamia / Exogamia

4/ Đại gia đình / tiểu gia đình. Họ hàng thân thuộc

III. Hôn nhân trong pháp luật Việt Nam

A. Cổ luật

1. Luật Hồng Đức (Quốc triều hình luật)

2. Hoàng Việt luật lệ (Bộ luật Gia Long)

3. Phong tục hôn lễ, cưới hỏi (Thọ Mai gia lễ; nhưng cũng cần hiểu biết tục lệ các tộc khác nữa).

B. Luật thời cận đại

1. Luật thời Pháp thuộc

2. Luật Việt Nam Cộng hoà

– Luật gia đình (2-11-1959)

– Sắc luật 15/64 (23-7-1964)

3. Luật Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

– Luật Hôn nhân gia đình: năm 1959, 1986, 2000, 2014

– Luật hiện hành (ban hành ngày 19-6-2014, có hiệu lực từ 1-1-2015)

Ch.I: Những quy định chung (đ.1-7)

Ch.II: Kết hôn (đ.8-16)

Ch.III: Quan hệ giữa vợ và chồng. 1/ Quyền và nghĩa vụ về nhân thân (đ.17-23). 2/ Đại diện giữa vợ và chồng (đ.24-27). 3/ Chế độ tài sản của vợ chồng (đ.28-50).

Ch.IV: Chấm dứt hôn nhân. 1/ Ly hôn (đ.51-64). 2/ Hôn nhân chấm dứt do vợ chồng chết hoặc bị toà án tuyên bố là đã chết (đ.65-67)

Ch.V: Quan hệ giữa cha mẹ và con. 1/ Quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ và con (đ.68-87). 2/ Xác định cha, mẹ, con (đ.88-102).

Ch.VI: Quan hệ giữa các thành viên khác của gia đình (đ.103-106).

Ch.VII: Cấp dưỡng (đ.107-120)

Ch.VIII: Quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài (đ.121-130)

Ch.IX: Điều khoản thi hành (đ.131-133)

IV. Lịch sử thần học Kitô giáo về hôn nhân

Tân ước chưa có một thần học hệ thống về hôn nhân, cũng chẳng có bộ giáo luật hoặc phụng vụ cử hành bí tích.

A. Giáo huấn Hội thánh trong những thế kỷ đầu tiên

1. Tân ước cung cấp vài yếu tố căn bản cho những suy tư thần học sau này, cách riêng trong thư thánh Phaolô gửi Êphêsô. Mysterion mega (Ep 5,32: sacramentum magnum). Luân lý hôn nhân.

2. Trong Hội thánh tiên khởi, các Kitô hữu chưa có một nghi thức kết hôn riêng biệt. Trong ba thế kỷ đầu tiên, các Kitô hữu kết hôn theo phong tục và luật lệ địa phương. Tuy vậy, vào thời này, vài vấn đề cũng đã được đặt lên: tự do của con cái trong việc quyết định kết bạn; hôn nhân với người khác đạo với những nguy hiểm đối với đời sống đức tin; những phong tục đồi truỵ nơi các dân tộc.

3. Tiến trình lập pháp của Giáo hội bắt đầu vào thế kỷ IV-V, với các công đồng địa phương khi phải giải quyết vài vấn đề cụ thể: hôn nhân giữa những Kitô hữu với những người lạc đạo hoặc ngoại đạo (nói chung, giáo luật ngăn cấm vì những nguy hiểm cho đức tin). Vào thời này, phụng vụ hôn nhân dần dần được thành hình.

4. Thánh Augustinô (354-430) là giáo phụ đầu tiên đã trình bày đạo lý hôn nhân một cách có hệ thống; tư tưởng của ngài để lại ảnh hưởng lâu dài trong lịch sử. Ngài phải đương đầu với ba lạc giáo đối nghịch về đời sống hôn nhân: phái Manikê (hôn nhân là tội lỗi); ông Giovinianô (coi nhẹ trinh khiết); Pelagiô. Ảnh hưởng của tội nguyên tổ đối với dục tình (concupiscentia). Ba điều thiện hảo của hôn nhân (bona matrimonii) nhằm biện minh cho việc kết hôn, đó là: a) sinh đẻ con cái (proles); b) nhân đức chung thuỷ (fides); c) sự bền vững (sacramentum) như dấu chỉ diễn tả sự trung tín của Đức Kitô đối với Hội thánh.

5. Từ cuối thế thứ V, quan điểm về sự thánh thiện của hôn nhân bị lu mờ vì sự hiện diện của tội lỗi. Cũng từ thế kỷ V trở đi, nghi thức hôn nhân trở thành rõ nét hơn.

B. Thời Trung cổ

1. Cuộc tranh luận về yếu tố cấu thành

– Quan điểm luật Rôma: sự thoả thuận. Quan điểm germanic: hôn nhân do một chuỗi hành vi. Trường Paris ủng hộ quan điểm Rôma. Trường Bologna ủng hộ quan điểm germanic (ratum et consummatum)

– Giáo hoàng Alexander III (1159-1181): Hôn nhân được cấu tạo do sự thoả thuận của đôi bên, và hai vợ chồng không thể tự ý tháo gỡ dây hôn phối (indissolubilitas intrinseca). Nhưng sau khi đã giao hợp thì không một quyền bính nhân loại nào có thể tháo cởi dây hôn phối (indissolubilitas extrinseca).

– Hôn nhân là một khế ước (contractus).

2. Bí tích

– Petrus Lombardus (1095-1160) là người đầu tiên phát biểu đạo lý về 7 bí tích. Hôn nhân là một bí tích bởi vì nó mang theo một ơn thánh hoá đặc thù.

– Sang thế kỷ XIII, khuôn mặt thần học nổi bật nhất là thánh Tôma Aquinô (1225-1274). Ngài không ngại nói ngược lại ý kiến của thánh Augustinô khi cho rằng sự giao hợp vợ chồng là điều tốt. Thánh Tôma cũng xếp đặt thứ tự các cứu cánh của hôn nhân: thứ nhất là sinh sản con cái, thứ hai là chữa trị dục tình.

– Tính bí tích của hôn nhân được Giáo hội khẳng định tại ba công đồng hoàn vũ: Lyon II (1274), Firenze (1439) và Trentô (1563).

C. Thời cận đại

1. Chủ trương của nhóm Cải cách: hôn nhân chỉ là một thực tại trần thế. Bản tính con người bị huỷ hoại ngay từ nội tại. Hôn nhân không phải là một bí tích.

2. Công đồng Trentô đã ban hành hai văn liện liên quan đến bí tích hôn nhân vào ngày 11-11-1563: a) Sắc lệnh về bí tích hôn nhân Matrimonium perpetuum; b) Sắc lệnh Tametsi bài trừ các hôn nhân lén lút.

D. Thế kỷ XIX-XX

1. Trong hai thế kỷ gần đây, Giáo hội phải lên tiếng để bảo vệ đạo lý hôn nhân không phải chống lại các lạc giáo cho bằng các chính phủ (tại châu Âu) muốn thoát ly khỏi sự kiểm soát của tôn giáo. Từ sau cách mạng 1789 bên Pháp, nhiều quốc gia du nhập luật ly dị. Lý do bênh vực cho thuyết này là tình yêu không thể bị áp đặt bởi luật lệ. Cần phải tôn trọng tự do của cá nhân; nếu người ta không muốn sống chung với nhau nữa, thì không có lý do gì để bắt ép.

2. Trong bối cảnh ấy, các giáo hoàng đã ban hành nhiều văn kiện để khẳng định đạo lý của Giáo hội về bản chất, các yếu tố cốt yếu, các mục tiêu của hôn nhân. Chúng ta có thể kể vài văn kiện quan trọng hơn cả:

– ĐGH Lêô XIII, thông điệp Arcanum divinae sapientiae (10-2-1880): đây là thông điệp đầu tiên bàn về hôn nhân.

– ĐGH Piô XI, thông điệp Casti connubii (31-12-1930), ban hành nhân dịp kỷ niệm 50 năm thông điệp của đức Lêô XIII.

– Đạo lý cổ điển được cô đọng trong bộ giáo luật 1917, xác định hai cứu cánh hôn nhân theo thứ tự là: sinh đẻ và giáo dục con cái (cứu cánh chính); vợ chồng nâng đỡ nhau và chữa trị nhục dục (cứu cánh phụ).

3. Vào thập niên thứ ba của thế kỷ XX, một sự chuyển hướng quan trọng trong thần học về hôn nhân được khởi đầu với việc đảo lộn cứu cánh hôn nhân: tình yêu đi trước.

E. Từ Công đồng Vaticanô II

Công đồng Vaticanô II đề cập đến hôn nhân và gia đình trong nhiều văn kiện Đặc biệt là Hiến chế “Vui mừng và Hy vọng” đã trình bày một giáo huấn căn bản về hôn nhân và gia đình ở các số 47-52. Công đồng đã bỏ kiểu nói khô khan của luật lệ với những điều truyền cấm, và sử dụng ngôn ngữ dựa theo Kinh thánh cũng như đề cao tương quan nhân vị trong hôn nhân, thí dụ như: giao ước (foedus), trao ban cho nhau (sese tradere et accipere, mutua duarum personarum donatio), sự kết hợp thân tình (intima unio), tình yêu hôn nhân (amor coniugalis), chung sống với nhau (consortium vitae). Trong hiến chế về Hội thánh (LG 41-42), công đồng cũng đề cao đến nghĩa vụ (ơn gọi) nên thánh của vợ chồng.

Những văn kiện chính của Giáo hội từ công đồng Vaticanô II

Công đồng Vaticanô II

– Hiến chế Gaudium et spes (số 47-52)

– Hiến chế Lumen gentium (số 11; 34-35; 41)

– Sắc lệnh Apostolicam Actuositatem (số 11)

– Tuyên ngôn Gravissimum educationis (số 3; 6).

ĐGH Phaolô VI, thông điệp Humanae vitae (25-7-1968)

ĐGH Gioan Phaolô II,

– Huấn từ trong các buổi tiếp kiến chung hằng tuần, một loạt bài về tình yêu và phái tính – quen được gọi là “thần học về thân xác” (1979-1984).

– Tông huấn Familiaris consortio (22-11-1981), đúc kết những thành quả của Thượng hội đồng giám mục thế giới họp năm 1980 bàn về gia đình.

– Tông thư Mulieris dignitatem (15-8-1988), về phẩm giá phụ nữ.

– Thư gửi các gia đình (2-2-1994); Thư gửi các phụ nữ (29-6-1995).

– Thông điệp Evangelium vitae (25-3-1995), về việc tôn trọng sự sống.

ĐGH Bênêđictô XVI

– Thông điệp Deus caritas est (25-12-2007), đặc biệt giải thích những ý nghĩa khác nhau của tình yêu (số 6-7).

– Tông huấn hậu thượng hội đồng Sacramentum caritatis (22-2-2007), đề cập đến bí tích hôn phối ở các số 27-29 (bí tích Thánh Thể với giao ước hôn nhân, với hai đặc tính duy nhất và bất khả phân ly).

ĐGH Phanxicô

– Thông điệp Lumen fidei (5-7-2013): đức tin trong gia đình, số 52-53.

– Thượng hội đồng Giám mục về gia đình được triệu tập năm 2014 và 2015 để bàn về những thách đố của gia đình. Kết quả được đúc kết nơi tông huấn Amoris Laetitia (19-3-2016).

Bộ Giáo lý đức tin

– Tuyên ngôn Persona humana (29-12-1975) về vài vấn đề luân lý phái tính.

– Thư về sự chăm sóc mục vụ cho người đồng tính luyến ái (1-10-1986).

– Huấn thị Donum vitae (22-2-1987), về sự tôn trọng sự sống con người từ khi mới chớm nở (liên quan đến luân lý sinh học).

– Thư về việc rước lễ của những người ly dị và tái hôn (14-9-1994).

– Thư về sự hợp tác giữa người nam và người nữ trong Giáo hội và trong thế giới (31-5-2004).

– Huấn thị Dignitas personae (8-12-2008), về vài vấn đề luân lý sinh học.

Những văn kiện khác

– Uỷ ban thần học quốc tế, Bí tích hôn nhân (1977).

– Nghi thức cử hành bí tích hôn phối (19-3-1969, tái bản 19-3-1990 có thêm phần Praenotanda).

– Bộ giáo luật (25-1-1983), đặc biệt các điều 1055-1062.

– Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo (11-10-1992). Đề tài hôn nhân được bàn ở nhiều nơi khác nhau: việc tạo dựng nam nữ (số 369-373 và 2331-2336); bí tích hôn phối (1601-1666); bản chất của gia đình, gia đình và xã hội (điều răn thứ bốn: số 2201-2213); tình yêu vợ chồng (điều răn thứ sáu: số 2331-2391).

– Bộ Giáo dục Công giáo, Huấn thị Huấn luyện chủng sinh về hôn nhân và gia đình (19-3-1995): huấn luyện tri thức – tu đức – mục vụ.

– Hội đồng Tòa Thánh về gia đình, Cẩm nang dành cho các cha giải tội. Về một số vấn đề liên hệ đến đời sống hôn nhân (12-2-1997).

– Hội đồng Tòa thánh về công lý và hòa bình, Tóm lược học thuyết xã hội của Giáo hội (2-4-2004): bình đẳng và khác biệt giữa người nam và người nữ (số 144-148); hôn nhân và gia đình (số 209-254, Chương 5).

 

Tất cả các văn kiện huấn quyền có thể đọc trên địa chỉ internet (tiếng Tây ban nha) “Enchiridion familiae”: http://www.enchiridionfamiliae.com/index.php

 

*** Những websites

– Hội đồng Tòa thánh đặc trách gia đình: http://www.familia.va/

– Ủy ban Mục vụ gia đình của HĐGMVN : http://www.ubmvgiadinh.org/

* 40 câu hỏi và đáp về tông huấn Familiaris consortio,

http://www.ubmvgiadinh.org/index.php?open=contents&display=2&id=2990

* Ủy ban giáo lý đức tin trực thuộc HĐGMVN, Giáo lý hôn nhân và gia đình (2004). Phần I: Ơn gọi hôn nhân. Phần II: Gia đình là Hội thánh tại gia

http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/GIAOLUAT/HonNhanGiaDinh/00MainMucLuc.htm