Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Bí Tích Hôn Nhân – Phần IIa

Administrator
2018-09-23 09:19 UTC+7 28
  PHẦN II. HÔN NHÂN ĐƯỢC NÂNG LÊN BÍ TÍCH   Phần thứ nhất tìm hiểu hôn nhân theo kế hoạch của Đấng Tạo Hoá từ hồi khởi nguyên. Hôn nhân mang dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại. Tiếc rằng do tội nguyên tổ, vai trò dấu chỉ bị lu […]


 

PHẦN II. HÔN NHÂN ĐƯỢC NÂNG LÊN BÍ TÍCH

 

Phần thứ nhất tìm hiểu hôn nhân theo kế hoạch của Đấng Tạo Hoá từ hồi khởi nguyên. Hôn nhân mang dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại. Tiếc rằng do tội nguyên tổ, vai trò dấu chỉ bị lu mờ. Đức Kitô đã đến để khôi phục lại ý nghĩa của hôn nhân, mang lại cho nó một dấu chỉ mới. Thứ tự của phần này: đi từ auditus fidei (chương 3-4: Kinh thánh Cựu và Tân ước; Truyền thống Hội thánh) đến intellectus fidei praxis fidei (chương 5-6: suy tư hệ thống và thực hành).

 

Chương Ba. Kinh thánh

 

Những chương đầu tiên của sách Sáng thế cho ta thấy ý định của Đấng Tạo hoá dành cho hôn nhân: dấu chỉ của tình yêu, hợp tác với chương trình sáng tạo (GLCG 1604).

I. Chuẩn bị từ Cựu ước

Do tội lỗi, vai trò dấu chỉ ấy bị lu mờ. Phải chờ các ngôn sứ loan báo, thì Israel mới tái khám phá vai trò của hôn nhân trong chương trình của Thiên Chúa. Hôn nhân không chỉ đóng khung trong tương quan vợ chồng và gia đình mà còn trở nên hình ảnh của giao ước giữa Thiên Chúa với dân của Ngài.

Bản văn cổ điển nhất là ngôn sứ Hôsêa. Ông đã cảm nghiệm sự bất trung của bà vợ Gomer. Nhưng ông được lệnh đi lấy lại bà, như dấu chỉ của Thiên Chúa tín trung tái lập giao ước với Israel bất trung. Hôn nhân trở thành dấu chỉ của giao ước giữa Thiên Chúa với dân của Ngài.

Tác giả nữa là Gêrêmia. Ngôn sứ này nói đến sự bất trung của Israel, vì thế bị Thiên Chúa phạt (Gr 3,1-5). Israel và Giuđa từ chỗ là hai chị em trở nên hai bà vợ ngoại tình (Gr 3,6-13).

Êdêkiel cũng lấy lại đề tài này (chương 23). Lịch sử của Giêrusalem là lịch sử của một dân tộc bất trung (chương 16). Tuy nhiên, Thiên Chúa hứa một giao ước mới.

Isaia 54,1-8 mang một giọng điệu trấn an hơn. Xem ra Israel bị Chúa bỏ rơi (cuộc lưu đày). Tuy nhiên hình phạt chỉ là tạm thời; Thiên Chúa tỏ ra là hôn phu trung tín, không thể nào quên được người vợ đã cưới hồi thanh xuân.

Qua những đoạn văn này, các ngôn sứ cho thấy hôn nhân mang một dấu chỉ mới, đó là diễn tả tình yêu của Thiên Chúa với Israel; đồng thời, cách gián tiếp, các ngôn sứ cũng nhắc nhở những yêu sách của hôn nhân trong trật tự tự nhiên, tựa như sự chung thuỷ, bất khả ly.

II. Tân ước

A. Các sách Tin mừng

Trên đây, chúng ta đã thấy Chúa Giêsu đã nhắc lại những yêu sách của hôn nhân theo chương trình của Đấng Tạo hoá.

Các tác giả sách Tin mừng còn hé mở những chức năng khác của hôn nhân: Đức Giêsu được giới thiệu như hôn phu của giao ước mới.

Vài bản văn.

– Các khách dự tiệc có thể ăn chay đang khi chàng rể còn ở với họ? (Mc 2,19-20).

– Các dụ ngôn về tiệc cưới hoàng tử (Mt 22,1-14); dụ ngôn 10 cô trinh nữ đón chàng rể (Mt 25,1-13). Nước Trời ví như tiệc cưới.

– Tin mừng thánh Gioan. Gioan Tẩy giả ví mình như là người bạn của chàng rể (Ga 3,26-30). Tiệc cưới Cana: vai trò là giới thiệu Đức Giêsu như là chàng rể của Tân Ước (Ga 2,11).

B. Thư gửi Êphêsô 5,21-33

Trong 2Cr 11,2 thánh Phaolô gọi cộng đoàn Kitô hữu là hôn thê của Đức Kitô. Đề tài này được làm nổi bật hơn nữa trong thư gửi Êphêsô.

1/ Bối cảnh

Đoạn văn nằm trong phần khuyến dụ, về những bổn phận của các phần tử trong gia đình: vợ chồng, cha mẹ và con cái, chủ và tớ (5,21-6,9). Trong phần thứ nhất (3 chương đầu) của lá thư, thánh tông đồ trình bày mầu nhiệm Đức Kitô; phần thứ hai rút ra những hệ luận thực hành: các tín hữu hãy sống xứng đáng với ơn gọi của mình (4,1), nghĩa là tương ứng với mầu nhiệm Đức Kitô.

– Nguyên tắc nền tảng: tùng phục nhau vì “lòng kính sợ Đức Kitô” (câu 21). Điều này sẽ còn lặp lại trong các tương quan vợ với chồng (5,22) con cái với cha mẹ (6,1), tớ với chủ (6,5). Đây không phải là sợ hãi sợ sệt, nhưng là lòng tôn kính trước cái linh thiêng.

– Các mối tương quan tự nhiên vẫn được duy trì, nhưng thêm một động lực mới, tương ứng với mầu nhiệm Đức Kitô mà các tín hữu đã nhận được lúc rửa tội.

2/ Đoạn văn (bản dịch của Nhóm Giờ Kinh Phụng vụ)

Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội thánh và hiến mình vì Hội thánh; như vậy, Người thánh hoá và thanh tẩy Hội thánh bằng nước và lời hằng sống, để trước mặt Người, có một Hội thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền. Cũng thế chồng phải yêu vợ như yêu chính thân thể mình. Yêu vợ là yêu chính mình. Quả vậy, có ai ghét thân xác mình bao giờ; trái lại, người ta nuôi nấng và chăm sóc thân xác mình, cũng như Đức Kitô nuôi nấng và chăm sóc Hội thánh, vì chúng ta là bộ phận trong thân thể của Người. Sách Thánh có lời chép rằng: Chính vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội thánh. Vậy mỗi người trong anh em hãy yêu thương vợ như chính mình, còn vợ hãy kính sợ chồng.

– Chân lý cổ truyền. Thánh Phaolô nhắc lại đạo lý của sách Sáng thế 2 lần. Câu 28-29: chồng hãy yêu vợ như thân thể của mình. Câu 31: người đàn ông bỏ nhà để đi theo vợ và hợp nên một thể xác.

– Điều mới. Vợ hãy tùng phục chồng như với Kyrios, Đấng là Đầu của Hội thánh. Chồng hãy yêu vợ như Đức Kitô yêu Hội thánh, đã chết để thanh luyện nàng.

– Nền tảng của nghĩa vụ vợ chồng Kitô hữu: tương quan của Đức Kitô với Hội thánh, một thực tại cứu độ: một mầu nhiệm cao cả (câu 32: tò mustêrion toũto méga estìn, egô de légô eis Christòn kai éis tên ekklêsían).

3/ Magnum mysterium

Mầu nhiệm gì? Vào thời các giáo phụ, thuật ngữ này đã được giải thích theo ba khuynh hướng:

a) Cụm từ này được hiểu về toàn thể thực tại hôn nhân của các Kitô hữu: quả thật là một mầu nhiệm.

– T. Irênê, Clêmentê Alêxandria: Hôn nhân là điều thánh thiện, chứ không phải xấu xa tội lỗi.

– Grêgôriô Nazianzô. Huyền nhiệm vợ chồng: mỗi người nhìn thấy Đức Kitô nơi người vợ hay chồng của mình.

– Gioan Kim khẩu. Huyền nhiệm vợ chồng: tình yêu vợ chồng thu hút mãnh liệt hơn tình nghĩa với cha mẹ.

b) Cụm từ này không nói về hôn nhân, nhưng chỉ nói về sự tương quan giữa Đức Kitô và Hội thánh.

– Hiểu về sự kết hợp giữa Đức Kitô với Hội thánh (Tertullianô, Ôrigênê): một huyền nhiệm.

– Đức Kitô yêu mến Hội thánh đến nỗi đã rời bỏ nhà Cha để kết hợp với Hội thánh (Hirônimô). Hội thánh được thành hình từ cạnh sườn của Đức Kitô (Ambrôsiô, Augustinô).

c) “Mầu nhiệm” được hiểu về hôn nhân, nhưng cũng được hiểu về Đức Kitô và Hội thánh (Gioan Kim Khẩu). Đôi khi thánh Augustinô cũng hiểu như vậy, nhưng áp dụng cho các đôi hôn nhân theo nghĩa là “ bất khả ly” (sacramentum).

Nói được là nghĩa thứ ba tổng hợp hai nghĩa đầu.

4/ Giải thích của Huấn quyền

Các bản văn Huấn quyền giải thích theo nghĩa thứ ba (tuy đôi khi cũng theo nghĩa thứ nhất) và áp dụng vào tính “bí tích” của hôn nhân. Chẳng hạn:

– Công đồng Firenze (1439: Dz-Sch 1327)

– Công đồng Trentô, sắc lệnh về hôn nhân: Dz.-Sch. 1799

– ĐGH Piô XII, Thông điệp Casti connubii: Dz.-Sch. 3712

– Công đồng Vaticanô II, Lumen gentium 11b; Apostolicam actuositatem 11a (nghĩa thứ nhất)

 

Chương Bốn. Tính Bí tích của hôn nhân theo Truyền thống và Huấn quyền

 

Chúng ta hãy điểm qua những sự can thiệp của huấn quyền trong những thế kỷ đầu tiên, và đặc biệt là từ thiên niên kỷ thứ hai.

I. Chứng tích của Truyền thống trong những thế kỷ đầu tiên

Trong những thế kỷ đầu tiên, chưa có suy tư hệ thống về quan niệm bí tích nói chung (và 7 bí tích nói riêng), vì thế không thể tìm thấy chứng tích về bí tích hôn phối nơi các giáo phụ hiểu theo nghĩa hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta những tài liệu nói đến sự thánh thiện của hôn nhân các Kitô hữu, khác với hôn nhân thường thức.

A. Giáo quyền can thiệp vào hôn nhân

Có nhiều chứng cớ cho thấy Giáo hội không coi hôn nhân của các Kitô hữu như một chuyện tầm thường; trái lại, các mục tử can thiệp qua những biện pháp kỷ luật.

Thánh Inhaxiô Antiôkia viết cho thánh Polycarpô hãy làm thế nào để những người lấy vợ lấy chồng cần có ý kiến của giám mục, ngõ hầu họ cưới nhau trong Chúa Giêsu chứ không phải theo dục vọng (Ad Polycarpum 5,2). Có lẽ nên bàn hỏi với giám mục kẻo sợ những nguy hiểm về đức tin và phong hoá?

Đức thánh cha Callistô (k.220) cho phép các phụ nữ quý tộc được kết hôn với người có đạo ở giai cấp thấp hơn và kể cả với người nô lệ (một điều luật pháp nhà nước không nhìn nhận). Công đồng Toledo (năm 400) cũng trưng dẫn ý kiến của giáo hoàng Callistô cho phép một người tuy không có vợ (uxor) nhưng sống với tình nhân (concubina) được rước lễ, với điều kiện là chỉ sống với một người đó mà thôi. (Điều này không khuyến khích sống ngoại hôn, nhưng vì dân luật không chấp nhận hôn nhân với người ở giai cấp thấp hơn, vì thế người này chỉ được coi là “tình nhân”.

Công đồng Elvira (tk. IV) cấm kết hôn với em gái của vợ đã chết. Công đồng Arles (năm 314) cấm phụ nữ có đạo không được kết hôn với người ngoại đạo (điều mà dân luật cho phép).

Những điều này cho rằng Giáo hội can thiệp vào việc kết hôn của các tín hữu vì thấy đây là việc quan trọng, đặc biệt khi có xung khắc với luật nhà nước.

B. Chúc lành cho các đôi hôn phối

Không thể coi hôn nhân như một khế ước pháp lý kiểu như buôn bán. Nó mang tính thánh thiêng. Điều này được chứng tỏ qua những việc chúc lành hôn nhân.

Chứng tích về nghi thức chúc lành xuất hiện từ cuối thế kỷ IV. Trước đó thì sao? Các sử gia không nhất trí. Tertullianô xem ra đã nói đến sự chúc lành hôn nhân của các Kitô hữu (Ad uxorem, De exhoratione castitatis, De monogamia). Dĩ nhiên đây là chỉ một phong tục địa phương (ở Cartago) chứ chưa bó buộc trong cả Hội thánh.

Từ thế kỷ thứ IV, ta thấy có công đồng Neocesarea nói đến sự hiện diện của các linh mục tại lễ cưới. Thánh Gioan Kim khẩu nói đến sự hiện diện của các linh mục để cầu nguyện và chúc lành cho hôn nhân (Homilia in Genesim,48,6). Các công thức chúc lành nguyện xin đức bác ái vợ chồng, sự thuận hoà, trung thành, thánh thiện.

C. Sự thánh thiện của hôn nhân Kitô giáo

Không có giáo phụ nào đã bàn về hôn nhân như là bí tích hiểu theo nghĩa của Petrus Lombardus (tk XI). Tuy nhiên, các ngài đã nói đến sự thánh thiện của hôn nhân các người Kitô hữu, khiến ta có thể khẳng định rằng hôn nhân không phải chỉ là một chuyện phàm tục: vì là những người đã được lãnh bí tích thánh tẩy, hôn nhân của các Kitô hữu được thánh hóa.

Khi khuyên các tín hữu đừng kết hôn với người ngoại giáo hay lạc giáo, thánh thánh Ambrôsiô giải thích rằng bởi vì người nào chưa được lãnh ơn thánh của bí tích rửa tội thì sự kết hợp hôn nhân chưa phải là kết hợp trong Đức Kitô. Việc kết hôn của người Kitô hữu được thánh hóa nhờ lời nguyện chúc lành (Epistula 62,7).

Thánh Cyrillô Alexandria nói rằng hôn nhân được thánh hóa nhờ việc Đức Kitô hiện diện ở tiệc cưới Cana: Người không chỉ chúc lành cho những người có mặt tại bữa tiệc mà còn chuẩn bị ơn thánh cho những đôi hôn nhân trong tương lai. Đức Kitô đã chấn hưng lại toàn thể bản tính nhân loại (In Ioannis Evangelium, lib.II, in II,1-4).

Thánh Augustinô gọi hôn nhân là sacramentum, (tuy không hiểu theo nghĩa là bí tích theo nghĩa hiện nay nhưng như là dây bất khả ly) và so sánh với dây ràng buộc của bí tích rửa tội và chức thánh, giống như dấu ấn in trên thân thể các quân nhân và thú vật (De bono coniugali 24,32). Nó là một “signum sacrum”, dấu chỉ của sự kết hợp phu thê của Đức Giêsu và Hội thánh.

Sang thế kỷ XII, khi khái niệm “sacramentum” đã mang một nghĩa chuyên môn (Sacramentum enim proprie dicitur, quod ita signum est gratiae Dei et invisibilis gratiae forma, ut ipsius imaginem gerat et causa exsistat: Sententiae, IV, d. 1, cap. 4), thì hôn nhân (coniugium) đã được Petrus Lombardus liệt kê trong số ấy (IV, d. 2, cap. 1).

II. Huấn quyền

A. Những xác quyết căn bản

1. Huấn quyền khẳng định tính bí tích của hôn nhân trong những tuyên ngôn về sự hiện hữu của bảy bí tích, cụ thể:

– Công đồng Lyon II (1274): công thức tuyên xưng đức tin của hoàng đế Michel VIII Paleologus (Dz.-Sch. 860).

– Công đồng Firenze (1439): sắc lệnh hiệp nhất với giáo hội Armêni (Dz.-Sch. 1310)

– Công đồng Trentô (1563): về các bí tích nói chung (Can. I de sacramentis in genere, Dz.-Sch.1601).

Cách riêng công đồng Trentô không chỉ khẳng định hôn nhân là bí tích, nhưng còn đưa ra những lý lẽ giải thích để chống lại chủ trương của Luther trong một sắc lệnh tín lý về đề tài này (Decr. Matrimonii perpetuum, sessio 24, 11-11-1563, Dz.-Sch. 1801). Theo phái Cải cách, bí tích hôn phối không do Thiên Chúa thiết lập nhưng là do Giáo hội bịa ra. Luther chấp nhận rằng hôn nhân là hình ảnh của Đức Kitô và Hội thánh, nhưng không có chỗ nào trong Kinh thánh nói đến một ân sủng đặc biệt dành cho hôn nhân. Hôn nhân thánh thiện là vì do Thiên Chúa sáng tạo (cũng như bao nhiêu thực thể khác trên cõi đời như cơm ăn áo mặc), có thế thôi. Đối lại, công đồng dạy rằng truyền thống Giáo hội vẫn nhìn nhận hôn phối là bí tích. Hôn nhân Kitô giáo ban ơn thánh đặc biệt per Christum, nhờ công nghiệp của cuộc Tử nạn của Đức Kitô.

Đạo lý của Hội thánh được Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo (số 1615 và 1617) trình bày như sau: “Ân sủng này của hôn nhân Kitô giáo là hoa trái của Thập Giá Đức Kitô, nguồn mạch của toàn bộ đời sống Kitô hữu… Hôn nhân Kitô giáo, đến lượt mình, trở thành dấu chỉ hữu hiệu, trở thành bí tích của giao ước giữa Đức Kitô và Hội Thánh. Bởi vì nó nói lên và truyền thông ân sủng của giao ước đó, nên hôn nhân giữa hai người đã được Rửa Tội là một bí tích thật sự của Giao Ước Mới”.

2. Hôn nhân là một bí tích: đó là một tín điều. Nhưng hôn nhân nào? Chắc hẳn hôn nhân của người ngoài Kitô giáo không thể nào là bí tích. Vì thế chỉ có thể áp dụng cho hôn nhân của các Kitô hữu. Câu hỏi: cái gì làm cho hôn nhân của Kitô hữu trở nên bí tích? Bởi vì hôn lễ được cử hành theo nghi thức phụng vụ Kitô giáo, hay là bởi vì hai người kết hôn là Kitô hữu?

Những câu hỏi này đã trở thành đề tài cho nhiều cuộc tranh luận giữa các nhà thần học từ thế kỷ XIV đến nay.

B. Những cuộc tranh luận về sự tách rời giữa hôn-nhân-tự-nhiên và hôn-nhân-bí-tích

1/ Từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XIX

a) Những ý kiến: có thể tách rời.

– Người đầu tiên nêu vấn đề về sự tách biệt giữa hôn nhân tự nhiên và hôn nhân bí tích là Duns Scotus OFM (1265-1308). Hai người Kitô hữu có thể kết hôn tự nhiên mà không phải là bí tích: hôn nhân của những người cưới nhau qua đại nhiệm chỉ là hôn nhân tự nhiên (khế ước) chứ không phải là bí tích.

– Hai thế kỷ sau đó, Tommaso di Vio (hồng y Gaetano) OP cũng ủng hộ ý kiến này. Melchior Cano OP (1509-1560) cho rằng tính bí tích hệ tại lễ nghi hôn phối, do sự chúc lành của linh mục. (De locis theologicis, lib. VIII, cap.V, n. 11). Vì thế hôn nhân qua đại nhiệm không phải là bí tích.

– Sang thế kỷ XVII-XVIII, các nhà thần học J.B. Gonet (1616-1681), Martino Bonacina (1585-1631), C. Billuart (1685-1757) nêu lên hai trường hợp về hôn nhân thành sự mà không phải là bí tích: (i) khi chính đương sự loại trừ bí tích (thí dụ những người theo Tin Lành); (ii) khi một đôi vợ chồng ngoại đạo đã kết hôn, rồi sau đó lãnh bí tích rửa tội.

b) Ý kiến ngược lại: không thể tách rời

– Robertô Bellarminô (1542-1621). Hôn nhân là bí tích không những vào lúc cử hành mà còn kéo dài suốt cuộc đời (tương tự như bí tích Thánh Thể). Chúa Kitô không lập một dấu hiệu bí tích mới, nhưng Ngài nâng hôn nhân tự nhiên lên hàng bí tích, ban cho nó một ý nghĩa mới và lời hứa ân sủng (De Controversiis Christianae,fidei, vol. III: De Matrimonii Sacramento, lib. I, contr. II, cap. VI). Các đôi bạn Kitô hữu qua lời thoả thuận kết hôn đã đọc lên lời bí tích để thánh hoá hôn nhân của mình.

– Sự hiện hữu của bí tích không tuỳ thuộc vào ý định người cử hành. Chẳng hạn như khi rửa tội, nếu người cử hành sử dụng chất thể và đọc đúng công thức thì bí tích thành hiệu, chứ không thể nào ngăn cản được (P. De Ledesma).

– Cặp vợ chồng ngoại đạo khi được rửa tội thì đương nhiên trở thành bí tích (A. Zalliger).

Ý kiến của thánh Bellarminô được sự ủng hộ của hầu hết các nhà thần học công giáo.

c) Sự can thiệp của Huấn quyền

– Công đồng Trentô không can thiệp vào cuộc tranh luận thần học này. Nên biết là Melchior Cano và Bellarminô đều là những nhà thần học nổi danh vào thời họp công đồng. Công đồng chỉ khẳng định tính bí tích (chống lại Luther) và sự bó buộc tuân giữ thể thức pháp định.

– Sang thế kỷ XVII-XVIII, tình hình chính trị xã hội ở châu Au thay đổi: nhiều chính phủ muốn can thiệp vào hôn nhân của các tín hữu, vì cho rằng hôn nhân là một thực thể tự nhiên và dân sự. Giáo hội công giáo phản ứng lại bằng cách khẳng định rằng không thể tách rời hôn nhân tự nhiên và bí tích của các Kitô hữu. Những lần can thiệp đầu tiên của Huấn quyền là thư của Giáo hoàng gửi cho các vua chúa công giáo, chẳng hạn ĐGH Piô VI gửi giám mục Motula ở Napoli (năm 1788), ĐGH Piô IX gửi vua Vittorio Emmanuel (1852).

– Một cách quyết liệt hơn, Giáo hội khẳng định việc không thể tách rời hai khía cạnh (tự nhiên và bí tích) trong thông điệp Arcanum của ĐGH Lêô XIII (10-2-1880): Chúa Kitô đã nâng khế ước hôn nhân lên hàng bí tích, như dấu chỉ của hôn nhân huyền nhiệm giữa Đức Kitô với Hội thánh. Bí tích không phải là đồ trang sức thêm vào, nhưng nằm trong chính bản chất của hôn nhân.

– Giáo huấn của đức Lêô XIII được đưa vào bộ giáo luật 1917 (điều 1012 § 2), và được Đức Piô XI nhắc lại trong thông điệp Casti Connubii (Dz.-Sch. 3713).

2/ Cuộc tranh luận sau công đồng Vaticanô II

Công đồng đã bàn khá nhiều về hôn nhân trong hiến chế Gaudium et Spes, nhưng không đề cập gì đến sự tách rời giữa hôn nhân tự nhiên và hôn nhân bí tích. Tuy thế, ngay từ thập niên 60 của thế kỷ XX, cuộc tranh luận đã được nêu lên do sự kiện là nhiều người công giáo chỉ muốn kết hôn dân sự chứ không muốn nhận lãnh bí tích.

a) Những ý kiến

– Một lý do được đưa ra là đức tin là yếu tố cấu thành của bí tích. Nếu thiếu đức tin thì làm sao có bí tích được? Hôn nhân của những người ấy chỉ ở tầm mức tự nhiên thôi. Những người không có đức tin thì cũng ví được như người thiếu chủ ý cử hành bí tích, vì thế bí tích trở nên vô hiệu.

– Lý do khác: Ân sủng không phá huỷ tự nhiên. Ân sủng cần được đón nhận cách tự nguyện. Nếu người ta không muốn đón nhận ân sủng mà chỉ muốn sống theo tự

nhiên, thì cần phải tôn trọng.

b) Sự can thiệp của Huấn quyền

Dựa trên đạo lý của các giáo hoàng đã trích trên đây, tông huấn Familiaris Consortio (1981) không chấp nhận sự tách rời giữa hôn nhân tự nhiên và bí tích (số 13; 68; 82). Bộ giáo luật 1983 cũng vậy[1].

 


[1] Điều 1055§2: Quare inter baptizatos nequit matrimonialis contractus validus consistere, quin sit eo ipso sacramentum.