Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Bí Tích Hôn Nhân – Phụ Lục

Administrator
2018-09-23 09:19 UTC+7 35
  PHỤ LỤC Gia đình trong Giáo huấn xã hội của Giáo hội [1] Nguồn: Hội đồng Toà thánh về Công lý và Hòa bình, Sách Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội (2004)[2]. Chương Năm “Gia đình, tế bào sống động của xã hội” (số 209-254) gồm 5 đoạn: 1. Gia đình […]


 

PHỤ LỤC

Gia đình trong Giáo huấn xã hội của Giáo hội [1]

Nguồn: Hội đồng Toà thánh về Công lý và Hòa bình, Sách Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội (2004)[2].

Chương Năm “Gia đình, tế bào sống động của xã hội” (số 209-254) gồm 5 đoạn:

1. Gia đình xã hội tự nhiên thứ nhất. GĐ là một xã hội cơ bản, và xã hội gia đình hiện hữu trước các xã hội ở cấp cao hơn. Đoạn này bàn đến tầm quan trọng của GĐ đối với cá nhân vào đối với xã hội.

2. Hôn nhân, nền tảng của gia đình. Tuy rằng trong nhiều ngôn ngữ, hai hạn từ “hôn nhân” (marriage) và “gia đình” (famille) đôi khi được dùng như đồng nghĩa, nhưng ở đây, hai thực thể được tách ra: hôn nhân là nền tảng của gia đình. Hậu quả, ai phá huỷ hôn nhân thì cũng phá huỷ gia đình. Đối với người Kitô hữu, hôn nhân còn là một bí tích.

3. Gia đình, một chủ thể xã hội, nghĩa là một chủ thể của những quyền lợi và nghĩa vụ. Chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu ý nghĩa của tình yêu, của việc đón nhận sự sống, của việc giáo dục con cái.

4. Gia đình, tác nhân của đời sống xã hội. GĐ góp phần chủ động vào sinh hoạt xã hội, cách riêng trong lãnh vực lao động và kinh tế.

5. Xã hội phục vụ gia đình. Đối lại với đoạn vừa rồi, xã hội có những nghĩa vụ đối với gia đình.

I. GĐ, xã hội tự nhiên thứ nhất

XH “tự nhiên” (société naturelle) có nghĩa là cộng đồng thành hình do bản tính (nature) con người đòi hỏi, vì thế cũng gọi là “tất yếu” (nécessaire); đối lại với các XH “nhiệm ý” (optionelle, libre) được thành hình do một sự thoả thuận giữa con người với nhau (chẳng hạn: một hiệp hội), không bắt buộc tất cả mọi người tham gia.

Tầm quan trọng của GĐ có thể được phân tích dưới ánh sáng của mạc khải, hoặc theo lý trí. Trước tiên, chúng ta ôn lại những dữ kiện căn bản của Kinh thánh (Cựu ước và Tân ước), và sau đó, chúng ta sẽ phân tích nhờ sự suy tư lý trí.

A. Tầm quan trọng của GĐ đối với cá nhân và xã hội, dựa theo mạc khải

1/ Trong kế hoạch tạo dựng của Thiên Chúa (số 209)

– Con người không thể sống một mình (ST 2,18). Việc tạo dựng đôi nam nữ diễn tả mối thông hiệp giữa con người: cả hai trở nên một thân thể (St 2,24). Đôi hôn nhân này cũng nhận được sứ mạng sinh sản (St 1,28).

– GĐ là nơi đầu tiên để học làm người và học sống tương quan xã hội. GĐ là chiếc nôi của sự sống và tình yêu.

2/ Trong Giao ước mới (số 210)

a) Chúa Giêsu đã mang lại phẩm giá cao quý cho định chế hôn nhân, bằng đời sống và lời giảng của Người. GĐ là nơi mà con người học biết tình thương và lòng trung tín của Chúa; nơi mà con cái học hỏi về đức khôn ngoan và việc thực hành các nhân đức khác.

b) Chúa Giêsu đã thiết lập hôn nhân thành bí tích của giao ước mới.

Xét vì GĐ đã được thiết lập bởi Thiên Chúa Đấng Tạo hoá, cho nên đối với người tín hữu, GĐ là một định chế thuộc về thiên luật (số 211)

B. Tầm quan trọng của GĐ đối với cá nhân và xã hội, dựa theo lý luận tự nhiên

1/ GĐ quan trọng đối với cá nhân (số 212)

– GĐ là nơi mà em bé có thể triển nở những tài năng của mình và ý thức về phẩm giá của mình. Tình yêu trao hiến của cha mẹ tạo nên bầu khí thuận lợi cho sự triển nở của con cái.

– GĐ là “môi sinh” nơi mà con cái hấp thụ những khái niệm sơ khởi về : sự thật, điều tốt; ý thức thế nào là một “nhân vị”.

2/ GĐ quan trọng đối với xã hội (số 213)

Nếu không có những GĐ gắn bó chặt chẽ thì các dân tộc sẽ suy yếu. GĐ góp phần vào sự thịnh vượng của XH một cách độc đáo và không thể nào thay thế.

a) GĐ là “xã hội” thứ nhất của nhân loại, bởi vì là một cộng đoàn gồm bởi nhiều người. Hơn thế nữa, GĐ là một đơn vị XH kiểu mẫu, tránh được hai thái cực: một đàng là chủ nghĩa cá nhân, một đàng là chủ nghĩa tập thể. Trong GĐ mỗi thành viên được đối xử như một nhân vị, được trân trọng quý mến như là một chủ thể, chứ không bị xử dụng như là phương tiện. Chính tại GĐ mà người ta thực tập đảm nhận những trách nhiệm xã hội và tình tương thân tương ái.

b) GĐ giữ vị trí ưu tiên so với xã hội và Nhà Nước[3] (số 214). GĐ không hiện hữu vì xã hội và Nhà Nước; nhưng xã hội và Nhà Nước hiện hữu vì gia đình.

– GĐ hiện hữu dựa trên bản tính của con người, chứ không do sự thừa nhận của Nhà Nước. GĐ là chủ thể của những quyền lợi bất khả xâm phạm.

– Trong quan hệ đối với GĐ, xã hội và Nhà Nước có nghĩa vụ tôn trọng nguyên tắc hỗ trợ. GĐ cần phải được hưởng những trợ cấp của xã hội để có thể hoàn tất những trách nhiệm của mình.

II. Hôn nhân, nền tảng của gia đình

Đoạn này bàn đến hôn nhân nhìn từ hai bình diện: a) tự nhiên, qua sự nhận định của lý trí; b) siêu nhiên: bí tích do Chúa Giêsu thiết lập.

A. Giá trị của hôn nhân

Định chế hôn nhân đặt nền tảng trên những luật lệ do Đấng Tạo hóa đã ấn định (số 215).

1/ Thẩm quyền lập pháp

Nền tảng của GĐ dựa trên ý chí tự do của đôi bạn muốn lập giá thú với nhau. Chính Thiên Chúa là tác giả của hôn nhân. Hôn nhân không phải là một sáng chế do những quy ước của con người lập nên, hoặc bởi những quy định của pháp luật.

Tình yêu phu phụ dựa trên sự trao hiến toàn diện và độc hữu, giữa hai nhân vị, qua một cam kết dứt khoát và công khai.

Không một quyền lực nào có thể huỷ bỏ quyền tự nhiên được kết hôn, hoặc sửa đổi những đặc tính và mục tiêu của nó (số 216). Hôn nhân mang những đặc trưng cố hữu của nó. Xã hội không được phép quyết định về dây hôn phối, nhưng chỉ có thẩm quyền ra những quy luật về những hậu quả dân sự (chẳng hạn về tài sản hôn nhân, nghĩa vụ chu cấp).

2/ Những nét đặc trưng của hôn nhân (số 217):

Toàn thể: đôi bạn trao ban cho nhau tất cả, nghĩa là trong hết mọi chiều kích của nhân vị.

Duy nhất: hai người trở nên một thân thể (St 2,24)

Bất khả ly: sự trao ban hỗ tương và dứt khoát, không thể nào cắt đứt

Trung tín: chỉ dành riêng cho người yêu.

Phong nhiêu: mở ra đến sự sống

– Bình đẳng nhân vị giữa nam và nữ. (Tục đa thê trái nghịch nguyên tắc này)

3/ Hôn nhân và con cái (số 218)

Theo bản chất khách thể, hôn nhân nhắm đến việc sinh đẻ và dưỡng dục con cái.

Tuy nhiên hôn nhân được thiết lập không chỉ nhằm sinh con đẻ cái: giá trị hiệp thông và bất khả ly vẫn tồn tại kể cả khi việc mong sinh con đẻ cái không được toại nguyện.

Việc nhận con nuôi có thể được nhằm tới như là một hình thức phục vụ tha nhân.

B. Bí tích hôn nhân

1/ Nguồn gốc (số 219)

Bí tích hôn nhân nảy sinh từ tình yêu của Đức Kitô dành cho Giáo hội. Suốt lịch sử cứu độ, đề tài giao ước phu thê giữa Thiên Chúa và nhân loại được lặp lại nhiều lần.

Chúa Giêsu đã mạc khải chân lý nguyên thủy của hôn nhân, chân lý của thuở ban đầu, như vậy đã giải thoát con người khỏi con tim chai đá và giúp nó thực hành chân lý đó.

Tình yêu phu thê được biểu lộ đầy đủ ở cuộc dâng hiến của Đức Kitô trên thập giá. An sủng của bí tích hôn phối uốn nắn tình yêu giữa vợ chồng phù hợp với Tình yêu của Đức Kitô dành cho Hội thánh.

2/ Sứ mạng (số 220)

Các đôi vợ chồng Kitô hữu trở thành dấu chỉ và dụng cụ cho tình yêu của Đức Kitô trên thế giới. Họ tìm kiếm Nước Thiên Chúa qua việc điều hành những sự việc trần thế theo như dự định của Thiên Chúa (tông huấn Familiaris consortio số 47).

Ơn bí tích hôn phối liên kết gia đình với Giáo hội, biến gia đình thành một Giáo hội gia thất.

III. GĐ chủ thể xã hội

Đoạn này dài nhất, bàn về 4 điểm: tình yêu vợ chồng; phục vụ sự sống; giáo dục con cái; quyền lợi của trẻ em.

A. Tình yêu và sự hình thành một cộng đoàn nhân vị (số 221)

1. Mục tiêu thành lập GĐ là tạo ra một bầu khí thông hiệp giữa các nhân vị. GĐ là nơi độc đáo để biểu lộ tình yêu. Tình yêu đưa con người đến chỗ thể hiện mình bằng cách trao hiến bản thân cách vô vị lợi. “Yêu có nghĩa là trao ban và nhận lãnh điều mà người ta không thể thủ đắc mua bán, nhưng chỉ có thể ban phát cách tự ý và hỗ tương”[4] . GĐ là nơi thực tập đời sống xã hội mà không chỗ nào có thể thay thế được.

2. Tình yêu cũng được biểu lộ qua việc quan tâm ân cần đến những người lớn tuổi đang sống trong GĐ (số 222).

Sự hiện diện của người cao niên mang lại nhiều giá trị:

– Nối kết giữa các thế hệ.

– Nguồn cho sự an vui trong gia đình và toàn xã hội.

– Những người già là một trường dạy của sự sống. Họ truyền đạt các giá trị và truyền thống; nhờ đó họ cũng giúp cho thế hệ trẻ được triển nở.

Cần dành sự ưu ái cho những người cần được chăm sóc chu đáo.

3. Bản tính của tình yêu

a) Tình yêu trao ban (số 223)

Con người sinh ra để yêu, và nếu không có tình yêu thì con người không thể nào sống được. Tình yêu không thể chỉ rút gọn vào những cảm xúc, lại càng không thể thu gọn vào quan hệ sinh lý. Tình yêu vợ chồng biểu lộ chân chính nơi sự trao ban toàn vẹn của bản thân, với đặc tính là duy nhất và chung thuỷ.

b) Tình yêu phái tính (số 224)

Sự khác biệt và bổ túc về thể lý và tinh thần giữa hai phái nam nữ nhằm đến các thiện ích của hôn nhân và sự triển nở của GĐ.

Sự khác biệt giữa phái tính (giới tính) không phải là sản phẩm của văn hóa. Luật chế định cần phải phù hợp với luật tự nhiên, theo đó, sự khác biệt phái tính là điều kiện khách thể cần thiết để tạo nên hôn nhân. Điều này không thể tự tiện thay đổi.

c) Tình yêu bền vững (số 225)

Bản tính của tình yêu vợ chồng đòi hỏi một tương quan bền vững và bất khả ly. Sự bền vững của dây hôn nhân không thể tuỳ thuộc vào ý định của những người cam kết, nhưng xã hội cần phải can thiệp. Nói cách khác, hôn nhân phải mang tính cách định chế, dựa trên một hành vi công khai, được xã hội và pháp luật nhìn nhận.

Việc du nhập ly dị vào các bộ luật đã đưa đến một quan niệm tương đối về dây hôn nhân, và gây ra một tai ương xã hội.

Giáo hội không bỏ rơi những người ly dị kể cả sau khi họ tái hôn (số 226). Họ có thể tham gia vào đời sống của Giáo hội. Trong bí tích thống hối, ơn hòa giải chỉ có thể được ban cho những ai thành tâm sám hối và sẵn sàng chấp nhận một nếp sống không tương phản với tính bất khả ly của hôn nhân[5].

d) Việc sống chung không ràng buộc (số 227)

Những đôi sống chung nhưng không muốn bị ràng buộc[6] dựa trên một quan niệm sai lạc về tự do lựa chọn. Tình trạng này cũng phản ánh một quan niệm lệch lạch về hôn nhân và GĐ, coi như chuyện tư riêng giữa hai người.

Hôn nhân không phải là chuyện riêng tư của hai cá nhân đồng ý chung sống mà thôi, nhưng nó còn mang một chiều kích xã hội độc nhất vô nhị. GĐ là một dụng cụ sơ khởi cho sự tăng trưởng của toàn thể con người và cho việc gia nhập vào đời sống xã hội.

Việc nhìn nhận các cặp sống chung có giá trị ngang hàng với các GĐ sẽ làm suy giảm tín lực của khuôn mẫu GĐ.

e) Hôn nhân của những người đồng phái tính (số 228)

Hôn nhân là một thoả hợp giữa người nam và người nữ, dựa trên một sự lựa chọn hỗ tương, bao hàm sự thông hiệp vợ chồng dẫn đến việc sinh đẻ con cái.

Việc kết hôn giữa những người đồng phái tính không thể nào đưa đến việc truyền sinh, cũng như không thể hiện được sự bổ túc giữa người nam và người nữ xét về thể lý, sinh lý, tâm lý.

Cần phải tôn trọng người đồng tính xét về nhân phẩm của họ, và khuyến khích họ đi theo chương trình của Thiên Chúa qua việc thực hành đức khiết tịnh. Tuy nhiên, khi nhìn nhận cho các cặp đồng tính được ngang hàng với hôn nhân và gia đinh, thì Nhà Nước đã hành động chuyên quyết, và đi ngược lại các nghĩa vụ của mình.

Kết luận (số 229)

Pháp luật cần củng cố việc nhìn nhận hôn nhân bất khả ly giữa một vợ và một chồng như là hình thức chân chính duy nhất của gia đình. Sự bền vững của hạt nhân gia đình là nguồn lợi lớn cho việc sống chung trong xã hội.

Các Kitô hữu cần khẳng định rằng gia đình tạo nên một cộng đoàn tình yêu và liên đới, có khả năng truyền đạt những giá trị văn hóa, luân lý, xã hội, tinh thần và đạo đức thiết yếu cho sự phát triển và an mạnh của các phần tử của mình.

B. Gia đình là thánh điện của sự sống

1. Tình yêu và đón nhận sự sống

– Tự bản chất, tình yêu vợ chồng mở rộng đến việc đón nhận sự sống (số 230). Tuy dưới khía cạnh sinh lý, sự truyền sinh cũng tương tự như các động vật, nhưng thực ra nơi con người, việc làm cha mẹ giống với Thiên Chúa, một sự thông hiệp giữa các ngôi vị (communio personarum). Việc sinh sản biểu lộ gia đình như một chủ thể xã hội, và nảy sinh động lực yêu thương và tương trợ giữa các thế hệ, là nền tảng của xã hội.

– GĐ quả thực là thánh điện của sự sống (số 231)

GĐ cần đóng vai trò cổ võ và kiến tạo văn minh sự sống. GĐ mang sứ mạng làm chứng ta và loan báo Tin mừng sự sống, cách riêng qua việc tham gia vào những đoàn thể phò sự sống.

2. Việc sinh sản

Cha mẹ tham gia vào công trình tạo dựng của Thiên Chúa và thiện ích của xã hội qua việc sinh sản (làm cha mẹ) có trách nhiệm (số 232).

a) Thái độ của các đôi vợ chồng đối với việc sinh sản:

– Khước từ sự tính toán ích kỷ

– Quảng đại đón nhận sự sống

– Nhìn nhận những bổn phận của mình đối với Thiên Chúa, đối với mình, gia đình và xã hội, dựa theo một hệ thống chính đáng về các giá trị.

b) Những phương tiện trái với luân lý: triệt sản, phá thai. Chúng đe dọa đời sống chung công bằng và dân chủ trong xã hội. Cũng phải khước từ những phương tiện ngừa thai.

c) Những phương tiện hợp với luân lý: kiêng cữ vào thời kỳ rụng trứng của người nữ. Việc xử dụng phương pháp tự nhiên để điều hoà sinh sản có nghĩa là đặt nền cho quan hệ vợ chồng trên sự tôn trọng lẫn nhau và đón nhận toàn diện, cũng như là cơ hội để thực hiện một trật tự xã hội nhân bản hơn.

d) Duy chỉ các đôi bạn mới có thẩm quyền quyết định khoảng cách giữa các lần sinh con và số con cái. Tất cả những chiến dịch nhắm đến việc triệt sản và ngừa thai đều đáng lên án (số 234).

e) Việc ước muốn làm cha làm mẹ không biện minh cho “quyền có con cái” (số 235). Ngược lại, cần phải quan tâm đến “quyền của con cái

– được hưởng những điều kiện tối ưu để sinh sống;

– được có một gia đình bền vững dựa trên hôn nhân;

– được có một gia đình dựa trên hôn nhân và sự bổ xung giữa hình ảnh người cha và người mẹ;

– được sinh ra bởi cha mẹ dưới khía cạnh sinh lý và pháp lý;

f) Sự tiến bộ công nghệ phải tuỳ thuộc vào luật luân lý tự nhiên.

– Trái nghịch với luân lý: việc hiến tinh trùng hoặc kén trứng; việc mang thai thế, thụ thai nhân tạo ngoài vợ chồng (fécondation artificielle hétérologue).

– Những hành vị trái ngược với sự kết hợp với nguyên tắc kết hợp vợ chồng: nhờ đến những kỹ thuật thay thế cho quan hệ vợ chồng.

– Được phép xử dụng những phương tiện được coi như hỗ trợ cho hành vi vợ chồng hoặc thực hiện những hậu quả của nó.

g) Việc “nhân bản” (clonage) sinh sản thì trái nghịch với phẩm giá của việc truyền sinh[7]. Nó được thực hiện bên ngoài hành vi tình yêu vợ chồng. Ngoài ra còn có nguy cơ là huỷ diệt bào thai trong phòng thí nghiệm. Sau cùng, nó biểu lộ sự thống trị của kẻ sản xuất trên kẻ được sản xuất.

Tuy nhiên, việc tái tạo các tế bào thông thường hoặc những thành phần ADN thì không đặt ra vấn đề dưới phương diện luân lý.

Kết luận: Chiều kích thiêng liêng của việc sinh sản (số 237)

Việc sinh sản của con người mang một chiều kích thiêng liêng bởi vì bắt nguồn từ muôn thuở nơi Thiên Chúa, kéo dài qua các thế hệ, và cần dẫn về Ngài. Việc sinh sản tạo ra một sự thông hiệp giữa các thế hệ, và góp phần thiết yếu vào sự phát triển xã hội. Vì thế GĐ có quyền được xã hội hỗ trợ trong việc sinh sản và giáo dục con cái, đặc biệt là những gia đình đông con.

C. Nhiệm vụ giáo dục

1. Ý nghĩa (số 238)

Qua công tác giáo dục, GĐ đào tạo con người đạt được phẩm giá sung mãn của mình dưới mọi phương diện. Qua việc thực thi sứ mạng giáo dục, GĐ đóng góp vào công ích: trường học thứ nhất về các nhân đức xã hội; giáo dục về tự do và trách nhiệm; truyền đạt những giá trị cơ bản cần thiết để trở thành những công dân tự do, lương thiện và trách nhiệm.

2/ Nghĩa vụ-quyền lợi của cha mẹ (số 239)

Tình thương của cha mẹ là linh hồn và quy chuẩn gợi hứng cho hoạt động giáo dục. Cha mẹ có quyền lợi và nghĩa vụ giáo dục con cái. Họ không được xao lãng điều này cũng như không được uỷ thác cho người khác; không ai được lấn át họ.

Cha mẹ có quyền lợi và nghĩa vụ cung cấp cho con cái sự giáo dục về tôn giáo và luân lý. Nhà Nước phải tôn trọng và cổ vũ quyền lợi này của cha mẹ.

3/ Nguyên tắc hỗ trợ (số 240)

Cha mẹ là những nhà giáo dục tiên khởi của con cái, nhưng họ không đơn độc. Con người vốn mang tính cộng đồng, trong lãnh vực dân sự và tôn giáo, vì thế đòi hỏi một công cuộc rộng lớn hơn, là kết quả của sự hợp tác hữu cơ giữa nhiều lãnh vực

a) Đối với các cơ sở giáo dục, cha mẹ có quyền được chọn lựa những dụng cụ đào tạo và những phương tiện phù hợp với xác tín của mình. Chính quyền có nghĩa vụ bảo đảm quyền lợi này cũng như tạo ra những điều kiện cụ thể cho việc thực thi.

b) Đối với chính quyền, cha mẹ có quyền thiết lập và nâng đỡ các cơ sở giáo dục (số 241). Cha mẹ có quyền đòi hỏi chính quyền phân phối những trợ giúp công cộng để họ không phải mang những gánh nặng quá đáng. Thật là bất công nếu Nhà Nước từ chối hỗ trợ kinh tế cho các trường tư thục khi họ phục vụ xã hội. Nhà Nước giữ độc quyền giáo dục là một điều vượt quyền của mình và xúc phạm đến công lý.

c) GĐ có trách nhiệm cung cấp một nền giáo dục toàn diện (số 242).

Việc giáo dục toàn diện nhắm đến toàn thể con người trong viễn ảnh nhằm đến cứu cánh cao cả nhất và đến thiện ích của những nhóm mà con người sẽ hoạt động khi trưởng thành.

Những tiêu chuẩn của nền giáo dục toàn diện:

– Ý nghĩa của đối thoại và gặp gỡ.

– Tính kết hợp xã hội và tôn trọng luật pháp

– Liên đới và hòa bình

– Công bình và bác ái

Thiện ích toàn diện của con cái cũng đòi hỏi sự hiện diện của vai trò người cha và người mẹ, kính trọng và dịu dàng, cương quyết và mạnh mẽ.

d) Cha mẹ có trách nhiệm đặc biệt trong lãnh vực giáo dục giới tính (số 243).

– Nội dung: về ý nghĩa của giới tính; những giá trị nhân bản và luân lý kèm theo; bảo đảm cần thiết cho việc tăng trưởng cá nhân.

– Cha mẹ có quyền kiểm soát những cơ sở đảm trách việc giáo dục giới tính.

D. Phẩm giá và quyền lợi của trẻ em

1. Giáo hội đòi hỏi việc tôn trọng các quyền lợi của trẻ em (số 244)[8]. Những quyền lợi này cần phải được bảo vệ qua những quy phạm của pháp luật.

Các quyền lợi này phải được tôn trọng ngay từ trong gia đình. Quyền lợi thứ nhất của trẻ em là được sinh ra trong một gia đình đích thực.

2. Cộng đồng quốc tế cần được huy động trong việc bảo vệ trẻ em (số 245)

– Nhiều trẻ em đang sống trong những hoàn cảnh thương tâm: bệnh tật, thiếu dinh dưỡng, thiếu nhà ở, thất học

– Tình cảnh của những trẻ em phải lao động, phải tham gia chiến tranh

– Nạn tảo hôn. Nạn khai thác tính dục các trẻ em. Việc xử dụng trẻ em vào việc buôn bán hình ảnh khiêu dâm.

IV. Gia đình, tác nhân của đời sống xã hội

Đoạn này bàn về sinh hoạt của gia đình trong đời sống xã hội, gồm hai điểm: a) gia đình thể hiện tình liên đới; b) gia đình như đơn vị lao động, kinh tế.

Nên lưu ý là ở đây GĐ được quan niệm theo khuôn mẫu của GĐ “hạt nhân” (gồm cha mẹ – con cái), khác với khuôn mẫu GĐ “gia trưởng” (gồm bởi nhiều gia đình cùng một tổ hay tộc trưởng).

A. Tình liên đới của GĐ

Chủ thể xã hội của GĐ (hoặc riêng rẽ hoặc liên kết thành hiệp hội) cũng được diễn tả qua những cuộc biểu lộ tình liên đới và chia sẻ, không những là giữa các gia đình với nhau, mà còn qua những hình thức tham gia vào đời sống xã hội và chính trị (số 246).

Các GĐ cần phải trở nên những kẻ chủ động của chính sách gia đình, đảm nhận trách nhiệm thay đổi xã hội. Các GĐ có quyền thiết lập những hiệp hội với các GĐ và định chế khác, ngõ hầu chu toàn vai trò riêng biệt của GĐ cách thích hợp và hữu hiệu, và để bảo vệ những quyền lợi, cổ võ thiện ích và thay mặt cho những ích lợi của GĐ (số 247).

B. GĐ, đời sống kinh tế và lao động

1. GĐ cần phải được nhìn nhận đúng lý như là một tác nhân quan yếu của đời sống kinh tế (số 248).

2. Xét theo lịch sử, “kinh tế” phát sinh từ việc làm trong nhà[9]. Cái Nhà đã và tại nhiều nơi vẫn còn là một đơn vị sản xuất và một trung tâm sinh hoạt. GĐ vẫn tiếp tục là một tác nhân quan thiết của đời sống kinh tế. Đời sống kinh tế được định hướng không theo lý luận thị trường nhưng theo sự chia sẻ và liên đới giữa các thế hệ.

3. Giữa GĐ và lao động có một tương quan đặc biệt (số 249).

– GĐ là một trong những điểm quy chiếu quan trọng nhất để thiết lập trật tự xã hội và luân lý lao động[10]. Tương quan ấy đâm rễ trong sự liên hệ giữa nhân vị và quyền sở hữu hoa trái của việc làm của mình, xét như cá nhân cũng như xét như thành phần của một gia đình.

– Giá trị của lao động. Lao động tượng trưng cho điều kiện cho phép thiết lập một GĐ. Lao động cung cấp những phương tiện sinh sống cho GĐ. Lao động cũng chi phối sự phát triển của con người, bởi vì một GĐ bị thất nghiệp sẽ có nguy cơ không thể hiện được các mục tiêu của mình.

4. Tiền lương gia đình: đồng lương đủ để duy trì một GĐ (số 250).

– Tiền lương này đủ để có thể tiết kiệm và thủ đắc một tài sản của GD (như là bảo đảm cho tự do).

– Có nhiều hình thức tiền lương gia đình: phụ cấp gia đình, trợ cấp cho các bà nội trợ, vv.

5. Việc làm của phụ nữ trong khung cảnh GĐ (số 251)

Việc làm của phụ nữ trong gia đình là một công việc mang tính nhân bản, cần được xã hội nhìn nhận và đánh giá, qua một thứ lương bổng tương đương với những công việc khác. Cần phải loại bỏ những trở ngại bó buộc người phụ nữ không thể chu toàn những chức năng làm mẹ của mình.

V. Xã hội phục vụ GĐ

Đoạn này ngắn nhất chỉ gồm 3 số.

1. Nhà Nước phải nhìn nhận GĐ như là một chủ thể (số 252).

– Nhà Nước phải tôn trọng và cổ võ GĐ.

– Nhìn nhận vị trí ưu tiên của GĐ.

– Cổ động căn cước chính đáng của đời sống GĐ.

– Dùng chính sách và lập pháp để bảo vệ những giá trị của GĐ.

– Tôn trọng sự sống.

– Tôn trọng quyền tự do của cha mẹ trong việc giáo dục con cái.

– Thực hành nguyên tắc hỗ trợ.

2. Tôn trọng các quyền lợi của GĐ (số 253)

– Nhìn nhận căn cước của GĐ như là xã hội đặt nền tảng trên hôn nhân.

– Không đồng hóa GĐ với những hình thức chung sống mà bản chất không đáng mang tên là GĐ.

3. Nhìn nhận vị trí ưu tiên của GĐ có nghĩa là vượt qua những quan niệm ích kỷ, và lưu tâm đến chiều kích của GĐ trong viễn tượng văn hóa và chính trị (số 254). Khi giải quyết các vấn đề xã hội, cần phải nhìn đến con người không những như là những cá nhân mà còn trong tương quan với các tế bào gia đình mà họ là phần tử (đoàn tụ gia đình)[11].

 

******************************************

 

Tóm tắt

Có thể tóm lại những vấn đề căn bản của GHXH về gia đình là:

1. GĐ là một định chế cơ bản của xã hội

2. GĐ là một tế bào sinh động căn bản của xã hội

– nơi mà con người học cảm nghiệm về tình yêu, sự thông hiệp, tình liên đới.

– trường đào tạo các giá trị nhân bản, luân lý và đạo đức.

– kho lưu trữ các giá trị của văn hóa truyền thống.

– một đơn vị hoạt động xã hội, kinh tế.

3. GĐ là một chủ thể của những nghĩa vụ và quyền lợi

a) Những nghĩa vụ trong gia đình: kiến tạo cộng đoàn tình yêu, phục vụ sự sống, giáo dục con cái, truyền thông những giá trị nhân bản.

b) Những quyền lợi mà xã hội phải tôn trọng[12].

Những khía cạnh này thuộc về khía cạnh “công bình”. Thêm vào đó, GĐ Kitô giáo còn được mời gọi nên thánh nữa (Giáo hội gia thất), phản ánh sự thông hiệp của Thiên Chúa Ba ngôi, nơi loan báo Tin mừng sự sống, giúp cho con người được tăng trưởng về nhân bản và tín ngưỡng.

 


[1] Chữ viết tắt. GĐ = Gia đình. GHXH = Giáo huấn xã hội của Giáo hội. TLHT = Sách Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội. XH = xã hội

[2] Xem Phan Tấn Thành, Mang Tin Mừng vào các thực tại trần thế (Đời sống tâm linh XIIII), Nxb Tôn Giáo, Hà Nội 2015, trang 163-202.

[3] Chúng ta không muốn đặt lên câu hỏi: gia đình xuất hiện trước Nhà Nước, hay Nhà Nước xuất hiện trước gia đình? Nhưng điều chắc chắn là nếu gia đình tan rã thì Nhà Nước cũng sụp đổ luôn! Không có gia đình, ai sẽ sinh ra các người công dân?

[4] Chân phước Gioan Phaolô II, Thư gửi các gia đình, 1994, số 11.

[5] Việc rước lễ của những người “ly dị và tái hôn” trở thành một đề tài nhức nhối cho các giám mục. Tuy nhiên, lập trường của Giáo hội vẫn không thay đổi. Văn kiện mới nhất là tông huấn Sacramentum caritatis (22/2/2007) số 29.

[6] Thuật ngữ “unione di fatto” không phải là hôn nhân “đã rồi” như trong bản dịch Việt ngữ, nhưng ám chỉ những người sống chung như vợ chồng (“thực tế”, hoặc “sự kiện”) nhưng không làm lễ kết hôn theo pháp luật. Tình trạng này cũng được đặt tên là “kết hợp tự do”.

[7] Bộ Giáo lý đức tin đã viết một huấn thị Dignitas personae (8/12/2008) bàn về những vấn đề luân lý sinh học.

[8] Ngày 20/11/1959, Liên hợp quốc đã biểu quyết một tuyên ngôn về quyền lợi của các trẻ em.

[9] Trong nguyên ngữ Hy-lạp oikonomia gồm bởi oikos (nhà) và nomos (điều hành).

[10] ĐGH Gioan Phaolô II, thông điệp Laborem exercens, số 10.

[11] Thực tế xem ra trái ngược. Khi tuyển chọn nhân viên, người ta nhắm đến những người độc thân (cách riêng nữ giới) hơn là những người có gia đình. Có lẽ đây là sự tính toán thiếu tâm lý, bởi vì theo các nhà kinh tế học, những người đã lập gia đình thì có tinh thần trách nhiệm hơn, và cũng không dám tiêu pha bừa bãi!

[12] Những quyền lợi của GĐ được tóm tắt ở số 2211 của Sách GLCG: + Quyền tự do lập gia đình, quyền sinh con cái và giáo dục chúng theo những xác tín luân lý và tôn giáo của mình; + Quyền bảo toàn dây liên kết vững bền của hôn nhân và cơ chế gia đình; + Quyền tự do tuyên xưng đức tin và thông truyền đức tin, quyền giáo dục đức tin cho con cái bằng những phương tiện và cơ chế cần thiết; + Quyền tư hữu, tự do làm việc, có việc làm, có nhà ở, tự do di cư; + Quyền được chăm sóc y tế trợ cấp tuổi già, phụ cấp gia đình, tùy theo cơ chế của các quốc gia; + Quyền được bảo vệ an ninh và cuộc sống lành mạnh, tránh các nguy cơ như: xì ke ma túy, dâm ô đồi trụy, nghiện rượu v.v..+ Quyền tự do liên kết với các gia đình khác để lập hội đoàn và như thế, được đại diện bên cạnh công quyền (x. Familiaris Consortio, số 46).