Tác giả: LUDWIG OTT
I. Ý NIỆM VÀ TÍNH BÍ TÍCH CỦA VIỆC TRUYỀN CHỨC THÁNH
1. Ý NIỆM
Việc truyền chức thánh (ordo, ordinatio) là Bí Tích, trong đó qua việc đặt tay và lời cầu nguyện của giám mục, người tín hữu được lãnh nhận quyền thiêng liêng và ân sủng để thực thi quyền này cách đẹp lòng Thiên Chúa.
2. TÍNH BÍ TÍCH CỦA VIỆC TRUYỀN CHỨC THÁNH
a) Tín lý
VIỆC TRUYỀN CHỨC THÁNH LÀ MỘT BÍ TÍCH THẬT SỰ VÀ CHÍNH ĐÁNG DO CHÍNH ĐỨC KITÔ THIẾT LẬP. De fide.
Chống lại giáo thuyết của giáo phái Tin Lành chỉ tin có chức tư tế cộng đồng của tín hữu mà thôi, Công Đồng Tridentinô tuyên bố, trong Hội Thánh Công Giáo có một chức tư tế hữu hình và khả giác (D 961), một phẩm trật do ý muốn Thiên Chúa thiết lập (D 966) có nghĩa là một chức tư tế đặc biệt và một cấp bậc tư tế đặc biệt (ordo in esse) khác hẳn với cấp bậc giáo dân theo bản chất. Chỉ nhờ qua một Bí Tích đặc biệt, đó là BT Truyền Chức Thánh (ordo in fieri hay là ordinatio) mà người tín hữu được đón nhận vào cấp bậc tư tế. Công Đồng Tridentinô định nghĩa : SI QUIS DIXERIT, ORDINEM SIVE SACRAM ORDINATIONEM NON ESSE VERE ET PROPRIE SACRAMENTUM A CHRISTO DOMINO INSTITUTUM, ANATHEMA SIT. D 963. Định nghĩa của Công Đồng chỉ xác nhận tính Bí Tích của việc Truyền Chức Thánh cách đại cương, chứ không nói đến tính BT của từng cấp bậc chức thánh.
b) Chứng cứ Thánh Kinh
Các bài tường trình về việc đón nhận vào phẩm trật Hội Thánh đều nêu rõ những điểm đặc thù của ý niệm BT.
– Theo cách giải thích truyền thống, đoạn Cv 6,6 tường trình việc đặt các thầy phó tế :“Họ đưa các ông ra trước mặt các Tông Đồ. Sau khi cầu nguyện, các Tông Đồ đặt tay trên các ông.”
– Đoạn Cv 14,23 nói về việc thiết đặt các kỳ mục :“Trong mỗi Hội Thánh, hai ông chỉ định cho họ những kỳ mục, và sau khi ăn chay cầu nguyện, hai ông phó thác những người đó cho Chúa, Đấng họ đã tin.”
– Thánh Phaolô viết thư cho môn đệ Timôthê của mình :“Tôi nhắc anh phải khơi dậy đặc sủng của Thiên Chúa, đặc sủng anh đã nhận được khi tôi đặt tay trên anh” (2 Tm 1,6). So 1 Tm 4,14 :“Đừng thờ ơ với đặc sủng đang có nơi anh, đặc sủng Thiên Chúa đã ban cho anh nhờ lời ngôn sứ, khi hàng kỳ mục đặt ta trên anh.”
Việc đón nhận vào phẩm trật Hội Thánh được thực hiện qua một tiến trình khả giác, bao gồm việc đặt tay và kinh nguyện. Qua nghi thức bên ngoài này người được tiến chức được trao ban quyền thi hành chức vụ và ân sủng nội tâm. Việc thiết lập do chính Chúa Kitô được căn cứ trên thực tế là chỉ có Thiên Chúa, đặc biệt là Thiên-Nhân Giêsu Kitô mới có thể nối kết một nghi thức bên ngoài với việc trao ban ân sủng bên trong.
Thuật ngữ “ân sủng” (tò charisma) ở những đoạn trong hai lá thư gởi Timôthê không muốn nói đến những đặc sủng (Charismen), nhưng chỉ muốn nói đến ân sủng thánh hiến được trao ban để quản lý chức vụ thánh.
Lời khuyến cáo của Thánh Tông Đồ Phaolô với Timôthê :“Anh đừng vội đặt tay trên ai” (1 Tm 5,22) ninh chứng rằng, nếu đúng như cách giải thích về việc truyền chức, thì các vị lãnh đạo Hội Thánh do các Tông Đồ đặt lên sẽ tiếp tục chuyển giao quyền hành được lãnh nhận cho người kế nhiệm qua việc đặt tay của mình. Nhiều người giải thích Thánh Kinh (như P. Galtier, K. Rahner) hiểu việc đặt tay trong đoạn này là một nghi thức giao hòa, vì trong câu 20 nói về việc đối xử với “người phạm tội”.
c) Chứng cứ Thánh Truyền
Thánh Truyền minh chứng việc chính Thiên Chúa thiết lập phẩm trật Hội Thánh, việc chuyển giao quyền tư tế qua việc đặt tay và lời nguyện và nhờ đó mà được trao ban ân sủng nội tâm. Gregor thành Nyssa so sánh việc truyền chức linh mục như việc thánh hiến nơi BT Thánh Thể :“Sức lực đó của lời làm cho linh mục nên cao trọng và danh dự, làm cho họ tách khỏi đám đông nhờ qua điều mới lạ của thánh chức. Hôm qua và hôm kia, ngài vẫn là một trong muôn người, một trong dân chúng. Và chỉ một lần thôi, ngài đã trở thành người lãnh đạo, người đứng đầu, thầy dạy nhân đức, người hoàn tất các mầu nhiệm ẩn kín. Ngài được như thế, nhưng không có gì biến đổi nơi thân xác cũng như hình hài, nhưng với sức lực và ân sủng vô hình, linh hồn vô hình của ngài đã biến đổi tuyệt hảo” (Or. in baptismum Christi). Thánh Augustinus so sánh BT truyền chức với BT Thánh Tẩy (Contra ep. Parmeniani II 13,28).
Thông thường người ta liệt kê có 7 chức thánh : bốn chức nhỏ là Giựt chuông (ostiariat), đọc sách (lectorat), trừ quỷ (exorzistat) và hầu đèn (akolythat) và ba chức lớn là phụ phó tế, phó tế (diaconat) và chức linh mục (sacerdotium) . Sacerdotium bao gồm cả chức linh mục lẫn giám mục. So D 958, 962. Lần thứ nhất chúng ta thấy liệt kê theo thứ tự các chức thánh này trong lá thư của Đức Giáo Hoàng Corneliô (251-253) gởi cho Đức Giám Mục Fabius thành Antiochia (Eusebius, Hist. eccl VI 43, 11 ; D 45) – Về việc liên hệ các chức thánh này với BT Thánh Thể, chúng ta xem Suppl. 37,2.
1. BỐN CHỨC NHỎ VÀ CHỨC PHỤ PHÓ TẾ ( subdiakonat)
BỐN CHỨC NHỎ VÀ CHỨC PHỤ PHÓ TẾ KHÔNG PHẢI LÀ CẤP BẬC CHỨC THÁNH MANG TÍNH BÍ TÍCH, NHƯNG CHỈ LÀ Á BÍ TÍCH. Sent. communior.
Decretum pro Armenis (D 701) lấy lại giáo lý của thánh Tôma và của các thần học gia Kinh Viện, không được xem như chứng cứ chống đối, nhưng Hiến Chế này không phải là quyết định giáo lý bất khả ngộ, mà chỉ là những chỉ thị thực hành mà thôi. Về vấn đề này Công đồng Tridentinô không đá động gì tới. Tự Sắc “SACRAMENTUM ORDINIS” của Đức Giáo Hoàng Piô XII (1947) xác nhận công khai là chỉ có các chức Phó Tế, linh mục và Giám mục là cấp bậc thánh chức, vì chỉ nói đến truyền chức cho ba cấp bậc này mà thôi.
Các chức nhỏ và chức phụ phó tế không do Thiên Chúa thiết lập, nhưng do nhu cầu của Hội Thánh mà hình thành. Tertullian là người đầu tiên nói về chức đọc sách (lectorat) (De praescr. 41), Hippolyt thành Rôma nói về chức Phụ phó tế (traditio Apost.), Đức Giáo Hoàng Coeneliô (D 45) nói tổng quát về các chức nhỏ (cho đến thế kỷ 12 chức phụ phó tế cũng thuộc về chức nhỏ). Giáo Hội Hy Lạp chỉ có 2 chức nhỏ : chức đọc sách và chức “Phó tế thấp”. Trong việc phong các chức này, không có việc đặt tay.
2. TRUYỀN CHỨC LINH MỤC (PRESBYTERAT)
PHONG CHỨC LINH MỤC LÀ MỘT BÍ TÍCH. De fide.
Công Đồng Tridentinô có nói nhưng không rõ mấy (implicite) về tính bí tích của việc truyền chức linh mục trong định nghĩa của mình : ORDO là một bí tích thật và chính xác (D 963). Vì tính BT của việc truyền chức giám mục và Phó Tế vào thời Công đồng còn đang tranh cải, nên định nghĩa này ít ra là nhắm đến việc truyền chức linh mục, mà bản chất BT không còn ai tranh cải nữa. Tự Sắc “SACRAMENTUM ORDINIS” của Đức Giáo Hoàng Piô XII xác nhận việc truyền chức linh mục cũng như giám mục và phó tế là BT, và nói rõ Materia và Forma cho từng cấp bậc chức thánh. D 2301.
Nghi thức phong chức nói lên rõ ràng tính BT của việc phong chức linh mục vì trên căn bản bao gồm việc đặt tay và lời cầu nguyện, trong đó cầu xin Thánh Thần ban ơn sủng cho người tiến chức.
3. TRUYỀN CHỨC GIÁM MỤC (EPISCOPAT)
TRUYỀN CHỨC GIÁM MỤC LÀ MỘT BÍ TÍCH. Sent. certa.
Công đồng Tridentinô tuyên bố, các vị Giám mục như những người kế nhiệm các Tông Đồ thuộc vào hàng phẩm trật Hội Thánh cách ưu tiên (praecipue) và các vị giám mục luôn nói trong buỗi truyền chức : ACCIPE SPIRITUM SANCTUM. HÃY NHẬN LẤY THÁNH THẦN. D 960, 964. Tự Sắc SACRAMENTUM ORDINIS của Đức Giáo Hoàng Piô XII luôn xác nhận tính BT của việc truyền chức thánh. Công Đồng Vaticanô II dạy tỏ tường :“Khi được tấn phong, các giám mục lãnh nhận trọn vẹn BT Truyền Chức Thánh” (LG 21,2).
Hai đọa Thánh Kinh 2 Tm 1,6 và 1 Tm 4,14 đều trực tiếp nói đến việc truyền chức thánh giám mục. Việc trao ban được diễn ra qua việc đặt tay và lời nguyện.
Ý kiến chống đối của các nhà thần học Kinh Viện, cho rằng việc tấn phong Giám mục không trao ban một quyền lực nào mới trên CORPUS CHRISTI REALE, có nghĩa là BT Thánh Thể, ý kiến này cũng không đúng chỗ, chỉ vì việc truyền chức giám mục trao ban trọn quyền để chia sẻ quyền truyền truyền phép cho những người khác.
QUYỀN ƯU TIÊN CỦA CÁC GIÁM MỤC
CÁC GIÁM MỤC ĐỨNG TRÊN LINH MỤC. De fide.
Quyền trưởng thượng (superiorité) của các giám mục bị Aêrius thành Sebaste (thế kỷ thứ 4) chống đối ở thời cổ ; vào thời Trung Cổ có Marsilius thành Padua (D 498), nhóm Wicliften và Hussiten chống đối (D 675) và bắt đầu thời mới có giáo phái Tin Lành phủ nhận.
Để chống lại giáo phái Tin Lành, Công Đồng Tridentinô tuyên bố : SI QUIS DIXERIT, EPISCOPOS NON ESSE PRESBYTERIS SUPERIORES, ANATHEMA SIT. d 967. Quyền ưu tiên của các giám mục căn cứ vào quyền thẩm phán và vào quyền thánh chức. Quyền ưu tiên trong thánh chức bao gồm việc chỉ có giám mục mới có quyền truyền chức và ban BT Thêm Sức như thừa tác viên thông thường.
Vấn nạn được đặt ra là, quyền ưu tiên của giám mục trên các linh mục căn cứ vào quyền tài phán cũng như quyền thánh chức là do chính Chúa Kitô thiết đặt hay theo ý muốn của Hội Thánh ; quyền này là quyền do Thiên Chúa hay do Hội Thánh, điều này thì Công Đồng Tridentinô không giải quyết. Thánh Truyền cho thấy thực tế ưu tiên của giám mục, nhưng cũng không nói về bản tính của quyền này. Hierônymus dạy rằng thuở ban đầu không có sự khác biệt gì giữa giám mục và linh mục. Để tránh sự chia rẻ, một vị linh mục được các vị khác bầu ra để lãnh đạo cộng đoàn. Từ đó có thể việc trao ban chức thánh trở thành quyền ưu tiên cho giám mục. So Ep. 146,1 ; In ep. ad Tit. 1,5. Ý kiến của Hieronymus được tiếp tục triển khai nơi Isidor thành Sévilla, Amalar thành Metz và nhiều nhà giáo luật thời Trung Cổ. Johannes Duns Scotus thuộc trường phái Kinh Viện nghi ngờ điều này. Phần đông các nhà thần học phủ nhận và đồng thanh với Thánh Tôma, nhận rằng, có một sự khác biệt giữa giám mục và linh mục ngay từ ban đầu do việc chính Đức Kitô trực tiếp thiết lập.
VIỆC TRUYỀN CHỨC PHÓ TẾ LÀ MỘT BÍ TÍCH. Sent.certa.
Lời giải thích của Công Đồng Tridentinô, khi tấn phong các giám mục luôn nói : Accipite Spriritum Sanctum (D 964), điều này cũng áp dụng trong việc truyền chức cho các thầy phó tế. Tự Sắc SACRAMENTUM ORDINIS của Đức Giáo Hoàng Piô XII luôn xác tín vào tính BT của việc truyền chức phó tế, đó là điều gần như được mọi thần học gia công nhận.
Truyền thống nhìn đoạn Cv 6,6 là việc thiết đặt chức phó tế. Nghi thức truyền chức căn bản cũng nằm trong việc đặt tay và lời cầu khẩn xin Thánh Thần ban ơn.
Phó Tế, linh mục và Giám mục là cấp bậc chức thánh mang tính bí tích. Đấy không phải là 3 bí tích khác nhau, nhưng cả ba tạo thành một bí tích truyền chức duy nhất. Quyền linh mục chỉ được tràn đầy trong quyền giám mục, quyền này không được trọn vẹn mấy trong chức linh mục. Cấp bậc thấp nhất trong việc tham dự vào chức thánh linh mục là chức phó tế.
III. DẤU CHỈ BÊN NGOÀI CỦA BÍ TÍCH TRUYỀN CHỨC
1. MATERIA
a) VIỆC ĐẶT TAY LÀ MATERIA DUY NHẤT CỦA BT TRUYỀN CHỨC PHÓ TẾ, LINH MỤC VÀ GIÁM MỤC. Sent.fidei proxima.
Chỉ có ba cấp bậc thánh chức mang tính bí tích mà thôi, nên việc đặt tay là chất thể cho BT Truyền Chức Thánh. Việc đặt tay phải được thực hiện qua việc đụng chạm thể lý nơi đầu của vị tiến chức. Để việc ban phát BT này thành sự, chỉ cần một sự đụng chạm luân lý qua việc giang tay.
Trong Tự Sắc SACRAMENTUM ORDINIS (1947), Đức Giáo Hoàng PIÔ XII tuyên bố với thẩm quyền Tòa Thánh cao nhất : SACRORUM ORDINUM DIACONATUS, PRESBYTERATUS ET EPISCOPATUS MATERIAM EAMQUE UNAM ESSE MANUUM IMPOSITIONEM. D 230. So D 910, 958t, 1963.
Thánh Kinh (Cv 6,6 ; 1 Tm 4,14 ; 5,22 ; 2 Tm 1,6) và Thánh Truyền chỉ nhận việc đặt tay như là yếu tố chất thể của nghi thức truyền chức các cấp bậc thánh chức mà thôi. So Hippolyt thành Rôma, Traditio Apostolica ; Cyprian, Ep. 67,5 ; Cornelius, Ep. Ad Fabium (ở Eusebius, Hist. eccl. VI 43, 9.17) ; Statuta Ecclesiae antiqua (D 150t). Trong Giáo Hội Hy Lạp chỉ có việc đặt tay, không có nghi thức đưa các dụng cụ thánh. Dù vậy Tòa Thánh luôn luôn công nhận việc thành sự của việc truyền chức trong Giáo Hội Hy Lạp.
Tự Sắc của Đức Giáo Hoàng Piô XII chỉ giải quyết vấn đề, trong tương lai điều gì cần thiết phải có để cho việc truyền chức các cấp bậc thánh chức này được thành sự. Nhưng không giải quyết vấn đề thiết lập, Đức Kitô thiết lập BT Truyền Chức IN GENERE hay IN SPECIE,
và từ đó kéo theo vấn nạn, có phải việc đặt tay trong quá khứ vẫn luôn luôn là chất thể duy nhất của BT Truyền Chức hay không.
Theo ý kiến chung của các nhà thần học, Đức Kitô đã thiết lập BT Truyền chức IN SPECIE, chính Người đã xác định việc đặt tay và cả lời nguyện đi kèm theo để xác định như là bản thể bất biến của BT Truyền Chức, thế nên tự ngàn xưa việc đặt tay vẫn là chất thể duy nhất của BT này. Các xác định của Tự Sắc, theo như bản chất luật, không có tính chất hồi tố.
Tự Sắc của Đức Giáo Hoàng Piô XII chỉ nhận việc đặt tay lần đầu tiên, chủ tế không nói gì cả là Materia của BT, chứ không phải là việc giang tay phải tiếp đó. Cả việc đặt tay vào cuối lúc truyền chức, kèm theo lời đọc : ACCIPE SPIRITUM SANCTUM : QUORUM REMISERIS PECCATA…không thuộc về Materia của BT. Việc đặt tay lần thứ hai này không có trong nghi thức truyền chức bên Hy Lạp ; bên La tinh chỉ có từ thế kỷ thứ 13.
b) VIỆC TRAO CÁC DỤNG CỤ THÁNH KHÔNG CẦN THIẾT CHO VIỆC THÀNH SỰ CỦA BT TRUYỀN CHỨC PHÓ TẾ, LINH MỤC VÀ GIÁM MỤC. Sent. fidei proxima.
Phần đông các nhà thần học Kinh Viện căn cứ vào tính BT của các cấp bậc chức thánh, cho Materia của BT Truyền Chức thánh nằm ở chỗ trao các dụng cụ thánh, biểu trưng cho chức vụ của từng bậc chức thánh (traditio instrumentorum). Tư tưởng nay được thánh Tôma và cả Decretum pro Armenis của công đồng Florenz (1439) đón nhận. D 701 : CUIUS (SC ORDINIS) MATERIA EST ID, PER CUIUS TRADITIONEM CONFERTUR ORDO. Chúng ta nhớ Hiến Chế không phải là phán quyết bất khả ngộ về giáo lý. Cuối cùng, người Hy Lạp cũng không hiệp nhất căn cứ theo công đồng, họ cũng không thay đổi nghi thức truyền chức, cũng không thêm vào nghi thức trao dụng cụ thánh.
Trong Tự Sắc SACRAMENTUM ORDINIS, Đức giáo hoàng Piô XII tuyên bố, “ít ra là trong tương lai, việc trao dụng cụ thánh không cần thiết cho việc thành sự của BT Truyền Chức Phó Tế, linh mục và giám mục”. Lời giải thích này cho chúng ta thấy khả năng là, trong quá khứ việc trao dụng cụ thánh cần thiết cho việc thành sự của BT Truyền chức thánh cho các cấp bậc nêu trên, dù cho đã thực hiện trong một thành phần nào đó trong Hội Thánh, có thể là một thành phần của Materia, có thể duy chỉ đó là Materia, thì người ta cũng có thể nghĩ rằng, chính Đức Kitô đã thiết lập BT này IN GENERE, hay là việc trao này là một điều kiện do Hội Thánh thêm vào để việc truyền chức được thành sự.
Căn cứ theo lịch sử, việc trao dụng cụ thánh trong nghi thức Truyền Chức chỉ được thực hành từ thế kỷ thứ 10. Việc trao dụng cụ thánh nơi các cấp bậc không có tính BT được minh chứng từ thời xa xưa (Hippolyt ; Statuta Ecclesiae antiqua : D 153tt). Việc đặt quyển Phúc Âm trong nghi thức tấn phong giám mục được minh chứng từ thời cổ ; nhưng đây không phải là việc trao dụng cụ thánh.
2. FORMA (MÔ THỨC)
MÔ THỨC CỦA BT TRUYỀN CHỨC PHÓ TẾ, LINH MỤC VÀ GIÁM MỤC NẰM Ở LỜI XÁC ĐỊNH RÕ VIỆC ĐẶT TAY. Sent. fidei proxima.
Trong Tự Sắc SACRAMENTUM ORDINIS, Đức Giáo Hoàng Piô XII tuyên bố : FORMAM VERO ITEMQUE UNAM ESSE VERBA APPLICATIONEM HUIUS MATERIAE DETERMINANTIA, QUIBUS UNIVOCE SIGNIFICANTUR EFFECTUS SACRAMENTALES – SCILICET POTESTAS ORDINIS ET GRATIA SPIRITUS SANCTI , QUAEQUE AB ECCLESIA QUA TALIA ACCIPIUNTUR ET USURPANTUR. D 2301.
Những chữ xác định rõ nghĩa Materia qua việc hướng ý vào những hiệu quả của BT, tức là quyền thánh chức và ân sủng, đó là những chữ thường được gọi là “kinh tiền tụng truyền chức”. Những chữ sau đây thuộc cơ bản của kinh tiền tụng trong việc truyền chức Phó Tế, như thế cần thiết cho việc thành sự của BT :“EMITTE IN EUM – ROBORETUR”. Trong Kinh tiền tụng phong chức linh mục là :“DA, QUAESUMUS, OMNIPOTENS PATER – INSINUET.” Trong kinh tiền tụng tấn phong Giám mục là :“COMPLE IN SACERDOTE TUO – SANCTIFICA.”
Công thức kiểu mệnh lệnh (imperativ) kèm theo nghi thức đặt tay khi truyền chức phó tế và tấn phong giám mục : ACCIPE SPIRITUM SANCTUM (nơi phó tế là AD ROBUR) xuất hiện vào thế kỷ 13-14 trong nghi thức La Tinh. Công thức này không thuộc về Mô thức của BT và cũng không cần thiết cho việc thành sự của BT.
PHỤ LỤC : TÍNH KHÔNG THÀNH SỰ CỦA VIỆC TRUYỀN CHỨC TRONG ANH GIÁO
Trong Tự Sắc APOSTOLICAE CURAE ban hành ngày 13,9.1896, Đức Giáo Hoàng Lêô XIII tuyên bố việc truyền chức ở Anh Giáo không thành sự. D 1963/66. Lời tuyên bố này dựa vào sự kiện : vua Eduard VI đưa ra một công thức truyền chức mới vào năm 1549 thay thế cho mô thức “ACCIPE SPIRITUM SANCTUM” thường kèm theo nghi thức đặt tay ; công thức mới này không nói rõ cấp bậc chức thánh cũng không nói về quyền của chức thánh đang được trao ban ( DEFECTUS FORMAE) – sau này có bổ sung thêm công thức : ad officium et opus presbyteri (hoặc episcopi) -, thêm nữa trong việc truyền chức này thiếu ý hướng ban phát những quyền hành cơ bản cho chức linh mục là dâng tiến hy tế thánh lễ và quyền tha tội ( DEFECTUS INTENTIONIS). Nhưng trước hết, người ta nghi ngờ về việc truyền chức cho vị Tổng Giám Mục Anh Giáo là Mattheus Parker (1559) mà qua việc truyền chức này người ta mới quyết định được Anh Giáo có gắn bó với sự kế vị Tông Đồ hay không; việc truyền chức này có do một người tấn phong đã được thánh hiến thành sự thực hiện hay không?
1. ÂN SỦNG CỦA CHỨC THÁNH
BÍ TÍCH TRUYỀN CHỨC THÁNH BAN CHO NGƯỜI LÃNH NHẬN ƠN THÁNH HÓA. De fide. So D 843 a, 959, 964.
Bí Tích Truyền Chức thánh là BT của kẻ sống, PER SE làm gia tăng ơn thánh hóa. Ân sủng thánh chức có mục đích giúp cho người thụ lãnh thực hành xứng đáng chức thánh của mình và ban cho khả năng biến đổi cuộc đời thích ứng với thánh chức. Decretum pro Armenis đồng thanh với thánh Tôma, dạy rằng : EFFECTUS (SC ORDINIS) AUGMENTUM GRATIAE, UT QUIS SIT IDONEUS MINISTER.
Trong Thông Điệp AD CATHOLICI SACERDOTII (1935) Đức giáo hoàng Piô XI dạy :“Qua BT Truyền Chức Thánh, vị linh mục lãnh nhận một hồng ân mới và đặc biệt và một trợ lực đặc biệt, nhờ đó…ngài có thể chu toàn những trách nhiệm cao cả của chức vụ mới đón nhận và một sự can đảm kiên cường để hoàn tất những phận vụ khó khăn.” D 2275. Nền tảng Thánh Kinh là 1 Tm 4,14 và 2 Tm 1,6.
Cùng với việc kiện toàn cấp bậc ân sủng, thụ lĩnh nhân cũng được quyền lãnh nhận hiện sủng cần thiết để đạt được mục đích của BT. Suppl. 35,1.
2. ẤN TÍN CỦA BT TRUYỀN CHỨC
BÍ TÍCH TRUYỀN CHỨC THÁNH GHI MỘT ẤN TÍN NƠI NGƯỜI LÃNH NHẬN. De fide.
Công Đồng Tridentinô tuyên bố : SI QUIS DIXERIT, PER SACRAM ORDINATIONEM…NON IMPRIMI CHARACTEREM, ANATHEMA SIT. D 964 ; so 852. Từ Ấn Tín này đưa đến việc không thể tái hồi BT Truyền Chức và người nhận không còn khả năng trở lại cấp bậc giáo dân. So Augustinus, Contra ep. Parmeniani II 13,28 ; De bono coniugali 24,32.
Ấn tín BT Truyền Chức ban cho người tiến chức khả năng tham dự tích cực vào Phụng Tự của Đức Kitô, vì đây là sự sung mãn tuôn trào từ chức Tư Tế của Chúa Kitô, nên cũng được tham dự tích cực vào chức Tư Tế của Người.
Ấn tín như SIGNUM CONFIGURATIVUM sẽ làm cho vị tiến chức đồng hình ồng dạng với Chúa Kitô, vị Thượng Tế vĩnh cửu ; Ấn Tín như SIGNUM DISTINCTIVUM phân biệt người được thánh hiến với giáo dân và những người lãnh nhận cấp bậc thánh chức không thuộc vào phẩm trật ; Ấn tín như SIGNUM DISPOSITIVUM ban cho người tiến chức khả năng và quyền để thực hiện các quyền hành theo phẩm trật đúng chức thánh đã lãnh nhận ; Ấn tín như SIGNUM OBLIGATIVUM đòi buộc họ phải ban phát những gia tài cứu độ của Đức Kitô và buộc họ phải sống xứng đáng đời sống luân lý thanh sạch.
Vì BT Truyền Chức được chia ra ba cấp bậc, nên có thể chấp nhận là trong mỗi cấp bậc chức thánh này, người tiến chức lãnh nhận một ấn tín đặc biệt, khác với ấn tín nơi chức thánh khác. Như dấu chỉ tham gia tích cực vào chức Tư Tế của Đức Kitô, ấn tín của BT Truyền chức thánh vượt trổi hơn ấn tín của BT Thánh Tẩy, ấn tín này cần thiết phải có trước, và cả ấn tín của BT Thêm Sức, thường cũng đòi buộc phải có trước.
3. QUYỀN HÀNH CỦA THÁNH CHỨC
BÍ TÍCH TRUYỀN CHỨC THÁNH TRAO BAN CHO NGƯỜI LÃNH NHẬN QUYỀN THIÊNG LIÊNG VÀ TRƯỜNG TỒN. De fide. So D 960t.
Các quyền thiêng liêng xuất phát từ ấn tín BT, các quyền này được trao ban cho người tiến chức theo từng cấp bận thánh chức. Tất cả tập trung vào cách đặc biệt vào BT Thánh Thể. Thầy Phó Tế lãnh nhận trọn quyền phục vụ giám mục và linh mục khi cử hành Hy Tế Thánh Thể và quyền trao Mình Thánh Chúa. Vị linh mục lãnh nhận trước hết là quyền truyền phép và quyền tha tội (D 961) ; Vị giám mục lãnh nhận quyền truyền chức.
1. THỪA TÁC VIÊN THÔNG THƯỜNG
THỪA TÁC VIÊN THÔNG THƯỜNG MỌI CẤP BẬC THÁNH CHỨC, DÙ LÀ Á BÍ TÍCH HAY KHÔNG THUỘC Á BÍ TÍCH, LÀ VỊ GIÁM MỤC ĐƯỢC THỤ PHONG THÀNH SỰ. De fide.
Công đồng Tridentinô tuyên bố : SI QUIS DIXERIT, EPISCOPOS NON HABERE POTESTATEM CONFIRMANDI ET ORDINANDI, VEL EAM, QUAM HABENT, ILLIS ESSE CUM PRESBYTERIS COMMUNEM, ANATHEMA SIT. D 967 ; so 701 ; CIC 951.
Theo Thánh Kinh, các Tông Đồ (Cv 6,6 ; 14,22 ; 2 Tm 1,6) hay môn đệ các Tông Đồ được thánh hiến làm giám mục ( 1Tm 5,22 ; Tt 1,5) là các thừa tác viện trong việc truyền chức.
Theo truyền thống cổ, chỉ có các Giám mục là thừa tác viên của BT Truyền Chức Thánh. Quyền truyền chức là quyền ưu tiên của giám mục, và các linh mục không được phép. Hippolyt thành Rôma trong quyển Trật tự Hội Thánh của mình xác nhận là linh mục không được truyền chức cho giáo sĩ (clerum non ordinat). Theo sách HUẤN GIÁO CỦA CÁC TÔNG ĐỒ các vị giám mục được đặc quyền trao ban các chức thánh. Linh mục được giang tay, nhưng đó không phải là truyền chức (VIII 28,3 ; so III 20,2). Epiphanius chống lại lạc thuyết của Aêrius thành Sebaste, cho rằng linh mục cũng ngang hàng với giám mục ; Epiphanius đưa chứng cứ chỉ có giám mục mới có quyền truyền chức (Haer. 75,4). Dù có đặt vị trí của linh mục rất cao, nhưng Hieronymus vẫn phải chấp nhận quyền ưu tiên của giám mục trong việc truyền chức :“Vị giám mục sẽ làm gì, nếu như truất quyền truyền chức (excepta ordinatione), là điều mà linh mục không được làm ” (Ep. 146,1).
Mỗi vị giám mục được tấn phong thành sự, cho dù ngài có là lạc đạo, ly khai, mại thánh hay bị dứt phép thông công đi nữa, đều có thể truyền chức thành sự, đương nhiên dưới điều kiện là ngài phải có ý hướng và tuân giữ nghi thức căn bản bên ngoài (sent.certa). So D 855, 860 ; CIC 2372.
Vào thời cổ và Sơ Trung Cổ thường thấy có nhiều lần người ta tái truyền chức (Reordination) có nghĩa là ban lại chức thánh do các giám mục lạc đạo, ly khai hay mại thánh đã ban. Các giáo phụ và các nhà thần học thời Tiền Kinh Viện không có lập trường vững vàng về vấn đề này. Petrus Lombardus cũng không dám đưa ra một quyết định vì sợ chống đối thẩm quyền các giáo phụ. (Sent. IV 25,1). Thánh Tôma chấp nhận việc thành sự của các lần truyền chức do những giám mục lạc đạo và ly khai khỏi Hội Thánh (Suppl. 38,2).
Để việc truyền chức được cử hành hợp pháp, cần vị giám mục sở tại (episcopus proprius) hay một vị giám mục khác với sự đồng ý của giám mục địa phương ban phát (Dimissorien). CIC 955.
Để việc ban phát BT Tấn phong giám mục hợp pháp, cần có 3 giám mục cử hành. Để thành sự chỉ cần một vị giám mục, vì mỗi vị giám mục đều có trọn quyền truyền chức. CIC 954. Hai vị giám mục đồng tế theo Tự Sắc EPISCOPALIS CONSECRATIONIS (1944) của Đức Giáo Hoàng Piô XII, không những là những người chứng, mà còn là những người đồng truyền chức (Mitkonsekratoren) : ET IPSI CONSECRATORES EFFECTI PROINDEQUE CONCONSECRATORES DEINCEPS VOCANDI. Điều cần thiết là cả hai đều cùng có ý hướng truyền chức và cùng với vị giám mục chánh tế truyền chức (Konsekrator) tạo dấu chỉ BT. Từng vị giám mục đồng tế sẽ đặt tay sau vị giám mục chánh tế với lời đọc :“Accipe Spiritum Sanctum” ; cả hai cùng đọc với vị tấn phong đọc lời kinh truyền chức và tiếp theo là Kinh Tiền Tụng Truyền Chức. (so AAS 42 [1950] 452).
Từ thuở xa xưa, nghi thức truyền chức giám mục đã được nhiều giám mục cùng cử hành. Theo chỉ thị của Công Đồng Nicêa (can. 4) ít nhất nên có 3 giám mục ; theo Huấn Giáo các Tông Đồ (III 20,1 ; VIII 27,2) nên có 3, ít nhất là 2 giám mục cùng cử hành. Trong trường hợp khẩn cấp chỉ cầm một giám mục là đủ, như Huấn Giáo các Tông Đồ (VIII 27,3) và một lá thư người ta tin rằng của Đức Giáo Hoàng Gregor Cả (Ep. XI 64,8) gởi cho thánh Augustinus thành Canterbury (khoảng trước năm 731), minh chứng.
2. THỪA TÁC VIÊN NGOẠI LỆ
a) THỪA TÁC VIÊN NGOẠI LỆ CHO BỐN CHỨC NHỎ VÀ CHỨC PHỤ PHÓ TẾ LÀ LINH MỤC. Sent.certa.
Do thông luật hay do một uỷ nhiệm của Tòa Thánh, một linh mục thường có thể truyền các chức nhỏ và chức Phụ Phó Tế. Lý do nằm trong thiết đặt của Hội Thánh cho các chức nhỏ này. Luật hiện hành chỉ nhằm cho việc trao ban chức cắt tóc (Tonsura) và bốn chức nhỏ mà thôi. So CIC 239 $ 1 n. 22 ; 957 $ 2 ; 964 n.1. Vào thời Trung Cổ và sau thời Công Đồng Tridentinô, các đan việc phụ được đặc ân ban đến chức Phụ phó tế.
b) Căn cứ vào cấp bậc chức thánh mang tính BT của các chức Phó Tế và chức linh mục, nhiều nhà thần học đồng thanh với thánh Tôma và Scotus cho rằng, một vị linh mục thường cũng có thể ban các chức thánh này thành sự mà không cần có uỷ quyền của Tòa Thánh.
Ý kiến này gặp nhiều rắc rối về mặt lịch sử : Đức Giáo Hoàng Bonifatio IX đồng thanh với nhiều nhà giáo luật thời Trung Cổ (Tỉ như Huguccio + 1210), qua Tự Sắc (Bulla) SACRAE RELIGIONIS ban hành ngày 1.2.1400, ban quyền cho đan việc phụ của đan viện dòng Augustiner St Osytha ở Essex thuộc địa phận London và các người kế vị của ngài, đặc ân ban cho những người dưới quyền các chức nhỏ và cả các chức Phụ Phó Tế, Phó Tế và cả chức linh mục. Qua sự phản đối của Đức Giám mục địa phận London, đặc quyền này bị rút lại ngày 6.2.1403. Các chức thánh được ban do đặc quyền này bị tuyên bố là không thành sự.
Qua Tự Sắc GERENTES AD VOS ban hành ngày 16.11.1427, Đức Giáo Hoàng Martin V ban cho đan việc phụ của đan viện Zisterzienser Altzelle thuộc địa phận Meissen đặc ân trong vòng 5 năm, quyền truyền chức cho các đan sĩ và các kẻ dưới quyền cả những chức lớn (Phú phó tế, Phó Tế, Linh mục).
Qua Tự Sắc EXPOSCIT TUAE DEVOTIONIS ban hành ngày 9.4.1489, Đức Giáo Hoàng Innocentê VIII ban cho Bề trên tổng quản và 4 Phó Tổng Quản cũng như những người kế nhiệm các ngài của dòng Zisterzienser đặc ân truyền chức Phụ Phó Tế và phó Tế cho những người dưới quyền. Các Đan viện phụ Zisterzienser vẫn tiếp tục thi hành quyền này mãi cho đến thế kỷ 17 mà không gặp khó khăn nào.
Nếu như người ta không muốn chấp nhận rằng, các vị Giáo Hoàng trên bị rơi vào những quan niệm lệch lạc ở thời đại mình (ở đây không đụng tới quyền Bất khả Ngộ của Đức Giáo Hoàng, vì không nhắm tới quyết định thuộc giáo quyền về vấn đề này), thì chúng ta phải chấp nhận rằng một linh mục bình thường theo cách nhìn tương ứng là một thừa tác viên ngoại lệ của BT Truyền chức Phó tế và linh mục, cũng như ngài là thừa tác viên ngoại lệ của BT Thêm Sức. Theo như cách giải thích này thì quyền truyền chức nằm trong quyền truyền chức thuộc chức linh mục như là POTESTAS LIGATA. Để có thể sử dụng quyền này thánh sự, dù theo trật tự của Thiên Chúa hay theo trật tự của Hội Thánh, cũng cần phải có một sự uỷ quyền đặc biệt của Tòa Thánh.
VI. NGƯỜI LÃNH NHẬN BÍ TÍCH TRUYỀN CHỨC THÁNH
CHỈ CÓ NAM NHÂN ĐÃ RỬA TỘI MỚI CÓ THỂ LÃNH NHẬN BÍ TÍCH TRUYỀN CHỨC THÁNH CÁCH THÀNH SỰ. Sent.certa. CIC 968 $ 1.
Theo luật tích cực của Thiên Chúa, chỉ có nam nhân mới có khả năng lãnh nhận BT Truyền Chức thánh mà thôi. Đức Kitô chỉ kêu gọi người nam làm Tông Đồ. Theo chứng cứ Thánh Kinh và theo thực hành hiện tại của Hội Thánh các quyền thuộc phẩm trật Hội Thánh chỉ được trao lại cho nam nhân. So Tertullian, De praescr. 41 ; De virg.vel.9.
Vào thời cổ của Hội Thánh, Nữ Phó Tế tạo thành một cấp bậc đặc biệt gần giống như giáo sĩ ; theo Huấn Giáo các Tông Đồ (VIII 19t) và theo luật của hoàng đế (Justinian) họ còn được kể như thuộc vào hàng giáo sĩ. Việc đón nhận họ cũng có nghi thức riêng, theo Huấn Giáo các Tông Đồ (VIII 19t) cũng do việc đặt tay và lời nguyện. Họ không được thực thi những phận vụ của linh mục. So Hippolyt, Trad.Apost. ; Conc. Nic.can. 19 ; Epiphanius, Haer. 79,3 ; Const. Apost. VIII 28,6. Phận vụ chính của là phụ giúp trong việc rửa tội cho nữ giới và chăm sóc người nghèo, người bệnh.
Việc truyền chức cho một người tín hữu chưa trưởng thành là thành sự, nhưng không được phép. Người trưởng thành phải có ý hướng lãnh nhận chức thánh. Vì những trách nhiệm phải đón nhận cũng cần phải có một ý hướng tiềm tàng.
Để lãnh nhận chức thánh cách hợp lệ cần phải tuân giữ kỹ lưỡng những điều kiện Hội Thánh chỉ dạy. Để lãnh nhận BT cho cách xứng đáng cần phải có tình trạng ân sủng.