Nguyên tác: La Liturgie de L’Église của Dom Robert le Gall,
Đan viện Trưởng đan viện Sainte Anne, Kergonan
Chuyển ngữ: Giuse Nguyễn Cao Luật, OP.
——————-
Trong phụng vụ Kitô giáo, mầu nhiệm nhập thể có vị trí rất quan trọng. Người trung gian là người thi hành nhiệm vụ nối kết giữa những cá nhân hay các nhóm, với mục đích liên kết hay hoà giải họ với nhau. Trong thư thứ nhất gửi ông Timôthê, thánh Phaolô viết : “Chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Đấng Trung Gian giữa Thiên Chúa và loài người. Đức Giêsu Kitô – Con Người thật, Đấng đã tự hiến làm giá chuộc mọi người (2,5-6). Ông Môsê là trung gian trong Giao Ước Sinai, nhưng ông chỉ là một con người, mặc dù ông được chia sẻ một phần mối thâm tình với Thiên Chúa cũng như một phần vinh quang thần linh. “Nhưng hiện nay, Đức Giêsu được một tác vụ cao trọng hơn, bởi vì Người là trung gian của một Giao Ước tốt đẹp hơn, Giao Ước này căn cứ vào những lời hứa tốt đẹp hơn” (Hr 5,6 ; x. 9,15 ; 12,24).
Đức Giêsu là Thiên Chúa thật và cũng là người thật, nên Người thực hiện cách hoàn hảo việc nối kết giữa Thiên Chúa và con người. Ngôi Lời Nhập Thể là Giao Ước Mới và vĩnh cửu, không gì có thể phá hủy được. Nơi Đức Giêsu, thiên tính và nhân tính hoàn toàn liên kết với nhau. Do vậy, Đức Kitô chính là cầu nối Thiên Chúa với con người, tức là thi hành vai trò trung gian.
Nếu như kể từ khi nhập thể, Đức Kitô là Giao Ước – theo cách gọi của ngôn sứ Malakhi, sứ giả của Giao Ước (Ml 3,1), và nếu như phụng vụ được định nghĩa là cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và Dân Người để cử hành Giao Ước, thì vai trò trung gian của Đức Kitô giữ vị trí trọng tâm trong phụng vụ. Có phải vô tình chăng khi mà văn kiện đầu tiên của Giáo Hội về phụng vụ mang tên Đấng Trung Gian giữa Thiên Chúa và con người – Mediator Dei ? (Thông điệp của Đức Giáo Hoàng Piô XII ban hành ngày 20-11-1947). Chức tư tế của Đức Kitô đặt nền tảng trên vai trò trung gian, hành động trọng tâm của Người là hy tế trên đồi Canvê luôn được hiện tại hoá trong Thánh lễ. Nếu như qua mầu nhiệm Nhập Thể, Đức Kitô không có vai trò trung gian thì công cuộc cứu độ thực hiện tại đồi Canvê sẽ không có được tầm mức quan trọng. Nhưng vì Đức Giêsu là Thiên Chúa thật và là người thật nên hy lễ của Người là Giao Ước Mới và vĩnh cửu. Theo Hiến chế Phụng Vụ của Công Đồng Vaticanô II, toàn bộ phụng vụ là “việc thực thi chức vụ tư tế của Đức Kitô, thực thi vai trò trung gian và cứu độ, hoạt động nối kết Giáo Hội với cuộc sống của Ngôi Lời.
Sự sống của Chúa Con trong Chúa Ba Ngôi hệ tại việc đón nhận Chúa Cha, Đấng sinh ra Chúa Con trong tình yêu là Chúa Thánh Thần. Chúa Con quy hướng về Chúa Cha cũng nhờ sức mạnh của Thánh Thần. Sứ mệnh của Chúa Con và sứ mệnh của Chúa Thánh Thần cùng kết hợp với nhau. Ngôi Lời nhập thể, do Chúa Cha gửi đến, được sinh ra trong tình yêu và trao ban tình yêu, tức là Chúa Thánh Thần. Hoạt động trung gian của Chúa Con và Chúa Thánh Thần, trong lịch sử cứu độ cũng như trong đời sống vĩnh cửu của những người được tuyển chọn, chính là bảo đảm cho các con cái của Thiên Chúa khả năng sống đời sống của Ba Ngôi, trong tư cách là những người con.
Trong đời sống Ba Ngôi, có thể nói, Thánh Thần cũng thực hiện vai trò “trung gian” theo nghĩa Người là dây nối kết, là “nụ hôn” và sự hiệp nhất giữa Chúa Cha với Chúa Con. Sứ mệnh trung gian của Ngôi Lời nhập thể và của Chúa Thánh Thần vì lợi ích của các thụ tạo được cứu chuộc và thánh hoá, giúp cho họ đi vào trong dòng sông lưu chảy của phụng vụ vĩnh cửu. Căn bản của phụng vụ đó chính là sự trao đổi không cùng giữa Chúa Cha và Chúa Con, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần.
Nối dài trực tiếp vai trò trung gian của Đức Kitô Thượng Tế, Thánh Thần là điểm gặp gỡ giữa Thiên Chúa và Dân Người, như là hoa trái thần linh của Giao Ước.
Là gió, là hơi thở (nghĩa của từ Spiritus theo tiếng Latinh), Chúa Thánh Thần – theo Cựu Ước, là sức mạnh thần linh tức là nguồn mạch sự sống (St 1,2). Là nguyên lý hoạt động, Thánh Thần thổi vào con người một hơi thở sự sống – Spiraculum vitae, để họ hoàn toàn thuộc về sự sống của Thiên Chúa. Một sinh vật đều sống nhờ Thánh Thần Thiên Chúa (x.Tv 103, 29-30), nhưng những người được trao sứ mệnh này luôn mang dấu ấn của Người cách đặc biệt : thẩm phán, vua, tư tế và ngôn sứ (St 41,38 ; Ds 24,30 ; Tl 3,10 ; 1 Sm 10,10-12 ; 16,13-14). Thánh Thần Thiên Chúa tấn phong Đấng Mêsia để tái sinh động hoá toàn thể Dân Giao Ước, bởi vì đám dân này đã bất trung nên không còn khả năng tiến dâng Thiên Chúa việc phụng tự “thiêng liêng” (Ed 37 ; Tv 49,50).
Nhờ hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đức Giêsu đã thụ thai trong cung lòng Đức Maria, và trở nên Đấng Mêsia tràn đầy Chúa Thánh Thần, với sự hiện diện sống động phong phú (x. Ga 1,33 ; 3,34), và được Thánh Thần giải thoát vào giờ được tôn vinh trên thập giá (Ga 7,39 ; 19,30). Sau đó Thánh Thần đã ngự xuống trên các tông đồ dưới hình lưỡi lửa vào ngày lễ Hiện Xuống giúp cho các ông đón nhận và thông hiểu sứ mệnh của Đức Giêsu. Chúa Thánh Thần đã khai sinh Giáo Hội. Và trong tiến trình thánh hoá, Chúa Thánh Thần đã giúp Giáo Hội hiểu rõ về Đức Giêsu, gợi hứng cho Giáo Hội và tiếp tục hoạt động trong thế giới (kinh tạ ơn 4). Chính Người kết hợp với nước và máu (Thanh tẩy và Thánh thể) để làm chứng về Đức Giêsu và đưa các tín hữu đi vào cuộc sống của Chúa Con nhờ kêu lên “Ápba – Cha ơi” (Ga 19,34 ; 1 Ga 5,6-8 ; Ga 4,6 ; Rm 8,15).
Sau khi Đức Giêsu lên trời, Thánh Thần luôn được Chúa Cha và Chúa Con gửi đến cho Giáo Hội. Chính trong Người mà các tín hữu được dìm trong bí tích Thanh Tẩy (Ga 3,4-8) ; chính trong Người mà họ được ghi dấu ấn khi lãnh nhận bí tích Thêm sức. Người là Đấng bảo trợ các tín hữu (Ga 14,16.26 ; 16,7), là Đấng được khẩn cầu ngự đến trên lễ vật, và qua các linh mục đã được Người thánh hiến, Người thực hiện việc tưởng nhớ ơn cứu chuộc trong hiến tế tạ ơn. Trong mọi bí tích, Thánh Thần là Đấng hoạt động và cũng là Đấng được trao ban. Người là ân huệ tuyệt hảo, là Đấng hoàn thành công trình của Thiên Chúa.
Khi các tín hữu lãnh nhận Thánh Thần, như Chúa Con, họ được Chúa Cha sinh ra và trở thành những người có thể kêu lên “Ápba – Cha ơi” cùng với Chúa Con.
Phụng vụ, cũng như toàn bộ cuộc sống Kitô giáo làm cho người tín hữu lãnh nhận và trao ban Thần Khí. Phụng vụ trần gian là bảo chứng cho phụng vụ thiên quốc, tức là sự thông chuyển tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con trong Chúa Thánh Thần. Bởi vậy, Thánh Thần là “Trung gian” của phụng vụ trong vinh quang.
Đức Kitô là Trung Gian của Giao Ước Mới. Người là Thiên Chúa thật và cũng là người thật, nên Người là cầu nối giữa thiên tính và nhân tính. Khi về trời, để tiếp tục chuyển cầu cho nhân loại (Hr 7,25), Đức Kitô đã muốn qua các bí tích, trao quyền cho người phàm thực thi chức vụ tư tế của Người. Những người này là những dấu chỉ hữu hiệu để tiếp tục sứ vụ trung gian ơn cứu độ. Họ là giám mục- những người kế vị các tông đồ, và các linh mục- những người tham dự vào chức tư tế của các giám mục.
Giám mục – episkopos theo tiếng Hylạp, có nghĩa là một người coi sóc những người mình có nhiệm vụ cai quản. Trong Giáo Hội sơ khai, giám mục là các “trưởng lão” (presbuteroi) được các tông đồ giao nhiệm vụ “coi sóc” các cộng đoàn tín hữu. Dường như lúc ban đầu, nhiệm vụ này được thi hành do cả cộng đoàn các trưởng lão (Cv 20,28). Ít lâu sau, giám mục được hiểu là người được trao trách nhiệm coi sóc một Giáo Hội (1 Tm 3,1-7 ; Tt 1,7-9), có các linh mục phụ giúp (Tt 1,5 ; 1 Tm 5,17), cùng các phó tế (1 Tm 3,8-13). Như vậy, giám mục trở thành dấu chỉ và sự bảo đảm cho sự hiệp nhất của một Giáo Hội, là người kế vị các tông đồ để coi sóc cộng đoàn do việc đặt tay (2 Tm 1,6).
Sau thế kỷ thứ II, thánh Ignatio thành Antiokia đã nhiều lần nhấn mạnh đến vai trò trọng tâm của giám mục, hình ảnh siêu việt của Chúa Cha, Chúa Kitô và các tông đồ. Sứ vụ giám mục, với sự trợ giúp của linh mục đoàn và các phó tế được thể hiện rõ nhất trong việc cử hành Thánh lễ : “Vậy hãy cận thận trong việc tham dự vào Thánh lễ, vì chỉ có một thân thể Đức Kitô Chúa chúng ta và một chén để kết hợp chúng ta với máu Người ; chỉ có một bàn thờ, cũng như chỉ có một giám mục cùng với linh mục đoàn và các phó tế, những người bạn của tôi cùng có nhiệm vụ phục vụ (Thư gửi tín hữu Philadelphia 4).
Ít lâu sau đó, truyền thống nhìn nhận nơi con người vị giám mục có sự hiện diện đặc biệt của Đức Kitô với Giáo Hội của Người. Được liên kết với tất cả những người kế vị các tông đồ, nhất là người kế vị thánh Phêrô ở Rôma, nên giám mục có trọn vẹn chức thánh. Như Ngôi lời Nhập thể được Chúa Cha sai đến “Không phải để người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ” (Mt 20,28), giám mục cũng nhận sứ mệnh tiếp tục thực thi công trình cứu chuộc cho một Giáo Hội cụ thể mà Ngài được trao trách nhiệm.
Giám mục là Thầy dạy, mục tử và tư tế, là dấu chỉ hữu hiệu, là bí tích sống động, là bảo đảm sự hợp nhất của Giáo Hội Ngài coi sóc với Đức Kitô. “Việc phục vụ” của Giám mục đạt tới đỉnh cao trong việc long trọng cử hành bí tích Thánh Thể, bởi vì việc giảng dạy và cai quản của những người kế vị các tông đồ nhằm quy tụ Dân Thiên Chúa trong bí tích hiệp nhất. Thánh lễ, dưới sự chủ toạ của giám mục, với các linh mục đồng tế, và các phó tế “phục vụ”, là đỉnh cao của phụng vụ Giáo Hội, vì đó là sự quy tụ các thành phần khác nhau trong sự hiệp nhất của Chúa Ba Ngôi, nhờ hy lễ của Đức Kitô và ân huệ của Chúa Thánh Thần.
Vì giám mục không thể đích thân quy tụ hết mọi cộng đoàn trong giáo phận, nên ngài có các linh mục trợ giúp, cùng với các phó tế.
Để tấn phong giám mục, cần có tối thiểu ba giám mục, với mục đích chuẩn nhận vì được tuyển chọn vào hàng ngũ Giám mục, kế vị tông đồ đoàn. Nghi thức chính yếu trong việc tấn phong giám mục là việc đặt tay của các giám mục, cùng với lời nguyện tấn phong mà phần chính sẽ do toàn thể các giám mục cùng đọc : “Lạy Chúa, giờ đây, xin ban xuống trên linh mục này người Cha sẽ tuyển chọn, sức mạnh của Chúa là Thần Khí tối cao. Cha đã ban Thánh thần cho Đức Giêsu Kitô, Con chí ái của Cha, và Người đã trao lại cho các tông đồ là những vị đã thiết lập Giáo Hội ở khắp nơi, như là thánh điện của Cha để ca tụng vinh quang và nguyện danh Cha mãi mãi”.
Công thức cho thấy rõ sứ mệnh của Giám mục có mục tiêu là Phụng vụ : quy tụ Giáo Hội để Giáo Hội trở nên đền thờ cho vinh quang Thiên Chúa, vang lên lời ca tụng Thiên Chúa (Kh 21). Những nghi thức phụ như xức dầu Thánh trên đầu, trao sách Tin mừng, trao nhẫn và gậy, đều cho thấy rõ vai trò của Giám mục là thủ lãnh, người hướng dẫn, Hôn Phu và thầy dạy của Giáo Hội, thay mặt Đức Kitô, vị Trung Gian duy nhất của Giao Ước Mới.
Dù rằng số chủng sinh vẫn còn nhiều, nhưng không phải dễ để trở thành linh mục, không phải cứ muốn là được. Từ Công Đồng Vaticanô II, việc thăng tiến giáo dân đã có thể được giải thích đây đó như một thứ giải phóng. Trong thực tế, linh mục và tín hữu bổ sung cho nhau : cộng đoàn cần có một linh mục, còn linh mục được truyền chức để phục vụ một cộng đoàn Giáo Hội. Vì lý do thiếu linh mục người ta đã phải tổ chức hình thức mang tên là “cộng đoàn Chúa nhật không có linh mục”. Những cộng đoàn này không thể loại trừ các linh mục, trái lại giúp khám phá tính cách duy nhất trong sứ vụ của linh mục.
Vậy linh mục có thể phục vụ điều gì ? Điều quan trọng nhất không phải là điều linh mục làm, nhưng điều ngài làm là trở thành người cộng tác với giám mục, nối dài sứ vụ của giám mục. Linh mục là sự hiện diện cụ thể của Đức Kitô cho Giáo Hội, là bảo đảm sống động cho sự tháp nhập thật sự của tín hữu với Đức Giêsu. Phụng vụ là nguồn mạch và đỉnh cao của toàn bộ cuộc sống Giáo Hội và đó cũng là sứ mệnh của linh mục. Phụng vụ là một mầu nhiệm của Giao Ước Mới, của sự hiệp thông, hợp nhất. Phụng vụ thực hiện việc tháp nhập tình yêu giữa Thiên Chúa và Dân Người, và được Kinh Thánh diễn tả qua hình ảnh Hôn Phu và Hôn Thê. Do đó, nếu như cộng đoàn là sự hiện diện của Hôn Thê, thì linh mục là sự hiện diện của Hôn Phu.
Để Giáo Hội tại trần thế này có được xác tín về sự tháp nhập với Hôn Phu, về việc sống mầu nhiệm Giao Ước, cần phải có những dấu chỉ sống động và hữu hiệu về sự hiện diện của Người, hay nói cách khác, cần có những bí tích của Đức Giêsu Kitô – Hôn Phu, Đức Kitô – Thủ Lãnh. Trước mặt cộng đoàn, linh mục, chính là Đức Kitô. Trong Giáo Hội, chỉ có các giám mục và các linh mục có thể hành động thay thế và nhân danh Đức Kitô, theo cách diễn tả truyền thống và được Công Đồng Vaticanô II lập lại : “Các linh mục thực thi thánh vụ mình cách tuyệt hảo nhất là trong thánh lễ hoặc cộng đồng tạ ơn, trong đó các ngài thay thế Chúa Kitô công bố mầu nhiệm của Chúa, kết hợp những ước nguyện của tín hữu vào hy tế của thủ lãnh họ, đồng thời trong hy tế thánh lễ, các ngài hiện tại hoá và áp dụng hy tế duy nhất của Tân Ước và là hy vật tinh tuyền của Chúa Kitô đã một lần tự dâng hiến lên Chúa Cha cho tới khi Chúa lại đến” (GH 28).
Như ý nghĩa tiếng Hylạp – presbuteros, linh mục thi hành vai trò của “trưởng lão”, bao hàm ý nghĩa “kính trọng”, và kèm theo đó là vai trò “người đại diện”. Nếu như linh mục đại diện Chúa Kitô nơi các tín hữu, giúp cho cộng đoàn kết hợp với Đức Kitô và như thế là bước vào đời sống thần linh, thì linh mục cũng đại diện cho các tín hữu trước Thiên Chúa : Ngài là phát ngôn viên của cộng đoàn, có tư cách cầu nguyện với Đức Kitô và nhờ Người, cầu nguyện với Chúa Cha nhân danh toàn thể Giáo Hội. Vì tính cách chuyển cầu đặc biệt này, linh mục thi hành nhân danh Giáo Hội. Noi theo Đức Kitô, các giám mục và các linh mục là những người có vị trí bản lề giữa thế giới thần linh và thế giới người phàm : các ngài là những người trung gian, là những cây cầu giữa Thiên Chúa và Con người, và vì thế bất khả thay thế. Trong Chúa Con, các ngài trao ban Thiên Chúa cho con người để dâng tiến con người cho Thiên Chúa.
Nhiệm vụ này thỉnh thoảng xuất hiện trong các buổi cử hành phụng vụ. Nhân vật này là ai ? Không phải là linh mục, không phải là giáo dân, dường như không thuộc về một loại nào cả. Cho đến gần đây, chức phó tế là một giai đoạn bắt buộc để tiến lên chức linh mục, nhưng rất ngắn ngủi. Ngày nay, không chỉ các phó tế vĩnh viễn sống đời thánh hiến, nhưng còn có những người đã lập gia đình được lãnh nhận chức này, trong khi các linh mục thuộc Giáo Hội Latinh vẫn sống độc thân. Tại sao lại có những nét đặc thù này ?
Phó tế là dấu chỉ bí tích về Đức Kitô – Tôi Tớ (theo tiếng Hylạp, diakonos nghĩa là tôi tớ). Mầu nhiệm “Người Tôi Tớ của Thiên Chúa” đã được ngôn sứ Isaia loan báo trong những bài ca thời danh được gọi là “các bài ca của Người Tôi Tớ” (42,1-9 ; 49, 1-6 ; 50, 4-11 ; 52,13 ; 53,12) : “Nếu ngươi chỉ là tôi tớ của Ta để tái lập các chi tộc Giacóp, để dẫn đưa các người Ítraen sống sót trở về, thì vẫn còn quá ít. Vì vậy, này Ta đặt người làm ánh sáng muôn dân, để người đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng trái đất” (49,6). Người Tôi Trung sẽ thực hiện sứ vụ phổ quát của mình qua việc sẵn sàng đón nhận hy tế. Đức Giêsu Kitô chính là người tôi trung này, như Người xác nhận : “Con người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28). Tất cả các Kitô hữu với tư cách là những người đi theo Đức Kitô, cũng phải có khả năng “trao tặng cuộc sống của mình” để “phục vụ”. Tuy nhiên, để việc phục vụ cứu độ được bảo đảm vững vàng hơn nhằm mưu ích cho mọi người, Đức Giêsu đã chủ tâm lo liệu cho Giáo Hội của Người có những thừa tác viên xứng hợp để tiếp tục sứ mệnh của Người : đó là ông Phêrô, các tông đồ, những người kế vị các ngài và các cộng tác viên. Khi Giáo Hoàng ký tên là : “Tôi tớ của các tôi tớ”, đó không chỉ là một cách nói, nhưng có nghĩa là vị giám mục, với sự cộng tác của các linh mục, trong việc “phục vụ” vương giả những người đã được thanh tẩy.
Tuy nhiên, giám mục và những người tham dự vào chức tư tế của ngài, tức là các linh mục, cũng không thể là những dấu chỉ để nói đầy đủ về Đức Giêsu – Tôi Trung, vì nhiệm vụ cai quản và giảng dạy của các ngài quá nặng nề. Do đó, phó tế là dấu chỉ bí tích về Đức Kitô – Tôi trung, là sự biểu lộ hữu hình và cụ thể về tác vụ phục vụ thánh.
Ngoài trình thuật thiếp lập bảy phó tế đầu tiên để phục vụ bàn ăn (Cv 6,1-6), thì nền tảng Thánh kinh về chức phó tế có thể tìm thấy trong những lời nói và hành động của Đức Giêsu khi trình bày quyền bính trong Giáo Hội như là một việc phục vụ (Mt 20,24-28) ; và việc rửa chân cho các môn đệ trong Ga 13,2-17). Phó tế là những người tham gia vào sứ vụ phục vụ của các giám mục, những người kế vị các tông đồ, nên phó tế do giám mục truyền chức. Việc truyền chức này hệ tại việc đặt tay, và lời nguyện thánh hiến. Sau đó phó tế được nhận dây Stola và áo phó tế – Dalmatica. Áo này xuất phát từ vùng Dalmatie (ngày nay thuộc Nam Tư). Vào khoảng thế kỷ IV – V, áo này cùng với dây Stola trở thành y phục riêng của phó tế như một dấu chỉ sống động về việc phục vụ trong Giáo Hội.
Một công thức chào rất quen thuộc, vẫn được giám mục, linh mục, phó tế sử dụng để chào các tín hữu khi bắt đầu cử hành phụng vụ. Công thức này có nguồn gốc lâu đời, có lẽ từ đầu thế kỷ thứ III.
Dominus Vobiscum – Chúa ở cùng anh chị em là lời chào đẹp nhất người ta có thể gửi đến các Kitô hữu : ước gì Thiên Chúa cư ngụ nơi anh chị em, đồng hành với anh chị em làm cho anh chị em được sống động ! Công thức này được rút ra từ Thánh kinh : “Ta sẽ ở với người”. Đó là bảo đảm nền tảng mà Đức Chúa cam kết với ông Môsê, khi trao cho ông sứ mệnh khó khăn là đưa dân Dothái ra khỏi đất Aicập (Xh 3,12 ; 18,19). Toàn thể dân Ítraen đều được thừa hưởng lời cam kết kỳ diệu này (Đnl 20,1). Trong dân này, những ai lãnh nhận một sứ vụ đặc biệt để phục vụ đều cảm thấy được vững mạnh nhờ cùng một lời hứa : “Chúa ở với người”. Vì vậy, ông Giôsuê, các thủ lãnh, vua Đavít và các vua trung tín, các ngôn sứ đều nhận được bảo đảm này. Khi đến gặp Đức Maria, sứ thần Gáprien đã chào : “Chúa ở cùng bà” (Lc 1,28). Danh xưng Emmanuel, một tên gọi của Đấng Cứu Thế (Is 7,14 và Mt 1,23) lại không có nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta sao ?”.
Ở cuối sách Khải huyền, chính Thiên Chúa đã xác định về thành Giêrusalem mới : “Đây là Nhà Tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại, Người sẽ cư ngụ cùng với họ. Họ sẽ là dân của Người, còn chính Người sẽ là Thiên Chúa ở cùng họ” (21,3).
Trong nhãn quan này, ta hiểu được chiều sâu của lời chào. Dominus vobiscum – Chúa ở cùng anh chị em. Linh mục mở rộng đôi tay khi đọc lời chào vừa diễn tả vừa thực hiện ân sủng là sự hiện diện của Thiên Chúa, từ đó hình thành sự hiệp thông trong cộng đoàn mà Thiên Chúa là nền tảng.
Lời thưa của cộng đoàn cũng có nhiều ý nghĩa, vì đây là một hành động đức tin vào khả năng của thừa tác viên : ân sủng do việc truyền chức làm cho ngài đủ tư cách để thi hành việc hiệp thông với Thiên Chúa.
Sau cùng, phần đối thoại ngắn ngủi này cũng cho thấy ý nghĩa của phụng vụ : Thiên Chúa trao ban chính mình, qua trung gian các thừa tác viên, Dân đáp lại ân huệ này trong đức tin. Như vậy là Giao Ước Mới được cử hành.
Đức Kitô vị trung gian của Giao Ước Mới và vĩnh cửu, đã hiến dâng hy lễ là chính cuộc sống của Người “để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối” (Ga 11,52). Chức tư tế của Đức Kitô và của các thừa tác viên có mục đích là quy tụ thành một thân hình duy nhất tất cả những ai muốn liên kết với Đầu. Chính Thiên Chúa Cha đưa ra sáng kiến và thực hiện qua sứ mệnh của Ngôi Lời Nhập Thể và của Chúa Thánh Thần. Lời tiền tụng trong Kinh tạ ơn II thưa với Chúa Cha như sau : “Để chu toàn tôn ý và quy tụ một dân thánh dành riêng cho Cha, Người (Chúa con) đã dang tay chịu khổ hình để tiêu diệt sự chết và biểu dương sự sống lại”. Còn kinh tạ ơn III diễn tả mạnh hơn : “Cha không ngừng quy tụ một dân riêng, để từ đông sang tây cùng dâng lên Cha một hiến lễ tinh tuyền”.
Chỉ riêng việc các Kitô hữu quy tụ nhân danh Đức Giêsu, nhân danh Chúa Ba Ngôi, đã là một công trình của Thiên Chúa. Cộng đoàn các tín hữu không giống bất cứ một cuộc tụ họp nào, cũng không phải là cuộc tụ họp tùy ý giữa các Kitô hữu, trong đó họ có thể lựa chọn người nào họ muốn. Không phải các tín hữu tự quy tụ ; nhưng chính Thiên Chúa quy tụ họ. Chắc chắn rằng mỗi người tự do tham dự phụng vụ, tuy nhiên khi quyết định tham dự vào một nghi lễ, chẳng hạn thánh lễ, họ đáp trả một lời mời gọi của Thiên Chúa được cụ thể hoá qua các chỉ dẫn hay khuyến khích của Giáo Hội. Tham dự vào cử hành phụng vụ, đó là nghe được lời mời gọi của Thiên Chúa, để đi vào mầu nhiệm Giao Ước. Như thế, cộng đoàn phụng vụ, tự bản chất, là công trình của Thiên Chúa. Chúa Cha và Chúa Kitô là nguồn gốc và cũng là cùng đích của tất cả các cuộc quy tụ Kitô giáo, theo lời Đức Giêsu : “Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đó, giữa họ” (Mt 18,20). Để hiểu rõ hơn nét đặc trưng cốt yếu của cộng đoàn phụng vụ, cần phải đặt thực tại vừa thần linh vừa nhân trần này trong lịch sử cứu độ.
Các công trình của Thiên Chúa luôn có mục đích quy tụ một Dân thánh thuộc về Thiên Chúa. Cần lưu ý là, khi nói về cộng đoàn phụng vụ, quy tắc tổng quát sách lễ Rôma thường sử dụng từ ngữ “Dân” : mọi cộng đoàn phụng vụ đại diện cho toàn thể Dân Thiên Chúa.
Trong Cựu Ước, chỉ có Thiên Chúa mới có thể làm cho đám đông những nô lệ đang bị bóc lột ở Aicập trở thành một dân có tổ chức để thi hành “việc phụng vụ”, được khởi đầu qua Giao Ước tại núi Sinai. Thiên Chúa giải thoát những kẻ thuộc về Người khỏi ách nô lệ với mục đích duy nhất là để họ cùng với Người đi vào “phụng vụ” (Xh 7,16.26 ; 8,16 ; 9,1.13 ; 10,3-7.11.26). Do đó từ ngữ phụng vụ vừa có ý nghĩa là công trình Thiên Chúa thực hiện cho Dân Người, vừa có nghĩa là công trình Dân thực hiện cho Thiên Chúa của mình. Thế nên, phụng vụ là công trình chung trong đó Thiên Chúa và Dân gặp gỡ nhau, là hành động trong đó mầu nhiệm Giao Ước được sống cách trọn vẹn.
Việc ký kết Giao Ước Sinai đã làm cho Ítraen thành Dân của Thiên Chúa, được quy tụ do Thiên Chúa và vì Thiên Chúa : “Các ngươi thấy Ta đã xử với Aicập thế nào, và đã mang các ngươi như trên cánh chim bằng mà đem đến với Ta (Xh 19,4). Đối với Ítraen, phụng vụ long trọng tại núi Sinai (Xh 24) là “Ngày cộng đoàn” tuyệt hảo (Đnl 9,10 ; 10,4 ; 18,16). Đối với họ, mọi cộng đoàn phụng vụ là sự nhắc lại hay là hiện tại hoá ngày đầu tiên, ngày làm cho họ thành Dân – Hôn Thê, thành người đối tác với Thiên Chúa trong Giao Ước.
Tuy nhiên, Dân đã không ở lại lâu dài trong sự chở che của Thiên Chúa. Giao Ước đã mau chóng bị phá vỡ do hành vi ngoại tình là thờ lạy Bò vàng ; mặc dù Giao Ước này đã được tái lập và không ngừng được cử hành suốt thời Cựu Ước, nhưng càng lúc càng cho thấy sự suy yếu của nó, như được nói đến qua các vị ngôn sứ. Nhờ lời các ngôn sứ ngỏ với Dân, hay với số còn sót lại, một khao khát mãnh liệt về một Giao Ước Mới đã làm bùng lên, mà chỉ một Giao Ước này có khả năng quy tụ vĩnh viễn Dân chung quanh Thiên Chúa và hiện diện trước nhan Người.
Đức Kitô, Đấng là Thiên Chúa và là Người, là vị trung gian đích thực đã đem lại Giao Ước Mới, Giao Ước vĩnh cửu và “quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối” (Ga 11,52). Hy tế trên đồi Canvê là hành vi yêu thương cao cả nhất qua đó Đức Giêsu, Lời của Chúa Cha, kêu mời (hay quy tụ) Giáo Hội đã được chuộc lấy nhờ máu Người (Cv 20,28) hướng đến chính sự hợp nhất của Ba Ngôi (Ga 17,11.21.22).
Mỗi thánh lễ và mỗi cộng đoàn phụng vụ, đều thực hiện sự hợp nhất Dân mới của Thiên Chúa là Giáo Hội, sự hợp nhất hữu cơ mà trong đó mỗi chi thể của Thân mình có chức năng riêng. Các vị giám mục, linh mục, phó tế, nhờ bí tích Truyền Chức, thể hiện sự hiện diện của Đức Kitô – Hôn Phu, Đức Kitô – Đầu. Còn các tín hữu, nhờ bí tích Thanh Tẩy và Thêm Sức, thi hành điều được gọi là chức tư tế cộng đồng (GH 10). Cộng đoàn phụng vụ, đó là sự hợp nhất giữa Thiên Chúa và Dân Người, giữa Đức Kitô và Giáo Hội, khi được diễn tả và thực hiện qua sự hợp nhất giữa mục tử và đàn chiên của mình.
“Các tín hữu tháp nhập vào Giáo Hội bởi phép rửa, và nhờ ấn tích, họ được đề cử hành việc phụng tự Kitô giáo. Khi tham dự thánh lễ, nguồn mạch và chóp đỉnh của tất cả đời sống Kitô giáo, họ dâng lên Thiên Chúa Lễ vật Thần linh và cùng với lễ vật ấy, họ tự dâng chính mình. Khi dâng lễ cũng như khi hiệp lễ, không phải cách hỗn độn, nhưng mỗi người một cách góp phần vào việc cử hành phụng vụ. Hơn nữa, được bổ dưỡng bởi Mình thánh Chúa Kitô trong thánh lễ, họ biểu lộ cách cụ thể sự hiêp nhất của Dân Thiên Chúa, sự hợp nhất ấy được diễn tả và thực hiện cách kỳ diệu trong bí tích cực trọng này” (GH 11).
Trong cộng đoàn phụng vụ, các tín hữu thực thi ở mức độ cao nhất chức tư tế họ đã lãnh nhận qua bí tích Thanh tẩy, tức là khả năng có thể tiến gần đến Thiên Chúa nhờ được hợp nhất với Đức Kitô. Trong Cựu Ước, chỉ có các tư tế mới có thể “đến gần” Thiên Chúa (Xh 3,5 ; Lv 9,7 ; 21,17-21 ; Ed 44,15 ; v.v..), mặc dù, theo kế hoạch của Thiên Chúa, toàn Dân được dành để trở thành “vương quốc tư tế” (Xh 19,6 ; Tv 148,14). Phải đợi đến Giao Ước Mới và vĩnh cửu, kế hoạch này mới trọn vẹn. Thánh Phêrô viết : “ Anh em hãy tiến lại gần Đức Kitô, viên đá sống động bị người ta loại bỏ, nhưng đã được Thiên Chúa chọn lựa và coi là quý giá. Hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động mà xây nên ngôi Đền thờ thiêng liêng, và hãy để Thiên Chúa đặt anh em làm hàng tư tế thánh, dâng những lễ tế thiêng liêng đẹp lòng Người, nhờ Đức Giêsu Kitô” (1 Pr 2,4-5).
Nhờ các bí tích Thanh Tẩy và Thêm Sức, các Kitô hữu là “giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa” (1 Pr 2,9). Họ có thể đến gần Đức Kitô, đến nỗi trở nên một thân thể với Người. Theo quan điểm này, chức tư tế cộng đồng của các tín hữu là khả năng có thể tháp nhập vào Đức Kitô, vào hy lễ, vào vinh quang của Đấng tiến dâng chính mình cho Chúa Cha, nên một với Người trong tiến trình tiến về Chúa Cha. Mọi tín hữu đều là tư tế, theo nghĩa họ chỉ làm nên một Thân Mình với Đức Kitô, Đấng là Thượng Tế. Sự hợp nhất hữu cơ giữa tín hữu và Đức Kitô đem lại hiệu quả là họ được dự phần vào ân sủng tư tế của Người. Là những người đồng phận với Đức Kitô – Tư tế, các tín hữu cũng là tư tế với Người.
Chức tư tế của các thừa tác viên được truyền chức và chức tư tế vương giả liên kết chặt chẽ với nhau như được khẳng định trong hiến chế tín lý về Giáo Hội của Công Đồng Vaticanô II.
“Chức tư tế chung của các tín hữu và chức tư tế thừa tác hay phẩm trật, tuy khác nhau không chỉ về cấp bậc mà còn về yếu tính, song cả hai bổ túc cho nhau. Thực vậy, cả hai đều tham dự vào chức tư tế duy nhất của Chúa Kitô theo cách thức riêng của mình. Tư tế thừa tác, nhờ có quyền do chức thánh, đào tạo và cai quản dân tộc tư tế, đóng vai trò Chúa Kitô cử hành hy tế tạ ơn và dâng của lễ ấy lên Thiên Chúa nhân danh toàn thể dân chúng. Phần tín hữu, nhờ chức tư tế vương giả, cộng tác dâng thánh lễ và thi hành chức vụ đó trong việc lãnh nhận các bí tích, khi cầu nguyện và tạ ơn, bằng đời sống chứng tá thánh thiện, bằng sự từ bỏ và bác ái đích thực”.