Nguyên tác: La Liturgie de L’Église của Dom Robert le Gall,
Đan viện Trưởng đan viện Sainte Anne, Kergonan
Chuyển ngữ: Giuse Nguyễn Cao Luật, OP.
————————
Trong cuộc sống con người, có hai nhịp sống nền tảng tự nhiên : nhịp sống ngày – đêm do việc trái đất xoay quanh mình, và nhịp sống hàng năm do trái đất xoay quanh mặt trời, tạo nên những mùa khác nhau. Phụng vụ là việc tôn kính Thiên Chúa qua tất cả những gì thuộc về con người, nên cũng thánh hoá hai nhịp sống này : trong suốt năm, các cử hành về Mùa phụng vụ và kính các thánh được dàn trải trong những ngày trong suốt năm. Mùa phụng vụ cốt yếu là hai Mùa Giáng Sinh và Mùa Phục Sinh, được cách quãng bằng Mùa Thường Niên. Người ta biết rằng Mùa Phục Sinh sẽ thay đổi, không theo hệ mặt trời, nhưng theo mặt trăng. Lễ kính các thánh có ngày cố định. Nhịp sống hàng ngày được tổ chức dựa trên thánh lễ và Các Giờ Kinh Phụng Vụ (CGKPV) mà chúng ta sắp đề cập đến dưới đây. Ngoài hai nhịp tự nhiên ấy, còn có một nhịp thứ ba, dựa trên quy ước, đó là nhịp tuần lễ : nhịp bảy ngày phát xuất từ trình thuật sáng tạo được kể lại trong những chương đầu sách Sáng thế, cuốn sách đầu tiên của bộ Kinh Thánh : ngày thứ Bảy, Thiên Chúa nghỉ ngơi sau công trình sáng tạo, ngày này được người Dothái thánh hiến bằng ngày sabát. Đối với các Kitô hữu, ngày đầu tiên trong tuần, tức là ngày hôm sau ngày sabát (samedi – thứ Bảy) trở thành ngày Chúa nhật (ngày của Chúa), và ngày này được dành để cử hành cuộc Phục Sinh của Chúa.
Nhịp sống hằng ngày là nhịp nền tảng của cuộc sống con người ; nhịp sống này tạo nên bối cảnh tự nhiên cho các cuộc gặp gỡ giữa con người với Thiên Chúa. Trong vườn địa đàng, phải chăng Thiên Chúa lại không có thời gian đến thăm các người bạn của mình vào “lúc gió thổi trong ngày” sao (St 3,8) ? Thánh vịnh là các lời cầu nguyện ban sáng (Tv 5, 16, 56), lúc đêm khuya (Tv 62,7 ; 118,62). Ngôn sứ Đanien “mỗi ngày ba lần, ông quỳ gối, cầu nguyện và ngợi khen Thiên Chúa của ông, y như ông đã làm từ trước đến nay” (Đn 6,11). Sau khi Đức Giêsu lên trời, các tông đồ “hằng ở trong Đền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa” (Lc 24,53 ; Cv 2,46) và người ta thấy hai ông Phêrô và Gioan “lên Đền Thờ, vào buổi cầu nguyện, giờ thứ chín” (Cv 3,1).
Chắc chắn rằng hy tế Thánh Thể là trọng tâm của nhịp phụng vụ hằng ngày, đồng thời cũng là cử hành khơi gợi lời cầu nguyện của Giáo Hội. Như đã nói, người Dothái cầu nguyện ba lần một ngày : ban sáng, ban trưa, và ban chiều. Giáo Hội thời đầu đã tiếp tục thói quen tự nhiên này. Người tín hữu vẫn được nhắc nhở tuân giữ thói quen này với ba lần đọc kinh Truyền Tin trong ngày. Tuy vậy, đây vẫn chỉ là cử chỉ đạo đức riêng, có thể nói như thế. Phụng vụ là một hành động của Giáo Hội, kết hiệp với Thiên Chúa và Đấng Cứu Độ của mình, gồm có Kinh Ngợi Khen và Kinh Chiều, và giữa hai giờ kinh (Kinh Đêm nơi các đan sĩ) và Kinh Tối (kết thúc ngày sống). Trong phụng vụ đan tu, thứ tự các giờ kinh như sau : Kinh Đêm (cuối đêm), Kinh Ngợi Khen, Kinh Giờ Ba, Giờ Sáu, Giờ Chín, Kinh Chiều và Kinh Tối.
Cuộc canh tân phụng vụ của Công Đồng Vaticanô II đã nhấn mạnh đến điều được gọi là sự đích thực của các giờ kinh, tức là mỗi giờ kinh phải được cử hành đúng vào giờ của nó. Điều này dễ hiểu vì phụng vụ các giờ kinh có mục đích thánh hoá những thời điểm chính trong ngày. Xưa kia, đôi khi các linh mục nguyện kinh của mình một lần duy nhất, như một thứ hình phạt. Ngày nay, người ta nhấn mạnh đến tính Giáo Hội của lời kinh này, và mời gọi các tín hữu cùng tham dự. Vì thế không hiếm tại các giáo xứ, giáo dân cử hành giờ kinh với vị mục tử hay giữa họ với nhau. Điều này cũng xảy ra nơi một số hội đoàn. Việc cầu nguyện này là một lợi ích của Giáo Hội, nên cần phải được học hỏi, thực hành, yêu mến để Thiên Chúa luôn hiện diện tràn đầy ngày sống của người tín hữu và họ được Người che chở.
Một trong những đòi hỏi hiện nay là rất nhiều người cảm thấy nhu cầu về cầu nguyện. Một số nhóm hay phong trào luôn xem việc cầu nguyện – trong cộng đoàn hay cá nhân, là một yếu tố cần thiết. Một số người, nhất là giới trẻ, mong muốn học hỏi về cầu nguyện. Để khởi đầu, họ cần sự nâng đỡ từ một cộng đoàn.
Việc cầu nguyện chung vừa là một yêu cầu vừa là một bảo đảm cho đời sống Kitô hữu, như chính Đức Giêsu đã dạy : “Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18,20). Tuy nhiên không phải mọi việc cầu nguyện chung đều là phụng vụ : các tín hữu cầu nguyện chung với nhau chưa phải là một hành vi phụng vụ : Phụng vụ phải là công trình của Thiên Chúa và công trình của dân Người. Đó là hoạt động chính yếu trong đời sống Giáo Hội, gồm có thánh lễ và các bí tích, các á bí tích và phụng vụ các giờ kinh. Với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, qua nhiều thế kỷ, Giáo Hội không ngừng xác định những hình thức cụ thể cho việc gặp gỡ với Thiên Chúa của mình để hiện tại hoá Giao Ước Mới và vĩnh cửu. Công Đồng Vaticanô II đã thực hiện điều này qua việc canh tân phụng vụ. Cử hành phụng vụ luôn vượt lên trên các “việc đạo đức” (PV 13) ; các việc này phải hài hoà với cử hành phụng vụ, phải phát xuất từ các cử hành này.
Từ đó, dấu chỉ cho thấy một nhóm cầu nguyện hay một cộng đoàn có được nét quân bình đó là đó là cộng đoàn hay nhóm ấy có sự liên kết với giám mục và các linh mục. Họ mong muốn đào sâu Kinh Thánh và giáo lý Công Giáo, khám phá (hay tái khám phá) phụng vụ như là một sự bảo đảm không thể thay thế cho việc cầu nguyện của mình.
Người ta đã mất nhiều thời gian để tổ chức việc cầu nguyện chung trong các cuộc hội họp giữa các linh mục, tu sĩ, hay các nhóm khác. Ngày nay, người ta hiểu rằng CGKPV cung cấp cho mọi người hình thức căn bản việc cầu nguyện của Giáo Hội. Thay vì phải cố tìm những bài đọc, bài hát, sao không cử hành các giờ kinh phụng vụ?
Trong phụng vụ, Giáo Hội là thầy dạy. Không có sự dẫn nhập nào vào đời sống cầu nguyện thâm sâu tốt hơn là tham dự vào một số giờ kinh. Trong các giờ kinh này, mỗi người được nếm thử hương thơm của Thiên Chúa, được mời gọi thưởng thức và thấm nhuần cuộc gặp gỡ vừa đơn sơ vừa long trọng là Giao Ước. Nếu không có điều kiện để tham dự toàn bộ, họ cũng được khuyến khích tham dự một phần, hay ít ra, các bài đọc của thánh lễ. Nhờ nối kết với phụng vụ của Giáo Hội, đời sống cầu nguyện và kết hợp với Thiên Chúa của các tín hữu sẽ được vững mạnh hơn.
Dies dominica – Chúa nhật – ngày của Chúa. Đó là ngày nghỉ. Theo các tác giả sách Tin Mừng, đó là ngày đầu tuần (Mt 28,1ss), và được gọi là “ngày của Chúa” (Kh 1,10) vì đây là ngày Chúa sống lại.
Sau khi Phục Sinh, Đức Giêsu đã hiện ra với các tông đồ vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần (Ga 20,19 ; Lc 24 ; x. Ga 20,26), và đã dùng bữa với các môn đệ (Lc 24,30.41-43). Các Kitô hữu thời đầu đã theo truyền thống này mà tụ họp vào chiều ngày Chúa nhật để cử hành Thánh Thể (Cv 20,7).
Để cử hành biến cố Phục Sinh cách xứng hợp hơn, các tín hữu đã tụ họp vào sáng Chúa nhật và thực hiện một buổi canh thức để chuẩn bị cho buổi cử hành này. Theo cách ấy, ý nghĩa Kitô giáo đã được áp dụng cho ngày này, ngày mà những người ngoại giáo gọi là “ngày của mặt trời” (Sonntag ; Sunday). Chúa nhật thực sự là ngày của mặt trời, vì đó là ngày mà Đức Kitô, “Mặt Trời công chính” (Ml 3,20) đích thực đã mọc lên từ nấm mồ sau khi nghỉ yên qua cái chết sinh ơn cứu độ.
Theo quan niệm Kitô giáo, Chúa nhật là ngày đầu tiên trong tuần, nên là ngày nguồn mạch cho toàn bộ hoạt động của các Kitô hữu, đồng thời cũng là ngày thứ 8, mà theo ý nghĩa biểu tượng về con số, ngày này gợi lên sự vượt qua thời gian, gợi lên sự vĩnh cửu mà Đức Kitô đã bước vào và cũng là đích điểm người tín hữu trông chờ (Ga 21,4).
Vừa là điểm xuất phát, vừa là điểm đến, Chúa nhật là điểm quy chiếu của chu kỳ tuần lễ, cũng như thánh lễ là trung tâm của chu kỳ hằng ngày và Phục Sinh là trung tâm của chu kỳ hằng năm. Chúa nhật là ngày nguồn mạch và ngày đỉnh cao, nên đó là ngày thích hợp nhất để cử hành hy tế Thánh Thể. Cử hành ngày này qua việc tham dự thánh lễ là một điều cần thiết đem lại sức sống cho mọi Kitô hữu như các thánh tử đạo thời sơ khai đã khẳng định. Để tạ ơn vì đời sống mới do Đức Kitô đem lại, người ta sử dụng ngày này để thực hiện những sinh hoạt đem lại công ích và niềm vui.
Năm phụng vụ là các cử hành của Giáo Hội theo chu kỳ hằng năm. Chu kỳ này được phân chia thành phần Thường Niên và phần Kính nhớ các thánh, tức là tất cả các lễ kính các thánh được ghi trong lịch của Giáo Hội toàn cầu, không phân biệt lễ riêng của Giáo Hội nào. Tuy nhiên, các thánh chỉ là những nhân vật phụ trong công trình trọng tâm là Mầu nhiệm Cứu Độ do Chúa Kitô thực hiện. Mùa Thường Niên được chia thành hai phần với 34 Chúa nhật : Mùa sau lễ Giáng Sinh và mùa sau lễ Phục Sinh.
Mùa Giáng Sinh gồm có : Thời gian chuẩn bị, tức Mùa Vọng ; lễ Giáng Sinh ; lễ Hiển Linh và một giai đoạn ngắn cho đến lễ Đức Giêsu chịu phép rửa. Lễ này luôn được cử hành vào Chúa nhật để kết thúc Mùa Giáng Sinh. Ngay sau ngày lễ này, bắt đầu giai đoạn I của Mùa Thường Niên và được kéo dài tới thứ Tư lễ Tro.
Mùa Phục Sinh gồm có : Thời gian chuẩn bị, tức Mùa Chay ; Tuần Thánh, kết thúc với Tam Nhật Vượt Qua (từ thứ Năm Thánh đến Chúa nhật Phục Sinh) ; Mùa Phục Sinh với lễ Chúa Giêsu lên trời và lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Mùa này kết thúc với lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, sau đó tiếp tục Mùa Thường Niên.
Một tuần sau lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống là lễ Chúa Ba Ngôi, tiếp đến vào thứ Năm – hay Chúa nhật là lễ kính Mình Máu Thánh Chúa Giêsu. Lễ Thánh Tâm được cử hành cố định vào ngày thứ Sáu sau Chúa nhật thứ hai sau lễ Hiện Xuống. Sau cùng, vào Chúa nhật cuối cùng của Năm phụng vụ là lễ Chúa Giêsu Vua.
Năm phụng vụ này nối tiếp năm phụng vụ kia. Những Chúa nhật cuối Mùa Thường Niên hướng về Ngày Chúa Quang Lâm, tức là ngày Chúa trở lại trong vinh quang và phán xét chung cuộc, như được diễn tả trong các bài Tin Mừng trong tháng 11. Lễ trọng kính Chúa Giêsu Vua Vũ Trụ là đích điểm của toàn bộ năm phụng vụ và là sự gia nhập vào phụng vụ thiên quốc : “Sau đó, mọi sự đều hoàn tất, khi Chúa Kitô đã tiêu diệt hết mọi quản thần, mọi quyền thần và mọi dũng thần, rồi trao vương quyền lại cho Thiên Chúa là Cha. Lúc muôn loài đã quy phục Đức Kitô, thì chính Người, vì là Con, cũng sẽ quy phục Đấng bắt muôn loài phải quy phục Người ; và như vậy, Thiên Chúa có toàn quyền trên mọi loài” (1 Cr 15,24.28). Nhịp điệu của phụng vụ vĩnh cửu là lãnh nhận mọi sự từ Chúa Cha, như Chúa Con, và trao lại mọi sự cho Chúa Cha, cùng với Chúa Con, trong Chúa Thánh Thần.
Các Chúa nhật đầu Mùa Vọng duy trì ý hướng nhìn về ngày chung cuộc này. Thật vậy, Chúa nhật thứ I Mùa Vọng là sự chờ đợi cuộc đăng quang cuối cùng của Đức Kitô, tức là cuộc Quang Lâm của Người. Đây không phải là sự liên tục giữa hai năm phụng vụ. Không có gì minh hoạ cách tuyệt hảo hơn sự tiến tới liên tục và hài hoà của phụng vụ. Kết thúc Mùa Thường Niên và khởi đầu năm phụng vụ đều hướng về ngày Đức Kitô ngự đến trong vinh quang. Giáo Hội chú tâm vào ngày Giáng Sinh của Đức Kitô được kỷ niệm trong Mùa Giáng Sinh. Từ ngày 17-12, bắt đầu tuần lễ chuẩn bị chào đón sự xuất hiện của Ngôi Lời nơi những kẻ thuộc về Người (x. Ga 1,11).
Hai lời tiền tụng của Mùa Vọng trình bày nối tiếp nhau sự quy chiếu về tương lai và về quá khứ. Trong lời tiền tụng I, Giáo Hội tạ ơn Chúa Cha, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng ta, vì Ngôi Lời nhập thể đã “mang lấy bản tính nhân loại yếu hèn, mà thực hiện lời Cha đã hứa thuở xưa và mở đường cứu độ cho nhân loại. Nhờ đó, khi Người đến lần thứ hai đầy uy nghi vinh hiển, bấy giờ ơn cứu độ đã hiển nhiên, chúng con sẽ lãnh nhận hạnh phúc Cha hứa ban, mà ngày nay chúng con đang tỉnh thức và vững dạ đợi chờ”. Trong lời tiền tụng II, lý do của việc tạ ơn là : Đức Kitô “Đấng các ngôn sứ đã tiên báo, Đức Mẹ đồng trinh đã âu yếm cưu mang, thánh Gioan đã loan tin sắp đến và chỉ cho dân chúng thấy khi Người xuất hiện. Người là Đấng làm cho chúng con vui sướng đón mừng Mầu nhiệm Giáng Sinh ; để khi ngự đến, Người sẽ thấy chúng con đang tỉnh thức cầu nguyện và hân hoan ca tụng Người”.
Cần ghi nhận rằng, nếu như lời tiền tụng II nhấn mạnh đến tương lai, tức là ngày Đức Kitô trở lại trong vinh quang, thì cũng ám chỉ đến cuộc đăng quang trong quá khứ, và cũng nói đến sự trông chờ trong hiện tại. Cũng vậy, lời tiền tụng II nhấn mạnh đến sự chờ đợi trong quá khứ cuộc xuất hiện của Ngôi Lời, nhưng cũng cho thấy cuộc đăng quang trong quá khứ có giá trị hiện tại “Người là Đấng làm cho chúng con vui sướng đón mừng Mầu nhiệm Giáng Sinh”. Ngoài ra, lời tiền tụng này cũng hướng về cuộc đăng quang cuối cùng.
Cũng nên lưu ý rằng, ngay từ đầu năm phụng vụ, ba điểm quy chiếu về quá khứ, hiện tại và tương lai thuộc về cơ cấu của phụng vụ tại trần thế. Mọi hành vi phụng vụ đều hiện thực hoá trong hiện tại một biến cố cứu độ đã được thực hiện trong quá khứ, và hướng tới sự thực hiện hoàn toàn trong tương lai. Điều này được chứng thực rõ ràng trong hy lễ Thánh Thể khi mà hy tế trên đồi Canvê (quá khứ : x. Hr 7,27 ; 9,12.26) được hiện tại hoá để đem lại cho tín hữu bảo chứng về vinh quang, tức là sự hoàn thành Giao Ước Mới và vĩnh cửu. Cũng vậy, cử hành cuộc sinh ra của Đức Giêsu (quá khứ), có thể nói là làm cho tín hữu trở thành “những người cùng thời” với Mầu nhiệm Nhập Thể, nhờ một biến cố ân sủng (hiện tại), và được tham dự trước vào sự xuất hiện chung cuộc của Đức Kitô (tương lai). Phụng vụ chú tâm đến sự tiếp nối lịch sử và một cách nào đó, làm cho người tín hữu tham dự vào sự vĩnh cửu của Thiên Chúa.
Tên gọi ngày lễ là một hình thức bình dân của từ ngữ Latinh natalis (dies) : ngày của sự sinh ra. Cuộc sinh ra tuyệt hảo nhất là cuộc sinh ra của Chúa Giêsu, được mừng vào ngày 25-12. Đây là cuộc sinh ra của Chúa Giêsu, theo bản tính loài người, từ cung lòng Đức Trinh Nữ Maria.
Lễ Giáng Sinh là trung tâm của Mùa Giáng Sinh, với phần chuẩn bị là các tuần Mùa Vọng, tiếp đi là Mùa Giáng Sinh, với lễ Hiển Linh, và kết thúc với lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa.
Sau khi đã loan báo mầu nhiệm cốt yếu là vượt qua, các bản văn Tin Mừng về thời niên thiếu của Đức Giêsu được soạn thêm sau. Cũng vậy, việc mừng lễ Giáng Sinh cũng xuất hiện khá muộn so với việc mừng Mầu nhiệm Phục Sinh. Có lẽ việc cử hành Mùa Giáng Sinh được áp dụng vào khoảng thế kỷ IV và sau khi lễ Hiển Linh của Đông Phương được du nhập.
Lễ Giáng Sinh đã được thiết lập tại Rôma vào năm 336, và được ấn định vào ngày 25-12 với mục đích Kitô hoá những lễ của dân ngoại mừng Natalis Invicti kính thần mặt trời sau ngày đông chí. Ngày đó mặt trời sẽ dần dần sáng hơn. Đức Kitô chính là “Mặt Trời công chính” theo sách ngôn sứ Malakhi (3,20). Từ lễ Giáng Sinh, Đức Giêsu lớn lên, trong khi ông Gioan Tiền Hô, bắt đầu đi xuống (ngày 24-6, ngày hạ chí). Điều này minh hoạ, qua thiên văn và phụng vụ, lời của vị Tiền Hô : “Người phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi” (Ga 3,30).
Lễ Hiển Linh mừng việc Đức Giêsu xuất hiện như là Đấng Mêsia. Lễ này phát xuất từ Đông Phương và được ấn định vào ngày 6-1 với ý nghĩa : lễ của ánh sáng, lễ của nước, và có ý mừng việc khởi đầu sứ vụ công khai của Đức Giêsu, khi Người chịu phép rửa tại sông Giođan, hơn là mừng các biến cố trong đời niên thiếu của Đức Giêsu.
Bên Tây Phương, lễ Hiển Linh, được ấn định vào ngày 6-1 hay Chúa nhật từ ngày 2 đến 8 tháng Giêng, là lễ các nhà đạo sĩ, hay “các vua”. Những lần xuất hiện khởi đầu cuộc đời công khai của Đức Giêsu không bị lãng quên, vì phụng vụ của ngày lễ này nói đến ba mầu nhiệm như chỉ là một : các nhà đạo sĩ đến thờ lạy Chúa Giêsu, Chúa Giêsu chịu phép rửa, tiệc cưới Cana. Tuy nhiên, việc thờ lạy của các nhà đạo sĩ vẫn được quan tâm nhiều hơn.
Để tạo cho lễ Hiển Linh thực sự là lễ “Hiện Xuống” của Mùa Giáng Sinh, mới đây, Giáo Hội Latinh đã thiết lập lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, được cử hành vào Chúa nhật sau lễ Hiển Linh.
Khởi đầu cuộc đời công khai, Đức Giêsu đến sông Giođan để lãnh nhận phép rửa từ ông Gioan. Vị Tiền Hô muốn từ chối, vì cảm thấy không xứng đáng làm phép rửa cho Đấng Cứu Thế, nhưng Đức Giêsu trả lời : “Bây giờ cứ thế đã, vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính” (Mt 3,15). Câu chuyện này liên quan đến việc rửa chân sau này : ông Phêrô không muốn “để” Thầy rửa chân cho mình, và Đức Giêsu trả lời : “Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu” (Ga 13,7). Phép rửa tại sông Giođan và việc rửa chân làm thành “những mầu nhiệm, có liên hệ chặt chẽ với thiên ý nhiệm mầu của Chúa Cha” (Ep 1,9).
Đức Giêsu phải được dìm trong dòng nước sông Giođan để như biểu tượng liên đới trọn vẹn với các tội nhân. Đồng thời việc đó như biểu tượng việc chấp nhận bị dìm trong sự chết để cứu độ loài người. Theo thánh Gioan, Đức Giêsu được vị Tiền Hô giới thiệu là “Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá bỏ tội trần gian” (Ga 1,29-30), gợi lên hình ảnh Người Tôi Tớ đau khổ được ngôn sứ Isaia trình bày (Is 52,13 – 53,12). Ngoài ra, chính Đức Giêsu cũng nói đến cái chết đang chờ đợi Người qua hình ảnh phép rửa : “Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất” (Lc 12,50). Như thế ta hiểu rõ hơn tại sao phép rửa lại liên hệ đến cả tội lỗi và sự chết : Đức Giêsu đến và đảm nhận cả tội lỗi và sự chết để giải thoát con người khỏi tội lỗi và sự chết.
Ý nghĩa của việc Đức Giêsu chịu phép rửa còn lớn lao hơn. Chúng không chỉ đề cập đến khía cạnh sự chết, mà cả việc Phục Sinh nữa. Thật vậy, khi Đức Giêsu “vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra, Người thấy Thần Khí Thiên Chúa ngự xuống như chim bồ câu và đậu trên Người. Và kìa có tiếng từ trời phán rằng : Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3,16-17).
Vào lúc khởi đầu sứ vụ công khai, có thể nói toàn bộ Mầu Nhiệm đã được tỏ bày : Đức Giêsu đón nhận nơi mình tội lỗi của loài người và sự chết là hệ quả của nó, và Người ban cho nhân loại sự sống của Người Con, tức là sự sống vĩnh cửu. Khi Đức Giêsu lên khỏi nước, Mầu nhiệm Ba Ngôi được bày tỏ : Chúa Cha diễn tả sự hài lòng vô bờ về Chúa Con, Đấng Người đã sinh ra từ muôn thuở trong Chúa Thánh Thần Tình Yêu.
Được tràn đầy Chúa Thánh Thần do Chúa Cha ban, Đức Giêsu thực sự là Đấng Kitô, tức là Đấng được xức dầu. Theo danh nghĩa này, chỉ mình Người có quyền làm phép rửa trong Thánh Thần (Ga 1,33), tức là phép rửa đưa người tín hữu đi vào đời sống của Ba Ngôi.
Khi canh tân phụng vụ, Công Đồng Vaticanô II đã tái lập lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, được mừng vào ngày cuối Mùa Giáng Sinh. Ngày lễ này luôn là một trong những “mầu nhiệm” của việc Hiển Linh, tức là việc Chúa tỏ mình ra. Có thể nói ngày lễ này là lễ Hiện Xuống của Mùa Giáng Sinh. Cần phải yêu mến ngày lễ này, vì đây như một cánh cửa đi vào Tin Mừng và của toàn bộ phụng vụ. Ngày lễ này cho các tín hữu biết mình là ai : nhờ Đức Kitô, họ là những kẻ đồng phận với Người, Đấng đã dìm mình vào trong tội lỗi và cái chết của nhân loại để họ có thể đến gần Thiên Chúa, được làm con Thiên Chúa trong vĩnh cửu.
Mùa Chay là giai đoạn chuẩn bị hằng năm để mừng Mầu nhiệm Phục Sinh (quadragessima – bốn mươi ngày). Nét nổi bật của Mùa này là việc ăn chay và lời kêu mời sám hối. Mùa này kéo dài bốn mươi ngày : ông Môsê và ông Êlia đã được chuẩn bị bốn mươi ngày để gặp Đức Chúa (Xh 24,18 ; 1 V 19,8).
Chính Đức Giêsu cũng chiến đấu với Xatan suốt bốn mươi ngày (Mt 4,2). Vì không giữ chay vào Chúa nhật, nên Mùa Chay được khởi đầu từ thứ tư lễ Tro, trước Chúa nhật I Mùa Chay.
Thứ Tư lễ Tro và thứ Sáu Tuần Thánh là những ngày ăn chay theo luật Giáo Hội. Các tín hữu đã trưởng thành phải tuân giữ luật này. Những ngày khác, mỗi người, tuỳ theo Thánh Thần hướng dẫn, đưa ra những kiêng cữ riêng để dâng tiến cho Chúa.
Phẩm phục dùng trong Mùa Chay là màu tím, trừ Chúa nhật thứ IV (Laetare) có thể dùng màu hồng. Việc trang trí trong thánh đường cũng như tại bàn thờ được hạn chế, và cũng không sử dụng nhạc khí khi không hát. Ngoài những hạn chế truyền thống này, cũng có thể đề nghị những điều khác để kêu mời sự sám hối.
Nguồn gốc danh từ này không rõ ràng lắm. Thông thường, người ta hiểu từ ngữ này phát xuất từ pásah trong tiếng Dothái, có nghĩa là “nhảy”, “đi qua”, “bỏ qua” (x. Xh 12,11.23-27). Đức Chúa đã bỏ qua các con trai đầu lòng của người Dothái vì có dấu máu bôi trên cửa nhà. Tuy nhiên cũng có thể tìm đến nguyên gốc xa xưa của từ này trong pashahu, có nghĩa là làm giảm bớt.
Nghi thức dâng tiến con chiên phát xuất từ một hy lễ mà các người chăn chiên du mục quen thực hành, nhằm làm cho đàn súc vật được sinh sôi vào mùa xuân. Ngược lại, việc tiến dâng các của đầu mùa (lúa mì) là một nghi thức của những nông dân định cư. Đi liền với cuộc giải thoát khỏi đất Aicập, các nghi thức này trở thành lễ Vượt Qua của người Dothái, hành động tưởng nhớ việc Thiên Chúa giải thoát Dân Người.
Nhờ toàn bộ Mầu nhiệm Vượt Qua –Khổ Nạn, chịu chết và Phục Sinh–, Đức Kitô, Con Chiên đích thực (Ga 1,29.36 ; 18,28 ; Lc 22,7-16), và Bánh Hằng Sống (Ga 6,35) đã giao hoà con người tội lỗi với Chúa Cha và ký kết Giao Ước Mới. Như vậy, lễ Vượt Qua do Đức Giêsu thiết lập, vừa thâu nhận, vừa hoàn thành việc cử hành cuộc đổi mới vào mùa xuân –một dạng phục sinh của thiên nhiên và súc vật, được nhiều tôn giáo thần linh hoá–, và việc cử hành tưởng niệm cuộc giải thoát lịch sử mà Thiên Chúa đã thực hiện cho Dân Người.
Nói cho đúng, lễ Phục Sinh là lễ trọng trên mọi lễ trọng, là trung tâm của năm phụng vụ. Lễ Phục Sinh được khởi đầu với nghi thức canh thức vào chiều thứ Bảy Thánh, rồi được tiếp tục trong suốt ngày Chúa nhật. Năm mươi ngày của Mùa Phục Sinh chỉ là sự trải rộng của “ngày Thiên Chúa đã làm ra” (Tv 117,23).
Người Dothái hiến tế chiên Vượt Qua và ăn bữa Vượt Qua vào chiều ngày 14 tháng Nisan, ngày trăng tròn của mùa xuân. Đức Kitô chịu chết trên thập giá vào ngày thứ sáu 14 tháng Nisan và Phục Sinh vào “ngày thứ nhất trong tuần” (Ga 20,1), tức là hôm sau ngày sabát. Người Công Giáo có ba giải pháp để mừng lễ Vượt Qua : hoặc cố định vào ngày – sau ngày hôm sau ngày 14 tháng Nisan, bất kể ngày 14 này có phải là thứ Sáu hay không ; hoặc là mừng vào Chúa nhật sau ngày trăng tròn của mùa xuân ; hoặc là theo Quarto-décimans, vào thế kỷ II, (tại tiểu Á, ấn định vào chính ngày 14 tháng Nisan.
Công Đồng Nicêa (325) đã ấn định ngày mừng lễ Vượt Qua vào Chúa nhật sau ngày trăng tròn ngày xuân phân. Tuy nhiên, vì việc tính ngày lễ khác nhau, nên các Giáo Hội Đông và Tây không mừng lễ trong cùng ngày. Vấn đề vẫn còn gây tranh cãi là nên chăng mừng lễ Vượt Qua vào một ngày Chúa nhật cố định (có thể là Chúa nhật II tháng 4)? Quan điểm ấy, Công Đồng Vaticanô II không phản đối (xem phụ trương Hiến chế Phụng Vụ), nhưng những người theo Chính Thống Giáo quyết liệt phản đối.
Lễ Chúa Giêsu Lên Trời được mừng vào ngày thứ bốn mươi sau lễ Phục Sinh.
Sau khi Phục Sinh, nhân tính của Đức Giêsu đã hoàn toàn mặc lấy Vinh Quang của Chúa Cha. Nhưng Đức Kitô vinh hiển vẫn “lưu lại” trần gian để củng cố niềm tin của các tông đồ, qua những lần hiện ra với các ông. Bốn mươi ngày (Cv 1,3) Đức Giêsu lưu lại nơi dương thế liên hệ cách biểu tượng đến quãng thời gian, qua đó con người có được những kinh nghiệm về Thiên Chúa (x. Xh 24,18 ; 1 V 19,8 ; Mt 4,2). Sau quãng thời gian này, Đức Giêsu “lên” trời và ngự bên hữu Chúa Cha. Đây không phải là điều phụ thuộc trong niềm tin Kitô hữu, nhưng đây là một tín điều trong Kinh Tin Kính, diễn tả vương quyền của Đức Kitô, như các bản tuyên xưng đức tin thời đầu minh chứng (Cv 2,33 ; 7,55-56 ; Tv 109,1 ; Mt 22,44 ; 26,64 ; Mc 16,19 ; Rm 8,34 ; 1 Cr 15,25 ; Ep 1,20 ; Cl 3,1 ; Hr 1,3.13 ; 8,1 ; 10,12 ; 12,2 ; 1 Pr 3,22).
Mầu nhiệm Lên Trời cho thấy những bước khởi đầu của việc người Kitô hữu bước vào vinh quang. Với nhân tính của Đức Kitô, sự tháp nhập vào đời sống Ba Ngôi kể từ nay đã hoàn tất, điều này đem lại cho các bạn hữu Đức Kitô niềm vui sâu xa, và là một bảo đảm cho họ về vinh quang chung cuộc. Thật vậy, mọi tín hữu đều là những chi thể của thân mình : điều gì xảy ra cho Đầu thì cũng xảy ra cho các chi thể. Phụng vụ không ngừng thông truyền cho họ, qua Chúa Thánh Thần, sức sống của vị Thủ Lãnh. Họ vẫn còn sống trong mây mù, kể cả bão tố, nhưng quê hương của họ đã ở “trên trời, và họ nóng lòng mong đợi Đức Giêsu Kitô từ trời đến cứu họ. Người sẽ dùng quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của họ nên giống thân xác vinh hiển của Người” (Pl 3,20-21). Rước lễ là đồng hoá với Đức Kitô vinh hiển, nên là bước khởi đầu cho người tín hữu được “cự ngụ” trong lòng Chúa Cha bên cạnh Chúa Con.
Năm mươi ngày sau lễ Phục Sinh, việc mừng lễ Hiện Xuống là điểm cuối của chu kỳ Phục Sinh. Từ ngữ Hiện Xuống – Pentecôtè – phát xuất từ tiếng Hylạp pentècostè (hèméra) : ngày thứ năm mươi.
Trong thời Cựu Ước, tục mừng lễ Mùa Gặt (Xh 23,16 ; 34,22) hay lễ mừng các Thần (Lv 23,15-22) được tổ chức vào ngày thứ năm mươi sau lễ mùa xuân (x. Tb 2,1). Con số năm mươi gợi lên một sự tròn đầy, hay theo quy định của dân Dothái về năm sabát (bảy tuần năm : x. Xh 21,2 ; 23,10tt ; Lv 25,3), đó là một sự đổi mới toàn diện. Như xưa kia dân Dothái đã ra khỏi đất Aicập, vượt qua biển đỏ, tiến vào sa mạc để ký kết Giao Ước tại núi Xinai, thì ngày lễ Năm Mươi (Hiện Xuống) trở thành ngày kỷ niệm về “Ngày Cộng Đoàn” (Hr 9,10 ; 10,4 ; 18,16) diễn ra vào khoảng 50 ngày sau cuộc giải thoát khỏi đất Aicập (x. Xh 19,1 : tháng thứ ba). Được khai sinh từ cuộc Vượt Qua, dân – Hôn Thê, đạt được ý nghĩa trọn vẹn của mình cũng như vượt qua toàn diện khi kết hiệp với Thiên Chúa, khi ký kết Giao Ước.
Trong Giao Ước Mới, Đức Kitô thanh tẩy và chuộc lại Giáo Hội của Người nhờ hy lễ tại đồi Canvê, và đã trao ban Thần Khí (x. Ga 19,30). Vào ngày Phục Sinh, Đức Giêsu thông ban Thần Khí cho các tông đồ, để các ông thi hành sứ mạng là tiếp tục công trình của Người (Ga 20,22-23) ; nhưng chỉ 50 ngày sau cái chết của Đức Giêsu – ngày lễ Hiện Xuống (Cv 2), Thánh Thần mới đến để canh tân toàn thể Giáo Hội qua việc dìm họ vào (x. Cv 1,5) Dòng Sông sự sống (Kh 22,1) là chính Người. Mầu nhiệm Phục Sinh đạt được ý nghĩa trọn vẹn trong sự viên mãn của lễ Hiện Xuống, ngày Giáo Hội lãnh nhận những hoa trái đầu mùa trong di sản của mình (Ep 1,13-14) và thi hành đời sống phụng vụ của mình qua việc ca tụng “những công trình của Thiên Chúa” (Cv 2,1), dưới sự tác động của Thánh Thần.
Ngày lễ Hiện Xuống khép lại “Mùa Năm Mươi”, và sau đó Tuần Bát Nhật đã được bãi bỏ nhằm làm nổi bật ý nghĩa của ngày lễ này. Tuy nhiên, tuần chín ngày từ lễ Chúa Giêsu lên trời đến lễ Hiện Xuống được xem như phần chuẩn bị long trọng chờ đón Chúa Thánh Thần, cùng với sự hiện diện của Đức Maria, Thân Mẫu Chúa Giêsu (Cv 1,14).