Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Phụng Vụ Là Gì?

Administrator
2018-09-23 09:23 UTC+7 28
Lm. Giuse Nguyễn Văn Hiển, OP. Để hiểu rõ hơn về giá trị Phụng vụ mà chúng ta cử hành mỗi ngày, cần trở lại với câu hỏi căn bản của chúng ta: Phụng vụ là gì? Đây là một câu hỏi mà tự nó không đơn giản để trả lời. Chính hạn từ đã […]


Lm. Giuse Nguyễn Văn Hiển, OP.

Để hiểu rõ hơn về giá trị Phụng vụ mà chúng ta cử hành mỗi ngày, cần trở lại với câu hỏi căn bản của chúng ta: Phụng vụ là gì?

Đây là một câu hỏi mà tự nó không đơn giản để trả lời. Chính hạn từ đã tự nó định nghĩa, đó là những nghi thức mà nhờ đó Giáo hội cử hành nghi thức phụng thờ Thiên Chúa qua những hành động, cử chỉ vốn là một hình thức vẫn còn mới mẻ.

Trong chiều dài lịch sử, truyền thống Giáo hội đã cho thấy những sự khác nhau về hình thức Phụng vụ. Cần ghi nhận trước hết rằng, hạn từ hy lạp leitourgia mà từ đó chúng ta dành cho hạn từ Phụng vụ, nhằm diễn tả một chức năng công cộng (leitos : công cộng ; ergon : hành động, chức năng). Trong Kinh Thánh, hạn từ này định nghĩa cho sự phục vụ hoặc sứ vụ của các tư tế có liên quan đến các lời cầu nguyện và những lễ vật cung hiến Thiên Chúa hay những sự việc thánh (phục vụ phụng tự của Zacaria trong cung thánh Thiên Chúa), nhưng nó cũng là các quà tặng cho người nghèo. Tân ước tự cho thấy sự chia tách giữa Phụng vụ, nghĩa là sự liên hệ với Thiên Chúa, và diakonia, phục vụ trong anh em.

Ở thời các giáo phụ, và nhất là đối với Luật của thánh Biển Đức vào giữa thế kỷ thứ VIe, người ta hiểu đó là « công việc của Thiên Chúa » (opus Dei) và bởi cách thức này, nên cần phải hiểu rằng, công việc mà chúng ta thực hiện cho Thiên Chúa thì giống như được đặt xen vào trong công việc mà Thiên Chúa làm cho chúng ta. Trong Phụng vụ, điều quan trọng không phải là số lượng bao nhiêu điều chúng ta làm cho Thiên Chúa cho bằng cử hành những gì mà Thiên Chúa làm cho chúng ta. Tuy nhiên, dần dần, cách nhìn này vốn đặt công việc của Thiên Chúa vào trọng tâm, nhường chỗ cho một cách nhìn vốn có xu hướng mở đường cho công việc của con người cho Thiên Chúa. Quả vậy, ngay cả thời Trung Cổ, hạn từ « kinh nguyện » (officium, officia đã được sử dụng ở số nhiều). Từ thế kỷ 17, hạn từ « cử hành-caeremonia » đã định nghĩa cho hành vi Phụng vụ. Nhất là từ thế kỷ 16, nhưng cũng đã vào thời kỳ gothique, nền văn minh phương tây có ý đặt con người vào trung tâm của thế giới : Phụng vụ được điều chỉnh như một hành vi phụng thờ nhắm đến vinh quang của Thiên Chúa, nhưng con đường được đặt lại dựa vào hành động của con người.

Phong trào Phụng vụ đã phát triển từ giữa thế kỷ XIXe đã tìm lại một vài trực cảm của các giáo phụ khi khẳng định đến sự liên quan giữa Giáo hội và Phụng vụ. Đối với Dom Guéranger, người tái lập lại đan viện Solesmes năm 1833, Phụng vụ là « lời cầu nguyện của Giáo hội »[1], trong khi đó đối với Dom Lambert Beauduin, đó là « đạo đức của Giáo hội »[2]. Đối với Martimort ở Toulouse, một trong những nhà kiến trúc cho việc cải tổ Phụng vụ của Vatican II, đã đón nhận Truyền Thống cổ bằng một hình thức rất là mới mẻ : Phụng vụ, là « Giáo hội cầu nguyện ». Phụng vụ, đó là Giáo hội, thân thể của Đức Kitô, là lời kêu gọi thánh thiêng của tín hữu hướng về Thiên Chúa trong lời ca tụng và hành động tạ ơn. Công đồng Vatican II dùng tư tưởng này theo 3 trục chính:

1.- SỰ HIỆN DIỆN CỦA ĐỨC KITÔ TRONG NHỮNG CỬ HÀNH PHỤNG VỤ

Trong số 7 của Hiến chế về Phụng vụ-Sacrosanctum concilium trong khi lấy lại những giáo huấn của Đức Giáo hoàng Pio XII trong thông điệp Mediator Dei (1947), đã cho thấy việc tái khám phá về chiều kích tâm linh của Phụng vụ, đồng thời khẳng định về sự hiện diện của Đức Kitô trong các hành động Phụng vụ:

Để hoàn thành một công trình lớn lao, Đức Kitô luôn luôn ở đó bên cạnh Giáo hội của Người, nhất là trong những hành động Phụng vụ.

Bản văn tiếp tục khi khơi gợi lại những hình thức khác nhau của sự hiện diện của Đức Kitô trong những hành động Phụng vụ : sự hiện diện trong Thánh Lễ, trong con người của thừa tác vụ (linh mục) và « ở điểm cao nhất » đó là trong hình bánh rượu, nhưng Người cũng hiện diện « bằng nhân đức » trong các bí tích « với điều kiện – theo thánh Augustin, khi một người được rửa tội, thì chính Đức Kitô (làm phép) rửa tội ». Theo thời gian đã có sự đổi mới vì những cuộc đối thoại đại kết mở rộng, nhất là với những cộng đoàn nằm trong quỹ đạo của việc cải tổ : bản văn nhấn mạnh rằng, chính Đức Kitô hiện diện trong lời của Người, « vì chính Người nói trong khi chúng ta đọc trong Giáo hội (cộng đoàn tụ họp) bài đọc Kinh Thánh ». Cuối cùng, cần ghi nhận rằng, Đức Kitô « hiện diện khi Giáo hội cầu nguyện và hát những bài thánh vịnh, giống như lời hứa : ‘Ở đâu có hai hay ba người quy tụ nhân danh ta, ta ở đó, giữa họ » (Mt 18,20), như chúng ta thấy trong việc cử hành các Giờ kinh Phụng vụ.

2.- HÀNH VI PHỤNG THỜ MÀ GIÁO HỘI HƯỚNG VỀ THIÊN CHÚA VÀ CÔNG TRÌNH CỦA THIÊN CHÚA NHẰM THÁNH HIẾN CON NGƯỜI

Tuy nhiên, lời khẳng định về những hình thức đặc biệt khác nhau của sự hiện diện của Thiên Chúa trong Phụng vụ dẫn chúng ta đến một lời khẳng định căn bản hơn về bản chất của Phụng vụ :

Thực vậy, trong công cuộc vĩ đại tôn vinh Thiên Chúa cách hoàn hảo và thánh hóa mọi người, Chúa Kitô hằng kết hiệp với Giáo Hội, Hiền Thê rất quý yêu và Giáo Hội kêu cầu Người như Chúa mình và nhờ chính Người phụng thờ Chúa Cha Hằng Hữu. Vì thế, Phụng vụ đáng được xem là việc thực thi chức vụ tư tế của chính Chúa Giêsu Kitô, trong đó công cuộc thánh hóa con người được biểu tượng nhờ những dấu chỉ khả giác và được thể hiện hữu hiệu cách khác nhau theo từng dấu chỉ, và trong đó việc phụng tự công cộng vẹn toàn cũng được thực thi nhờ Nhiệm Thể Chúa Kitô, nghĩa là gồm cả Ðầu cùng các chi thể của Người[3].

Trong khi khẳng định về Phụng vụ như vâỵ, Công đồng Vatican II muốn khắc ghi ý tưởng rằng, Phụng vụ không chỉ là hình thức « phụng thờ », hành động của con người dành cho Thiên Chúa, nhưng nó cũng là quà tặng của ơn sủng Thiên Chúa, nhờ Đức Kitô làm cho tất cả Giáo hội.  Lời khẳng định về sự hiện diện của Đức Kitô trong Phụng vụ xác định rằng, Phụng vụ là một thực tại đặc biệt, một « mầu nhiệm » : một thực tại không thể chia cách hành động của Thiên Chúa và con người. Có sự hiện diện hữu hình và vô hình. Đó là Đức Kitô là người Phụng vụ đầu tiên và trong Người, và hiệp nhất với Người chúng ta cử hành Phụng vụ. Trong Phụng vụ, Thiên Chúa đón nhận hành động của con người.

Giáo hội là chủ thể của Phụng vụ nhưng đừng bao giờ chia cách đầu và thân thể : Giáo hội là thân thể của Đức Kitô kết hợp với đầu là Đức Kitô. Phụng vụ là cuộc hội thoại giữa phu quân và hôn thê, giữa Đức Kitô và Giáo hội, được hướng dẫn cho đến sự hoàn thành của mình, giao ước giữa Thiên Chúa và dân Người. Chính vì thế, Phụng vụ có lợi ích thuộc về sự xứng đáng và « hiệu quả » cao nhất và không thể so sánh :

Do đó, vì là công việc của Chúa Kitô tư tế và Thân Thể của Người là Giáo Hội, nên mọi việc cử hành Phụng vụ đều là hành vi chí thánh, và không một hành vi nào khác của Giáo Hội có hiệu lực bằng, xét cả về danh hiệu lẫn đẳng cấp[4].

Trong lá thư nhân dịp kỷ niệm 25 năm sinh nhật Hiến chế về Phụng vụ, bản văn tuyệt vời của Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã mở ra những đường hướng cho tương lai. Đức cố Giáo hoàng giải thích cách sống động :

Chẳng có gì thuộc về những gì chúng ta làm. Trong Phụng vụ chúng ta chỉ có thể xuất hiện như một sự quan trọng nhờ những gì Đức Kitô làm một cách vô hình, bởi Thánh Thần của Người. Niềm tin sống động dẫn đến tình yêu, sự tôn thờ, lời tụng ca về Chúa Cha, và sự thinh lặng của sự chiêm ngắm sẽ luôn là những vấn đề đầu tiên mà được đụng chạm đến một Phụng vụ mục vụ và bí tích[5].

Trong Phụng vụ, điều gì là đầu tiên, quả nhiên, đó là việc chiêm ngắm công trình của Thiên Chúa cho chúng ta. Cử hành Thánh Thể, trước hết đó là đi vào trong một cuộc chuyển động lớn được thiết lập trong nguồn gốc trong sự tạo dựng và cao nhất trong mầu nhiệm phục sinh của Đức Kitô chết và phục sinh vì ơn cứu độ chúng ta. Hành động tạ ơn, trong ngôn ngữ hy lạp được diễn tả qua chữ eucharistie, khẳng định cách ngắn ngọn vào trong sự vận động này mà ở đó quà tặng của Thiên Chúa là đầu tiên và ở đó, công việc của con người được hiểu là đón nhận quà tặng này, trong khi đó, tội lỗi dẫn chúng ta đón nhận quà tặng này như đó là mội đòi hỏi. Bởi vì chính khi đi vào trong sự hiệp thông thánh thiêng, vốn thuộc về Thiên Chúa, nghĩa là thuộc về quà tặng mà Phụng vụ là một lời mời gọi đến một sự không thể từ chối.

3.- SỰ HIỆN TẠI CỦA MẦU NHIỆM PHỤC SINH

Để nghi thức Phụng vụ được bám vào Truyền thống, Công đồng Vatican II đã đề nghị một định nghĩa tương tự về Phụng vụ.

Thật vậy, nhờ Phụng vụ, nhất là trong hiến tế tạ ơn, mà “công cuộc cứu chuộc chúng ta được thực hiện”. Phụng vụ góp phần rất nhiều để giúp các tín hữu đem cuộc sống mình diễn tả và biểu lộ cho những người khác mầu nhiệm Chúa Kitô và bản tính đích thực của Giáo Hội chân chính[6].

Phụng vụ làm hiện thực công trình cứu độ được hoàn thành trong Đức Giêsu Kitô, và điểm cao nhất trong cái chết và phục sinh của Người : Phụng vụ làm cho hiện tại cho chúng ta, công trình cứu độ được hoàn thành bởi Đức Kitô trong cuộc Phục Sinh của Người. Chúng ta có hạn từ « hôm nay » để nói về biến cố phục sinh của Chúa. Và vì vậy, chúng ta có thể nói ; « hôm nay là Phục Sinh ». Mầu nhiệm của Đức Kitô vì thế dẫn chúng ta đến mầu nhiệm của Giáo hội, giống như những chữ đầu tiên của Hiến chế về Giáo hội của Công đồng Vatican II đã nói[7]. Giáo hội không phải là một sự kéo dài của đời sống của Đức Kitô, nhưng nó là một dân mà Thiên Chúa đã tự chọn, qui tụ để làm chứng cho tinh yêu được bày tỏ bằng việc gởi Con của Người, chết cho tội lỗi chúng ta và phục sinh cho ơn cứu độ chúng ta.

Từ đó, Phụng vụ cung cấp một điểm cao nhất, giống như bản văn Công đồng đã nói, về những giá trị mà « các tín hữu, nhờ đời sống của họ, diễn tả và biểu tỏ cho những người khác mầu nhiệm của Đức Kitô và bản chất linh động của sự chân thật của Giáo hội ».

Điều này cho thấy rằng, Phụng vụ không bị giới hạn vào những gì được trải qua từ bên trong của Giáo hội. Hạn từ latin « missa » cho phép chúng ta dịch thành « thánh lễ » định nghĩa cho việc sai đi của cộng đoàn tụ họp. Ngay cả việc này đã được bàn thảo bởi những chuyên gia[8], chúng ta có thế thấy ở đó một cách thức để nói rằng, Phụng vụ không có sự kết thúc trong chính nó : nó là một của tất cả được hướng đến sự thông hiệp của nhân loại với Thiên Chúa, và trong cuộc thông hiệp này Giáo hội vừa là người gìn giữ, canh gác, loan báo và người làm cho nên hiện thực qua việc thực hành bác ái hướng đến tất cả loài người, vốn là hình ảnh của Người Samaria tốt lành. Đời sống của các tín hữu, đời sống gia đình hay đời sống công việc, tất cả những đoan hứa của các tín hữu cho việc phục vụ người anh em của họ quả không có gì là xa lạ trong Phụng vụ : chính cùng với cách của việc tham dự của họ vào Thánh Thể. Thánh Thể qui tụ tất cả đời sống của thế giới để dẫn vào trong lễ vật trọn hảo mà Người Con đã làm bởi chính người trên Thập Giá.

Phụng vụ đáng được xem là việc thực thi chức vụ tư tế của chính Chúa Giêsu Kitô, trong đó công cuộc thánh hóa con người được biểu tượng nhờ những dấu chỉ khả giác và được thể hiện hữu hiệu cách khác nhau theo từng dấu chỉ, và trong đó việc phụng tự công cộng[9] vẹn toàn cũng được thực thi nhờ Nhiệm Thể Chúa Kitô, nghĩa là gồm cả Ðầu cùng các chi thể của Người (HCPV, số 7).
 

Viết theo:

– Bài nói chuyện của frère Patrick Prétot osb, giáo sư phụng vụ Học viện Công giáo Paris : « Introduction à la théologie de la liturgie à la lumière de l’enseignement du Vatican II », tháng 5 năm 2012.

– La Maison-Dieu, số 268 : « Retour sur la réforme liturgique de Vatican II ».


[1] Xem Dom Guéranger, L’année liturgique, « Préface », 1e éd., 1841.

[2] Xem Dom Lambert Beauduin, La piété de l’Eglise, 1914 ; sáng lập công đoàn Đan viện Chevetogne, Dom Beauduin đã lam phát triển từ những năm trước của thế chiến thứ nhất, rất nhiều những trực cảm trở thành trọng tâm của công trình của Vatican II, nhất là vị trí của Phụng vụ trong đời sống kitô hữu, đại kết và sự tiếp cận một nền thần học về mầu nhiệm Giáo hội.

[3] Vatican II, Hiến chế về Phụng vụ, số 7.

[4] Như trên. số 7.

[5] Jean-Paul II, lettre apostolique Vicesimus quintus annus, pour 25e anniversaire de la Constitution sur la Liturgie, datée du 4 décembre 1988, publiée le 14 mai 1989, La Documentation Catholique, số 1985, 4 juin 1989, col. 518-512, số 10.

[6] Vatican II, Hiến chế về Phụng vụ, số 2.

[7] Vatican II, Hiến chế về Giáo hội, số 1 : « Đức Kitô là Ánh Sáng của muôn dân ; cũng vậy…. sự hiệp nhất của tất cả nhân loại ».

[8] Xem Bernard Botte, « Ite missa est » trong Bernard Botte và Mohrmann, L’Ordination de la messe. Texte ceritique, traduction et études, Paris, Louvain, Cerf-Abbaye du Mont-César, 1953, tr. 145-149.

[9] Các cử hành Phụng vụ đều không phải là động tác riêng thuộc về một cá nhân hay một nhóm người nào phụng tự riêng tư) nhưng là cử hành của toàn thể Giáo Hội. Nói đúng hơn đó là hành động của chính Chúa Kitô, Thủ Lãnh Giáo Hội và của tất cả mọi chi thể trong Nhiệm Thể. Ðầu và tất cả chi thể đều cầu nguyện, đều hoạt động qua cử chỉ và việc làm của thừa tác viên. Từ ngữ “công cộng” trong Phụng vụ hàm chứa ý nghĩa hoàn hảo, nó chỉ việc phụng tự của toàn thể một xã hội (ở đây tức là Giáo Hội) với tư cách là một xã hội.

Ví dụ: việc lần chuỗi có thể được đọc chung nhưng thực ra đó không phải là lời cầu nguyện Phụng vụ, mà vẫn là một động tác phụng tự “riêng tư”. Nói cách khác đó là việc cầu nguyện của một cá nhân hay của một nhóm người.

Trái lại Thánh Lễ, các Bí Tích, Á Bí Tích và Kinh Nhật Tụng, dù chỉ được thừa tác viên cử hành một mình hay đọc riêng, luôn luôn vẫn là hành động phụng tự “công cộng”, là hoạt động của Chúa Kitô và của Giáo Hội Người mà thừa tác viên cử hành là đại diện. Do đó sự công hiệu của lời nguyện Phụng vụ không do công trạng của thừa tác viên nhưng do chính những công trạng vô bờ bến của Chúa Kitô và Giáo Hội.