Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Tổng Quan Về Bí Tích Thánh Thể (3)

Administrator
2018-09-23 09:20 UTC+7 24
Tác giả: LUDWIG OTT *** ĐOẠN III BÍ TÍCH THÁNH THỂ LÀ HY TẾ *** CHƯƠNG MỘT THỰC TẾ VỀ HY TẾ THÁNH LỄ ***   I. ĐẶC TÍNH HY TẾ CỦA BÍ TÍCH THÁNH THỂ THEO GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH Ý niệm về hy tế Phận vụ cơ bản nhất của chức vụ […]


Tác giả: LUDWIG OTT

***

ĐOẠN III

BÍ TÍCH THÁNH THỂ LÀ HY TẾ

***

CHƯƠNG MỘT

THỰC TẾ VỀ HY TẾ THÁNH LỄ

***

 

I. ĐẶC TÍNH HY TẾ CỦA BÍ TÍCH THÁNH THỂ THEO GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH

Ý niệm về hy tế

Phận vụ cơ bản nhất của chức vụ tư tế là hy tế. Dt 8,3: “Bất cứ ai được phong làm thượng tế cũng là để dâng lễ vật và tế phẩm.” Công đồng Tridentinô giải thích: “Theo ý định của Thiên Chúa, hy tế và chức tư tế luôn kết hợp chặt chẽ với nhau và cả hai tồn tại trong một ý định cứu độ.” D 957.

Theo nghĩa rất rộng, người ta hiểu HY TẾ là hiến dâng bất cứ một cái gì tốt lành vì một mục đích tốt. Trong tôn giáo, theo ý nghĩa rộng, người ta hiểu Hy Tế là một hành động nội tâm tự hiến mình cho Thiên Chúa và một cách công khai hóa ý niệm hy tế nội tâm này, tỉ dụ như kinh nguyện, bố thí, hy sinh. So Tv 50,19; 140,2; Hs.14,3 ; Kn 35,4 ; Rm 12,1. Theo ý nghĩa hẹp trong phụng vụ người ta hiểu Hy Tế là hành động tôn giáo bộc lộ ra bên ngoài, trong đó một người phục vụ Thiên Chúa cách hợp pháp dâng một lễ vật có ý nghĩa để công nhận vinh quang tối của Thiên Chúa và từ khi con người sa ngã còn để giao hòa với Thiên Chúa.

Để thuộc về lễ vật phụng tự gồm có những điều sau đây:

a) Một lễ vật hy tế khả giác ( RES OBLATA), thay thế vị trí của người dâng lễ vật ;

b) Linh mục dâng lễ (MINISTER SACRIFICII) có quyền làm đại diện cho cộng đoàn ;

c) Một mục đích dâng hy tế (FINIS SACRIFICII), đầu tiên nằm trong việc công nhận quyền tối cao tuyệt đối của Thiên Chúa qua việc thờ lạy, cảm tạ và cầu xin và thứ đến trong việc giao hòa với Thiên Chúa qua việc đền tội ;

d) Một hành động dâng hy tế (ACTIO SACRIFICA, SACRIFICUM VISIBILE) nói lên ý niệm hy tế bên trong (sacrificium invisibile) qua việc dâng lễ vật.

1. Giáo lý của Hội Thánh

THÁNH LỄ LÀ MỘT HY TẾ THỰC SỰ VÀ ĐÚNG NGHĨA. De fide.

Để chống lại những cuộc tấn công của giáo phái Tin Lành phủ nhận đặc tính Hy Tế của Bí Tích Thánh Thể hay chỉ xem như là một Hy tế không chính đáng, Công Đồng Tridentinô tuyên bố, Bí Tích Thánh Thể là một hy tế thực sự và chính đáng : SI QUIS DIXERIT, IN MISSA NON OFFERRI DEO VERUM ET PROPRIUM SACRIFICIUM, AUT QUOD OFFERRI NON SIT ALIUD QUAM NOBIS CHRISTUM AD MANDUCANDUM DARI, ANATHEMA SIT. D 948. Trước cả giáo phái Tin Lành, Wiclif cũng đã phủ nhận việc Đức Kitô thiết lập Hy Tế Thánh Lễ. D 585.

Những kết án nặng nề của giáo phái Tin Lành đều xuất phát từ những tiền đề không đúng đắn ; họ cho rằng theo giáo lý công giáo có một hy tế thánh lễ cận kề với Hy Tế Thập Giá của Đức Kitô và như thế căn cứ vào hành động hiến tế của linh mục ex opere operato mang lại ơn tha thứ tội lỗi và hình phạt tội lỗi (Apoligia Conf. Art. 24). So Luther, Articuli Smalc. P. II Art. 2 ; Calvin, Inst.christ.rel. IV 18,1-3 ; Heidelberger Katechismus, Frage 80 (“eine vermaldeite Abgoetterei”).
 
2. Phân biệt giữa Bí tích và Hy tế

Mặc dù Bí Tích và HY TẾ đều cùng do một việc truyền phép mà hình thành, nhưng thực sự cả hai theo ý niệm lại khác nhau. Bí Tích Thánh Thể là Bí Tích, khi Đức Kitô được lãnh nhận như lương thực cho linh hồn; Bí Tích Thánh Thể là Hy Tế, khi Đức Kitô tự dâng hiến mình lên Cha như của lễ: RATIONEM SACRIFICII HABET, INQUANTUM OFFERTUR, RATIONEM SACRAMENTI AUTEM, INQUANTUM SUMITUR, ET IDEO EFFECTUM SACRAMENTI HABET IN EO, QUI SUMIT, EFFECTUM AUTEM SACRIFICII IN EO, QUI OFFERT VEL IN HIS, PRO QUIBUS OFFERTUR. S.th. III 79,5. BT có mục đích đầu tiên là thánh hóa con người, còn Hy Tế là tôn vinh Thiên Chúa. Bí Tích Thánh Thể được xem như Bí Tích là một thực tại trường tồn (RES PERMANENS), nhưng nếu được xem như là Hy Tế sẽ là một hành động mau qua (ACTIO TRANSIENS).

II. ĐẶC TÍNH HY TẾ CỦA BÍ TÍCH THÁNH THỂ THEO CHỨNG CỨ THÁNH KINH

1. Chứng cứ từ Cựu Ước

a. Lễ vật của Melchisedech như là tiền ảnh của Hy Tế Thánh Lễ

Đoạn St 14,18t tường trình: “Và Melchisedech, vua xứ Salem, mang bánh và rượu ra – vì ông ta là tư tế của Thiên Chúa tối cao – và ông chúc lành cho ông (=Abraham)”. Theo cách giải thích truyền thống, Melchisedech mang bánh và rượu ra (proferens, chứ không phải là offerens), để dâng lên Thiên Chúa một lễ vật như thói quen của các người chiến thắng, chứ không phải để bồi dưỡng các chiến sĩ đang mệt lả. Ý nghĩa này được nhấn mạnh qua việc hướng ý rõ ràng vào chức tư tế của Melchisedech. Hành động đặc biệt của chức tư tế là Hy Tế. Theo lời tiên tri mang tính Mêssias ở Thánh Vịnh 109,4, được lá thư Do Thái xác nhận (5,6 ; 7,1t) Đức Kitô là Thượng tế theo phẩm trật Melchisedech, có nghĩa là Người vừa là Vua, vừa là Thượng tế, và theo như cách giải thích truyền thống, Người mang một lễ vật tương tự như Melchisedech. Lễ vật này chỉ có thể thấy được trong việc hiến dâng chính Mình và Máu thánh Người dưới hình bánh rượu nơi bàn Tiệc Ly và trong Thánh Lễ mà thôi.

Như truyền thống Do Thái (Philo) và Kitô giáo đều chấp nhận, Melchisedech dâng lên Thiên Chúa một lễ vật là Bánh và rượu. Các giáo phụ đều nhìn lễ vật của Melchisedech như tiền ảnh cho Hy Tế thánh lễ. Augustinus nói: “Nơi đó lần đầu tiên xuất hiện hy tế mà hiện tại các Kitô hữu khắp cùng mặt đất dâng lên Thiên Chúa” (De civ. Dei XVI 22). So Cyprian, Ep. 63,4 ; Hieronymus, In Matth. IV 26,26 ; Lễ qui “Supra quae”.

b. Tiên báo của ngôn sứ Malakhi

Trong đoạn Ml 1,10t Thiên Chúa dùng miệng ngôn sứ nói cùng các tư tế Do Thái: “Thiên Chúa các đạo binh phán : Không ai trong các người làm đẹp lòng Ta cả, nên Ta không chấp nhận một lễ vật nào do tay các ngươi. Từ nay Danh Ta sẽ vĩ đại giữa chư dân từ khi mặt trời mọc đến lúc chiều tà, và mọi nơi người ta sẽ dâng cho Ta một lễ vật, một lễ vật Hy tế tinh tuyền. Vì Danh Ta vĩ đại giữa chư dân. Chúa các đạo binh phán như thế !”.

Trong câu này, Thiên Chúa không còn đón nhận lễ vật không tinh sạch của các tư tế Do Thái nữa; Người cho nhân loại một cái nhìn về Hy Tế mới, tinh tuyền hơn. Câu này lại càng không được hiểu về hy tế của dân ngoại, hy tế của các tân tòng Do Thái Giáo (Proselyten) và của các người Do Thái ngoại cư (Diasporajuden); chỉ vì lễ vật của những người ngoại giáo không thể là Hy tế tinh tuyền được vì bị nhơ nhớp do việc thờ bụt thần (x. 1 Cr 10,20); lễ vật của các người Do Thái ngoại cư cũng không dâng hiến “ở khắp mọi nơi” được. Lễ vật của người Do Thái ngoại cư ngoài Giêrusalem đều bị coi là không hợp lệ. Tính đại đồng được công bố về việc tôn thờ Thiên Chúa và của Hy Tế mới hướng ý vào thời đại Mêssias (x.Tv.21,28tt ; Is 49,6). Ở đây cũng không thể nói đến Hy Tế thập giá, vì chỉ dâng hiến có một nơi mà thôi. Lời tiên báo chỉ được nên trọn trong Thánh Lễ, vì Hy tế thánh lễ được dâng lên ở khắp mọi nơi (theo nghĩa phổ quát luân lý) và là Hy tế tinh tuyền căn cứ vào lễ vật và tư tế tiên khởi dâng lễ vật. So D 939.

Truyền thống cổ đều nhìn nhận tiên báo của Malachi hướng tới BTTT. (x. Didache 14,3 ; Justin, Dial. 41 : Irênêus , Adv.haer. IV.17,5 ; Augustinus, Tract.adv. Jud. 9,13).

c. Ngôn sứ Isaia nói gì

Ngôn sứ ISAIA công bố một chức vụ tư tế xuất phát từ ngoại giáo vào thời Mêssias: “Đức Ya-vê phán : từ nơi chúng Ta sẽ tuyển chọn các tư tế và Lê-vi” (66,21). Theo quan niệm Cựu Ước, không thể có chức tư tế mà không có lễ vật được.

2. Chứng cứ từ Tân Ước

a. Thiết lập Hy Tế Thánh Lễ

Một sự kiện làm chứng cho tính Hy Tế của BT TT là, Đức Kitô thiết lập cho Mình và Máu thánh Người hiện diện trong hai hình dạng tách biệt và trong hình thức một hy tế. Hai hình dạng tách biệt trình bày cách biểu trưng sự tách lìa thật sự trong Hy Tế thập giá giữa Mình và Máu thánh Đức Kitô.

Các lời thiết lập minh chứng đặc tính Hy Tế của BT TT. Đức Kitô đã xem Mình Người là thân xác hy tế và Máu Người là Máu Hy tế, khi phán: “Đây là mình Thầy, hy sinh vì anh em.” “Đây là máu Thầy, đổ ra vì anh em”. Những thuật ngữ “hiến dâng thân xác”, “đổ máu” là những thuật ngữ (termini) nói về Hy Tế trong Thánh Kinh, muốn nhấn mạnh việc dâng hiến một lễ vật thực sự và chính đáng.

Hơn nữa, Đức Kitô xem Máu của Người là “Máu Giao Ước”. Vì Giao Ước Cũ của Thiên Chúa với Ítraen chỉ được ký kết qua một việc hiến dâng lễ tế nhuốm máu (Xh 24,8 :“Đây là máu giao ước, Thiên Chúa ký kết với các ngươi”), nên theo ý nghĩa của Thánh Kinh, máu giao ước cũng đồng nghĩa với máu Hy Tế.

Từ thì hiện tại của các gốc động từ didoménon (Lc) và ekchunnoménon (Mt, Mc, Lc), người ta kết luận rằng, hành động hy tế được hoàn tất trong hiện tại, nghĩa là ngay trong bàn Tiệc Ly. Về ngôn từ có thể liên kết với tương lai gần; về đối tượng cũng có thể có liên hệ đến việc hiến dâng và đổ máu ở thập tự, cho dù Tiệc Ly có thể là một hy tế độc lập cận kề với Hy tế thập giá. Vì theo lời thiết lập có sự đồng nhất về số lượng giữa mình và máu hiện diện nơi bàn Tiệc Ly và Mình và Máu tận hiến ở Thập Giá, có thể kết luận rằng, sự tận hiến ở thập giá cùng hiện diện với Mình và Máu thánh. Đấy là cách nói ở Lc 22,20, khi nói về sự “sẽ đổ ra” của chén trong bàn Tiệc Ly.

Từ mệnh lệnh :“Hãy làm việc này để tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22,19 ; 1 Cr 11,24) rút ra kết luận, Hy tế BT TT là một thiết lập trường tồn của giao ước mới.

b. Những cách giải thích về Hy Tế Thánh Lễ

Dt 13,10: “Chúng ta có một bàn thờ ; những gì dâng trên đó, các người lo việc phụng tự trong Lều không có quyền ăn.” Việc “ăn từ bàn thờ” chỉ về việc hưởng thụ lễ vật đã được dâng lên. Theo mặt chữ câu này có thể ám chỉ việc Rước Mình Thánh Chúa, hay theo một chuyển ý, có thể hiểu việc chia sẻ vào kết quả của Hy Tế Thập Giá của Đức kitô. Theo văn mạch có lẽ nghiêng về cách giải thích thứ hai nhiều hơn. (so câu 11t).

Đoạn 1 Cr 10,16-21 so sánh việc lãnh nhận BT TT với việc hưởng thụ lễ vật của Do Thái giáo và ngoại giáo : Việc chia sẻ “Bàn Tiệc của Chúa” phải loại trừ việc chia sẻ “bàn tiệc của ma quỷ”. Câu 21: “Anh em không thể vừa uống chén của Chúa, vừa uống chén của ma quỷ được ; anh em không thể vừa ăn ở bàn tiệc của Chúa, vừa ăn ở bàn tiệc của ma quỷ được.” Lý luận này buộc phải có tiền đề, BT TT là lương thực của lễ vật ; mà tiệc hy tế không thể nào không có việc dâng lễ vật được.

III. ĐẶC TÍNH HY TẾ CỦA BÍ TÍCH THÁNH THỂ THEO CHỨNG CỨ CỦA THÁNH TRUYỀN

1. Các chứng nhân trước Công đồng Nicêa

A. Harnack và Fr. Wieland cho rằng, Hội Thánh vào hai thế kỷ đầu chỉ biết đến lễ vật ca tụng, lễ vật thờ lạy và lễ vật tạ ơn vừa chủ quan, vừa tinh thần mà thôi. Mãi đến thời Irênêus (theo Harnack mãi đến thời Cyprian) thay vì lễ vật nội tâm, bấy giờ mới có lễ vật cụ thể, bên ngoài, đó là Mình Máu Đức Kitô.

Theo chứng cứ các truyền thống cổ xưa, chúng ta thấy rõ ràng Hội Thánh luôn luôn nhận BT TT là Hy Tế lễ vật khách quan.

– Sách Didache (chương 14) cho chúng ta một hướng dẫn: “Ngày của Chúa anh em hãy tụ họp lại, bẻ bánh và đọc lời Tạ Ơn, sau khi anh em thú nhận tội lỗi, để lễ vật của anh em được tinh sạch. Ai còn bất hòa với người khác, thì không được phép đến với anh em, cho đến khi họ đã giao hòa, để lễ vật của anh em đừng bị tục hóa. Vì đây là lễ vật mà Chúa đã nói đến: Ở mọi thời và mọi nơi, người ta sẽ dâng lên Ta một lễ vật tinh tuyền; vì Ta là vua vĩ đại và Danh Ta vinh hiển giữa chư dân, Đó là lời Chúa phán” (Ml 1,11.14). Việc so sánh BT TT với lễ vật được ngôn sứ Malachi tiên báo và với đoạn Mt 5,23t (“Khi ngươi mang lễ vật đến bàn thờ”) đều minh chứng rằng, người ta đã thất BT TT là lễ vật hy tế bên ngoài chứ không phải chỉ nội tâm.

– Theo Clemens thành Rôma (khoảng 96), bổn phận các Giám mục là dâng hiến lễ vật Hy tế. Kor. 44,4: “Đối với chúng ta đấy không phải là tội mọn, khi chúng ta là những người dâng lễ vật cách thánh thiện và không bị chê trách, lại bị ép buộc vì chức Giám mục của chúng ta.” Thuật ngữ “dâng lễ vật” phải cho thấy đây là lễ vật cụ thể.

– Ignatius thành Antiochia (+ khoảng 107) làm nổi bật đặc tính Hy tế của BT TT, khi nối kết BT TT với bàn thờ; bàn thờ là nơi dâng lễ vật. Philad. 4: “Hãy ghi nhớ chỉ cử hành một BT TT ; vì chỉ có một Mình thánh của Chúa Giêsu Kitô và chỉ có một chén hiệp nhất với Máu của Người, chỉ có một bàn thờ, cũng như chỉ có một vị Giám mục cùng với các Linh mục và phó tế.” So Eph. 5,2.

– Justin vị tử đạo (+ khoảng 165) nhìn lễ vật bột mì của người được chữa sạch khỏi bệnh phong là tiền ảnh của BT TT. Theo ngài, lễ vật tinh tuyền được dâng lên ở khắp nơi, được ngôn sứ Malachi tiên báo, là “Bánh của BT TT và chén của BT TT” (Dial. 41). Theo như đoạn Apol. I 66, Bánh của BT TT là Mình Chúa Kitô, và chén của BT TT là Máu của Đức Kitô. – Theo đoạn Dial. 117, hình như Justin chuyển Hy tế BT TT vào những lời nguyện và tạ ơn được đọc trong cử hành BT: “Tôi cũng cho rằng, những lời nguyện cầu và tạ ơn do những người xứng đáng dâng lên, là những lễ vật duy nhất thiện toàn và đẹp lòng Thiên Chúa. Chỉ vì những điều này hữu ích cho Kitô hữu.” Ghi chú này là để chống lại lễ vật cụ thể vật chất của Do Thái giáo. Điều này không phủ nhận, việc Mình và Máu Đức Kitô cùng với các kinh nguyện và tạ ơn được dâng lên, như là lễ vật hy tế của các người Kitô hữu, như ở câu 41.

– Irênêus thành Lyon (+khoảng 202) dạy rằng, Mình và Máu thánh Chúa Kitô là “Hy tế mới của Giáo Ước mới” “mà Hội Thánh lãnh nhận từ các Tông Đồ truyền lại và đã dâng hiến lên Thiên Chúa trên khắp mặt đất”. Điều này làm ứng nghiệm lời tiên báo của ngôn sứ Malachi (Adv. haer. IV 17,5 ; so IV 18, 2 và 4).

– Tertullian (+ sau năm 220) xem việc tham dự vào cử hành BT TT như là “đứng cạnh bàn thờ Chúa” và hiệp lễ là “chia sẻ vào hy tế” (participatio sacrificii : De orat.19).

– Cyprian (+ 258) dạy rằng, Đức Kitô theo phẩm hàm Melchisedech, “dâng một hy tế lên Thiên Chúa Cha và thực đó là cùng một lễ vật như Melchisedech đã dâng tiến, có nghĩa là bánh và rượu, nhưng ở nơi Đức Kitô là Mình và Máu thánh của Người” (Ep.63,4). “Vị linh mục thực hành lại những gì Đức Kitô đã làm, trong thực tế là đứng vào vị trí của Đức Kitô và ông dâng lên Thiên Chúa ngay trong Hội Thánh một lễ vật chân thật và tinh toàn, khi ông bắt đầu dâng lễ vật, thì là chính Chúa Kitô đã dâng hiến” (Ep.63,14).

2. Các chứng nhân sau Công đồng Nicêa

Những chứng nhân nổi bật nhất sao thời Công Đồng Nicêa là Cyrill thành Giêrusalem, Johannes Chrysostomos, Ambrosius và Augustinus.

– Cyrill thành Giêrusalem (+386) tả lại một buổi cử hành Thánh Lễ vào thời của ngài tại Giêrusalem trong bài giáo lý khai tâm thứ 5. Việc cử hành BT TT được ngài gọi là Hy tế thiêng liêng, phụng vụ Thiên Chúa cách không đổ máu, hy tế giao hòa (số 8). Lễ vật hy tế chính là “Đức Kitô bị sát tế vì tội chúng ta”.

– Johannes Chrysostomos (+407) đặt nền tảng cho chức linh mục công giáo đặc biệt trên tính cao vời của Hy tế BT TT mà lễ vật Hy tế chính là Đức Kitô Chúa chúng ta (De sacerd. III 4). Ngài khuyên nhủ: “Hãy kính sợ ! Hãy kính sợ trước bàn thờ này nơi chúng ta được tham dự ! Hãy kính sợ trước Đức Kitô, Đấng bị sát tế vì chúng ta ! Hãy kính sợ hy tế nằm trên bàn thờ” (In Rom. hom. 8,8).

– Ambrosius (+ 397) dạy rằng, nơi Thánh Lễ, Đức Kitô vừa là lễ vật Hy tế vừa là linh mục tế hiến: “Cho dù hiện tại chúng ta không thấy Đức Kitô đang được hiến tế, nhưng thực sự chính Người hiến tế, khi Người dâng Mình thánh Người. Vâng, điều này cho thấy, chính Người tự hiến dâng trong ta, vì lời Người thánh hóa lễ vật được dâng lên” (In Ps. 38,25).

– Augustinus (+430) minh chứng rằng “lễ vật hằng ngày của Hội Thánh” là BT, có nghĩa là phản ảnh cách mầu nhiệm hy tế duy nhất của Đức Kitô trên cây thập giá, nơi đó Đức Kitô vừa là lễ vật, vừa là linh mục hiến tế trong một cá vị (De civ. Dei X 20 ; so Ep. 98,9). Hy tế của người Kitô hữu là Hy tế phổ quát đã được ngôn sứ Malachi tiên báo (Tract. avd. Jud. 9,13).

– Cùng với các giáo phụ, những phụng vụ cổ xưa cũng minh chứng đặc tính Hy tế của BT TT. So lời kinh Hiến tế (Anaphora) của Serapion thành Thmuis và những kinh tiếp sau truyền phép trong lễ qui Rôma.

– Thần học Kinh Viện trên căn bản đều đứng trên lập trường của các giáo phụ. So S.th. III 83,1. Nhiều cách giải thích về Thánh Lễ trong thời Trung Cổ thường chú ý vào khía cạnh phụng vụ nhiều hơn là thần học tín lý về Thánh Lễ. Chỉ vào thời mới người ta mới triển khai sâu rộng về Hy tế Thánh lễ.

***

CHƯƠNG HAI

BẢN CHẤT CỦA HY TẾ THÁNH LỄ

 

I. LIÊN HỆ GIỮA HY TẾ THÁNH LỄ VÀ HY TẾ THẬP GIÁ

1. Đặc tính tương đối của hy tế thánh lễ

TRONG HY TẾ THÁNH LỄ, HY TẾ THẬP GIÁ CỦA ĐỨC KITÔ ĐƯỢC DÂNG LÊN CÁCH BÍ TÍCH, ĐƯỢC TƯỞNG NHỚ VÀ ĐƯỢC LÃNH NHẬN CHÍNH SỨC MẠNH ƠN CỨU ĐỘ CỦA HY TẾ THẬP GIÁ. De fide.

Trong khi Hy tế thập giá là một Hy tế tuyệt đối, vì hy tế này không phải là tiền ảnh cho một hy tế tương lai, cũng không phải canh tân một hy tế quá khứ, thì Hy tế Thánh Lễ là một Hy tế tương đối, vì có liên hệ bản chất với Hy Tế thập giá. Công đồng Tridentinô dạy: Đức Kitô đã để lại cho Hội Thánh một hy tế khả giác, “trong đó hy tế đổ máu được thực hiện một lần duy nhất trên thánh giá, hiện tại được dâng lên cách bí tích, để tưởng nhớ cho đến tận cùng trái đất và để được hưởng nhờ sức lực cứu độ tha thứ tội lỗi mà chúng ta vấp phạm hằng ngày”. D 938.

Căn cứ vào định nghĩa này, liên hệ giữa Hy tế Thánh Lễ với Hy tế thập giá được xác định rõ hơn như là dâng lên cách bí tích (repraesentatio), tưởng nhớ (memoria) và hưởng dùng (applicatio). Hy tế thánh lễ là dâng lên cách bí tích Hy tế thập giá của Đức kitô, khi Mình và Máu Hy Tế của Đức Kitô hiện diện dưới hai hình bị tách biệt nhau biểu trưng cho việc tách rời thực sự giữa Mình và Máu Đức Kitô trên thập giá. Hơn nữa Hy Tế Thánh Lễ là một tưởng niệm hy tế thập giá được thực hiện kéo dài cho đến tận thế, đấy là điều ghi trong kinh ANAMNESE, kinh Tưởng Niệm tiếp nối lời Truyền Phép. Nhưng đây không chỉ là một cử hành tưởng niệm suông, mà còn là một Hy tế thật và chính đáng. Hy tế Thánh lễ được dâng lên để con người cần đến ơn cứu độ được hưởng dùng đến những công nghiệp của Hy Tế thập giá. Quyển Giáo Lý Rôma (Catechismus Romanus) xác định liên hệ giữa Hy Tế Thánh Lễ và Hy tế thập giá là việc tưởng niệm (instauratio ; II 4, 68. 74).

Từ tính chất tương đối của Hy Tế thánh lễ không đem lại gì thêm cho Hy Tế thập giá, nhưng lại múc nguồn sức lực của mình từ Hy Tế thập giá, và đổ tràn công nghiệp của Hy tế thập giá xuống cho con người.

Trong Thánh Kinh, liên hệ giữa Hy Tế Thánh Lễ và Hy Tế thập giá được nêu lên trong những lời thiết lập (dâng hiến mình, đổ máu), trong mệnh lệnh: “Hãy làm việc này để tưởng nhớ đến Thầy”, và đặc biệt trong lời giải thích mà Phaolô thêm vào lời này: “Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết” (1 Cr 11,26).

Trong các giáo phụ, đã có Justin nói về việc tưởng nhớ cuộc khổ nạn của Chúa trong liên hệ với việc cử hành BT TT (Dial. 117,3. Sp Cyprian, Ep. 63, 9 và 17.

2. Sự đồng nhất cơ bản giữa hy tế thánh lễ với hy tế thập giá

TRONG HY TẾ THÁNH LỄ VÀ HY TẾ THẬP GIÁ, LỄ VẬT VÀ LINH MỤC HIẾN TẾ ĐỀU GIỐNG NHAU ; CHỈ CÓ KHÁC CÁCH THỨC DÂNG HIẾN MÀ THÔI. De fide.

Công đồng Tridentinô tuyên bố : UNA EADEMQUE EST HOSTIA, IDEM NUNC OFFERENS SACERDOTUM MINISTERIO, QUI SE IPSUM TUNC IN CRUCE OBTULIT, SOLA OFFERENDI RATIONE DIVERSA. D 940. So với Thông Điệp MEDIATOR DEI của Đức Giáo Hoàng Piô XII (1947).

Lễ vật chính là Mình và Máu Chúa Kitô, hay rõ hơn (per concomitantiam) trọn vẹn Đấng Thiên-Nhân Giêsu Kitô. Các hình dạng BT đem lại cho lễ vật một sự hiện diện khả giác, nhưng lại không thuộc vào lễ vật Hy tế. Vị linh mục hiến tế chính là Đức Giêsu Kitô, Đấng sử dụng các linh mục trần thế làm dụng cụ và đại diện cho Người, để họ hoàn tất việc truyền phép. Theo ý kiến của thánh Tôma, chính Đức Kitô hoàn tất hành động hy tế một cách hiện thực, trực tiếp trong mỗi thánh lễ, hành động này không phải là tổng hợp những cử động tiếp nối trong dâng hiến, nhưng phải nhớ đấy chỉ là hành động hy tế duy nhất liên tục của Đức Kitô vinh quang. Cả mục đích của hy tế cũng đồng nhất giữa Hy tế Thánh Lễ cũng như Hy tế Thập giá : trước tiên là để tôn vinh Thiên Chúa, thứ đến là để đền tội, tạ ơn và cầu khẩn.

Trong khi lễ vật hy tế và linh mục hy tế đồng nhất về số lượng, thì hành động hy tế bên ngoài lại khác nhau về số lượng và đặc thù. Nơi Thập giá, lễ vật được dâng hiến cách đổ máu, qua việc thực sự tách biệt giữa Mình và Máu ( immolatio realis); trong thánh lễ Mình Máu thánh được dâng lên cách không đổ máu, qua việc tách biệt cách huyền nhiệm Mình và Máu Thánh (immolatio mystica).

II. BẢN CHẤT THỂ LÝ CỦA HY TẾ THÁNH LỄ

Vấn nạn về bản chất thể lý của hy tế thánh lễ chỉ muốn nêu lên : phần nào của thánh lễ mới chính là hành động hy tế thật sự ?

1. Xác định tiêu cực

a. Hành động hy tế cơ bản không thể nằm trong OFFERTORIUM (dâng lễ vật): chỉ vì lễ vật đúng nghĩa không phải là bánh và rượu, nhưng là Mình và Máu thánh Chúa Kitô (D 949: UT… OFFERENS CORPUS ET SANGUINEM SUUM). Việc dâng lễ vật chỉ là để chuẩn bị lễ vật mà thôi.

b. Hành động Hy tế cơ bản cũng không thể là việc hiệp lễ KOMMUNIO của linh mục được. Tiệc hy tế không thuộc về bản chất của Hy tế ; chỉ vì có lễ vật thật không cần đến tiệc hy tế, tỉ dụ như Hy tế thập giá Chúa Kitô. Việc hưởng thụ Hy tế luôn luôn phải có việc hoàn tất hy tế đi trước. Việc hiệp lễ không phải được thực hiện trong Danh Đức Kitô, vị linh mục tiên quyết, cũng không phải như chính hy tế nhắm để tôn vinh Thiên Chúa, nhưng là nhằm vào lợi ích của người lãnh nhận và chính vì thế không phải là việc dâng hiến thích hợp của Hy tế của Đức Kitô. Chống lại việc đặt hành động cơ bản của hy tế ngang hành với việc hiệp lễ, công đồng Tridentinô giải thích: “Việc được dâng lên khác hẳn với việc Đức Kitô tự ban mình để chúng ta hưởng dùng” (D 948).

c. Hành động cơ bản của Hy tế cũng không thể là việc hiệp lễ của linh mục liên kết với việc truyền phép, như nhiều nhà thần học theo lý thuyết Hủy Hoại (Destruktionstheorie), theo lý thuyết này bản chất của hy tế cần phải có một sự hủy hoại (tỉ như Bellarmin, J. de Hugo). Bỏ qua tiền đề mơ hồ này, thực sự trong việc hiệp lễ không có việc lễ vật bị hủy hoại, nhưng chỉ có hình dạng là bị hủy hoại. Lý chứng của phần b) trên cũng chống đối ý kiến này.

Việc hiệp lễ của linh mục không phải là thành phần cấu trúc của thánh lễ, nhưng chỉ là thành phần làm trọn vẹn thôi, vì người dâng lễ vật được sắp xếp để hưởng dùng lễ vật. Việc hiệp lễ của tín hữu không cần cho việc thành hiệu cũng như tính hợp lệ của hy tế thánh lễ, nhưng Hội Thánh rất khuyến khích. D 955. So D 944, 1528.

d. Hành động cơ bản của Hy tế cũng không phải là kinh Tiến Dâng đi liền sau Truyền Phép (J. Eck), vì trong kinh này vị linh mục không đọc nhân danh Chúa Kitô, nhưng là trong danh nghĩa linh mục và danh nghĩa của cộng đoàn. Kinh này cũng không do Chúa Kitô đặt ra và trong mọi trường hợp đặc biệt cũng bị loại trừ.

e. Việc Bẻ Bánh (M. Cano) và việc hòa lẫn hai hình dạng cũng không thuộc về hành động cơ bản của Hy tế ; vì hai hành động này không trực tiếp thuộc về lễ vật những hoàn tất trên các hình dạng, nên cũng bị loại trừ. Việc hòa hai hình dạng với nhau đều do Hội Thánh lập ra.

3. Xác định tích cực

HÀNH ĐỘNG CƠ BẢN CỦA HY TẾ CHỈ NẰM TRONG VIỆC BIẾN THỂ MÀ THÔI. Sent. communis.

Việc biến thể là do Chúa Kitô thiết lập, được linh mục nhân danh Đức Kitô hòan tất trên lễ vật và đó là việc dâng lên Hy tế thập giá. Để hình thành lễ vật, cần có hai lần truyền phép, như Đức Kitô đã làm trong buổi Tiệc Ly. Ngoài gương của Chúa Kitô, việc truyền phép hai lần cũng cần thiết, để trình bày theo cách thức bí tích việc phân chia thực sự Mình và Máu Chúa Kitô như nơi thập giá.

Theo Gregor thành Nazianz, khi đọc các lời truyền phép, vị linh mục “cắt một nhát không đổ máu chia Mình và Máu thánh Chúa ra; lời ngài như lưỡi gươm sắt bén” (Ep. 171). Theo cách nói của các giáo phụ, các thần học gia cũng nói về một cuộc sát tế không đổ máu hay là mầu nhiệm (immolatio incruenta, mactatio mystica) của Chiên Thiên Chúa. Cả thánh Tôma cũng đưa hành động cơ bản Hy tế vào trong việc truyền phép. S.th. III 82,10.

III. BẢN CHẤT SIÊU HÌNH CỦA HY TẾ THÁNH LỄ

Vấn nạn về bản chất siêu hình của hy tế thánh lễ chỉ muốn nêu lên : Việc truyền phép, nói rõ hơn hai lần truyền phép đã tạo ra cái gì cho hành động cơ bản của hy tế ?
 

1. Giải quyết mơ hồ

Trong hành động dâng hiến (Oblatio) tạo nên bản chất của hành động hy tế, người ta phải phân biệt hai mặt : mặt ngoài với nghi thức phượng tự, và mặt trong với tinh thần. Việc dâng hiến bên ngoài bao gồm việc tách biệt cách bí tích, mầu nhiệm Mình và Máu chúa Kitô, việc tách biệt này là do hai lần truyền phép EX VI VERBORUM hoàn tất và đó là việc dâng hiến khách quan (repraesentatio) sự tách biệt lịch sử-cụ thể được hoàn tất nơi thập giá. Để thích ứng với việc dâng hiến bên ngoài, do chính đức Kitô là Thượng tế chính yếu nhờ vào các linh mục thứ yếu để hoàn tất, có một hành động tế lễ (Oblatio) nội tâm, trong hành động này Đức Kitô tự dâng hiến mình lên Thiên Chúa Cha trong ý thức vâng phục và tình yêu, cũng như Người đã dâng hiến cách tự nguyện Mình Máu Thánh Người nơi thập giá.Việc dâng hiến bề trong và bề ngoài liên kết chặt chẽ với nhau như Materia và Forma.

2. Các lý thuyết về hy tế thánh lễ

a. Các lý thuyết hủy hoại

Các lý thuyết Hủy Hoại (Destruktio hay Immutatio) hình thành do phản ứng chống lại việc phủ nhận đặc tính hy tế của giáo phái Tin Lành; lý thuyết này cho rằng bản chất của hành động hy tế nằm trong một việc hủy hoại thật sự hay là biến đổi thực sự của lễ vật hy tế. Căn cứ vào đó, họ đặt bản chất của Hy tế thánh lễ cũng nằm trong một sự hủy hoại thật sự hay một biến đổi thật sự của lễ vật hy tế:

– Theo Fr. Suarez, điều này nằm trong việc hủy hoại bản chất bánh và rượu do việc truyền phép tạo nên và trong việc đem lại Mình và Máu thánh Chúa kitô;

– Theo J. de Lugo và J.B. Franzelin, điều này nằm trong việc thiết đặt Mình và Máu Đức Kitô trong tình trạng của thức ăn và thức uống, Mình Máu này nằm trong tình trạng của cái chết;

– Theo A. Cienfuego điều này nằm ở việc tình nguyện cất đi những phận vụ giác quan của Mình thánh Chúa theo cách BT từ lúc truyền phép đến khi hòa lẫn hai hình dạng BT ;

– Theo R. Bellarmin, D. Soto và nhiều người khác thì điều này nằm ở nơi hiệp lễ;

– M.J. Scheeben dựa vào một tư tưởng của Suarez cho việc biến đổi thực sự này là một biến đổi để đi đến cái tốt hơn, do biến đổi từ bánh rượu sang Mình và Máu thánh Chúa Kitô.

Không cần nhìn đến những khởi điểm rất nghi ngờ và những khó khăn khác, các cố gắng giải thích trên đều bị loại trước một thực tế là người ta không thể nào chấp nhận được việc biến đổi thật sự của lễ vật , của Mình và Máu thánh Chúa Kitô vì Mình thánh vinh quang của Đức Kitô không thể nào chịu đau khổ được. Việc biến đổi thật sự chỉ đụng chạm đến bánh rượu hay hình dạng của chúng mà thôi.

Có thể chấp nhận một hình thức đặc biệt của lý thuyết hủy hoại, khi hành động cơ bản hy tế nằm trong việc sát tế cách mầu nhiệm do hai lần truyền phép tạo thành, khi EX VI VERBORUM nhờ sức lực của lời, chỉ có Mình Thánh Chúa hiện diện dưới hình bánh và chỉ có Máu thánh hiện diện trong hình rượu.

– Theo G.Vasquez chỉ cần ý niệm về lệ vật tương đối là đủ, nghĩa là việc biến đổi thực sự đã hoàn tất trong quá khứ, nay được trình diện cách hữu hình (immutation repraesentativa).

– Theo L. Lessius các lời truyền phép per se hướng đến một sự tách biệt thực sự Mình và Máu thánh Chúa Kitô, nhưng việc này không thực hiện tỏ tường được chỉ vì Thân Xác vinh quang của Chúa không thể nào nhận lấy đau khổ được (immutatio virtualis).

– Theo L Billot việc chỉ rõ hành động hy tế nội tâm cũng thuộc về bản chất của hành động cơ bản hy tế. Như thế thích ứng với cách hiện diện bí tích của Chúa Kitô, chỉ cần sự tách biệt cách bí tích của Mình và Máu thánh Chúa, điều này chỉ cần trình bày trong một tình trạng bề ngoài của cái chết và của sự hủy hoại (immolation sacramentalis hay là mystica).

“Lý thuyết Mầu Nhiệm” (Mysterientheorie) (O.Casel) cho rằng, chính hành động hy tế của Đức Kitô là một thực tế cụ thể và lịch sử được hoàn tất trên thập giá, giờ đây hiện thực trên bàn thờ trong một thực tại mầu nhiệm, nghĩa là siêu thời gian, siêu lịch sử. Chúng ta không có đầy đủ chứng cứ Thánh Kinh cũng như Thánh truyền để minh chứng về sự hiện diện thực tại-mầu nhiệm của công cuộc cứu độ của Đức Kitô trong các BT (Mysteriengegenwart). Thông điệp MEDIATOR DEI (1947) chống lại tư tưởng này (D 2297,2).

b. Các lý thuyết tế lễ (Oblationtheorien)

Các lý thuyết Tế Lễ đều xuất phát từ việc chấp nhận rằng, việc hủy hoại lễ vật, cho dù có thực nơi phần đông các lễ vật, không thuộc vào bản chất của hy tế ; hành động cơ bản hy tế chỉ nằm trong việc dâng hiến (OBLATIO) lễ vật lên Thiên Chúa. Bản chất của thánh lễ nằm trong việc chính Chúa Kitô dâng hiến trên bàn thờ. Việc tách biệt huyền nhiệm của Mình và Máu thánh qua hai lần truyền phép chỉ được coi như là điều kiện cho việc dâng hiến này (nhiều nhà thần học dòng Phanxicô, trong thời đại mới có M. Lepin. M. de la Taille ; V. Thalhofer, G. Pell, M. ten Hompel).

– V. Thalhofer chấp nhận có một lễ vật thật sự thuộc thượng giới của Chúa Kitô mà Đức Kitô vinh hiển luôn dâng tiến lên Cha, Nơi truyền Phép, vị Thượng tế thuộc thượng giới xuất hiện cùng với lễ vật trong không gian-thời gian trần thế. Qua các hình dạng bị tách biệt, hành động hy tế nội tâm được đồng hóa với hy tế thập giá, được trình bày ra bên ngoài cách hữu hình. – Điểm xuất phát cách giải thích này là việc chấp nhận có một lễ vật thật sự thuộc thượng giới của Chúa Kitô, nhưng điều này thì thật là nghi ngờ, chỉ vì một lễ vật chân thật đòi buộc không những là một hành động hy tế nội tâm, nhưng còn cả hành động hy tế bên ngoài nữa.

– M. de la Taille hành động cơ bản hy tế nằm trong việc dâng tiến (Oblatio), nhưng đòi buộc rằng lễ vật đền tội cần phải có sự sát tế (immolatio). Hy tế của Chúa Kitô nằm trong việc dâng tiến trọn vẹn theo nghi thức nơi Tiệc Ly các lễ vật chỉ được sát tế sau nơi cây Thập tự, Hy tế thánh lễ nằm trong việc dâng tiến do Hội Thánh cử hành trọn vẹn những lễ vật đã được sát tế trên thập giá. Đức Kitô chỉ dâng hiến trong thánh lễ cách tiềm tàng (virtuel), khi ý niệm hy tế của Người vẫn còn tiếp tục.

Có cái khó khăn chống lại cách giải thích này, là theo chứng cứ Thánh Kinh Hy tế thập giá Chúa Kitô tự tại đã là một hy tế thật sự và chính đáng, chứ không phải khi liên kết với Tiệc Ly và theo giáo lý Hội Thánh, Hy tế thập giá được hiện thực trong thánh lễ chứ không phải sự dâng tiến hoàn tất nơi Tiệc Ly.

c. Tổng hợp

Lý thuyết Tế Lễ (Oblatio) có lý khi đặt ý nghĩa quyết định trong hành động Tế lễ nội tâm của Chúa Kitô. Nhưng bản chất Hy tế phụng tự cũng đòi hỏi một hành động hy tế bên ngoài, trong đó ý niệm hy tế bên trong được bày tỏ cách khả giác ra bên ngoài, như thế sự tách biệt thực sự giữa mình và Máu thánh Chúa hoàn toàn là do sự tự do của Chúa mà có, thuộc về bản chất của hy tế thập giá Chúa Kitô, và việc tách biệt cách huyền nhiệm Mình và Máu thánh Chúa Kitô do hai lần truyền phép tạo thành cũng thuộc vào bản chất của hy tế thánh lễ. Điều cuối cùng này không phải chỉ là một điều kiện cho việc dâng hiến, nhưng là một thành phần cơ bản của hy tế. Vì thế các lý thuyết về hy tế thánh lễ có lễ đều cho rằng, việc sát tế cách huyền nhiệm, bí tích do hai lần truyền phép liên kết chặt chẽ với hành động hy tế nội tại của Đức Kitô. (N. Gihr, L. Billot, Fr. Diekamp và nhiều người khác).

***

CHƯƠNG BA

CÁC HIỆU QUẢ VÀ HIỆU NĂNG CỦA HY TẾ THÁNH LỄ

 

I. CÁC HIỆU QUẢ CỦA HY TẾ THÁNH LỄ

HY TẾ THÁNH LỄ KHÔNG NHỮNG LÀ HY TẾ CA NGỢI VÀ TẠ ƠN, NHƯNG CÒN LÀ HY TẾ ĐỀN TỘI VÀ CẦU KHẨN. De fide.

Công đồng Tridentinô tuyên bố: SI QUIS DIXERIT, MISSAE SACRIFICIUM TANTUM ESSE LAUDIS ET GRATIARUM ACTINOS,… NON AUTEM PROPITIATORUM…NEQUE PRO VIVIS ET DEFUNCTIS, PRO PECCATIS, POENIS, SATISFACTIONIBUS ET ALIIS NECESSITATIBUS OFFERRI DEBERE, ANATHEMA SIT, D 950.

1. Hy tế ca ngợi và tạ ơn

Căn cứ vào giá trị vô hạn của lễ vật, cũng như căn cứ vào phẩm giá vô hạn của vị thượng tế tối ưu, hy tế thánh lễ là hy tế ca ngợi ( = thờ lạy) và tạ ơn cao trọng và tuyệt hảo (SACRIFICIUM LATREUTICUM ET EUCHARISTICUM) và như thế chỉ được dâng lên Thiên Chúa mà thôi. Nếu như Hội Thánh cử hành thánh lễ để tôn vinh và tưởng niệm chư thánh, thì Hội Thánh không dâng tiến lễ vật cho chư thánh, nhưng chỉ dâng tiến chỉ cho một mình Thiên Chúa mà thôi. Hội Thánh tưởng nhớ đến các thánh trong ý tưởng tạ ơn Thiên Chúa vì hồng ân và vinh quang Thiên Chúa đã trao ban cho các thánh và xin các vị nguyện giúp cầu thay cho chúng ta. D 941, 952.

Phong tục cử hành BT TT để tôn vinh các thánh tử đạo trong ngày kỷ niệm chịu khổ hình của họ, đã có từ thế kỷ thứ 2. So Martyrium Polycarpi 18,3 ; Cyprian, Ep. 39,3.

Trong Phụng vụ, việc ca ngợi và tạ ơn Thiên Chúa vì các hồng ân sáng tạo và cứu độ được nổi bật trong Kinh Nguyện Thánh Thể (kinh tiền tụng và lễ qui). Justin minh chứng: “Ngài (vị trưởng lão của anh em, tức là vị giám mục) nhận lấy chúng (lễ vật hy tế) cất tiếng ca ngợi và tôn vinh Thiên Chúa Cha của vũ trụ trong danh Chúa Con và Chúa Thánh Thần và đọc một lời nguyện tạ ơn dài, để nhờ lễ vật này chúng ta tôn vinh Người cho xứng đáng” (Apol. I 65).

2. Hy tế đền tội và cầu khẩn

Như Hy tế đền tội (SACRIFICIUM PROPITIATORUM) hy tế thánh lễ tác tạo việc tha thứ tội lỗi và các hình phạt tội lỗi; như hy tế khẩn cầu (SACRIFICIUM IMPETRATORIUM) hy tế thánh lễ tác tạo hồng ân siêu nhiên và tự nhiên. Như công đồng Tridentinô công khai tuyên bố, Hy tế đền tội của BT TT được dâng tiến không những để cầu cho người đang sống, nhưng còn để cầu cho các linh hồn khốn khổ trong luyện ngục theo như truyền thống của các Tông Đồ (D.940, 950).

Chứng cứ Thánh Kinh cho đặc tính đền tội của Hy tế thánh lễ đặc biệt dựa trên đoạn Mt 26,28: “Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội.” Theo đoạn Dt 5,1 linh mục được đặt lên là “để dâng lễ phẩm cũng như tế vật đền tội.”

– Sách Công Vụ Johannes (vào cuối thế kỷ thứ 2) đã biết rõ việc “bẻ Bánh” tức là cử hành Thánh lễ ngay nơi phần mộ của người quá cố vào ngày thức ba sau khi ly biệt (số 72).

– Tertullian minh chứng phong tục cử hành Hy tế thánh lễ vào ngày giỗ cho người quá cố để cầu nguyện cho họ.

– Cyrill thành Giêrusalem xem Hy tế Thánh Lễ là “Lễ vật giao hòa” và ghi chú: “Chúng ta tiến dâng Đức Kitô bị sát tế vì tội lỗi chúng ta. Nhờ đó chúng ta giao hòa họ và chúng ta với Thiên Chúa nhân từ” (Cat. myst. 5,10). Cyrill cũng làm chứng rằng, trong thánh lễ chúng ta cũng nhớ đến những người cần sự giúp đỡ và cầu xin Thiên Chúa trợ giúp cho nhiều hoàn cảnh khác nhau: “Tắt một lời, tất cả chúng ta cầu nguyện cho mọi người cần được trợ lực và dâng hy tế này cho họ” (ib. 5,8). So Augustinus, De cura pro mortuis ger. 1,3 ; 18,22 ; Enchir. 110 ; Conf. IX 11t.

II. HIỆU NĂNG CỦA HY TẾ THÁNH LỄ

1. Hiệu năng của hy tế thánh lễ nói cách chung

Hy tế thánh lễ là Hy tế của chính Chúa Kitô, vị thượng tế tối ưu, hy tế của Hội Thánh ; BT TT được Đức Kitô trao ban cho Hội Thánh như là Hy tế và BT. (D 938) – như thế theo nghĩa hẹp, không có thánh lễ “riêng tư” (D 944)  , và đó cũng là Hy tế của vị linh mục đang cử hành và của các giáo dân cùng dâng thánh lễ.

a. Như HY TẾ CỦA CHÍNH ĐỨC KITÔ, hy tế thánh lễ hoạt động EX OPERE OPERATO, có nghĩa là độc lập khỏi sự thánh thiện luân lý của vị linh mục cử hành và của các giáo dân tham dự. Công đồng Tridentinô tuyên bố: “Đây là hy tế tinh tuyền, không có gì bất xứng hay nết xấu của những người dâng lễ có thể làm ô uế được” D 939.

b. Như HY TẾ CỦA HỘI THÁNH, Hy tế thánh lễ hoạt động QUASI EX OPERE OPERATO, chỉ vì Hội Thánh là Hôn thê thánh thiện và không tì ố của Đức Kitô (Eph. 5,25tt), luôn đẹp lòng Thiên Chúa.

c. Như HY TẾ CỦA LINH MỤC ĐANG CỬ HÀNH VÀ CỦA CÁC GIÁO DÂN THAM DỰ, thánh lễ hoạt động như những công tác tốt đẹp EX OPERE OPERANTIS thích ứng với mức độ chuẩn bị tinh thần của các cá nhân. S.th. III 82,6.

2. Hiệu năng của hy tế đền tội và cầu khẩn nói cách riêng

Theo giáo lý của Công đồng Tridentinô, Hy tế thánh lễ được dâng lên như hy tế đền tội “cho tội lỗi, cho các hình phạt của tội lỗi và cho các việc đền tội” (pro peccatis, poenis, satisfactionibus), và như hy tế cầu khẩn “cho mọi hoàn cảnh” (pro aliis necessitatibus). D 950.

a. Hy tế thánh lễ tạo việc tha thứ lỗi lầm của tội lỗi không trực tiếp như BT Thánh Tẩy và BT Thống Hối, nhưng gián tiếp qua việc trao ban ân sủng của thống hối. Công đồng Tridentinô dạy: “Một khi Thiên Chúa giao hòa với chúng ta qua việc dâng tiến hy tế này, Người bỏ qua và tha thứ các tội lỗi, nếu như chúng không nặng lắm, khi Người trao ban ân sủng và hồng ân của thống hối.” D 940.

b. Hy tế thánh lễ tha thứ các hình phạt tội lỗi còn sót lại sau khi đã tha thứ lỗi lầm của tội và hình phạt đời đời, thánh lễ hoạt động không những gián tiếp qua việc trao ban ân sủng của sự thống hối, nhưng còn trực tiếp, chỉ vì sự đền tạ của Đức Giêsu Kitô dâng lên Thiên Chúa như là lễ vật thay thế cho các công việc đền tội, đặc biệt là đau khổ vì hình phạt của các linh hồn đáng thương. Lượng của những hình phạt tội lỗi được tha thứ tùy thuộc vào thái độ chuẩn bị đối với kẻ đang sống. Đối với các linh hồn đáng thương tội nghiệp, hiệu quả đền tội của hy tế thánh lễ là do cách thức cầu khẩn (per modum suffragii). Vì các linh hồn này còn nằm trong tình trạng ân sủng và không có ngăn trở nào cản bước, các thần học gia đồng thanh cho rằng, ít nhất là họ được tha một phần của các hình phạt vì tội của họ.. Theo giáo lý của Công Đồng Tridentinô, các linh hồn đáng thương này “đạt được trợ lực đặc biệt nhờ vào Hy tế đẹp lòng Thiên Chúa dâng trên bàn thờ” (D 983).

c. Hy tế thánh lễ tác tạo cách không sai lầm việc lãnh nhận những điều thiện hảo mà chúng ta cầu khẩn, đó là do sự nguyện giúp cầu thay của vị Thượng Tế tối ưu. Hiệu quả của Hy tế cầu khẩn thực sự không được bảo đảm mấy, vì về phía những người dâng hy tế cầu khẩn cũng như về phía những điều chúng ta van nài đôi khi không đạt được những điều kiện để được nhậm lời.

III. GIÁ TRỊ VÀ ƠN ÍCH (HOA TRÁI) CỦA HY TẾ THÁNH LỄ

1. Giá trị của hy tế thánh lễ

a. Giá trị bề trong (Secundum Sufficientiam)

Giá trị nội tại của hy tế thánh lễ, có nghĩa là phẩm giá và sức lực hiệu năng đặc thù tự chính thánh lễ (in actu primo) là vô giới hạn chỉ vì phẩm giá vô hạn của lễ vật và của vị Thượng tế tối ưu.

b. Giá trị bên ngoài (Secundum Efficaiam)

Như là hy tế ca ngợi và tạ ơn, hy tế thánh lễ là vô giới hạn, căn cứ theo giá trị bên ngoài, có nghĩa là căn cứ theo hiệu quả thực tế (in actu secundo), vì những hiệu quả của việc thờ phượng và tự ơn trực tiếp hướng về Thiên Chúa là Đấng Hữu Thể Tuyệt Đối có thể đón nhận một hiệu quả vô hạn.

Như là Hy tế đền tội và cầu khẩn, hy tế thánh lễ có một giá trị bên ngoài hữu hạn, chỉ vì hiệu quả của việc đền tội và cầu xin hướng về con người là những thụ tạo chỉ có thể đón nhận hiệu quả hữu hạn mà thôi. Căn cứ vào đó, thực tiễn của Hội Thánh nói lên rằng, Hội Thánh dâng Thánh Lễ thường theo ý chỉ này.

Trong khi giá trị bên ngoài của việc đền tội và cầu khẩn của hy tế thánh lễ là hữu hạn cách intensif, có nghĩa là căn cứ theo lượng hiệu quả xuất hiện và vô hạn (indefinit) theo cách extensif, nghĩa là căn cứ theo lượng người tham dự. Theo ý kiến của các nhà thần học, các Kitô hữu sẽ không lãnh nhận hoa trái hy tế (furctus generalis) ít hơn khi số giáo dân gia tăng. Tương tự như thế, hoa trái đặc thù được ban cho vị linh mục cử hành và những tín hữu tham dự cũng không ít hơn, khi có nhiều linh mục cùng đồng tế (dịp truyền chức Linh mục, Giám mục) và khi có một số đông tín hữu hơn tham dự vào thánh lễ. Tương tự như thế, chúng ta phải chấp nhận rằng, hoa trái được ban cho những người mà thánh lễ được dâng để cầu nguyện cho họ, cũng sẽ không kém hơn, khi thánh lễ được dâng để cầu cho nhiều người. Vì mỗi người tham dự chỉ lãnh nhận hoa trái hy tế một cách hữu hạn thích ứng với việc chuẩn bị tâm hồn của họ, vì thế sự sung mãn phúc lành vô hạn của Hy tế Chúa Kitô cũng sẽ không bao giờ vơi đi.

Nghịch lại ý kiến trên, có nhiều nhà thần học cho rằng, theo ý muốn của Thiên Chúa chỉ có một số hoa trái đặc biệt được xác định cách hạn hẹp cho mỗi thánh lễ, cho đến độ mỗi tín hữu sẽ lãnh nhận ít hơn khi có nhiều người tham dự. Họ muốn lấy thực hành của Hội Thánh để minh chứng sự hiện hữu của ý định này, đó là vì Hội Thánh dâng thánh lễ để cầu cho cá nhân riêng biệt và trong những hoàn cảnh riêng lẻ.

2. Hoa trái của hy tế thánh lễ

Người ta hiểu hoa trái của Hy tế thánh lễ là những hiệu quả do Hy tế thánh lễ như là hy tế đền tội và cầu khẩn ex opere operato mang đến : đó là những hiệu quả đền tội (propitiatorium), đền bù (satisfactiorum) và cầu khẩn (impetratorium).

Từ thời Scotus, người ta phân biệt hoa trái Hy tế thánh lễ làm ba mặt:

a. Hoa trái đại cương (fructus generalis). Hoa trái này được ban cho toàn thể Hội Thánh, cho các tín hữu còn sống và các linh hồn tội nghiệp trong luyện ngục, hoàn toàn không tùy thuộc vào ý hướng của vị linh mục cử hành ; chỉ vì mỗi thánh lễ là Hy tế cho Hội Thánh (D 44). So các kinh dâng lễ vật

b. Hoa trái đặc biệt (fructus specialis, hay là ministerialis, hay là medius). Hoa trái này được ban cho các cá nhân mà thánh lễ được dâng lên cách đặc biệt cho họ, dù đó là kẻ sống hay người đã qua đời.

Việc dâng thánh lễ để cầu cho những cá nhân xác định đã được các giáo phụ sau đây minh chứng : Tertullian (De monog. 10), Cyprian (Ep. 1,2), Augustinus (Conf. IX 12 t). Đức Giáo Hoàng Piô VI phủ nhận ý kiến của công đồng Pistoia (1786) cho rằng vị Linh mục có thể lái hoa trái hy tế vào người nào mà ngài muốn; Đức Giáo hoàng cho đây là một sự tấn công vào quyền của Thiên Chúa và cho ý kiến “người dâng tiền xin ý lễ lãnh nhận hoa trái hy tế đặc biệt” là lệch lạc. D 1530 ; CIC 809. So các kinh Memento (nhớ đến kẻ sống, kẻ chết).

c. Hoa trái cá nhân (fructus specialissimus hay là personalis) Hoa trái này được ban cho Linh mục dâng lễ như là tôi tớ và người đại diện cho vị Thượng Tế tối ưu là Đức Giêsu Kitô và ban cho các tín hữu cùng dâng lễ.

Chỉ vì hy tế thánh lễ cũng như các BT không hoạt động cách máy móc, vì thế cần phải có một sự chuẩn bị luân lý để lãnh nhận hoa trái hy tế và lượng hoa trái lãnh nhận sẽ tùy thuộc vào mức độ chuẩn bị tâm hồn.