Giuse Nguyễn Tiến Đức, OP.
Phaolô Nguyễn Văn Thụy, OC.
DẪN NHẬP
Hiện tại, Giáo hội Việt Nam có sự hiện diện phong phú của nhiều màu áo nữ tu, nhất là nữ tu Đa Minh, từ Bắc chí Nam. Đời sống của các chị Đa Minh đã để lại nhiều dấu ấn đáng trân trọng trong Giáo hội qua nhiều biến cố lịch sử. Thế nhưng, nhiều người có một số thắc mắc, sắc phục và đời sống linh đạo của các chị có liên quan gì đến anh em Đa Minh, còn gọi là Dòng Giảng Thuyết, hay không? Và linh đạo ấy như thế nào và có nét đặc trưng gì trong hoàn cảnh đất nước Việt Nam? Bài khảo luận dưới đây hy vọng mang lại giải đáp phần nào cho các thắc mắc trên.I. LINH ĐẠO HỘI DÒNG TRẢI QUA LỊCH SỬ
1. Giai đoạn sơ khởi (1715-1950)
a. Các nhà Mụ
Năm 1715, cha chính Bustamante Hy, OP. lập một nhà cho các thiếu nữ tình nguyện sống chung với nhau, được gọi là nhà Mụ. Nhà Mụ Đa Minh đầu tiên được thiết lập tại Trung Linh vào cùng năm đó. Các nhà Mụ sống biệt lập tại các xứ đạo. Sau này còn được gọi là nhà Phước (vào khoảng thập niên 1920).
b. Đời sống cộng đoàn.
Chị em mặc y phục đơn giản như các phụ nữ đương thời nhưng có đội khăn lúp, sống thành cộng đoàn, giữ ba lời khuyên Tin Mừng theo luật chung gọi là Lề luật Nhà Mụ. Mỗi nhà là một cộng đoàn biệt lập dưới quyền điều khiển của bà Mụ (“Bà Mụ” ở Việt Nam vào thế kỷ XVII – XVIII để chỉ những phụ nữ học thức và thuộc dòng tôn thất nơi cung đình). Bà Mụ thường là người đứng tuổi, có nhân đức, và giàu kinh nghiệm, do cha chính cắt cử hoặc do chị em ái mộ và được cha chính chấp thuận. Năm 1860, đã có bản Lề Luật bằng chữ Nôm, dựa theo Luật dòng nữ Đa Minh Tây Ban Nha và sửa đổi cho thích nghi với hoàn cảnh Giáo hội và xã hội địa phương. Từ thuở sơ khai, chị em Đa Minh vốn tự lực cánh sinh bằng công sức lao động của chính mình. Các chị thường làm nghề dệt, may, xay lúa, giã gạo, bào chế thuốc đông y gia truyền.
c. Hoạt động mục vụ và bác ái xã hội
Nếp sống của nhà Mụ tuy thanh bần và đạm bạc nhưng các chị rất tích cực cộng tác với các linh mục trong việc mục vụ và bác ái xã hội. Các chị nhận dạy kinh bổn cho các nữ dự tòng. Qua việc đi bán thuốc dạo trong các làng lương dân, các chị đã tiếp xúc và loan báo Tin Mừng, rửa tội cho trẻ em nguy tử. Các chị phục vụ trong các nhà Thiên thần và nhà thương. Nhà Thiên Thần còn gọi là Cô Nhi Viện, thường nuôi trẻ mồ côi bị bỏ rơi từ sơ sinh đến 12 tuổi. (Năm 1916, Địa phận Trung [Bùi Chu] có 15 nhà, nuôi 3.353 em). Còn nhà thương chỉ chung các viện bác ái: bệnh viện, dưỡng lão viện, trại phong. (Năm 1916, địa phận Trung có 17 nhà).
Trong thời cấm đạo, các chị là những người thông tin, liên lạc thư từ, lo liệu cơm nước thuốc men, và có khi đem Mình Thánh Chúa cho các đấng chịu giam cầm vì đức tin. Sau thời bách hại, chị em được phái đến các làng mạc trong giáo phận, giúp các phụ nữ bị ép bỏ đạo cưới chồng ngoại giáo (khoảng 400 người trở lại vào dịp này). Trong thời bình yên, chị em dạy học mẫu giáo (riêng tại Bùi Chu có 2 trường dành cho nữ sinh) và tham gia công tác xã hội (phục vụ nhà thiên thần và nhà thương).
Trải qua các giai đoạn lịch sử, nhất là trong thời kỳ bách hại, chị em Đa Minh đã lập nhiều công lớn đối với Giáo hội Việt Nam, khiến các Công đồng Kẻ Sặt (1900), Kẻ Sở (1912), và Đông Dương (Hà Nội, 1934) đều tán thành và khen ngợi. Chính Công đồng Kẻ Sở và Công đồng Miền Đông Dương, điều 104-106, đã khuyến khích các đấng bản quyền liên hệ, sớm lo liệu cho chị em các nhà Phước trở thành dòng có lời khấn theo Giáo luật (Bộ Giáo luật năm 1917) và Quy tắc các dòng địa phận của Thánh Bộ Truyền giáo. Số chị em ngày càng phát triển và có mặt khắp các địa phận dòng, riêng Bùi Chu, thời Đức cha Munãgorri Trung, O.P. (1907-1936) có 17 nhà. Năm 1916, địa phận Trung có 475 chị nhà phước Đa Minh; năm 1933, có 780 chị.[1]
2. Giai đoạn hình thành và phát triển Hội dòng (1950-1954)
a. Thời kỳ lập dòng
Theo ý Toà Thánh và nguyện vọng của các công đồng Miền tại Việt Nam, Đức cha Đôminicô Maria Hồ Ngọc Cẩn, giám mục giáo phận Bùi Chu (1935-1948), đã lấy một phần nhân sự và tài sản của các nhà phước Mến Thánh Giá và Đa Minh để ký sắc lệnh lập dòng Con Đức Mẹ Mân Côi Bùi Chu ngày 8-9-1946 và chọn nhà phước Đa Minh Trung Linh làm nhà Mẹ cho dòng mới. Địa phận Bùi Chu lúc ấy có 14 Nhà Phước Đa Minh và 2 Nhà Phước Mến Thánh Giá là Kiên Lao và Liên Thượng. Trong số các Nhà Phước Đa Minh thì 7 nhà: Trung Linh, Kiên Lao, Ninh Cường, Liên Nội, Liên Ngoại, Liên Thượng, Hạ Linh và một số chị em thuộc 7 nhà còn lại đã gia nhập dòng mới.
Ngày 4-8-1950, sau khi được tấn phong giám mục và cai quản Địa phận Bùi Chu, kế vị Đức Cha Hồ Ngọc Cẩn, công việc đầu tiên của Đức Cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi thực hiện cho giáo phận là cải tổ 7 nhà Phước Đa Minh còn lại (Bùi Chu, Phú Nhai, Trung Lao, Quần Cống, Sa Châu, Trung Lễ và Liễu Đề) thành dòng nữ Đa Minh theo Giáo luật và chọn nhà Phước Bùi Chu (bên cạnh Toà giám mục Bùi Chu) làm Nhà Mẹ.Đức cha đã nhờ cha Alonso Bá, O.P., là giáo sư thần học và giáo luật ở Giáo hoàng Chủng viện Thánh Albertô Nam Định, soạn thảo Nội quy cho chị em. Bản Nội quy, gồm Tu luật Thánh Augustin và Hiến pháp soạn theo Hiến pháp dòng Anh Em Thuyết Giáo, đã đệ đạt lên Toà Thánh ngày 19-11-1950 và được Hồng y Petrus Fumasoni Biondi, Bộ trưởng Thánh Bộ Truyền giáo, châu phê ngày 21-3-1951, qua công văn Prot. số 1.243/51.
Ngày 30-4-1951, Đức Cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi đã tuyên bố sắc chỉ lập dòng tại Bùi Chu, với danh xưng là Dòng Chị Em Đa Minh Việt Nam, thánh hiệu Catarina Siena, thuộc quyền giám mục giáo phận.
Châm ngôn và đặc sủng của dòng theo tinh thần Thánh Tổ Phụ Đa Minh: “Nói với Chúa để rồi đi nói về Chúa”, tức là “chia sẻ cho tha nhân những gì mình đã chiêm niệm”.
Mục đích của Hội dòng là làm vinh danh Chúa và thánh hoá bản thân bằng cách khấn giữ ba lời khuyên Tin Mừng, theo Hiến pháp Chị Em Đa Minh Việt Nam, Chỉ Nam dòng và tinh thần Tu Luật Thánh Augustin. Mục đích riêng là truyền giáo và giáo dục.
b. Linh đạo dòng
Linh đạo của Hội dòng: làm vinh danh Chúa và thánh hoá bản thân bằng cách khấn giữ ba lời khuyên Tin Mừng, theo Hiến pháp Chị Em Đa Minh Việt Nam, theo Chỉ Nam dòng và tinh thần Tu Luật Thánh Augustin. Ngoài ra, Hội dòng còn có mục đích riêng: giáo dục các thanh thiếu nữ trong các trường Trung Tiểu học theo tinh thần Công giáo.
3. Giai đoạn chuyển tiếp (1954-1962)
Do biến cố chung của đất nước năm 1954, Mẹ Bề trên tiên khởi Maria Emilia Nguyễn Thị Sê cùng hai chị Tổng cố vấn, chị Tổng quản lý, chị Giám tập và một số chị em giã từ cái nôi khai sinh Chị Em Đa Minh Việt Nam, cùng đồng bào miền Bắc di cư vào Nam. Các chị em phải gạt những giọt lệ và nghẹn ngào ra đi khi nhìn lại một cơ ngơi đã tạm ổn định. Do đó, trong tâm trí của những người tha phương không ngớt tránh khỏi nuối tiếc và từng ngày vẫn ngóng vọng trông về quê cũ.
Sau một thời gian dài ròng rã đi tìm cho mình một vùng đất mới, ngày 27-10-1955, chị em quyết định đến định cư ở vùng đất Tam Hiệp, Biên Hoà (tu viện Trung ương dòng hiện nay) để tiếp tục đời tu Đa Minh.
4. Giai đoạn củng cố, phát triển và hội nhập (1962-nay)
a. Giai đoạn từ 1962-1975
Theo thông tư năm 1962, Thánh bộ Truyền Giáo quyết định địa phương hoá các dòng tu. Các dòng tu di cư hoàn toàn thuộc thẩm quyền Đấng Bản Quyền địa phương là Đức Giám mục giáo phận. Như thế về pháp lý, Hội dòng đã chính thức biệt lập với Nhà Mẹ và giáo phận gốc là Bùi Chu.
Vào năm 1969, Đại Hội Đồng Canh Tân của Dòng đã chọn đứng hẳn về sứ vụ giáo dục và coi đó như một môi trường mới cho công cuộc rao giảng Tin Mừng.
b. Giai đoạn từ năm 1975- tới nay
Biến cố 30. 04 đã đưa Dòng vào một khúc ngoặt mới của lịch sử. Dòng không còn trường học và cô nhi viện. Các chị trước kia hoạt động tại các trường, nay chuyển sang chăn nuôi hoặc canh tác ở các khu kinh tế mới. Nhờ đó các chị đã hoà nhập được với hoàn cảnh xã hội trong lúc đất nước gặp khó khăn.
Năm 1993, với tình hình đất nước đổi mới, Hội dòng đã trở lại với môi trường giáo dục, bắt đầu từ các trường mầm non.[2]
II. NHỮNG HỨNG KHỞI BAN ĐẦU HÌNH THÀNH NÊN LINH ĐẠO
Có thể nói hứng khởi tạo nên linh đạo của dòng phát xuất từ những sự việc sau:
1. Bước khởi đầu
Khởi đầu cho nếp sống độc thân tự nguyện của những nữ giáo dân trên đất Việt thì không ai xác định rõ được thời điểm chính xác. Tuy nhiên, theo một tư liệu đáng tin cậy cho rằng: việc sống độc thân tự nguyện của những nữ giáo dân này bắt đầu từ sự kiện ba người nữ ở Bái Vàng. Sử ký địa phận Trung ghi lại: năm 1643 có chiếu chỉ cấm đạo của Trịnh Tráng. Tại địa phận Đông Đàng Ngoài, có ba phụ nữ khấn giữ sống đồng trinh, biết Vua hạ chiếu chỉ cấm đạo, các bà đã quyết vào Kinh để được chịu tử đạo. Nhưng khi tới nơi lệnh cấm đạo đã bãi. Vì thế, ba Bà đã quyết tâm ở lại sống chung với nhau, tập tành nhân đức, làm gương sáng cho nhiều người, cùng nhau làm việc thiện ích cho tha nhân. Noi gương các Bà, nhiều thiếu nữ khác xin theo và cùng sống với các Bà tại làng Bái Vàng (Hà Nội). Đó là hình thức sống chung đầu tiên trên đất Việt, nơi phát sinh nhiều nhóm khác.[3]
2. Tình nguyện sống độc thân
Vì muốn qui tụ các thiếu nữ tình nguyện sống độc thân ở chung với nhau theo tinh thần Đa Minh, cha Chính Bustamante Hy, O.P qui tụ các thiếu nữ sẵn sàng sống độc thân vào các nhóm sống chung lại để thành lập các nhà Phước Đa Minh năm 1715. Với sự đồng ý của Đức Giám Mục đại diện Tông Toà, chị em sống thành những tu xá độc lập tại các xứ đạo, hứa giữ ba lời khuyên của Tin Mừng và tuân giữ luật phép chung, gọi là “Lề Luật Nhà Mụ”. Đến năm 1865, các nhà Mụ có bản lề luật bằng chữ Nôm, do Đức Cha Barnabe soạn thảo dựa trên bản luật dòng nữ Đa Minh Tây Ban Nha, được công bố năm 1727 đời Đức Thánh Cha Bênêdicto XIII.[4]3. Lối nhìn của các vị tiền bối
Lập trường của Đức Cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi là đề cao việc “trồng người” trong giáo phận Bùi Chu. Đức Cha muốn thành lập một Hội dòng nữ để theo đuổi mục đích riêng là giáo dục các thanh thiếu nữ trong các trường trung tiểu học theo tinh thần Công giáo. Do đó, Đức Cha đã tuyên bố sắc chỉ lập dòng năm 1951 tại Bùi Chu, với danh xưng là Dòng Chị Em Đa Minh Việt Nam.[5]
4. Thời kỳ định cư
Ba năm sau đó, phần lớn nhân sự vào định cư tại Tam Hiệp, Biên Hòa. Kể từ năm 1962, theo ý của Thánh Bộ Truyền Giáo, Hội dòng tại miền Nam đã biệt lập với Nhà Mẹ và giáo phận gốc ở Bùi Chu để thuộc thẩm quyền của Đức Giám mục Xuân Lộc. Từ khi thành lập cho tới nay, Hội dòng Đa Minh Tam Hiệp, Giáo phận Xuân Lộc vẫn trung thành với ơn gọi hiến dâng theo tinh thần Đa Minh.[6]
Như vậy, từ hình thức sống chung đầu tiên của các nữ giáo dân tự nguyện đến hình thức nhà Mụ có tổ chức, linh đạo của Hội dòng Đa Minh Tam Hiệp được dần dần hình thành, trải qua những bước phát triển tiệm tiến cho tới ngày nay.
III. LINH ĐẠO CỦA HỘI DÒNG ĐỨNG TRƯỚC NHỮNG THÁCH ĐỐ THỜI ĐẠI
Cùng hoà nhịp với sự canh tân của Công đồng Vatican II, Hội dòng đã canh tân để thích nghi với thời đại. Do đó, linh đạo của Hội dòng khá ăn nhịp trước những biến chuyển của thời đại.
Đại hội đồng Canh tân của Dòng đã được nhóm họp ngày 01/ 02/ 1969 với số ngày họp khá lâu (hơn hai tháng). Nhờ đó dòng đã được đổi mới toàn diện cả về tinh thần, văn hoá và sứ vụ. Năm 1969, Hội dòng đã chọn đứng hẳn về công tác giáo dục tại các trường và coi đó như là một sứ vụ trong môi trường mới cho công cuộc rao giảng Tin Mừng.
Nhưng biến cố đất nước giải phóng năm 1975 đã mang lại một thách đố mới cho Hội dòng. Dòng không còn trường học và cô nhi viện để hoạt động nữa. Hội dòng đã nhanh chóng thích nghi với hoàn cảnh xã hội. Đa số các chị em trước kia làm công tác giáo dục tại các trường, nay chuyển sang việc lao tác và chăn nuôi tại các khu kinh tế mới.
Trong thời kỳ đất nước chuyển mình mở cửa ra với thế giới, từ năm 1993, Hội dòng đã nhanh chóng cho một số chị em ghi danh vào học tại trường Đại học mở Bán công Thành phố Hồ Chí Minh; một số chị trở lại với môi trường giáo dục từ ngành Mần non.
Để thích ứng với hoàn cảnh mới hiện nay, Hội dòng đã có những hoạt động[7] cụ thể như sau:
1. Truyền giáo
Dòng đẩy mạnh việc truyền giáo cho người nghèo và các anh em dân tộc thiểu số, đặc biệt tại các thí điểm ở giáo xứ: Thạch Lâm (Phú Lập, Tân Phú, Đồng Nai), Xuân Lâm (Phú An, Tân Phú, Đồng Nai), Kim Long (Châu Đức, Bà Rịa – Vũng Tàu) với các hoạt động: Dạy giáo lý cho các dự tòng, xóa mù chữ (qua các lớp tình thương) và nâng cao đời sống cho các anh em dân tộc thiểu số qua các chương trình “Bốn sạch”: ăn sạch, uống sạch, nhà sạch, môi trường sạch, giúp vốn cho các gia đình mua đất canh tác để sinh sống, tổ chức “Hũ gạo người nghèo”.
2. Bác ái xã hội
Tại các vùng sâu vùng xa: Hội dòng tổ chức các trạm xá tình thương do các nữ tu có trình độ chuyên môn phục vụ, với các y cụ được trang bị tương đối tốt. Thực hiện nhiều đợt khám bệnh miễn phí, phát thuốc lưu động cho người nghèo, thực hiện “nồi cháo tình thương”, xây dựng nhà cửa, xây cầu đường, khoan giếng cho các gia đình nghèo. Tham gia tích cực các đợt cứu trợ lũ lụt tại các tỉnh miền Trung và miền Tây Nam bộ.
Tại Thành Phồ Hồ Chí Minh: Một số chị em tham gia vào các hoạt động xã hội như:
* Tư vấn tâm lý tại Trung tâm Tư vấn Tình yêu – Hôn nhân – Gia đình. Tham vấn và chăm sóc người HIV/AIDS tại câu lạc bộ “Bạn Giúp Bạn” (43 Lam Sơn, P 5, Quận Phú Nhuận), làm cộng tác viên của quỹ cứu trợ Nhi Đồng Anh (SCF) tại 28 Đặng Tất, Tân Định, quận 3, Tp. HCM.
* Tư vấn tâm lý, cộng tác với trung tâm Tư Vấn – Tình yêu – Hôn nhân – Gia đình thuộc Liên Hiệp Thanh Niên Việt Nam với công tác: Tư vấn qua tổng đài 1080, trả lời thư nhân đạo và nghiên cứu giáo dục. Giúp các cô gái lầm lỡ có điều kiện sinh và nuôi con.
* Tham gia việc giúp cai nghiện ma túy theo “Phương pháp tâm linh” và theo dõi, nâng đỡ các cai viên trong thời gian hậu cai, thường trực ở 15 Tú Xương, Q.3, Tp. HCM để liên hệ và nhận các khóa mới vào thứ ba hằng tuần.
3. Công tác về Tôn giáo: Giáo dục đức tin và văn hoá cho thanh thiếu niên
Ngoài các lớp tình thương, công tác giáo dục của Dòng hầu hết là dạy các cháu mẫu giáo.
Vậy, tinh thần canh tân và hội nhập với thời đại của Hội dòng là một điểm son. Điều này đã được chính Đức Giám mục Phaolô Maria Nguyễn Minh Nhật, khi phê chuẩn Hiến Pháp Chị em Đa Minh Việt Nam của Hội dòng Đa Minh Tam Hiệp, Giáo Phận Xuân Lộc đã viết như sau: “Tôi ghi nhận các chị em đã có những canh tân và thích nghi đời sống tu vào những hoàn cảnh lịch sử khác nhau, đã biết hội nhập vào các môi trường văn hoá địa phương, và vẫn khôn ngoan trung tín với giáo huấn của Tin Mừng”.[8]
TẠM KẾT
Hội dòng Đa Minh Tam Hiệp đã trải qua bao thăng trầm với những bước ngoặt của lịch sử đầy những biến động. Nhờ đó, Hội dòng đã có được đường nét riêng về linh đạo cho mình. Thoát thai từ các Nhà Mụ, chị em đã hân hoan trở thành một Hội dòng thuộc giáo phận, được thành lập tại Bùi Chu năm 1951. Ba năm sau, phần lớn nhân sự vào định cư tại Tam Hiệp, Biên Hoà, biệt lập với Nhà Mẹ và giáo phận gốc để thuộc thẩm quyền của Đức Giám mục Xuân Lộc và mang danh là Hội dòng Đa Minh Tam Hiệp. Từ những hứng khởi ban đầu hình thành nên linh đạo, Hội dòng đã không ngừng canh tân và thích nghi với thời đại mà vẫn trung thành với linh đạo theo tinh thần Đa Minh từ khi thành lập cho đến ngày nay.
***
SÁCH THAM KHẢO
– Bùi Đức Sinh, Dòng Đa Minh Trên Đất Việt, quyển II, Sài Gòn 1995.
– Hội dòng Đa Minh Tam Hiệp, Dòng Đaminh Tam Hiệp 50 năm Hình Thành và Phát Triển, 2001.
– Hội dòng Đa Minh Tam Hiệp, Tu Luật Chỉ Nam Công Vụ Tổng Hội Tam Hiệp XI, 2003.
– Hội dòng Đa Minh Tam Hiệp, Hiến Pháp Chị Em Đa Minh Việt Nam, 2004.
– Kỷ Yếu Giáo Phận Xuân Lộc 1965-2003, NXB Tôn Giáo, 2003.
– Linh Đạo Đa Minh, Khơi Nguồn, 1991.
– Văn Phòng Tổng Thư Ký Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam Niên Giám 2004, NXB Tôn Giáo Hà Nội, 2004.
– Đào Trung Hiệu, Cuộc Lữ Hành Đức Tin, 1990.
[1] x. Bùi Đức Sinh, Dòng Đa Minh Trên Đất Việt, quyển II, Sài Gòn 1995, tr 219-225.
[2] x. Hội dòng Đa Minh Tam Hiệp, “50 năm hình thành và phát triển”, Kỷ yếu 50 năm thành lập, tr.8-12.
[3] X. Sđd. tr 18 ; Hội dòng Đa Minh Tam Hiệp, Hiến Pháp chị em Đa Minh Việt Nam, 2004, tr. 3.
[4] X. Hội dòng Đa Minh Tam Hiệp, “50 năm hình thành và phát triển”, 2001 tr. 18.
[5] X. Hội dòng Đa Minh Tam Hiệp, Tu luật chỉ nam công vụ tổng hội tam hiệp XI, 2003, tr. 23.
[6]X. Hội dòng Đa Minh Tam Hiệp, Hiến Pháp chị em Đa Minh Việt Nam, 2004, tr.4.
[7] Kỷ yếu Giáo Phận Xuân Lộc 1965-2003, NXB Tôn Giáo, 2003, tr. 128.
[8]x. Hội dòng Đa Minh Tam Hiệp, Hiến Pháp chị em Đa Minh VIệt Nam, 2004, tr. 6.