Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Những Nẻo Đường Tâm Linh: Linh Đạo Hội Thừa Sai Việt Nam

Administrator
2018-09-23 09:29 UTC+7 28
Giuse Lê Anh Hùng GB. Nguyễn Văn Đệ   I. DẪN NHẬP Giáo hội Việt Nam đang cử hành Năm thánh Truyền giáo kỷ niệm 470 năm Tin mừng Đức Giêsu được gieo trồng trên mảnh đất quê hương. Trong suốt thời gian cử hành Năm thánh vừa qua, nhiều bài viết, nghiên cứu về […]


Giuse Lê Anh Hùng

GB. Nguyễn Văn Đệ

 

I. DẪN NHẬP

Giáo hội Việt Nam đang cử hành Năm thánh Truyền giáo kỷ niệm 470 năm Tin mừng Đức Giêsu được gieo trồng trên mảnh đất quê hương. Trong suốt thời gian cử hành Năm thánh vừa qua, nhiều bài viết, nghiên cứu về vấn đề truyền giáo được giới thiệu và được nhiều người quan tâm, góp phần gây ý thức cho các Kitô hữu về bổn phận truyền giáo của mình. Trong bầu khí đầy phấn khởi đó, xin được giới thiệu về Hội Thừa sai Việt Nam – một “Tổ chức Truyền giáo Thừa sai” do Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN) thành lập năm 1971, như một lời tạ ơn Thiên Chúa và là cách thể hiện sự trưởng thành của Giáo hội Việt Nam, sau 10 năm thành lập hàng Giáo phẩm (24-11-1960).

II. LỊCH SỬ HỘI THỪA SAI VIỆT NAM

1. Những bước chuẩn bị [1]

1932: Đức Cha Martial Jannin, đại diện Tông tòa miền Cao nguyên tại Kontum đã dự tính lập một Hội Thừa sai Việt Nam giống như Hội Thừa sai Paris. Khâm sứ Tòa thánh tại Việt Nam lúc đó: Đức Cha Dreyer đã xin ý kiến của Thánh Bộ Truyền giáo và đã được Đức Hồng Y Fumasomi Biondi, Tổng trưởng Thánh Bộ ưng thuận. Một Trường thử đã được xây vào năm 1935 và hoàn thành vào năm l938 với đông học trò. Vị sáng lập qua đời năm 1940.

– 06. 1957: Trong kỳ họp Hội đồng Giám mục, Đức Cha Ngô Đình Thục, đại diện Tông tòa địa phận Vĩnh Long, đề nghị dự án về việc thiết lập một Chủng viện Thừa sai Hải ngoại tại Việt Nam để giúp các nước láng giềng. Nhưng Hội nghị nhận thấy Hội đồng Giám mục chưa thể thực hiện dự án này.

– 1969: Sau khi Hàng Giáo Phẩm Việt Nam được thành lập với Sắc chỉ VENERABILIUM NOSTRORUM do Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII ban hành ngày 24/11/1960, việc thành lập một Hội Thừa sai cho Giáo hội Việt Nam lại được nhắc tới trong những cuộc đàm đạo tư giữa nhiều giám mục Việt Nam và cha Maurice Quéguiner, Bề trên cả Hội Thừa sai Paris. Những cuộc gặp gỡ này đã góp nhiều ý tưởng cho bước đầu thành lập Hội.

– 01. 1970: Việc thành lập Hội Thừa sai cho Giáo hội Việt Nam, được ghi vào nghị trình của Hội đồng Giám mục, và đã được Đức Khâm sứ Tòa Thánh Henri Lemaitre khuyến khích. Toàn thể Hội nghị đã chấp thuận dự án về Hội Thừa sai này, và đã chỉ định một Ủy ban Giám mục để nghiên cứu những quy tắc chính cho Viện Thừa sai Việt Nam trong tương lai.

2. Thành lập

Sau một năm ủy nhiệm cho một Ủy ban Giám mục nghiên cứu việc thành lập “Hội Thừa sai Truyền giáo Việt Nam”, trong khoá họp thường niên (từ 04 đến 10.01.1971), Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã quyết định thành lập Hội Thừa Sai Truyền giáo Việt Nam (HTSVN):

– Trong phiên họp ngày 06.01.1971, toàn thể Hội Nghị kết luận: “Một Hội Thừa sai Truyền giáo Việt Nam chẳng những rất thức thời và còn cần thiết nữa, trong hiện tình Giáo Hội Việt Nam“.[2]

– Ngày 07.01.1971, Đức Tổng Giám Mục Philipphê Nguyễn Kim Điền được Ủy nhiệm Đặc trách HTSVN.[3]

– Ngày 10.01.1971, HĐGMVN công bố: “HĐGMVN đã xin phép Toà Thánh thiết lập một Hội Thừa sai để rao giảng Phúc Âm không những cho đồng bào mình, mà còn cho cả các dân tộc của các quốc gia láng giềng. Sự thực hiện Hội Thừa Sai này sẽ được trao cho một Giám Mục”.[4]

Việc thành lập HTSVN là một sáng kiến rất phù hợp với tinh thần Sắc lệnh về Truyền giáo (Ad Gentes) của Công đồng Vatican II đồng thời cũng nói lên sự trưởng thành của Giáo hội Việt Nam, vì thế Toà Thánh rất vui mừng chấp thuận.

– Ngày 22.02.1971, Đức Khâm sứ Toà Thánh tại Việt Nam đã thông báo cho HĐGMVN sự đồng thuận của Thánh bộ Truyền bá Phúc Âm đối với sáng kiến thành lập HTSVN.

– Chính Đức Hồng Y Agnello Rossi và Đức Giám Mục Sergio Pignedoli, Tổng trưởng và Tổng Thư ký Thánh bộ Truyền bá Phúc Âm cũng đã gửi thư chúc mừng và khích lệ Đức Cha Đặc trách.

– Ngày 19.03.1971, chính Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã gửi thư chúc lành và ban Phép lành Toà Thánh đặc biệt đến Đức Cha Đặc trách: “Chúng tôi bầy tỏ sự thoả lòng của chúng tôi đối với sáng kiến truyền giáo đầy quả cảm và theo sự quan phòng của Chúa. Trong giờ phút đầy đau thương và thử thách hiện tại, sáng kiến này chứng tỏ sức sống và sự kiên trung của Giáo hội Công giáo Việt Nam đối với ơn gọi là Kitô hữu và tông đồ của mình, điều đó cho phép chúng ta thoáng nhìn được công cuộc truyền bá Phúc Âm trên lục địa Á Châu trong niềm khích lệ và hy vọng”.[5]

3. Danh hiệu và Bổn mạng [6]

– Tên chính thức của Hội: Hội Thừa sai Việt Nam.

– Lễ Bổn mạng:Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, 24/11.

4. Mục đích [7]

– Để Giáo Hội Việt Nam tỏ lòng biết ơn Thiên Chúa đã ban đức tin cho dân tộc mình từ năm 1533,

– Để Giáo Hội Việt Nam chia sẻ với Giáo Hội toàn cầu bổn phận truyền giáo cho các dân tộc (x. TG, số 20).

– Nhất là để tín hữu Công giáo Việt Nam sống đạo cách tích cực hơn, vì càng truyền giáo thì đức tin càng mạnh mẽ.

– Là một “Đặc vụ của HĐGMVN[8], HTSVN có nhiệm vụ đào tạo và hướng dẫn các nhà truyền giáo Việt Nam, thuộc mọi thành phần Dân Chúa (giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân độc thân hay có gia đình), ra đi rao giảng Tin Mừng giữa lương dân trong cũng như ngoài nước, theo tinh thần Sắc lệnh Truyền giáo (Ad gentes) của Công đồng Vatican II (số 23).[9]

– HTSVN “sẽ phối hợp các hoạt động truyền giáo và thừa sai hiện có ở mỗi địa phận nhằm bổ túc và tăng cường cho nhau để hợp thành công cuộc Thừa sai Truyền giáo của cả Giáo hội Việt Nam mà các Đức Giám mục thảy đồng trách nhiệm[10]

5. Tổ chức nhân sự

– HTSVN được điều hành bởi Hội đồng Cố vấn bao gồm Giám Mục Đặc trách và các Linh mục trong Phụ tá đoàn.[11]

– HTSVN có hai thành phần: thành phần thực thụ và biệt phái. Thành phần thực thụ là thành viên chính thức của Hội, gồm các Linh mục và nam trợ tá Thừa sai. Thành phần biệt phái gồm các linh mục hay nam, nữ tu sĩ muốn cộng tác với Hội, trong thời gian dài ngắn tuỳ theo giao kèo giữa Hội và Đấng Bản quyền của họ.[12]

– Với “lời hứa Thừa sai” (promèsse missionaire), thành viên của HTSVN tổ chức sống và làm việc trong các Cộng đoàn Thừa sai, được thành lập tại những vùng đất khác nhau, với phép của Đấng Bản quyền sở tại.[13]

6. Tuyển chọn và huấn luyện[14]

HTSVN có 3 ngành: Linh mục, Tu sĩ và Giáo dân.

– Đối với các ứng sinh Linh mục và Trợ tá Thừa sai, quy trình huấn luyện được chia thành 2 giai đoạn: giai đoạn Đại học và giai đoạn Đại chủng viện. Để được nhận vào ứng sinh đại học, các ứng sinh phải thi đậu hay đang học tại một trường đại học nào đó. Sau khi tốt nghiệp Đại học, các ứng sinh sẽ học chương trình Đại chủng viện.

Trong thời gian học Đại học, cũng như Đại chủng viện, các ứng sinh phải học thêm những môn chuyên biệt về truyền giáo như: tìm hiểu về các tôn giáo, các nền văn hoá, đối thoại, hội nhập văn hoá, nhất là truyền giáo học…

– Đối với các Gia đình Thừa sai: sẽ do Quy chế mới quy định.

Hiện nay Đức Cha Đặc trách và Ban điều hành đang soạn thảo một Quy chế mới, nhằm bổ sung cho Quy chế tạm thời năm 1972.

7. Hoạt động và phát triển

a. Khởi đầu đến 1975

– Ngày 23.08.1972, HĐGMVN. đã phê chuẩn Bản Quy chế Hội Thừa sai Việt Nam do Đức Cha Đặc trách soạn thảo để thử nghiệm trong 3 năm.

– Hội đặt trụ sở chính tại phần đất của Trung tâm Bác ái Lái Thiêu cũ.

– Ngày 01.09.1972, Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Đức cha Đặc trách đã chính thức gửi thư giới thiệu quy chế và đường lối hoạt động của HTSVN với các Linh mục Việt Nam.[15] Trước đó Đức cha Đặc trách cũng đã giới thiệu và mời gọi các bạn trẻ gia nhập HTSVN (thư ngày 01.03.1972).

– Sau hai năm âm thầm hoạt động, tính đến năm 1975, Hội đã có 75 thành viên sống trong 7 Cộng đoàn và 2 gia đình Thừa sai.[16]

– Ngày 07.08.1974, với sự hiện diện của Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình-Chủ tịch HĐGMVN, Đức Cha Đặc trách đã chính thức khai giảng Đại chủng viện Thừa Sai tại Bình Thuận, đánh dấu bước ngoặt mới trong sinh hoạt và việc đào tạo của Hội: “ĐCV “thừa sai” nhằm đào tạo linh mục thừa sai truyền giáo, hướng về lương dân hơn giáo dân… đồng thời bước đầu đi lần đến một “Học viện Thừa sai” mà Sắc lệnh Truyền giáo đã phác hoạ trong số 27 vậy.[17]

– Đặc biệt, Đức Hồng y Tổng trưởng đã ưu ái dành riêng chuyến công tác đến Việt Nam vào ngày 10.08.1974 như cuộc viếng thăm chính thức HTSVN. Theo sự hướng dẫn của Đức cha Đặc trách, Đức Hồng y đã đến thăm từng Cộng đoàn Thừa sai, như một cách thể hiện sự quan tâm và khích lệ của Thánh Bộ đối với một Tổ chức Thừa sai mới ra đời.

b. Từ 1975 đến 1999

– Sau biến cố 1975, cũng như các Hội dòng khác tại Việt Nam, Trụ sở, Chủng viện của Hội không còn, sinh hoạt của Hội gặp nhiều khó khăn, ngay cả Đức Cha Đặc trách cũng không thể gặp gỡ và hướng dẫn anh em như trước.

– Năm 1978 HĐGMVN trao cho Đức TGM. Phaolô Nguyễn Văn Bình đặc trách, việc điều hành được trao cho các Linh mục trong Ban Huấn luyện. Anh em nay phải tự thân vận động, vừa kiếm sống vừa lo hoàn tất chương trình Đại chủng viện.

– Từ 1992 đến 1998, hoạt động của Hội ngày càng khó khăn hơn, nhân sự vì thế cũng giảm dần, chỉ còn lại một số rất ít còn trụ lại.

– Tuy nhiên với thao thức truyền giáo thừa sai và ao ước được đóng góp phần mình cho sứ vụ loan báo Tin mừng, ngày 05.10.1998 những anh em còn lại đã gửi thỉnh nguyện thư đến Đức Hồng Y Phaolô Phạm Đình Tụng, Chủ tịch HĐGMVN xin phục hồi hoạt động của Hội TSVN.

– Trong khoá họp tháng 10.1999 HĐGMVN đã đồng ý cho phục hồi hoạt động Hội TSVN đồng thời, chính thức giao cho Đức Cha Phêrô Trần Đình Tứ, Giám mục Giáo phận Phú Cường, Đặc trách Hội TSVN.

c. Từ 1999 đến nay[18]

– Sau 5 năm phục hồi hoạt động đến nay, sinh hoạt của Hội ngày càng phát triển. Hội đã có 11 Linh mục, 61 anh em sống trong 6 cộng đoàn.

– Hội đang cố gắng hoàn thành bản Dự thảo “Quy chế Hội Thừa sai Việt Nam” với những bổ sung và sửa đổi cho phù hợp với hoàn cảnh mới.

– Tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn nhất là vấn đề nhân sự trong việc điều hành và huấn luyện.

– Ngoài ra, do chưa có điều kiện công khai hoạt động, Hội cũng gặp nhiều khó khăn trong việc cổ vũ ơn gọi thừa sai cũng như việc thiết lập những cơ sở cần thiết cho việc đào tạo và huấn luyện.

III. ĐẶC NÉT THỪA SAI

Công đồng Vatican II khẳng định: “Tự bản tính, Giáo hội lữ hành phải truyền giáo, vì chính Giáo hội bắt nguồn từ sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần theo ý định của Thiên Chúa Cha” (AG 2). Với khẳng định trên, ta có thể thấy, mọi thành phần trong Giáo hội đều có quyền và bổn phận phải truyền giáo để “…canh tân Giáo hội, tăng cường niềm tin và căn tính người Kitô hữu, đem lại nguồn diệu cảm mới và những động lực mới.” (RM 2). Thế nhưng, cách thực thi sứ vụ truyền giáo của mỗi người tín hữu có như nhau không?

1. Các cấp độ truyền giáo

a. Nhờ bí tích Rửa tội, mọi Kitô hữu đều được mời gọi ra đi loan báo Tin mừng cho muôn dân trong mọi hoàn cảnh, môi trường sống của họ. Vì thế, do Bí tích Thánh tẩy, mọi Kitô hữu đều phải là một nhà truyền giáo và tất cả những gì họ làm đều phải góp phần xây dựng nhiệm thể Đức Kitô, mở rộng Nước Thiên Chúa. (Xc. RM số 71)

b. Đàng khác, có những người mà cuộc sống của họ, từ đời sống nội tâm, lời cầu nguyện cho đến những hy sinh cố gắng, đều luôn qui hướng về việc rao giảng Tin mừng cho lương dân. Cách nào đó, họ cũng là những nhà truyền giáo, như thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu.

c. Có những người lại có khả năng gắn kết trong một hứng khởi truyền giáo để loan báo Tin mừng cho những người chưa biết Chúa. Họ cũng là những nhà truyền giáo theo nghĩa rộng, Pauline Jaricot[19] là một ví dụ.

Trong ba trường hợp trên, chúng ta nói đến các nhà truyền giáo với linh đạo Kitô giáo nói chung.

d. Theo nghĩa chặt và ở mức độ khẩn thiết hơn, nhà truyền giáo chính danh là những người “dâng hiến cuộc đời qua một ơn gọi đặc biệt” (RM số 27), và dâng hiến cuộc sống để làm chứng nhân và loan báo Tin mừng, dù rằng, bổn phận này cũng vẫn có trong ơn gọi chung của mỗi Kitô hữu. Nói cách khác linh đạo của nhà truyền giáo là một linh đạo đặc biệt dành cho những người được Chúa mời gọi dấn thân cho một ơn gọi chuyên biệt (xc. RM 87). Ơn gọi truyền giáo chuyên biệt đã mô phỏng cuộc đời của Đức Giêsu- nhà truyền giáo thừa sai mẫu mực- trong tất cả đời sống: cầu nguyện, lao tác, giảng dạy, chữa bệnh… đều chỉ để truyền giáo, để loan báo Tin mừng Nước Thiên Chúa.

2. “Nhà Truyền Giáo Thừa sai” – bạn là ai?

a. Cựu ước cho thấy, có một số người được chính Thiên Chúa chọn, được dành riêng và được “sai đi” để nói “Lời của Thiên Chúa” như Môsê (x. Xh 3,15), Ghêđêon (x. Tl 6,4), các tiên tri (x. 2Sb 24,19; Gr 7,25).

b. Trong Tân ước, Đức Giêsu cũng được Thần Khí Đức Chúa “sai đi” (x. Lc 4,18) và chính Người cũng “sai phái” các môn đệ ra đi, vì thế các ông được gọi là “tông đồ”, tiếng Hy Lạp – apostolos; tiếng Latinh – missionarius, có nghĩa là “người được sai đi”[20].

c. Tại Công đồng Vatican II, Sắc lệnh về Truyền giáo “Ad Gentes” đã dành hẳn chương IV để nói về “các nhà truyền giáo”. Ghi chú 34* xác định: các nhà truyền giáo là những người thợ được chỉ định và được đặc biệt chuẩn bị cho hoạt động truyền giáo là công việc có bản tính và mục đích riêng biệt. (x. AG 23)

Như vậy, dù là nam hay nữ; là người địa phương hay ngoại quốc; linh mục, tu sĩ hay giáo dân, nhà truyền giáo là những người: “Được quyền bính hợp pháp sai đi, do đức tin và đức vâng phục, họ ra đi đến với những người xa Chúa Kitô; họ được tách riêng ra để chu toàn công việc mà họ đã thi hành, như là những thừa tác viên của Phúc âm, “để phụng hiến dân ngoại làm lễ vật được chấp nhận và được thánh hoá trong Chúa Thánh Thần” (Rm 15,16)” (AG 23).

Nói cách khác, nhà truyền giáo thừa sai phải hội đủ 5 yếu tố mà Công đồng Vatican II đã nêu sau đây[21]:

– Là người được tách rời, dành riêng để thi hành một hoạt động chuyên biệt,

– Được bản quyền của Giáo hội sai đi,

– Phải ra đi, nghĩa là mang Giáo hội đến những nơi chưa có Giáo hội,

– Đến nơi xa, không nhất thiết phải hiểu theo nghĩa địa lý, nhưng theo nghĩa thiêng liêng,

– Để rao giảng Phúc âm như một sứ giả chân chính và thi hành mọi công việc của nhà truyền giáo.

d. Giáo luật điều 784 xác định:

“Các nhà thừa sai – tức là những người được thẩm quyền Giáo Hội sai đi để làm việc truyền giáo – có thể được tuyển chọn từ những người bản xứ hay không phải bản xứ, những giáo sĩ triều hoặc các thành viên của các Tu hội sống đời thánh hiến, của Hội đời sống tông đồ, hoặc những Kitô hữu giáo dân”.

Điều 786 định nghĩa: “Hoạt động truyền giáo đích thực nhờ đó Giáo Hội được ươm trồng nơi những dân tộc hay những nhóm người trong đó Giáo Hội chưa bén rễ, được Giáo Hội hoàn thành nhất bằng cách sai các người rao giảng Tin Mừng cho đến khi Giáo Hội non trẻ được thành lập cách đầy đủ, nghĩa là có sức sống riêng và đủ phương tiện giúp mình tự đảm đương lấy công việc Phúc Âm hoá”.

Như vậy, ta cần phân biệt:

– Mọi Kitô hữu nhờ lãnh nhận bí tích Thánh tẩy, được mời gọi sống linh đạo Kitô giáo. Khi dấn thân vào đời sống tu trì, mỗi dòng tu lại có một linh đạo riêng (Đaminh, Phanxicô, Biển đức…). Vì mọi Kitô hữu đều phải có bổn phận truyền giáo (x. AG 36) nên linh đạo nào cũng phải thấm đượm tinh thần truyền giáo. Có thể nói, đây chính là Ơn gọi truyền giáo phổ quát của mọi Kitô hữu.

– Riêng các “Nhà Truyền giáo Thừa sai” (theo cách gọi của sắc lệnh “Ad Gentes”), các “Thừa sai” hay các “Nhà Truyền giáo chuyên biệt” (theo cách gọi của thông điệp “Redemptoris Missio”) là những giáo dân, tu sĩ hay giáo sĩ được “dành riêng”, được “sai đi” thực hiện “Sứ vụ đến với muôn dân” (missio ad gentes)[22].

– Cách đặc biệt, nhờ việc chia sẻ, thông dự vào đặc sủng truyền giáo của một Tổ chức, Dòng tu, hay Hiệp hội chuyên lo việc truyền giáo, những người dấn thân trọn vẹn trong những tổ chức như thế vẫn được gọi là “Nhà Truyền giáo, Thừa sai”, dù họ có thể chẳng bao giờ có dịp làm việc với lương dân[23].

3. Linh đạo Truyền giáo Thừa sai

Như chúng ta đã biết, bất kỳ linh đạo nào cũng mô phỏng một góc độ nào đó cuộc đời Đức Giêsu. Trong phần này xin giới thiệu một vài ý chính của Linh đạo Truyền giáo Thừa sai, linh đạo của những người suốt đời dấn thân cho “sứ vụ đến với muôn dân”:

a. Để cho Thần khí hướng dẫn

Nhờ Thần Khí, người Thừa sai được hướng dẫn, uốn nắn từ bên trong, hầu trở nên giống Đức Kitô hơn. Khi sống hoàn toàn vâng phục Thánh Thần, người Thừa sai đón nhận được hai ơn căn cốt của việc truyền giáo, đó là ơn sáng suốt và cam đảm. Đàng khác, Thánh Thần là tác nhân chính của việc truyền giáo, chỉ có Thánh Thần có thể soi lòng cho lương dân đón nhận Đức Kitô. (RM 87).

b. Sống mầu nhiệm Đức Kitô “được sai đi”

Là những người “được sai đi”, người Thừa sai chỉ có thể hiểu và sống sứ vụ truyền giáo khi qui chiếu đời sống của mình vào chính Đức Kitô – Đấng được sai đi bởi Chúa Cha, Đấng luôn hiện diện, ủi an và đồng hành với với người Thừa sai trên mọi nẻo đường thi hành sứ vụ. Noi gương Đức Kitô, người Thừa sai cũng phải học sống mầu nhiệm Nhập thể và Cứu chuộc, là bước vào đời với trọn vẹn thân phận con người, là tuân phục ý định Thiên Chúa cho đến cùng, đến chân thập tự giá, “để trở nên mọi sự cho mọi người” (1Cr 9,22).(RM 88).

c. Yêu mến Giáo hội và con người như Đức Kitô đã yêu mến

Bị thôi thúc bởi lòng nhiệt thành với các linh hồn, bắt nguồn từ chính lòng yêu thương của Đức Kitô, người Thừa sai cũng phải là người của đức ái, có khả năng yêu thương, có thể trở thành dấu chỉ tình yêu Thiên Chúa cho con người, nhờ đó loan báo cho anh em về Thiên Chúa của yêu thương. Chính vì yêu thương mà Ngôi Hai đã xuống thế làm người, chịu đau khổ và chịu chết để cứu chuộc loài người.

Cũng như Đức Kitô, người Thừa sai cũng phải yêu mến Giáo hội là hiền thê của Người. Vì thế, nếu người Thừa sai trung thành với Đức Kitô thế nào, thì cũng phải trung tín với Giáo hội như vậy. (RM 89).

d. Nhà Truyền giáo đích thực phải là một vị thánh

Khi dấn thân cho sứ vụ truyền giáo, người Thừa sai mời gọi mọi người trở về với đời sống thánh thiện mà Thiên Chúa muốn. Vì thế trước hết, chính người Thừa sai phải là người đầu tiên sống thánh thiện, “đó là nền tảng cốt thiết của ơn cứu độ con người“. (RM 90).

IV. ĐỂ KẾT

Các thành viên của HTSVN, cách riêng các linh mục và nam trợ tá thừa sai, một mặt, được mời gọi sống đời thánh hiến như một chủng sinh, linh mục triều hay tu sĩ của các dòng tu, với linh đạo truyền giáo thừa sai. Đàng khác, lại được mời gọi cùng chia sẻ đời sống huynh đệ cộng đoàn, nhờ đó trở thành những chứng nhân sống động cho việc loan báo Tin mừng giữa lương dân. Thành viên của HTSVN cũng được mời gọi sống đời cầu nguyện và chiêm niệm, để có thể kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa, có thể trở nên người của Thiên Chúa nhờ đó chia sẻ cảm nghiệm của mình cho anh em.

Tóm lại, với những đặc nét của một Hội Truyền giáo Thừa sai, các thành viên thuộc về Hội không những được mời gọi dành trọn cuộc sống cho việc truyền giáo mà còn được mời gọi trở thành những chuyên viên trong công tác truyền giáo, để cùng với hàng Giáo phẩm: đào tạo những nhà truyền giáo lành nghề và đầy nhiệt huyết; nghiên cứu, tìm tòi những đường lối truyền giáo mới, góp phần gây ý thức truyền giáo cho mọi Kitô hữu, thúc đẩy công cuộc truyền giáo của Giáo hội. Nói cách khác, HTSVN không chỉ xây dựng những giáo điểm mà còn góp phần xây dựng mỗi Kitô hữu thành một giáo điểm linh động và sáng tạo.

 


[1] Xc. Lumière du Monde, số 11.1971, trích trong Sacerdos số 124, 04/1972, tr. 245-248

[2] Biên bản HĐGMVN. 04-10.01.1971, Tr. 6.

[3] Biên bản HĐGMVN. 04-10.01.1971, Tr. 7.

[4] Xc. Lumière du Monde, số 11.1971, trích lại trong Sacerdos số 124, 04/1972, tr. 247.

[5] Xc. Sacerdos số 117, 09/1971, tr. 521; Tài liệu về Hội Thừa Sai Việt Nam, tr. 47.

[6] Quy chế Hội Thừa sai Việt Nam, 1972, điều 1-2.

[7] Xc. Giáo hội Cộng giáo Việt Nam-Niên giám 2004, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2004, tr. 355.

[8] Quy chế Hội Thừa sai Việt Nam, 1972, điều 6.

[9] Xc. Giáo hội Cộng giáo Việt Nam-Niên giám 2004, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2004, tr. 355.

[10] Đức cha Philippê NGUYỄN KIM ĐIỀN, Dự án “Tổ chức Thừa sai Truyền giáo Việt Nam“, Huế, 24/05/1971, trích Tài liệu về Hội Thừa Sai Việt Nam, tr. 9.

[11] Quy chế Hội Thừa sai Việt Nam, 1972, điều 6-17.

[12] Quy chế Hội Thừa sai Việt Nam, 1972, điều 18-31.

[13] Quy chế Hội Thừa sai Việt Nam, 1972, điều 32-35.

[14] Xc. Giáo hội Cộng giáo Việt Nam-Niên giám 2004, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2004, tr. 356.

[15] Xc Sacerdos số 129-130, 09-10/1972, tr. 637-648.

[16] Sacerdos số 153, 09/1974, tr. 628.

[17] Sđd, tr. 629.

[18] Báo cáo sinh hoạt Hội TSVN 2003-2004, Hiệp Thông số 26-27, 11.2004, tr. 87-89.

[19] Pauline Jaricot, người có sáng kiến lập Hội Truyền bá Đức tin (L”Oeuvre Pontificale de la Propagation de la Foi) vào năm 1822, nhằm giúp đỡ tinh thần lẫn vật chất cho các xứ truyền giáo. Năm 1922, được Đức cha Roncalli, sau là ĐGH Gioan XXIII tổ chức thành một Hội Quốc tế (xc. Các Hội Giáo hoàng Truyền giáo, trích trong Sacerdos số 129-130, 09-10/1972, tr. 624-625.

[20] Xc. FELIPE GOMEZ sj., Truyền giáo học I, Antôn & Đuốc Sáng, 2003, tr.14.

[21] Xc. Ad Gentes, số 23, ghi chú 36*.

[22] “missio ad gentes”: thành ngữ này đã được Đức Gioan Phaolô II dùng rất nhiều lần trong thông điệp “Redemptoris Missio” cũng như sau này để tránh lối hiểu mập mờ, ngộ nhận về việc truyền giáo. (xc. Felipe Gomez, Truyền giáo học, tr.16).

[23] xc. Felipe Gomez, Truyền giáo học, tr.136.