Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Những Nẻo Đường Tâm Linh – Linh Đạo Thánh Benedicto (Biển Đức)

Administrator
2018-09-23 09:28 UTC+7 31
Benado Nguyễn Văn Độ, OC. G. Kim Khẩu Nguyễn Văn Nam, OC.   Trong thông điệp Fulgens Radiatur, ban hành năm 1947, để kỷ niệm 1400 ngày qua đời của thánh Biển Đức, Đức Piô XII đã ví thánh nhân như một vầng sáng của Châu Âu. Vầng sáng là gì, nếu không phải Đức […]


Benado Nguyễn Văn Độ, OC.

G. Kim Khẩu Nguyễn Văn Nam, OC.

 

Trong thông điệp Fulgens Radiatur, ban hành năm 1947, để kỷ niệm 1400 ngày qua đời của thánh Biển Đức, Đức Piô XII đã ví thánh nhân như một vầng sáng của Châu Âu. Vầng sáng là gì, nếu không phải Đức Thánh Cha muốn nêu cao ảnh hưởng của thánh Biển Đức trên toàn Châu Âu cũng như trên Giáo hội. Thế nhưng ảnh hưởng ấy phát xuất từ đâu ? Đa số các học giả dòng tu đều xác quyết : chính nhờ tu luật của ngài, như là dấu ấn đậm nét cho một thời đại.

I. THÁNH BIỂN ĐỨC – CON NGƯỜI THỜI ĐẠI

1. Bối cảnh lịch sử

Sau chiếu chỉ Milanô, năm 313 do hoàng đế Constantin ban hành cho tự do tôn giáo và trả lại tài sản cho Giáo hội. Năm 380 hoàng đế Théodose tuyên bố Kitô giáo là quốc giáo. Có thể nói lúc này Rôma vào thời điểm phát triển mạnh về Đức tin ; hơn nữa, Giáo hội còn bành trướng về các lãnh vực như kinh tế, chính trị. Tuy nhiên không lâu sau đó, nền văn hoá, chính trị, tôn giáo bị biến động. Vương quốc bị chia năm sẻ bảy. Vào thế kỷ thứ V-VI, nền văn minh của đế quốc Rôma bị lu mờ do các cuộc xâm chiếm của quân man dân (invasions barbares). Thế nhưng đó lại là cơ hội quí giá thức tỉnh Giáo hội có một cái nhìn đúng đắn hơn về vị trí, vai trò của mình và những giá trị nhân loại. Trong bối cảnh giao thời phức tạp này, các vị chủ chăn thao thức muốn đề nghị một linh đạo mang tính thực tiễn, phù hợp với nhu cầu mục vụ ; thì thánh Biển Đức và Linh đạo của ngài xuất hiện như một lời đáp trả cho hoàn cảch lịch sử lúc bấy giờ.

2. Vài nét sơ lược về tiểu sử thánh Biển Đức

Biển Đức chào đời năm 480 tại miền Norcia, nước Y, trong một gia đình quý tộc, từ nhỏ Ngài đã được gửi học ở Rôma, nhưng nếp sống đô thị đã không làm say mê con tim của ngài ; trái lại nó giúp ngài nhận ra một chân trời mới về lý tưởng đan tu. Biển Đức đã cùng vú nuôi rời kinh thành Rôma, xuống Enffide, cùng nhập đoàn những người khắc kỷ tu thân.

Biển Đức đã lui về nơi thanh vắng tại Subiaco cách Rôma khoảng 70 km. Ngài ẩn mình trong một hang nhỏ và học tập tu trì với một ẩn sĩ tên là Rômanô. Sau ba năm, danh tiếng thánh thiện của ngài đồn đi xa có nhiều người biết đến. Các đan sĩ ở Vicovaro mời ngài làm bề trên của họ, nhưng sau thấy không thành công, ngài trở về lại Subiaco. Tại đây có nhiều môn đệ đến xin thụ giáo với ngài, và thánh nhân đã lập tu viện tiên khởi, phân chia từng nhóm, mỗi nhóm 12 người sống theo luật của thánh Pacôme.

Trong thời điểm này, lý tưởng tu hành chưa được toại nguyện lại thêm lòng ghen tỵ của một giáo sĩ địa phương ; vì thế năm 525, ngài đã phải dời đến Monte Cassino, một ngọn đồi ở giữa Rôma và Napoli. Chính ngọn núi này là nơi quan phòng của Thiên Chúa để cho hạt giống chiêm tu Biển Đức phát triển thành cây cải khổng lồ về tu trào Biển Đức và tu trào Tây phương. Cuốn “Luật Đan Sỹ” cũng đã được thoát thai từ đây như một báu vật cho con cái trước lúc ngài nhắm mắt lìa đời vào năm 547.

3. Khởi hứng từ linh đạo của các vị tiền bối

Có thể nói được Tu luật “Luật đan sỹ” (Regula monachorum) của Thánh Biển Đức được rút tỉa và tổng hợp từ những giá trị tinh túy của các vị tiền bối như : thánh Pacome, thánh Basilio, thánh Augustino và thánh Columbano. Đây cũng là bản đúc kết kinh nghiệm của trên 40 năm làm viện phụ. Linh đạo thánh Biển Đức có tính cách quyết liệt, nhưng thực tiễn và sâu rộng, đã ảnh hưởng hầu như đa số các tu viện thời bấy giờ. Thế giới theo văn hóa Latinh đã hấp thụ một cách sâu xa tinh thần và lối sống của linh đạo Thánh Biển Đức. Tu luật thánh Biển Đức được coi là quân bình nhất trong các tu luật thời cổ. Sự quân bình đó được thể hiện rõ trong cách sắp xếp sinh hoạt cộng đoàn. Ba phần vụ chính : Thần vụ, Lao tác, Học hành chiếm số giờ ngang nhau trong ngày của đan sĩ. Người ta nhận định rằng, điểm son trong linh đạo của ngài là “đức cẩn trọng và chừng mực”.

II. LINH ĐẠO THÁNH BIỂN ĐỨC

* Linh đạo là gì ? Linh đạo là con đường thiêng liêng đưa con người trở về với Thiên Chúa, hiệp nhất với Ngài trong một tình yêu bền vững. Nói khác đi, Linh đạo là một lộ trình thiêng liêng nhằm dẫn tới cuộc đối thoại liên lỉ giữa con người với Thiên Chúa tình yêu.

1. Nền tảng của linh đạo

a. Về nguồn

Khi nói về linh đạo của thánh Biển Đức tức là nói về lối sống và con người của thánh nhân. Trong cuốn “Đối thoại”, thánh Grêgôriô cả nhận xét : “Thánh Biển Đức không dạy gì khác ngoài những điều ngài đã sống”. Daniel Rops còn khẳng định rõ hơn : “Tất cả con người Biển Đức là ở trong tu luật. Nếu muốn khám phá dung mạo thiêng liêng của ngài, phải rút lấy những nét từ tu luật ; vì nó là bức chân dung đích thực về ngài”. Thế nhưng để có bức chân dung đích thực đó, thánh nhân đã phải làm gì ? Văn hào Bossuet quả quyết : “Thánh Biển Đức đã biết chắt lọc được những chất cốt yếu của đạo Công giáo, toát yếu được toàn bộ Giáo lý Tin Mừng, những giáo huấn của các giáo phụ, các bậc chân tu tiền bối và những lời khuyên trọn lành để làm nền tảng cho bộ luật này”. Cụ thể ngài đã trích dẫn : sách Tin Mừng Matthêu 30 lần, Luca 13 lần, thư của thánh Phaolô 48 lần, Thánh vịnh 37 lần, sách khôn ngoan 12 lần, các sách châm ngôn, nhất là các sách Giáo phụ đến 112 lần và cảm hứng một phần lớn lấy từ luật nầy (Regula Magistri)… Như thế, chừng đó đủ minh chứng về ‘kiến thức thánh khoa’ của ngài. Tuy nhiên, ngày nay nhiều tác giả nhận định rằng : Luật thánh Biển Đức (RB: Regula Benedictor) là “luật quy Kitô”, điều đó cũng rất dễ nhận ra, chẳng hạn như : “Hãy bỏ mình theo Chúa Kitô”(RB 4,10), “Không có gì quí hơn lòng mến Chúa Kitô”[1], “ Vì lòng mến Chúa Kitô, hãy cầu nguyện cho kẻ thù” (RB 4,72), “Đó là nhân đức của những người không quí gì hơn Đức Kitô” (RB 5,2), “Tuyệt đối, không lấy gì hơn Chúa Kitô”[2]. Thiết tưởng đó là những cơ sở mang lại tính bền vững cho bộ luật.

b. Tinh thần cộng đoàn

Đối với thánh Biển Đức, Đan viện là “Trường học phụng sự Thiên Chúa, mà Thầy dạy là chính Chúa Thánh Thần”, nơi ấy đan sĩ học tập từng bước trong một tinh thần vâng phục vui tươi để lớn lên trong tình yêu Chúa. Những việc hãm mình, các giờ kinh thần vụ và ngay cả việc quản trị cũng mang sắc thái ôn hòa được điều phối một cách khách quan chứ không được tùy hứng từ kẻ này người nọ. Đối với thánh Biển Đức, môi trường thực hiện ơn gọi chính là cộng đoàn đan tu, đan sĩ tìm Chúa trong cộng đoàn. Trung tâm điểm của cộng đoàn là Chúa Kitô mà đan viện phụ là người đại diện. Vâng lời, khiêm tốn, thinh lặng, yêu mến thần vụ là những yếu tố thiết yếu nơi những ai muốn trở nên môn sinh của ngài để tiếp nối công việc của Chúa Cứu Thế. Mọi người sống và làm việc trong tâm thức có Chúa hiện diện, ngài còn dạy : “Chúng ta tin Thiên Chúa hiện diện khắp nơi và mắt Người hằng theo dõi người lành kẻ dữ”[3].

2. Các phương thế thiết yếu trợ giúp đan sỹ

a. Cầu nguyện

Đời đan sĩ là cuộc đời tìm Chúa. Con đường để người đan sĩ gặp gỡ Thiên Chúa chính là cầu nguyện. Như vậy, cầu nguyện là phương thế thiết yếu đưa người đan sĩ vào trong mối tương giao mật thiết với Thiên Chúa.

– Các giờ thần vụ : có nhiều phương thế khác nhau trong việc cầu nguyện, nhưng phụng vụ Thánh lễ và các giờ kinh vẫn là ưu tiên. Các giờ kinh và giờ cầu nguyện nhịp nhàng đan kết với nhau. Sống dưới tâm thức có Chúa hiện diện như thể là hơi thở của người đan sĩ. Người đan sĩ “không lấy gì hơn việc Chúa”. Vì vậy mà lòng mộ mến việc thần vụ được thánh Biển Đức nêu lên là một trong bốn tiêu chuẩn của ơn gọi đan tu. Trong 73 chương của tu luật, có đến 16 chương Thánh Biển Đức dành ra để nói về phụng vụ[4].

Mở đầu bản Tu Luật, Thánh Biển Đức mời gọi các môn sinh của Ngài : “Con ơi hãy lắng nghe lời thầy dạy, ghé tai lòng con mà thuận tình đón nhận lời Cha hiền khuyên nhủ”. Lời mời gọi của ngài cho ta thấy rằng, thái độ đầu tiên mà thánh nhân muốn ở người môn đệ là lắng nghe, lắng nghe không chỉ bằng đôi tai thể lý, mà còn bằng cả “tai lòng”. Vậy thì điều kiện để ‘tai lòng’ lắng nghe được, trước tiên phải có môi trường tĩnh lặng.

– Tĩnh lặng là phương thế tuyệt hảo giúp đan sĩ dễ dàng gặp gỡ Thiên Chúa và sống thân mật với Ngài. Tĩnh lặng là sự bình an sâu lắng của tâm hồn, nơi đó con người sẽ nghe được tiếng nói của Thiên Chúa, của lòng mình, sự kỳ diệu của cuộc sống,con người và vũ trụ. Vì thế, việc thinh lặng không phải là thích hay không thích, nhưng vì lòng mộ mến được ăn rễ sâu trong tâm thức người đan sĩ. Người đan sĩ phải thấy sự thinh lặng như một nhu cầu để tiến đức, một phương thế tốt để kết hợp với Thiên Chúa từ đáy tâm hồn.

– Đọc và suy niệm Lời Chúa. Vấn đề đọc và suy niệm Lời Chúa cũng được thánh Biển Đức nhấn mạnh, vì đó là điều cần thiết cho cuộc sống đan sĩ. Chính trong Lời Chúa mà đan sĩ tìm được lẽ sống, Lời Chúa là Lương Thực bồi bổ cuộc đời và là Ánh Sáng dẫn đưa đan sĩ đến nguồn sự sống. Nên thánh Biển Đức đã dành cho giờ đọc sách Thánh một tầm quan trọng đặc biệt đáng kể, chương 48 của Tu luật chứng minh điều đó. Không những khuyên mà ngài còn buộc các đan sĩ phải đọc và suy niệm Lời Chúa hằng ngày, điều đó cho thấy việc đọc sách (nhất là sách Thánh), và suy niệm Lời Chúa là một việc làm hết sức quan trọng đối với người đan sĩ.

b. Lao tác thường ngày

– Việc lao động tay chân chiếm một vị trí khá đặc biệt trong đời sống đan tu. Lao động chẳng những nhằm để mưu sinh, nhưng còn để chia sẻ với tha nhân và đồng thời cũng là phương thế để hy sinh hãm mình, giúp đan sĩ quân bình trong đời sống. Vì kinh nghiệm cho thấy về nếp sống của các đan sĩ thời ngài, một số thích sống lang thang không muốn ở yên một chỗ để mưu sinh ; trái lại cứ thích sống nhờ vào người khác nay chỗ này, mai chỗ kia. Hơn nữa, “ở nhưng là thù địch của linh hồn… chỉ khi nào đan sĩ sống bằng thành quả của mình mới thật là đan sĩ”[5]. Dĩ nhiên, trong nếp sống cộng đoàn, thánh Biển Đức không chỉ chú trọng lao động chân tay mà còn lao động bằng trí óc nữa. Dầu sao, mọi sự đều làm trong tinh thần khiêm tốn, xây dựng, thánh hoá bản thân và tôn vinh Thiên Chúa qua những việc mình làm.

Hình thức khổ chế là điểm son trong đời sống của người đan sĩ. Nên thánh Biển Đức đề cập rất nhiều đến việc hy sinh mà đan sĩ phải thực hành trong đời sống như : khổ chế trong giấc ngủ để đào luyện đan sĩ khỏi tính mê ngủ, và mau mắn thức dậy ca tụng Chúa. Khổ chế trong việc chay tịnh, sự hy sinh từ bỏ ý riêng… để tinh thần được tỉnh thức sáng suốt đón nhận ý Thiên Chúa.

– Học hành, đọc sách thiêng liêng, ngoài việc đọc và suy niệm Lời Chúa, trong chương 38, Thánh Biển Đức còn khuyên nhủ anh em hãy học hành, đọc sách mỗi ngày vì nó nuôi dưỡng đời sống cho các đan sĩ. Nhưng người đan sĩ chỉ đọc những sách đã được chỉ định. Đọc sách giúp cho người đan sĩ tạo được những tương quan đối với Thiên Chúa, tha nhân và chính bản thân mình. Thánh Biển Đức muốn người đan sĩ phải coi việc đọc sách như là một bổn phận hơn là tìm kiếm những sách mà mình chỉ ưa thích. Ngài còn khuyên nhủ đan Viện phụ hãy tạo những giờ khắc và nơi chốn nhất định để anh em tập trung lại một nơi để đọc sách.

c. Các lời khuyên Phúc Âm

– Vâng phục

Khởi đầu bản Tu luật, thánh Biển Đức đã vạch ra cho đan sinh một linh đạo rõ ràng và minh bạch, là “hãy trở về với con đường vâng phục”, đó cũng chính là con đường mà Đức Kitô đã đi (RB 7, 32).

Theo thánh Biển Đức, muốn vâng phục trước hết phải từ bỏ ý riêng. Chính vì thế thánh nhân đã nhắc đi nhắc lại điều kiện cơ bản này nhiều lần trong Tu Luật. Ở chương 4 ngài viết : “hãy gớm ghét ý riêng”. Còn ở chương 5 khi nói về đức vâng phục thánh nhân nói : “Những người vâng phục như thế, họ bỏ ngay những gì thuộc về mình và từ khước ý riêng”. Chính trong khi thi hành vâng phục như vậy, đan sinh sẽ gặp Đức Kitô : nơi bề trên, trong anh em, trong lề luật và nhất là trong Phúc Âm. Chính khi vâng phục, người đan sinh tạo cho mình được sự bình an nội tâm, họ sẽ hân hoan chạy trên đường hoàn thiện, và chẳng mấy chốc họ sẽ đạt tới đỉnh trọn lành. Cuối cùng trong khi vâng phục, người đan sinh biết từ bỏ chính mình, chết đi cho tội lỗi, là chấp nhận đi vào con đường hẹp (x. Mt 7,13) để chia sẻ cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Kitô, hầu đáng được dự phần trong Nước Ngài.

– Khiết tịnh

Việc khước từ tình yêu với một mái ấm gia đình, người đan sỹ sẽ tìm được niềm vui của cuộc sống vô cùng phong phú và đầy kết quả trong Chúa Kitô. Vì Chúa Kitô và với Chúa Kitô họ yêu thương và hiến mình cho Thiên Chúa và tha nhân. Lời khuyên Phúc Âm, sống khiết tịnh vì Nước Trời là một dấu chỉ về đời sống mai hậu và là nguồn mạch của sự phong phú dồi dào nơi một trái tim không chia sẻ. Dĩ nhiên để đạt đức khiết tịnh cần có sự khổ chế : ngoài những khổ chế nơi thân xác còn có một khổ chế hết sức quan trọng, đó là khổ chế trong tinh thần như : tư tưởng, ý chí, vâng phục… nhưng tất cả khổ chế phải trong niềm vui của một tâm hồn hân hoan, quảng đại và yêu mến ; vì Thiên Chúa chỉ yêu thích kẻ dâng hiến một cách vui lòng.

– Khó nghèo

Khó nghèo cũng là một trong những nét nổi bật trong đời sống đan tu. Theo tu luật, đức khó nghèo trước hết được diễn tả trong lối sống của người đan sĩ, là đón nhận tất cả mọi nhu cầu từ viện phụ. Người đan sĩ tuyệt đối không cho hay nhận của gì mà không do viện phụ phân phát hay cho phép (RB 54). Nên đối với thánh Biển Đức, việc chiếm hữu của riêng là một tật xấu rất độc hại và phải tẩy trừ tận gốc thói xấu nơi người đan sĩ vì nó đi ngược lại tinh thần chung làm cản trở sự phát triển và bảo toàn đức mến. Để làm nổi bật lý do tại sao đan sĩ phải gớm ghét tật có của riêng, thánh Biển Đức nhấn mạnh rằng : từ ngày khấn, đan sĩ không được sở hữu hay chiếm hữu vật gì làm của riêng mình, vì “ngay đến bản thân và ý chí mình cũng không còn quyền làm chủ nữa”. Khó nghèo còn được thể hiện trong việc sử dụng của cải, tài sản của đan viện cách cẩn thận và chừng mực trong tinh thần trách nhiệm, tránh sự lơ đễnh, hư hao phung phí. Ngài nhấn mạnh : “Hãy coi tất cả dụng cụ của Đan Viện như bình thánh trên bàn thờ, chớ coi thường vật nào, đừng hà tiện, cũng đừng hoang phí, đừng phung phá tài sản của Đan Viện, mọi sự phải có chừng mực”. Chẳng hạn, ngài nói “người ra phiên, các dụng cụ công tác hãy trao lại cho quản lý sạch sẽ lành lặn”.

– Lời khấn Vĩnh cư

Vĩnh cư là một trong những điểm son của Tu luật. Thật vậy, trong cuốn Le Monachisme Bénédictin, một khảo luận nhận xét về đời sống và Tu luật thánh Biển Đức, Viện phụ Cuthbert Butler, đan viện Downside viết : Lời khấn vĩnh cư vào thời Thánh Phụ là một điểm son của dòng Biển Đức. Lời khấn này có thể coi như một nét độc đáo của pháp chế Biển Đức với Đan tu. Đó là chìa khóa mở lối đưa vào đời sống Đan tu chiêm niệm. Tác giả còn nói, lời khấn này là một đóng góp vô cùng quan trọng và đặc biệt nhất của thánh Biển Đức đối với công cuộc phát triển Đan tu Tây Phương thời bấy giờ. Quả thực đối với thánh Biển Đức lời khấn vĩnh cư là quan trọng, vì chính trong tinh thần ấy mà đan sĩ sống gắn bó với nhau suốt đời, cùng chia sẻ niềm vui nỗi buồn, tận tình tương trợ lẫn nhau, khích lệ và nâng đỡ nhau trong cuộc sống. Mặt khác thánh Biển Đức muốn cho đan sĩ sống theo nguyên tắc cộng đoàn cùng tiến. Ngài không muốn các đan sĩ chủ trương nên thánh cá nhân đơn độc, nhưng trong tư thế là phần tử của một cộng đoàn liên kết với nhau trong đời sống chung để tránh sự nông nổi nhất thời, đứng núi này trông núi nọ, khi vui thì ở, dở thì đi. Qua lời khấn vĩnh cư, thánh Biển Đức muốn đan sĩ một mực kiên trì nhất tâm chạy mau trên đường đức ái, trong sự hợp tác và dìu dắt anh em trên đường vươn tới lý tưởng thánh hiến. Ngài cũng mong muốn các thành viên ý thức trách nhiệm của mình đối với sự thăng trầm của cộng đoàn, đem hết tâm lực xây dựng cộng đoàn mình đang sống.

– Lời khấn Canh tân

Trong qui luật sống, bất cứ một sinh vật nào muốn bảo tồn và phát triển thì đều phải vươn tới mỗi ngày. Không phát triển là dấu hiệu của sự suy thoái và dần dần sẽ bị diệt vong. Đời sống tinh thần cũng vậy, không tiến tới là dấu hiệu của sự tụt hậu. Ý thức về điều ấy, thánh Biển Đức đã lập ra lời khấn canh tân để mời gọi đan sĩ mỗi ngày thăng tiến không ngừng. Nói cách khác, lời khấn canh tân là không ngừng vươn lên tới mức hoàn hảo của nhân đức khiêm tốn trong nếp sống đan tu, hầu xây dựng Nước Thiên Chúa nơi con người toàn diện.

Tóm lại, khấn canh tân là để biến đổi con người đan sĩ theo hình ảnh Chúa Kitô, gắn bó với Chúa Kitô, luôn sống trước sự hiện diện của Ngài để chiêm ngưỡng và đồng hóa với Ngài trong tâm tư cũng như hành động ; với một ý chí kiên quyết tiến tới không ngừng trong ơn gọi đan tu cách tích cực và triệt để, hầu đan sĩ đạt tới đức ái trọn hảo.

III. TÍNH THỰC TIỄN CỦA LINH ĐẠO TRONG LỊCH SỬ

1. Giá trị của Linh đạo thánh Biển Đức thời xưa

Linh đạo Biển Đức luôn có giá trị, cụ thể đã tồn tại và phát triển mạnh mẽ trong Giáo hội qua từng bước thăng trầm lịch sử từ thế kỷ V đến nay. Thời gian đã minh chứng cho một linh đạo luôn có giá trị và mang tính thực tiễn cho mọi thời đại. Bản Tu luật thời danh của thánh nhân được xem như là luật sống, là kim chỉ nam cho con cái ngài nói riêng và cho nếp sống đan tu chiêm niệm nói chung. Cũng nhờ thánh tổ Biển Đức, qua linh đạo của ngài mà đời thánh hiến đan tu chiêm niệm có một giá trị và chỗ đứng quan trọng trong Giáo hội.

Thánh Biển Đức đã biết rút tỉa từ Kinh Thánh, từ truyền thống tu trì và từ chính kinh nghiệm cá nhân của ngài để hình thành nên một nền Linh đạo đan tu thật quân bình, hợp lý và sâu sắc. Nhờ đó mà đem lại nhiều thành quả và ích lợi thiêng liêng cho Giáo hội. Với khẩu hiệu : “Cầu nguyện và lao động” (Ora et labora). Các đan sĩ không những được huấn luyện về đời sống thiêng liêng mà còn được đào luyện cả về nhân bản, tâm lý và thể lý nữa. Nhờ lao động trí óc và chân tay như vậy, người đan sĩ xây dựng được một đời sống quân bình về thân xác lẫn tâm hồn. Đồng thời cũng tạo ra được nhiều thành quả tốt đẹp cả về mặt kinh tế, nghệ thuật, văn hóa xã hội. Trong cuốn Đối thoại, thánh Grêgôriô Cả xác quyết : “Nhờ cây Thập giá, quyển sách và cái cày, thánh Biển Đức đã khôi phục lại nền văn minh Âu châu”, đem lại những ích lợi thiết thực cho xã hội lúc bấy giờ.

Quả thật điều đó không sai chút nào, nếu đọc lại lịch sử, ta không thể phủ nhận những đóng góp to lớn của các đan viện Biển Đức trong việc khôi phục lại nền văn minh Châu Âu : từ văn hóa, khoa học kỹ thuật, cũng như nghệ thuật cho đến đời sống tâm linh. Chẳng hạn như việc mở các trường học, học viện, các trung tâm dạy nghề, hay các trường nghệ thuật, mỹ thuật, hội họa, các xưởng thợ… phát minh ra những máy móc, dụng cụ sản xuất phục vụ cho nông nghiệp, giúp cho người dân lao động nghèo được cải thiện và nâng cao đời sống. Tóm lại, linh đạo thánh Biển Đức đã góp phần làm thăng tiến con người, xã hội và Giáo hội một cách phong phú và đa dạng.

2. Linh đạo đó ảnh hưởng gì trên chúng ta ngày nay

Có lẽ ngày nay không ít người đặt vấn nạn: Linh đạo Biển Đức còn thích hợp và có giá trị cho Giáo hội và xã hội, nhất là cho nếp sống đan tu trong thời đại chúng ta hay không? Bởi vì xu hướng toàn cầu hóa về kinh tế thị trường, thông tin liên lạc, công tác bác ái xã hội… đang khẩn thiết và mang tính thời sự. Thử hỏi rằng các đan sĩ trong đan viện đang suy nghĩ gì?

Xin thưa rằng vẫn rất cần thiết, cần thiết bởi vì nhu cầu đời sống tâm linh con người. Vì con người sống không phải chỉ sống nhờ cơm bánh mà còn sống bằng Lời Chúa dưỡng nuôi nữa (Mt 4,4). Vả lại, chính trong bối cảnh ồn ào náo động như vậy, lại nổi lên một nhu cầu thăm thẳm về tâm linh mà những thứ tiện nghi vật chất kia không thể lấp đầy cái hố sâu trống rỗng trong tâm hồn họ. Hơn bao giờ hết, con người ngày nay đang khát khao một điều gì đó linh thiêng, cao cả, mà chỉ có “Thực tại vô hình” mới đáp ứng được. Xã hội càng biến động sôi sục bao nhiêu thì nhu cầu tâm linh càng lớn, khát vọng tìm về nguồn suối bình an càng cao.

Điều đó chứng minh rằng, linh đạo đan tu Biển Đức luôn luôn thích ứng và có giá trị cho con người ngày nay. Chính vì vậy mà trong Tông huấn gửi Giáo hội tại Á Châu, Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II khuyên nên mở rộng các đan viện chiêm niệm nơi những vùng đất truyền giáo mới. Vì hình thức truyền giáo đan tu là chứng tá mạnh mẽ nhất. Trong số 23, Tông huấn viết : “Việc truyền giáo là hành động chiêm niệm và là sự chiêm niệm hoạt động. Do đó, một nhà truyền giáo mà không có kinh nghiệm sâu sắc về Thiên Chúa qua kinh nguyện và chiêm niệm, thì sẽ có ít ảnh hưởng thiêng liêng hay thành công về mặt truyền giáo”. Tông huấn còn nhấn mạnh thêm : “Tại Á Châu, tương lai của việc truyền giáo tùy thuộc phần lớn vào đời sống chiêm niệm”[6].

 Sứ điệp của các đan viện Biển Đức, Xitô ở Việt nam hiện nay đã và đang đặt nền tảng trên Linh đạo thánh tổ Biển Đức và Hiến pháp riêng của dòng để thích nghi với thời đại, trong tư cách là những người lắng nghe và phục vụ Lời Chúa, nhằm hội nhập những giá trị văn hóa của dân tộc vào trong đặc sủng đan tu của mình ngay giữa lòng dân tộc. Đồng thời vừa học cách đối thoại với truyền thống, niềm tin và văn hóa của các tôn giáo khác. Mà môi trường đan viện chính là nơi thuận tiện nhất để thực hiện điều đó. Vâng, “Giáo hội nhận thấy rằng, một đời sống chứng tá thầm lặng vẫn là con đường cần thiết để loan báo Nước Chúa trong nhiều lục địa tại Á Châu”[7].

Lại một lần nữa chúng ta được nghe Tông huấn khẳng định : “Trong nhiều truyền thống tại Á Châu, những người nam và nữ hiến mình sống đời chiêm niệm và khổ tu… việc làm chứng của họ đạt tới trình độ thuyết phục đặc biệt. Đời sống của họ trong cộng đồng, trong chứng tá bình an và thầm lặng có thể soi dẫn dân chúng biết làm việc để mang lại vẻ hài hòa hơn cho xã hội”[8].

Đan sĩ tìm Chúa và gặp gỡ Ngài trong khung cảnh cô tịch và thanh vắng giữa đất trời, sông núi, điều này cũng rất gần với dân tộc Á Châu là dân tộc thiên về tình cảm, coi trọng việc cầu nguyện, ăn chay, khổ hạnh, thích cảnh sống âm thầm, khiêm tốn, đơn sơ và tĩnh lặng nội tâm …, đó cũng là một trong những nét văn hóa rất gần với linh đạo đan tu Biển Đức, Xitô.

Sau Công đồng Vaticanô II, các đan viện Biển Đức và Xitô ở Việt Nam từng bước thực hiện việc hội nhập văn hóa vào đời sống đan tu. Chẳng hạn, phải kể đến một nỗ lực rất lớn để đưa các cung điệu dân ca Việt Nam vào trong các giờ kinh phụng vụ. Cùng với tâm tình báo hiếu của anh em Phật giáo, Hội dòng Xitô quyết định lấy tháng Vu lan là tháng cầu hồn cho ông bà, tổ tiên. Trong việc xây dựng nhà nguyện cũng được thiết kế theo văn hóa Á Đông. Trong mối tương giao với các tôn giáo bạn, một số đan viện có tổ chức các đợt tham quan, thăm viếng chùa chiền, thiền viện, thánh thất để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm.

Về phương diện mục vụ, các Hội dòng chủ yếu tiếp khách tĩnh tâm. Hằng năm, có rất nhiều khách đến đan viện để tĩnh tâm. Tuy nhiên, các đan viện hiện nay vẫn chỉ đáp ứng cho các tu sĩ, còn phía giáo dân thì rất hạn chế. Một điều trăn trở và cũng là thách đố cho các đan viện hiện nay là làm sao có được nhiều vị hướng dẫn tâm linh giàu kinh nghiệm thiêng liêng để phục vụ các linh hồn, và làm thế nào kiến tạo một không gian tĩnh mịch, rộng rãi khả dĩ đủ, để đáp ứng nhu cầu cho nhiều thành phần khác nhau đến tĩnh tâm.

Tóm lại, những ưu điểm làm cho linh đạo thánh Biển Đức có tính bền vững :

Nhờ thánh nhân biết đặt trên nền tảng Lời Chúa, các giáo huấn giáo phụ, lấy Đức Kitô làm trung tâm điểm để qui chiếu vào.

Một linh đạo rõ ràng, bao quát : gồm các luật lệ và châm ngôn đạo đức chỉ dẫn đan sĩ biết những việc phải làm trong suốt ngày.

– Đức cẩn trọng và chừng mực, nghĩa là đủ nghiêm khắc để kiềm chế các đam mê nết xấu, nhưng làø để không gây nản lòng cho các môn sinh. Trên đây là những tiêu chuẩn giúp các đan sĩ được ổn định.

Quả thật, như cha Giuse Đoàn Thiệu, dòng Đa Minh nhận xét : “bản Tu luật đã toát ra một tinh thần tiết chế và thực tiễn, kết hợp với sự hiểu biết sâu xa về tâm hồn con người, dành cho mỗi người sự tự do cần thiết, nhưng lại bảo toàn được đời sống cộng đoàn, đặc tính của đời đan tu”[9].

KẾT LUẬN

Không ai trong chúng ta đi mà lại không có đường, hay không biết đường. Cũng vậy, trong việc hoàn thiện tâm linh, cũng phải có ‘đường’. Linh đạo là gì, nếu không phải là con đường thiêng liêng đưa con người trở về với Thiên Chúa, hiệp nhất với Ngài trong một tình yêu bền vững. Nói khác đi, Linh đạo là một lộ trình thiêng liêng nhằm dẫn đưa tới cuộc đối thoại liên lỉ giữa con người với Thiên Chúa tình yêu.

Linh đạo đan tu Biển Đức cũng là một con đường trong muôn vàn nẻo đường thiêng liêng khác đã đóng góp cho đời, đem lại hoa trái thiêng liêng cho Giáo hội và xã hội. Qua những gì vừa trình bày quá hạn chế trên đây cũng đủ cho thấy, Linh đạo Biển Đức được đặt trên nền tảng là chính Chúa Kitô và giáo huấn của Ngài : “Không lấy gì quý hơn lòng mến Chúa Kitô”. Tất cả cuộc sống của người đan sĩ đều qui hướng về Chúa Kitô. Mọi công việc người đan sĩ làm cũng qui về Chúa Kitô, nhằm mưu ích cho các linh hồn. Thánh nhân đã mở ra một con đường thiêng liêng như muốn mời gọi những ai khát khao trở nên hoàn thiện thì hãy tiếp bước trên con đường đó.

Ngày nay, linh đạo đan tu Biển Đức đã phát triển và phổ biến khắp nhiều quốc gia trên thế giới ; không chỉ các đan sĩ Biển Đức mà còn nhiều dòng tu khác nhau cũng dựa trên linh đạo và bản luật thời danh của ngài, trong đó có sự cải tổ của dòng Xitô mà chúng ta sẽ thấy trong phần trình bày tiết sau.

 

Tài liệu tham khảo

1/. Công đồng Vaticano II, Văn kiện Đời Tu.

2/. Tông huấn Giáo hội tại Á Châu, năm 2000.

3/. Tông huấn Đời sống thánh hiến, (Vita Consecrata).

4/. (RB) Tu Luật Thánh Biển Đức, bản dịch Hội dòng Xitô Thánh gia Việt Nam.

5/. Nguyễn Thái Hợp, O.P., Nhập Môn Lịch Sử Linh Đạo, 2003.

6/. Kỷ yếu liên đan tu, Biển Đức Xitô…

7/. Dom. Paul Delatte, Commentaire de la Règle de St. Benoit, Plon 1963.

8/. Lm. Đoàn Thiệu, O.P., Lược Sử Linh Đạo, 1993.

9/. M. Regina Goberna, Le Père Saint Benoit, 1982.

10/. Lm. Linh Đan, S.O.C., Linh Đạo Thánh Biển Đức.

11/. Lm. Tôma Thiện Lê Thanh Các, O.S.B, Đan Tu Sử.

13/. Michel Hubaut, Đường Thinh Lặng, Déclée de Brouwer.

14/. Dom. Miquel, Être Moine ; chuyển ngữ, Đan viện Thiên Phước. 
 

[1] RB chương 4, 21.

[2] RB chương 72,11.

[3] RB chương 7,26.

[4] RB chương 8-20 ;43 ;45 ;47.

[5] RB chương 48.

[6] Tông huấn Giáo hội tại Á Châu, năm 2000, số 23.

[7] Tông huấn Đời sống thánh hiến, Vita Consecrata, số 38.

[8] Tông huấn Ibid, số 32 ; Sắc lệnh về dòng tu, số 7.

[9] Lm. Giuse Đoàn Thiệu, OP. Lược Sử Linh Đạo Kitô Giáo, tr. 83.