Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

THANH LUYỆN TRÁI TIM – Mục VII. Chán nản

Administrator
2020-06-14 00:53 UTC+7 28
HANH LUYỆN TRÁI TIM THEO TRUYỀN THỐNG TÂM LINH ĐÔNG PHƯƠNG CÔNG GIÁO Trích Phan Tấn Thành, Đời sống tâm linh tập V, (Truyền thống tâm linh trong các giáo hội Đông phương) Phương Đông, TPHCM 2017, trang 267-388. Mục VII. Chán nản Trong danh sách do ông Evagrius thiết lập, tà kiến thứ sáu mang tên là […]

HANH LUYỆN TRÁI TIM
THEO TRUYỀN THỐNG TÂM LINH ĐÔNG PHƯƠNG CÔNG GIÁO

Trích Phan Tấn Thành, Đời sống tâm linh tập V,
(Truyền thống tâm linh trong các giáo hội Đông phương)
Phương Đông, TPHCM 2017, trang 267-388.

Mục VII. Chán nản

Trong danh sách do ông Evagrius thiết lập, tà kiến thứ sáu mang tên là akêdia, và được thánh Cassianus phiên âm sang tiếng latinh là acedia, kèm theo lời giải thích bản tính của nó là “taedium sive anxietas cordis” (chán nản và xao xuyến). Có lẽ vì không xác định ý nghĩa của akêdia, cho nên thánh Grêgôriô gom nó làm một với tật buồn phiền (lipe), và đổi tên ra tật lười biếng (pigritia) trong bản liệt kê bảy mối tội đầu. Chúng tôi tạm dịch akêdia là “chán nản” ở tựa đề mục này, nhưng dưới đây chúng ta giữ nguyên văn Hy-lạp  bởi vì danh từ akêdia mang nhiều ý nghĩa.

– Trong các tác phẩm cổ điển Hy lạp, akêdia có nghĩa là: bê trễ, lãnh đạm, lạnh nhạt.

– Khi áp dụng vào đời đan tu, ông Evagrius gán thêm cho akêdia vài đặc tính khác: chán chường, buồn rầu. Ong còn đặt tên cho nó là “con quỷ giờ ngọ” được nhắc đến nơi thánh vịnh 90,6 (daemonium meridianum). Nó hành hạ đan sĩ từ giờ thứ bốn (10 giờ trưa) cho đến giờ thứ tám (2 giờ chiều), gây cho anh cảm giác bất ổn, đứng ngồi không yên, cảm thấy cô đơn, nhớ nhà, lại thêm cảnh lo lắng trước tương lai bấp bênh. Tóm lại, “con quỷ giờ ngọ” muốn xúi đan sĩ bỏ cuộc rút lui, trở về thế gian.

– Tiếp theo ông Evagrius, các sư phụ (như Cassianus, Gioan Climacus, Simeon Theologus) bàn sâu thêm akêdia, và được truyền thống Đông phương duy trì như một nết xấu riêng biệt, khác với sự buồn rầu và biếng nhác.

I. Bản chất

Thực ra, tuy akêdia bao hàm ý tưởng lười biếng, chán chường, nhưng không chỉ có thế mà thôi. Akêdia còn là mệt mỏi, nản lòng, ù lì, trì trệ; nó có sức gây ra sự buồn ngủ mặc dù thân thể không cảm thấy mệt nhọc.

Nói chung, akêdia phản ánh một tâm trạng chán nản, không còn say mê tha thiết với bất cứ điều gì nữa, dửng dưng với mọi sự. Tuy nhiên, đó chưa phải là điều tai hại; nguy cơ của akêdia ở chỗ là nó tạo ra một nếp sống bất ổn: đương sự không còn khả năng tập trung tinh thần vào một điều nào cố định.  Nếu  đang sống một thân một mình, thì anh không thể ngồi yên một chỗ được, nhưng cứ bị thúc đẩy đứng lên ngồi xuống, đi lại đây đó để tìm giao lưu. Dưới chiêu bài đi tìm bạn hiền, anh  lân la gạ chuyện tán gẫu. Lấy danh nghĩa cầu tiến, anh bỏ dở công tác đang làm để đi tìm một công tác hoàn hảo hơn, thậm chí rời bỏ chỗ mà mình đang trụ trì để tìm đến chỗ mà anh nghĩ là khắc khổ hơn. Trên thực tế, những thái độ vừa nói bộc lộ một trạng thái bất ổn, thiếu kiên trì trong việc theo đuổi đường tiến đức.

Như đã nói trên, ông Evagrius là người đầu tiên đưa akêdia vào danh sách tám tà kiến, và vạch ra mối nguy hại của nó đối với đan sĩ. Thay vì cám dỗ đan sĩ phạm tội, ma quỷ xúi ông ta bỏ khí giới, ngưng chiến đấu. Nếu đan sĩ chiều theo cơn cám dỗ này thì quả là một cuộc đại thắng cho ma quỷ! Cơn cám dỗ diễn ra dưới nhiều khía cạnh, bắt đầu từ việc cầu nguyện: đan sĩ cảm thấy buồn ngủ khi bắt đầu đọc thánh vịnh, nhưng đến lúc đọc kinh xong là thấy đầu óc tỉnh táo (Climacus, Scala XIII,3). Kế đến là việc khổ chế: đan sĩ từ từ thả lỏng vì thấy cần bảo vệ sức khoẻ. Dần dần đan sĩ không còn thấy hứng thú gì với việc đạo nghĩa nữa.

Tuy nhiên, không phải chỉ các đan sĩ mới bị quỷ akêdia tấn công. Kể cả những người sống ngoài đời cũng mắc phải tật xấu này dưới nhiều dạng thức khác nhau: họ mang một cảm giác chán nản, ngao ngán về chính cuộc sống; họ không thỏa mãn với công ăn việc làm, không thấy thoải mái trong khung cảnh sinh sống; họ cảm thấy mất  nghị lực để thi hành bổn phận của mình. Thế rồi, để lấp đầy sự trống rỗng bên trong, họ lao mình vào các hoạt động hoặc tìm các thứ tiêu khiển, chạy xuôi chạy ngược.

Mặt khác, tuy nhìn nhận rằng akêdia là thứ cám dỗ do ma quỷ gợi lên, nhưng các sư phụ cũng lưu ý đến trách nhiệm của đương sự nữa. Đành rằng ma quỷ tìm cách xúi giục các tín hữu từ bỏ quyết tâm nên thánh, nhưng cũng thiếu lần chính đương sự đã mở đường cho sự tháo túng.

II. Hậu quả

Cũng như đối với các nết xấu khác, tật akêdia cũng có những mắt xích căn nguyên và hậu quả của nó.

Nó có thể bắt nguồn từ sự quyến luyến những khoái cảm (mê ăn, dâm dục, tham tiền), hoặc từ sự buồn phiền. Ngược lại, nó cũng có thể trở thành đầu mối cho những tật xấu đó, bởi vì một khi con tim không còn được thu hút bởi những giá trị tinh thần thì nó sẽ đi tìm sự thoả mãn bù trừ nơi các đối tượng vật chất. Nói cách khác, một khi con tim đã rơi vào tật akêdia thì nó mở cửa cho tất cả các tật xấu khác tràn vào. Một khi nó chán ngán các công tác tinh thần thì nó sẽ bị lôi cuốn bởi những giá trị hư ảo vật chất. Đối với đan sĩ, akêdia có nghĩa là hạ khí giới, trở về với nếp sống cũ mà trước đây anh đã khước từ.

III. Chữa trị

Khi bàn về tật buồn phiền và nóng giận, các giáo phụ tìm cách phân biệt mặt tốt và mặt xấu của chúng: có thứ buồn tốt (buồn vì xa cách Chúa) cũng như có thứ giận tốt (giận ma quỷ). Nhưng khi bàn về akêdia thì các sư phụ không nương tay, bởi vì không thể tìm thấy một điều gì tốt lành ở nơi nó; vì thế cần phải thẳng tay trừ diệt kẻo nó làm hư hại tất cả công trình nên thánh của ta. Thánh Climacus đã nhận xét: các nết xấu khác chỉ phá hủy một nhân đức, còn tật akêdia giết chết hết mọi nhân đức (Scala XIII,9). Nhưng chữa trị nó bằng cách nào? Thật không đơn giản.

1/ Trước hết, cần phải ý thức mối nguy hiểm của nó đối với việc nên thánh. Đồng thời cũng cần can đảm vạch mặt nó ngay từ khi mới nhen nhúm. Thực vậy, lắm khi nó đang hoành hành ở trong ta nhưng ta lại không ý thức về nó. Như đã nói trên đây, nó có thể đội lốt đạo đức giả dối để lừa gạt một đan sĩ, xúi giục ông rời bỏ nơi cô tịch để giao lưu tìm bạn hiền.

2/ Sau khi đã nhận diện tật akêdia đang ngấm ngầm hoạt động, ta phải thẳng tay trừ diệt chứ đừng thỏa hiệp với nó. Hơn thế nữa, ta cần phải giáp mặt đương đầu với nó, chứ đừng tránh né hoặc bỏ chạy. Theo như Cassianus nhận xét (Inst. X,3), quỷ akêdia  chuyên môn  lấn tới chứ không bao giờ chịu nhượng bộ đâu:  khi nó thấy ta bỏ chạy là nó đắc chí; còn khi thấy ta chống cự thì nó lo, tuy dù chưa biết chắc sẽ thắng hay bại. Tiếc rằng nhiều tu sĩ tưởng rằng mình nên nới tay một chút thì sẽ giảm được cơn cám dỗ, nhưng đó là sự lầm lẫn tai  hại, cũng tựa như kẻ mắc bệnh sốt rét tưởng rằng  uống nước lạnh thì sẽ giảm cơn nóng vậy (Coll. XXIV, 5).

3/ Nguyên nhân của tật akêdia ở ngay trong chính bản thân ta. Vì thế phương dược trị liệu cũng nằm ở trong ta chứ không tuỳ thuộc nơi người khác hoặc hoàn cảnh. Đành rằng trên hành trình tâm linh, ta cần tới vị linh hướng dẫn dắt, nhưng khi bàn đến tật akêdia thì các sư phụ lại tỏ ra dè dặt. Thực vậy, không thể nào chối được ích lợi của sư phụ khi chỉ dẫn cho ta thấy chứng bệnh akêdia đang ám ảnh ta, hoặc khi khích lệ tiến tới chứ đừng bỏ cuộc; tuy nhiên dựa theo thánh Basiliô Cả (Constitutiones monasticae VII,2: PG 31,1368A), thánh Isaac Niniveh (Discorsi ascetici 57) khuyên đan sĩ hãy ngồi yên trong phòng để chiến đấu thì tốt hơn là chạy đi tìm một linh hướng: ai tưởng rằng linh hồn mình sẽ tìm thấy an bình nhờ đàm đạo với người khác thì lầm to.

4/ Dù sao, cuộc chiến với akêdia rất cam go bởi vì thường không chỉ diễn ra trong phút chốc nhưng kéo dài lâu tháng lâu năm. Đan sĩ dễ cảm thấy chán nản vì cho rằng mình đã thất bại. Chính vì thế, đan sĩ cần được trang bị với đức kiên trì. Thánh Maximus Confessor (Capita de caritate, cent. I,67) nêu bật ý nghĩa của lời Chúa Giêsu “Nhờ kiên trì mà các con có thể được cứu rỗi” (Lc 21,19) vào cuộc chiến đấy chống lại akêdia . Nhân đức kiên nhẫn cũng được liên kết với nhân đức hy vọng trong cuộc chiến đấu chống lại akêdia. Sự hy vọng nói ở đây không chỉ có nghĩa là biết chắc trước sau gì mình cũng sẽ thoát được cơn cám dỗ, nhưng nhất là sự hy vọng cuộc chiến đấu này sẽ mang lại cho mình phần thưởng Nước trời. Nói cách khác, đức hy vọng được hiểu về đức Trông Cậy, tin chắc rằng Chúa sẽ ban cho ta hạnh phúc vĩnh cửu cũng như sức lực để đạt đến đó.

5/ Như vậy, để chiến đấu với tật akêdia, ta được sự hỗ trợ của nhiều nhân đức, đặc biệt là nhân đức kiên nhẫn và hy vọng. Mặt khác, trong hành trình tâm linh, các đam mê và nhân đức liên kết và lôi cuốn lẫn nhau. Do đó, việc thực tập các nhân đức trong lãnh vực khác cũng có tác dụng đối với sự chữa trị akêdia. Trong số những việc khổ chế có tác dụng đối kháng akêdia , ông Evagrius (Praktikos 27) cũng như thánh Climacus (Scala XIII,16) nhắc đến nước mắt thống hối và lòng kính sợ Chúa: sự đau đớn khi nhớ đến các tội lỗi của mình là một phương thế rất hữu hiệu để dập tắt akêdia. Một cách tương tự như vậy, việc “tưởng nhớ sự chết” (mnême thanathou) cũng là phương dược để diệt akêdia. Trong truyền thống tâm linh của các đan sĩ, “Tưởng nhớ sự chết” có nghĩa là luôn nhớ đến thân phận dòn mỏng của mình và nhớ rằng cái chết có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Kèm theo việc “tưởng nhớ sự chết” là lời khuyên thực hành “hãy sống hôm nay như là ngày cuối cùng trên đời”. Đây là một sự thực tập không chỉ nhằm giúp cho ta chuẩn bị chết lành, nhưng tiên vàn là giúp ta hãy tận dụng giây phút hiện tại cho việc cứu rỗi, đừng phí phạm thời giờ vô ích, biết “nắm bắt cơ hội” theo lời khuyên của thánh Phaolô (xc. Ep 5,16).

Trong bộ sưu tập danh ngôn (apophthegmata), người ta kể lại rằng có kẻ đến hỏi một sư phụ rằng: “Tại sao cha không hề chán nản?”, và câu trả lời là: “ bởi vì tôi chờ cái chết đến mỗi ngày”. Thánh Antôn cũng viết: “Để khỏi rơi vào tật chểnh mảng, bạn hãy suy gẫm lời của thánh tông đồ viết rằng ‘mỗi ngày tôi phải đương đầu với cái chết’ (1Cr 15,31). Nếu bạn sống mỗi ngày dường như là sắp phải chết thì bạn sẽ chẳng dám phạm tội đâu. Điều này có nghĩa là vào ban sáng khi thức dậy, bạn hãy nghĩ rằng mình sẽ không sống cho đến chiều tối; rồi trước khi lên giường ngủ, bạn hãy nghĩ rằng mình sẽ không thức dậy nữa” (Vita S. Antonii 19). Ong Evagrius cho ta biết rằng một thủ đoạn của quỷ akêdia là rỉ tai rằng đời còn dài và đường còn lắm gian truân, chắc gì mình có sức theo nổi. Để chống trả lại, ta hãy suy những lời Kinh thánh sau đây: “Kiếp phù sinh tháng ngày vắn vỏi, tươi thắm như cỏ nội hoa đồng, một cơn gió thoảng là xong, chốn xưa mình ở cũng không biết mình” (Tv 103,15-16); hoặc: “Cuộc đời chúng ta trên dương thế chẳng khác gì bóng câu” (G 8,9); hoặc: “Ngày đời con, nào có được bao nhiêu!” (G 10,20). Các sư phụ dạy rằng nếu người đan sĩ luôn luôn sẵn sàng như là sắp sửa chết vào ngày hôm sau, thì họ sẽ không sợ bị quỷ akêdia cám dỗ và họ sẽ hăng hái làm việc (Praktikos 29).

6/ Sự làm việc là một phương dược hữu hiệu để diệt trừ akêdia. Bởi vì hầu hết các tác phẩm tu đức dành cho các đan sĩ, cho nên không lạ gì mà sự làm việc được hiểu theo nghĩa “lao động tay chân”.  Cassianus đã dành một đoạn văn dài (Inst. X,7-24) để bàn về tầm quan trọng của lao động nhằm chống lại akêdia dựa theo một đoạn trích từ  thư thứ nhất thánh Phaolô gửi cho tín hữu Thesalonika (4,11): “Khi viết thư này, có lẽ thánh tông đồ đã thấy tật akêdia đang nhen nhúm, hoặc do Thánh Linh soi sáng cho thấy nết xấu này sẽ bành trướng, cho nên tựa như một lương y tinh thần, Người đã bồi bổ các bệnh nhân nhờ sự chữa trị bằng lời nói êm ái và hấp dẫn. Người bắt đầu bằng những lời dịu dàng nói đến sự thương yêu để vỗ về họ, và khi khi vết thương đã được xoa dịu băng bó, Người mới dùng đến những biện pháp cứng rắn hơn. Thứ nhất, thánh Phaolô khuyên họ “anh em hãy giữ yên tĩnh” , có nghĩa là hãy ở yên trong phòng, và đừng để bị quấy rối vì những tiếng khua động. Thứ hai, “anh em hãy chú ý vào công việc của mình”, nghĩa là đừng tò mò muốn biết chuyện gì xảy ra ở ngoài đời, hoặc đừng tọc mạch về đời sống của người khác để đàm tiếu về họ thay vì lo tu thân sửa mình. Thứ ba, “anh em hãy lao động bằng chính bàn tay của mình”. Thánh Phaolô không dừng lại ở lời khuyên nhưng còn nêu gương cho các tín hữu khi viết trong thư thứ hai cho các tín hữu Texalonica: “Khi ở giữa anh em, chúng tôi không ăn bám ai, trái lại đêm ngày đã làm lụng khó nhọc vất vả, để khỏi trở nên gánh nặng cho người nào trong anh em” (2Tx 3,8); từ đó Người đã kê ra toa thuốc cho những người vô kỷ luật: “nhân danh Chúa Giêsu Kitô, chúng tôi truyền dạy và khuyên nhủ những người ấy hãy ở yên mà làm việc, để có của nuôi thân” (2Tx 3,12). Sự làm việc là một phương thuốc được đưa ra để chữa bệnh akêdia tận gốc: nó không chỉ có giá trị chữa bệnh mà thôi, nhưng còn có giá trị phòng ngừa nữa. Theo Cassianus, thánh Phaolô không chỉ làm việc để mưu sinh mà thôi; người không bán sản phẩm của mình, dành dụm tiền bạc cho tương lai, nhưng đến cuối năm thì người đốt hết sản phẩm và bắt đầu làm lại, bởi vì người không muốn rảnh tay. Thực vậy, sự làm việc không phải chỉ nhằm tới việc mưu sinh, nhưng còn cần thiết để thanh luyện con tim, giữ gìn cho trí óc khỏi chạy theo tư tưởng dông dài, và cũng gìn giữ đan sĩ ngồi yên trong phòng chứ không chạy lông bông. Vì những lý do đó mà sự lao động là phương dược hữu hiệu để chống lại  akedia.

7/ Sau cùng, trong việc chiến đấu với akedia, đan sĩ không thể nào bỏ qua việc cầu nguyện. Sự cầu nguyện là phương dược cần thiết để chữa trị tất cả các đam mê nết xấu nói chung, và với tật akedia nói riêng.  Nếu thiếu sự cầu nguyện, thì các phương dược khác (kiên nhẫn, hy vọng, thống hối, làm việc) vẫn chưa thể phát sinh công hiệu hoàn toàn. Ta cũng có thể nói ngược lại: ta cần phải cầu nguyện thì mới có thể nhận được những phương dược vừa kể.

Tuy biết như vậy nhưng một trở ngại chính của người bị cám dỗ bởi akedia là bỏ bê việc cầu nguyện. Vì thế đương sự phải ý thức điều nguy hiểm đó, để đừng chiều theo chước cám dỗ, hoặc nếu đã lỡ bỏ cầu nguyện thì hãy lập tức nối lại. Dĩ nhiên, khi nói đến sự cầu nguyện trong tình trạng này, các sư phụ không liên tưởng đến việc chiêm niệm những điều cao siêu, nhưng hiểu về những hình thức vừa tầm tay, chẳng hạn như: đọc thánh vịnh, niệm danh Chúa Giêsu, cũng như cầu nguyện bằng thân thể, nghĩa là qua các cử điệu uốn mình, phủ phục, qùy gối, vv. Trong khi cảm thấy mệt mỏi chán nản, sự cầu nguyện bằng thân thể có sức huy động toàn thân, nghĩa là cả thể xác lẫn tâm thần, lôi kéo nó ra khỏi cảnh uể oải.

Đan sĩ nên biết rằng tật akêdia có thể theo đuổi mình suốt đời, vì vậy cần đề cao cảnh giác: nếu ta để cho nó len lỏi vào con tim, thì chẳng bao lâu nó sẽ huỷ diệt toàn thể nỗ lực tiến đức của mình. Mặt khác,ta cũng có thể nói ngược lại: nếu ta thắng được nó, thì ta cũng thấy an tâm, tin tưởng có thể đương đầu với bất cứ tật xấu nào còn lại.