Lm. Giuse Lê Minh Thông, O.P. Dẫn nhập Đọc Tin Mừng Mác-cô nhiều chương cùng một lúc sẽ nhận ra cấu trúc một đoạn văn dài được dựa trên sự liên kết của các đoạn văn ngắn hơn. Phân tích cấu trúc đoạn văn dài 1,16–3,6 (đoạn I) cho thấy sự tiến triển sứ […]
Lm. Giuse Lê Minh Thông, O.P.
Dẫn nhập
Đọc Tin Mừng Mác-cô nhiều chương cùng một lúc sẽ nhận ra cấu trúc một đoạn văn dài được dựa trên sự liên kết của các đoạn văn ngắn hơn. Phân tích cấu trúc đoạn văn dài 1,16–3,6 (đoạn I) cho thấy sự tiến triển sứ vụ của Đức Giê-su và nhận ra cách trình bày độc đáo của Tin Mừng Mác-cô về sự thành công của Đức Giê-su trong sứ vụ và trong cách thức rao giảng của Người.
I. CẤU TRÚC GIAI ĐOẠN KHAI MẠC SỨ VỤ CỦA ĐỨC GIÊ-SU
Ngoài lời tựa (Mc 1,1-15), toàn bộ Tin Mừng Mác-cô có thể được cấu trúc thành sáu đoạn văn: Đoạn I: 1,16–3,6. Đoạn II: 3,7–6,6. Đoạn III: 6,7–8,30. Đoạn IV: 8,31–10,52. Đoạn V: 11,1–13,37. Đoạn VI: 14,1–16,20 (xem phần cấu trúc trong Tin Mừng Mác-cô Hy Lạp – Việt, tr. 34). Phần sau sẽ trình bày cấu trúc một số đoạn văn trong phần đầu sứ vụ của Đức Giê-su để bàn về ba giai đoạn thành công và ba cách thức rao giảng của Đức Giê-su trong Tin Mừng Mác-cô.
1. Cấu trúc đoạn I: Mc 1,16–3,6
Đoạn I được cấu trúc thành 3 phần:
Phần thứ nhất thuật lại việc Đức Giê-su kêu gọi bốn môn đệ đầu tiên (1,16-29). Phần thứ hai (1,21-45) trình bày những hoạt động của Đức Giê-su như là một ngày làm việc mẫu. Phần thứ ba (2,1–3,6) bắt đầu xảy ra xung đột và tranh luận giữa Đức Giê-su và những người chống đối (Kinh sư, Pha-ri-sêu). Trong đoạn I của Tin Mừng Mác-cô (1,16–3,6) có hai nơi chốn đáng lưu ý:
1) “Ca-pha-na-um”, xuất hiện 2 lần ở 1,21; 2,1. “Ca-pha-na-um” mở đầu phần II (1,21) và mở đầu phần III (2,1).
2) “Hội đường” (sumagôgê) được nói đến 2 lần ở 1,21; 3,1. Danh từ “hội đường” xuất hiện ở đầu phần II (1,21) và ở cuối phần III (3,1).
Như thế, hoạt động của Đức Giê-su khởi đầu ở Ca-pha-na-um bên bờ Biển Hồ và Người giảng dạy trong hội đường.
2. Cấu trúc Mc 1,21-45
Đoạn văn 1,21-45 có thể chia làm 4 tiểu đoạn như trong bảng cấu trúc sau:
Đoạn văn Mc 1,21-45 giới thiệu những hoạt động chính trong sứ vụ Đức Giê-su. Ở cuối các tiểu đoạn 1 và 2 (1,32-33) và các tiểu đoạn 3 và 4 (1,45) nói đến sự thành công của Đức Giê-su. Sự thành công ngày càng lan rộng theo hướng: Capha-na-um à Ga-li-lê à Vùng lân cận.
II. BA GIAI ĐOẠN THÀNH CÔNG CỦA ĐỨC GIÊ-SU
Cấu trúc Mc 1,21-45 cho thấy hai giai đoạn thành công của Đức Giê-su.
1. Thành công giai đoạn I ở Ca-pha-na-um
Sau khi Đức Giê-su chữa lành bà mẹ vợ của Phê-rô, người thuật chuyện kể ở Mc 1,32-34: “32 Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, họ đem đến cho Người mọi kẻ ốm đau và những người bị quỷ ám, 33 cả thành tụ họp lại trước cửa, 34 Người chữa lành nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, Người không cho quỷ nói, vì chúng biết Người.”
Đây là trình thuật tóm kết hoạt động của Đức Giê-su: chữa lành và trừ quỷ. Sự thành công của Đức Giê-su thể hiện qua kiểu nói ngoa ngữ: “Cả thành tụ họp lại trước cửa” (1,33) nhà của mẹ vợ Phê-rô! Chỉ với một bài giảng và trừ quỷ trong hội đường (Mc 1,21-28) mà cả thành Ca-pha-na-um đã biết đến Đức Giê-su và Người có sức thu hút đến độ cả thành kéo đến với Người.
2. Thành công giai đoạn II ở vùng Ga-li-lê
Sau thành công ở Ca-pha-na-um, Đức Giê-su mở rộng khu vực rao giảng ra vùng Ga-li-lê. Người nói với các môn đệ: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các thị trấn chung quanh để Thầy rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi để làm điều này” (1,38). Người thuật chuyện tóm kết sứ vụ của Đức Giê-su trong câu tiếp theo: “Rồi Người đến rao giảng trong các hội đường của họ trong khắp miền Ga-li-lê và trừ quỷ” (1,39).
Thành công của Đức Giê-su trong vùng Ga-li-lê được tóm kết ở 1,39.45. Trước hết Đức Giê-su đi rao giảng trong các hội đường ở khắp miền Ga-li-lê và trừ quỷ (1,39). Đến 1,45 thì một người được Đức Giê-su chữa lành “đã bắt đầu rao giảng nhiều nơi và loan truyền lời ấy, đến nỗi Người không thể công khai đi vào thành, Người đành ở những nơi hoang vắng bên ngoài và người ta từ khắp nơi đến với Người” (1,45). Từ chỗ Đức Giê-su ra đi rao giảng, bây giờ Người ở yên một chỗ và từ khắp vùng Ga-li-lê dân chúng kéo đến với Người.
3. Thành công giai đoạn III ở Ga-li-lê và vùng phụ cận
Tiếp nối hai giai đoạn thành công như trên, giai đoạn thành công thứ ba được mô tả ở 3,7-8; 10,1. Sau khi trình bày năm cuộc tranh luận (xem cấu trúc 1,16–3,6), người thuật chuyện kể ở Mc 3,7-8: “7 Đức Giê-su cùng với các môn đệ của Người lánh về phía Biển Hồ. Một đám đông lớn [đi theo Người], từ miền Ga-li-lê, từ miền Giu-đê, 8 từ Giê-ru-sa-lem, từ xứ I-đu-mê, vùng bên kia Gio-đan và phụ cận Tia và Xi-đôn. Nhiều đám đông nghe biết những gì Người làm, đã đến với Người.” Sự thành công lớn lao của Đức Giê-su được mô tả bằng liệt kê các địa danh, điều này cho thấy tầm ảnh hưởng của Đức Giê-su đã vượt ra ngoài vùng Ga-li-lê.
Đến Mc 10,1, Đức Giê-su mở rộng nơi rao giảng của Người đến “miền Giu-đê [và] vùng bên kia Gio-đan” và như thường lệ đã thu hút được đám đông. Sau một loạt giáo huấn của Đức Giê-su ở Ca-pha-na-um (9,33-50), người thuật chuyện kể: “Rời khỏi nơi đó, Người [Đức Giê-su] đi tới miền Giu-đê [và] vùng bên kia Gio-đan. Nhiều đám đông lại đến với Người và như thường lệ, Người lại dạy dỗ họ” (10,1). Có thể tóm kết ba giai đoạn thành công trong sứ vụ của Đức Giê-su qua sơ đồ sau:
III. BA CÁCH THỨC RAO GIẢNG CỦA ĐỨC GIÊ-SU
Hành trình rao giảng của Đức Giê-su được chia thành ba giai đoạn:
Giai đoạn 1: Chính Đức Giê-su lên đường đi rao giảng. “Người đi rao giảng trong các hội đường của họ, trong khắp miền Ga-li-lê và trừ quỷ” (1,39).
Giai đoạn 2: Đức Giê-su làm cho người khác đi rao giảng. Những nhân vật đóng vai trò rao giảng trong sứ vụ của Đức Giê-su:
– Người mắc bệnh phong (1,40-45): “Nhưng vừa đi khỏi, anh ta đã bắt đầu rao giảng khắp nơi và loan truyền lời ấy” (1,45a).
– Người bị quỷ ám Ghê-ra-sa (5,1-20): “Anh ta ra đi và bắt đầu rao truyền trong miền Thập Tỉnh tất cả những gì Đức Giê-su đã làm cho anh ta và mọi người kinh ngạc” (5,20).
– Các môn đệ rao giảng, chữa lành và trừ quỷ (x. 3,14-15; 6,12-13).
Giai đoạn 3: Người ta từ khắp nơi kéo đến với Đức Giê-su để nghe Người giảng và được chữa lành (xem 1,32-33; 1,45; 3,7-8; 10,1).
Kết luận
Tìm hiểu cấu trúc tổng quát đoạn I Mc 1,16–3,6, cấu trúc đoạn văn Mc 1,21-45 và một số nơi khác trong Tin Mừng Mác-cô (Mc 9–10) như trên, cho phép độc giả rút ra hai ý tưởng độc đáo trong Tin Mừng Mác-cô:
(1) Thành công trong sứ vụ Đức Giê-su lan toả dần từ Ca-pha-na-um đến vùng Ga-li-lê và các vùng phụ cận. Sự thành công ngoài sức tưởng tượng như trên cho thấy chiều kích phổ quát của tin mừng Đức Giê-su, ngày nay Hội Thánh vẫn tiếp tục rao giảng Tin Mừng dựa trên khuôn mẫu rao giảng của Đức Giê-su.
(2) Cách thức rao giảng độc đáo của Đức Giê-su trong Tin Mừng Mác-cô được chia thành ba bước: đi rao giảng, làm cho người khác đi rao giảng và làm sao để người khác đến nghe giảng. Đó là những cách thức Hội Thánh vẫn đang áp dụng để rao giảng “tin mừng của Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa” (Mc 1,1)./.