Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

"Bản Hiến Chương Nước Trời" Hay "Bài Giảng Trên Núi"

Administrator
2018-09-23 04:19 UTC+7 21
Phan Cường PHẦN I MỘT CÁI NHÌN TỔNG QUÁT Bài giảng trên núi, một bản văn được đặt tên là Hiến chương của Nước Trời, đặc biệt được phụng vụ trình bày như tiêu chuẩn để thực hiện cuộc cải hoán tâm trạng Bài này, xin giới thiệu bố cục tổng quát của Bài giảng […]


Phan Cường

PHẦN I

MỘT CÁI NHÌN TỔNG QUÁT

Bài giảng trên núi, một bản văn được đặt tên là Hiến chương của Nước Trời, đặc biệt được phụng vụ trình bày như tiêu chuẩn để thực hiện cuộc cải hoán tâm trạng Bài này, xin giới thiệu bố cục tổng quát của Bài giảng trên núi (=BGTN), với những khía cạnh phê bình văn bản và những vấn đề chú giải đã đặt ra trong lịch sử.

I. BỐ CỤC

BGTN là tên đặt cho bài giảng ra mắt của Chúa Giêsu, được thánh Matthêu ghi lại trong ba chương 5,6,7. Được gọi là bài giảng, bởi nó bắt đầu với thái độ của một giảng viên “Đức Giêsu ngồi xuống… mở miệng dạy” (chương 5, câu 1-2), và kết thúc với những lời ở cuối chương 7: “khi đức Giêsu giảng dạy những điều ấy xong, đám đông sửng sốt về lời giảng dạy của Người” – Gọi là trên núi bởi vì ở đầu chương 5, thánh Matthêu đã viết: “thấy đám đông, đức Giêsu lên núi”, và ở đầu chương 8, thánh sử viết: “Khi Đức Giêsu ở trên núi xuống, đám đông lũ lượt đi theo Người”. Vì vậy mà kể từ thánh Augustinô, các học giả đã gọi là “bài giảng trên núi” (De sermone Domini in monte).

Nội dung của BGTN rất là phong phú vì gồm nhiều đề tài khác nhau. Nổi bật hơn cả là 8 phúc thật và kinh “Lạy Cha”. Liệu có thể tìm ra một hệ thống tư tưởng mạch lạc hay không? Các nhà chú giải đã đưa ra rất nhiều ý kiến để phân chia các đề mục chính của BGTN. Có thể phân BGTN thành bốn đề tài chính:

1) Tám mối phúc (5,3-12) được coi như dẫn nhập cho BGTN và được kéo dài thêm với vài áp dụng luân lý qua hai hình ảnh muối và ánh sáng (câu 13-16).

2) Đức Giêsu kiện toàn Lề luật và các ngôn sứ (5,17-48).

3) Đức Giêsu dạy cho các môn đệ biết thế nào là “công chính” trước mặt Thiên Chúa, cách riêng qua việc bố thí, cầu nguyện, ăn chay. Trong bối cảnh này Người dạy kinh Lạy Cha (chương 6, câu 1-18).

4) Thái độ đối với tài sản vật chất (6,19-34). Những lời khuyên về cách đối xử với anh em tóm lại trong “Khuôn vàng thước ngọc” (Chương 7).

II. NHỮNG CÂU HỎI VỀ PHÊ BÌNH VĂN BẢN

BGTN ghi lại nguyên văn những lời của chính Chúa Giêsu, hay là do thánh Matthêu đã thu gom những câu nói lẻ tẻ của Chúa rồi xếp lại thành một bài giảng? Câu hỏi này được đặt lên khi mở quyển Phúc âm thứ ba, chúng ta gặp thấy những câu nói tương tự với BGTN nhưng lại được thánh Luca đặt trong một khung cảnh khác, trong chương 6, từ câu 17 đến câu 49. Trước tiên, xét về địa lý, thì bài giảng này được công bố ở cánh đồng bằng dưới chân núi (câu 12). Xét về thời gian, thì nó không phải là bài giảng ra mắt của Đức Giêsu nữa, nhưng sau một thời gian hoạt động công khai. Cần thêm rằng, bản văn của thánh Luca ngắn hơn là BGTN (30 câu, sánh với 100 câu của Matthêu).

Sự đối chiếu giữa hai thánh sử về những chi tiết ngoại cảnh của bài giảng đã đưa các học giả tới giả thuyết là có lẽ Đức Giêsu đã không có công bố một bài giảng nào trên núi vào lúc khai mạc sứ vụ của mình, nhưng thánh Matthêu đã thu gom những lời giảng lẻ tẻ của Người và xếp đặt lại thành một bản tuyên ngôn. Bài giảng này được đặt là bài giảng trên núi bởi vì thánh Matthêu muốn gán cho nó một ý nghĩa thần học đặc biệt. Trong Cựu ước, ông Môsê đã nhận lãnh luật Chúa trên núi Sinai (Xh 19,3; 24,13.15.18; 34,4). Giờ đây, cũng giống như ông Môsê, đức Giêsu lên núi để gặp gỡ Thiên Chúa, và rồi từ đó Người giải thích và kiện toàn lề luật của Môsê. Thiết tưởng cũng nên biết là theo thánh Matthêu, sau khi sống lại Chúa Giêsu đã hiện ra với các môn đệ ở trên núi (28,16), và từ đó Người sai họ mang Tin mừng đi khắp thế giới.

Xin miễn đi vào những cuộc tranh luận giữa các học giả, xem ai trung thành với lịch sử hơn: Matthêu hay Luca? hay là cả hai đều sử dụng một nguồn tài liệu chung, rồi sau đó xếp đặt lại theo một cấu trúc thần học nhằm mục tiêu huấn giáo? Thiết tưởng đối với các Kitô hữu, một câu hỏi quan trọng hơn là: thánh Matthêu có dụng ý gì khi thu thập các lời của Chúa vào BGTN? Nói cách khác, BGTN dành để làm gì? BGTN nhằm đưa ra những lý tưởng cao đẹp để chiêm ngắm, hoặc chứa đựng những mệnh lệnh phải thực hành? Chúng ta hãy nghe những câu giải đáp trải qua lịch sử Kitô giáo.

III. LỊCH SỬ CHÚ GIẢI BÀI GIẢNG TRÊN NÚI

1) Ngay từ thế kỷ thứ 2, một số giáo phụ đã phải trả lời cho vấn nạn làm sao có thể giữ nổi các điều trong BGTN. Tác giả sách Didakhê (“Giáo huấn của các thánh tông đồ”, một tác phẩm vô danh ra đời vào khoảng năm 130-150) còn ghi lại vài vấn nạn cho rằng không thể nào thi hành nổi BGTN. Tác giả đã trấn an: “nếu bạn có khả năng vác được hết tất cả ách của Chúa, thì quả thực bạn là người trọn lành; nhưng nếu bạn không làm nổi, thì hãy làm cái gì làm được” (6,2). Xem ra đây là nguồn gốc của sự phân biệt giữa hai hạng tín hữu: hạng “trọn lành” và hạng “tầm thường”. Tuy nhiên, nói chung thì cho tới thế kỷ thứ 4, các giáo phụ đều cho rằng BGTN có thể thi hành được. Điều này có thể được nhận thấy khi đọc các bài giảng của các thánh Giustinô, Gioan Kim khẩu, đặc biệt khi bàn về sự tha thứ cho kẻ thù.

2) Kể từ sau khi đạo Kitô được Đế quốc Rôma nhìn nhận làm quốc giáo, ta thấy có sự chuyển hướng. Dựa vào sách Didakhê, một học thuyết dần dần được thành hình về sự phân biệt hai hạng tín hữu: những người “công chính” và những người “trọn lành”. Các nhà khổ tu tự coi mình như hạng trọn lành, và thi hành hết mọi mệnh lệnh của BGTN (thí dụ: không bao giờ thề, đưa má trái cho người ta vả v,v…). Còn những người công chính thì chỉ thi hành những mệnh lệnh nào có thể giữ nổi (suýt soát giống như 10 điều răn, tóm lại trong việc mến Chúa yêu người). Cũng từ đó, BGTN dần dần được coi như một luân lý ngoại hạng, siêu đẳng. Sang đến thời Trung cổ, ta thấy khuynh hướng chú giải này càng ngày càng lan rộng. BGTN là những lời khuyên dành cho một thiểu số nhận được ơn gọi đặc biệt, cách riêng tới mức độ từ bỏ hoàn toàn tài sản vật chất. Thiết tưởng cũng nên thêm rằng vào thời Trung cổ, trong số những người muốn đem ra thực hành BGTN, đừng nên chỉ nghĩ tới các tu sĩ Dòng hành khất (Đaminh, Phanxicô), nhưng còn phải kể tới bao phong trào khác: albigeois, vaudois.

3) Vào thời phong trào Cải cách ra đời, nhiều khuynh hướng khác nhau trong cách giải thích và thực hành BGTN nảy sinh.

a/ Thomas Muentzer (k.1490-1525), người Đức, cùng một nhóm đồng chí đứng ra thiết lập một cộng đoàn các tín hữu đích thực của đức Kitô, tách rời khỏi thế gian vô đạo. Ông ta chủ trương “cộng sản tình yêu”, không những là đặt hết tài sản làm của chung mà còn đoạn tuyệt với quyền thế trần tục, dựa theo lời Chúa: “Đừng chống cự người ác. Nếu bị ai vả má phải thì hãy giơ cả má trái nữa” (Mt 5,39). Việc áp dụng triệt để BGTN của nhóm này vẫn còn được duy trì nơi các nhóm Baptists, Quakers.

b/ Luterô không coi BGTN như là một bộ luật luân lý, song là như những hoa trái phát sinh do việc con người chấp nhận đức tin và kết hợp với đức Kitô. Về sau, học phái Lutêrô giải thích BGTN dựa theo đạo lý về việc công chính hóa, nghĩa là BGTN vạch cho ta thấy sự sa đọa của con người không thể nào nên công chính trước mặt Chúa được.

4) Vào thời cận đại, BGTN được giải thích theo chiều hướng luân lý. Do ảnh hưởng của E. Kant, nhiều học giả cho rằng BGTN nhấn mạnh rằng giá trị của hành vi tùy thuộc vào ý hướng nội tại (intentio) của chủ thể, chứ không tùy thuộc vào bản chất của hành động. Leo Tolstoi, người Nga (1828-1910) khám phá nơi BGTN bí quyết mang lại hạnh phúc: một ngăn trở lớn cho hạnh phúc là dùng vũ lực để kháng cự lại sự ác. Tolstoi có thể được coi như cha đẻ của những phong trào cách mạng bất bạo động trong thế kỷ 20. Tuy nhiên, Albert Schweitzer (1875-1965), một giáo sư Kinh thánh và bác sĩ Tin lành người Đức, đã không chấp nhận những lối giải thích BGTN như vậy. Theo ông, đức Giêsu đã giảng BGTN với xác tín là triều đại cánh chung của Thiên Chúa sắp đến. BGTN có thể thực hiện được trong bối cảnh đó, nhằm chuẩn bị cho thời cánh chung. Tiếc rằng triều đại cánh chung đã không đến lập tức, cho nên BGTN mất đi tính cách tuyệt đối.

5) Về phía thần học công giáo, có thể nói rằng hầu hết các tác giả cho rằng BGTN đề ra một lý tưởng nhưng không thể thực hiện được. Giả như ai nấy nếu áp dụng BGTN thì chắc thế giới sẽ loạn, bởi vì sẽ không có ai kháng cự lại quân cường hào ác bá. Họa chăng một vài người nhận được ơn gọi đặc biệt thì mới có thể thi hành nổi BGTN; nhưng đó là trên bình diện cá nhân chứ không thể nào áp dụng cho toàn thể cộng đoàn Kitô hữu. Nói khác đi, luân lý công giáo, vốn quen với sự phân biệt giữa “mệnh lệnh” (praecepta) và “lời khuyên” (consilia), đã tìm thấy nơi BGTN nền tảng của các lời khuyên Phúc âm.

Tóm lại, trải qua lịch sử Kitô giáo chúng ta thấy có ba khuynh hướng chính trong việc giải thích BGTN:

1- BGTN không dành cho hết mọi người mà chỉ dành cho một thiểu số. Khuynh hướng này lưu ý tới chỗ là ở đầu BGTN thánh Matthêu đã nói rõ: Chúa Giêsu dạy các “môn đệ” chứ không phải dạy hết mọi người. BGTN dành riêng cho những ai muốn làm môn đệ của đức Kitô, muốn theo Người sát gót và họa lại cuộc sống của Người.

2- BGTN dùng một thể văn bóng bẩy, để nhấn mạnh tới vai trò của ý định trong đời sống luân lý. Giá trị của các hành vi không hệ tại việc làm bên ngoài cho bằng chủ ý nội tâm.

3- BGTN không đề ra một bài học luân lý, nhưng vạch cho con người thấy mình phải ràng buộc bởi bao nhiêu thứ nô lệ. Con người chỉ có thể được giải thoát khỏi những tròng nô lệ đó khi biết hoàn toàn để cho lòng khoan nhân của Chúa dìu dắt.

PHẦN II

BỐN ĐỀ MỤC CHÍNH CỦA BÀI GIẢNG TRÊN NÚI

ĐỀ MỤC 1 – TÁM MỐI PHÚC

Thánh Matthêu đã đặt 8 mối phúc thật làm nhập đề cho BGTN. Rất nhiều vấn đề được đặt ra chung quanh các mối phúc này, xét dưới khía cạnh phê bình văn bản cũng như dưới khía cạnh chú giải thần học.

I. CÁC MỐI PHÚC DƯỚI KHÍA CẠNH PHÊ BÌNH VĂN BẢN

Xét dưới khía cạnh phê bình văn bản, câu hỏi đầu tiên được đặt ra là: có bao nhiêu mối phúc thật? Chúng ta đã quen nói tới 8 mối phúc thật mỗi khi đọc BGTN; nhưng chúng ta quên rằng thánh Matthêu dùng tới 9 lần từ ngữ “Phúc thay”: như vậy thì có 8 hay 9 mối phúc thật? Thường thì chúng ta gom hai cái phúc cuối cùng làm một vì thấy nội dung tương tự như nhau (“Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính” … “Phúc cho anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại…”). Câu hỏi về con số các mối phúc thật trở thành rắc rối hơn thì đối chiếu giữa thánh Matthêu và thánh Luca (6,20-26): thánh Luca chỉ trưng có 4 phúc, nhưng lại kèm theo 4 họa. Lối hành văn của Luca cũng khác. Thay vì “phúc cho ai nghèo khó”, Luca đổi sang ngôi thứ hai: “phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó”. Dĩ nhiên, chúng ta có thể hình dung được cuộc tranh luận giữa các học giả Kinh thánh: ai trung thành với hình thức nguyên thủy của lời dạy của Đức Giêsu hơn: Matthêu đã thêm vào, hay Luca đã cắt đi? Vấn đề trở nên phức tạp hơn nữa khi biết rằng Phúc âm còn chứa đựng rất nhiều mối phúc khác nữa. Chẳng hạn như những câu mà Luca áp dụng cho đức Maria. “Phúc cho ai tin rằng Lời Chúa sẽ nên ứng nghiệm” (1,45); “Phúc cho ai lắng nghe và giữ lời Chúa (11,28).

II. CÁC MỐI PHÚC TRONG BỐI CẢNH BÀI GIẢNG TRÊN NÚI

Có rất nhiều cách thức để khảo sát các mối phúc thật. Thường thường, các nhà chú giải chú ý tới việc phân tích những từ ngữ chủ chốt, tựa như: “phúc thay” (thế nào là “phúc”: hạnh phúc? may mắn?), những phần thưởng được hứa (đất hứa, nước trời, được an ủi, được xót thương). Thêm vào đó, ra như mỗi thời đại tỏ ra nhạy cảm với một chân phúc riêng. Chẳng hạn, vào thời cổ, chân phúc chịu bách hại vì Phúc âm được đặt hàng đầu; vào thời Trung cổ, người ta chú ý tới chân phúc khiêm nhường và khó nghèo; vào thời cận đại, người ta nói nhiều tới việc xây dựng công lý hòa bình; gần đây, người ta vạch ra tinh thần tự do mà các chân phúc mang lại.

Ở đây, chúng ta hãy xét tới các mối phúc thật trong bối cảnh của BGTN: các mối phúc này cần được coi như dẫn nhập tổng quát, với những tư tưởng sẽ được quảng diễn trong suốt bài giảng. Dĩ nhiên, chắc chắn nhiều người cũng đồng ý với phương pháp này. Nhưng đến khi mang ra áp dụng thì chắc là sẽ có rất nhiều tranh luận chung quanh việc xác định đâu là cái tư tưởng chủ chốt làm nền tảng chung vừa cho tất cả các mối phúc vừa cho tất cả phần còn lại của BGTN? Dù biết vấn đề khó khăn, nhưng chúng ta cũng thử mò mẫm xem.

Ở 5,20 chúng ta đọc thấy lời như sau: “Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời”. Tiếp theo đó, đức Giêsu giải thích sự công chính mà các môn đệ của Người phải nhắm tới, và đi tới kết luận ở câu 48: “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện”. Như vậy thánh Matthêu đi từ tư tưởng “công chính” của người Do thái để bước sang sự “hoàn thiện” của chính Thiên Chúa, “Đấng cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (5,45). BGTN muốn đề ra một mẫu mực mới trong cách cư xử: mẫu mực đó là Thiên Chúa. Con người sẽ nên hoàn thiện nếu họa lại được mẫu mực đó. Nói thế có nghĩa là con người không thể tìm thấy sự hoàn thiện ở nơi bản thân nhưng cần phải tìm ở nơi Thiên Chúa. Con người cần phải để cho Thiên Chúa chiếm ngự hoàn toàn. Trong bối cảnh đó, các mối phúc trình bày chân dung của một con người hoàn thiện; con người đó là đức Giêsu, kẻ là dâng cả cuộc đời cho Thiên Chúa và mở rộng tới tha nhân.

A. Chân dung của một người sống trót cho Thiên Chúa

1) Chúng ta hãy lấy chân phúc thứ nhất làm khởi điểm cho sự khảo sát chân dung của con người hoàn thiện, chân phúc của tâm hồn nghèo khó. Thường thì sự nghèo khó được xét trong mối tương quan với tài sản vật chất. Người ta lưu ý rằng phúc thực được hứa cho người có tâm hồn khó nghèo, nghĩa là không quyến luyến với tài sản, không làm nô lệ cho tiền tài. (Tình cảnh nghèo túng về vật chất chưa phải là phúc thực). Tuy nhiên, giải thích như vậy thì xem ra đã hiểu từ “khó nghèo” quá hạn hẹp. Thực vậy, trong Kinh thánh, sự khó nghèo không phải chỉ giới hạn vào lãnh vực tài sản, nhưng tiên vàn nó là một thái độ của con người trước mặt Thiên Chúa. Người nghèo đồng nghĩa với người có tinh thần khiêm tốn trước mặt Chúa (Xc Is 66,2), chỉ biết cậy dựa vào Thiên Chúa. Sự khó nghèo về tài sản vật chất trong BGTN chỉ là một dấu hiệu biểu lộ sự tín thác hoàn toàn nơi sự quan phòng của Cha trên trời, Đấng đã nuôi chim trời và trang điểm cho hoa ngoài đồng.

2) Như vậy, điều căn bản của một tâm hồn nghèo khó là sống tin tưởng vào Thiên Chúa và sống cho Thiên Chúa. Điều này được bổ túc với các mối phúc kế đó: đói khát sự công chính. Ở đây sự “công chính” phải được hiểu là ý định của Thiên Chúa, kế hoạch cứu độ của Ngài: “tiên vàn anh em hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài” (6,33). Dĩ nhiên, đức Giêsu đã hiến dâng hoàn toàn cuộc đời để phụng sự chương trình của Chúa Cha, lấy đó là mối bận tâm duy nhất.

(3) Sự hiến dâng trót đời cho Thiên Chúa bao hàm cả việc dành trót cả tâm tư cho Ngài. Đây là ý nghĩa của chân phúc của kẻ có tâm hồn trong sạch. Chúng ta đừng nên đối chiếu giữa “tâm hồn trong sạch” với dâm dục. Trong BGTN, “tâm hồn trong sạch” đối nghịch với sự giả hình, kẻ làm việc thiện (bố thí, cầu nguyện, ăn chay) cốt cho thiên hạ hoan hô tán thưởng. Trái lại, người có tâm hồn trong sạch là người sống ngay thẳng trước mặt Thiên Chúa từ trong thâm cung của cõi lòng, chỉ cốt tìm vinh quang Chúa và biểu lộ lòng thương xót của Ngài (6,4.6.18; xc 23,26). Hậu nhiên, con người có tâm hồn trong sạch là kẻ đã dâng trót con tim cho Chúa, không để cho tí chút tư lợi nào len lỏi.

B. Hậu quả của việc sống trót cho Chúa đối với những tương giao với tha nhân

Ba chân phúc “tâm hồn khó nghèo”, “đói khát công chính”, “tâm hồn trong sạch” biểu lộ thái độ của con người tín thác vào Chúa, chỉ mưu cầu thánh ý Chúa, dành cho Ngài con tim không san sẻ. Đức “hiền lành” và “sầu muộn khóc than” được gắn liền với tâm hồn khó nghèo khiêm tốn. Một khi con người đã để cho Thiên Chúa chiếm đoạt toàn thể cuộc sống của mình, thì những mối tương giao với tha nhân cũng được biến đổi. Đó là ý nghĩa của những mối phúc của sự “xót thương”, sự “xây dựng hòa bình”, “chịu bách hại”. Nó là bức chân dung của một con người muốn tỏ tình thương của Thiên Chúa dành cho nhân loại.

4) Thực vậy, một đặc tính của Thiên Chúa mà đức Giêsu muốn nêu bật trong BGTN là lòng thương xót, lòng lân tuất. Trong Cựu ước, nhiều ngôn sứ đã nhấn mạnh rằng Thiên Chúa cư xử khác với con người ở chỗ Ngài tỏ lòng khoan nhân: “Ngài chậm giận, giàu tình thương và lòng thành tín” (Xh 34,6; Tv 86,15; 103,8; 111,4; 145,8). Ngài không xét xử ta chiếu theo công trạng của ta: mặc dù ta bất tín, nhưng Ngài vẫn trung thành với lời hứa. Tình thương của Ngài vượt quá tầng trời xanh. Vì vậy, kẻ nào đã bị Chúa chiếm đoạt thì cũng sẽ nhiễm cả cách cư xử của Ngài: họ sẽ biết xót thương người.

5) Sự xây dựng hòa bình là một hình thức biểu lộ lòng xót thương, một hình thức của tình liên đới với tha nhân.

6) Lòng xót thương được thực hiện cách anh hùng trong việc tha thứ cho kẻ bách hại. Kẻ ấy noi theo Thiên Chúa xót thương, bởi vì Ngài không đếm xỉa gì tới sự bội bạc của con người song không ngừng giáng phúc thi ân. BGTN nói tới sự tha thứ ở cuối chương 5 và trong kinh Lạy Cha.

Như vậy, các mối phúc trình bày cho ta thấy chân dung của một con người biết để cho Thiên Chúa hoàn toàn chiếm đoạt. Họ đặt tin tưởng nơi Chúa, họ dâng hiến cuộc đời để phụng sự chương trình của Chúa, họ phản ánh đường lối cư xử của Chúa khi giao tiếp với tha nhân. Chính vì đặt trọng tâm của cuộc đời ở nơi Thiên Chúa, cho nên họ thâm tín rằng duy có Chúa mới mang lại được hạnh phúc cho họ, một thứ hạnh phúc có tính chất vững bền trường cửu, không bị lệ thuộc vào thế tạm này.

Theo nhiều tác giả, đoạn văn về các mối phúc cần được gắn liền với hai dụ ngôn về muối đời và ánh sáng thế gian (c.13-16). Lối hành văn của thánh Matthêu đáng cho chúng ta suy nghĩ. Chúa Giêsu không nói rằng: “anh em hãy nên muối … anh em hãy nên ánh sáng”, nhưng: “anh em là muối … anh em là ánh sáng”. Điều này hàm ngụ rằng đây là một thực tại đã xảy ra nơi cộng đoàn kitô hữu rồi, chứ không còn là một mệnh lệnh cần phải thực thi. Các kitô hữu được ủy thác một sứ mạng truyền giáo ở giữa đời: họ là “muối cho đất… ánh sáng cho trần gian”. Thế nhưng, liền theo đó là một lời cảnh cáo về một tình trạng nghiêm trọng: “Nhưng mà nếu muối đã nhạt… đèn bị úp lại (chứ chưa nói đến chuyện tắt lịm!)”. Nếu các Kitô hữu không chu toàn sứ mạng của mình, thì chẳng có ai thay thế được đâu! Họ hãy chiếu sáng cho thế gian bằng đời sống chứng tá; nhưng liệu làm sao để đừng rơi vào khuyết điểm của các Biệt phái: họ đừng tìm vinh danh hão huyền khi làm việc thiện, song hãy giữ gìn tâm hồn trong trắng (chân phúc thứ 6), mong sao cho thiên hạ ngợi khen Cha trên trời.

ĐỀ MỤC 2 – LUẬT CŨ VỚI LUẬT MỚI

Sau 8 mối phúc thật, phần còn lại của chương thứ 5 của Tin mừng theo thánh Matthêu gồm chứa những phản đề giữa luật cũ với luật mới. Kiểu nói đối nghịch được lăp đi lặp lại 6 lần: “Anh em đã nghe dạy rằng… Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết”. Thế nhưng phải hiểu thế nào về tầm mức của những phản đề ấy? Vấn đề thần học chính yếu được đặt lên từ những câu 17-18 ở đầu đơn vị này: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề luật cũng không thể qua đi được cho đến khi mọi sự được hoàn thành”. Chúng ta thấy có vài điều xem ra mâu thuẫn. Một đàng, khi nêu bật những nghịch đề, ra như đức Giêsu muốn sửa lại Luật cũ (từ ngữ “Luật của Môsê và lời các ngôn sứ” bao gồm toàn thể Cựu ước). Đàng khác, Ngài lại quả quyết rằng phải giữ cho trọn Luật cũ, không được đụng tới cả cái chấm cái phết. Có các tác giả đã đưa ra các ý kiến của các tác giả nhằm giải quyết sự mâu thuẫn vừa nói.

I. TƯƠNG QUAN GIỮA LUẬT MỚI VỚI LUẬT CŨ

1) Khuynh hướng thứ nhất chủ trương rằng Chúa Giêsu đã bãi bỏ luật của Môsê. Ý kiến này đã ra đời từ thế kỷ thứ hai. Giám mục Papias thành Hiêrapoli (k.60-130) đã gọi Tin mừng theo thánh Matthêu là “Ngũ thư mới” (gồm có 5 bài giảng). Đức Giêsu là Môsê mới, đã lên núi và nhận lãnh luật mới thay thế cho luật cũ. Luật mới thay thế luật cũ, cũng như Hội thánh thay thế cho Israel trong ơn gọi làm dân của Thiên Chúa.

2) Phần nào Lutêrô cũng chấp nhận rằng Chúa Giêsu đã bãi bỏ luật cũ của Môsê, nhưng ông còn đi xa hơn nữa. Theo Lutêrô, sau khi đã bãi bỏ luật cũ đi rồi, Chúa Giêsu không có thay thế bằng một bộ luật khác. Không thể nào quan niệm Chúa Giêsu như một nhà làm luật được. Tân ước không phải là bộ luật, nhưng là quyển sách của ân sủng. Nói đúng hơn, Chúa Giêsu cho ta thấy những yêu sách triệt để của Nước Trời. Đứng trước những yêu sách đó, không ai thực hiện nổi bằng sức riêng của mình. Con người chỉ có thể thú nhận sự bất lực của mình, và mở cửa đón nhận ơn tha thứ, có khả năng biến đổi con người nên công chính.

3) Gần đây, dựa theo những khảo cứu về sự soạn thảo các sách Phúc âm, các nhà chú giải cho rằng Chúa Giêsu không có tự mâu thuẫn khi bàn về tương quan giữa luật cũ và luật mới. Những vấn nạn đã nêu trên đây chỉ là phản ánh những tương phản ở trong cộng đoàn nơi mà tác phẩm của thánh Matthêu ra đời. Cộng đoàn ấy gồm có nhiều kitô hữu gốc Do thái trở lại. Từ đó, giữa lòng cộng đoàn đã nảy ra những tranh luận về giá trị của luật Môsê: có người yêu sách phải triệt để cắt đứt với những tập tục cổ truyền, vì vậy mà cần phải nhấn mạnh tới cái gì tiêu biểu mới mẻ của Chúa Giêsu (đây là lý do của những phản đề); nhưng có phe khác thì quan niệm rằng giữa luật cũ và luật mới có sự liên tục chứ không phải là gián đoạn (đây là lý do của câu nói 5,17: “Thầy không đến để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn”). Sự kiện toàn đó đặt ra những yêu sách nặng nề hơn cả luật cũ nữa (“nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu thì sẽ chẳng được vào Nước Trời”: 5,20). Thực ra, ta đừng nên quên rằng ngay cả các tín đồ Do thái cũng đã tranh luận với nhau về giá trị của luật Môsê rồi: có buộc phải giữ luật của ông Môsê cứ như chữ đã viết, hay là cần phải thích nghi cho hợp với hoàn cảnh? Có những trường phái đã chấp nhận sự giải thích uyển chuyển luật của Môsê. Chẳng hạn trong quyển 1 sách Macabê (2,39-41), ta thấy rằng khi tình thế đòi hỏi, có thể chước chuẩn luật buộc phải nghỉ việc ngày Sabat; cũng vậy dần dần tục ly dị đã được du nhập mặc dù Môsê không cho phép (Đnl 21,1). Nói khác đi, các tín đồ Do thái vào thời đó đã hiểu luật của Môsê theo hai nghĩa:

– theo nghĩa đen, luật của Môsê bao gồm những gì đã được viết trong sách;
– theo nghĩa tinh thần, luật của Môsê ám chỉ ý muốn của Thiên Chúa trong hoàn cảnh cụ thể.

Trong bối cảnh như vậy, chúng ta sẽ hiểu được thái độ của đức Giêsu trong Bài Giảng trên núi. Nếu hiểu Luật Môsê như là mặc khải của Thiên Chúa, thì chắc chắn không bao giờ đức Giêsu lại tới phá hủy được (nghĩa b); tuy nhiên nếu hiểu Luật Môsê như những bản văn cứng nhắc (nghĩa a), thì đức Giêsu có sửa đổi, với mục tiêu nhằm làm sáng tỏ hơn ý định của Thiên Chúa. Những phản đề mà chúng ta sẽ thấy dưới đây có thể được coi như là những lời của đức Giêsu giải thích ý định của Thiên Chúa.

4) Sau cùng, một ý kiến nữa cho rằng trong những câu 15-17 của chương 5, đức Giêsu không có ý đối chiếu luật cũ với luật mới. Những câu này chẳng có ăn nhập gì với luật pháp cả. Ở đây, thành ngữ “luật Môsê và các ngôn sứ” không có nghĩa là những bản văn luật lệ, song là một giai đoạn của lịch sử cứu rỗi: Đức Giêsu đã đến để hoàn tất những gì đã được loan báo. Chính vì vai trò vô song của đức Giêsu trong kế hoạch mặc khải đã tạo cho Người một thẩm quyền để giảng dạy (như Mt ghi lại ở cuối bài giảng: 7,29).

II. NHỮNG PHẢN ĐỀ

Từ những điều trên đây, ta không nên hiểu những phản đề như là sự đối lập giữa luật cũ với luật mới như kiểu đen đối chọi với trắng. Đây không phải là những phản đề theo nghĩa chặt, nhưng là sự trưng bày cái cốt tủy của Luật Chúa, nhờ đó các môn đệ của đức Kitô có thể nhận biết đâu là sự công chính đích thực: “Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Phariseu thì chẳng được vào Nước Trời”.

Ta có thể nhận thấy những phản đề qua lối hành văn: “Anh em đã nghe dạy rằng… Còn Thầy, Thầy bảo anh em”, xoay quanh 6 điểm sau đây:

– Giết người và giận ghét (câu 21-26);
– Ngoại tình và thèm muốn (c.27-30);
– Ly dị (31-32);
– Bội thề và cấm thề (câu 33-37);
– Trả thù và không chống cự (38-42);
– Ghét kẻ thù và yêu kẻ thù (câu 43-48).

1) Giết người và giận ghét

Trong Cựu ước, giới răn “chớ giết người” (Xh 20,13; Đnl 5,17) không có tính cách tuyệt đối. Án tử hình được chấp nhận đối với vài trọng tội (Ds 35,16-21) cũng như sự chém giết được chấp nhận khi có chiến tranh (Đnl 20,13.16). Nhưng đối với Đức Giêsu, chúng ta có thể xúc phạm tới tính mạng của người anh chị em bằng nhiều cách khác nữa: sự giận dữ, chửi rủa, mạt sát họ. Không những Ngài ngăm đe những hình phạt dành cho những xúc phạm ấy, nhưng Ngài còn muốn cho các môn đệ luôn sống trong tâm tình hòa giải với tha nhân, vì điều đó đánh giá sự thờ phượng đích thực.

2) Ngoại tình và thèm muốn

Trong Cựu ước, ngoài giới luật cấm ngoại tình (Xh 20,14; Đnl 5,18), đã có điều cấm ước ao lấy vợ của người hàng xóm (Xh 20,17b) cũng như cấm để mắt nhìn thiếu nữ (Hc 9,5-9). Xem ra điều mà đức Giêsu muốn nhấn mạnh ở đây là cái “lòng” (con tim). Trong phản đề trước, sự lỗi phạm đến tha nhân được bộc lộ ra bên ngoài (nét mặt giận dữ, lời nguyền rủa), nhưng trong phản đề này, tội xảy ra trong thâm cung, không ai thấy được ngoại trừ mình với Chúa. Giáo huấn về con tim sẽ còn được tiếp tục trong suốt BGTN; nó là chân phúc dành cho kẻ có tâm hồn trong sạch.

3) Ly dị

Xét về thể văn thì đây là phản đề thứ ba; nhưng nếu xét về nội dung thì ra như nó chỉ bổ túc cho phản đề thứ hai bàn về hôn nhân và ly dị. Đức Giêsu xét lại những lý do mà tục lệ Do thái đã cho phép rẫy vợ. Thánh Matthêu chỉ chấp nhận một trường hợp, đó là “porneia” (xc 19,9). Các nhà chú giải đã đưa ra nhiều ý kiến để giải thích ý nghĩa của nó: gian dâm ngoại tình? hôn nhân bất hợp pháp?

4) Bội thề và cấm thề

Cựu ước đã cấm làm chứng gian (Xh 20,16) và nhất là cấm kêu danh Chúa để mà thề điều gian dối (Lv 19,12). Đức Giêsu đã tuyệt đối cấm thề. Xem ra có hai lý do của điều cấm:

– phải kính trọng Thiên Chúa;

– tôn trọng giá trị của lời nói, làm sao có sự thuần nhất giữa nội tâm và sự phát biểu ra ngoài: “có nói có, không nói không” (xc. 2Cr 1,17; Gc 5,12).

5) Trả thù và không chống cự

Câu nói “mắt đền mắt, răng đền răng” không nằm trong bản 10 điều răn nhưng là một tiêu chuẩn được đặt ra trong sách “Giao ước” (Xh 21,23; Lv 24,19; Đnl 19,21). Mục tiêu của nó không phải là dạy phải báo thù, nhưng là để giới hạn mức độ tối đa của sự bồi thường: tòa án không được đòi hỏi sự đền phạt quá mức đó! Nhưng đức Giêsu thì bảo hãy khước từ cả việc nại tới công lý. Hơn thế nữa, thay vì cắn răng nhịn nhục kẻ vũ phu, đức Giêsu còn khuyên hãy vui vẻ chiều lòng hắn! Ở đây Ngài không cho biết lý do tại sao phải cư xử như vậy; lý do đó sẽ được nói trong phản đề tiếp sau đây.

6) Ghét và thương kẻ thù

Trong Cựu ước, ta thấy có lệnh truyền “hãy yêu người thân cận” (Lv 19,18), nhưng không đâu có chỗ nói “hãy ghét kẻ thù”. Có lẽ đây là một lưu truyền vào thời đó, như gặp thấy nơi cộng đoàn Qumran (“hãy ghét những kẻ Chúa ghét”). Đức Giêsu thì bảo hãy yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi. Lý do là vì các môn đệ của Nước Trời phải cư xử họa theo mẫu gương hoàn thiện của Cha trên trời.

Đây là tột đỉnh của các phản đề. Đức Giêsu không quan niệm luật Chúa như những bản văn cứng nhắc cần phải tuân giữ theo đúng chữ đen từ đời này qua đời khác. Đức Giêsu quan niệm luật Chúa cách linh động, cần phải thích ứng tùy theo hoàn cảnh. Tuy nhiên, khi thích ứng như vậy, hãy coi chừng kẻo chỉ đi tìm sự dễ dãi (tỉ như trường hợp ly dị). Trái lại, đức Giêsu đặt tiêu chuẩn của luật Chúa nơi chính ý định của Thiên Chúa. Ai muốn nên công chính thì cần phải làm theo ý Chúa, cư xử như chính Chúa.

Trong quá khứ, ra như các sách luân lý chỉ để ý đến ba phản đề đầu tiên, nhấn mạnh tới những tội trong tâm trí tư tưởng (thù hằn, tà dâm). Những phong trào cách mạng xã hội thì lưu tâm cách riêng tới phản đề thứ 5: theo họ, bộ mặt xã hội sẽ thay đổi rất nhiều qua cuộc cách mạng bất bạo động.

ĐỀ MỤC 3 – SỰ CÔNG CHÍNH TRƯỚC MẶT CHÚA

Trong BGTN, từ “công chính” được nói tới nhiều lần (5,6.10.20; 6,33). Thực ra, tiếng iustitia (justice) trong các tiếng Âu châu thường được dịch ra Việt ngữ là “công lý, công bằng”, áp dụng vào những mối tương quan giữa con người với nhau sống trong xã hội. Thế nhưng Kinh thánh còn áp dụng danh từ ấy cho cả mối tương quan của con người với Thiên Chúa; vì thế mà nó được dịch là “công chính” (hay: ngay lành, chính trực).

Theo quan niệm phổ thông trong các tôn giáo, con người được coi là “công chính” khi mà ăn ở sòng phẳng với Thiên Chúa, thi hành đầy đủ các bổn phận mà Chúa đã truyền, cách riêng là các bổn phận đối với chính Chúa, quen gọi là các việc đạo đức. Đối lại, con người cũng có quyền đòi Thiên Chúa thanh toán nghĩa vụ của Ngài, tức là ban thưởng cho người lành. Thế còn đức Giêsu nghĩ thế nào về sự công chính? Chúng ta thử tìm câu trả lời khi phân tích BGTN, trong phần dành cho các việc đạo đức (6,1-18). Giáo lý về sự công chính trước mặt Chúa được trình bày qua ba thí dụ điển hình nói về việc thực hành sự bố thí, sự cầu nguyện, sự ăn chay. Lối trình bày có tính cách phản đề; nhưng lần này sự đối chiếu không còn là với luật Moisen nữa bèn là với “bọn đạo đức giả” (giả hình). Nói chung, lối hành văn gồm hai vế, một vế tiêu cực và một vế tích cực như thế này:

1/ Tiêu cực. Khi bố thí / cầu nguyện / ăn chay … anh em đừng làm như bọn đạo đức giả … Họ muốn cho thiên hạ khen. Thầy bảo thật anh em: Họ đã được phần thưởng rồi.

2/ Tích cực. Còn anh (ở số ít), khi bố thí / cầu nguyện / ăn chay, anh hãy làm thế này … để cho kín đáo. Và Cha trên trời, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh.

Trong khi trình bày sự cầu nguyện, thánh Matthêu không những đã ghi lại lời đức Giêsu đã dạy về thái độ khi cầu nguyện mà cả về nội dung lời nguyện, tóm lại trong kinh Lạy Cha. Trước hết, xin nói qua giáo huấn về sự công chính trước mặt Chúa; sau đó, sẽ phân tích kinh Lạy Cha.

I. SỰ CÔNG CHÍNH TRƯỚC MẶT CHÚA

Các rabbi Do thái thường phân biệt giữa kẻ công chính khi tuân hành Lề luật và người đạo đức khi thực hành các việc thiện. Nhưng ra như đức Giêsu không muốn biết tới sự phân biệt đó. Cả hai đều có thể gom lại trong quan niệm “công chính”. Trước đây, chúng ta đã biết quan niệm của Ngài về Lề luật rồi; bây giờ chúng ta hãy xem Ngài nghĩ gì về các việc thiện, điển hình là: bố thí, cầu nguyện, ăn chay. Đây là ba việc đạo đức của tín hữu Do thái, như sách Tobia (12,8) đã viết: “Sự cầu nguyện kèm theo ăn chay, sự bố thí kèm theo công bằng, thì quý hơn là giàu sang kèm theo tội lỗi”. Nên biết là không có luật nào truyền buộc phải thực hành ba việc thiện đó; vì vậy mà chúng thường được coi như biểu hiệu của tâm tình đạo đức của con người muốn làm cái gì “tốt hơn”. Đức Giêsu không chỉ trích sự thi hành các việc đó; nhưng Ngài đả kích cách thức của bọn giả hình (đạo đức giả); đồng thời Ngài muốn dạy các môn đệ một cách thức để được Chúa chấp nhận.

Trong Phúc âm theo Matthêu, tiếng “giả hình” (hypokritês) có hai nghĩa là:

1/ bôi bác cho có vẻ bề ngoài, chứ trong ruột thì rỗng tuếch (Mt 15,7; 23,25.28);

2/ bất lương, chẳng coi Chúa ra gì hết (7,5; 23,13.14.15.23.29; 24,51); tư tưởng này đã có trong sách Giop 34,30; 36,13. Ở đây xem ra tiếng “giả hình” được hiểu theo nghĩa thứ nhất; dù sao thì thái độ giả hình được áp dụng cho những người thích quảng cáo rầm rộ cho thiên hạ biết công việc của mình. Tại sao gọi là giả hình? Bởi vì họ không nhắm tới chủ ý của việc thiện là tôn vinh Thiên Chúa mà họ chỉ tìm cầu hư danh; như thế là bề trong với bề ngoài không ăn khớp với nhau!

Đối lại, đức Giêsu khuyên các môn đệ hãy thực hành các việc thiện cách kín đáo. Thực ra chủ yếu của lời khuyên không phải ở tại chỗ “kín đáo”, bởi vì trên đây, ngài đã khuyên các môn đệ phải ăn ở thế nào để cho thiên hạ thấy công việc tốt đẹp của họ mà tôn vinh Cha trên trời (5,16). Điều mà đức Giêsu nhấn mạnh ở đây là cần phải làm các việc thiện “để cho Cha trên trời thấy”, chứ không phải để cho thiên hạ thấy! Nói cách khác, sự công chính trước mặt Chúa đòi hỏi một sự thông hiệp thân mật với Chúa, tìm cách làm theo ý Chúa ngõ hầu làm đẹp lòng Ngài, và rồi Ngài sẽ ban thưởng.

Một thái độ thường xảy ra trong đời sống đạo là con người yêu sách Thiên Chúa phải trả công xứng đáng với việc lành mình đã làm. Thiên Chúa cũng phải giữ phép công bằng chứ! Phúc âm của Matthêu đã hơn một lần cảnh giác chúng ta về não trạng đó trong dụ ngôn về những người được gọi vào làm vườn nho (20,1-15). Mấy chàng hùng hục làm việc đầu tắt mặt tối tưởng rằng mình sẽ lãnh tiền công nhiều hơn những tên mới tới vào ban chiều; thế nhưng họ đã vỡ mộng! Ở BGTN, xem ra vấn đề đó không được đặt ra; nhưng dù sao, không thể so sánh mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa giống như công nhân đòi ông chủ trả lương, mà là “phần thưởng” (misthos: 5,12.46; 6,1.2.5.16) của Cha trên trời. Đó là một hồng ân, và hồng ân đó là Nước Thiên Chúa (5,3.10), tức là chính Thiên Chúa.

II. KINH LẠY CHA

Thánh Matthêu đã xen kinh Lạy Cha vào BGTN, trong khi thánh Luca đặt trong một bối cảnh khác (Lc 11,2-4). Xin miễn bàn khía cạnh phê bình văn bản khi đối chiếu giữa Matthêu với Luca, chúng ta hãy phân tích kinh Lạy Cha trong bối cảnh của BGTN.

Phần nào thánh Matthêu trình bày Kinh Lạy Cha theo lối văn của một phản đề. Trước hết là một thái độ tiêu cực; nhưng lần này không còn đối chiếu với luật cũ hay bọn giả hình nữa, mà là đối chiếu với “dân ngoại” (6,7: Anh em đừng lải nhải như dân ngoại). Tiếp đó là giáo huấn tích cực: “anh em hãy cầu nguyện như thế này”. Thoạt tiên xem ra đức Giêsu chỉ có ý dạy các môn đệ cầu nguyện vắn tắt chứ đừng có kể lể dài dòng như là dân ngoại; nhưng kỳ thực, Ngài đã mặc khải cho các môn đệ biết khuôn mặt của Thiên Chúa, để từ đó các môn đệ biết cách để mà đối xử với Cha trên trời. Thực vậy, trong bản kinh Lạy Cha, ta có thể thấy bản tóm lược của cả bản Tin mừng, bởi vì bản kinh gói ghém những tư tưởng chủ chốt của giáo huấn của đức Kitô. Sách Giáo Lý Hội thánh công giáo (số 2761) đã trích dẫn tư tưởng của văn hào Tertullianô, coi bản kinh Lạy Cha như là tóm lược của toàn Phúc âm (breviarium totius Evangelii: De Oratione,1).

A. Lời kinh được mở đầu như thế này: Lạy Cha chúng con, Đấng ngự trên trời. Trong suốt BGTN, Thiên Chúa được trình bày nhiều lần như là “Cha các con, Đấng ngự trên trời” (5,16.45.48; 6,1.8.14.15.26.32; 7,11). Hình ảnh đó được gắn với lên tính toàn thiện, lòng khoan nhân phổ quát cũng như sự chăm sóc ân cần cho từng thọ sinh. Ngài là “Cha” cho nên rất tốt lành; Ngài “ngự trên trời”, thấu suốt tất cả mọi sự và toàn năng vô biên. – Kinh “Lạy Cha” gồm có hai phần: mỗi phần gồm ba lời cầu.

B. Ba lời cầu trong phần đầu tựu trung vào một điều mà duy một mình Thiên Chúa mới thực hiện nổi: đó là xin cho triều đại Ngài mau đến, nhờ thế Danh Ngài sẽ được tỏ lộ như là Đấng Thánh, và ý Ngài sẽ hoàn thành.

1) Thoạt tiên, xem ra lời cầu thứ nhất ước gì Danh Cha hiển thánh chẳng có nghĩa lý gì! Cần phải lồng nó trong bối cảnh của Cựu ước thì mới thấy được sự súc tích của nó. “Danh” của Chúa có nghĩa là việc Chúa bày tỏ bản tính uy nghi thánh thiện của Ngài. Danh của Ngài có thể mất vẻ thánh thiện vì hai phía.

– Về phía dân Israel, khi mà họ thờ tà thần ngẫu tượng (Ed 43,7-8); như vậy họ đã làm dân ngoại coi rẻ Thiên Chúa.

– Tuy nhiên, Danh của Chúa cũng mất vẻ thánh thiện do phía Chúa nữa, khi mà Ngài không đến cứu vớt dân mình, để cho chúng bị lầm than khổ sở, và như vậy cũng làm cho dân ngoại chế diễu (Ed 39,7).

Hiểu như vậy, lời cầu “xin cho Danh Cha hiển thánh” vừa bao hàm việc Chúa ra tay bày tỏ vinh quang của Ngài trước mặt chư dân, vừa xin Ngài hãy thay đổi con tim của dân Israel ngõ hầu họ gắn bó với Ngài (Ed 36,20-28). Về phần các người Kitô hữu, họ biết rằng Thiên Chúa đã mặc khải vinh quang của Ngài nơi đức Kitô rồi, nhưng họ vẫn tiếp tục khẩn nài Chúa tỏ vinh quang trọn vẹn của thời cánh chung và đồng thời xin Chúa thánh hóa bản thân các tín hữu, những kẻ được đặt làm muối đất và ánh sáng trần gian ngõ hầu qua việc tốt lành của họ thiên hạ tôn vinh Cha trên trời (5,16).

2) Nội dung của lời cầu thứ hai cũng giống như lời cầu thứ nhất: người tín hữu khẩn nài Thiên Chúa hãy mau mau thể hiện triều đại của Ngài trên trần gian, ngõ hầu vinh quang của Ngài được tỏ rạng và con người cũng được hưởng hạnh phúc. “Triều đại Thiên Chúa” tức là “Nước trời” mà đức Giêsu loan báo trong BGTN. Đức Giêsu tỏ cho ta biết những điều kiện để vào Nước Trời, qua các mối phúc thật (5,3.10), qua việc thực hành ý Chúa (5,19.20). Nước Trời cũng là phần thưởng mà Chúa hứa dành cho các môn đệ.

3) Lời cầu thứ ba tiếp nối với lời cầu thứ hai: xin cho ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. “Ý của Chúa” bao gồm hết những yêu sách mà Ngài muốn con người phải chu toàn. “Ý của Chúa” cũng bao gồm kế hoạch cứu độ của Ngài, mà đặc trưng là lòng thương xót (9,13; 12,7; 18,14). Nên lưu ý là ở đây, người tín hữu không xin cho mình được tuân hành ý Cha, nhưng họ nài xin cho “ý Cha được thể hiện”. Như vậy, vai trò chủ động là Thiên Chúa; và người tín hữu ước mong sao cho hết mọi người biết hòa hợp theo chương trình của Chúa.

C. Từ chỗ ý thức về vai trò của mình trong việc thể hiện ý Chúa, người tín hữu bước sang ba lời cầu kế tiếp, trong đó họ xin Chúa cất đi ba chướng ngại làm ngăn trở mình không được gia nhập vào Nước Chúa, đó là:

– sự âu lo thái quá về cơm ăn áo mặc đến nỗi quên đi điều tối cần là phải tìm kiếm nước Chúa (6,25-34);

– tội lỗi làm con người xa cách Chúa (xin tha tội);

– nguy cơ sa ngã phạm tội.

Nội dung của ba lời cầu này sẽ được quảng diễn trong phần còn lại của BGTN.

4) Lời cầu xin thứ tư: bánh của ngày hôm nay (những gì cần để sống hôm nay) nhấn mạnh đến sự tín thác nơi Cha trên trời (6,32-34) và sự thong dong không rơi vào cảnh nô lệ tài sản (6,24).

5) Lời cầu xin thứ năm bắt nguồn từ ý thức về những tội tầy trời của mình. Vì thế người tín hữu khiêm tốn xin Chúa ban ơn tha thứ, và đồng thời bày tỏ sự sẵn sàng tha thứ cho anh em. Điều này còn được nhắc lại ở cuối kinh Lạy Cha (6,14-15) và trong dụ ngôn về đầy tớ thiếu lòng thương xót (18,23-35). Chúng ta cũng đừng quên rằng một mối chân phúc đã được dành cho kẻ có lòng thương xót (5,7).

6) Lời cầu xin chót van nài Cha đừng để cho mình sa ngã vào tội mất niềm tin vào Ngài, hay là chiều theo những quyến rũ của Quỷ dữ. Xem ra lời khuyên “đừng quăng của thánh cho chó và đừng liệng ngọc trai cho heo” (7,5) là một thứ chú giải cho lời cầu xin này: có người đã biết được điều cao quý của Nước trời rồi, thế mà lại còn sa lầy vào chỗ bùn nhơ! Lạy Cha, xin cứu chúng con khỏi thảm cảnh đó!

ĐỀ MỤC 4 – KHUÔN VÀNG THƯỚC NGỌC

“Tám mối phúc”; “Những phản đề giữa luật cũ và luật mới”; và “kinh Lạy Cha”: ba cột trụ của BGTN; những phần còn lại chỉ là chú giải cho các cột trụ đó. Những tư tưởng chứa đựng từ câu 21 của chương 6 cho đến hết chương 7 có thể được coi như hệ luận của những gì đã nói trong các mối phúc thật và kinh Lạy Cha. Chúng ta hãy xét tới hai vần đề chính: 1) Thái độ đối với tài sản vật chất (6,19-21). 2) Khuôn vàng thước ngọc (7,12).

I. THÁI ĐỘ ĐỐI VỚI TÀI SẢN VẬT CHẤT (6,19-34)

Ta có thể coi đoạn văn từ câu 19 cho đến hết chương 6 như một đơn vị. Thoạt tiên, xem ra chúng chẳng có thứ tự mạch lạc gì, nhưng khi đọc kỹ thì sa sẽ thấy những mối liên hệ.

1) Mở đầu là ba câu 19-21, với hình thức phản đề: “Đừng tích trữ … / hãy tích trữ”. Sự đối chiếu nằm ở giữa “kho tàng dưới đất” và “kho tàng trên trời”. Thực ra, có thể nói điều mà đức Giêsu muốn nhấn mạnh ở đây là vấn đề giáo dục “con tim” nói ở câu 21: “kho tàng của anh ở đâu, thì lòng (= con tim) anh ở đó”. Chúng ta biết rằng trong BGTN đức Giêsu đã nói rất nhiều về cái lòng: khi bàn về bát phúc (lòng trong sạch: 5,8), khi chú giải Luật Chúa (ngoại tình trong lòng: 5,27), khi làm việc thiện (đối lại với bọn giả hình). Chính vì nghĩ tới sự cần thiết phải huấn luyện yếu tố nội tâm mà tác giả xen vào câu 22 nói về “con mắt”: “Con mắt là đèn của thân thể. Vậy nếu mắt anh sáng, thì toàn thân anh sẽ sáng. Còn nếu mắt anh xấu thì toàn thân anh sẽ tối. Vậy nếu ánh sáng nơi anh lại thành bóng tối, thì tối biết chừng nào”. Trước đây, đức Giêsu đã gọi các môn đệ là ánh sáng của trần gian. Giờ đây, Ngài nhắn nhủ họ hãy lưu tâm tới chính cái đèn trong con người của mình, tức là con tim. Con tim mà mù quáng lệch lạc thì các phán đoán cũng sai lầm hết, như ta đọc thấy ở đầu chương 7: “Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới?” (7,3).

2) Dù sao, những giáo huấn trong chương 6 về tài sản vật chất cần được đọc trong toàn thể bối cảnh của BGTN, khởi đầu từ mối phúc thật thứ nhất (dành cho kẻ có tâm hồn khó nghèo) cho tới kinh Lạy Cha (sự tín thác nơi Cha trên trời: xin ban cho chúng con bánh cần thiết cho ngày hôm nay). Trọng tâm được đặt ở Nước Trời và sự công chính của Chúa: đây phải là mối bận tâm của con người; những điều khác chỉ là đồ phụ tùng. “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Ngài, còn tất cả những thứ kia, Ngài sẽ thêm cho” (6,33). Dĩ nhiên, có người sẽ hỏi: những câu nói này dành cho ai vậy? Theo ý kiến của một số nhà chú giải, khi viết tác phẩm của mình, thánh Matthêu có lẽ nghĩ tới các môn đệ cần được thong dong khỏi gánh nặng gia đình và tài sản ngõ hầu hoàn toàn dấn thân rao giảng Nước Trời giống như đức Giêsu. Họ chỉ biết “khao khát sự công chính của Thiên Chúa” (5,6). Những lời này được áp dụng đúng chữ đen đối với họ. Còn các thế hệ kitô hữu sau đó thì áp dụng vào nghĩa thiêng liêng, nghĩa là họ được phép sử dụng tài sản trần thế, nhưng mà đừng quá “lo lắng” đến độ làm nô lệ cho tiền tài (động từ “lo lắng” được lặp lại nhiều lần: 6,25.27.28.31.34). Đây là vấn đề của “con tim”, như đã nói trên đây: “kho tàng của anh ở đâu thì lòng anh cũng ở đó” (6,21). Thể văn ở đây cũng theo lối phản đề: “đừng lo lắng / hãy tìm”, và đối chiếu giữa dân ngoại không biết Chúa (6,32) với anh em, những người con của Cha trên trời. Ngoài ra, đức Giêsu không những dạy chúng ta hãy biết đối chiếu giữa “Thiên Chúa / tiền tài”, giữa “kho tàng dưới đất / kho tàng trên trời”, mà còn giữa các thực tại trần thế nữa: “mạng sống” chẳng trọng hơn “áo mặc” sao? (6,25).

II. KHUÔN VÀNG THƯỚC NGỌC

Theo một số nhà chú giải, tuy rằng BGTN kéo dài cho đến chương 7, nhưng kỳ thực, phần giáo huấn kết thúc ở câu 12; những lời còn lại chỉ là những câu kết luận về việc mang ra áp dụng các lời giảng của đức Giêsu.

A. Ở đầu chương 7, chúng ta gặp thấy giáo huấn về việc xét đoán anh em (1-6) và về sự cầu nguyện (7-11).

1) Việc xét đoán hiểu về sự kết án người khác. Nội dung của nó có liên hệ tới mệnh lệnh yêu thương kẻ thù đã nói ở 5,43-45 và lời cầu thứ 5 của kinh Lạy Cha (6,12b). Ý nghĩa của câu 6 không được rõ cho lắm.

2) Giáo huấn về sự cầu nguyện nhấn mạnh tới sự tin tưởng nơi Cha trên trời, đã được nói trên đây (6,32-33), và đặc biệt trong kinh Lạy Cha, khi đức Giêsu dạy chúng ta xin Cha trên trời ban bánh hằng ngày (6,11). Câu 12 có thể coi như kết luận thu tóm lại tất cả BGTN, quen được gọi là “khuôn vàng thước ngọc”.

B. Khuôn vàng thước ngọc

Trong nguyên ngữ, tựa đề này mang tên là “quy luật vàng” (regula aurea) do các học giả đặt ra vào thế kỷ 18. Gọi là “vàng” vì lối phát biểu tích cực, đối lại với “bạc” phát biểu tiêu cực (như bên Đông phương “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”: điều gì anh không muốn người ta làm cho mình, thì anh đừng làm cho người ta). Ở Do thái, một Rabbi sống vào đầu công nguyên là Rabbi Hillel (60 AC – 20 PC) đã nói: “Điều anh không thích thì anh đừng làm cho bất cứ ai hết. Đó là trọn lề luật, còn những điều khác chỉ là chú giải” (Talmud babilonese, Shabb.31a, xc Tobi 4,15). Còn bây giờ, đức Giêsu tiến một bước nữa:

“Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì luật Môsê và lời các ngôn sứ là thế đó” (7,12).

Ta có thể coi đây như là tổng hợp và kết luận của BGTN. Trong chương 5, chúng ta đã nghe nói: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật của Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (5,17). Kế đó, chúng ta cũng đã nghe dạy rằng: “Vậy, Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu, thì chẳng được vào Nước Trời” (5,20). Sau khi đã giải thích thế nào là kiện toàn luật của Môsê và lời các ngôn sứ (5,21-48), cũng như sau khi đã giải thích thế nào là sự công chính trước mặt Thiên Chúa (6,33), bây giờ đức Giêsu tóm lại toàn thể bài giảng. Tất cả thu lại trong giới luật yêu thương.

Có gì mới lạ trong luật vàng? Người ta cho rằng điều mới lạ ở chỗ cách phát biểu tích cực của nó, đối lại với cách phát biểu tiêu cực trước đây. Thiết tưởng muốn nhận ra điều mới lạ của đức Giêsu, ta cần phải lồng luật vàng trong toàn thể BGTN. Quả thật, đức Giêsu đã đề ra rất nhiều bổn phận tích cực, thí dụ:”Nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái… nếu ai muốn kiện để lấy áo trong thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài … nếu có người bắt đi một dặm thì hãy đi hai dặm” (5,39-41). Nhưng cái độc đáo của đức Giêsu ở chỗ là Ngài vạch cho ta thấy cái tiêu chuẩn cần phải noi theo. Tiêu chuẩn đó không phải là bản thân mình (“Thương người như thể thương thân”) nhưng là Thiên Chúa (“thương người như thể Chúa thương”), giống như “Cha anh em, Đấng ngự trên trời, Ngài làm cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì nào có công chi? Vậy, anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (5,45-48). Tin mừng theo thánh Gioan 13,34 sẽ nói rõ hơn: “Thầy ban cho các con một điều răn mới là các con hãy thương yêu nhau như Thầy đã thương yêu các con”.

C. Thực hành

Phần còn lại của chương 7 gồm những lời khuyên thực hành về việc mang ra áp dụng những giáo huấn của đức Giêsu. Thể văn mang hình thức của những phản đề:

– Cửa rộng / cửa hẹp (7,13-14);

– Cây xấu / cây tốt (7,15-20);

– Môn đệ chân chính / môn đệ giả hiệu (7,21-23);

– Nhà trên cát / Nhà trên đá (7,24-27).

Tất cả bốn tỉ dụ đều nhắm tới việc cảnh giác hãy đón nhận lời dạy của đức Giêsu một cách nghiêm chỉnh, nghĩa là mang ra thực hành, chứ không phải chỉ nghe cho sướng tai. Tiêu chuẩn cuối cùng để đo lường sự gắn bó với Chúa là việc “thi hành ý muốn của Cha, Đấng ngự trên trời” (7,22). Nhưng thế nào là làm theo ý Chúa? Những điều mà xưa nay chúng ta tưởng rằng làm cho Chúa tựa như là tuyên xưng đức tin và cầu nguyện (những kẻ thưa: Lạy Chúa, lạy Chúa), hoặc như nhân danh Ngài mà nói tiên tri, trừ quỷ, làm phép lạ … tất cả những điều đó chưa phải là thi hành ý muốn của Chúa! Để tìm câu trả lời, ta phải lật qua chương 25 của Matthêu, ở kết luận của bài giảng cuối cùng của đức Giêsu nói về cuộc phán xét chung thẩm: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến thăm… Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho Ta vậy” (25,35-40). Nói khác đi, thực hành ý muốn của Chúa là thực hiện lòng thương xót của Chúa, đem áp dụng “khuôn vàng thước ngọc” vậy.

KẾT LUẬN

Trong phần nhập đề về BGTN, chúng tôi đã trình bày ba khuynh hướng chính trong lịch sử chú giải chung quanh vấn đề ý nghĩa và tầm áp dụng của nó: BGTN chỉ đề ra một lý tưởng, một tinh thần, hay là có thể và buộc phải áp dụng đúng nguyên văn? BGTN dành cho hết mọi người muốn vào thiên đàng, hay chỉ hướng về các môn đệ của đức Kitô, cách riêng những ai được ơn gọi đi theo Ngài sát gót hơn?

Qua phần nội dung, chúng ta nhận thấy rằng lối hành văn lệ thuộc vào một thời đại và không gian, tức là những độc giả của thánh Matthêu, những người được giáo dục theo luật của Môsê, và vì vậy muốn đối chiếu giữa Luật cũ và luật mới. Tuy vậy, đằng sau giới hạn của vài diễn ngữ và lối hành văn, có những chân lý hằng cửu mà Chúa Giêsu mong thấy các môn đệ thực hiện. Đây là cả một trách nhiệm được đặt ra cho các Kitô hữu: biết phân biệt giữa “chữ viết” với “tinh thần”. Nhắc lại lời của thánh Phaolô trong 2Cr 3,6, thánh Tôma Aquinô thêm rằng việc đọc bản văn của BGTN sẽ chẳng bổ ích gì cho ta nếu không có Thánh Thần ban ơn sủng đức tin để ta nhận ra tinh thần của nó và để thi hành (Summa Theologica, I-II, q.99,2,3m; q.106,2,c).

Dù thế nào đi nữa, theo như các giáo phụ đã nói, đây là bài giảng từ trên núi: nó mời bạn hãy đi lên núi, bạn đừng bao giờ dừng bước! Từ trên núi, đức Kitô không trao cho bạn một bộ luật nhưng mời mọc bạn bằng hạnh phúc được làm con Chúa. Hơn thế nữa chính đức Giêsu đã đi con đường đó trước.