DẪN VÀO TIN MỪNG THEO THÁNH GIOAN
Tác giả: Lm. Tanila Hoàng Đắc Ánh, OP.
***
***
TÁC GIẢ TIN MỪNG THỨ TƯ
1. ĐẶC TÍNH ĐỒNG NHẤT CỦA SÁCH TIN MỪNG VỀ MẶT VĂN CHƯƠNG
Trước khi nói đến tác giả của sách, phải nói đến đặc tính đồng nhất của sách về văn chương. Vấn đề này đã được đặt ra. Có một số các nhà huấn hỗ Thánh Kinh cho rằng: trong sách Tin Mừng thứ tư, có nhiều đoạn văn thuộc nguồn gốc khác nhau và, lúc đầu, độc lập với nhau: một sưu tập diễn văn, một sưu tập phép lạ, và các sử liệu song song với các sách Tin Mừng nhất lãm như trình thuật Thương khó. Các đoạn văn ấy được một biên tập viên góp lại, bổ túc và thực hiện; và biên tập viên ấy chắc là chính tác giả sách Tin Mừng.
Tuy nhiên, giả thuyết ấy không được vững. Những chương trình nghiên cứu các đặc tính của sách, về mặt văn chương cũng như về mặt đạo lý, cho thấy khác hẳn: các đặc tính ấy đều có trong toàn thể cuốn sách, chứ không phải là những đặc tính của một tầng lớp đoạn văn nào. Thế nên phép lạ, diễn văn, trình thuật Thương khó, tất cả đều do một cây bút. Không có gì minh chứng được rằng trong nguyên thủy, không phải là tác phẩm của một tác giả. Đó là điều căn bản.
Nhưng chúng ta có thể công nhận rằng các môn đệ của tác giả đã đóng một vai trò trong việc thực hiện tác phẩm lần chót, vì tác phẩm ra đời sau khi tác giả đã qua đời. Ý kiến này dựa trên chương 21, câu 24, vì câu này là dấu chứng của một nhóm môn đệ cho ra sách.
Thực thì giả thuyết thứ hai này cũng gặp khó khăn do chương 21 gây ra. Sách đã kết thúc ở chương 20, câu 30-31. Nhưng chương 21 lại mở ra và nối tiếp câu kết thúc ấy, rồi còn kết thúc bằng một câu kết thúc khác (Ga 21,25). Các nhà Thánh Kinh đã thử đưa ra nhiều cách giải thích cho sự việc bất thường ấy. Nhưng dầu sao chương 21 cũng là phụ lục chỉ được thêm vào khi sách đã hình thành. Ai đã viết phụ lục ấy? Có thể là chính bàn tay đã viết hai mươi chương trước. Nhưng cũng có thể là một môn đệ của tác giả, người ấy đã phản ảnh trung thực các kỷ niệm, các ý nghĩ và cả văn thể của thầy mình.
2. NIÊN CANH CỦA SÁCH TIN MỪNG THỨ TƯ
Sách Tin Mừng thứ tư đã ra đời khá sớm, điều này ít ai chối cãi. Quả vậy, thánh Giút-ti-nô (năm 150), thánh I-nha-xi-ô thành An-ti-ô-khi-a (năm 107) đã dẫn sách Tin Mừng này.
Năm 1935, các nhà chuyên môn có khám phá và xuất bản một miếng vỏ chỉ thảo Ai-cập, trong đó có những đoạn văn của sách Tin Mừng thứ tư. Chỉ thảo ấy ra đời chắc là vào thượng bán thế kỷ II. Nên sách phải ra đời trước thời gian đó. Và sách phải ra đời trước khá lâu, nếu sách được sáng tác tại Ê-phê-xô hay tại An-ti-ô-khi-a, vì phải có thời gian sách mới phổ biến tới Ai-cập.
Vì thế, sách Tin Mừng thứ tư đã ra đời ít ra là vào đầu thế kỷ II hoặc năm 90[1] hoặc 95[2] hoặc 100[3].
3. LỜI CHỨNG CỦA SÁCH TIN MỪNG
Như đã nói trên, sách Tin Mừng thứ tư được người môn đệ Đức Giê-su thương mến bảo đảm: người môn đệ này vừa là chứng nhân các sự việc, vừa là tác giả của sách. Người môn đệ ấy là ai?4. LỜI CHỨNG CỦA TRUYỀN THỐNG
Có nhiều sử liệu cho sách Tin Mừng thứ tư là của thánh Gio-an Tông đồ. Những bản văn minh nhiên về vấn đề này thuộc thế kỷ II. Và bản văn chính là bản văn của thánh I-rê-nê: “Đoạn, thánh Gio-an là người môn đệ của Chúa và cũng là người đã dựa vào ngực Chúa, cũng đã cho ra sách Tin Mừng lúc ở tại Ê-phê-xô” (Chống lạc giáo III,1,1). Lời chứng ấy có giá trị ở chỗ thánh I-rê-nê quen biết thánh Pô-ly-cáp, người môn đệ trực tiếp của thánh Gio-an Tông đồ. Đôi khi, lời chứng của thánh I-rê-nê không được hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên, trong việc này, lời chứng của ngài có giá trị vì là lời chứng trực tiếp.
Đồng thời với thánh I-rê-nê, còn có Cơ-lê-men-tê thành A-lê-xan-ri-a (150-211), Téc-tu-li-a-nô (155-220) và Kinh bộ Mu-ra-tô-ri cũng nói rằng sách Tin Mừng thứ tư do thánh Gio-an Tông đồ ghi chép. Sau đó, nhiều tác giả khác còn chấp nhận và lấy hứng ở sách Tin Mừng này.
Vào thế kỷ II, có vài nhóm tín hữu không công nhận thánh Gio-an Tông đồ là tác giả sách Tin Mừng thứ tư vì một vài lý do không chính đáng. Nhóm của Mon-ta-nô, chẳng hạn, nói rằng Thánh Thần đã nhập thể và đã mặc khải cho họ nhiều điều mới lạ. Để phản đối nhóm “thánh linh” này, có kẻ đã không công nhận các ân sủng của Thánh Thần và, rốt cục, không công nhận thánh Gio-an Tông đồ là tác giả của sách Tin Mừng thứ tư vì sách nói nhiều về Thánh Thần. Hoặc một linh mục Rô-ma, tên là Cai-ô, cũng không công nhận sách Tin Mừng thứ tư, chỉ vì lẽ sách ngày khác với những sách nhất lãm.
5. ÔNG GIO-AN TRƯỞNG LÃO
Thánh Gio-an Tông đồ là tác giả sách Tin Mừng thứ tư. Nhưng, để phủ nhận điều ấy, có kẻ lại đưa ra một bản văn của Pa-pi-át.[4] Theo bản văn này, có hai người tên Gio-an, Gio-an môn đệ của Chúa và Gio-an Trưởng lão. Và, theo thánh Đi-ô-ni-xi-ô thành A-lê-xan-ri-a (thế kỷ III), lúc ấy, tại Ê-phê-xô, có hai mộ mang tên Gio-an.[5] Thế là, lúc ấy, tại Ê-phê-xô, có hai nhân vật cùng tên là Gio-an.
Nhưng vấn đề là ai đã trước tác sách Tin Mừng thứ tư. Và thưa là thánh Gio-an Tông đồ, vì thánh I-rê-nê đã nói chính kỷ niệm bản thân và vì truyền thống ở cuối thế kỷ thứ II và đầu thế kỷ thứ III cũng nói như vậy.
6. THÁNH GIO-AN TÔNG ĐỒ TỬ ĐẠO NĂM 44?
Tác giả Tin Mừng thứ tư là thánh Gio-an tông đồ. Giả thuyết này còn gặp một vấn nạn khác, là thánh Gio-an đã tử đạo năm 43 hoặc 44, tại Giê-ru-sa-lem với thánh Gia-cô-bê, anh ngài, do lệnh vua Hê-rô-đê Ác-ríp-pa (Cv 12,22), còn, theo các nhà Thánh Kinh, sách Tin Mừng thứ tư được sáng tác vào năm 95. Vậy, nếu thánh Gio-an tông đồ đã chết năm 43 hoặc 44, thì làm sao ngài sáng tác vào năm 95 được?
Vấn nạn này dựa trên 3 bằng chứng:
– Thứ nhất, theo lời Đức Giê-su (Mc 10,39; Mt 20,23), thì hai người con ông Dê-bê-đê sẽ uống cùng một ly và chịu cùng một phép rửa với Người, nghĩa là hai thánh Gia-cô-bê và Gio-an sẽ cùng tử đạo.
– Thứ hai, Pa-pi-át, thì “nhà thần học Gio-an và Gia-cô-bê bị người Do-thái giết”.
– Thứ ba, trong lịch các Tử đạo tiếng Xy-ri-a vào đầu thế kỷ thứ V, có chép tại ngày 27 tháng 12 rằng: “Hai Tông đồ Gio-an và Gia-cô-bê, tại Giê-ru-sa-lem”. Và, trong lịch các Tử đạo ở Các-tha-gô vào đầu thế kỷ thứ VI, có chép cũng tại ngày 27 tháng 12 rằng: “Thánh Gio-an Tẩy giả và thánh Gia-cô-bê tông đồ, là người bị vua Hê-rô-đê giết”. Ở đây, có lẽ phải đọc là Gio-an tông đồ thay vì Gio-an Tẩy giả.
Tuy nhiên, những bằng chứng ấy, có cộng lại, cũng chẳng mạnh bao nhiêu:
– Thứ nhất, giả thuyết thánh Gio-an tử đạo năm 44 mâu thuẫn với Thánh Kinh. Thật vậy, sách Công vụ Tông đồ (12,2) nói chỉ có thánh Gia-cô-bê tử đạo mà thôi. Vả lại, đồng ý rằng thành ngữ “uống chén và chịu phép rửa của Đức Giê-su” có nghĩa là thông phần vào sự Thương khó của Người, nhưng không phải tử đạo mới thông phần vào sự Thương khó.
– Thứ hai, là bản văn của Pa-pi-át: chúng ta cần phải dè dặt lắm, vì bản văn này đã bị sửa chữa, hiểu sai.
– Thứ ba, về lịch các tử đạo tiếng Xy-ri-a. Lịch này có lẽ do lịch tiếng Hy-lạp mà ra. Nhưng lịch tiếng Hy-lạp là một bản tóm và không được trung thực lắm. Và, nói chung, phải biết tính chất của một cuốn lịch các tử đạo và đừng tìm ở đó những gì không thuộc phạm vi của nó. Nhưng lịch các tử đạo chỉ làm chứng có các tập quán phụng vụ, có những ngày giỗ được nhắc đến trong nhiều Giáo Hội khác nhau. Đằng khác, khi đã định ngày Giáng sinh, nhiều Giáo Hội đã gắn liền vào lễ trọng này việc tưởng niệm những thánh lớn trong Tân Ước, thánh Tê-pha-nô và thánh Gia-cô-bê đứng đầu với tước vị là tử đạo tiên khởi. Thánh Gio-an được gắn liền với thánh Gia-cô-bê vì bà con và vì chỗ đứng của thánh Gio-an trong Tông đồ đoàn và trong các sách Tin Mừng, chứ không thấy nói là vì tử đạo.
7. ĐỊA ĐIỂM VÀ THỜI GIAN SÁNG TÁC
Theo Truyền thống, thì thánh Gio-an đã trước tác sách Tin Mừng tại Ê-phê-sô, vào lúc tuổi già. Truyền thống này dựa trên lời chứng của thánh I-rê-nê. Thánh Gio-an có ở tại Ê-phê-sô, đó là điều chắc; nhưng chưa chắc là thánh Gio-an đã trước tác sách Tin Mừng ở Ê-phê-sô. Có kẻ cho rằng thánh Gio-an đã trước tác tại An-ti-ô-khi-a vì hai lý do. Thứ nhất, là lời chứng của thánh Ép-rem (306-378). Thứ hai là sách Tin Mừng thứ tư đã ảnh hưởng nhiều đến các thư của thánh I-nha-xi-ô thành An-ti-ô-khi-a (+ 115). Thiết tưởng không nên đưa ra một giải pháp quá đơn giản. Và đừng quên rằng sách Tin Mừng thứ tư là kết quả của một sứ vụ lâu dài được thi hành lần lượt tại nhiều giáo đoàn khác nhau.
Còn về ngày sáng tác thì, như đã nói trên, các nhà Thánh Kinh đề nghị là 90-100.