Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Đức Giêsu – Một Con Người Làng Nazareth – Do Thánh Maccô Tường Thuật (1)

Administrator
2018-09-23 04:27 UTC+7 24
ĐỨC GIÊSU MỘT CON NGƯỜI LÀNG NAZARETH Nguyên tác : Jésus un homme de Nazareth Tác giả : Marie-Emile Boismard, op. Nhà xuất bản : Le Cerf Nơi xuất bản : Paris, 1996 Chuyển ngữ : Học Viện Đa Minh, Chân Lý (2001) *** ***   LỜI TỰA   Tháng 12 năm 1992, tạp chí […]


ĐỨC GIÊSU

MỘT CON NGƯỜI LÀNG NAZARETH

Nguyên tác : Jésus un homme de Nazareth

Tác giả : Marie-Emile Boismard, op.

Nhà xuất bản : Le Cerf

Nơi xuất bản : Paris, 1996

Chuyển ngữ : Học Viện Đa Minh, Chân Lý (2001)

***

***

 

LỜI TỰA

 

Tháng 12 năm 1992, tạp chí Lumière et Vie phát hành một số báo với nhan đề “Đức Giê-su : bí mật về nhân tính của Người”. Bài chủ đạo của Pierre Buhler, có thể tóm lược như sau : “Nhân tính của Đức Giê-su đã bị xóa nhòa đi trong truyền thống. Có những lý do thần học đã góp phần vào việc xóa nhòa này, chẳng hạn khẳng định căn bản về hai bản tính và một ngôi vị. Ngôi vị này, Ngôi vị Thiên Chúa, đi tới chỗ loại trừ cái gì thuộc về nhân tính. Việc lập lại thế cân bằng, dựa vào lịch sử chú giải mà không vay mượn gì của khoa tín lý, đã thất bại : Các cuốn “Cuộc đời Đức Giê-su” đã không đạt được mục tiêu”.

Chúng tôi không có ý viết một cuốn “cuộc đời Đức Giê-su” mới, nhưng chỉ muốn tìm hiểu rõ hơn xem thánh Mác-cô, trong sách Tin Mừng của người, đã giới thiệu Đức Giê-su Na-da-rét cho chúng ta như thế nào. Suốt các trình thuật, chúng ta sẽ dần dần khám phá ra một con người, chắc chắn đã được Thiên Chúa trao cho một sứ mạng đặc biệt. Nhưng con người ấy cũng gặp những khó khăn, cũng phải tranh đấu, cũng có những nỗi khổ và thậm chí cả những ngờ vực nữa. Một con người, nói cho cùng, rất gần gũi chúng ta. Chính Đức Giê-su Na-da-rét ấy, với toàn thể nhân tính của Ngườøi, đã được thánh Mác-cô làm nổi bật lên trong sách Tin Mừng của mình, là Đấng chúng tôi muốn làm sống lại trước mắt độc giả. Đọc xong cuốn sách này, có lẽ chúng ta sẽ đi tới chỗ tự hỏi : Liệu thánh Mác-cô có tin rằng Đức Giê-su là Thiên Chúa không ? Câu trả lời chúng tôi sẽ đưa ra không hẳn là không, nhưng sẽ có thể chỉ là hơn kém.

Chúng ta sẽ đọc Tin Mừng của thánh Mác-cô như thể bây giờ chúng ta mới biết, vì thế tạm gác qua một bên tiền sử của sách Tin Mừng này cũng như những lý thuyết nhằm giải thích vấn đề nhất lãm1. Vậy để đơn giản vấn đề, chúng tôi sẽ gọi “Mác-cô” là tác giả sách Tin Mừng trong hình thức hiện thời, cả trong những trường hợp nhiều nhà bình luận cho rằng có lẽ tác giả đã sử dụng những nguồn văn có trước. Và vì nhắm mục đích là xem Mác-cô nghĩ gì về Đức Giê-su, cho nên chúng tôi sẽ không mỗi lúc mỗi dừng lại để xem cụ thể lời này lời kia Mác-cô gán cho Đức Giê-su có thực hay không. Chỉ cần cho rằng Mác-cô đã coi lời đó là thực, thế là đủ rồi. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, chúng tôi lại không theo qui tắc này, ấy là khi chúng tôi thấy cần phải xác định xem Đức Giê-su có thực sự nói hay làm như thế không.

Như thế không có nghĩa là chúng tôi sẽ theo một hình thức của chủ trương bảo thủ (fondamentalisme). Khi viết sách Tin Mừng, Mác-cô biết rất rõ mình sẽ phải tô điểm các trình thuật bằng những chi tiết cụ thể không hề có “giá trị lịch sử”, hiểu theo nghĩa của chúng ta ngày hôm nay. Ông cũng biết rõ là độc giả của mình sẽ không lầm lẫn. Để minh hoạ cho sự kiện này, một sự kiện có thể khiến độc giả hiện đại có nguy cơ ngộ nhận, chúng tôi xin kể câu chuyện sau đây, và chúng tôi xin cam đoan là câu chuyện có thực. Cùng với một đồng nghiệp của tôi tại trường Kinh Thánh Giê-ru-sa-lem, chúng tôi đi ô-tô từ Kérak đến Amman, sau khi đã băng qua miền Modjib (Arnon), chúng tôi phải vượt qua một gia đình người Bédouin đang lùa đoàn súc vật lên chăn ở trên núi. Bỗng trong số họ, một người đàn ông lớn tuổi, có lẽ lãng tai, băng qua đường ngay phía trước. Thế là xe chúng tôi đụng phải ông. Không may, ông đã chết khi người ta chuyển ông đến bệnh viện Amman. Ba tuần sau, chúng tôi phải đến Kérak nói chuyện phải trái với gia đình người Bédouin để tìm phương án giải quyết “món nợ máu” này như thế nào, bởi có cái chết của một con người. Vừa tới nơi, chúng tôi đến gặp vị linh mục chính xứ đang coi sóc một họ đạo theo nghi lễ La-tinh tại thành phố nhỏ bé này. Cha là một người Ả-rập chính tông, bạn của chúng tôi. Trong lúc cha đang trò chuyện với mấy người bổn đạo thì chúng tôi đi vào. Sau đó cha thuật lại cho họ nghe tai nạn đã xảy ra. Chúng tôi ngạc nhiên quá sức, vì thấy cha thuật lại sự việc bằng cách thêu dệt rất nhiều chi tiết hoàn toàn là tưởng tượng ! Cha muốn cho những người nghe cha hiểu rằng chúng tôi không phải là những người chịu trách nhiệm về tai nạn đó, nhưng lỗi hoàn toàn là do người đàn ông Bédouin đáng thương kia gây ra. Mà đúng như vậy khi vài tháng sau, toà án thành phố Amman công nhận và phán quyết sự kiện theo chiều hướng ấy. Như thế, đối với một người Đông phương, chân lý có thể ở nhiều cấp độ khác nhau. Có chân lý của sự kiện, vật chất và cụ thể của chúng. Nhưng còn có một thứ chân lý khác liên quan đến việc giải thích sự kiện, đây chính là ý nghĩa dành cho sự kiện được tường thuật. Chính nhằm biểu đạt chân lý thuộc về một trật tự khác mà những chi tiết trong trình thuật (câu chuyện) có thể đóng vai trò riêng của mình.

Việc biên soạn các sách Tin Mừng cũng vậy. Chắc hẳn các sách Tin Mừng phải tường thuật về một sự kiện đã thật sự diễn ra trong quá khứ. Thường thường, mọi chi tiết đều có mục đích, nhưng không nhằm diễn tả một thực tại cụ thể cho chúng ta, cho bằng nhằm khơi lên trước mắt chúng ta thực tại của một trật tự siêu việt hơn. Đây chính là điều thánh Âu-tinh đã nhận thấy rõ hơn ai hết : “Tất cả những điều chúng tôi sáng tạo thêm thắt không phải là một sự dối trá, lừa lọc. Chỉ khi nào chúng tôi sáng tạo, thêm thắt những chi tiết vốn không có một ý nghĩa nào thì lúc đó mới là sự dối trá lừa lọc. Nhưng khi chúng tôi sáng tạo thêm thắt những điều chứa đựng một ý nghĩa nào đó, thì khi ấy không phải là sự dối trá lừa lọc nhưng là một sự diễn tả nào đó về chân lý (…) Không chỉ những ngôn từ mà thôi, nhưng thậm chí cả những sự kiện cũng có thể được sáng tạo thêm thắt mà không phải là sự dối trá lừa lọc, vì chúng nhằm biểu đạt ý nghĩa của một thực tại nào đó”2.

Như vậy, chúng ta không thể đọc Tin Mừng Mác-cô theo cách nghĩ của người Tây phương đang sống trong thế kỷ XX này, bởi vì đối với người Tây phương, một trình thuật (câu chuyện) gần với chân lý lịch sử hơn cả khi những chi tiết trong câu chuyện phản ánh trung thực những sự kiện đã diễn ra trong thực tế cụ thể. Nhưng chúng ta phải đọc Tin Mừng Mác-cô theo cách nghĩ của người Đông phương, vì đối với người Đông phương, những chi tiết trong câu chuyện thường thường được dùng để khơi lên một thực tại thuộc về trật tự thần học. Thế nên chúng ta không còn phải ngạc nhiên nếu như bộ áo văn chương của các trình thuật có sử dụng lại hệ ngữ vựng của câu chuyện này hay câu chuyện khác trong Cựu Ước. Chẳng hạn Đức Giê-su được nhìn nhận là Mô-sê mới hoặc là Ê-li-a mới.

Trong khi đọc Tin Mừng Mác-cô, chúng ta sẽ gặp một số vấn nạn, chẳng hạn như Đức Giê-su có anh chị em ruột, hay Người chỉ có các anh chị em họ thôi ? Đức Giê-su có thực sự hóa bánh ra nhiều và truyền cho cuồng phong phải im lặng ? Đối với Mác-cô, những lời của Đức Giê-su : “Này là mình Thầy” và “Này là máu Thầy”, có hàm chứa một sự biến đổi vật lý từ bánh và rượu trở thành Thịt và Máu Đức Ki-tô hay không ? Vì độc giả là những người đã hiểu biết, nên chúng tôi không đưa ra giải đáp dứt khoát, nhưng sẽ nêu lên những yếu tố giúp độc giả có thể tìm ra câu trả lời có hoặc không đối với những vấn đề trên… hoặc có thể bỏ ngỏ không có câu trả lời.

Tôi xin cám ơn anh Arnaud Lamouille, o.p., người đã dành cho tôi rất nhiều gợi ý hữu ích trong việc sửa đổi và bổ sung một số đoạn. Tôi cũng xin chân thành tri ân cha Justin Taylor, s.m., người đã cho tôi rất nhiều lời khuyên, đặc biệt trong việc biên soạn phần cuối liên quan đến Thánh Thể. Cuối cùng, tôi xin cám ơn anh Renaud Escande, o.p., người đã vui lòng đọc lại bản văn để sửa chữa những lỗi kỹ thuật.

***

NỘI DUNG

Lời tựa
Phần nhập đề: Câu dẫn nhập Mc 1, 1

PHẦN THỨ NHẤT: ĐỨC GIÊSU LÀ AI?
     1. Ông Gioan Tẩy Giả
     2. Đức Giêsu Chịu Phép Rửa
     3. Đức Giêsu Chịu Cám Dỗ và Các Môn Đệ Đầu Tiên
     4. Một Ngày Mẫu Tại Caphácnaum
     5. Đức
Giêsu Hoạt Động Tại Galilê
     6. Năm Cuộc Tranh Luận
     7. Đức Giêsu Là Vua Và Là Ngôn Sứ
     8. Đức Giêsu Giảng Dạy Và Chữa Bệnh
     9. Trước Là Do Thái, Sau Là Dân Ngoại

PHẦN THỨ HAI: CÁI CHẾT CỦA VUA
    1. Cuộc Trừ Quỷ Cuối Cùng
    2. Giáo Huấn Của Đức Giêsu
    3. Đức Giêsu Được Nhìn Nhận Là Vua
    4. Các Đối Thủ Của Đức Giêsu
    5. Tận Thế
    6. Lập Phép Thánh Thể
    7. Tại Giêtsimani
    8. Đức Giêsu Bị Kết Án Tử
    9. Cái Chết Của “Vua Người Do Thái”

PHẦN THỨ BA: CON NGƯỜI ĐỨC GIÊSU

BÀI KHẢO CỨU THÁNH THỂ

CÔNG ĐỒNG TRENTÔ

 


1 Chúng tôi cho rằng sách Tin Mừng của Mác-cô có hai thể trạng nối tiếp nhau : một tiền Mác-cô, ngắn hơn Mác-cô hiện nay nhiều, được hoà hợp với những truyền thống của Mát-thêu và Lu-ca do một tác giả có thể là Lu-ca. X. M. É. Boismard, L’Évangile de Marc : sa préhistoire (“Études bibliques”, nouvelle série, n. 26), Paris, 1994)

2 Th. Augustinô, De quaest. evang., II, 11. Th. Tôma Aquinô nhắc lại trong Summa theol., III, 1v, 4, Ad primum.