Lm. Giuse Lê Minh Thông, OP.
Dẫn nhập
Bài viết sẽ giải thích tại sao chọn tựa đề trên, sau đó sẽ trình bày sơ lược nội dung chính của bài Tin Mừng Ga 20,19-23. Đây là cuộc gặp gỡ quan trọng giữa Đức Giê-su Phục Sinh và các môn đệ vì hai lý do:– 1/. Việc các môn đệ THẤY Đức Giê-su Phục Sinh đã trở thành nền tảng của lời chúc phúc: “Phúc cho những người KHÔNG THẤY mà tin.”
– 2/. Những lời Đấng Phục Sinh nói trong cuộc gặp gỡ này là nền tảng của cộng đoàn các môn đệ qua mọi thế hệ: Quà tặng BÌNH AN và THÁNH THẦN; trao ban SỨ VỤ và ban QUYỀN HÀNH để thực thi sứ vụ. Bài viết sẽ được trình bày qua các mục:
+ (1) Bản văn Ga 20,19-23,
+ (2) THẤY và KHÔNG THẤY Đức Giê-su Phục Sinh (Ga 20),
+ (3) “Bình an cho anh em” (20,19.21a),
+ (4) “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (19,21b),
+ (5) “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (20,22),
+ (6) Đức Giê-su ban quyền “Tha tội và cầm giữ” (20,23).
1. Bản văn Ga 20, 19-23
19 Chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín vì các ông sợ những người Do Thái. Đức Giê-su đến, Người đứng giữa các ông và nói với các ông: “Bình an cho anh em.” 20 Nói xong điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn của Người. Các môn đệ vui mừng thấy Chúa. 21 [Đức Giê-su] lại nói với các ông: “Bình an cho anh em. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em.” 22 Nói xong điều đó, Người thổi hơi và nói với các ông: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. 23 Anh em tha tội của ai thì tội của họ được tha, anh em cầm giữ tội ai, thì tội của họ bị cầm giữ.”2. “THẤY” và “KHÔNG THẤY” Đức Giê-su Phục Sinh (Ga 20)
Tại sao lấy tựa đề: “(Không thấy) – THẤY – (Không thấy)” khi tìm hiểu Ga 20,19-23? Đoạn văn Ga 20,19-23 là một phần trình thuật Đức Giê-su Phục Sinh của Tin Mừng Gio-an. Có thể cấu trúc các trình thuật Phục Sinh trong Ga 20 xoay quanh đề tài “KHÔNG THẤY” và “THẤY” Đức Giê-su Phục Sinh, theo dạng đồng tâm A, B, A’ như sau:
A. Không thấy Đức Giê-su Phục Sinh
20,1-10: Ngôi mộ trống, không thấy Đức Giê-su Phục Sinh.
Kết luận: “Ông ấy đã thấy và đã tin” (20,8),
nghĩa là không thấy Đức Giê-su mà vẫn tin.
B. Thấy Đức Giê-su Phục Sinh
20,11-18: Ma-ri-a Mác-đa-la thấy Đấng Phục Sinh
Kết luận: “Tôi đã thấy Chúa” (20,18)
20,19-23: Các môn đệ thấy Đấng Phục Sinh
Kết luận: “Các môn đệ vui mừng thấy Chúa” (20,20b)
A’. Không thấy Đức Giê-su Phục Sinh
20,26-29: Đấng Phục sinh hiện ra đề cao cái phúc “không thấy”.
Kết luận: “Phúc cho người không thấy mà tin” (20,29).
Như thế, theo Tin Mừng Gio-an, trình thuật Phục Sinh đi từ A. “Không thấy Đức Giê-su Phục Sinh mà tin” (20,8) đến B. “Vui mừng được thấy Chúa” (20,18.20) và kết thúc bằng A’. “Phúc cho những người không thấy mà tin” (20,29). Đỉnh cao của trình thuật Phục Sinh là “KHÔNG THẤY MÀ TIN”. Đây là lời chính Đức Giê-su Phục Sinh nói với cộng đoàn và nói với độc giả qua mọi thời đại. Sau thế hệ các môn đệ đầu tiên được thấy Đức Giê-su Phục Sinh, tất cả các môn đệ thế hệ sau đều là “Những người không thấy mà là những người tin” (20,29). Tựa đề bài viết: “(Không thấy) – THẤY – (Không thấy)” muốn làm nổi bật tầm quan trọng thông điệp của bản văn dành cho độc giả: “Phúc cho những người không thấy mà tin”.
Tuy nhiên, phải chăng “không thấy mà tin” là nhẹ dạ và thiếu cơ sở. Câu hỏi đặt ra: Dựa vào đâu? Dựa trên cơ sở nào để có thể “không thấy mà vẫn tin”? Có thể trả lời: Lựa chọn “KHÔNG THẤY MÀ TIN” của các môn đệ qua mọi thời đại là dựa trên cái “THẤY” của các môn đệ thế hệ đầu tiên. Nghĩa là dựa trên lời chứng của những người đã khẳng định: “Chúng tôi đã thấy Chúa” (20,25).
Trong cấu trúc Ga 20 trên đây, phần B: “THẤY” ở trung tâm cấu trúc A, B, A’. Điều này nói lên tầm quan trọng lời chứng của các môn đệ. Phần song song A // A’ lại đề cao niềm tin đích thực. Phần A đề cao lòng tin của người môn đệ Đức Giê-su yêu mến. Ông chỉ thấy ngôi mộ trống (không thấy Đức Giê-su Phục Sinh) mà đã tin (20,8) song song với lời chúc phúc của Đấng Phục Sinh dành cho người tin qua mọi thế hệ: “Phúc cho những người không thấy mà là những người tin” (20,29).
Bài tìm hiểu Ga 20,19-23 thuộc phần “THẤY” (B), nên hai phần “không thấy” (A // A’) được để trong ngoặc đơn làm thành tựa đề cho đoạn văn 20,19-23: “(Không thấy) – THẤY – (Không thấy).” Có thể trình bày trình thuật Phục Sinh Ga 20 qua bảng sau:
Cấu trúc Ga 20 đề cao niềm tin của những người dám tin vào Đức Giê-su Phục Sinh, dù không thấy Người. Nhưng niềm tin ấy dựa trên lời chứng của những người đã thấy Đấng Phục Sinh. Nên cả hai đề tài “Thấy” và “không thấy” Đấng Phục Sinh đều quan trọng.
Phần phân tích đoạn văn Ga 20,19-23, thuộc phần “Thấy Đức Giê-su Phục Sinh” sau đây sẽ cho thấy ý nghĩa thần học quan trọng của trình thuật này. Các môn đệ không chỉ thấy Đấng Phục Sinh để làm chứng Người đã Sống Lại, mà các môn đệ còn được Đấng Phục Sinh trao ban các yếu tố nền tảng để xây dựng cộng đoàn. Phần sau sẽ phân tích các đề tài: “Bình an”, “sứ vụ”, “Thánh Thần” và “quyền tha tội và cầm giữ”.
3. “Bình an cho anh em” (20,19.21a)
Trong lần gặp gỡ đầu tiên giữa Đức Giê-su Phục Sinh và các môn đệ, Người nói hai lần lời chúc bình an: “Bình an cho anh em” (20,19.21). Hai lần chúc bình an này có hai ý nghĩa khác nhau sẽ được phân tích sau đây.
a/. “Bình an” và “sợ hãi” (20,19)
Đức Giê-su ban bình an lần thứ nhất (20,19) ngay sau khi hiện ra với các môn đệ, lúc ấy các môn đệ đang ở trong tâm trạng sợ hãi và kép kín. Người thuật chuyện cho biết: “Nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín vì các ông sợ những người Do Thái” (20,19a). Đây không phải là lần đầu tiên Đức Giê-su ban bình an cho các môn đệ, trong lúc các ông ở trong tình trạng xao xuyến sợ hãi.
Trong lời từ biệt trước khi bước vào cuộc Thương Khó, Đức Giê-su đã động viên các môn đệ đầu ch. 14: “Lòng anh em đừng xao xuyến, hãy tin vào Thiên Chúa và hãy tin vào Thầy” (14,1); đến cuối ch. 14, Đức Giê-su ban bình an của Người cho các môn đệ. Người nói: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Không như thế gian ban mà chính Thầy ban cho anh em. Lòng anh em đừng xao xuyến, đừng sợ hãi” (14,27).“Bình an” (eirênê) là đề tài quan trọng trong thần học Tin Mừng Gio-an, Đức Giê-su ban bình an của Người trước khi rời bỏ các môn đệ để đi về với Cha của Người. Sau đó, Đức Giê-su ban bình an khi Người Phục Sinh. Như thế “ban bình an” là một dấu chỉ để các môn đệ nhận ra Đức Giê-su Phục Sinh. Bình an của Đức Giê-su là thứ bình an có khả năng đem lại niềm vui cho các môn đệ. Sau lời chúc bình an, các môn đệ đã nhận ra Đức Giê-su, nên “Các môn đệ vui mừng thấy Chúa” (20,20b).
Đây không phải là thứ bình an của thế gian. Cũng không phải là thứ bình an khi không gặp khó khăn thử thách. Ngược lại, bình an của Đức Giê-su ban tặng là bình an giúp các môn đệ vượt qua thử thách. Nghĩa là ngay trong lúc gian nan, khốn khó, người môn đệ vẫn có sự bình an sâu xa trong tâm hồn, đó là bình an của Đức Giê-su hiện diện ở nơi mình. “Bình an của Đức Giê-su” sẽ làm cho các môn đệ xác tín, vững tin và vui sống.
Đức Giê-su tiếp tục ban bình an của Người cho các môn đệ qua mọi thời đại. Chính Đấng Phục Sinh đang nói với độc giả câu Ga 16,33: “Những điều này, Thầy nói với anh em để trong Thầy, anh em có sự bình an. Trong thế gian, anh em có sự khốn khó, nhưng anh em hãy can đảm, chính Thầy đã thắng thế gian.” Cụm từ “những điều này” (16,33a) bao hàm tất cả mặc khải của Đức Giê-su trong Tin Mừng Gio-an. Tất cả những gì Đức Giê-su mặc khải nhằm mục đích đem lại bình an cho các môn đệ, cho dù họ đang gặp thử thách.
b/. “Bình an” và “sứ vụ” (20,21a)
Lời chúc bình an thứ hai của Đức Giê-su mở đầu sứ vụ của các môn đệ. Đức Giê-su nói với họ: “Bình an cho anh em. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (20,21). Đây cũng là lời mà các môn đệ đã nghe ở Ga 17,18. Nhưng điều mới mẻ là “bình an” gắn liền với lời “sai đi”. Như thế, có thể nói, một phần quan trọng trong sứ vụ của các môn đệ chính là đón nhận bình an của Đức Giê-su và trao ban bình an đó cho mọi người. Các môn đệ là những người được Đức Giê-su sai đi để trao ban bình an của Người cho thế giới. Đó không phải là thứ bình an giả tạo, che lấp những đau khổ và mong manh của cuộc đời. Nhưng bình an Đức Giê-su ban tặng là thứ bình làm cho người môn đệ dám đón nhận tất cả những đen tối của thân phận làm người, và từ đó dù trong hoàn cảnh nào đi nữa, người môn đệ vẫn vững tin, bình an và có nghị lực để vượt qua thử thách.
Như thế, bình an của Đức Giê-su ban tặng gồm hai khía cạnh.
– 1) Bình an của Đức Giê-su là ơn ban từ trên, làm cho người môn đệ vượt qua mọi sợ hãi để can đảm làm chứng cho Đức Giê-su trong niềm vui.
– 2) Bình an của Đức Giê-su gắn liền với sứ vụ của các môn đệ, các môn đệ được sai đi trong tư thế của người có bình an của Đấng Phục Sinh và họ được giao nhiệm vụ trao tặng món quà bình an đó cho mọi người.
4. “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (20,21b)
Sau khi ban bình an, Đức Giê-su sai các môn đệ ra đi. Lời sai đi này đã được Đức Giê-su nói với Cha của Người trước khi bước vào cuộc Thương Khó. Người nói với Cha: “Như Cha đã sai Con đến thế gian, Con cũng sai họ đến thế gian” (17,18). Lời này (17,18) các môn đệ đã nghe, vì Đức Giê-su ngỏ lời với Cha của Người trước sự hiện diện của các môn đệ. Bây giờ, sau khi Phục Sinh, Người nói trực tiếp với các môn đệ: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em”. Người chính thức trao ban sứ vụ cho các môn đệ.
Ở 17,18 cũng như ở 20,21, Đức Giê-su không nói đến nội dung sứ vụ. Đức Giê-su không cho biết các môn đệ phải làm việc gì. Bởi vì sứ vụ của các môn đệ là tiếp nối sứ vụ của Đức Giê-su, mà nội dung sứ vụ của Đức Giê-su đã được mô tả trong sách Tin Mừng. Hãy đọc Tin Mừng sẽ biết các môn đệ phải làm gì để thực thi sứ vụ. Điều quan trọng ở đây là các môn đệ được chính Đức Giê-su sai đi tiếp nối sứ vụ của Người.Đức Giê-su được Chúa Cha sai đến trần gian để mặc khải ý định yêu thương của Thiên Chúa và để trao ban sự sống đích thực cho những ai tin vào Người. Các môn đệ cũng làm như thế, họ được sai đi để làm cho mọi người biết Thiên Chúa đã yêu thương thế gian như thế nào (3,16) và làm cho mọi người “biết” và “tin” Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa; và nhờ tin sẽ có sự sống trong danh của Người (20,31). Lời Đức Giê-su ban quyền “tha tội và cầm giữ” cần được hiểu trong ý hướng sứ vụ như trên. Trước khi Đức Giê-su trao quyền “tha tội và cầm giữ” cho các môn đệ, Người nói: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (20,22).
5. “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (20,22)
Khi Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” là Người thực hiện lời hứa với các môn đệ. Trước khi bước vào cuộc Thương Khó, Đức Giê-su đã hứa ban Đấng Pa-rác-lê (Paraklêtos) – Đấng Bảo Trợ – đến với các môn đệ. Trong Tin Mừng Gio-an “Đấng Pa-rác-lê” (ho paraklêtos) chính là “Thánh Thần” (to pneuma to hagion) và là “Thần Khí sự thật” (to pneuma tês alêtheias), xem Ga 14,15-17.25-26; 15,26-27; 16,7-15.
Đấng Pa-rác-lê – Thánh Thần – trong Tin Mừng Gio-an giữ một vai trò đặc biệt quan trọng. Sau khi Đức Giê-su về với Cha của Người, Đấng Pa-rác-lê – Thánh Thần – Thần Khí sự thật – sẽ “ở với”, “ở giữa” và “ở trong” các môn đệ mãi mãi (14,16-17); sẽ dạy các môn đệ tất cả và làm cho họ nhớ lại tất cả những gì Đức Giê-su đã nói (14,26); sẽ cùng với các môn đệ làm chứng cho Đức Giê-su (15,26); sẽ làm cho các môn đệ biết sự thật về thế gian (16,8-11); sẽ dẫn các môn đệ đi trong chân lý toàn vẹn (16,13a); sẽ loan báo cho các môn đệ những điều sẽ xảy đến (16,13b).
Đức Giê-su đã hứa ban “Đấng Pa-rác-lê – Thánh Thần” cho các môn đệ và sau khi Phục Sinh, Người thực hiện lời Người đã hứa khi nói với họ: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”, các môn đệ lãnh nhận “Đấng Pa-rác-lê – Thánh Thần”, Đấng làm cho các môn đệ vững mạnh trong sự hiểu biết và trong niềm tin vì được “Đấng Pa-rác-lê – Thánh Thần” đồng hành, soi sáng, dạy dỗ và hướng dẫn.
Đức Giê-su ban Thánh Thần cho các môn đệ vào chiều ngày thứ nhất trong tuần (20,19), ngày người Sống Lại, nhưng vẫn còn ở trong khung cảnh kín đáo và riêng tư, mọi chuyện xảy ra trong một căn phòng mà “các cửa đều đóng kín”. Thánh Thần sẽ đến công khai trong ngày lễ Ngũ Tuần (Cv 2,1-11), khởi đầu sứ vụ rao giảng công khai của các môn đệ. Các môn đệ ra đi rao giảng, tiếp nối sứ vụ của Đức Giê-su trong thế gian. Lời trao quyền “tha tội và cầm giữ” cần được hiểu trong bối cảnh quà tặng “bình an”, “Thánh Thần” và trao ban sứ vụ.
6. Đức Giê-su ban quyền “tha tội và cầm giữ” (20,23)
Sau khi ban bình an, Đức Giê-su cho các môn đệ xem tay và cạnh sườn để các môn đệ nhận ra Đấng Phục Sinh chính là Đức Giê-su (20,19-20), rồi Người lại ban bình an kèm theo sứ vụ được sai đi (20,21). Cuối đoạn văn 20,19-23 Đức Giê-su long trọng ban Thánh Thần kèm theo lời ban quyền tha tội và cầm giữ như sau: “22 Nói xong điều đó, Người thổi hơi và nói với các ông: ‘Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. 23 Anh em tha tội của ai thì tội của họ được tha, anh em cầm giữ tội ai, thì tội của họ bị cầm giữ’” (20,22-23).
Quyền “tha tội và cầm giữ” được trao cho các môn đệ vì từ nay Đức Giê-su không còn hiện diện thể lý ở trần gian nữa. Quyền “tha tội và cầm giữ” của các môn đệ không thể tách rời khỏi quà tặng bình an của Đức Giê-su, không thể tách rời khỏi sứ sụ sai đi để làm cho thế gian nhận biết tình yêu của Thiên Chúa và không thể tách rời khỏi hoạt động của Thánh Thần nơi các môn đệ.Các môn đệ được trao quyền “tha tội và cầm giữ” là được tham dự vào quyền xét xử của Đức Giê-su, quyền mà Người đã thực hiện trong sứ vụ công khai. Đây là quyền mà Đức Giê-su đã nhận từ Chúa Cha. Đức Giê-su nói với những người Do Thái: “26 Vì như Cha có sự sống nơi mình thế nào thì cũng ban cho Con có sự sống nơi mình như vậy, 27 và ban cho Người quyền để thi hành việc xét xử, vì Người là Con Người” (5,26-27). Chúa Cha đã ban cho Đức Giê-su quyền xét xử, thì khi hoàn tất sứ vụ Chúa Cha giao phó trên trần thế, Đức Giê-su trao quyền xét xử cho các môn đệ. Có thể nói, với quyền “tha tội và cầm giữ”, các môn đệ tiếp nối Đức Giê-su thi hành sứ vụ cứu độ mang lại sự sống đích thực cho con người.
Như thế các môn đệ không thể thi hành quyền “tha tội và cầm giữ” theo ý riêng mà phải dựa trên giáo huấn của Đức Giê-su và sự hướng dẫn của Thánh Thần. Đồng thời, mục đích của quyền “tha tội và cầm giữ” là để thực thi lòng thương xót của Thiên Chúa, bênh vực con người và đem lại sự sống cho con người.
Theo thần học Tin Mừng Gio-an, Đức Giê-su không đến để xét xử thế gian những để cứu thế gian và ban sự sống cho thế gian. Toàn bộ sứ vụ của Đức Giê-su là thực hiện ý định yêu thương của Thiên Chúa nói đến ở Ga 3,16-17: “16 Vì Thiên Chúa đã quá yêu mến thế gian, đến nỗi đã ban Con Một, để bất cứ ai tin vào Người thì không hư mất, nhưng có sự sống đời đời. 17 Vì Thiên Chúa không sai Con đến thế gian để lên án thế gian, nhưng để nhờ Người, thế gian được cứu.” Trong viễn cảnh này, ai không tin vào Đức Giê-su, không đón nhận sự sống đời đời, thì đã tự kết án mình (3,18). Quyền “tha tội và cầm giữ” mà Đức Giê-su trao cho các môn đệ cũng là quyền “ban sự sống đích thực” cho những người tin vào Đức Giê-su. Các môn đệ được Đức Giê-su ban tặng bình an và Thánh Thần, được Người trao quyền và sai đi để thi hành sứ vụ đem lại “sự sống” và “sức sống” cho thế gian.
Kết luận
Đoạn Tin Mừng Ga 20,19-23 thuật lại việc các môn đệ THẤY Đức Giê-su Phục Sinh, được chèn vào giữa những trình thuật đề cao việc KHÔNG THẤY Đức Giê-su mà vẫn tin vào Người. Theo thần học Tin Mừng Gio-an, THẤY hay KHÔNG THẤY Đấng Phục Sinh đều quan trọng.
Việc các môn đệ THẤY Đức Giê-su Phục Sinh là nền tảng của lời chứng để các môn đệ thuộc những thế hệ tiếp theo tin vào Đức Giê-su Phục Sinh. Bản văn đề cao ý tưởng “KHÔNG THẤY mà tin” những điều này lại dựa trên việc Đức Giê-su Phục Sinh tỏ mình ra cho các môn đệ THẤY.
Điểm quan trọng thứ hai trong đoạn văn Ga 20,19-23 là quà tặng của Đức Giê-su. Trong lúc các môn đệ đang sợ hãi, khép kín, cửa đóng then cài, Đức Giê-su Phục Sinh đã đến trao tặng các môn đệ những yếu tố nền tảng, giúp cộng đoàn các môn đệ tồn tại, phát triển và thi hành sứ vụ. Đây là bốn yếu tố nền tảng của cộng đoàn các môn đệ:
– Sống BÌNH AN của Đức Giê-su.
– Thi hành SỨ VỤ Đức Giê-su giao phó.
– Đón nhận sự hướng dẫn và dạy dỗ của THÁNH THẦN.
– Thi hành quyền “THA TỘI và CẦM GIỮ” để đem sự sống của Đức Giê-su đến cho mọi người.
Các yếu tố trên vẫn luôn là nền tảng của cộng đoàn các môn đệ qua mọi thế hệ. Đoạn văn Ga 20,19-23 mời gọi độc giả xây dựng cộng đoàn dựa trên bình an của Đức Giê-su ban tặng; dựa trên sự hiện diện và hướng dẫn của Thánh Thần; để cùng nhau thi hành sứ vụ Đức Giê-su giao phó và thực thi quyền đem lại sự sống đích thực cho con người./.