Lm. FX. Vũ Phan Long, OFM.
Bản Văn Tin Mừng: Lc 3,15-16.21-22[1]
15 Hồi đó, dân đang trông ngóng, và trong thâm tâm, ai nấy đều tự hỏi: biết đâu ông Gio-an lại chẳng là Đấng Mê-si-a! 16 Ông Gio-an trả lời mọi người rằng: “Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa. 21 Khi toàn dân đã chịu phép rửa, Đức Giê-su cũng chịu phép rửa, và đang khi Người cầu nguyện, thì trời mở ra, 22 và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con.
***
1.- Ngữ cảnh
Do sự chọn lựa của Phụng Vụ, trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta được đọc một đoạn giới thiệu lời chứng của Gioan Tẩy Giả và một đoạn nói đến phép rửa của Đức Giêsu. Câu Lc 3,19 tách đoạn nói về Gioan Tẩy Giả với đoạn liên hệ tới Đức Giêsu, để nói về hai thời đại cứu độ.[2] Gioan đã hoàn tất nhiệm vụ Tiền Hô. Bây giờ tới lúc Đức Giêsu thì hành sứ vụ.
2.- Bố cục
Đoạn văn có hai phần tách biệt:
1/. Lời chứng của ông Gioan Tẩy Giả về Đức Giêsu (Lc 3,15-16);
2/. Đức Giêsu chịu phép rửa và cuộc thần hiện (Lc 3,21-22).
3.- Vài điểm chú giải
– Đấng Messia (15): tức là “Đấng được xức dầu”. Ít ra từ đầu thế kỷ II TCN, trong Do Thái giáo Palestin, có kết tinh mộtnỗi niềm chờ mong Đấng Messia. Lời sấm của ngôn sứ Nathan (2Sm 7,14-17)[3] và “những lời cuối cùng của vua David” (2Sm 23,1-17)[4] tiết lộ lời Thiên Chúa hứa ban mộtvương tộc và minh nhiên qui chiếu về vua David lịch sử như là “đấng được xức dầu” của Thiên Chúa Giacob.[5]
– Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến (16): Dịch sát là “Đang đến Đấng mạnh hơn tôi”. Tác giả Luca nhấn mạnh đến động từ “đang đến” (Hy Lạp: erchetai) đặt ở đầu câu; ngài đã lấy lại Mc 1,7,[6] nhưng bỏ cụm từ “sau tôi”. Đây là mộtgợi ý tới bản văn Ml 3,1.23.[7]
– Tôi không đáng cởi quai dép (16): Hành vi này là nhiệm vụ của mộtnô lệ. Tập tục được thực thi như sau: người chủ đi dự một cuộc tiếp tân, có mộtnô lệ đi theo; vào phòng, người chủ phải cởi dép; khi đó, người nô lệ quỳ xuống (x. Mc 1,7) để tháo quai dép cho ông (x. Mc và Lc); và trong suốt cuộc tiếp tân, người nô lệ phải xách dép của chủ (x. Mt 3,11).[8] Trong truyền thống kinh sư Do Thái, các kinh sư cấm môn đệ làm việc này cho thầy mình. Hình ảnh ông Gioan dùng nêu bật vị trí thấp kém của ông trong quan hệ với Đức Giêsu, Đấng mạnh hơn.
– Phép rửa trong Thánh Thần và lửa (16): Nước có ý nói về nghi thức bên ngoài, thực hiện trên thân xác; còn lửa là biểu tượng diễn tả sự biến đổi bên trong tâm hồn. Trong khi nước chỉ đạt tới bề mặt của các sự vật, thì lửa thấm sâu vào, thanh luyện, soi sáng, đốt cháy. Trong phép rửa Đấng Messia thiết lập, người ta sẽ không gặp được thứ lửa nào ngoài thứ lửa của Thánh Thần, bởi vì chính Người thánh hóa các tâm hồn.
Dựa theo Mt 3,11 ta phỏng đoán rằng, rất có thể ông Gioan Tẩy Giả lịch sử đã không nói đến phép rửa trong Thánh Thần, nhưng là phép rửa trong “gió [khí]”, như thế để cho từ “lửa” vẫn giữ được ý nghĩa “lửa Phán xét” trong suốt bản văn. Sau đó, các Kitô hữu đã đọc lại và đã giải thích lại “gió [khí]” như là làn hơi Thánh Thần: đọc như thế cũng là hợp lý, bởi vì trong tiếng Hippri cũng như tiếng Hy Lạp, mộttừ ngữ duy nhất (Hippri: ruâh, Hy Lạp: pneuma) được dùng để chỉ gió và Thần Khí. Như vậy, hẳn là ông Gioan Tẩy Giả đã nói đến một phép rửa “trong gió [khí] và lửa” Phán xét, nhưng chẳng bao lâu (có khi là ngay lúc còn đang truyền khẩu), các Kitô hữu đã hiểu các lời này như loan báo mộtphép rửa “trong [Thánh] Khí hoặc Thánh Thần và lửa” của Lễ Ngũ Tuần.
Cũng cần nói rằng không nên giới hạn tầm mức lời ông Gioan nói vào phép rửa mà thôi. Cần phải thấy đó là mọi cuộc thông ban Thánh Thần do Đức Giêsu thực hiện, hoặc bằng Phép Rửa Kitô giáo, hoặc bằng Bí tích Thêm Sức, hoặc bằng cách nào khác: Lc 12,49 (Đức Giêsu ném lửa xuống thế gian);[9] Cv 1,4-5 (điều Chúa Cha đã hứa);[10] Cv 2,1-4 (lưỡi lửa).[11]
Nhưng cũng vẫn có nghĩa là lửa Phán xét. Chúng ta bị đặt giữa hai ngọn lửa: lửa Thánh Thần và lửa của cơn giận không tắt. Bởi vì Đấng Messia sẽ là Thẩm Phán (x. câu 17-18).[12]
– Đang khi Đức Giêsu cầu nguyện (21): Đối với tác giả Luca, việc cầu nguyện lấp đầy cuộc đời Đức Giêsu (5,16; 6,12; 9,18.28-29; 11,1; 22,32-41.44),[13] nên vào lúc đặc biệt này, Người cầu nguyện là việc tự nhiên. Nhưng tác giả Tin Mừng ghi nhận như thế còn là để nói về mục tiêu của việc cầu nguyện,[14] và nói về liên hệ giữa cầu nguyện trong cộng đoàn và ơn Thánh Thần (x. Cv 4,31).[15]
– Trời mở ra (21): Người ta chờ đợi vào thời cuối cùng, trời mở ra, vì lâu nay vẫn đóng lại (Is 64,1).[16] Đức Giêsu là nơi Thiên Chúa hiện diện trên mặt đất, là Bết-Ên (“Nhà Chúa”) của giao ước mới (Ga 1,51; x. St 28,17).[17]
– Thánh Thần ngự xuống (22): Đức Giêsu có Thần Khí bởi vì Người đã được cưu mang bởi Thần Khí (Lc 1,35)[18] Người sẽ nhận Thần Khí tứ Chúa Cha khi đã được nâng lên bên hữu Cha (Cv 2,33),[19] và bây giờ Người đang nhận Thần Khí. Không phải là Thần Khí chỉ được ban cho Đức Giêsu theo mức độ tiệm tiến, nhưng vào những giờ phút quan trọng trong cuộc đời Người, ta lại thấy Người có Thần Khí mộtcách mới. Chính Thiên Chúa quyết định về sự biểu lộ này.
Dựa vào truyền thống của cộng đoàn tiên khởi, tác giả Luca coi biến cố Thánh Thần đến trên Đức Giêsu vào dịp Người nhận phép rửa như là việc “xức dầu”, việc Người được tấn phong làm “Đấng được xức dầu” (Cv 10,37-38; Lc 4,18; x. Is 61,1).[20] Lời nói từ trời xác minh điều này, khi trích Tv 2 mà áp dụng cho Đức Giêsu.[21]
– Con là Con của Cha; ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con (22): Đây là câu 7 của Tv 2. Bài này là mộtThánh vịnh vương giả được khoa chú giải Do Thái giải thích như là một Thánh vịnh về Đấng Messia. Khi áp dụng câu 7 vào phép rửa của Đức Giêsu, đặc điểm vương giả bị mờ nhạt đi; nhưng đây đúng là mộtlễ tấn phong (ký thác và thừa nhận vào mộtnhiệm vụ cao cả do Thiên Chúa ủy nhiệm) và là một lễ tấn phong thiên sai (theo mộtnghĩa khá tổng quát: sứ mạng cứu thế).
4.-Ý nghĩa của bản văn
* Lời chứng của ông Gioan Tẩy Giả về Đức Giêsu (15-16)
Theo lời chứng của vị Tẩy Giả, Đức Giêsu không những là “Đấng đang đến”, mà còn là “Đấng mạnh hơn”; Người như là một nhà cải cách đầy lửa, tương tự ngôn sứ Elia. Gioan đã so sánh phẩm giá hai nhân vật mà dân chúng có thể lầm: bản thân ông và Đức Giêsu. Ông còn bất xứng hơn mộttên nô lệ trong việc phục vụ chủ. Giữa phép rửa ông thực hiện và phép rửa của Đức Giêsu cũng thế: phép rửa của ông chỉ là mộtphép rửa trong nước, là mộtnghi thức tượng trưng để giúp diễn tả các tâm tình thống hối; còn phép rửa của Đấng Messia là mộtcuộc tuôn đổ Thánh Thần, có khi chẳng cần rửa bằng nước; và ngay khi nghi thức bên ngoài là mộtviệc rửa bằng nước (Phép Rửa Kitô giáo), thì cũng vẫn là bên trong tâm hồn mà Thánh Thần đi sâu vào như lửa.* Đức Giêsu chịu phép rửa và cuộc thần hiển (21-22)
Tác giả Luca không nói ai đã ban phép rửa cho Đức Giêsu. Đứng về phương diện văn chương, ngài có thói quen kể xong một truyện rồi mới sang truyện khác: ở câu 19-20, ngài kết thúc truyện về Gioan Tẩy Giả bằng thông tin là ông này đã bị tiểu vương Herod bỏ tù. Do đó, khi nói đến phép rửa của Đức Giêsu, tác giả đành im lặng về người ban phép rửa (Không lẽ Gioan ra khỏi nhà tù để ban phép rửa rồi vào tù lại?!). Tuy nhiên, chính bản văn cũng cho thấy là ngài không quan tâm nhiều đến điểm này: ở câu 21, Gioan Tẩy Giả chỉ nhắc đến phép rửa của Đức Giêsu trong mộtmệnh đề chỉ thời gian mà thôi, có vẻ như đồng hóa sự kiện Đức Giêsu chịu phép rửa vào sự kiện toàn dân chịu phép rửa. Dù sao, Đức Giêsu đã chịu phép rửa: vậy sứ mạng của vị Tiền Hô đã kết thúc. Chắc chắn tác giả ý thức về tình liên đới của Đức Giêsu đối với những người tội lỗi hoán cải; nhưng ngài không triển khai ý tưởng này. Ngài hoàn toàn chú ý đến ân ban Thánh Thần, và đặt biến cố này ở trung tâm bài tường thuật. Ngài không mô tả phép rửa, nhưng mô tả cuộc thần hiển. Ngài nhấn mạnh trên tính hiện thực bên ngoài của việc Thần Khí ngự đến: thay vì nói “Thánh Thần, như chim bồ câu”, ngài nhấn mạnh: “Thánh Thần, dưới hình dáng như chim bồ câu”. Quả thật, ngài giữ lại nhiều chi tiết thuộc truyền thống: trời mở ra, Thánh Thần ngự xuống, tiếng nói từ trời. Nhưng chỉ mộtmình ngài ghi rằng sự can thiệp của Chúa Cha là để trả lời cho lời cầu nguyện của Đức Giêsu.
“Con là Con của Cha; ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con”. Lời tuyên bố này đi trước một quãngthời gian quan trọng trong hoạt động, sứ vụ tại Galilê, của Đức Giêsu, như được trình bày trong Tin Mừng Luca. Và lời tuyên bố ở 9,35 đi trước bài tường thuật về cuộc hành trình lên Giêrusalem. Trong cả hai cảnh, lời xác nhận từ trời nêu bật quan hệ của Đức Giêsu với Cha Người, mỗi khi bắt đầu một giai đoạn trong hoạt động trần thế của Người.
+ Kết luận
Được đầy sức mạnh Thánh Thần, được chuẩn nhận trong ý thức về Người là Con yêu dấu của Thiên Chúa, luôn hiệp thông đặc biệt Cha, Đức Giêsu vĩnh viễn lãnh nhận sứ mạng bắt tay vào công trình cứu độ, đùng theo chương trình của Thiên Chúa đã được phác ra trong Kinh Thánh.
Được tác giả Luca kể lại ngay tại ngưỡng cửa của sứ vụ công khai của Đấng Cứu Thế, bài tường thuật này cho thấy kể từ nay, phải hiểu cuộc sống công khai của Đức Kitô dưới ánh sáng này. Với biến cố Thánh Thần được ban xuống, Con Thiên Chúa bước vào cuộc đời nhân loại, ta thấy thời đại cánh chung đã bắt đầu, Nước Trời đã được khai mạc.
5.- Gợi ý suy niệm
1/. Một ngày nào đó, Đức Giêsu “sẽ ban phép rửa trong Thánh Thần và lửa”. Nhưng trong khi chờ đời, Người phải hạ mình xuống nhận phép rửa bằng nước của ông Gioan Tẩy Giả. Mọi cuộc sống Kitô hữu cũng phải đi qua mầu nhiệm Vượt Qua. Mọi cuộc sống Kitô hữu cũng là hạ mình và tôn vinh. Hạ mình qua việc vui tươi yêu thương chấp nhận phục vụ kẻ khác. Hạ mình trong tình trạng vô danh và nhàm chán của cuộc sống thường nhật theo gương Đức Giêsu sống tại Nazareth. Hạ mình trong cuộc chiến đấu bền bỉ chống lại tính ích kỷ tự nhiên, những khuynh hướng muốn thống trị anh chị em, ước muốn tiện nghi và xa hoa để sống lười biếng và huênh hoang.
2/. Nếu chúng ta sống trung thành nếp sống con cái, ngày nào đó chúng ta sẽ được nghe Chúa Cha tuyên bố: “Con là con của Cha”. Rồi Ngài sẽ đưa chúng ta vào trong cuộc sống vinh quang thâm sâu của Ngài; còn trong lúc này, Ngài sẽ ban niềm an ủi, ánh sáng, đủ mọi thứ ân huệ cho chúng ta.
3/. Vào lúc Đức Giêsu chịu phép rửa, trời đã mở ra: giữa con người và Thiên Chúa, lại có thể có quan hệ thân tình. Cái hàng rào giữa Thiên Chúa và chúng ta, đã được dựng lên do tọi lỗi của loài người, này được vĩnh viễn hủy bỏ, bởi vì bây giờ có một người đang thường xuyên diện đối diện với Thiên Chúa. Trời đã đóng lại vì tội lỗi, nay lại mở ra để Thần Khí đi xuống trên mộtcon người có khả năng đón nhận Ngài trọn vẹn. Kể từ nay, qua con người tên là Giêsu này, mọi người lại đi tới được với Chúa Cha.
4/. Chính là trong khi cầu nguyện mà Đức Giêsu nhận được lời chứng của Chúa Cha và sự tỏ hiện của Thánh Thần. Đối với chúng ta cũng vậy, cầu nguyện là khoảnh khắc ưu tuyển để gặp được Chúa Cha và nhận được dồi dào hơn nữa các ân huệ của Thánh Thần.
5/. Qua Bí tích Thánh Tẩy và với ơn Chúa Thánh Thần, chúng ta được biết chắc là Thiên Chúa ở với chúng ta, và hoạt động trong đời sống hàng ngày của chúng ta. Cũng như Đức Giêsu, chúng ta được ơn Chúa Thánh Thần dẫn dắt để loan báo cho người khác, nhất là với những người bé mọn nhất trong xã hội, là họ cũng là “con yêu dấu” của Thiên Chúa. Chúng ta không chỉ loan báo bằng môi miệng, nhưng qua việc làm nữa. Đối với những người chịu đau khổ, lời nói bằng môi miệng không đủ để an ủi họ, mà phải giúp đỡ họ qua cơn đau khổ (Siciliano).
[1] Bản Việt ngữ của nhóm Phụng Vụ Các Giờ Kinh
[2] Lc 3,19: Còn tiểu vương Hê-rô-đê thì bị ông Gio-an khiển trách vì đã lấy bà Hê-rô-đi-a là vợ của người anh, và vì tất cả các tội ác tiểu vương đã phạm.
[3] 2Sm 7,14-17: 14 “Đối với nó, Ta sẽ là cha, đối với Ta, nó sẽ là con. Khi nó phạm lỗi, Ta sẽ sửa phạt nó bằng roi của người phàm, bằng đòn của con người. 15 Tình thương của Ta sẽ không rời khỏi nó, như Ta đã cho rời khỏi Sa-un, kẻ Ta đã bắt rời khỏi mặt ngươi. 16 Nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ tồn tại mãi mãi trước mặt Ta; ngai vàng của ngươi sẽ vững bền mãi mãi”. 17 Ông Na-than đã nói lại với vua Đa-vít, đúng y như tất cả những lời ấy và tất cả thị kiến ấy.
[4] 2Sm 23,1-17: 1 Đây là những lời cuối cùng của vua Đa-vít: “Sấm ngôn của vua Đa-vít, con ông Gie-sê, sấm ngôn của người được đặt lên cao, của người được Thiên Chúa nhà Gia-cóp xức dầu tấn phong, của người ca sĩ được Ít-ra-en ái mộ. 2 Thần khí ĐỨC CHÚA dùng tôi mà phán, lời Người ở trên lưỡi tôi. 3 Thiên Chúa của Ít-ra-en đã nói, Núi Đá của Ít-ra-en đã phán cùng tôi: Ai cai trị con người với đức công minh, ai cai trị với lòng kính sợ Thiên Chúa, 4 thì khác nào ánh ban mai lúc mặt trời mọc, một buổi sáng không mây, ánh sáng chói loà sau cơn mưa, làm cỏ xanh mọc lên từ lòng đất.
5 Nhà Đa-vít bên Thiên Chúa chẳng như thế sao, vì Người đã lập với tôi một giao ước vĩnh cửu, được sắp đặt chi li và được duy trì? Mọi chiến thắng của tôi và mọi ước vọng, Người chẳng làm cho nẩy mầm đó sao? 6 Nhưng phường vô lại đều như gai bị vứt bỏ: người ta chẳng bắt chúng bằng tay.
7 Người nào đụng đến chúng, phải mang sắt và cán giáo nơi mình, chúng sẽ bị quăng vào lửa mà thiêu rụi tại chỗ”. 8 Đây là tên các dũng sĩ của vua Đa-vít: ông Ít-bô-sét, một người Tác-cơ-môn, đứng đầu Bộ Ba; chính ông đã vung giáo đâm chết tám trăm người cùng một lúc. 9 Kế đến là ông E-la-da, con ông Đô-đô, con một người A-khô-ác. Ông ở trong số ba dũng sĩ đi theo vua Đa-vít khi họ thách người Phi-li-tinh, lúc chúng tập trung tại đó để giao chiến. Người Ít-ra-en đã rút đi, 10 nhưng ông đứng vững và chém giết người Phi-li-tinh, cho đến khi bàn tay ông mệt mỏi dính chặt vào gươm. Và ngày đó ĐỨC CHÚA đã thắng lớn. Quân binh trở lại phía sau ông, nhưng chỉ là để lột các xác chết. 11 Sau ông là ông Sam-ma, con ông A-ghê, người Ha-ra. Người Phi-li-tinh đã tập trung thành một đạo quân. Ở đó có một thửa đất trồng toàn đậu nâu. Quân binh đã chạy trốn người Phi-li-tinh, 12 nhưng ông đứng giữa thửa đất, đuổi người Phi-li-tinh ra khỏi đó, và đánh bại chúng. ĐỨC CHÚA đã thắng lớn.
13 Ba người trong Nhóm Ba Mươi làm thành một tốp đi xuống và đến gặp vua Đa-vít ở hang A-đu-lam, vào mùa gặt. Một đạo quân Phi-li-tinh đóng trại ở thung lũng người Ra-pha. 14 Vua Đa-vít bấy giờ đang ở nơi ẩn náu, còn người Phi-li-tinh bấy giờ đóng đồn ở Bê-lem. 15 Vua Đa-vít ước ao và nói: “Phải chi có ai cho ta uống nước lấy ở giếng tại cổng thành Bê-lem!” 16 Ba dũng sĩ đã đột nhập trại Phi-li-tinh, lấy nước ở giếng tại cổng thành Bê-lem, đưa về cho vua Đa-vít. Nhưng vua không muốn uống mà đổ nước ấy làm lễ rưới dâng ĐỨC CHÚA. 17 Vua nói: “Xin ĐỨC CHÚA đừng để ta làm điều ấy! Đó là máu của những người đã liều mạng đi lấy!” Vậy vua không muốn uống nước. Đó là việc ba dũng sĩ đã làm.
[5] Tv 18,51: “Chúa ban nhiều chiến thắng lớn lao cho Đức Vua chính Người đã lập. Chúa hằng ưu ái Đấng Người đã xức dầu tấn phong, là Đa-vít cùng dòng dõi đến muôn đời”; Tv 89,39.52: 39 Thế mà nay Chúa lại khinh chê ruồng bỏ, nổi lôi đình với đấng Ngài đã xức dầu tấn phong; 52 Vâng, lạy CHÚA, kẻ thù Ngài thóa mạ, theo sát gót mà buông lời thoá mạ đấng Ngài đã xức dầu tấn phong; Tv 132,10.17: 10 Vì vua Đa-vít, trung thần của Chúa, xin đừng xua đuổi đấng Chúa đã xức dầu phong vương. 17 “Nơi đây, Ta sẽ cho Đa-vít một dòng dõi hùng cường, sẽ thắp cho người Ta đã xức dầu phong vương một ngọn đèn luôn luôn cháy sáng.
[6] Mc 1,7: Ông rao giảng rằng: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người.
[7] Ml 3,1.23: 1 Này Ta sai sứ giả của Ta đến dọn đường trước mặt Ta. Và bỗng nhiên Chúa Thượng mà các ngươi tìm kiếm, đi vào Thánh Điện của Người. Kìa, vị sứ giả của giao ước mà các ngươi đợi trông đang đến, – ĐỨC CHÚA các đạo binh phán. 23 Này Ta sai ngôn sứ Ê-li-a đến với các ngươi, trước khi Ngày của ĐỨC CHÚA đến, ngày trọng đại và kinh hoàng.
[8] Mt 3,11: Tôi, tôi làm phép rửa cho các anh trong nước để giục lòng các anh sám hối. Còn Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho các anh trong Thánh Thần và lửa.
[9] Lc 12,49: Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!
[10] Cv 1,4-5: 4 Một hôm, đang khi dùng bữa với các Tông Đồ, Đức Giê-su truyền cho các ông không được rời khỏi Giê-ru-sa-lem, nhưng phải ở lại mà chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa, “điều mà anh em đã nghe Thầy nói tới, 5 đó là: ông Gio-an thì làm phép rửa bằng nước, còn anh em thì trong ít ngày nữa sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần”.
[11] Cv 2,1-4: 1 Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, 2 bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. 3 Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. 4 Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho.
[12] Lc 3,17-18: 17 Tay Người cầm nia rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi. 18 Ngoài ra, ông còn khuyên dân nhiều điều khác nữa, mà loan báo Tin Mừng cho họ.
[13] Lc 5,16: Nhưng Người lui vào nơi hoang vắng mà cầu nguyện; Lc 6,12: Trong những ngày ấy, Đức Giê-su đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa; Lc 9,18.28-29: 18 Hôm ấy, Đức Giê-su cầu nguyện một mình. Các môn đệ cũng ở đó với Người, và Người hỏi các ông rằng: “Dân chúng nói Thầy là ai?” 28 Khoảng tám ngày sau khi nói những lời ấy, Đức Giê-su lên núi cầu nguyện đem theo các ông Phê-rô, Gio-an và Gia-cô-bê. 29 Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói lòa; Lc 11,1: Có một lần Đức Giê-su cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gio-an đã dạy môn đệ của ông”; Lc 22,32-41.44: 32 Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh”. 33 Ông Phê-rô thưa với Người: “Lạy Chúa, dầu có phải vào tù hay phải chết với Chúa đi nữa, con cũng sẵn sàng”. 34 Đức Giê-su lại nói: “Này anh Phê-rô, Thầy bảo cho anh biết, hôm nay gà chưa kịp gáy, thì đã ba lần anh chối là không biết Thầy”.
35 Rồi Người nói với các ông: “Khi Thầy sai anh em ra đi, không túi tiền, không bao bị, không giày dép, anh em có thiếu thốn gì không?” Các ông đáp: “Thưa không”. 36 Người bảo các ông: “Nhưng bây giờ, ai có túi tiền thì hãy mang theo, ai có bao bị cũng vậy; còn ai chưa có gươm thì bán áo đi mà mua. 37 Vì Thầy bảo cho anh em hay: cần phải ứng nghiệm nơi bản thân Thầy lời Kinh Thánh đã chép: Người bị liệt vào hàng phạm pháp. Thật vậy, những gì đã chép về Thầy sắp được hoàn tất”. 38 Các ông nói: “Lạy Chúa, đã có hai thanh gươm đây”. Người bảo họ: “Đủ rồi!”.
39 Rồi Người đi ra núi Ô-liu như đã quen. Các môn đệ cũng theo Người. 40 Đến nơi, Người bảo các ông: “Anh em hãy cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ”.
41 Rồi Người đi xa các ông một quãng, chừng bằng ném một hòn đá, và quỳ gối cầu nguyện rằng: 44 Người lâm cơn xao xuyến bồi hồi, nên càng khẩn thiết cầu xin. Và mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất.
[14] Lời cầu nguyện của người Kitô hữu chủ yếu hệ tại việc cầu xin Thiên Chúa ban Thánh Thần. x. Lc 11,13: Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?”.
[15] Cv 4,31: Họ cầu nguyện xong, thì nơi họ họp nhau rung chuyển; ai nấy đều được tràn đầy Thánh Thần và bắt đầu mạnh dạn nói lời Thiên Chúa.
[16] Is 64,1: Như lửa đốt củi khô, như lửa làm cho nước sôi sùng sục! Ngài sẽ khiến cho thù địch Ngài nhận biết Thánh Danh, chư dân sẽ run rẩy trước nhan Ngài.
[17] Ga 1,51: Người lại nói: “Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người”; x. St 28,17: Cậu phát sợ và nói: “Nơi này đáng sợ thay! Đây là nhà của Thiên Chúa, là cửa trời, chứ không phải là gì khác”.
[18] Lc 1,35: Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa”.
[19] Cv 2,33: Thiên Chúa Cha đã ra tay uy quyền nâng Người lên, trao cho Người Thánh Thần đã hứa, để Người đổ xuống: đó là điều anh em đang thấy đang nghe.
[20] Cv 10,37-38: 37 Quý vị biết rõ biến cố đã xảy ra trong toàn cõi Giu-đê, bắt đầu từ miền Ga-li-lê, sau phép rửa mà ông Gio-an rao giảng. 38 Quý vị biết rõ: Đức Giê-su xuất thân từ Na-da-rét, Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người. Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người; Lc 4,18: Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức; x. Is 61,1: Thần khí của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng ngự trên tôi, vì ĐỨC CHÚA đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân.
[21] Tv 2: 1 Sao chư dân lại ồn ào náo động? Sao vạn quốc dám bày kế viển vông? 2 Vua chúa trần gian cùng nổi dậy, vương hầu khanh tướng rập mưu đồ chống lại ĐỨC CHÚA, chống lại Đấng Người đã xức dầu phong vương. 3 Chúng bảo nhau: “Xiềng xích họ, nào ta bẻ gãy, gông cùm họ, ta hãy quẳng đi!” 4 Chúa ngự trời cao thấy thế bật cười, Người chế nhạo bọn chúng. 5 Rồi nổi trận lôi đình, Người quát nạt, trút cơn thịnh nộ, khiến chúng kinh hoàng, 6 rằng: “Chính Ta đã đặt vị quân vương Ta tuyển chọn, lên trị vì Xi-on, núi thánh của Ta”.
7 Tân vương lên tiếng: Tôi xin đọc sắc phong của CHÚA, Người phán bảo tôi rằng: “Con là con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra con. 8 Con cứ xin, rồi Cha ban tặng muôn dân nước làm sản nghiệp riêng, toàn cõi đất làm phần lãnh địa. 9 Con sẽ dùng trượng sắt đập chúng tan tành, nghiền nát chúng như đồ sành đồ gốm”.
10 Vậy giờ đây, hỡi các vua chúa, hãy biết điều, thủ lãnh trần gian, nào tỉnh ngộ! 11 Đem lòng kính sợ mà phụng thờ ĐỨC CHÚA, 12 hãy khiếp run phủ phục dưới chân Người! Kẻo Chúa nổi lôi đình là các ngươi mạt lộ, lửa giận của Người giây lát sẽ bừng lên! Còn những ai ẩn náu bên Người, thật hạnh phúc dường bao!