Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Mc 1,2-8: Tương Quan Giữa Đức Giêsu Và Gioan Tẩy Giả Trong Tin Mừng Maccô (3)

Administrator
2018-09-23 04:27 UTC+7 24
ĐỨC GIÊSU MỘT CON NGƯỜI LÀNG NAZARETH Nguyên tác : Jésus un homme de Nazareth Tác giả : Marie-Emile Boismard, op. Nhà xuất bản : Le Cerf Nơi xuất bản : Paris, 1996 Chuyển ngữ : Học Viện Đa Minh, Chân Lý (2001) *** *** Chân dung ông Gio-an Tẩy Giả được trình bày khá […]


ĐỨC GIÊSU

MỘT CON NGƯỜI LÀNG NAZARETH

Nguyên tác : Jésus un homme de Nazareth

Tác giả : Marie-Emile Boismard, op.

Nhà xuất bản : Le Cerf

Nơi xuất bản : Paris, 1996

Chuyển ngữ : Học Viện Đa Minh, Chân Lý (2001)

***

***


Chân dung ông Gio-an Tẩy Giả được trình bày khá phức tạp trong các sách Tin Mừng. Chúng tôi không chủ ý bàn về vấn đề này. Chúng tôi chỉ muốn nêu lên hai điểm quan trọng làm nổi bật mối tương quan giữa ông Gio-an Tẩy Giả với Đức Giê-su trong cc. 7-8.

ĐỨC GIÊ-SU, NGƯỜI MÔN ĐỆ CỦA ÔNG GIO-AN TẨY GIẢ

Trong c.7, ông Gio-an Tẩy Giả nói về Đức Giê-su : “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người”.

Rất nhiều nhà chú giải nghĩ rằng trước khi bắt đầu sứ vụ công khai của mình, Đức Giê-su có lẽ đã là môn đệ của ông Gio-an Tẩy Giả. Sách Tin Mừng của Gio-an đã nói khá rõ về vấn đề này. Thật vậy, chúng ta đọc thấy trong 3, 26 : “Và [các môn đệ của ông Gio-an Tẩy Giả] đến gặp ông và nói : “Thưa Thầy, người trước đây đã ở với thầy bên kia sông Gio-đan và được thầy làm chứng cho, bây giờ ông ấy cũng đang làm phép rửa, và thiên hạ đều đến với ông” (Ga 3,26). Như thế, Đức Giê-su cũng thuộc nhóm các môn đệ của ông Gio-an Tẩy Giả. Nhưng Đức Giê-su đã tách ra khỏi nhóm này để hoạt động độc lập. Người cũng làm phép rửa như ông Gio-an Tẩy Giả đã làm và các bạn cũ của Người đâm ra ghen tức. Cũng có thể câu nói của ông Gio-an Tẩy Giả trong Gio-an 3,30 là một kiểu chơi chữ khó có thể chuyển dịch : “Người phải lớn lên, còn thầy phải lu mờ đi”.

Ông Gio-an Tẩy Giả bấy giờ là một “rabbi” (Ga 3,26). Thế mà tước hiệu này có nghĩa là “Thầy”. Nếu dịch ngược trở lại tiếng A-ram, ngôn ngữ nói của ông Gio-an Tẩy Giả, thì những lời ông phát biểu trong câu (Ga 3,30) có thể sẽ là thế này : “Người phải lớn lên, còn Thầy phải bé đi”. Như thế, những vai trò đã bị đảo ngược. Từ vai trò là một người môn đệ, Đức Giê-su sắp trở thành “lớn” : nghĩa là Đức Giê-su có quyền nhận tước hiệu “rabbi”, nghĩa là “Thầy”. Đức Giê-su sắp giữ vị trí của ông Gio-an Tẩy Giả mà cho đến lúc này Người vẫn chỉ là môn đệ của ông. Có thể chúng ta sẽ còn gặp kiểu nói tương tự này khi đọc trong Ga 1,15.30 : “Người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi”. Theo phong tục tập quán của người Do-thái, các môn đệ của một “rabbi” thường đi đàng sau ông để mang các dụng cụ dạy học và phụ giúp ông một số công việc nào đó. Đức Giê-su cũng vậy, Người đi sau ông Gio-an Tẩy Giả với tư cách là một môn đệ sẵn sàng phục vụ thầy mình. Nhưng Đức Giê-su đã trổi hơn ông “vì có trước ông” : nghĩa là bây giờ, chính Đức Giê-su là một rabbi. Chúng ta gặp thấy kiểu nói này được phản ánh trong Mc 1,7 : “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi”. Đức Giê-su đi “sau” ông Gio-an như môn đệ đi sau thầy mình.

ĐỨC GIÊ-SU SẼ LÀM PHÉP RỬA BẰNG THÁNH THẦN

Ở c. 8, ông Gio-an Tẩy Giả xác định Đức Giê-su sẽ “quyền thế” hơn ông theo nghĩa nào : “Tôi làm phép rửa cho anh em nhờ nước ; còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần”. Bởi vì Đức Giê-su đã đến thiết lập Nước Thiên Chúa, nên độc giả sách Tin Mừng Mác-cô có thể dễ dàng hiểu rằng chính Thánh Thần sẽ trở thành linh hồn, nghĩa là nguyên lý năng động, của Nước này.

Điều này, cảnh tiếp theo sẽ chứng minh cho chúng ta, và đây cũng chính là điều sẽ được thánh Lu-ca chứng minh rõ ràng trong sách Công vụ Tông đồ (Cv 2,1).