Học Viện Đaminh
Dẫn nhập
Lịch sử Giáo Hội đã trải qua hơn 2000 năm với nhiều biến cố thăng trầm. Chúng ta cùng nhìn lại sự tiến triển của cánh chung luận trong lịch sử Hội thánh, từ thời các giáo phụ cho đến thời hiện đại. Chúng ta cùng tìm hiểu những vấn đề được đặt ra cho Giáo hội do những thách đố của việc tiếp xúc với các nền văn hoá khác nhau trong từng giai đoạn lịch sử của Giáo hội.
Trong đề tài này được phân chia thành 4 mục, tương ứng với 4 giai đoạn chính của lịch sử Hội thánh: 1/ Thời các giáo phụ. 2/ Thời Trung cổ. 3/ Thời Cận đại. 4/ Từ Công đồng Vaticanô II.
I. THỜI CÁC GIÁO PHỤ (Từ TK I đến khoảng TK VII)
Thời này kéo dài từ thời các thánh Tông đồ (thế kỷ I) cho đến khoảng thế kỷ VII. Trong giai đoạn này, nhiều biến cố đã xảy đến với Giáo hội và chắc chắn đã tác động đến nhiều khía cạnh của đời sống Giáo hội: từ những cuộc bách hại trong ba thế kỷ đầu, từ biến cố Giáo hội được tự do vào đầu thế kỷ thứ IV (năm 313) cho đến sự bành trướng của Giáo hội vào cuối thế kỷ IV. Trong một bầu khí văn hoá và xã hội như thế, niềm tin của Hội thánh cũng chịu sự chi phối và tác động không nhỏ.
A. Thách đố của văn hóa
Đọc lại lịch sử Giáo hội ta thấy, Giáo hội vào những thế kỷ đầu chịu bách hại bởi Đế quốc Rôma, tuy nhiên vào giai đoạn này, nền văn hoá Hy lạp vẫn là nền văn hoá có nhiều ảnh hưởng nhất. Cuộc tiếp xúc với văn hoá Hy lạp có những mặt tích cực và tiêu cực của nó đối với niềm tin của Giáo hội, nhất là đối với quan niệm về sự sống lại.
Văn hoá Do thái quan niệm con người như một tổng thể (nghĩa là không có sự phân biệt giữa xác và hồn): vì thế họ cho rằng chết là hết, và mong chờ sự sống lại (của toàn con người) dựa trên lời hứa của Chúa. Văn hoá Hy lạp thì khác: xem con người là một hợp thể gồm hồn và xác: khi chết, linh hồn ra khỏi xác và trở thành bất tử, còn thân xác thì tiêu tan. Chúng ta thấy rõ quan niệm này qua thuyết Nhị nguyên của Platon. Theo Platon: tất cả những gì thuộc về thế giới khả niệm (tinh thần) đều là tốt, và tất cả những gì thuộc thế giới khả giác (vật chất) đều xấu xa, kể cả thân xác con người, hôn nhân… Vì thế Platon nói: “thân xác là mồ chôn của linh hồn”, và linh hồn chỉ được giải thoát và trở về cội nguồn của nó là thiên giới sau khi lìa khỏi thân xác.Vậy: “nền văn hoá xem thân xác là xấu xa bỉ ổi tự bản chất”[1] đã hỗ trợ hay phá đổ đạo lý của Giáo hội về sự sống lại của con người như thế nào?
Điểm tích cực: Văn hoá Hy lạp giúp cho Kitô giáo một chìa khoá giải quyết câu hỏi về cánh chung cá nhân, đó là sau khi chết, tuy thân xác tiêu tan thành tro bụi nhưng linh hồn sẽ trở về với Chúa.
Điểm tiêu cực: Từ quan niệm xem thân xác con người là xấu xa, người Hy lạp có nguy cơ coi nhẹ và chối bỏ sự phục sinh của thân xác. Bởi lẽ, thân xác là đồ ô uế thì cho nó sống lại làm gì. Đặt trong bối cảnh này chúng ta mới hiểu được tại sao người Hy lạp ở Athène đã đứng dậy ra về khi nghe thánh Phaolô giảng về thân xác sống lại (Cv 17).
Qua đó, chúng ta chỉ cần lưu ý rằng: đức tin Kitô giáo về sự sống lại trong giai đoạn này đã gặp nhiều chống đối và công kích của nền văn hoá Hy lạp. Và cũng trong bối cảnh như thế, các giáo phụ hộ giáo đã xuất hiện và đứng lên bênh vực cho niềm tin của Giáo hội: thánh Giustinô (100-165), Têôphilô Antiôkia (khoảng 180?…).
1. Những lạc thuyết
Sự tiếp xúc với các nền văn hoá (cũ và mới) thường phát sinh ra hai khuynh hướng: bảo thủ và cấp tiến. Khuynh hướng nào cũng có sự thiếu sót, có những điểm tốt và những hạn chế của nó: phe bảo thủ vì muốn trung thành với truyền thống nên có nguy cơ trở nên cố chấp; ngược lại những người canh tân dễ đón nhận những trào lưu mới nhưng có nguy cơ mất gốc. Những điểm này thường là nguyên nhân của những lạc thuyết.
a/. Phong trào Montanô
Montanô là một tên gọi của một người. “Sau khi được rửa tội, ông tự xưng là người phát ngôn và ngôn sứ của Chúa Thánh Thần để mặc khải chân lý trọn vẹn”[2]. Phong trào Montanô xuất hiện khoảng năm 170, và giáo thuyết này lớn mạnh ở Phrygia và Tiểu Á (khoảng năm 172)[3] . Trọng tâm sứ điệp của ông Montanô là loan báo ngày Quang lâm đã gần kề, Đức Kitô đến để thiết lập thành Giêrusalem mới, và ông hô hào kêu gọi dân chúng đi đón Người. Phong trào Montanô xuất hiện như một phản ứng muốn trở về nguồn ngôn sứ trong Hội Thánh. Mục đích của Montanô là tìm lại chế độ ngôn sứ, nhất là chế độ đặc sủng, và ông xác tín rằng: ngôn sứ phải được chính ngôn sứ giải thích, chứ không thể do một số người tự xưng là Kinh Thánh gia giải thích được, nếu thế sẽ mất đi sức lực của ngôn sứ”[4].
Trong lịch sử Giáo hội, “một vị giáo phụ nổi tiếng nhưng không được phong thánh, đó là Tertullien, chỉ vì tham gia tích cực vào phái Montanô.[5]
b/. Thuyết ngộ giáo
“Các giáo phụ trong những thế kỷ đầu (TKI-III) đã phải đương đầu với ngộ giáo bởi vì thấy nó trái ngược với đức tin Kitô giáo do các thánh tông đồ truyền lại”[6]. Có thể nói rằng thuyết ngộ giáo (gnosticismus) như một hậu quả của việc tiếp xúc với văn hoá Hy lạp. Theo họ, chỉ duy có linh hồn mới mới đáng quý, còn thân xác là ô uế xấu xa. Các giáo phụ (nhất là thánh Irênê) nhận thấy rằng: ngoài nguy cơ rơi vào thuyết nhị nguyên, học thuyết này còn kéo theo những hệ luận khác trầm trọng hơn do việc chối bỏ thân xác: đó là họ coi nhẹ mầu nhiệm Nhập thể nơi Đức Giêsu, bởi vì theo họ “nếu vật chất là xấu, thì Thiên Chúa tốt không thể nào trở thành con người thật được. Thân xác của Đức Giêsu vì thế chỉ là giả mà thôi”- Ảo thân thuyết (Docetisme): lạc giáo phát sinh từ ngộ đạo thuyết[7].
Như thế thuyết ngộ giáo này sẽ chối bỏ luôn cả việc Đức Maria là mẹ của Chúa Giêsu (bởi vì Đức Giêsu đâu phải là người thật đâu mà có mẹ). Và cuối cùng mầu nhiệm thương khó, phục sinh và cả mầu nhiệm Thánh Thể của Kitô giáo đều trở nên vô nghĩa khi cho rằng thân xác Đức Giêsu chỉ là ảo ảnh. Như vậy, có thể nói rằng thuyết ngộ giáo trỏ thành nguy cơ phá đổ hoàn toàn cốt lõi niềm tin Kitô giáo.
c/. Thuyết thiên niên- “thuyết ngàn năm”[8]
Thuyết thiên niên, hay còn gọi là thuyết ngàn năm dựa trên nền tảng Kinh Thánh, và đoạn Kinh Thánh quan trọng nhất chính là sách Khải huyền 20, 1-10. Dựa theo đoạn Kinh Thánh này, họ chủ trương Chúa Kitô sẽ trở lại dương gian này và những người công chính sẽ cùng được với Đức Kitô cai trị 1000 năm trước khi về thiên quốc. Các giáo phụ đã phải vất vả chống lại thuyết thiên này vì nó dựa theo bản văn Tân ước (như vậy là phù hợp với mặc khải Kitô giáo), chứ không phải bắt nguồn từ văn hoá ngoại lai.
Về vấn đề này, có giáo phụ (như Điônisimô Alexanđria-TK III) đã không nhận sách Khải huyền vào vào sổ bộ Kinh Thánh để tránh sự lạm dụng. Thánh Augustinô lại giải thích đoạn Kinh thánh này theo một nghĩa khác, nghĩa tượng trưng chứ không phải theo nghĩa đen như thuyết thiên niên hiểu.
Theo tương truyền, Cérinthe là tác giả của thuyết này. Và chắc chắn thuyết này đã có ảnh hưởng ít nhiều đến niềm tin của Giáo hội trong những thế kỷ đầu.
2. Việc giải thích Kinh Thánh
Nhìn chung vào những thế kỷ đầu, người ta thường đi tìm trong Kinh thánh những câu trả lời cho mối bận tâm của mình. Vì thế ta cũng có thể thấy một hệ luận của cuộc tiếp xúc với nền văn hoá Hy lạp là việc giải thích Kinh Thánh, nhất là ở Alêxanđria. Vào thời gian này các giáo phụ giải thích Kinh thánh theo nghĩa đen, và họ chú tâm đến cánh chung phổ quát hơn là cánh chung cá nhân. Tuy nhiên, tại Alêxanđria, một phương pháp mới của việc giải thích Kinh Thánh dần dần phát triển, và lối giải thích Kinh thánh theo phương pháp này chú trọng đế nghĩa ám dụ hơn là theo nghĩa đen. Chẳng hạn như Origene nói rằng cụm từ“lửa hoả ngục” cần được hiểu theo nghĩa bóng, tức là những ray rứt lương tâm thay vì hiểu theo nghĩa đen.
B. Niềm tin của Giáo hội
Trước những thách đố của nền văn hoá và nhất là trước nguy cơ của những lạc thuyết, Giáo hội đã làm gì để bảo vệ niềm tin?
Chúng ta thấy, hai nhiệm vụ căn bản được đặt ra cho Giáo hội vào những thế kỷ đầu:
○ Về mặt bên trong (đối nội): Cần phải có những cách thức để củng cố niềm tin.
○ Về mặt bên ngoài (đối ngoại): Cần có những câu trả lời cho những chất vấn và công kích của những kẻ chống đối.
Để giải quyết cho những vấn đề trên, Hội thánh trong giai đoạn này đã có những hình thức để tuyên xưng niềm tin của mình, cụ thể là một số dạng sau:
1. Tín biểu[9]
Một cách chung chung, có thể tạm hiểu tín biểu là các công thức tuyên xưng đức tin đã có từ thời các tông đồ; các công thức xác định niềm tin qua các Công đồng Chalcedoine (451) gọi Đức Giêsu là “Chúa thật và là người thật”…, hoặc qua kinh tin kính.
“Sang thời các giáo phụ, các công thức này được kiện toàn và được mang danh là “biẻu thức của đức tin”, gọi tắt là “tín biểu””[10]. Các học giả phân biệt ra ba loại tín biểu:
a/. Tín biểu rửa tội
Vào giai đoạn đầu của thời các giáo phụ đã xuất hiện các tín biểu rửa tội. Đây là hình thức vấn đáp dành cho người dự tòng trước khi cử hành bí tích rửa tội. Vị chủ sự hỏi và người muốn gia nhập đạo trả lời: “Tôi tin”.
Ví dụ: – Anh có tin kính Thiên Chúa là Cha toàn năng không? – Anh có tin kính Đức Giêusu Kitô…? – Anh có tin Chúa Thánh Thần…? Hình thức tuyên xưng đức tin này được Giáo hội áp dụng cho tới hôm nay. Vào khoảng thời gian này, tại Alexandria đã xuất hiện tín biểu cho người dự tòng có nội dung tương tự như Kinh Tin Kính mà Giáo hội sử dụng ngày nay[11].
b/. Tín biểu chúc tụng
Được sử dụng trong các buổi cử hành phụng vụ.
Ví dụ: Ở 2 Cr 13,13: nói đến một lời cầu chúc “Nguyện xin ân sủng của Chú Giêsu Kitô, tình yêu của Thiên Chúa và sự hiệp thông của Thánh thần ở cung anh em” (Tuyên xưng mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi). Hoặc ở Pl 2,11: “Mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng Đức Giêsu Kitô là Chúa” (Công thức tuyên xưng thiên tính của Đức Giêsu). Ngoài ra còn có Kinh Vinh Danh- Kinh Te Deum mà lúc đầu người ta cho là của thánh Au-tinh sau khi được rửa tội đã cùng với giám mục Ambrôsiô sáng tác để ca tụng Chúa.
c/. Tín biểu về đạo lý
Thường xuất hiện trong các bản văn của các giáo phụ, các nhà hộ giáo. Sau này (Khoảng TK IV) tín biểu về đạo lý xuất hiện nhiều trong công đồng gọi là tín biểu Công đồng(thường trình bày đạo lý mang tính tập thể: “Chúng tôi tin” thay vì “tôi tin”.
2. Phụng vụ
Niềm tin của Giáo Hội Công Giáo cũng được diễn tả qua Phụng vụ: Thánh lễ, các tín hữu được hiệp thông không những với Ba Ngôi Thiên Chúa mà còn với Đức Trinh Nữ Maria và các thánh. Đã có nghi lễ an táng, tục lệ cầu nguyện cho người chết… và các tấm bia, thánh giá trên các phần mộ của người Kitô hữu nói lên một niềm hy vọng vào sự sống lại chứ không còn là một sự thương tiếc của người ngoại.
3. Huấn quyền
Do ảnh hưởng của Origiênê là một trong những văn hào uyên thâm của thời Giáo phụ. Dù cá nhân ông luôn luôn tùng phục Giáo Hội và không hề chủ trương điều gì đối nghịch với Giáo Hội, nhưng sau khi ông qua đời thì nhiều cuộc tranh luận về đạo lý đã được đặt ra: kẻ bênh, người chống. Đôi bên đều sử dụng tác phẩm của ông để làm bình phong. Các chủ đề được nhắc tới ở đây xoay quanh vấn đề liên quan đến cánh chung: linh hồn được tạo dựng từ nguyên thuỷ, hoặc sẽ tiếp tục đầu thai để thanh luyện; ma quỷ sẻ trở về với Thiên Chúa. Những quan điểm này đã bị Huấn quyền lên án tại công nghị Constantinopolis năm 543. Tuy nhiên, những gì mà Giáo Hội lên án không phải nhắm vào cá nhân Origiênê nhưng là vào học thuyết của ông[12].
C. Cánh chung luận
Vào thời các giáo phụ, các vấn đề về cánh chung được trình trình bày trong các bài giảng vào nhiều dịp khác nhau, nhưng chưa có hệ thống. Mãi đến cuối thời các thời các giáo phụ mới xuất hiện một tác phẩm gọi là “chuyên đề” về cánh chung luận (thế kỷ VII) mang tựa đề Prognosticum futuri saeculi của thánh Giulianô giám mục Tôlêđô. Tác phẩm này nói về số phận của con người sau khi chết, xoay quanh ba đề tài: 1/ Nguồn gốc sự chết; 2/ Số phận linh hồn sau khi chết; 3/ Thân xác phục sinh.
II. THỜI TRUNG CỔ
1. Thách đố văn hóa
Từ Tk XVI, tại Âu châu có rất nhiều thay đổi về tôn giáo, chính trị, khoa học. Có thể nói rằng, nó được đánh dấu bởi những cuộc thoát ly hoặc giải phóng dười nhiều hình thức: Thế quyền tách rời khỏi giáo quyền, lý trí tách rời khỏi tôn giáo, khoa học tách rời khỏi triết học. Từ đó, làm nảy sinh những quan điểm khác nhau về cuộc sống và thế giới:
○ Khoa học cận đại cho thấy kiến trúc của vũ trụ khác với lối mô tả bình dân trong kinh Thánh, vậy nó sẽ đem lại những hệ luận gì đối với cánh chung luận?Đọc lại lịch sử giáo hội, chúng ta biết được giáo hội phạm phải một sai lầm lớn khi căn cứ vào Kinh Thánh và cho rằng, trái đất đứng yên một chỗ và không xê dịch. Trong khi đó, khoa học thì chứng minh ngược lại, và cho rằng trái đất quay chung quanh mặt trời và nó chỉ là một hành tinh nhỏ bé trong hằng hà sa số các hành tinh. Vậy người ta sẽ đặt những thắc mắc mà chúng ta không trả lời được như Trởi ở đâu? Lên trời là đi đâu ? Địa ngục là gì?
○ Phải chăng hạnh phúc có thể đạt được ở thế giới này nhờ những phát minh khoa học?
Một điều không thể phủ nhận là khoa học đã mang lại cho cuộc sống này rất nhiều lợi ích. Từ những phương tiện sử dụng hằng ngày như: Truyền thông, Tin học và địa chất, khám phá những nguồn khoáng sản phoang phú. Nhất lá áp dụng khoa học vào nghành y khoa phục vụ con người. Người ta lấy làm thoả mãn và hạnh phúc đời này mà không hiểu về hạnh phúc mai hậu.
Như vậy, dù muốn hay không, con người thời đại tiếp nhận 2 ngôn ngữ cánh chung luận. Một ngôn ngữ thuộc về tôn giáo, một ngôn ngữ thuộc về chính trị khoa học.
2. Niềm tin của Giáo hội
Giáo hội đứng trước những thách đố mới: Vào thời cận đại, Giáo hội Tây phương phải chứng kiến 1 cuộc ly khai mới giữa Công giáo và tin Lành. Chúng ta tự hỏi, tại sao Luther lại đưa ra những chủ trương mời để chống lại Công Giáo?
Đọc lại LSGH, ta thấy, Gh vào thời đó tại Tây phương cũng có nhiều khiếm khuyết trong đời sống đạo. Sống tinh thần Phúc Am phần nào bị méo mó, có lẽ do đó, mà Luther đưa ra những lý do và suy nghĩ theo lập trường của ông. Ông chủ trương duy chỉ cxó Kinh Thánh mới là tiêu chuẩn duy nhất của đức tin: Ông coi việc tôn kính đức Mẹ và các thánh chỉ là chuyện tình cảm. Ông không chấp nhận đạo lý về luyện ngục cũng như cầu nguyện cho người đã qua đời.
Trước những chỉ trích như thế, GH vẫn khuyến khích mỗi Kitô hữu sống đạo 1 cách triệt để, luôn suy gẫm về sự chết, thưởng phạt và sống hiệp thông với các Thánh và các linh hồn nơi luyện tội.
III. THỜI CẬN ĐẠI
1. Thách đố văn hóa
Từ thế kỷ XVI tại Âu Châu có rất nhiều thay đổi từ tôn giáo. Chính trị, khoa học, có thể nói, nó được đánh dấu bởi những cuộc thoát ly hoặc giải phóng, dưới nhiều hình thức: thế quyền tách rời, khỏi giáo quyền, lý trí tách rời khỏi tôn giáo, khoa học tách rừi khỏi triết học. Từ đó làm nảy sinh những quan điểm khác nhau về cuộc sống, về thế giới.
○ Khoa học cận đại cho thấy kiến trúc của vũ trụ khác với lối mô tả bình dân trong kinh thánh, vậy thì nó sẽ đem lại những hệ luận gì đối với cánh chung luận?
Đọc lại lịch sử Giáo hội, chúng ta biết được, Giáo hội phạm phải một sai lầm lớn khi căn cứ vào thánh kinh và cho rằng trái đất đứng yên một chỗ, không xê dịch. Trong khi đó khoa học lại chứng minh ngược lại trái đất quay chung quanh mặt trời và trái đất chỉ là một hành tinh nhỏ bé trong hằng hà sa số các hành tinh. Vậy thì người ta sẽ đặt ra cho chúng ta những thắc mắc, mà chúng ta không thể trả lời một cách rốt ráo được: chẳng hạn trời ở đâu? Lên trời là đi đâu? Địa ngục là gì?
○ Phải chăng hạnh phúc có thể đạt được ở thế giới này, nhờ những phát minh khoa học?
Một điều không thể phụ nhận là khoa học đã mang lại cho cuộc sống này rất nhiều lợi ích. Từ những phương tiện sử dụng hằng ngày như: phương tiện truyền thông, tin học, và địa chất khám phá những nguồn khoáng sản phong phú. Nhất là áp dụng khoa học vào nghành y khoa, phục vụ con người. Và người ta lấy làm thoả mãn và hạnh phúc đời này mà không hiểu về hạnh phúc mai hậu.
Như vậy, dù muốn dù không, con người thời đại tiếp nhận hai ngôn ngữ cánh chung luận. Một ngôn ngữ thuộc về tôn giáo. Một ngôn ngữ của chính trị và khoa học.
2. Niềm tin của Giáo hội
Giáo hội đứng trước những thách đố mới: Vào thời cận đại, Giáo hội bên Tây phương phải chứng kiến một cuộc ly khai mới giữa công giáo và tin lành.
Chúng ta tự hỏi tại sao Luther lại đưa ra những chủ trương mới để chống lại công giáo? Đọc lại lịch sử Giáo hội ta thấy, Giáo hội vào thời đó tại tây phương cũng có nhiều khiếm khuyết trong đời sống đạo. Sống tinh thần phúc âm phần nào bị méo mó, có lẽ do đó mà Luther đưa ra những lý do và suy nghĩ theo lập trường của ông. Ông chủ trương duy chỉ có kinh thánh mới là tiêu chuẩn duy nhất của đức tin. Ông coi việc tôn kính Đức Mẹ và các thánh chỉ là chuyện tình cảm. Ông không chấp nhận đạo lý về luyện ngục cũng như việc cầu nguyện cho người đã qua đời.
3. Cánh chung luận
Trước những chỉ trích như thế, Giáo hội vẫn khuyến khích mọi kitô hữu sống đạo cách triệt để, luôn suy gẫm về sự chết, thưởng phạt, và sống hiệp thông với các thánh và các linh hồn ở nơi luyện tội.
IV. CÔNG ĐỒNG VAT II
Công đồng Vat II triệu tập không phải chỉ quyết vấn đề cánh chung, nhưng đã góp phần rất lớn cho vấn đề cánh chung luận.
1. Những bước dọn đường
a/. Phong trào học hỏi Kinh Thánh
Việc học hỏi Kinh Thánh đã cho thấy chiều kích cánh chung nằm ngay trung tâm lời giảng dạy Đức Giêsu (Sứ điệp nước trời). Vậy cần thiết đưa cánh chung vào trung tâm của Thần học và móc nối với thân thế sự nghiệp Đức Giêsu với mầu nhiệm Nhập thể và Vượt qua của Người.
b/. Tái khám phá chiều kích lịch sử
Việc học hỏi Kinh Thánh giúp trở về với chiều kích lịch sử và năng động mà Thần học Kinh viện đã lãng quên. Cánh chung học cần được lồng vào trong lịch sử cứu độ vàêu bật được cánh chung học phổ quát trước cánh chung luận cá nhân.
c/. Thách đố của thuyết Macxít
Đây chính là thách đố mang tính thời đại mà ta không thể không nhắc đến. Thuyết Macxít tố cáo các tôn giáo là tha hóa vì mơ màng 1 thế giới ảo mộng mai sau hầu bù đắp lại những lầm than ở đời này. Trong khi đó, lại cổ động việc kiến tạo trần thế này cho tốt đẹp hơn. Theo nghĩa này, thì thiên đang có thể thực hiện ở trần gian này.
2. Các văn kiện Công đồng
Trong Công đồng, cánh chung học được bàn luận qua các đề tài:
○ Hiến chế về phụng vụ (số 8: Chiềi kích cánh chung của các buổi cử hành phụng vụ)
○ Sắc lệnh về truyền giáo (số 9: Tính cách cánh chung của công cuộc truyền giáo)
○ Hiến chế tín lý về Hội Thánh (chương 7)
○ Hiến chế về mục vụ Hội Thánh trong thế giới ngày nay
a/. Hiến chế tín lý về Hội thánh (Bao gồm 8 chương):
Chương 1: Mầu nhiệm Hội thánh, kế hoạch Thiên Chúa từ muôn thuở
Chương 2: Dân Thiên Chúa, sự thể hiện kế hoạch của Thiên Chúa trong lịch sử
Chương 3 & 4: Cơ cấu Hội thánh dựa trên phẩm trật
Chương 5 & 6: Khía cạnh huyền nhiệm của Hội thánh, tức ơn gọi nên thánh qua việc thực thi đức ái
Chương 7 & 8: Hội thánh như đoàn lữ hành tiến về quê trời, nơi mà Đức maria đã đi trước chúng ta
Chúng ta sẽ tập trung đến chương 7 chủ đề: Đặc tính cánh chung của Giáo hội lữ hành và sự hiệp nhất với Hội thánh trên trời. Đây là những viễn tượng mới của cánh chung luận do hiến chế về Hội thánh đã mở ra. Về mặt nội dung, công đồng lặp lại giáo huấn cổ truyền dựa theo bản văn Kinh thánh hơn là các suy diễn như: Hạnh phúc hệ tại kề bên Chúa; sự thanh luyện hơn là địa ngục. Chúng ta sẽ tập trung vào 4 mục tiêu sau:
1) Ơn gọi cánh chung của Hội thánh (số 48)
2) Hiệp thông giữa Hội thánh trên trời và hội Thánh dưới đất (số 49)
3) Những liên hệ giữa Hội thánh dưới đất với Hội thánh trên trời (số 50)
4) Những quy định mục vụ (số 51)
Chính văn kiện này đã làm thay đổi cái nhìn cổ truyền về cánh chung học như sau:
○ Cánh chung học được coi như 1 chiều kích của Hội thánh, vì Hội thánh tiến về cánh chung như mục tiêu của hành trình, tức lấy lại tầm quan trọng của cánh chung học phổ quát, lật ngược lại các sách được viết từ thời Trung cổ. Ngoài ra, cánh chung học được lồng vào trong lịch sử cứu độ như 1 bước tiến về mục tiêu và kế hoạch mà Thiên Chúa đã ấn định từ ngàn xưa. Theo ý nghĩa này, cánh chung không phải là thế mạt hay tận số, nhưng là đạt đến hạnh phúc tuyệt đối, là căn nguyên của niềm hy vọng. Và như vậy, Hội thánh chúng ta đang trên đường lữ hành tiến về quê trời, hiệp thông cùng Đức kitô, Mẹ Maria và các thánh.
○ Nhờ tương quan với Thiên Chúa, cánh chung học của Hội thánh mang tính năng động, tức có sự hiệp thông với nhau. Nơi Đức kitô, thực tại cánh chung của Hội thánh đã hoàn tất qua cuộc Tử nạn và Phục sinh của Người. Thật thế, 1 số phần tử thuộc Hội thánh trên trời đã được thông dự vào công trình cứu chuộc của Đức kitô. Nhưng 1 số phần tử thuộc Hội thánh lữ hành và Hội thánh đau khổ đang phải chiến đấu chống lại sự dữ hoặc còn phải được thanh luyện.
○Chúa Thánh Thần cũng tác động trong tiến trình cánh chung của Hội thánh. Thánh Thần chính là hồng ân viên mãn cho nhân loạihầu thực hiện việc canh tân vũ trụ (số 48)
○ Theo tư tưởng Tân ước, thì cánh chung không chỉ bao trùm Hội thánh mà cả vũ trụ nữa (Xc. Ep 1, 10; Cl 1, 20; 2Pr 3, 10-13; Rm 8, 19-22), tức là sự canh tân đổi mới mà không phải là thế mạt.
b/. Hiến chế mục vụ về Hội thánh trong thế giới hôm nay
Có 3 điểm liên quan đến cánh chung như sau:
○ Mầu nhiệm sự chết (số 18) là mối ưu tư của con người mà các tôn giáo tim cách trả lời. Công đồng giải đáp dựa vào tín lý tự nhiên (Bản tính thiêng liêng của linh hồn) và vào lời hứa của Mặc khải
○ Sự mong chờ hạnh phúc ở thế giới bên kia không làm con người giảm bớt sự dấn thân kiến tạo thế giới này ngày càng trở nên tốt đẹp hơn. Đây là câu trả lời cho sự cáo buộc thuyết Macxít. Công đồng cũng đã đề nghị một lý thuyết trung dung khi trả lời cho nghi vấn: “Thế giới mai hậu sẽ tiêu huỷ hay canh tân thế giới hiện tại?”. Công đồng cho rằng, giữa thế giới hiện tại và thế giới tương lai vừa có sự liên tục và vừa có sự bất liên tục. Liên tục xét về những giá trị tích cực trong thế giới hiện tại như công bình, bác ái,… Và khác biệt vì những tiêu cực sẽ biến mất nhưng nhất là vương quốc Thiên Chúa sẽ vượt xa những thành tựu của bàn tay con người.
○ Lịch sử sẽ tiến về viên mãn nơi Đức Kitô là chìa khóa của lịch sử, là Anpha và Ômêga, và Thánh Thần là nguyên ủy hướng dẫn lịch sử nhân loại đến với Chân-Thiện-Mỹ.
3. Các văn kiện sau Công đồng
Sau công đồng, các sách thần học về cánh chung đã được soạn lại theo 1 hướng mới. Mặt khác, một số vấn đề mới cũng được đặt ra khiến cho Huấn quyền phải can thiệp:
○ Công đồng mở ra 1 cái nhìn mới giữa đạo và đời, giữa đời sống đạo đức và sự dấn thân xã hội. Giáo hội có sứ mạng không những lo cứu rỗi các linh hồn ở đời sau, mà còn giúp cải thiện đời sống con người ở đời này nữa. Nhiều văn kiện truyền giáo nói đến việc cứu độ con người toàn diện, tức cả hồn lẫn xác, cả đời này lẫn đời sau.
○ Việc canh tân Thần học không chỉ chú trọng đến cánh chung tổng quát trước cánh chung cá nhân, nhưng theo sát tư tưởng Kinh thánh hơn là các suy diễn Thần học. Việc trở về nguồn đã đặt lại quan điểm con người trong Kinh thánh như: Kinh thánh có chấp nhận con người bao gồm 2 yếu tố “xác hồn” không? “Xác” là gì? “Hồn” là gì? “Hồn” có chết theo “xác” không hay là bất tử ? “Xác” có tách khỏi “hồn” không hay là được sống lại tức khắc?… Văn kiện nhìn nhận rằng, “hồn” mang nhiều nghĩa trong Kinh thánh và trong các nền triết học. Nên cần phân biệt giữa “thực chất” và “từ ngữ”. Hội thánh tin rằng, chết không phải là trở về hư vô. Hơn nữa, khi trình bày các thực tại thuộc thế giới bên kia, nên ý tứ cách sử dụng các hình ảnh trong việc diễn tả, kể cả những hình ảnh được sử dụng trong Kinh thánh. Vì cả thế giới hiện tại và tương lai có điểm tương đồng nhau, nhưng cũng có nhiềi dđiểm khác nhau.
○ Trong văn kiện về cánh chung của Ủy Ban Thần học quốc tế (De quibusdam quaestionbus actualibus circa eschatologiam), bao gồm 11 chương, nội dung nói về,…
4. Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo (1992)
Trong sách GLHT Công giáo, ta thấy có 3 lối tiếp cận khi cùng trình bày vấn đề đạo lý Hội thánh về cánh chung như sau:
a. Lối tiếp cận cổ truyền xoay quanh “Tứ chung” những sự sau hết (Eschata)
○ Quang lâm và phán xét: 668-662; 1038-1041; 1059
○ Người chết sống lại: 988; 1004; 1015-1017
○ Cái chết của Kitô gữu: 1005-1014; 1016; 1018-1019
○ Phán xét riêng: 1021-1022; 1051
○ Trời: 1023-1029; 1052-1053
○ Sự thanh luyện: 1030-1032; 1054-1055
○ Địa ngục: 1033-1037; 1056-1058
○ Niềm hy vọng vào trời mới đất mới
b. Lối tiếp cận liên bản vị lấy Đức Kitô làm trung tâm điểm
○ Quang lâm chính là sự tỏ hiện Đức Kitô, là sự tỏ hiện vinh quang của sự Phục sinh vốn đang chiếu sáng trong Hội thánh của Người (668-669)
○ Phục sinh Đức Kitô là căn nguyên, là nguyên mẫu cho sự phục sinh của chúng ta (994)
○ Cuộc phán xét chung sẽ do Đức Kitô thực hiện. Đây là 1 cuộc phán xét ban ơn cứu độ, dựa theo thái độ của chúng ta đối với những người anh chị em của Đức Giêsu (1040-1041)
○ Thế giới mới sẽ được biến đổi ngõ hầu thông phần vào vinh quang của những người công chính trong Đức Kitô (1047)
○ Đời sống vĩnh hằng hệ tại “ở với Đức Kitô”và kết bạn với các phúc nhân (1029)
○ Sự chết đời đời hệ tại bị đuổi xa Đức Kitô (1034), và hậu qủa của việc khước từ Đức Kitô và các anh chị em của Người nơi những người bé mọn (1033)
○ Đối với Kitô hữu, chết nghĩa là chết với Đức Kitô (1010; 1020)
○ Luyện tội được xem như là gặp gỡ và thanh luyện với Đức Kitô. Trong qúa trình thanh luyện này, người kitô hữu được trợ giúp bằng lời cầu nguyện trong niềm hiệp thông với các Thánh (957; 958), và nhờ hiến tế của Thánh lễ (1371; 1689; 1404; 1471-1479)
c. Lối tiếp cận toàn diện liên kết tất cả các đề tài với cánh chung
Cánh chung bao trùm tất cã mọi ngành Thần học: Cơ bản, Kitô luận, Thánh Thần, Hội thánh, Bí tích, Luân lý,…
1) Thần học căn bản (fundamental theology)
Bàn về đức tin Kitô giáo dựa trên mặc khải
○ Con người khát khao đi tìm kiếm Chúa, bởi nơi Ngài, con người mới thấy chân lý và hạnh phúc
○ Mục đích của Mặc khải là để con người được thông phần vào bản tính Thiên Chúa
○ Đức tin là khởi điểm của cuộc sống vĩnh cửu
○ Lời tuyên xưng “amen” mang ý nghĩa không chỉ đáp trả lại lời mặc khải của Thiên Chúa, mà còn bao hàm chiều kích cánh chung (Lời tình yêu chung cục về phía Thiên Chúa và loài người)
2) Kitô luận (Christology)
Lấy trọng tâm là cuộc quang lâm của Đức Kitô
○ Kitô là Mêsia. Đức Giêsu kiện toàn niềm hy vọng của Israel vào Đấng Mêsia được Thiên Chúa sai đến để khai trương nước trời. Triều đại Thiên Chúa được thiết lập vĩnh viễn nhờ thập giá Đức kitô
○ Phục sinh của Đức Kitô là nguyên ủy và là nguồn mạch cho sự phục sinh của chúng ta trong tương lai. Và từ dây, chúng ta được dự phần vào cái chết và phục sinh của Đức kitô hầu được chỗi dậy với Người vào ngày sau hết
3) Chúa Thánh Thần (Pneumatology)
Cánh chung luận tập trung vào cuộc Phục sinh của Đức Kitô nhờ vào quyền năng của Chúa Thánh Thần – Người là nguồn hồng ân đổ tràn xuống trên thế giới, và được gọi là “thời cuối cùng”
○ Thánh Thần kết hợp với Chúa Cha và Chúa Con từ khởi đầu cho đến lúc hoàn thành chương trình cứu rỗi nhân loại. Nhưng vào “thời cuối cùng” này, Thánh Thần được tỏ lộ và nhận biết như 1 ngôi vị
○ Thánh Thần chính là Thần Khí của Đức Kitô vào thời viên mãn
○ Thánh Thần chính là Thần khí của Hội thánh trong những ngày cuối cùng
4) Giáo Hội học(Ecclesiology)
Nơi Giáo hội, chiềi kích cánh chung thể hiện đặc biệt nơi đời sống tận hiến và của Đức maria.
○ Hội thánh sốnggiữa thời thiết lập và thời chung tất hiệp thông với Chúa Giêsu. Hội thánh lữ hành hiệp thông với các Thánh trên trời.
○ Đời sống thánh hiến trong Hội thánh là dấu chỉ loan báo vinh quang về thế giới mai hậu. Thế giới này cho ta thấy ý nghĩa của lời khấn trinh khiết.
○ Đức maria là hình ảnh cánh chung của Hội thánh. Mẹ đã đạt tới đích mà Hội thánh lữ hành đang ngóng trông.
5) Phụng vụ, Bí tích và Cầu nguyện
○ Chiềi kích cánh chung của phụng vụ nói chung là khai triển giáo huấn của Công đồng Vat II
○ Các bí tích ban cho ta sự sống trường cửu
○ Chiềi kích cánh chung của bí tích Thánh Thể là bảo chứng của vinh quang mai hậu
○ Tính cánh chung của lời nguyện cầu là lời khẩn nài cho “nước Cha mau đến”
6) Đời sống tâm linh
○ Đời sống tâm linh của người Kitô hữu gắn liền với Đức kitô
○ Người kitô hữu được mời gọi sống với tám mối phúc thật, hiệp thông với Thiên Chúa để nên thánh trọn vẹn
○ Ơn thánh mang lại cho người Kitô hữu nhờ việc thông phần vào bản tính Thiên Chúa
○ Nhờ vào nhân đức Hy Vọng (Đức Cậy), người kitô hữu luôn hướng đến và mong chờ niềm hạnh phúc mai sau. Hy vọng 1 “trời mới đất mới”, nhưng người Kitô hữu cũng cần phải tỉnh thức và sẵn sàng để không ngừng dấn thân xậy dựng hiện tại, cộng tác bản thân mình cho triều đại Thiên Chúa.
◄◙►
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Phan Tấn Thành và Đinh Thị Sáng, Cánh Chung Học, Học viện Liên Dòng thánh Tôma, Tp.HCM 2004.
Phan Tấn Thành, Về Nguồn, tập III, Chân lý 1999.
Phan Tấn Thành, Về Nguồn, tập IV, Chân lý 2004.
Nguyễn Văn Trinh, Cánh Chung Học, ĐCV Giuse 2000.
Felipe Gomez, Kitô học, tập II, Antôn & Đuốc Sáng.
Giáo lý Hội thánh Công Giáo, Tp.HCM 1993.
[1] x. Phan Tấn Thành, Về Nguồn, tập IV, Chân lý 2004, tr 664.
[2] x. Phan Tấn Thành, Về Nguồn, tập III, Chân lý 1999, tr 221.
[3] x. Phan Tấn Thành, Về Nguồn, tập IV, Chân lý 2004, tr 780.
[4] x. Lm Nguyễn Văn Trinh, Cánh Chung Học, ĐCV Giuse 2000, Phần II – tr 79.
[5] Sđd tr 82.
[6] x. Phan Tấn Thành, Về Nguồn, tập III, Chân lý 1999, tr 62-67.
[7] x. Felipe Gomez, Kitô học, tập II, Antôn & Đuốc Sáng, tr 239.
[8] x. Lm Nguyễn Văn Trinh, Cánh Chung Học, ĐCV Giuse 2000, Phần II – tr 57.
[9] xem thêm chi tiết ở: Phan Tấn Thành, Về Nguồn , tập IV, tr 608-617.
[10] x. Phan Tấn Thành, Về Nguồn, tập IV, Chân lý 2004, tr 609.
[11] Sđd tr 610.
[12] x. Phan Tấn Thành, Về Nguồn , tập III tr 144.