Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

CẮT NGHĨA TỔNG LUẬN THẦN HỌC CHO CÁC THIẾU NHI – BÀI 2

Administrator
2023-09-18 00:28 UTC+7 58
BÀI 2: LÀM SAO CHÚNG TA CÓ THỂ DIỄN TẢ THIÊN CHÚA? Trong bài thứ nhất, chúng ta biết rằng có những chân lý về Thiên Chúa và cùng đích của con người vượt quá khả năng nắm bắt của chúng ta. Điều này dường như đã tạo ra một tình huống khó xử. Nếu […]

BÀI 2: LÀM SAO CHÚNG TA CÓ THỂ DIỄN TẢ THIÊN CHÚA?

Trong bài thứ nhất, chúng ta biết rằng có những chân lý về Thiên Chúa và cùng đích của con người vượt quá khả năng nắm bắt của chúng ta. Điều này dường như đã tạo ra một tình huống khó xử. Nếu Thiên Chúa và thiên đàng là những thực tại siêu nhiên quá tôn quý và cao vời, nằm ngoài khả năng hiểu biết của con người, thì làm sao chúng ta có thể nhận biết Thiên Chúa hay những điều khác vượt quá lý trí của mình? Làm sao chúng ta có thể biết được Thiên Chúa khi chúng ta còn đang sống trên trần gian này?

Trong việc  hiểu biết Thiên Chúa và những mầu nhiệm của đức tin, phép ẩn dụ, loại suy và so sánh giữ vai trò quan trọng. Phép ẩn dụ và loại suy được dùng để so sánh hai vật xem ra khác biệt nhau nhằm nghiệm ra điểm tương đồng nào đó giữa đôi bên, chẳng hạn khi ví dụ công ơn của người cha được “như” núi. Tuy cả hai tuy khác biệt nhau, nhưng lại tương đồng khi chúng ta nói công cha cao cả như núi. Tiếp đến phép so sánh là việc chúng ta đưa ra 2 sự vật và sử dụng từ “giống như” để thể hiện nét tương đồng. Ví dụ: cây bút này “giống như” cây bút kia.

Phép ẩn dụ, loại suy và so sánh giúp chúng ta nhận biết những điều bí ẩn và không thể dò thấu nơi Thiên Chúa. Chúng ta sử dụng từ ngữ và sự vật mà chúng ta đã nắm bắt bằng kinh nghiệm giác quan để nói về Thiên Chúa một cách nào đó. Chẳng hạn trong Kinh Thánh, Thiên Chúa được ví như tảng đá, sư tử, nước hay những sự vật khác mà con người quen thuộc. Bởi vì chúng ta không thể biết Thiên Chúa cách trực tiếp do giới hạn  bản tính con người; cho nên, theo một nghĩa nào đó, chúng ta phải đem Thiên Chúa xuống ngang tầm của chúng ta, ít nhất là trong cách thức nói về Người.

THÁNH TÔMA NÓI GÌ?

Với câu hỏi Thánh Kinh có sử dụng phép ẩn dụ không, thánh Tôma đã trả lời như sau: Thật là phù hợp khi Kinh Thánh đã trình bày những chân lý thánh thiêng bằng cách so sánh với những sự vật hữu hình. Bởi vì Thiên Chúa đã quan phòng cho mọi vật tuỳ thuộc theo khả năng trong bản tính của nó. Thế nên, nó cũng là điều tự nhiên khi con người có thể đạt được chân lý trí tuệ qua những sự vật khả giác, bởi vì tất cả tri thức của con người đều bắt nguồn từ giác quan. Vì vậy trong Kinh Thánh, những chân lý thiêng liêng được dạy một cách thích hợp qua việc so sánh chúng với các sự vật hữu hình tương tự. Đây là điều mà ông Dionysius đã nói: “Ánh sáng thần linh chỉ có thể soi chiếu chúng ta trong tình trạng được bao phủ bởi nhiều thứ bức màn linh thánh””. ST I, q1, a9.

SINH HOẠT THIẾU NHI

Hãy để các bạn nhỏ vẽ một bức chân dung của chính mình bao gồm: hai mắt, mũi, hai tai, miệng và hai tay. Tiếp đến, các bạn nhỏ sẽ chỉ ra từng bộ phận phù hợp với từng giác quan của con người, bao gồm: thị giác, khứu giác, thính giác, vị giác và xúc giác. Bạn thử hỏi xem các bạn nhỏ của chúng ta có thể kể ra ba điều mà các em có thể nhận biết qua việc sử dụng một giác quan bất kỳ hay không. Ví dụ, nhận biết bầu trời qua thị giác, nhận biết một món ngon bằng vị giác…

Bên cạnh đó, bạn hãy gợi ý để các bạn nhỏ suy nghĩ xem có điều gì được nhận biết mà không cần dùng đến các giác quan hay không? Cuối cùng, qua hoạt động này có thể bạn đã nhận ra rằng với giác quan và những phép tu từ chúng ta đã tìm hiểu, con người có thể nhận biết và nói về Thiên Chúa một cách nào đó.

PHIÊU LƯU NGOÀI TRỜI

Trong hoạt động này, chúng ta sẽ cố gắng học cách chú ý đến việc sử dụng các giác quan trong đời sống hằng ngày. Đầu tiên, bạn cần một cuốn sổ tay và ghi ra tên của năm loại giác quan. Tiếp theo, bạn hãy trầm mình vào thế giới tự nhiên, để xem bạn có thể khám phá ra điều gì với các giác quan tương ứng của mình.

Bạn sử dụng thị giác khi nhìn ngắm những chú chim đang xây tổ trên cành cây vững chắc. Bên cạnh đó, cũng có những điều khó nhận ra liên quan đến việc sử dụng vị giác. Bạn thử bước vào một vườn cây ăn trái, hái và cảm nhận vị của loại trái cây nào đó. Hoặc bạn thử tập trung để xem mình có thể ngửi thấy hương thơm của một bông hồng? Bạn hãy nhắm mắt để nghe tiếng chim hót, hoặc dùng tay để vuốt bộ lông mượt mà sạch sẽ của một chú chó cưng. Hãy cẩn thận ghi lại tất cả mọi thứ mà bạn đã cảm nhận một cách ý thức qua việc sử dụng năm giác quan của mình nhé.

Sau cùng, bạn có thể chia sẻ với người khác vì sao việc sử dụng giác quan có thể giúp bạn hiểu Chúa và yêu Chúa nhiều hơn!

NGẪM NGHĨ

Nếu bạn nhìn vào một danh sách bao gồm những phép ẩn dụ được sử dụng trong Kinh Thánh để miêu tả về Thiên Chúa, bạn sẽ thấy danh sách này rất dài và chứa đựng những hình ảnh quen thuộc chẳng hạn như: đá tảng, sư tử, gió, hơi thở, rượu nho, ánh sáng, suối nước, cổng ra vào, nước, bánh và lửa… Những hình ảnh ẩn dụ để miêu tả về Thiên Chúa này đôi lúc còn gợi ra những ấn tượng rất sâu sắc. Chẳng hạn đó có thể là một chú sư tử mạnh mẽ hay một tảng đá với sức nặng khủng khiếp và bất động biểu trưng cho sức mạnh quyền uy của Thiên Chúa.

Chúng ta sẽ làm gì với tất cả những hình ảnh hay sự vật này mà Thiên Chúa đã chọn để miêu tả chính Ngài trong Kinh Thánh? Chẳng phải tất cả những sự vật và hình ảnh ấy đều được nhận biết qua việc sử dụng các giác quan đấy ư? Chẳng phải mỗi giác quan đều nói cho chúng ta biết về Thiên Chúa vô biên hay sao?

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa, con yêu mến Chúa. Con cảm tạ Chúa vì Chúa đã ban cho con khả năng để con nhận biết Chúa qua việc sử dụng những giác quan của con. Lạy Chúa, con khao khát được biết Chúa nhiều hơn mỗi ngày. Xin Chúa chúc lành cho con luôn mãi. Amen.