Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

CẮT NGHĨA TỔNG LUẬN THẦN HỌC CHO CÁC THIẾU NHI – BÀI 22

Administrator
2023-11-19 00:21 UTC+7 62
BÀI 22: CÁC NGÔI VỊ CỦA THIÊN CHÚA CÓ TƯƠNG QUAN VỚI NHAU NHƯ THẾ NÀO? Cho đến nay, chúng ta đã tìm hiểu được nhiều điều về Thiên Chúa, các phẩm tính của Người, và nhận biết rằng chính Thiên Chúa là hạnh phúc tuyệt hảo của chúng ta. Trong bài học này, chúng […]

BÀI 22: CÁC NGÔI VỊ CỦA THIÊN CHÚA
CÓ TƯƠNG QUAN VỚI NHAU NHƯ THẾ NÀO?

Cho đến nay, chúng ta đã tìm hiểu được nhiều điều về Thiên Chúa, các phẩm tính của Người, và nhận biết rằng chính Thiên Chúa là hạnh phúc tuyệt hảo của chúng ta. Trong bài học này, chúng ta cùng tìm hiểu “được tạo dựng giống Thiên Chúa” có nghĩa là gì? Chúng ta có thể trả lời ngay rằng: chúng ta giống Thiên Chúa vì chúng ta được Thiên Chúa ban tặng cho lý trí và ý chí.

Chúng ta còn giống Thiên Chúa ở chỗ nào nữa không? Trong Thiên Chúa có một sự hiệp thông giữa các Ngôi vị, Ba Ngôi trong một Thiên Chúa. Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần được biết là Một Chúa Ba Ngôi. Mỗi Ngôi đều có tương quan với hai Ngôi còn lại. Các tương quan Ngôi vị nơi Thiên Chúa chính là điều mà chúng ta muốn nói đến trong bài học này. Có lẽ chúng ta không thể nói mình giống Thiên Chúa vì mình có những phẩm tính của Thiên Chúa. Chúng ta không sở hữu những phẩm tính của Thiên Chúa như: hoàn hảo, toàn năng, toàn tri. Nhưng chắc chắn chúng ta có thể giống Thiên Chúa vì chúng ta cũng có những mối tương quan nhân vị trong đời sống của mình. Đó là mối tương quan bạn bè, gia đình hay hàng xóm.

Vấn đề quan trọng cần phải hiểu là Thiên Chúa không cô đơn. Đúng ra, bản tính của Người là tương quan giữa các Ngôi vị, và các Ngôi vị cùng chia sẻ một bản tính Thiên Chúa. Trong khi tất cả mọi thụ tạo đều có tương quan với thụ tạo khác, (chẳng hạn một con mèo có tương quan với một con mèo khác), nhưng chỉ có những bản tính có trí năng (như Thiên Chúa, thiên thần và con người) thì mới có thể có tương quan với nhau theo cách thức ngôi vị. Đó là lý do tại sao chúng ta cũng được gọi là một “ngôi vị”. Chúng ta sẽ tìm hiểu điều này kỹ hơn trong bài học tiếp theo.

THÁNH TÔMA NÓI GÌ?

Với câu hỏi có các tương quan thực sự nơi Thiên Chúa không, thánh Tôma đã trả lời rằng: Tương quan, theo đúng nghĩa, muốn nói rằng một vật có liên hệ với cái khác. Đôi khi một tương quan như thế nằm trong bản tính của các sự vật, tựa như nơi những sự vật  do bởi bản tính của chúng được phối trí với những vật khác, và có một xu hướng hỗ tương với nhau. Những tương quan này, bắt buộc phải là những tương quan thực sự… Nhưng khi một điều gì đó phát xuất từ một nguyên lý có cùng  bản tính, thì cả cái phát xuất và nguồn gốc của sự phát xuất ấy đều phải ở trong cùng một lãnh vực, và đo đó chúng có một tương quan thực  sự với nhau. Vì thế, bởi vì những sự phát xuất nơi Thiên Chúa đều thể hiện trong sự đồng nhất của một bản tính, cho nên những tương quan phát xuất từ Thiên Chúa tất nhiên là những tương quan thực sự (ST I, q.28, a.1)

SINH HOẠT THIẾU NHI

Trong hoạt động này, chúng ta sẽ cùng các bạn nhỏ vẽ “cây gia phả”. Bạn nhỏ sẽ vẽ mình ở phần cuối tờ giấy, vẽ anh chị em của mình bên phải hoặc bên trái dựa theo độ tuổi. Tiếp đến, ba mẹ vẽ ở phía trên. Trên nữa sẽ là ông bà ngoại, ông bà nội. Trên ông bà nội ngoại là ông bà cụ. Trên ông bà cụ là ông sơ bà sơ.

Khi hoạt động này hoàn tất, bạn nhỏ này có thể hỏi phụ huynh về những người thân của mình. Tiếp đến hãy viết lại những phẩm tính tốt đẹp và đức tính của họ theo như những gì mà các bậc phụ huynh có thể nhớ và kể lại. Ví dụ, ông bà cố thì kiên nhẫn, vui vẻ, chăm chỉ và hơi nghiêm nghị một chút…

Hy vọng hoạt động này có thể gợi ra một thảo luận tuyệt vời về những mối tương quan trong một đại gia đình, và gợi lại những ký ức được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Theo hướng đó, các em hãy nghĩ tại sao nơi Thiên Chúa có sự hiệp thông giữa các ngôi vị có tương quan với nhau?

PHIÊU LƯU NGOÀI TRỜI

Cùng với một cuốn sổ tay, chúng ta hãy quan sát và ghi chú tất cả những mối tương quan của vạn vật trong thiên nhiên. Khi bạn thấy một chú ong đang hút mật trên một bông hoa. Bạn hãy viết xuống: “Ong và hoa có mối tương quan với nhau”. Hoặc khi bạn thấy hai người đang nói chuyện với nhau bạn cũng có thể ghi lại: “Chú An và bác Bảo có tương quan hàng xóm với nhau”.

Vấn đề ở đây là chúng ta đang thực tập để nhận thức mối tương quan của mọi loài thụ tạo với nhau. Ở mọi nơi, chúng ta đều nhìn thấy những mối tương quan khác nhau. Có thể nói, những mối tương quan là một phần của cuộc sống. Qua hoạt động này, bạn cũng hãy suy nghĩ về nội dung bài học của chúng ta. Chúng ta giống Thiên Chúa vì chúng ta có tương quan. Tương quan nơi Thiên Chúa là tương quan Ngôi vị giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

NGẪM NGHĨ

Trong bài học đầu tiên chúng ta biết được rằng có những Chân lý nơi Thiên Chúa vượt quá trí hiểu của con người. Đó là lý do vì sao chúng ta gọi những Chân lý này, hoặc những mầu nhiệm nơi Thiên Chúa, là Học thuyết thánh. Ví dụ chúng ta có mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi – nền tảng đức tin Kitô giáo. Làm thế nào để chúng ta hiểu được mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi? Chúng ta có thể tìm kiếm trong Kinh Thánh, có gần ba mươi chỗ nói rõ rằng chỉ có một Thiên Chúa, và đây là giáo lý cản bản của Kitô giáo. Nhưng đồng thời chúng ta đọc thấy rằng khi Đức Giêsu chịu Phép Rửa, Chúa Cha đã nói rằng: “Đây là con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người” (Lc 9:35). Bên cạnh đó, Chúa Giêsu cũng đã nói cho chúng ta biết về Chúa Cha. Người cũng thân thưa cùng Chúa Cha rằng: “Lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi, thì xin vâng ý Cha” (Mt 26-42). Lúc khác, Đức Giêsu còn nói “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi” (Ga 14:16).

Có lẽ ngay từ bé chúng ta đã được nghe nói đến mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Bây giờ có thể chúng ta đã không còn cảm thấy bối rối, không còn thấy ngạc nhiên hay bị choáng ngợp vì chúng ta đã nghe quá nhiều đến nỗi không còn cảm thấy thú vị. Hoặc có lẽ hiện tại chúng ta chưa đủ quan tâm và nỗ lực để suy biết mầu nhiệm cao trọng này. Ước mong mỗi ngày chúng ta đều có những hứng khởi để khám phá sâu hơn về mầu nhiệm này và sống hạnh phúc trong mối tương quan với Thiên Chúa.

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa, có rất nhiều điều mà con không thể thấu hiểu, chẳng hạn như mầu nhiệm Ba Ngôi Cực Trọng này, nhưng con chấp nhận Giáo lý về Chúa Ba Ngôi với niềm tin của con. Xin Chúa gia tăng niềm tin nơi con, để con có thể hiểu rõ hơn về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Amen.