CUỘC GIÁNG SINH CỦA ĐỨC GIÊSU KITÔ THEO THÁNH TÔMA AQUINÔ
(Summa Theologiae III, q.35)
Phêrô Nguyễn Chí Quốc O.P.
Nhân dịp lễ Giáng sinh năm nay, kỷ niệm 750 năm tạ thế của thánh Tôma Aquinô (k.1225-1274), chúng ta hãy cùng nhau học hỏi một câu hỏi (quaestio) bàn về đề tài này trong quyển III của Summa Theologiae. Thánh nhân không chỉ giúp chúng ta đào sâu mầu nhiệm đức tin mà còn rút ra rất nhiều bài học cho cuộc sống.
Quaestio 35 gồm có 8 tiết mục (articuli) và có thể được chia thành ba phần như sau:
- Phần 1 (a.1-2) bàn về cuộc giáng sinh nhìn từ phương diện siêu hình học, tức là những vấn đề liên quan đến ngôi vị và bản tính. Theo đó, cuộc hạ sinh của Đức Kitô là sự sinh ra của Con Thiên Chúa trong bản thể mang bản tính nhân loại. Và Ngài có hai lần sinh ra: cuộc sinh ra trong vĩnh cửu từ Chúa Cha và cuộc sinh ra trong thời gian bởi Đức Maria.
- Phần 2 (a.3-5) bàn về tương quan mẫu tử giữa Đức Giêsu với Đức Maria. Thánh nhân khẳng định, Đức Maria thực sự là mẹ của Đức Kitô về nhân tính, mà Đức Kitô thực sự cũng là Thiên Chúa; do đó, Đức Maria thực sự là Mẹ Thiên Chúa.
- Phần 3 (a.6-8) bàn về cách thức cũng như hoàn cảnh của cuộc giáng sinh. Theo đó, Đức Maria sinh ra Đức Giêsu mà không phải chịu đau khổ gì vì Người đã ra khỏi lòng một người mẹ đồng trinh. Về hoàn cảnh, thánh nhân giải thích sự thích hợp của cuộc giáng sinh khi Đức Giêsu thuộc dòng dõi Đavít và được sinh ra tại Bêlem, thành của vua Đavít, vào thời điểm do sự khôn ngoan toàn trí của Ngài chọn lấy chứ không phải Ngài được đặt để vào một thời điểm nhất định nào đó.
1. Sự liên hệ đến ngôi vị và bản tính của cuộc giáng sinh
Thánh Tôma cho rằng, sự sinh ra của một hữu thể có thể quy về cho chủ thể hoặc quy về điểm tận cùng. Trong hữu thể học, khi xét đến một chuyển động hay biến đổi nào đó, ta xét đến chủ thể và điểm tận cùng của chuyển động hay biến đổi đó. Một cách tương tự, thánh Tôma muốn nói đến hai cách thức tiếp cận với cuộc giáng sinh: theo chủ thể của sự việc này và theo điểm tận cùng của nó. Theo đó, xét về chủ thể, cái được sinh ra là ngôi vị[1]; còn xét về điểm tận cùng, cái được sinh ra là bản tính[2].
Chúng ta cùng xét đến cách tiệp cận theo chủ thể. Thánh Tôma khẳng định, sự sinh sản hướng đến sự hiện hữu của một hữu thể, mà sự hiện hữu thực sự chỉ thuộc về hữu thể lập hữu. Vậy mà, ngôi vị chiếm hữu tất cả các đặc tính của hữu thể lập hữu, nên chủ thể thực sự của sự sinh ra phải là ngôi vị.
Còn khi xét đến điểm tận cùng của sự sinh ra, đó chính là bản tính. Chúng ta biết rằng, bất kỳ hữu thể vật thể nào cũng đều gồm chất thể và mô thể. Trong đó, chất thể tự nó là bất định, được xác định thành hữu thể nào đó là nhờ mô thể của nó. Như thế, mô thể là cái xác định chất thể, là hiện thể của chất thể. Do đó, điểm tận cùng của sự sinh ra hay sinh sản một hữu thể, đó là cái mô thể. Vậy mà, mô thể phối hiệp với chất thể sẽ làm nên yếu tính hay bản tính của hữu thể. Do đó, sự sinh ra là con đường dẫn tới bản tính.
Phân biệt hai lối tiếp cận này giúp ta tránh được sự lầm lẫn giữa ngôi vị và bản tính trong Đức Giêsu Kitô. Thật vậy, ngôi vị bắt đầu hiện hữu trong một bản tính, mà nơi Đức Giêsu có ngôi vị của bản tính Thiên Chúa, ngôi vị và bản tính ấy đã có từ đời đời. Qua cuộc giáng sinh, ngôi vị Thiên Chúa không bị mất đi nhưng đã được cưu mang và đã sinh ra theo bản tính nhân loại. (ad 1)
2. Sự sinh ra trong thời gian của Đức Kitô
Một chuyển động được định danh theo điểm tận cùng của nó, mà điểm tận cùng của sự sinh ra là bản tính như đã nói ở tiết 1. Do đó, vì nơi Đức Giêsu Kitô có hai bản tính: bản tính Thiên Chúa nhận từ Chúa Cha trong vĩnh cửu và bản tính con người nhận từ mẹ của Ngài trong thời gian, nên tương ứng với hai bản tính đó là hai cuộc sinh ra có tên là: cuộc sinh ra trong vĩnh cửu từ Chúa Cha và cuộc sinh ra trong thời gian từ mẹ Ngài. Riêng trong bản tính con người, Ngài cũng có thân xác và linh hồn, và chúng xuất hiện cùng lúc với cuộc sinh ra trong thời gian của Ngài.
Chúng ta cần phân biệt rạch ròi hai cuộc sinh ra này của Đức Giêsu Kitô. Thật vậy, sẽ là sai lầm nếu nói rằng: "Con Thiên Chúa bắt đầu hiện hữu từ lúc khởi đầu của cuộc sinh ra làm người", nói như vậy là đang phủ nhận thiên tính của Ngài trong thời gian; hoặc nói "Thân xác của Con Thiên Chúa đã hiện hữu từ đời đời", nói như vậy là đang phủ nhận thân xác nhân loại thực sự của Ngài và chỉ xem Ngài như đang nhận lấy một hình ảnh của thân xác này. (ad 1)
Sự phân biệt còn cho chúng ta thấy rằng, Đức Kitô trong bản tính Thiên Chúa là tất yếu, còn trong bản tính nhân loại, Ngài không tất yếu. Điều này có nghĩa là bản tính Thiên Chúa của Ngài hiện hữu cách tất yếu và Ngài không buộc phải thực hiện cuộc sinh ra thứ hai. Hệ luận này nhằm nhấn mạnh lý do tại sao Ngài lại sinh ra trong xác thể: đó là vì chúng ta và để cứu độ chúng ta. (ad 2)
3. Tư cách làm Mẹ Đức Kitô của Đức Maria
Vấn nạn này được nêu ra để trả lời cho lạc thuyết của phái Ảo thân thuyết (Docetism), mà nổi bật là Valentinô vì ông này chủ trương rằng, thân xác Đức Kitô đến từ trời. Thánh Tôma trả lời rằng, thân xác Đức Kitô, giống như mọi thân xác thật của con người, được cấu thành từ thịt, xương, mô thật… (q.5, a.2). Trong cuộc giáng sinh của Đức Kitô, nguyên lý chủ động trong việc sinh sản là quyền năng của Thiên Chúa, một quyền năng siêu nhiên. Chất thể làm nên thân thể Chúa Kitô là dòng máu của người mẹ. Theo đó, thân xác của Ngài là siêu nhiên vì hai lý do: vì Thiên Chúa đã trực tiếp tạo ra thân xác đó nơi Đức Maria và vì nó diễn ra nơi một trinh nữ; nhưng việc Hài Nhi hiện diện trong cung lòng Đức Maria thì thuộc về bản tính nhân loại (q.31, a.5). Như vậy, Đức Trinh Nữ là mẹ của Chúa Kitô cách thực sự và theo bản tính. Thân xác của Ngài được lấy ra từ Mẹ đồng trinh và được hình thành từ dòng máu thuần khiết nhất của bà. Và đó là tất cả những gì cần thiết để bà có được tư cách người mẹ. Thánh Augustinô cũng có những lời xác đáng như sau: “Chúa Kitô sinh ra bởi Chúa Thánh Thần, không phải như một người con; nhưng Người được sinh ra bởi Đức Maria như một người con” (q.32, a.3).
Ở đây, chúng ta cần phân biệt việc được tạo ra và việc được sinh sản. Nếu một vật vô tri nào đó được tạo nên từ bất kỳ vật chất nào khác thì đó là việc tạo ra, không phải là sinh sản, và như vậy, giữa chúng không có tương quan mẫu tử. Còn trong trường hợp của các sinh vật, việc tạo ra chúng được gọi là sinh sản cách xác đáng, và do đó, giữa chúng sẽ phát sinh trương quan phụ-mẫu-tử. Theo nghĩa này, dẫu rằng trong việc sinh ra Đức Giêsu, Đức Maria không có vai trò tích cực nào ngoài việc thuận phục theo thánh ý Thiên Chúa, thì cũng không thể ví cuộc sinh nở đó giống với việc tạo thành của các vật vô tri được. Nó chính xác là cuộc hạ sinh đích thực và theo bản tính nhân loại. Vậy nên, không có lý do gì để phủ nhận tư cách là Mẹ nơi Đức Maria.
4. Tư cách làm Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria
Nhờ việc Nhập Thể, chính Thiên Chúa đã làm người. Nhân tính được đảm nhận cùng thiên tính và được kết hợp với thiên tính trong mầu nhiệm ngôi hiệp (q.16, a.1). Thế nên, trong trường hợp của Đức Kitô, bất cứ điều gì thuộc về nhân tính và thiên tính đều có thể quy về cho ngôi vị Thiên Chúa của Ngài, tức là một điều gì biểu thị cho nhân tính thì cũng được sử dụng để biểu thị cho thiên tính. Do đó, vì nhân tính đã được Ngôi Vị Thiên Chúa đảm nhận ngay từ khi mới được thụ thai, nên có thể nói một cách xác đáng rằng Thiên Chúa đã được thụ thai và sinh ra bởi Đức Trinh Nữ. Vì thế Đức Trinh Nữ thật sự được gọi là Mẹ Thiên Chúa. Tuy thế, ta cần cẩn trọng khi phát biểu giáo lý này. Thật vậy, Đức Trinh Nữ được gọi là Mẹ Thiên Chúa, điều này không có nghĩa ngài là mẹ của thiên tính, nhưng đúng hơn là ngài là Mẹ Đức Kitô theo nhân tính nên cũng là mẹ của ngôi vị chiếm hữu thiên tính và nhân tính.
Trong Kinh Thánh, có hai luận chứng gián tiếp để có thể khẳng định Đức trinh nữ là Mẹ Thiên Chúa: Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật (Ga 5,20) và Đức trinh nữ là Mẹ của Đức Giêsu Kitô (Mt 1,18).
Cũng cần lưu ý rằng, danh xưng Thiên Chúa là chung cho ba ngôi vị, tức là đồng thời chỉ về Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Nhưng điều đó không có nghĩa là Đức trinh nữ là Mẹ Thiên Chúa nên cũng là Mẹ Chúa Cha và là Mẹ Chúa Thánh Thần nữa. Bởi vì, dù rằng danh xưng Thiên Chúa là chung cho ba ngôi vị Thiên Chúa, nhưng vẫn có khi chỉ biểu thị một ngôi vị Chúa Cha, hoặc một ngôi vị Chúa Con, hoặc một ngôi vị Chúa Thánh Thần. Cho nên, khi nói: "Đức Trinh Nữ là Mẹ Thiên Chúa", ta có ý nói rằng danh xưng Thiên Chúa trong công thức này chỉ biểu thị ngôi vị Chúa Con nhập thể mà thôi.
5. Hai tư cách làm con của Đức Kitô
Hoặc có thể đặt vấn đề như sau: Việc làm con dựa vào sự sinh ra hay dựa vào ngôi vị? Sở dĩ vấn đề được đặt ra là vì nơi Đức Kitô có hai bản tính trong một ngôi vị. Trong đó, hai bản tính tương đương với hai lần sinh ra, nhưng xét về chủ thể sinh ra thì chỉ có một ngôi vị mà thôi.
Xét theo bản tính, điều hiển nhiên là hai lần sinh ra của Đức Kitô từ Chúa Cha trong vĩnh cửu và từ người mẹ trong thời gian đã không trong cùng một lần cũng như không trong cùng một cách. Như vậy, hai sự sinh ra này khác nhau cách rõ ràng. Do đó, cần phải nói rằng có hai tư cách làm con khác nhau trong Chúa Kitô, một trong thời gian và một trong vĩnh cửu.
Xét theo chủ thể, Đức Kitô không có ngôi vị nào khác ngoại trừ ngôi vị vĩnh cửu. Do đó, Ngài không thể có tư cách làm con nào khác ngoài ngôi vị vĩnh cửu. Vậy nên, mối quan hệ huyết thống giữa ngôi vị Đức Kitô với mẹ của Người không thể là mối quan hệ thực sự.
Như vậy, nếu câu trả lời là Đức Kitô có hai tư cách làm con thì đó là việc Ngài làm con của Chúa Cha và của Đức Maria theo từng bản tính. Còn nếu câu trả lời là Đức Kitô chỉ có một tư cách làm con thì có nghĩa là đang phủ nhận tư cách làm con của Ngài với Đức Maria trong tư cách Ngài là ngôi vị Thiên Chúa. Và vì vậy, xét về từng khía cạnh thì cả hai ý kiến đều có phần đúng.
6. Sự sinh con không đau đớn của Đức Maria
Thánh Tôma đã nói ở ST III, q.28, a.2 như sau: Đức Kitô được sinh ra bởi Đức Maria và bởi quyền năng Thiên Chúa nên thân thể Mẹ không bị phá vỡ hoặc bị xâm phạm. Đức Maria cũng không phải chịu đựng những cơn đau đẻ, cũng không cần đến sự giúp đỡ của các bà đỡ để sinh con như tin mừng ngụy thư Giacôbê nói.
Một vấn nạn được đặt ra ở đây là, rõ ràng là chết và đau đớn khi sinh con đều là hậu quả của tội nguyên tổ, mà Đức Giêsu cũng phải chết, vậy phải chăng Đức Maria cũng phải chịu đau đớn khi sinh con mới phải? Chúng ta cần lưu ý phân biệt sự đau đớn mà Đức Giêsu phải chịu trong cuộc khổ nạn với sự đau đớn khi sinh con. Dẫu rằng, không ai phủ nhận sự chết và sự đau đớn khi sinh con đều là hậu quả của tội nguyên tổ. Tuy nhiên, cái chết của Đức Giêsu không phải là hậu quả của tội nguyên tổ, nhưng đúng ra là Ngài chết do ý chí vâng phục ngõ hầu đền tội cho chúng ta. Vậy nên, không có sự liên hệ nào giữa cái chết của Đức Giêsu và sự đau đớn khi sinh con của Đức Maria. Do đó, không thể dựa vào đó mà nói Đức Maria phải đau đớn khi sinh con. Nói cách khác, nhờ sự can thiệp đặc biệt của Thiên Chúa, Đức Maria đã thụ thai và sinh con trinh khiết mà không hề có sự biến đổi hay đau đớn nào ở thân xác.
7. Nơi sinh của Đức Kitô
Đức Giêsu sinh ra ở Bêlem - đây là điều hiển nhiên đã được các tác giả Tin Mừng xác nhận. Thánh Tôma không có ý lật lại vấn đề để xem có đúng là Ngài sinh ra ở đó không, nhưng đúng hơn, thánh nhân đang tìm những lý chứng để thấy sự việc hợp lý về mặt thần học. Trong chiều hướng đó, thánh nhân nêu ra hai lý do để Đức Giêsu sinh ra ở Bêlem mà không phải ở chỗ khác như Giêrusalem, Nazaret, hay Rôma. Cách đặt vấn đề như vậy thoạt nhìn có vẻ dông dài và không cần thiết, vì trên thực tế, Đức Giêsu đã sinh ra ở Bêlem rồi (ít là theo chứng cứ trong Kinh Thánh) và Ngài chắc chắn đã không sinh ra ở nơi khác. Tuy nhiên, nếu suy xét kỹ hơn thì lối đặt vấn đề như vậy sẽ giúp hiểu được những ý nghĩa khác nhau của việc đã rồi.
Trước hết, hai lý do mà thánh Tôma đưa ra để biện minh cho sự phù hợp của Bêlem để trở thành nơi Đức Kitô sinh ra là:
- Theo KinhThánh, Đức Kitô được sinh ra theo dòng dõi vua Đavít về huyết thống, mà Bêlem là nơi vua Đavít sinh ra, nên một hợp lý thì Đức Giêsu phải được sinh ra ở đó. Nhờ vậy, Đức Giêsu mới có đủ tư cách để hoàn trọn lời hứa Thiên Chúa đã hứa ban cho nhà Đavít, đó chính là lời hứa cho vương triều Đavít kéo dài đến vô cùng tận.
- Theo giải thích của thánh Grêgôriô, Bêlem nghĩa là nhà bánh. Điều này như một tiên trưng cho việc Đức Giêsu - qua cái chết và sự phục sinh của Người - trở thành Bánh Hằng Sống cho muôn người.
Trên đây là những lý chứng thuận, ngoài ra còn có những lý chứng nghịch để giúp chúng ta khám phá ra những ý nghĩa khác của việc Đức Giêsu sinh ở Bêlem:
- Đức Giêsu không sinh ra ở Giêrusalem. Có hai ý nghĩa: một là vì cuộc đời Đức Giêsu được hoạ theo cuộc đời vua Đavít, vua trở nên hình bóng của Đức Giêsu. Do đó, vì vua sinh ở Bêlem nhưng thiết lập ngai vàng và xây dựng đền thờ ở Giêrusalem, nên Đức Giêsu cũng phải được sinh ra ở Bêlem và thiết lập nước Thiên Chúa và chức tư tế qua cái chết ở Giêsuralem; hai là Ngài muốn nêu gương về một đời sống khó nghèo chứ không hướng tới một đời sống đầy đủ tiện nghi như ở đô thành Giêrusalem, sâu xa hơn nữa, Ngài muốn hướng con người đến đô thành của Thiên Chúa hơn là đô thành của con người.
- Đức Giêsu không sinh ra ở Nazarét. Dù rằng Nazarét là quê hương của Ngài nhưng Ngài chọn sinh ra ở Bêlem như một khách qua đường để nhấn mạnh cho thấy rằng quê hương trần thế không quan trọng cho bằng quê hương trên trời.
- Đức Giêsu không sinh ra ở Rôma. Nếu Ngài được sinh ra ở Rôma, hẳn là việc loan báo Tin Mừng đã dễ dàng hơn rất nhiều vì Rôma lúc bấy giờ đang thống trị thế giới (đây là cách nói để thấy mức độ hùng mạnh của đế quốc Rôma, còn trên thực tế thì không phải vậy, vì đơn cử như nước Việt Nam chưa từng bị Rôma chiếm đóng). Thế nhưng Ngài đã chọn nơi nghèo, người mẹ nghèo để gây dựng sự nghiệp thay vì chọn nơi đế quốc và thuộc về một hoàng triều, đó là để nêu bật thiên tính của Ngài. Ngài biến Rôma thành thủ đô của Hội Thánh không phải vì quyền bính trần gian Ngài có được ở nơi này nhưng đó là dấu chỉ chiến thắng hoàn toàn của vương quốc Thiên Chúa.
8. Thời điểm Đức Kitô sinh ra
Đối với chúng ta, sự sinh ra chịu ảnh hưởng của quy luật thời gian, nghĩa là chúng ta khi sinh ra được đặt để vào một thời điểm lịch sử nào đó; còn với Đức Kitô, vì là Chúa và là Đấng sáng tạo mọi thời gian, nên Ngài đã chọn cho mình thời điểm sẽ sinh ra, chứ không chịu sự chi phối của thời gian. Thêm nữa, những điều thuộc về Thiên Chúa đều được sắp xếp và sắp xếp một cách phù hợp, nên Đức Kitô đã được sinh ra vào thời điểm thích hợp nhất. Nói cách khác, không phải Đức Kitô sinh ra ở hoàn cảnh nào, nhưng đúng hơn là hoàn cảnh nào phù hợp cho việc Ngài sinh ra. Sự phù hợp ở đây là gì? Chúng ta cùng xem xét 5 điểm sau:
- Đức Kitô đến để khôi phục chúng ta khỏi tình trạng nô lệ. Cũng như việc Ngài đã chết để chúng ta được sống, thì ở đây Ngài đã hạ cố nhập thể vào thời điểm của cuộc điều tra dân số của Cêsarê để trở thành một người tùng phục, hầu để giải thoát chúng ta.
- Đức Kitô đến để thống lĩnh nền hoà bình. Theo thánh Tôma, vào thời đó, khi cả thế giới sống dưới quyền cai trị của một người duy nhất là Cêsarê, thì thế giới có hòa bình nhất. Tương ứng như thế, Đức Kitô đến để tập hợp muôn dân thành một đàn chiên và Ngài là sự bình an của chúng ta.
- Đức Kitô đến để đập tan bất công. Theo thánh Tôma, vào thời đó, Hêrôđê là một vị vua ngoại quốc đang cai trị dân Do Thái, ông đưa ra các luật lệ bất công. Mà theo truyền thống Do Thái, khi các vua sa lầy vào tội lỗi thì sẽ có vị Ngôn sứ đến để cứu vãn. Áp dụng vào Đức Kitô, khi luật pháp của Thiên Chúa bị đặt dưới quyền lực của một vị vua bất công, thì Ngài đã ra đời để cứu vãn tình thế.
- Đức Kitô đến để đem lại ánh sáng cho thế gian. Đó là lý do vì sao Ngài sinh ra khi ánh sáng hừng đông bắt đầu ló rạng.
- Đức Kitô đến để nêu gương về một đời sống khổ hạnh. Chính Ngài đã chọn sinh ra vào mùa đông là mùa khắc nghiệt nhất trong năm để cùng với chúng ta nếm trải những đau khổ về thể xác.
KẾT LUẬN
Sau khi đã rảo qua một vòng khảo luận về cuộc giáng sinh của Đức Giêsu Kitô của thánh Tôma trong Summa Theologiae, và đối chiếu điểm nhấn trong bản văn của thánh nhân với các suy tư khác nhau trong dòng lịch sử Giáo Hội, chúng tôi muốn kết thúc đề tài bằng việc tóm lại những bài học được rút ra theo từng chủ đề của Quaestio 35:
- Cuộc giáng sinh biểu lộ mầu nhiệm Đức Kitô: Với việc đảm nhận bản tính loài người nhưng vẫn bảo tồn ngôi vị Thiên Chúa của Ngôi Lời Nhập Thể, các tín hữu được mời gọi tìm hiểu một cách toàn diện về con người của Đức Giêsu qua các sự kiện, các giáo huấn, các việc làm của Người. Người tín hữu mọi thời cần phải trả lời cho câu hỏi mà chính Đức Kitô đã nêu ra cách đây 2000 năm: Phần anh em, anh em bảo Thầy là ai? Câu trả lời dưới ánh sáng đức tin cho chúng ta biết Ngài không những là một con người thực sự nhưng ẩn sâu bên trong cái yếu đuối của xác thể đó còn là một ngôi vị Thiên Chúa. Ngôi vị ấy chỉ thực sự tỏ hiện sau cuộc phục sinh vinh hiển.
- Cuộc giáng sinh giúp nêu bật vai trò của Đức Maria trong lịch sử cứu độ: Khi hạ sinh Đức Kitô, Đức Maria không chỉ đảm nhận tư cách làm mẹ của một con người nhưng Mẹ thực sự là Mẹ Thiên Chúa. Đấng được chúc phúc hơn các người phụ nữ là người đầu tiên lãnh nhận món quà vô giá mà Thiên Chúa ban cho nhân loại và qua Mẹ mà món quà ấy được ban cho nhân loại. Với tước vị và phẩm giá vượt trội như vậy, Mẹ đáng được tôn kính như một vị thánh vĩ đại nhất trong các vị thánh đã được cứu chuộc nhờ công trình của Con Mẹ.
- Cuộc giáng sinh là khởi đầu cho Vương quốc của Thiên Chúa trên trần gian: Những hình ảnh trái ngược hoàn toàn của Hài Nhi yếu ớt, nghèo nàn với một vị cứu tinh mà dân Israel đang mong đợi nhằm để nói lên quyền thế của Thiên Chúa thì không phụ thuộc vào của cải vật chất của thế gian này. Ngôi Lời làm người không phải để hưởng vinh hoa phú quý của trần gian nhưng để làm cho thế giới này trở nên giàu sang ân sủng, sự bình an và niềm vui của Ngài. Chính trong hình ảnh bình dị như thế mà Thiên Chúa nêu gương về một đời sống thanh thoát, không vướng bận lo toan cuộc sống cho những ai tin vào Người.
Với mục đích trình bày tóm lược tín lý để dẫn vào luân lý cho các “tân sinh”, thánh Tôma đã thực sự làm sáng tỏ mầu nhiệm Giáng sinh của Đức Kitô. Đối với thời đại chúng ta, khảo luận này cung cấp cho những ai đang tìm hiểu đức tin một nền tảng đạo lý vững chắc và ẩn bên dưới là những hướng dẫn sâu sắc về đời sống để các tín hữu có thể sống trọn vẹn mầu nhiệm này. Summa Theologiae vẫn đang đóng vai trò quan trọng trong thế giới thần học từ lúc ra đời cho tới nay. Vậy nên, không có lý do gì để chúng ta phải nghi ngại khi nghiên cứu, học hỏi khảo luận về cuộc giáng sinh của thánh Tôma và áp dụng cho chính đời sống của chúng ta.
[1] Ngôi vị được chuyển dịch từ các từ có gốc tiếng Hy Lạp là prosôpon hoặc hypostasis. Prosôpon nghĩa là khuôn mặt (tiếng Latinh là persona) hay nguồn các mối tương quan. Hypostasis nghĩa là cái đứng ở dưới, cái có thể tự hiện hữu nơi mình. Từ thời các Giáo phụ, khái niệm này được "rửa tội" theo nghĩa một hữu thể thông hiệp, nhằm giúp suy tư và bàn luận về mầu nhiệm một Thiên Chúa mà có Ba Ngôi (ba ngôi vị với một bản tính Thiên Chúa) và mầu nhiệm Đức Kitô Giêsu (một ngôi vị mà có hai bản tính). Sau này, triết học định nghĩa ngôi vị là bản thể cá biệt có lý tính. Theo đó, ngôi vị là một hữu thể lập hữu, có lý trí, ý chí và tự do, hiện hữu nơi chính mình, không phân chia trong chính mình, phân biệt khỏi mọi sự vật khác. Tuy nhiên, ngôi vị chỉ tồn tại và luôn tồn tại trong mối tương quan thiết yếu với những gì khác với mình. Theo nghĩa này, ngôi vị là danh xưng dùng để chỉ những hữu thể hoàn bị nhất vốn tồn tại, tức là Thiên Chúa, các thiên thần và con người.
[2] Bản tính (hay bản chất) được chuyển dịch từ hạn từ natura trong tiếng Latinh. Trong triết học Aristote, bản tính để nói về yếu tố điều hành các hoạt động của hữu thể, nếu thiếu thì hữu thể đó không còn là nó nữa. Theo đó, bản tính là cách gọi khác của yếu tính. Nếu yếu tính hướng về hiện hữu, là chủ thể đón nhận hiện hữu; thì bản tính hướng về hành động, được xét như nguồn phát xuất ra các hành động.