Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

ĐỐI CHIẾU THỜI GIAN THEO TRIẾT HỌC VÀ VĂN HÓA VỚI THỜI GIAN THEO CÁNH CHUNG LUẬN KITÔ GIÁO

Administrator
2021-12-06 00:51 UTC+7 30
Đaminh Đinh Trí Dũng O.P. Trích Thời sự Thần học, Số 75 – 02/2017 I. Thời gian: từ ngữ và phân loại. 1/ Thời và Thì. 2/ Thời gian khoa học – sinh lý – tâm lý II. Thời gian theo các triết học và các nền văn hóa 1. Theo Triết học: Tây phương […]

Đaminh Đinh Trí Dũng O.P.

Trích Thời sự Thần học, Số 75 – 02/2017

I. Thời gian: từ ngữ và phân loại.

1/ ThờiThì.

2/ Thời gian khoa học – sinh lý – tâm lý

II. Thời gian theo các triết học và các nền văn hóa

1. Theo Triết học: Tây phương – Đông phương

2. Các nền văn hóa: châu Âu – ngoài châu Âu

III Thời gian theo cánh chung luận Kitô giáo

1. Từ ngữ: chronos, kairos, aion

2. Bốn lối tiếp cận: như niên đại – như thời cơ – như sự hoàn thành – vĩnh cửu

3. Hướng tới một lối tiếp cận khác về thời gian tính

———————————- 

Dẫn nhập

Trong các thư thánh Phaolô, khái niệm “kết thúc thời gian” xuất hiện khá nhiều. Thánh Gioan cũng nhấn mạnh đến khái niệm thời gian qua những hình ảnh và con số. Do đó, câu hỏi đặt ra là: tác giả muốn nói gì khi sử dụng những từ ngữ liên hệ đến thời gian và chúng ta cần hiểu như thế nào cho đúng? Các nền văn hóa và triết lý khác nhau có thể có những cách hiểu về hạn từ “thời gian” khác nhau. Văn hoá Âu châu làm chúng ta quen coi thời gian như sự nối tiếp các khoảnh khắc, không thể đảo ngược. Đó là thời gian của các ngành khoa học. Nhưng phải chăng đó là quan niệm duy nhất, phải chăng chỉ có quan niệm này là đúng?

Thời gian không phải là một hữu thể bên cạnh những hữu thể khác. Nó là phạm trù qua đó giúp chúng ta nắm bắt được thực tại: các thực tại “ở trong” thời gian. Thực tại cánh chung Kitô giáo mang tính cách siêu việt, vượt trên những yếu tố lịch sử đơn thuần; việc áp dụng khái niệm thời gian “thông thường” có thể diễn tả hết ý nghĩa siêu việt mà thực tại đó muốn diễn tả không? Câu trả lời là không. Chính từ điểm này mà chúng ta cần mở rộng khái niệm thời gian để từ đó nắm bắt được thực tại siêu việt này.

Để làm sáng tỏ ý tưởng này, (1) trước hết chúng tôi bàn qua những quan niệm thông thường về thời gian; (2) tiếp theo, tìm hiểu các quan niệm thời gian theo triết học và trong các nền văn hóa; (3) kế đó, trình bày quan niệm thời gian trong Kinh Thánh; và (4) cuối cùng, đưa ra một hướng tiếp cận về thời gian để nắm bắt được thực tại cánh chung Kitô giáo.

I. Thời gian: từ ngữ và phân loại

1. Thời và Thì

Theo ý kiến của nhà sử học Lê Văn Lan, nguyên gốc của chữ Thời là chữ Thì. Thời vua Tự Đức, do tên cúng cơm của nhà vua là Nguyễn Phúc Thì, tên chữ là Hồng Nhậm (nghĩa là chim Hồng Hộc), nên trong niên hiệu Tự Đức, triều đình bắt kiêng chữ Thì, buộc đổi tất cả thành chữ Thời, ai nói chữ Thì sẽ bị quy tội phạm húy. Song, trong dân gian vẫn quen dùng chữ thì mà không sợ phạm húy. Họ vẫn nói “con gái đương thì”, hoặc “cây lúa đương thì”… Theo các nhà Nho học Việt Nam, chữ Thời được quán triệt như một phạm trù triết học[1].

Về nguyên ngữ trong tiếng Hán phồn thể, chữ Thì là chữ , có 10 nét, trong đó có bộ nhật日. Chữ thì có thể có nhiều nghĩa khác nhau. Chẳng hạn khi chữ “thì” ở dạng danh từ thì có thể có nghĩa là: mùa trong “tứ thì” (bốn mùa); giờ trong “thần thì” (giờ thìn); một khoảng thời gian dài như “cổ thì” (thời xưa), “Đường thì” (thời Đường); thời gian, năm tháng như trong “thì bất cửu lưu” (năm tháng không ở lại lâu); cơ hội, dịp trong “thì cơ” (thời cơ); hay lúc ấy, khi ấy trong câu “Thì Tào quân kiêm dĩ cơ dịch, tử giả thái bán” (khi ấy quân của Tào Tháo vừa đói vừa bị bệnh dịch, chết hơn một nửa). Còn khi chữ “thì” ở dạng tính từ thì có nghĩa là bây giờ, hiện nay như trong “thì sự” (thời sự), “thì cục” (thời cuộc), “thì trang” (thời trang). Khi chữ “thì” làm trạng từ thì có thể có các nghĩa như: thường, thường xuyên trong “thì thì như thử” (thường thường như thế); đúng thời, hợp thời, đang thời như trong “thời vụ” (đang mùa làm ruộng), “hợp thời”; hay có khi, thỉnh thoảng, đôi khi trong “tha thì lai thì bất lai” (anh ấy có khi đến có khi không đến). Cần ghi nhận là chữ “thì” sau này phần lớn được đọc là chữ “thời” để tránh phạm húy[2]. Như vậy, riêng chữ “thời” hay chữ “thì” có thể có rất nhiều nghĩa khác nhau. Do vậy, thật khó để có thể đưa ra một định nghĩa chung nắm bắt tất cả thực tại này. Thay vào đó, chúng ta có thể tìm hiểu thời gian qua những yếu tố khách quan và chủ quan ngõ hầu có được một cái nhìn đa diện hơn về khái niệm này.

2. Phân loại thời gian[3]

Trước hết, chúng ta khởi đầu bằng chỗ dễ nhất, nghĩa là từ lối phân chia thời gian. Thời gian thường được chia làm một số loại như sau: khoa học, sinh lý, tâm lý và triết lý. Ở đây, chúng tôi sẽ trình bày về cách phân loại thời gian theo khoa học, sinh học và tâm lý, còn thời gian theo triết học sẽ được trình bày sâu hơn ở phần dưới.

a. Thời gian khoa học:

Là chính sự phân chia thời gian thường nghiệm ra những quãng đồng đều do đồng hồ, nó không có màu sắc, không phẩm tính. Sáng cũng như trưa, chiều cũng như tối. Đông hạ cũng như xuân thu, mặc cho kẻ ở trong lao tù hay hai anh chị vừa tìm ra được chỗ thanh vắng để tình tự, thời gian chạy, bất khả phục hồi, thời gian không nể, cứ trôi, cứ kéo. Đó là thời gian được ban đồng đều cho mọi người, và con người không tham dự vào đó được chi cả. Nó chỉ là sự kế tiếp của vạn vật hoàn toàn ngoại tại, lạnh lùng, máy móc, ít ra như kiểu thường tình nghĩ tưởng.

b. Thời gian sinh lý:

Thời gian sinh lý là thời gian đã có tác động của con người tham dự phần nào, dầu mới chỉ là sinh lý. Có thể gọi nó là thời gian tăng trưởng, đã giàu chất “thâu hóa nội khởi” hơn thời gian kế tiếp của khoa học, tuy hãy còn hạn cục, chưa lan rộng tới miền ý thức, nhưng đã có chất người bên trong, nên đã biến dạng co giãn theo người, theo tuổi, theo một chút tâm trạng. Vì thời gian sinh lý căn cứ trên cuộc sống cụ thể, trên khả năng gia tăng huyết thanh với các tế bào. Tuổi trẻ chứa nhiều thời gian sinh lý hơn tuổi già, vì ở tuổi già đã ngưng dần sự phát triển: một vết thương ở một em bé 10 tuổi chóng khỏi hơn năm lần ở người 50 tuổi. Người ta nhận ra thời gian sinh lý rất khác với tuổi khai sinh, và ở mỗi người cũng có sự khác nhau.

c. Thời gian tâm lý:

Vượt lên một bước nữa là thời gian tâm lý. Đó là thời gian đo bằng những cảm xúc, tâm tình, ấn tượng, tùy với mức độ sâu đậm của nó mà thấy vắn dài. Thường tuổi trẻ thấy thời gian đi mau hơn vì cuộc sống gặp rất nhiều những khám phá mới lạ trên trường đời, nhân tình thế sự: nào là sinh ngữ, khoa học, văn chương; nào là các thầy dạy mỗi năm mỗi đổi, rồi với biết bao cái mới gặp lần đầu tiên làm cho say sưa, nhất là khi tới cuộc khám phá tha nhân, tha tính và cuộc chạy đua tìm lứa đôi, gầy dựng sự nghiệp…

Biết bao hồi hộp, lo âu, mừng vui, cảm xúc, chờ mong tất cả là bấy nhiêu cây số cắm mốc trên đường đời, càng nhiều mốc càng ít cảm thấy thời gian dài, nhưng vắn dài còn tùy theo cường độ của cảm xúc: khi yêu thương quá nồng nhiệt thì chỉ một ngày không thấy mặt đã kêu “nhất nhật bất kiến như tam nguyệt hề”. Đừng tưởng đó là câu nói vu khoát, mà thật tình cảm thấy lòng như vậy. Thế nhưng năm tháng gieo nặng lên tấm thân bao nhiêu cái trước kia mới lạ làm cho hồi hộp mong chờ, thì cùng với số tuổi gia tăng, đồng thời dần dần trở thành quen thuộc có khi nhàm chán, không còn gây được những cảm xúc mạnh như trước, nên thường thường người già thấy năm tháng chậm hơn. Tuy nhiên, vì là thời gian tâm lý nên có thể đi ngược lại. Thí dụ người già biết trở lại thâm tâm để phát kiến ra những chân lý tiềm ẩn trong nhân tính, thì bấy giờ lại như bước vào một “trời mới đất mới”, và sống lại một mùa xuân mới đầy “sinh thú siêu việt” vì khám phá ra những tiềm lực lạ lùng trong tâm khảm mà trước kia không để ý tới. Chỉ có những người ăn không ngồi rồi mới thấy thời gian dài dằng dặc “nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại”.

II. Thời gian theo triết học và các nền văn hóa

1. Thời gian theo triết học[4]

Có những luồng tư tưởng khác nhau về khái niệm thời gian trong triết học. Phần lớn những suy tư về thời gian đến từ triết học Tây Phương, nền triết lý Đông Phương gần như ít trình bày về điều này.

a. Những nhân vật nổi bật của triết học Tây Phương đều bàn đến chủ đề thời gian[5]:

– Heraclitus (khoảng 544 TCN – 483 TCN), xuất thân trong một gia đình quý tộc ở Ionia nhưng ông sống một cuộc đời rất nghèo khổ và cô độc. Dưới con mắt của Heraclitus, mọi sự vật trong thế giới của chúng ta luôn luôn thay đổi, vận động, phát triển không ngừng. Thế giới như một dòng chảy, cứ trôi đi mãi. Từ đó, ông đưa ra luận điểm nổi tiếng: “Người ta không bao giờ tắm hai lần ở một dòng sông”. Tất cả luôn luôn biến đổi, cái này đưa tới cái kia, vừa chống đối nhau vừa nảy sinh ra nhau, như “sáng/tối”, “nóng/lạnh”, “ngày/đêm”. Không có gì thường xuyên biến đổi như một dòng sông nhưng cũng không có gì ổn định như dòng sông. Bởi khi nó vận động cũng là khi nó đứng im. Nói cách khác, tính biến đổi của dòng sông không loại trừ sự đứng im, tức là cái mà nhờ đó dòng sông là xác định, ổn định và bất biến. Ở Heraclitus, không những sông mà cả mặt trời cũng thường xuyên và liên tục đổi mới. Như thế, thời gian có tính “chuyển động” chứ không đứng im.

– Triết gia Parménide thì suy tư ngược lại. Ông cho rằng sự có mặt là vĩnh cửu, và tất cả đổi thay chỉ là những vẻ bên ngoài. Cũng trong chiều hướng này, ông Platon chủ trương bên cạnh thế giới hiện tượng đổi thay, còn có thế giới của Tư tưởng, của Linh Hồn, một thế giới vĩnh cửu bất biến, vượt khỏi thời gian. Thời gian đương nhiên trở thành “hình ảnh chuyển động của sự vĩnh cửu bất động”.

–  Đối với ông Aristotle (384 TCN – 322 TCN), bản chất của thiên nhiên là thay đổi và ông đã định nghĩa môn triết học của thiên nhiên là sự khảo sát các sự vật đổi thay: “Thời gian là thước đo của sự chuyển động, giữa trước và sau; thời gian liên tục, bởi vì thuộc vào sự liên tục”. Chỉ có thời gian hiện tại mới là thời gian thực sự.

– Theo Epictetus (50-120 sau CN), một triết gia vĩ đại thuộc trường phái Khắc Kỷ (Stoicism), tri túc (contentment), có nghĩa là biết đủ, là một trong những yếu tố có giá trị nhất trong cuộc sống -một đời sống lặng lẽ, bình yên và điềm nhiên. Niềm an lạc ấy được tìm thấy thông qua sự tự kiềm chế hay tự chủ; đó là khả năng chế ngự lòng ham muốn và làm chủ bản thân, không để mình buông thả theo dục vọng. Theo trường phái Khắc Kỷ, thời gian không có thực chất, nhưng “mọi sự vật hiện hữu và chuyển động chính ở trong thời gian”. Thời gian nằm trong cuộc sống của thế giới, tức là của Tạo Hóa, bởi vì vũ trụ chính là Thiên Nhiên, là Tạo Hóa. Do đó, nhà hiền triết khắc kỷ tuân theo và chấp nhận thời gian, sống phù hợp với thời gian, để hòa đồng với Tạo Hóa.

–  G. W. Leibniz (1646 –  1716) là một nhà bác học người Đức, đã đóng một vai trò quan trọng trong chính trị của châu Âu và các vấn đề ngoại giao trong thời đại của ông. Ông chiếm vị trí quan trọng ngang nhau trong cả lịch sử triết học và lịch sử toán học. Trong triết học, ông được nhớ đến nhiều nhất với chủ nghĩa lạc quan. Kết luận của ông là vũ trụ của chúng ta là, trong một nghĩa giới hạn, một vũ trụ tốt nhất mà Thượng Đế có thể tạo ra. Leibniz cho rằng thời gian cũng như không gian là những gì hoàn toàn tương đối, không có thực thể: không gian là “trình tự của những gì có khả năng cùng có mặt”, trong khi đó thời gian là “trình tự của những gì có khả năng kế tiếp nhau”, nhưng có liên hệ với nhau”. Đó chính là một vấn đề nan giải của thời gian, bởi vì làm thế nào giải thích được tính chất đôi của thời gian, vừa là kế tiếp vừa là liên tục, vừa phân biệt vừa bao gồm những giây lát hình thành nó.

–  Theo Immanuel Kant (1724-1804), con người có một giác quan bên ngoài, mang cho chúng ta ý tưởng về không gian và có một giác quan nội tại mà với nó, con người tạo ra ý tưởng về thời gian. Không gian và thời gian là những điều kiện tiên quyết cho tri thức. Người ta không thể suy tưởng được những đối tượng không có không gian và thời gian. Theo ý tưởng thông thường về thế giới bên ngoài thì có những làn sóng ánh sáng, được tiếp nhận bằng cặp mắt – cặp mắt bị kích thích. Trong bộ não, trực quan cảm năng này được biến thành cái trình hiện cho người ta thấy. Thế giới bên ngoài như vậy đã là một ý tưởng chủ quan. Không gian và thời gian, trong vai trò hình thái thuần tuý của trực quan cảm năng, được bổ sung vào các cảm nhận. Chúng là những hình thái thuần tuý của trực quan con người, không có giá trị cho những đối tượng tự thể… Trường hợp con người không tưởng tượng được những đối tượng không có không gian và thời gian được Kant giải thích là nằm ở sự hạn chế của con người. Không gian và thời gian có trong những vật tự thể hay không là một điều con người không thể biết được.

–  G. W. F. Hegel (1770 – 1831) là một triết gia người Đức, được coi là người sáng lập ra chủ nghĩa duy tâm. Đối với Hegel, thời gian có ba kích thước: quá khứ là sự hiện hữu như bị xóa bỏ, như không có mặt; tương lai là sự không có mặt nhưng tất định có; hiện tại là sự trở thành lập tức, và là cầu nối kết hợp cả quá khứ và tương lai. “Chỉ có thời gian khi có lịch sử, tức là có sự hiện hữu của con người… Con người ở trong thời gian, và thời gian không có ngoài con người; do đó con người chính là thời gian và thời gian chính là con người”.

–  Nhà khoa học Mỹ, David Allan thuộc viện tiêu chuẩn và kỹ thuật quốc gia Hoa Kỳ, đã phát biểu: “Đồng hồ là một dụng cụ rất hạn chế. Thực ra, không có quá khứ hay tương lai: quá khứ chỉ là một ý niệm nhớ lại, tương lai chỉ là một ý niệm chờ mong. Chiếc đồng hồ chỉ báo cho ta khoảnh khắc hiện tại. Đúng không? Ta làm gì thấy quá khứ hay tương lai trên mặt đồng hồ”.

Nói tóm lại, thời gian không phải là một, mà là hai: đó vừa là một định luật tự nhiên, khách quan, bao trùm, vừa là một khái niệm chủ quan của con người. Chỉ có con người mới có ý thức về thời gian. Con người là sinh vật duy nhất biết rằng mình sẽ chết, và biết rằng thời gian liên tục trôi qua. Nơi con người, phải có thời gian mới có hiện hữu.

b. Quan niệm về thời gian theo triết học Đông Phương cũng khác nhau trong các tôn giáo lớn tại Đông phương như Ấn Giáo, Khổng Giáo, Lão Giáo và Phật Giáo.

– Ấn Giáo: Các kinh Veda là các văn bản sớm nhất về triết học Ấn ĐộTriết học Ấn Giáo có niên đại từ cuối thiên niên kỷ 2 trước Công nguyên, mô tả vũ trụ học Hindu, trong đó vũ trụ đi qua các chu kỳ lặp đi lặp lại: sáng tạo, bảo tồn và hủy diệt. Thời gian đã là đề tài luôn kích thích mạnh mẽ óc suy tưởng của các triết gia Ấn. Họ nhận định rằng thời gian không những là tác nhân liên hệ đến sự hình thành của vũ trụ mà còn là một nhân tố chi phối đến vạn vật trong cuộc sống. Người Ấn trầm tư về thời gian trong trạng thái tĩnh hơn là động. Dù rằng vạn hữu trong thế gian luôn vận hành và biến đổi, nhưng tự thể của chúng vẫn thường còn và không bị chi phối bởi những biến dịch không ngừng của vũ trụ.

– Khổng giáo: Mọi sự vật đều biến chuyển theo những định luật tự nhiên, tức là luật biến hóa của vũ trụ. Khổng Tử ghi lại điều này trong Kinh Dịch: từ Thái Cực sinh ra Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi sinh ra Tứ tượng, Tứ tượng sinh Bát Quái, cho tới 64 Quái, với Ngũ Hành tương sinh tương khắc, sinh ra vạn vật.

– Lão giáo: Lão Tử trong Đạo Đức Kinh, cũng vạch rõ những biến chuyển tự nhiên của vũ trụ, nhưng khuyến cáo con người không nên cưỡng lại mà nên thuận với những biến đổi tự nhiên đó.

– Phật giáo: Khi đề cập đến vấn đề thời gian và những khía cạnh liên quan đến thế giới, đức Phật thường dạy rằng với tri kiến hạn hẹp và tâm thức còn đầy dẫy vọng tưởng của mình, con người không thể nào thấu hiểu một cách tường tận về vấn đề khởi nguyên của vũ trụ. Con người chỉ có thể hiểu một cách tổng quát rằng sự hình thành và hoại diệt của thế giới diễn ra trong nhiều khoảng thời gian dài (thuật ngữ Phật giáo gọi là kiếp) khác nhau… Thời gian của mỗi kiếp trong mỗi cảnh giới thường tùy thuộc vào cộng nghiệp của chúng sanh trong cảnh giới ấy. Đức Phật đã dạy hàng đệ tử của Ngài không nên truy tầm về quá khứ mà cũng chẳng nên ước vọng nhiều về tương lai; hiện tại là giây phút mầu nhiệm và ý nghĩa nhất trong sự thăng hoa đời sống của mỗi người. Sống với hiện tại là lối sống mà các bậc hiền nhân đã từng thể nghiệm và nhắc nhở cho các thế hệ mai sau. Chính sự an trú trong lối sống đó, con người sẽ nhận ra sự đồng nhất giữa mình và người, giữa người và vạn vật để từ đó trực nhận rằng bản ngã chỉ là một cái bóng mờ xa xăm và sự hiện hữu của mình luôn tùy thuộc vào sự hiện hữu của người khác và vô số nhân duyên khác… “Theo quan niệm Phật giáo, thời gian là một đại lượng tương đối; hiểu theo nghĩa không có tương quan với hiện tượng thì thời gian không có– Không có thể có thời gian tự thân”.

Nói tóm lại, trong các nền triết lý Đông Phương, khái niệm thời gian chỉ mang tính chất tương đối và thời gian tùy thuộc vào những vận hành của vũ trụ, không thể hoãn hồi lại được.

2. Thời gian theo các nền văn hóa

a. Quan niệm thời gian theo “văn hóa châu Âu

Trong văn hóa Tây Âu, thời gian được biểu thị bằng thần Chronos tay cầm bình cát, tay cầm lưỡi liềm. Bình cát tức là đồng hồ cát, căn cứ vào số cát chảy mà xác định thời khắc cách khoa học khách quan, nên được trình bày như đường thẳng, nghĩa là có một khởi điểm và một đích điểm: có sinh, có thành rồi đến hủy, đến diệt. Như thế thì nó có tính cách chảy thẳng một dòng, thời gian theo văn hóa Tây Âu là đường thẳng. Còn lưỡi liềm biểu thị tính cách bất khả phục hồi “ra đi không hẹn ngày về”. Lưỡi liềm cứ đều đều chặt xuống, cắt ra từng khúc nhỏ và nối đuôi nhau biến đi mất, níu lại không thể nào được nữa. Nếu vẽ lên giấy thì thời gian biểu thị qua những nét đứt quãng – – – chỉ dĩ vãng, hiện tại, tương lai. Ba lúc đó không có chi liên hệ tới nhau cả nên ta sẽ kêu là biệt thời. Vậy xét cơ cấu thời gian theo triết cổ điển Châu Âu, ta thấy đó là một biệt thời: chạy thẳng và bất khả phục hồi[6].

Việc phân chia thời gian thành những khoảnh khắc nối tiếp nhau trong văn hóa châu Âu thể hiện rõ nhất ở hình thức chia các thì của động từ. Động từ thay đổi về mặt hình thái học để diễn tả những cách thức khác nhau mà những tình trạng hay hành động khác nhau tác động lên chủ từ. Những cách thức này được xác định trong câu nói bằng sự thay đổi dạng thức của các từ. Sự thay đổi đó cũng nói lên mối tương quan giữa các từ. Trong Siêu hình học, Aristote đã phân biệt 10 loại tương quan, mà ông gọi là phạm trù (categories). Ông coi các phạm trù đó là phổ quát, vì nó tương ứng với 10 cách tương quan khác nhau giữa các từ trong ngôn ngữ Hy lạp[7].

Trong các ngôn ngữ châu Âu, các động từ không chỉ diễn tả sự kiện là diễn ra trước hay sau- tức là để nói đến thời gian-, chúng còn chỉ ra khía cạnh không có tính thời gian liên quan đến cách thức, các tình trạng hay hành động được xét đến[8]. Chẳng hạn sự khác nhau giữa thì quá khứ đơn và thì hoàn thành.

Khi nhận xét các thì trong tiếng Hy Lạp ở 1 Cr 15,4-5, chúng ta thấy rằng chính việc sử dụng các thì mang lại yếu tố độc đáo cho bản văn. Quả thế, thánh Phaolô trình bày các sự kiện lịch sử trong cuộc đời Đức Giêsu với việc dùng thì aorist– một thì chỉ diễn tả một hành động trong quá khứ-; thế nhưng khi trình bày về sự phục sinh thì lại dùng thì ‘quá khứ’ hoàn thành (perfect), một thì trong tiếng Hy lạp không chủ yếu nhắm về yếu tố thời gian nhưng nhấn mạnh “đến trạng thái hiện tại là kết quả của một hành động quá khứ”[9].

Ngoài ra, những suy tư về thời gian còn được trình bày khá độc đáo qua nghệ thuật kể lại (văn chương và điện ảnh), trong số đó có các tác giả nổi tiếng như Marcel Proust, Bergson, Marguerite Duras (Hiroshima tình yêu của tôi), Saint-John Perse. Ký ức giúp tái hiện lại những thời khắc quá khứ, thời gian không còn chỉ là “trôi đi” hay “trôi qua”, mà là “hồi lại”.

b. Các cách diễn tả thời gian khác trong các nền văn hoá ngoài châu Âu

Trong các nền văn hoá khác, có thể có những ý nghĩa khác nhau về thời gian:

– Trong các nền văn hoá hái lượm, người ta không phải gieo gặt, thì không có khái niệm “trước” mùa thu hoạch. Như thế, khái niệm thời gian không phải là yếu tố quan trọng và đáng được lưu ý.

– Trong phần lớn các ngôn ngữ, có một khuynh hướng diễn tả thời gian theo lối không gian. Chẳng hạn chúng ta nói rằng “hạn chót nộp bài gần đến rồi”, tức là “thời gian nộp bài” được diễn tả qua lối không gian với hạn từ “gần”. Trong phần lớn các nền văn hóa, tương lai là điều ở trước mắt và phải đối mặt còn quá khứ được xem là ở đằng sau. Thế nhưng, người Aymara ở Chilê phân chia thời gian khác với cách thức của này. Ngôn ngữ của họ diễn đạt theo cử chỉ, theo đó quá khứ được đồng hoá với cái ở phía trước, và tương lai với cái ở phía sau vì lẽ rằng người ta có thể nhìn thấy cái quá khứ, trong khi tương lai là cái chưa biết, người ta không “nhìn thấy” nó. Hiện nay Madagascar hay nơi những người Maori cũng có trường hợp tương tự.

– Thay vì có các thì quá khứ – hiện tại – tương lai, thì người Hipri, Ảrập, và nhiều ngôn ngữ khác tại Đông Phi (swahili) chỉ có hai thì: đã hoàn thành và chưa hoàn thành.

– Cũng có những ngôn ngữ không có hình thức chia các thì động từ, và cũng chẳng có những hình thái khác nhau để xác định vai trò của một từ trong câu (danh từ, động từ, tính từ…), các ngôn ngữ này được gọi là ngôn ngữ đơn lập (tiếng Hoa, tiếng Việt …). Khi cần họ sử dụng những từ diễn tả hành động đang diễn ra hay đã dừng lại, sự việc kéo dài, đồng thời hay lặp đi lặp lại… Chẳng hạn trong tiếng Việt, chúng ta sử dụng các từ còn, rồi, vẫn, sắp, cũng, cứ, đã, sẽ… để diễn tả quá khứ, hiện tại và tương lai.

– Thời gian Ấn Độ được biểu thị bằng con rắn cắn đuô Nếu vẽ ra thì chúng ta có một vòng tròn: O. Nhiều khi con rắn không cắn đuôi, nhưng cuốn chung quanh núi Meru cao mất hút vào mây mờ, mù mịt để biểu thị siêu việt thể hay là Brahma tuyệt đối, và lúc ấy ta có thể vẽ bằng một nét dọc là đường kính (đường dọc đứng), nghĩa là ngược hẳn với đường dọc ngang của Tây Âu.

– Nền văn hóa Viễn Đông biểu thị thời gian bằng Mã Đồ tức là “Long Mã Phụ Đồ” = con long mã chạy dài, như lời nói “bóng câu qua cửa sổ”, tức là đường dọc ngang (đường vĩ) nhưng trên lưng lại chở theo cái Hà Đồ, hình tròn để biểu thị thái cực đồ. Hình tròn cũng có thể thay thế bằng nét dọc (hay là kinh tuyến). Như vậy, thời gian Mã Đồ đặc biệt ở chỗ dồn đúc lại làm một với hai nét dọc và ngang, tạo nên hình thập tự. Cũng có thể vẽ nét kinh ngang, nhưng không bỏ được việc nối liền và lúc ấy ta có – – nghĩa là nét dưới chỉ biến dịch có hai đoạn, không liên hệ nhau, gọi là Tán, chỉ các hiện tượng dị biệt khác nhau, hay biệt thời: nhưng lại được có nét nối liền chỉ Tụ, chỉ Thường hàng nằm ngầm để nối các hiện tượng xuất xuất, hiện hiện, một tán, một tụ, một hằng, một biến hợp lại làm ra vũ trụ.

III. Thời gian theo nghĩa cánh chung luận Kitô giáo

1. Thời gian theo Kinh Thánh[10]

Trong Cựu ước, Kinh Thánh sử dụng hai từ Híp-ri “eth” và “zeman”. “eth” là thời gian theo nghĩa điểm thời gian, khoảng thời gian (St 8,11; Gr 8,12; Gv 9,11), thời gian xảy ra điều gì (Gr 5,24); thời cuộc (Et 1,13); thời khốn khổ (Tv 9.10). Còn “zeman” có nghĩa thời gian ấn định, thời gian thích hợp (Xh 9,5), thời gian đặc biệt (St 17,21; Gr 8,7; 1 Sm 9,24), khoảng thời gian ấn định xảy ra sự kiện quan trọng (Đn 12,7), thời gian của đại lễ, hội hè (Ac 2,7; Hs 2,13; Dcr 8,19), sự hội ngộ, gặp gỡ (1 V 8,4) như trong “lều thời gian = lều hội ngộ, lều gặp gỡ”. Như vậy “eth” là thời gian cụ thể theo nghĩa vật lý, thời gian vật lý, thời gian số lượng; còn “zeman” là thời gian đặc biệt, thời gian được ấn định, thời gian mà qua đó sự hội ngộ, gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người được thực hiện, thời gian này được coi như nơi để cho các biến cố quan trọng xảy ra: đại hội, thiết lập giao ước, … Bản LXX dùng hai từ Hy Lạp để dịch hai từ Híp-ri trên, đó là “chronos” để dịch từ “eth”, và “kairos” để dịch từ “eth” và “zeman”.

Trong Tân Ước, hai hạn từ thời gian “chronos” và “kairos” có nghĩa hoàn toàn khác hẳn nhau. Hạn từ “chronos” có khoảng 55 lần trong Tân Ước và khoảng 200 lần trong toàn bộ Kinh Thánh. Hạn từ “kairos ” có khoảng 85 lần trong Tân Ước và khoảng gần 600 lần trong toàn bộ Kinh Thánh. Vậy dựa vào cấp độ xuất hiện của hai hạn từ này trong Kinh Thánh, chúng ta có thể thấy được mức độ ý nghĩa của chúng thế nào rồi.

– Trước tiên, hạn từ “chronos” có nghĩa là thời gian của chuyển động, thời gian trước và sau, thời gian quá khứ, hiện tại, tương lai. Có thể nói, đặc điểm quan trọng của thời gian kiểu “chronos” là sự đo lường, kích thước, khuôn khổ. Thời gian này có kích thước và xác định được số lượng của thời gian, mà ta gọi bằng một từ dễ hiểu là “quantum” – thời gian của con số, của số lượng. Thời gian không thể đo lường thì không thể là thời gian kiểu “chronos”. Thời gian “chronos”, nếu đọc trong Tân ước, là thời gian của một việc gì đó cụ thể xảy ra (Mt 2,7.16; Lc 1,57), thời gian ước tính, đo lường được (Cv 13,18): “Trong thời gian chừng 40 năm, Người đã chịu đựng họ trong sa mạc”; thời gian của sự trói buộc (của ma quỷ, của bệnh tật) (Mc 9,21; Lc 8,7.29; Ga 5,6): Người hỏi cha nó: “Cháu bị như thế từ thời gian nào?”; thời gian của sự chóng qua (Lc 4,5): “Sau đó, quỷ dữ đem Người lên cao, và trong một lúc thời gian, chỉ cho Người thấy tất cả các nước thiên hạ”; thời gian của những ước muốn phàm trần (Cv 1,6): “Bấy giờ những người đang tụ họp ở đó hỏi Người rằng: “Lạy Chúa, có phải đây là thời gian Chúa sắp khôi phục vương quyền cho Ít-ra-en không?””; thời gian của cuộc sống tạm bợ (1 Pr 1,17): “Và nếu anh em kêu cầu Đấng xét xử không thiên vị theo công việc của mỗi người, mà nhìn nhận Đấng ấy là Cha, thì với lòng kính sợ, anh em hãy sống thời gian lữ hành của mình trên trần gian”; thời gian sống xa Chúa (1 Pr 4,3) : “Thật thế, trong quá khứ anh em đã sống theo sở thích dân ngoại: dâm ô, mê đắm, nhậu nhẹt, say sưa, chè chén, tin vơ thờ quấy, như vậy là quá đủ rồi ”; thời gian để hối cải (Kh 2,21): “Ta đã cho nó thời gian để hối cải, nhưng nó không muốn hối cải mà bỏ thói gian dâm”.

Như vậy, thời gian “chronos” là thời gian nay còn mai mất, thời gian của cái chóng qua, thời gian của cái mất mát, và vì thế có thể nói là thời gian của cái chết vĩnh viễn, mà Kinh Thánh gọi là yliB. tx;v; (šaHat Bülî) (hố diệt vong).

– Loại thời gian khác mà Tân Ước nói đến là “kairos”. Đọc trong Tân Ước, chúng ta thấy được ý nghĩa của thời gian loại “kairos”, đó là: thời gian của mạc khải (Mt 11,25) : “Vào lúc ấy, Đức Giêsu cất tiếng nói: Lạy Cha là Chúa tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan và thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn; thời gian của sự an nghỉ trong Thiên Chúa – thời gian của ngày Sa-bát (Mt 12,1); thời gian chung cuộc, cánh chung, xét xử (Mt 13,30; 1 Pr 4,17); Mt 13,30: “Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi”; thời gian của một dấu chỉ (Mt 16,3): “Rồi sớm mai, các ông nói: ‘Ráng trắng thì mưa’. Cảnh sắc đất trời thì các ông biết cắt nghĩa, còn thời điềm thì các ông lại không cắt nghĩa nổi”; thời gian cứu độ (Mt 26,18; 1 Pr 5,6): “Người bảo: “Các anh đi vào thành, đến nhà một người kia và nói với ông ấy: ‘Thầy nhắn: thời của Thầy đã gần đến, Thầy sẽ đến nhà ông để ăn mừng lễ Vượt Qua với các môn đệ của Thầy’” hay “Vậy anh em hãy tự khiêm tự hạ dưới bàn tay uy quyền của Thiên Chúa, để Người cất nhắc anh em khi đến thời Người đã định”; thời gian viên mãn (Mc 1,15; Ep 1,10): “Người nói: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần” hay Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn, là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô”; thời gian của cái bây giờ (Mc 10,29-30) : “Thầy bảo thật anh em: chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà bây giờ, ngay ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con và ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống đời đời ở đời sau”; thời gian Thiên Chúa viếng thăm (Lc 19,44); thời gian an lạc Đức Chúa hứa ban (Cv 3,20); thời gian Thiên Chúa thi ân (2 Cr 6,2) : “Chúa phán rằng: Ta đã nhận lời ngươi vào thời Ta thi ân, phù trợ ngươi trong ngày Ta cứu độ”; thời gian bây giờ Thiên Chúa tỏ sự công chính (Rm 3,26); thời gian của sự chữa lành và giáng phúc (Rm 9,9): “Sang năm, cũng vào thời kỳ này, Ta sẽ trở lại và Xara sẽ có một con trai”; thời gian đem lại sự sống (Rm 13,11) : “Phải như thế, vì anh em biết chúng ta đang sống trong thời nào. Đã đến lúc anh em phải thức dậy, vì hiện nay ngày Thiên Chúa cứu độ chúng ta đã gần hơn trước kia, khi chúng ta mới tin đạo”; thời gian hiện tại (Hr 9,8-9) : “Thánh thần tỏ cho biết là lối vào Nơi Cực Thánh chưa được mở, bao lâu lều thứ nhất vẫn còn đó. Điều ấy là hình ảnh ám chỉ thời hiện tại, cho thấy những lễ vật và hy lễ dâng tiến Thiên Chúa không thể làm cho lương tâm người cử hành việc phụng tự trở nên hoàn thiện.

Như vậy, thời gian “kairos” không nói đến sự chuyển động cho bằng nói đến một thời vận, một cơ hội, một kỳ hạn mang qualitas (phẩm chất : như thế nào), chứ không phải quantum (số lượng : bao nhiêu). “Kairos” mang ý nghĩa quan trọng, hơn là mang chiều kích không gian thời gian. “Kairos” là thời gian không phải nói đến số lượng bao nhiêu, mà nói đến loại nào của thời gian. Thời gian “kairos” không thể đo lường được vì nó luôn là cái bây giờ, cái hiện tại. Cái quá khứ là cái đã qua đi và cái tương lai là cái không biết được thì thuộc về thời gian “chronos”. Như vậy chỉ có cái bây giờ – thời gian kairos – mới hiện hữu thực sự, và vì vậy nó là biểu tượng cho sự sống vĩnh cửu của Thiên Chúa.

– Sau cùng, cũng nên nhắc đến từ aion (tiếng Hip-ri là olam, quen được dịch sang tiếng Latinh là saeculum), ám chỉ một khoảng thời gian dài, bất định, và có thể dịch là : giai đoạn, thời kỳ, đời ; đôi khi cũng có thể ám chỉ một khoảng không gian (thế giới, vũ trụ). Khi dùng ở số nhiều, nó bao hàm toàn thể thời gian quá khứ, hiên tại, tương lai (như thành ngữ khá quen thuộc : saecula saeculorum, đời đời). Tuy nhiên, Kinh thánh thường sử dụng hai thuật ngữ : « thời hiện tại, thời nay » (thí dụ : Rm 12,12; 1 Cr 1,26; 2,6.8; 2 Cr 4,4; Ep 1,21) và « thời sau, thời sẽ đến ». Thời nay (hoặc đời này) ám chỉ thời gian từ tạo thiên lập địa cho đến lúc tác giả viết; nó thường mang tính cách tiêu cực, bởi vì nằm dưới sự thống trị của tội lỗi (x. Rm 12,2; 2 Cr 4,4; 2 Tm 4,9). Vì thế, người ta trông mong « thời sau » (hoặc đời sau), vượt qua sự tàn tạ, chết chóc. Nó mang tính cách vĩnh cửu. o. Algunas veces el aión presente es expresado en plural (p. ej., Eph 2,7; Heb 9,26) de forma que es equivalente al singular, al menos en una primera apreciación. cách dùng của từ aion (αἰῶν) như trong bản LXX mang ý nghĩa là một thời gian dài, xa và không bị đứt quãng như trong Lc 1,70: “như Người đã dùng miệng các vị thánh ngôn sứ mà phán hứa tự ngàn xưa”. (καθὼς ἐλάλησεν διὰ στόματος τῶν ἁγίων ἀπ᾽ αἰῶνος προφητῶν αὐτοῦ, (Luk 1:70 BGT)). Trong Tân Ước, từ này ám chỉ đến một thời gian có liên hệ đến sự vĩnh cửu.

2. Bốn lối tiếp cận thời gian theo Kinh Thánh[11]

Trong Kinh Thánh, có bốn cách thức cơ bản thảo luận về “thời gian”.

a. Thời gian như niên đại (Chronos)

Kinh Thánh nói về thời gian theo kiểu niên đại khi đo lường thời gian trôi qua theo đường thẳng như khi tham chiếu đến những hệ luận và khoảng thời gian của các sự kiện. Tuổi thọ của một người, một mùa, tiến trình của những sự kiện… tất cả đều xét theo phạm trù này. Thuật ngữ này cũng dùng chữ chronos để đánh dấu những giai đoạn thời gian nào đó có liên hệ đến những cá nhân hay những sự kiện như thời của ông Abraham, trong Ga 14,9 và Cv 1,7:

Ga 14,9 Đức Giêsu trả lời: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Philipphê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói ‘Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha?’” λέγει αὐτῷ ὁ Ἰησοῦς· τοσούτῳ χρν μεθ᾽ ὑμῶν εἰμι καὶ οὐκ ἔγνωκάς με, Φίλιππε; ὁ ἑωρακὼς ἐμὲ ἑώρακεν τὸν πατέρα· πῶς σὺ λέγεις· δεῖξον ἡμῖν τὸν πατέρα; (Joh 14:9 BGT).

Cv 1,7 Người đáp: “Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt”. εἶπεν δὲ πρὸς αὐτούς· οὐχ ὑμῶν ἐστιν γνῶναι χρνους ἢ καιροὺς οὓς ὁ πατὴρ ἔθετο ἐν τῇ ἰδίᾳ ἐξουσίᾳ, (Act 1:7 BGT).

Trong chú giải thuật ngữ tại WordNet® 1.6, ©1997 Princeton University, “chronology” có các nghĩa sau: thứ nhất, sự sắp đặt các sự kiện theo thời gian; thứ hai, một ghi nhận về những sự kiện theo trật tự xảy ra của chúng; và cuối cùng, sự xác nhận về một chuỗi những sự kiện trong quá khứ được biểu thị bằng thời gian thực tế.

b. Thời gian như thời cơ, cơ hội (kairos)

Kinh Thánh đề cập đến thời gian như cơ hội khi không chỉ nói về một thời điểm đặc biệt trong thời gian mà còn một thời điểm thích đáng, thích hợp. Thiên Chúa như Đấng sáng tạo nên tất cả thời gian hướng dẫn tất cả mọi sự trên trời, các mùa, các dịp lễ và những ngày đời còn lại của con người. Những dịp thích đáng này mang đến cho chúng ta cơ hội để tương tác với sự sáng tạo của Thiên Chúa khi sử dụng tốt nhất có thể thời gian. “Kairos” là thời gian đòi hỏi phải hành động và vậy nó liên hệ đến “điều gì” nhiều hơn là “khi nào”. Có thể nhận ra điều này trong một số đoạn văn trong Tân Ước như Ep 5,15-16; Cv 3,19-20.

Ep 5,15-16: “Anh em hãy cẩn thận xem xét cách ăn nết ở của mình, đừng sống như kẻ khờ dại, nhưng hãy sống như những người khôn ngoan, biết tận dụng thời gian hiện tại, vì chúng ta đang sống những ngày đen tối”. Βλέπετε οὖν ἀκριβῶς πῶς περιπατεῖτε μὴ ὡς ἄσοφοι ἀλλ᾽ ὡς σοφοί, (Eph 5:15 BGT) ἐξαγοραζόμενοι τὸν καιρν, ὅτι αἱ ἡμέραι πονηραί εἰσιν.(Eph 5:16 BGT)

Cv 3,19-20: “Anh em hãy sám hối và trở lại cùng Thiên Chúa, để Người xóa bỏ tội lỗi cho anh em. Như vậy thời kỳ an lạc mà Đức Chúa ban cho anh em sẽ đến”. μετανοήσατε οὖν καὶ ἐπιστρέψατε εἰς τὸ ἐξαλειφθῆναι ὑμῶν τὰς ἁμαρτίας, (Act 3:19 BGT) ὅπως ἂν ἔλθωσιν καιρο ἀναψύξεως ἀπὸ προσώπου τοῦ κυρίου καὶ ἀποστείλῃ τὸν προκεχειρισμένον ὑμῖν χριστὸν Ἰησοῦν, (Act 3:20 BGT).

c. Thời gian như hoàn tất, tràn đầy

Kinh Thánh nói về thời gian như sự hoàn tất các lời hứa hay các lời ngôn sứ của một thời kỳ sẽ hay đã đến rồi. Các ngôn sứ trong Cựu Ước không chỉ nói về một thời gian đặc biệt mà còn nói về thời gian mà vương quốc của Thiên Chúa sẽ đến, một lời hứa bảo đảm về sự phán xét và ơn cứu độ. Trong Tân Ước, thời gian đó đã đến bằng việc Đức Kitô đến. Thời gian này là một sự hiện thực hóa và thành toàn mà tất cả những thời gian khác cần phải quy chiếu vào. Điều này có thể thấy rõ trong Mc 1,15 và Gl 4,4.

Mc 1,15: Người nói: “Thời kỳ đã mãn, và Triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. καὶ λέγων ὅτι πεπλήρωται ὁ καιρς καὶ ἤγγικεν ἡ βασιλεία τοῦ θεοῦ· μετανοεῖτε καὶ πιστεύετε ἐν τῷ εὐαγγελίῳ. (Mar 1:15 BGT).

Thời gian ở đây không đơn thuần là thời gian theo niên đại chronos nhưng là thời gian có tính chất quyết định kairos cho hành động của Thiên Chúa. Ngài đánh dấu sự thành toàn của thời điểm cứu độ đặc biệt, phân biệt khỏi tất cả các thời gian khác.

Gl 4,4: “Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề luật”. ὅτε δὲ ἦλθεν τὸ πλήρωμα τοῦ χρνου, ἐξαπέστειλεν ὁ θεὸς τὸν υἱὸν αὐτοῦ, γενόμενον ἐκ γυναικός, γενόμενον ὑπὸ νόμον, (Gal 4:4 BGT).

Theo nhãn quan thần học, sở dĩ thời gian được viên mãn là vì chính Thiên Chúa đã đổ đầy cho nó ý nghĩa.

d. Thời gian và Vĩnh cửu

Vĩnh cửu (eternity) là một ý tưởng phức tạp. Tính từ “eternal”, thường được hiểu như “everlasting” (kéo dài liên tục không có hồi kết, mãi mãi, vô tận, vô cùng). Thông thường Kinh Thánh đặt vĩnh cửu và thời gian tách biệt nhau như hai thứ đối nghịch: vĩnh cửu là tình trạng hiện hữu của Thiên Chúa, trong khi đó thời gian là tình trạng của hiện hữu con người. Vĩnh cửu cũng được liên kết với thời gian, chẳng hạn như khi quy cho tận cùng của thời gian con người chính là sự xuất hiện của vĩnh cửu. Tuy nhiên, đúng hơn, vĩnh cửu có thể được đọc như một phẩm tính khả dĩ của thời gian: con người sẽ kinh nghiệm sự sống vĩnh cửu trong chính thời gian của mình bằng việc đón nhận Đức Kitô và theo con đường của Người. Chúng ta có thể thấy điều này trong Kh 10,6 và 2 Cr 4,18.

Kh 10,6: “thề nhân danh Đấng Hằng Sống đến muôn thuở muôn đời, Đấng đã sáng tạo trời và muôn vật trên trời, đất và muôn vật dưới đất, biển và muôn vật trong biển. Người thề : ‘Sẽ không trì hoãn nữa’”. καὶ ὤμοσεν ἐν τῷ ζῶντι εἰς τος αἰῶνας τν αἰώνων, ὃς ἔκτισεν τὸν οὐρανὸν καὶ τὰ ἐν αὐτῷ καὶ τὴν γῆν καὶ τὰ ἐν αὐτῇ καὶ τὴν θάλασσαν καὶ τὰ ἐν αὐτῇ, ὅτι χρόνος οὐκέτι ἔσται, (Rev 10:6 BGT).

2 Cr 4,18: “Vì thế, chúng ta mới không chú tâm đến những sự vật hữu hình, nhưng đến những thực tại vô hình. Quả vậy, những sự vật hữu hình chỉ tạm thời, còn những thực tại vô hình mới tồn tại vĩnh viễn”. μὴ σκοπούντων ἡμῶν τὰ βλεπόμενα ἀλλὰ τὰ μὴ βλεπόμενα· τὰ γὰρ βλεπόμενα πρόσκαιρα, τὰ δὲ μὴ βλεπόμενα αἰώνια. (2 Co 4:18 BGT)

3. Hướng tới một cách tiếp cận khác về thời gian tính

Những phạm trù căn bản làm nên tiêu chuẩn quen thuộc của chúng ta bao gồm thời gian, không gian và số lượng. Trong cuộc sống thường nhật, nghĩa là trong cuộc sống của những thụ tạo có tội, chúng ta nắm bắt các phạm trù này như những cách thức để phân tách và phân chia. Thời gian đang trôi qua và chia cắt chúng ta, khi nó đếm bước của chúng ta dứt khoát đi đến cái chết. Không gian chia cắt chúng ta một cách còn rõ ràng hơn nữa khỏi những người chúng ta yêu mến và ngay cả khỏi chúng ta trong thân xác mình. Số lượng phân tách chúng ta người này người kia. Thế nhưng trong agapè, các phạm trù tách biệt giữa các sự vật không còn là chia cắt.

Việc nhấn mạnh đến sự thay đổi âm thầm đang diễn ra nhấn mạnh đến cả một tiến trình chứ không phải là chỉ kết quả (sự kiện nổi bật) của tiến trình đó, sẽ cho phép hiểu rõ hơn ý nghĩa của việc Đức Giêsu không phải chết rồi phục sinh (tức là không phải là một sự đứt đoạn về thời gian), nhưng là ngay cả trong cái chết của Ngài, Ngài cũng không bị tiêu diệt nhưng được trỗi dậy từ những người chết, Ngài nâng toàn thể nhân loại đứng dậy cùng với Ngài và cho họ một cách sống mới.

Trong nhiệm cục của “ý định tốt lành”, thì cùng tận (= viên mãn) của thời gian sẽ đạt được khi người ta thực thi agapè, trong sự Vượt qua của Đức Kitô. Và trong khi chúng ta thực thi agapè của Người Con, thì chúng ta trở nên những người đồng hình đồng dạng với Đức Kitô trong sự chết-phục-sinh của Ngài.

Gđ 1,21: “hãy cố gắng sống mãi trong tình thương của Thiên Chúa, hãy chờ đợi lòng thương của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta để được sống đời đời”.  ἑαυτοὺς ἐν γπ θεοῦ τηρήσατε προσδεχόμενοι τὸ ἔλεος τοῦ κυρίου ἡμῶν Ἰησοῦ Χριστοῦ εἰς ζωὴν αἰώνιον. (Jud 1:21 BGT).

1 Ga 2,5: “Còn hễ ai giữ lời Người dạy, nơi kẻ ấy tình yêu Thiên Chúa đã thực sự nên hoàn hảo. Căn cứ vào đó, chúng ta biết được mình đang ở trong Thiên Chúa”. ὃς δ᾽ ἂν τηρῇ αὐτοῦ τὸν λόγον, ἀληθῶς ἐν τούτῳ ἡ γπη τοῦ θεοῦ τετελείωται, ἐν τούτῳ γινώσκομεν ὅτι ἐν αὐτῷ ἐσμεν. (1Jo 2:5 BGT).

Ep 4,15: “Sống theo sự thật và trong tình bác ái, chúng ta sẽ lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Đức Kitô vì Người là Đầu”. ἀληθεύοντες δὲ ἐν γπ αὐξήσωμεν εἰς αὐτὸν τὰ πάντα, ὅς ἐστιν ἡ κεφαλή, Χριστός, (Eph 4:15 BGT)

Ep 5,2: “và hãy sống trong tình bác ai, như Đức Kitô đã yêu thương chúng ta, và vì chúng ta, đã tự nộp mình làm của lễ, làm hy lễ dâng lên Thiên Chúa tựa hương thơm ngào ngạt”. καὶ περιπατεῖτε ἐν γπ, καθὼς καὶ ὁ Χριστὸς γπησεν ἡμᾶς καὶ παρέδωκεν ἑαυτὸν ὑπὲρ ἡμῶν προσφορὰν καὶ θυσίαν τῷ θεῷ εἰς ὀσμὴν εὐωδίας. (Eph 5:2 BGT)

“Thời gian” như thế được liên kết với việc thực thi sự tự do của chúng ta. Trong agapè, có sự “giải trừ niên đại”: “thời gian không còn nữa” (Kh 10,6: χρόνος οὐκέτι ἔσται). Cái thời gian chronos giả thiết rằng chúng ta bị đặt dưới nhiều điều kiện, trong khi vĩnh cửu không phải là sự kéo dài đến vô tận cái thời gian đó– nếu như thế thật đáng sợ! Trong tiếng Hy Lạp, những từ diễn tả vĩnh cửu (ἀεί, αἰών, αἰώνος), theo chiết tự, có nghĩa là vô điều kiện: ἀ-εί = không có ‘nếu’. Hiểu thời gian như thế, thì việc đặt câu hỏi “có tính niên đại”, “sau cái chết có cái gì? ” sẽ mất đi phần lớn sự quan tâm, tò mò và xao xuyến mà nó sinh ra.

Kết luận

So với các quan niệm của triết học và các nền văn hóa liên hệ đến thời gian, Kinh Thánh cho thấy những lối hiểu phong phú và đa dạng hơn. Tuy vẫn có những yếu tố tương đồng nào đó trong quan niệm thời gian của Kinh Thánh với các nền triết học và văn hóa, nhưng lối diễn tả cánh chung luận của Kinh Thánh, đặc biệt là Tân Ước, chú ý đến thời gian vĩnh cửu của Thiên Chúa được thông ban cho con người qua Đức Giêsu Kitô. Vì thế, “kết thúc thời gian” hay “cùng tận của thời gian” mà Kinh Thánh nói đến không nên hiểu theo quan niệm thời gian chronos, cần có trước có sau, và có quá khứ và tương lai. Nó có thể có liên hệ đến thời gian kairos, là thời gian của mối tương quan giao ước- giao ước giữa Thiên Chúa và con người; giữa con người với Thiên Chúa, với tha nhân, và với vũ trụ này.

Chính việc Đức Giê-su cứu độ – chết, phục sinh và quang lâm – ngự đến là kairos vĩ đại và đúng nghĩa nhất dành cho con người. Tuy nhiên chúng ta không được tách rời thời gian kairos và thời gian chronos của lịch sử Kinh Thánh. Đức Giê-su phục sinh (kairos) đã đồng hành với hai môn đệ trên đường Em-mau và giải thích cho hai ông tất cả những gì liên quan đến Đức Giêsu “bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ (chronos), Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh (Lc 24,27). Cả thời gian chronoskairos đều là cách thức dẫn chúng ta đến với cái aion (αἰῶν), cái vĩnh cửu của Thiên Chúa, nếu chúng ta biết thực thi agapè cùng với Đức Kitô. Như thế, kết thúc thời gian chỉ còn là việc con người được thâu hồi và quy tụ lại  dưới quyền của một thủ lãnh duy nhất là Đức Kitô (xc. Ep 1,10), Đấng Hằng Sống (ἐν τῷ ζῶντι εἰς τοὺς αἰῶνας τῶν αἰώνων).

———————————-

[1] Chữ Thời trong ngàn năm chống Bắc thuộc, truy cập tại http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/chu-thoi-trong-ngan-nam-chong-bac-thuoc-296624.bld, ngày 13/1/2017.

[2] Xc. http://hvdic.thivien.net/whan/%E6%99%82

[3] Kim Định, Chữ Thời, trang 9-10, tại www.vietnamvanhien.net.

[4] Xc. http://www.daotam.info/booksv/timhieu-khonggianvathoigian/timhieukgvtg-II.htm,  cập nhật ngày 4/1/2017

 [6] Kim Định, Chữ Thời, trang 11, tại www.vietnamvanhien.net.

[7] Émile Benvéniste : « Catégories de langue et catégories de pensée », Problèmes de linguistique générale, vol. 1, coll. Tel, Gallimard, Paris 1966, p. 63-74.

[8] Cf. Émile Benvéniste : « Les relations de temps dans le verbe français », Problèmes de linguistique générale, vol. 1, coll. Tel, Gallimard, Paris 1966, p. 237-250. Nên biết là trong tiếng Pháp, các “thì” chia động từ được gọi là “thời gian” (temps).

[9] Xc. Vũ Văn Lượng, Văn phạm Thực hành tiếng Hy lạp Tân Ước, Trung tâm học vấn Đaminh, 2009, tr. 76 và 101.

[10] Xc. Vũ Văn Lượng, Thời gian trong Kinh Thánh, bài chia sẻ tĩnh tâm tại Tu viện Mân Côi Gò Vấp tháng 3 năm 2012; cf. E. Jenni, “Time” in: “Interpreter’s Dictionary of the Bible”, Vol. R-Z, Nashville: Abingdon Press, 1962, pp. 643-649

[11] Lloyd Elder, Biblical Concepts of Time for Today, http://www.servantleaderstoday.com/_26.htm