Nguyên tác: “Salvation at the End of the Twentieth Century” Tác giả: Monika Hellwig Chuyển ngữ: K’Bao Có lẽ niềm tin nền tảng nhất của người tín hữu vào Đức Giêsu Nazarét, đó là Người đã đến giải cứu một hoàn cảnh vô vọng. Niềm tin Kitô giáo bắt đầu với cảm nghiệm […]
Nguyên tác: “Salvation at the End of the Twentieth Century”
Tác giả: Monika Hellwig
Chuyển ngữ: K’Bao
Có lẽ niềm tin nền tảng nhất của người tín hữu vào Đức Giêsu Nazarét, đó là Người đã đến giải cứu một hoàn cảnh vô vọng. Niềm tin Kitô giáo bắt đầu với cảm nghiệm rằng Đức Giêsu đã hành động khác biệt. Hành động khác biệt này có tính quyết định trong những gì chúng ta có thể hy vọng cho toàn thế giới nói chung và cho chúng ta nói riêng, trong khi chúng ta sống và sau khi chúng ta chết. Hơn nữa, hành động đó cũng mang tính quyết định trong những gì mà chúng ta có thể đạt tới, xét theo tập thể như cộng đoàn nhân loại, hoặc theo cá thể như những con người.
Truyền thống Kitô giáo cho chúng ta một hình ảnh khá tiêu biểu cho thấy Đức Giêsu là ai, và làm cách nào, tại sao Người đã hành động khác biệt như vậy. Đối với hầu hết chúng ta, cảm nghiệm về Đức Giêsu như Đấng Cứu Thế và Con Thiên Chúa (Đức Kitô và Đức Chúa) tiên vàn là một cảm nghiệm của Giáo hội (1), cảm nghiệm này làm chứng về Người, tiếp đến là việc tìm hiểu về Đức Giêsu ‘đích thực’ khó nắm bắt (2), và sau cùng là một dấn thân với ‘Đức Kitô của lòng tin’ (3). Tiến trình này hơi giống tiến trình qua các Tin mừng trong Tân ước. Tin mừng thứ nhất đem đến cho chúng ta một lối tường thuật giải thích về Đức Giêsu đầy những ám chỉ về Kinh thánh Do thái và về những niềm hy vọng của người Do thái. Như vậy, chúng đặt ta đối mặt với sự kiện khốc liệt về cái chết đóng đinh thập tự trong một cuộc hành hình của người Roma được xác định thời gian, nơi chốn và các nhân vật. Sau cùng chúng kêu gọi chúng ta tin và trung thành với những gì đã nói về cuộc phục sinh.
Dĩ nhiên, cảm nghiệm tiên khởi của Kitô giáo thì không phải lúc nào cũng diễn tiến tốt đẹp. Đôi khi, việc Kitô giáo công bố Đức Kitô là Đức Chúa, trên thực tế lại không có ý nghĩa mấy cho con người ở những thế kỷ sau đó, cho đến khi họ có một cơ may dùng tưởng tượng mà chia sẻ những cảm nghiệm tiên khởi đồng thời, những câu giải đáp làm nảy sinh việc công bố chính thức về Đức Giêsu. Cảm nghiệm tiên khởi bắt đầu với những nhóm người nhìn bề ngoài rất bình thường, bằng nhiều cách và bởi nhiều lý do đã bị lôi cuốn đến với nhà giảng thuyết diệu kỳ, nói ở bất cứ đâu ông ta thấy có dân chúng và tựu tập họ lại trong các thành, các làng và những vùng quê. Lực đẩy sứ điệp của Người dường như đã kêu gọi họ quay về với niềm hy vọng mà những truyền thống tôn giáo tại Israel đã đem đến cho họ, và nhắc họ phải trung thành và tin tưởng vào Thiên Chúa. Người đã nói bằng thứ ngôn ngữ thông thường, và chuyển tải ý nghĩa việc Thiên Chúa hiện diện và chăm lo bằng chính việc Người hiện diện trong hình dạng con người và quan tâm đến những người khác. Qua cuộc sống nhân loại của mình, Người thiết lập những giá trị và những ưu tiên, cầu nguyện và tương giao, gặp gỡ những người khác. Người đã có một ảnh hưởng lớn lao, sinh động trên đám dân nghèo bị áp bức -ở vùng Palestine thuộc quyền Roma cai trị- , vốn bị coi như những hạng hèn mọn và không còn niềm hy vọng, giống như những bộ xương khô nằm rải rác ở cánh đồng trong thị kiến của Êdêkien (Ez 37). Nơi Người – nơi bản chất của Người, trong cung cách sống và trong những gì Người nói và làm cho họ – dân chúng mong tìm được một đời sống mới, một niềm hy vọng, một thách đố và một mục tiêu mới trong cuộc sống, cùng với sự chữa lành.
Đối với chúng ta, những Kitô hữu thế kỷ XXI, có một khoảng cách văn hóa nhất định giữa chúng ta và Đức Giêsu Nazarét, một người Do thái sống vào thế kỷ I tại đất Israel, ở đó mọi sự đều mang ý nghĩa tôn giáo, ở đó ngôn ngữ của những công việc hàng ngày, đồng áng hoặc thủ công đều vang vọng những mạc khải của Thiên Chúa, ở đó mỗi thành thị, làng mạc, núi non, khối đá hoặc dòng sông đều mang đậm những ký ức và lời hứa quyền năng cứu độ của Thiên Chúa, và cũng ở đó gánh nặng hằng ngày bởi sự thống trị, sự tàn bạo, sự khinh dể của người Roma, khiến người ta thấy rằng dân chúng rất cần đến những ký ức , những lời hứa và quyền năng cứu độ đó. Có một vực thẳm văn hóa giữa hoàn cảnh chúng ta và hoàn cảnh Đức Giêsu, nên chúng ta thật khó nắm bắt ảnh hưởng đầy đủ lời rao giảng của Người, đúng như cách mà những thính giả đầu tiên của Người có thể nắm bắt được.
Sứ điệp của Đức Giêsu tiên vàn liên quan đến lòng trung tín đầy uy lực và trắc ẩn của Thiên Chúa. Sống giữa đám người bị áp bức quá độ, bối rối và nản lòng, đối với nhiều người, Đức Giêsu đã trở nên một niềm vui khám phá rằng Thiên Chúa chẳng bao giờ quên sót hoặc bỏ rơi những tạo vật của Người, rằng Thiên Chúa thì trắc ẩn và hùng mạnh vô cùng để thể hiện lòng thương cảm của Người trong những đường lối vượt quá khả năng cũng như tầm hiểu biết của con người. Các thánh sử trình bày sứ điệp này mỗi người một kiểu, như Tin mừng về việc Nước Thiên Chúa hoặc vương quốc đang ngự đến, việc Thiên Chúa thân tình mạc khải mình là Người Cha tự ban chính mình, việc tỏ bày Đấng Tạo Hóa đích thân liên tục quan phòng. Điều thường gặp dưới những đề tài đó, chính là con người Đức Giêsu. Nếu Đức Giêsu rao giảng rằng “giờ cứu độ” đã đến, thì đó là vì Người đã hiến mình như điểm ngoặt trong lịch sử nhân loại. Không chỉ nói suông, Người ban chính mình cho con người như lòng trắc ẩn quyết liệt của Thiên Chúa. Người ban chính mình như quyền năng cứu độ của Thiên Chúa, mà điều này rất khác biệt với những gì mà chúng ta thường nghĩ về một quyền lực.
Các Tin mừng kể lại cho chúng ta điều đó theo cách thức chúng miêu tả tác vụ công khai và lời rao giảng của Đức Giêsu. Chúng kể về việc Người quảng đại gặp gỡ dân chúng, đặc biệt lưu ý đến những nhu cầu thiêng liêng của họ – những nhu cầu được khởi hứng, hy vọng, khích lệ, hướng dẫn, thách đố, sửa sai, đánh giá và lưu ý cùng sự thân thiện nồng ấm – nhưng cũng lưu ý đến những nhu cầu thể lý của họ như việc chữa lành và nuôi sống. Chúng kể lại cho chúng ta về những hoàn cảnh, cách thức và nội dung lời Người rao giảng. Người giảng ngoài trời, bên bờ hồ, trên sườn đồi, không câu nệ, giảng cho đám dân quê nghèo túng bị khinh dể bởi quân Roma cũng như hàng lãnh đạo Do thái thời ấy. Người rao giảng bất cứ khi nào có dân chúng tụ tập lại và khi Người có dịp. Chúng ta biết rằng nội dung và cách thức Người rao giảng thì hết sức đơn giản, hấp dẫn những con người thất học, gợi cho họ cảm nghiệm về thiên nhiên, về đời sống cũng như công việc thường ngày. Cách thức và nội dung lời rao giảng của Người mời gọi dân chúng ý thức về sự hiện diện của Thiên Chúa cũng như quyền năng và việc lo lắng đầy yêu thương của Người ở bất cứ đâu, trong mọi sự và ở mọi thời.
Nếu sứ điệp của Đức Giêsu tiên vàn liên hệ đến lòng trung tín đầy quyền năng và trắc ẩn của Thiên Chúa, thì tiếp đến, cũng quan trọng chẳng kém, nó liên hệ đến đáp ứng của nhân loại mà trong đó quyền năng trắc ẩn của Thiên Chúa tạo ra hoa quả là việc cứu chuộc dân khỏi sự đắng cay và nỗi thất vọng vì phải chịu đau khổ vô lối, do tội lỗi gây nên. Có một niềm an ủi đổi đời trong lời giảng và sự hiện diện của Đức Giêsu, hiển nhiên là vì trong đó có một nhu cầu gặp gỡ sâu xa. Nó diễn tả các tạo vật cần đến một Thiên Chúa rất thánh, vì sự hiện hữu của các tạo vật chỉ có ý nghĩa và tạo được hạnh phúc cũng như được viên mãn nếu chúng hướng toàn thể bản chất cũng như hành động và những sở hữu của chúng vào việc phục vụ, ca tụng và tạ ơn Thiên Chúa. Đây là sứ điệp của Đức Giêsu, được diễn tả nơi con người và trong cuộc sống cũng như trong hoạt động của Người. Tất cả những gì Người nói trong lúc rao giảng đều được sắp xếp đơn giản trong những ngôn từ khả dĩ giúp người khác hiểu được chân lý thuần túy nơi việc cảm nghiệm về Người.
Không còn nghi ngờ gì nữa, chính tính cách trực tiếp và tự phát cũng như phẩm chất tự có giá trị trong lời rao giảng của Đức Kitô, đã khiến cho dân chúng nhận thấy rằng Thần Khí của Thiên Chúa đang thổi qua họ lần nữa, và khiến cho họ nói được về Người rằng Người đã giảng dạy với uy quyền. Không còn nghi ngờ, điều này cũng khiến cho Người trở thành hình ảnh gây mâu thuẫn. Thách đố nơi con người của Người kêu gọi một việc từ bỏ chính mình vô điều kiện. Những ai không đáp ứng lại thách đố đó bằng một việc thay đổi triệt để đời sống của mình, một thách đố nền tảng cho sự ý thức và mục tiêu, thì chỉ còn có nước sợ hãi và ghét bỏ Người. Đặc biệt những ai mà quyền lợi bất chính cũng như tham vọng bá quyền của họ bị đe dọa một cách tỏ tường công khai, thì họ chỉ còn cách âm mưu bắt Người im tiếng. Theo lối chúng ta hiểu về quyền lực trong lịch sử đầy tội lỗi của chúng ta, cách thức bắt một ngôn sứ phải im miệng dường như luôn luôn chỉ có nghĩa là giết chết quách vị ngôn sứ đó. Nhưng vì lối hiểu đầy tội lụy của chúng ta về quyền lực đã sai lầm, nên quyền lực đã chẳng bao giờ được diễn ra như đáng mong đợi. Máu của các vị tử đạo luôn luôn là lời chứng hùng hồn cho chính nghĩa của các vị.
Nhìn lại những biến cố, những kẻ theo Đức Giêsu bắt đầu nhìn thấy điều khác biệt Người đã làm, việc Người tự khẳng định, Người là ai và đã làm gì trong tương quan với Thiên Chúa và trong tương quan với họ, chủ yếu ở cao trào cái chết của Người. Họ nhìn vào sự xung đột những quyền lực đã đưa Người đến cái chết và thấy rằng Người đã đón nhận cái chết một cách tự nguyện, nhận ra đó như một đáp ứng cuối cùng không so đo để dâng chính mình cho Chúa Cha và cho dân chúng, trước hoàn cảnh ghê ghớm của tội lỗi và sợ hãi đang trói buộc những con người đó. Trong cảm nghiệm khôn tả mà họ có về sự hiện diện của Đấng phục sinh nơi họ và về đời sống mới được khai mầm trong cộng đoàn của họ, mọi sự ăn khớp với nhau và họ bắt đầu nhìn thấy Người ở trung tâm lịch sử và ở trọng tâm mầu nhiệm sự hiện diện của Thiên Chúa nơi cộng đoàn nhân loại. Họ nhìn ra Người là Đấng Cứu Chuộc hoặc Đấng Cứu Thế của toàn thể nhân tính. Chính ở trong hiện hữu riêng của Người, câu nói của Luxiphe ‘tôi không phục vụ’ đã hoàn toàn bị đảo ngược trong tư thế hoàn toàn phục vụ, việc tự hiến trọn vẹn mà trong đó, thật nghịch thường, hình ảnh đích thực của Thiên Chúa được thể hiện và được mạc khải chói lòa (Pl 2,6-11). Nhưng sự kiện Đức Giêsu gây nên việc đảo lộn bi kịch của con người trong chính cuộc sống và con người của Người đã dứt khoát thay đổi hoàn cảnh nhân loại cho mỗi chúng ta, vì Người đã chinh phục được kẻ thù xưa, sự sợ hãi (Dt 2,10-18), và vì Người đã cho chúng ta một khởi đầu mới (1 Cr 15,45-49).
Có lẽ lối suy nghĩ như được trình bày ở đây đã thúc đẩy các cộng đoàn Kitô hữu thời sơ khai đưa thêm phần dẫn nhập vào ba cuốn Tin mừng, một điều không có ở phần trước tác nguyên thủy. Một lối so sánh nhanh chóng giữa bốn Phúc âm của Tân ước (cũng được biết đến như những Tin mừng thư qui để phân biệt khỏi những thứ Tin mừng lưu hành trong thời Giáo hội sơ khai mà không được công nhận chính thức) sẽ cho thấy một sự khác biệt quan trọng. Tin mừng theo thánh Maccô bắt đầu với sứ vụ rao giảng công khai của Đức Giêsu, chuyện đương nhiên dẫn đến việc Người bị bắt, xét xử và bị hành hình, và sau cùng là việc phục sinh và việc truyền cho các môn đệ tiếp tục công trình của Người. Các Tin mừng theo thánh Matthêu và Luca có cùng một kiểu mẫu, nhưng mỗi cuốn lại có một phần dẫn nhập riêng gồm hai chương đầu. Ngày nay chúng được biết đến như ‘Những Tường thuật Thời Thơ ấu’. Thoạt tiên, chúng dường như chỉ cho thấy một số chi tiết gia đình về nguồn gốc, việc sinh ra và thời thơ ấu của Đức Giêsu. Các nghiên cứu cẩn thận hơn bởi các nhà Kinh thánh lại cho thấy rằng đúng ra chúng là một kiểu phát biểu thần học cho thấy Đức Giêsu là ai – một loại phát biểu thần học khác biệt với lối ngữ pháp và phương pháp chúng ta sử dụng thời nay.
Qua hình thức kể chuyện, những ‘Tường thuật Thời Thơ ấu’ nói cho chúng ta Đức Giêsu là ai. Đó là một câu chuyện đã nối kết Người với tạo vật và với lịch sử nhân loại, cả lịch sử tội lỗi và lịch sử những lời hứa cứu chuộc của Thiên Chúa. Các gia phả (Mt 1,1-17 và Lc 3,23-38) thoạt đầu dường như rất khó đọc, nhưng một khi hiểu rõ câu chuyện đằng sau những cái tên, người ta sẽ thấy những gia phả đó nói rất nhiều về Đức Giêsu. Tất cả những hình ảnh đó đều nằm trên tuyến lời hứa cứu chuộc của Thiên Chúa và là một phần trong tiến trình truyền thống mạc khải, hy vọng và câu trả lời. Đức Giêsu đến để làm trọn tất cả, và điều này cũng được diễn tả bởi việc sắp đặt cân đối các thế hệ (tất nhiên có tính giả tạo). Một thành phần quan trọng hơn của phát biểu do các gia phả thì nảy sinh do sự kiện là không phải mọi người được nhắc đến ở đấy đều là những con người hoàn toàn đáng ca tụng hoặc hoàn toàn nằm trong tuyến hậu duệ chính thống. Đức Giêsu được trình bày như là việc làm trọn những điều trên, nhưng không phải như kết quả biết trước được hoặc xứng đáng nảy sinh từ lịch sử này. Đức Giêsu là hồng ân của Thiên Chúa vượt lên trên mọi công lênh của các tổ phụ; Người là hồng ân của Thiên Chúa, Đấng không bị trói buộc bởi những giới hạn và những đặt định của lề luật, vì bản chất của Người là tỏ bày lòng trắc ẩn ở những nơi chẳng đáng hưởng, hoặc không thể tưởng tượng được.
Một thành tố quan trọng của những gì mà cộng đoàn tiên khởi muốn nói về Đức Giêsu trong những Tường thuật Thời Thơ ấu có liên quan đến những hình ảnh tiên trưng Giacaria và Êlizabét, Anna và Simeon, Maria và Giuse. Chúng ta không bao giờ khám phá được họ thuộc những loại người nào. Họ xuất hiện trong câu chuyện để nói cho chúng ta biết Đức Giêsu phù hợp thế nào với lịch sử và những chờ mong của Israel. Giacaria xuất hiện trong Tin mừng Luca như một thầy tư tế của Israel, đang lúc thi hành tác vụ trong đền thánh thì nhận được sứ điệp rằng Gioan Tẩy giả phải là người rao giảng việc thống hối lớn lao trong Israel, tức là dọn đường cho Chúa. Êlizabét được tả như một người già cả và son sẻ, gợi lại Sara vợ ông Abraham. Ở đây chuyện này chồng chất lên chuyện kia. Đứa con là Gioan, không được sinh ra trong dòng lịch sử thường tình Israel, nhưng như một hồng ân đặc biệt của Thiên Chúa vượt quá mọi ước muốn hoặc công lênh của lịch sử đó, và đứa trẻ đó là con người sau này sẽ được các Tin mừng (Mt 3,11-17; Lc 3,15-18) trình bày như một con người thay cho toàn thể lòng đạo Do thái trình bày Đức Giêsu như Đấng được Thiên Chúa sai đến.
Trong một hoạt cảnh hoành tráng (Lc 1,39-56), Tin mừng thứ ba đặt hai hình ảnh thật tiêu biểu của Êlizabét và Maria bên nhau, cả hai đều đang mang thai với niềm hy vọng và sự chờ mong của dân Thiên Chúa – niềm hy vọng của Israel được tiêu biểu bởi Êlizabét đang mang thai Gioan, con người kêu gọi sự thống hối và chỉ cho thấy Đức Giêsu, và niềm hy vọng của Giáo hội Kitô giáo được tiêu biểu bởi Đức Maria đang mang thai Đức Giêsu, sinh ra Người như Đấng Cứu Thế để minh oan cho những người bị áp bức và thấp hèn, người nghèo, có lòng tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa duy nhất.
Tiếp đến là những cảnh trình bày Giuse như ‘người công chính’ tiêu biểu của Israel – Giuse mà những giấc mơ và việc chạy trốn sang Aicập đã gợi lại câu chuyện của Giuse con ông Giacob trong những trình thuật Hipri về các tổ phụ. Giuse mới của các Tin mừng cũng đụng phải chuyện Maria đang mang thai, tiêu biểu cho Giáo hội công bố Đức Giêsu, Đấng Mêsia Cứu Thế, cho trần gian. Giuse (Israel công chính) phải đối đầu với vấn đề là đứa con của Maria, là Đấng Mêsia Cứu Thế, niềm hy vọng của Israel và việc làm trọn các lời hứa, lại là một nghịch lý và dấu hiệu mâu thuẫn. Israel đã không ‘sinh ra’ Người, chấp nhận Người, công nhận tính cách cứu thế của Người. Người là một Đấng Mêsia Cứu Thế được mang thai bất chính. Người gây nên một vấn đề nghiêm trọng cho Israel, cho người trung tín đi tìm Thiên Chúa để lãnh ơn cứu độ và thành toàn mọi ước vọng của mình. Trước nỗi lo lắng của Giuse, Maria là Giáo hội chỉ lặng thinh, vì ngài chẳng thể nói gì, ngoại trừ việc sinh Đức Giêsu cho trần gian như Đấng Kitô, tỏ cho thấy Người theo đúng bản chất, là Đấng Cứu Thế ‘được xức dầu’ bởi Thiên Chúa, đến với nhà Israel và trần gian như món quà tuyệt diệu của Thiên Chúa vượt quá mọi công lênh của các tổ tiên, sự chuẩn bị của các thế hệ và sự nhận biết của các nhà lãnh đạo Israel.
Điều mà thiên thần, sứ giả từ trời hay sự mạc khải của Thiên Chúa, tỏ cho Giuse trong câu chuyện, chính là Đức Giêsu không cần được bảo trợ hoặc công nhận như Đấng Mêsia- Kitô – Đấng Cứu Thế bởi Israel hay bởi những người lãnh đạo. Những điều chứng thực về Người được thiết lập trên trời. Thiên Chúa siêu việt đã bảo trợ người cách âm thầm và diệu vợi. Công chuyện của Người là hình ảnh sống động của Thiên Chúa vô hình. Giọng của Người thì vang vọng từ thinh lặng của Thiên Chúa. Việc Người tự hiến có thể được công nhận như tính sáng tạo của Thiên Chúa, và sự yếu đuối nơi cái chết của Người lại mang giá trị sức mạnh cứu độ nơi lòng trắc ẩn của Thiên Chúa.
Rõ ràng, chính những câu chuyện, được ghi trong các Tin mừng của Matthêu và Luca trong các chương mở đầu, dứt khoát chỉ là những câu chuyện và không đi sâu vào việc giải thích như trên. Nhưng đối với những độc giả biết cách thưởng thức và suy gẫm những câu chuyện, và những ai quen thuộc với những câu chuyện trong Kinh thánh Do thái, thì những câu chuyện và những hoạt cảnh đơn giản riêng tư đó và những tấm bảng mở ra những viễn cảnh liên tưởng, loại suy, áp dụng và suy tư; và qua nhiều thế kỷ, lòng đạo người Kitô hữu đã sử dụng và đã suy gẫm những câu chuyện theo lối đó. Những gì nói ở đây về việc sinh nở và những cuộc gặp gỡ đi trước việc sinh nở đã đem lại một ngôn ngữ và một khung sườn qui chiếu để thảo luận xem Đức Giêsu chịu đóng đinh, Đức Kitô phục sinh và Chúa của lịch sử và Đấng sẽ đến có ý nghĩa thế nào đối với những kẻ tin và theo Người. Trong chu kỳ hằng năm, sử dụng những bản văn đó, phụng vụ huấn luyện chúng ta hướng về tương lai để thấy được Thiên Chúa, và có thể giải thích lập trường và trách nhiệm hiện thời của chúng ta trong tương quan với Thiên Chúa. Phụng vụ làm điều này dựa trên nguyên lý Hipri cổ xưa, là suy niệm về những công trình kỳ diệu của Thiên Chúa thời quá khứ trọn tính biểu tượng và những phạm trù, giúp chúng ta dễ dàng hiểu và tiếp thu mạc khải của Thiên Chúa dành cho chúng ta, làm sao để chúng ta có thể chú tâm vào lời hứa của Thiên Chúa trong tương lai, và có thể nhận ra hành động của Ngài trong thời chúng ta.
Chính câu chuyện Giáng sinh chuyển tải giải thích và suy tư thần học nhiều hơn là con mắt hiện đại của chúng ta phân biệt được. Nó xảy ra trong hoàn cảnh người nghèo chịu áp bức đắng cay, một bối cảnh chỉ toàn sưu cao thuế nặng, những hành trình bị cưỡng bức chẳng theo đúng mùa, lại chẳng có nhà cửa và thực phẩm cho người nghèo và những người yếu thế rải rác khắp đất nước. Chúng ta được nghe kể rằng Đức Giêsu đã xuất thân từ đám dân yếu thế và bị áp bức đó và cũng chính trong những hoàn cảnh nản lòng đó mà Người đã đi vào trần gian và vào lịch sử chúng ta. Rồi chúng ta thấy các thánh ký (Mt 2,1-12, Lc 2,1-20) đã ráp nối những hoàn cảnh đổ vỡ và bị loại trừ lúc Người sinh ra với chuyện ngôi sao và các thiên thần loan báo việc giáng sinh. Các vị đã đối nghịch câu hỏi về Đức Giêsu bởi các hiền triết từ xa đến để tôn vinh Người với câu hỏi về Đức Giêsu bởi nhà cầm quyền mà về mặt cụ thể và chính trị đã ảnh hưởng đến cuộc sống của Người, đồng thời tìm cách đập nát và phá bỏ uy tín Người. Các vị để cho chuyện trần gian chẳng lưu tâm gì đến biến cố lớn lao đi sóng đôi với việc các mục đồng ca tụng và đón nhận biến cố, họ là những người nghèo khổ nhất trong các người nghèo nơi nền văn hóa đó, mà chỉ mình họ mới có khả năng nghe và hiểu được lời loan báo của các thiên thần. Các vị cho thấy Đức Giêsu là nghịch lý lớn của lịch sử nhân loại – quyền năng chữa lành của Thiên Chúa được sắp đặt như trung tâm của lịch sử và là điểm ngoặt của lịch sử, chẳng ai biết đến, bị coi nhẹ nếu không muốn nói là bị ghét bỏ. Các vị cũng miêu tả Người là Con Thiên Chúa trong quyền năng, nhưng lại là con người thực sự trong vẻ yếu đuối cùng đường.
Tất cả những điều nói trên là một suy tư về căn tính và ý nghĩa của Đức Giêsu đối với cộng đoàn thời sơ khai, không chỉ trong chuyện Người sinh ra và thời thơ ấu, nhưng còn ở trong toàn thể đời sống trưởng thành của Người, cái chết, sự phục sinh và ảnh hưởng của Người trên những kẻ theo Người và trên trần gian. Do đó tất cả những điều nói trên đương nhiên đủ dẫn tới những xen phản ảnh được mối tương quan giữa Đức Giêsu với lịch sử lịch sử Israel, với việc tôn thờ tại Đền Thờ (cảnh dâng Đức Giêsu trong đền thờ), với khôn ngoan và giáo lý (cảnh đi tìm Đức Giêsu tại đền thờ). Có thể nói, tất cả được tóm tắt trong hoạt cảnh cho chúng ta thấy Đức Giêsu xuất thân từ gốc gác bình thường để đảm nhận trách nhiệm cứu chuộc trong những tường thuật việc Người chịu phép Rửa bởi Gioan tại sông Giođan.
Trong những Tường thuật Thời Thơ ấu của các Tin mừng theo Matthêu và Luca, Đức Giêsu được trình bày cho chúng ta như một con người trong tính cách dễ tổn thương, trong gốc gác Do thái của Người, trong nghèo khó và vị trí khiêm hạ trong xã hội. Người cũng được miêu tả là mang đầy thần tính. Nói cho rõ, cộng đoàn Kitô giáo thời sơ khai đã đồng ý với những gì mà họ hiểu, khi họ gán cho Đức Giêsu những tước hiệu thần thiêng, khi họ cầu nguyện cùng Người, và khi họ đặt đức tin toàn bộ và không điều kiện nơi Người theo cách thức chỉ phù hợp với một mình Thiên Chúa. Việc thêm phần dẫn nhập vào Tin mừng thánh Gioan, thường hiểu như Lời Tựa, có thể coi như một bài thánh thi Kitô giáo, phản ảnh một bước xa trong câu hỏi và trả lời về căn tính Đức Giêsu.
Ga 1, 1-5, 9-14 và 16-18 bắt đầu bằng việc đồng hóa Đức Giêsu với Ngôi Lời Thiên Chúa vốn ở cùng Thiên Chúa từ ban đầu và qua Người mà mọi tạo vật có được hiện hữu, đời sống và ánh sáng. Đây là một lối ám chỉ đến một đề tài Kinh thánh Hipri. Trong Sáng thế 1, việc sáng tạo qua lời nói, ngôn từ hoặc qua việc loan báo, đó là Ngôi Lời Thiên Chúa. Nhưng Ngôi Lời Thiên Chúa này không thực sự là một hữu thể tách rời, mà chính là Thiên Chúa đang phán. Điều mà phần dẫn nhập muốn nói, chính là con người Giêsu mà những người Kitô hữu đầu tiên đã nhận biết, nhìn, sờ và nghe Người, đã được họ thừa nhận như Lời hoặc như sự phát biểu của Thiên Chúa. Người chính là tiếng nói của Thiên Chúa trong trần gian, cũng qua tiếng nói đó mà Thiên Chúa ban hiện hữu và đời sống cũng như ánh sáng cho các tạo vật từ thuở ban đầu. Nơi Người, Lời mà Thiên Chúa đang nói đã trở nên một con người dễ bị tổn thương, dễ sờ thấy được, đến độ Thiên Chúa không còn là ẩn mình, im lặng, siêu việt hoặc khủng khiếp, nhưng thông qua Đức Giêsu được nhận biết như một ánh sáng chiếu soi nhẹ nhàng trong trần gian, khiến cho sự hiện diện của Thiên Chúa được nhận biết trong ơn phúc và trung tín. Đức Giêsu được nhìn nhận như hình ảnh hay phản ảnh đem lại cho Đấng Thiên Chúa vô hình một khuôn mặt nơi thế giới. Người được thừa nhận như Người Con duy nhất hoàn toàn bao trọn bản tính và hiện hữu của Chúa Cha trên trời.
Việc đồng hóa Đức Giêsu với Lời Thiên Chúa được nói ngay từ ban đầu đã nối kết Người với những bản văn khác trong bộ Kinh thánh Do thái, chẳng hạn những đoạn đã nhân cách hóa Đức Khôn ngoan và nói về đức này như ở cùng Thiên Chúa ngay từ ban đầu, thậm chí trước cả khi có việc tạo dựng (chẳng hạn, Cn 8,22-31). Những lối diễn tả như vậy trong tư tưởng Do thái đã gợi lên một cực nơi Thiên Chúa, một sự khác biệt và một khả thể trong mối tương quan, hành động và tương tác ngay cả khi mà những người Do thái vẫn quyết liệt khẳng định rằng Thiên Chúa là Đấng Duy Nhất tuyệt đối, không chút hàm hồ. Khi phần Lời Tựa của Gioan nối kết Đức Giêsu với Đức khôn ngoan đã được nhân hóa, thì đoạn đó đã làm toát lên một vầng huyền nhiệm và thần tính trên con người Đức Giêsu. Nó cũng gợi lên rằng, vì là Lời của Thiên Chúa, Đức Giêsu đã hiện hữu trước khi Người có đời sống trần thế, nhân loại, và nhất là vượt qua những biên giới của thời gian ‘trước khi bắt đầu có thế gian’.
Dĩ nhiên, người Kitô hữu không tài nào bỏ qua việc khẳng định đó trong lãnh vực thi ca, trong ngôn ngữ bí ẩn hoặc những lối đối chiếu gợi ý cũng như những lối nói ám chỉ. Từ rất sớm trong thế giới tư tưởng Hy lạp thời Giáo hội sơ khai, nhiều vấn đề đã tác động trên người Kitô hữu trong việc nhận biết và am tường ý nghĩa những ám chỉ đó. Đó là những vấn đề rất khó trả lời. Từ đó về sau, một số người đã nghĩ đến cả hai, vì chúng là những vấn đề chưa có câu trả lời, bởi lẽ luôn luôn có mối căng thẳng giữa ngôn ngữ đức tin và ngôn ngữ triết học. Sự căng thẳng này trong ngôn ngữ phản ảnh sâu sắc sự căng thẳng giữa một bên là việc chấp nhận một điều gì đó là thực bởi lẽ nó được mạc khải cho chúng ta trong cảm nghiệm của chúng ta, còn bên kia là việc thừa nhận một điều gì đó là thực bởi lẽ nó được chứng nhận qua luận lý, qua suy luận.
Thánh Tôma Aquinô trong thế kỷ XIII cũng đã từng vật lộn với mối căng thẳng đó, như các nhà thần học hôm nay. Aquinô đã cảnh giác, và đã làm cho độc giả của mình cảnh giác, rằng cuộc phấn đấu để hiểu được đức tin của con người thì không dễ dàng tách khỏi triết lý, nhưng phải được dẫn dắt với một đức khiêm nhu đúng mức. Đức khiêm nhu này tiên vàn hệ tại việc hiểu rằng chân lý về Thiên Chúa và những công trình của Thiên Chúa đối với chúng ta thì lớn hơn nhiều so với bất cứ những gì mà chúng ta mong hiểu được. Do đó, đang khi có một số bước dẫn tới nhận biết Thiên Chúa mà chúng ta có được dựa trên lối suy luận của chúng ta từ việc quan sát thiên nhiên và lịch sử, thì chắc chắn không bao giờ chúng đưa ta đi rất xa được. Nhưng trong thực tế chúng ta (qua mạc khải) có được hai kiểu tri thức xa xôi hơn – tri thức mà chúng ta phải nắm bắt nhờ lý trí nếu như lý trí của chúng ta không bị lệch lạc bởi tội lỗi, và thứ tri thức mà chúng ta không bao giờ dùng lý trí mà có được, nhưng chính nó lại cho ta một nền tảng chắc chắn cho đức tin cũng như hiểu biết, bởi lẽ nó được Thiên Chúa ban cho chúng ta, Ngài chia sẻ sự khôn ngoan của Ngài và qua đó ban cho chúng ta ‘những nguyên lý đầu tiên’ hay những nền tảng dựa vào đó mà xây dựng một lối hiểu thật gắn bó và có hệ thống cho con người.
Dĩ nhiên, điều này chỉ có ý nghĩa cho con người tùy theo đức tin của họ. Không có đức tin thì nó chỉ mù mờ, làm mê muội, thậm chí còn mang tính ma thuật trong vẻ lôi cuốn của nó. Vì lý do đó, nên người ta dễ châm biếm và ‘phi bác’ những gì mà người Kitô hữu tin tưởng về ý nghĩa và căn tính của Đức Giêsu. Không có chuyện chạy trốn sự kiện này, là trọng tâm của đức tin Kitô giáo thì nằm trong một điều nghịch thường, một mối mâu thuẫn theo bề ngoài vốn chất chứa những yếu tố quý báu trong cảm nghiệm Kitô giáo. Những yếu tố đó trong cảm nghiệm Kitô giáo không chịu đầu hàng khi phải đối đáp trước phân tích luận lý hay luận chứng triết học. Nơi một con người lành mạnh hay một cộng đoàn lành mạnh có nền tảng vững chắc thì cảm nghiệm cá nhân không chịu thua những luận chứng hàn lâm đang cố triệt hạ nó. Nhưng vẫn còn khả năng khám phá chân lý được tiếp nhận nơi cảm nghiệm bằng những nỗ lực trí tuệ để có được lối hiểu sâu sắc hơn, hoặc để hòa nhập sự nắm bắt chân lý đó vào một phạm vi bao quát hơn cho toàn bộ lối hiểu về thực tại.
Từ xa xưa, người Kitô hữu đã cố gắng làm điều đó. Trong những thế kỷ đầu tiên, họ rất khoan dung trước những lối tiếp cận luân chuyển được sử dụng sát bên nhau. Người ta chỉ chú ý đến những đề nghị nào có vẻ phương hại cho đời sống và đức tin Kitô hữu. Thánh Inhaxiô thành Antiôkia trong thế kỷ thứ hai đã quan tâm tới một khuynh hướng mà ngày nay vẫn còn ảnh hưởng đến chúng ta – khuynh hướng nhìn mọi sự về Đức Giêsu như siêu thoát và xa vời, không hề xảy ra với một con người thực sự. Trong những bức thư ngài viết trên đường đi Roma chịu tử đạo, đặc biệt trong thư gửi cho Giáo hội địa phương tại Êphêsô, ngài đã nói với các Kitô hữu rằng không một ai trong số họ đủ già để có thể biết được Đức Giêsu bằng xương thịt, và nhấn mạnh đến tính nhân loại chắc chắn của Đức Giêsu, một con người có xương thịt, sinh bởi bà Maria, đã chịu đau khổ và đã chết. Chính con người xương thịt sờ thấy được, chịu đau khổ, chịu chết như vậy đến với chúng ta như một ‘tiếng la lớn từ sự im lặng của Thiên Chúa’, và (trong ngôn ngữ qui ước hơn nữa được dùng trong thư gửi cho những người Magnesian), chính con người bằng xương bằng thịt này trong mọi sự đã làm hài lòng Thiên Chúa Đấng gửi Người đến, Người là Con của Chúa Cha và là Lời đã phát xuất từ thinh lặng, nơi Người Thiên Chúa Cha đã được tỏ bày như một Thiên Chúa cứu độ.
Một Giáo Phụ lớn, Irênê thành Lyon, vào cuối thế kỷ II đã đụng chạm đến vấn đề Thuyết Ngộ đạo. Đây là một lạc giáo chủ trương một sự tách biệt hoàn toàn và không thể giải hòa giữa thân xác và tinh thần, giữa thế giới hữu hình của cảm nghiệm thể lý, lịch sử và xã hội của chúng ta với thế giới nội thân của ý thức chúng ta. Nói trắng ra, việc Nhập Thể của Lời thần thiêng trong con người lịch sử Giêsu thì không có ý nghĩa gì trong một bối cảnh thuyết Ngộ đạo. Tuy nhiên, Irênê nhấn mạnh đến việc Nhập Thể, đó là việc thể hiện Lời thần thiêng trong lịch sử nơi con người bằng xương bằng thịt Giêsu, nhưng ngài còn đi xa hơn thế nữa. Ngài đã đề cập đến điều được gọi là đề tài ‘thâu tóm’, rất hữu ích cho chúng ta trong thời buổi bây giờ, vốn rất mặn mà với tâm lý học và những cảm thức của các khoa học xã hội.
Irênê nhắc lại rằng qua tội lỗi, có nghĩa là, qua việc không tuân phục hoặc xa lìa Thiên Chúa, con người mất đi nét giống Thiên Chúa, và do đó sự hiệp nhất nơi loài người và nhất là nơi toàn thể thụ tạo đã bị phá đổ. Tuyệt vọng và cảm thức tính vô nghĩa vốn là nền tảng cho thuyết Ngộ đạo, đúng ra là phản ảnh sự phá vỡ hay phân hủy mà trong đó vật chất và tinh thần đi theo hai hướng khác nhau, và những dự phóng lịch sử, xã hội của loài người chỉ còn là sự lo âu, lụn bại mà thành nản lòng tột độ. Trong bối cảnh lịch sử đầy tội lụy này, Irênê cho thấy Đức Giêsu như một thủ lãnh mới (việc thâu tóm) của cộng đoàn nhân loại cũng như của dự phóng nhân loại. Người tái thiết hình ảnh Thiên Chúa và vẻ giống Thiên Chúa, đồng thời thu tóm mọi chiều kích của tạo vật, thể lý cũng như tinh thần, nơi con người của Người trong một chiều sâu và toàn tính đến độ Người có thể đưa dẫn mọi người hiệp nhất với mình, xóa bỏ những tai hại của tội nguyên tổ.
Nhưng đối với Irênê, tất cả điều đó rõ ràng là do sáng kiến của Thiên Chúa, vì loài người và dự phóng của con người đã bị hư mất không tài nào hồi lại được, nên không thể được cứu vãn bởi tính tự do đã ban cho con người lúc tạo dựng. Lời Thiên Chúa đã trở thành người để hoàn tất việc phục hồi bằng cách lao vào hoàn cảnh tội lỗi của nhân loại bằng mọi giá, ngay cả cái chết. Nơi Đức Giêsu, Lời của Thiên Chúa đã nên như chúng ta để cho chúng ta trở nên giống như Người vậy. Người làm điều này bằng cách đến sống ở giữa chúng ta và dạy dỗ chúng ta. Nhưng mạc khải tối thượng của Thiên Chúa lại được thể hiện chính xác nơi đời sống thân xác sờ thấy được và nơi cái chết của Đức Kitô. Chỉ qua việc sống theo lề luật và gương sáng của Đức Kitô thì người ta mới cảm nghiệm được sự hiệp nhất vốn là câu trả lời đích thực cho nhóm Ngộ đạo.
Tiếp theo Irênê, suy tư sau đó về Đức Kitô như con người và như Thiên Chúa hướng đến những vấn đề có tính cách chuyên biệt và văn hóa nhiều hơn. Ở đây người ta có khuynh hướng lưu ý đến chuyện làm thế nào sự hiệp nhất giữa thần tính và nhân tính lại có thể đạt được, mà điều đó không ích lợi mấy cho người Kitô hữu trong khi họ cố gắng sống như những người đi theo Đức Giêsu. Không chỉ chú ý đến vấn đề làm cách nào con người Giêsu có thể lại đồng nhất với Lời Thiên Chúa (Logos trong tiếng Hy lạp), nhưng còn chuyện Logos hoặc Lời liên hệ với Chúa Cha thế nào. Đối với câu hỏi thứ hai, có một câu trả lời sáng giá, được đề xuất bởi Tertullian, một người sống ở Bắc Phi viết bằng tiếng Latin hồi đầu thế kỷ III Kitô giáo. Lời, hay Người Con thần thiêng, tương quan với Chúa Cha như tia nắng tương quan với mặt trời. Hình ảnh này được nhắc lại và được mở rộng – Người Con đối với Người Cha cũng như sự chiếu sáng đối với ánh sáng hoặc nói khác đi, giống như dòng chảy tương quan với nguồn mạch. Đây là một hình ảnh còn xuất hiện trong Kinh Tin Kính Nicea và Constantinople vốn được đọc vào Thánh lễ Chúa nhật trong các Giáo hội Công giáo. Đây là một hình ảnh tốt. Nó bao hàm tính hiệp nhất cũng như tính phân biệt. Nó cũng bao hàm chuyện là không bao giờ có một ‘thời trước’ mà Lời chưa có. Tertullian hiển nhiên chấp nhận định thức Con Thiên Chúa làm người, do đó ông phải giải thích làm cách nào xảy ra điều đó mà vẫn không hề thôi là Thiên Chúa. Ông trả lời rằng biến dịch này đòi hỏi hai cách thức hiện hữu trong đó hai ‘bản thể’ Thiên Chúa và con người vẫn còn nguyên, bởi vì chúng không “hòa lẫn với nhau” hay trộn với nhau thành bản thể thứ ba, nhưng là được nối kết thế nào để Đức Giêsu làm những điều thuộc về thiên tính như những phép lạ và những dấu chỉ, và đồng thời lại chịu đựng những điều thuộc về con người như đói, khát và chết. Nhưng tất cả đều được thể hiện bởi một ngôi vị, một chủ thể mà thôi. Có lẽ không may cho những thế hệ sau khá lệ thuộc nặng nề vào ngôn từ và công thức của Tertullian, nên chỉ gán cho nhân tính một vai trò thuần túy là thụ động, chứ không phải là vai trò cộng tác trong đó sự tự do của con người và sáng kiến của tạo hóa đều nhập cuộc. Dường như nó dẫn chính Tertullian nhìn toàn bộ mầu nhiệm Nhập Thể như là một chất liệu đem Đức Giêsu vào hiện hữu, Người được làm nên để chịu đau khổ và chịu chết. Thậm chí lòng đạo đức thời nay của chúng ta đôi khi cũng phải chịu trách nhiệm về lối nhìn phiến diện và khá là tiêu cực như vậy.
Mặt khác, Clement thành Alexandria, người cùng thời đó, trước tác bằng tiếng Hy lạp, đã xác tín rằng việc Nhập Thể là lối diễn tả tình yêu vô cùng mãnh liệt của Thiên Chúa, Đấng muốn thông giao bản thân trong hình dạng con người để có thể tụ họp những con người vào với mình trong một tình thân mật lớn lao hơn, qua việc dạy dỗ họ tình thân mật đó. Origen, là môn đệ của Clement, đã khai triển những ý tưởng này theo những cách thức mà nhất định sẽ gây nên những cuộc tranh luận khó khăn trong Giáo hội cả hai thế kỷ sau khi ông mất đi. Tư tưởng của ông thật tinh tế. Trong khi cố gắng tìm xem có thể hiểu được điều gì về mầu nhiệm Thiên Chúa xét về mặt loài người, Origen nhấn mạnh đến tính cách thiêng liêng, ý thức, tự do của việc kết hợp giữa Con và Cha, Đấng tỏ bày chính mình nơi Con hoặc Lời, đồng thời cũng nhấn mạnh đến cùng một tính cách thiêng liêng, ý thức, tự do trong việc kết hiệp giữa con người Giêsu với Lời. Origen và trường phái của ông sau này bị tố cáo là đã khiến cho Đức Giêsu bớt đi tính con người, có phần khá siêu phàm, và cũng bị tố cáo là khiến cho Lời kém đi tính thần thiêng. Tuy nhiên, điều ông quan tâm chính là trình bày Đức Giêsu như một kiểu mẫu kết hợp với Thiên Chúa để làm gương cho những con người khác. Trong khi trả lời các vấn đề mà có người gặp phải trên bước đường khai triển tư tưởng trên, các tác giả hồi thế kỷ IV của trường phái Antiôkia đã cố gắng tái khẳng định Đức Giêsu là một con người lịch sử trọn vẹn, trong đạo lý dạy về sự kết hợp giữa điều nhân loại và điều thần thiêng.
Những trước tác của các Giáo Phụ hồi bốn thế kỷ đầu tiên thì đầy những khởi hứng cho các Kitô hữu đương đại trong việc đi theo Đức Giêsu và cầu nguyện với Đức Giêsu, nhưng chúng vẫn còn tối tăm hoặc gây ngộ nhận cho người Kitô hữu đương thời, bởi lẽ chúng được viết vào một thời mà trong đó Giáo hội chưa đồng ý về một tập ngữ vựng sáng sủa hay một bộ chuẩn những loại suy và những mẫu ý niệm để có thể nói hay viết về Kitô học. Do đó, đôi khi chúng dường như mâu thuẫn nhau hoặc là tiền hậu bất nhất, đôi khi bị ngộ nhận bởi độc giả thời mới. Bắt đầu vào năm 325 tại Công đồng Nicea, những đại biểu của các Giáo hội địa phương phân tán khắp cựu thế giới đã đề cập đến một số vấn đề gây hoang mang cho người tín hữu vào thời đó. Từ một quan điểm của người tín hữu, công đồng này và những công đồng tiếp theo hồi giữa thế kỷ V là một cuộc chiến thắng của Chúa Thánh Thần và ân sủng của Thiên Chúa trong Giáo hội. Động lực con người đằng sau những cuộc hội họp đó trên thực tế là quyền lợi đế quốc của Constantine và những kẻ kế vị ông, và hiển nhiên là họ không tiếp thu được giáo huấn của Tin mừng Kitô giáo cho sâu sắc, nhưng chỉ coi Giáo hội và những nhà lãnh đạo Giáo hội như một công cụ hữu dụng để cai trị và điều hành. Giáo huấn của những công đồng trên thì tự chúng không gây hứng khởi, và người ta không thể rút ra từ chúng được một bức tranh hoặc tường thuật đầy đủ về Đức Giêsu Kitô. Điều mà những giáo huấn đó làm được, chỉ là đưa ra một số những qui luật cơ bản hoặc cho một khung sườn qui chiếu cho các thảo luận Kitô học.
Công đồng Nicea cho chúng ta công thức mà ngày nay vẫn dùng trong Kinh Tin Kính ngày Chúa nhật: chúng tôi ‘tin kính một Đức Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, sinh bởi Đức Chúa Cha, nghĩa là từ bản thể của Chúa Cha, Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, ánh sáng bởi ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà không phải tạo thành, đồng bản tính với Đức Chúa Cha, nhờ Người mà muôn vật trên trời dưới đất được tạo thành, vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi Người đã nhập thể và làm người, Người đã chịu khổ hình, và đã phục sinh vào ngày thứ ba’. Các Nghị Phụ Công đồng thời đó đã lưu ý đến lời giảng dạy của một linh mục thành Alexandria, là Arius, và những người đi theo ông muốn chối bỏ thần tính của Đức Giêsu, nói rằng có một thời Người chưa có, nghĩa là, trước khi được sinh ra thì Người không có, rằng Người đi vào hiện hữu từ hư vô, Người khác với Chúa Cha về bản tính, vì là một thụ tạo và chịu sự thay đổi.
Hầu như Arius bị hiểu lầm. Phần lớn xung đột và căng thẳng đương đại mà trong đó những nhà thần học tầm cỡ và thánh thiện bị tố cáo là lạc giáo, thì diễn ra theo những kiểu mẫu tương tự trên một bối cảnh quen thuộc. Thông thường, nhà thần học cố gắng làm cho đức tin và giáo huấn truyền thống được rõ nghĩa và ảnh hưởng thiêng liêng trên cuộc phấn đấu của người Kitô hữu đương thời để sống cho ra một người tín hữu và một người đi theo Đức Kitô. Thường thì những người có nhiệm vụ phán xét các nhà thần học chủ yếu quan tâm đến chuyện bảo vệ nguyên vẹn những công thức cổ xưa. Đôi khi những người không phải thần học gia lại cảm thấy lo âu và bị gương mù khi chính những nhà trước tác gây khởi hứng nhiều nhất cho giáo dân với lối hiểu mới và động lực mới để đi theo và phục vụ Đức Giêsu, lại là những con người liên tục bị kết án, đang khi nền thần học được chính thức coi là an toàn thì lại chẳng liên quan gì đến đời sống người Kitô hữu. Lịch sử thật hữu ích. Nó cho thấy rằng một vài căng thẳng hầu như không tránh được và thậm chí còn lành mạnh nữa. Tuy nhiên, có lẽ điều hữu dụng nhất, chính là ghi nhớ rằng chúng ta đang ở trong lãnh vực mầu nhiệm, ở đó chẳng có một mẫu công thức nào là tuyệt đối tránh khỏi ngộ nhận, bởi vì không thể có lời hay những lối diễn tả nào là phù hợp đúng mức. Chúng ta luôn luôn ở trong lãnh vực thi ca tưởng tượng.
Trong những thập kỷ sau Công đồng Nicea, người ta có vẻ như cảm nhận mãnh liệt rằng tất cả khởi hứng thực sự của mình đã bị loại bỏ không thương tiếc, và việc đi theo Ario thì lại tăng lên để phản đối hơn là giảm đi để mà chấp nhận công đồng. Một vị giám mục lớn của Alexandria, thánh Athanaxiô, dường như đã đóng góp đáng kể vào giải pháp cho vấn đề đó bằng cách lại đưa vào một tư tưởng hết sức khởi hứng của thánh Irênê hồi thế kỷ thứ II. Tuy nhiên, lại nảy sinh vấn đề khác (một vấn đề còn quấy rầy chúng ta đến tận hôm nay). Một giám mục dưới cái tên là Apollinanis cố gắng giải quyết sự nghịch thường của niềm tin Kitô giáo về Đức Kitô, bằng cách cho rằng Người không hoàn toàn là con người. Dường như đối với ông, Đức Giêsu chỉ thuần túy là Lời làm sinh động một thân thể con người. Đôi lúc có một mối nguy hiểm trong lòng đạo đương đại nơi những con người tự coi mình là bảo thủ và chính thống chặt chẽ. Họ thấy ghê tởm khi cho rằng Đức Giêsu chỉ thấy được sự việc qua những thử nghiệm và sai lầm, rằng Người phải chiến đấu để đi đến một quyết định; suy nghĩ và quyết định dường như là những hành vi của Thiên Chúa, và chỉ có những vận động thể lý và những đau khổ thể lý mới thực sự là con người. Điều tệ hại nhất trong chuyện này là dường như nó bao hàm rằng con đường duy nhất mà những kẻ theo Đức Giêsu có thể bắt chước Người thì nằm ở tính thụ động, chứ không phải là một tinh thần gánh vác trách nhiệm trước những gì xảy ra trong thế giới. Tuy nhiên, trong lúc dạy điều trên, Apollinaris không bảo người ta là đừng bắt chước Đức Giêsu. Ông đã muốn đảm bảo với họ rằng họ thực sự được cứu độ bởi vì Ngôi Lời Thiên Chúa thực sự đã đến giữa họ và chết cho họ. Tuy nhiên, công đồng Constantinople đã loại bỏ lập trường này vào năm 381.
Vào thế kỷ V, những gì nảy sinh từ những thế kỷ trước đó lại trở về. Một giám mục tên là Nestorius đã dạy rằng người tín hữu không được gọi Đức Maria là Thiên Chúa Thánh Mẫu, mà chỉ là Mẹ của Đức Giêsu Kitô, một con người. Đã có một loạt những nỗ lực mới để xác định, mà chẳng bao giờ đạt được, nhưng với đề mục “Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa”, Công đồng Êphêsô năm 431 tái khẳng định rằng chúng ta nói đến một chủ thể riêng, một ngôi vị riêng, là Đức Giêsu, con người, Ngôi Lời Thiên Chúa. Liên hệ với Người cũng là vui hưởng mối tương quan nhân bản với Đấng là một con người, sinh bởi Đức Maria, và cũng là đi vào mối tương quan trực tiếp với Thiên Chúa đang hiện diện và hoạt động trong thế giới chúng ta. Do đó, không phải là không phù hợp khi nói về Đức Giêsu Kitô điều đã nói về Thiên Chúa: chúng ta phải tôn kính Đức Giêsu Kitô và đặt niềm tin của chúng ta nơi Người vô điều kiện, chuyện này phù hợp với Thiên Chúa. Những Kitô hữu thời mới có thể cảm thấy một sự bất nhẫn nào đó trong việc tranh cãi chẳng có kết thúc về các từ ngữ và việc sử dụng từ ngữ, nhưng vấn đề ở đằng sau đó mới quan trọng. Nó nảy sinh từ cách thức mà chúng ta đi tìm ơn cứu độ.
Câu chuyện chưa chấm dứt ở đây. Khá kỳ lạ, sự cám dỗ liên miên đối với người Kitô hữu qua các thế kỷ dường như phải giải quyết nghịch lý chủ yếu, không phải bằng cách phủ nhận Đức Giêsu là Thiên Chúa, mà bằng cách phủ nhận Người thực sự là con người. Dưới cái tên Eutyches và gọi là lạc giáo Monophysite (một-bản tính), người ta đề nghị suy nghĩ và nói về Đức Giêsu như một con người đã quá thấm nhập vào thần tính đến độ mặc dầu người ta phải nói đến cả nét thần thiêng và nhân loại trước, sau khi kết hiệp, những nét nhân loại đã bị nuốt chửng và chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Vào năm 451, Công đồng Chalcedon, mà thời nay người ta cũng thường phải quy chiếu vào đấy trong những vấn đề chính thống trong Kitô học, đã ra một câu trả lời rõ ràng cho vấn đề này. Tái khẳng định những giáo huấn của những công đồng trước đó, một bức thư của thánh Cyril thành Alexandria đã được viết cho Nestorius, và một bức thư của Đức Leo Cả Roma được viết hai năm trước gửi đến Flavian thành Constantinople, Công đồng này tuyên xưng rằng Đức Giêsu là trọn vẹn (đầy đủ) trong thiên tính và trọn vẹn trong nhân tính (có nghĩa là, đầy đủ thần tính và đầy đủ nhân tính), là Thiên Chúa thật và là người thật với một linh hồn và một thân thể con người, cùng một bản tính với Đức Chúa Cha chiếu theo thiên tính và cùng một bản tính với chúng ta chiếu theo nhân tính, giống chúng ta mọi sự chỉ trừ tội lỗi, từ đời đời được sinh ra bởi Chúa Cha, và được sinh ra bởi Đức Maria trong thời gian, do đó là một trong hai bản tính, (hoặc hai cách thức hiện hữu) và không phân chia thành hai ngôi vị, cũng chẳng mất đi những đặc điểm của hai lối hiện hữu.
Lại nữa, phần lớn ngữ vựng kiểu này, mặc dù đã được tóm tắt, chuyển dịch và được diễn tả theo cung cách đương đại tối đa, vẫn gây khó khăn cho người tín hữu đương thời. Tuy nhiên, điều thật sự quan trọng ở Chalcedon, chính là việc Công đồng này nhấn mạnh đến nhân tính đầy đủ, hoàn bị, sờ thấy được, nhạy cảm, hiểu biết, đầy trách nhiệm của Đức Giêsu. Đây chính là điều quan trọng mà Chalcedon cần làm. Như vậy, đây là một công đồng đã báo trước cho mối quan tâm trường kỳ của các nhà nghiên cứu Tân ước cũng như thần học gia và các nhà giảng thuyết của thời đại chúng ta, là làm cách nào để người tín hữu tin được rằng Đức Kitô là một con người ở giữa cộng đoàn nhân loại và hoàn cảnh của nhân loại, Người đã đến cứu chuộc chúng ta và đã lôi cuốn chúng ta bắt chước Người và trở nên một với dự phóng của Người trong lịch sử nhân loại, bởi vì Người là một trong chúng ta, và do đó có thể đưa chúng ta đến hiệp thông trọn vẹn với Người.
Thật lạ lùng, trong những thế kỷ tiếp sau Chalcedon, công đồng này cũng như định tín của công đồng thường được trích dẫn như thể mối quan tâm chủ yếu là nhấn mạnh hơn nữa thần tính của Đức Giêsu. Quả vậy, đôi khi Chalcedon đã được trích dẫn và được sử dụng như thế, Công đồng này nhấn mạnh đến thần tính của Đức Giêsu và coi nhẹ tính cách nhân tính đầy đủ của Người. Do đó, đôi khi trong những cuộc tranh luận đương đại về ‘tính chính thống của công đồng Chalcedon’, dường như lập trường được bảo vệ thì không đúng lắm với lập trường của công đồng, vốn trở nên chuẩn mực cho các Giáo hội Kitô giáo, nhưng đúng hơn là lập trường của nhóm Monophysite mà để chống lại chúng thì công đồng đã được triệu tập. Nói cho cùng, đối với người tín hữu bình thường, một con người chẳng việc gì phải lo lắng về những kỹ thuật chuyên môn của thần học, thì điều đáng quan tâm, chỉ là chuyện này là, nơi Đức Giêsu, chúng ta có một Đấng Cứu Thế, một con người như chúng ta nhưng lại không có tội lỗi, luôn luôn hướng về Chúa Cha trên trời, tìm mọi cách để tập họp mọi người chúng ta vào hướng đi đó, một con người mà chúng ta có thể quay về Người với một niềm tín thác và chịu sự chi phối, điều đó chỉ Thiên Chúa mới làm được, và chúng ta biết rằng mình không bị lường gạt.
(Trích trong Contemporary Catholic Theology: a Reader)