Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Khảo Luận Về Kitô Học: Emmanuel (11)

Administrator
2018-09-23 08:49 UTC+7 26
KHẢO LUẬN TRƯỜNG THIÊN VỀ ĐỨC KITÔ Tác giả: Lm. F.Gómez Ngô Minh, SJ. *** *** CHƯƠNG XI: EMMANUEL   Không chỉ giúp cho hiểu biết về Ðức Kitô, Kitô học còn ảnh hưởng lớn đến toàn bộ cuộc sống, mang lại lẽ sống chính thực cho những ai quyết tâm theo Ngài. Ðức Giêsu […]


KHẢO LUẬN TRƯỜNG THIÊN VỀ ĐỨC KITÔ

Tác giả: Lm. F.Gómez Ngô Minh, SJ.

***

***

CHƯƠNG XI: EMMANUEL

 

Không chỉ giúp cho hiểu biết về Ðức Kitô, Kitô học còn ảnh hưởng lớn đến toàn bộ cuộc sống, mang lại lẽ sống chính thực cho những ai quyết tâm theo Ngài. Ðức Giêsu không phải là một nhân vật lịch sử chỉ có mặt ở trong sách vở, Ngài còn và nhất là một con người cụ thể, sống động “hôm qua, hôm nay và mãi mãi” (Dt 13:8). Ngài đã “cắm trại” ở giữa chúng ta (x. Ga 1:14), đã trở nên công dân của thế giới và hằng đồng hành với mọi người. Muốn nhận ra Ngài, thì cần phải mở rộng cặp mắt đức tin mà nhìn thực tại qua ánh sáng của Thần Khí. Có thể nói chương cuối này là phần quan trọng nhất của Kitô học.

I. LỜI HỨA VÀ KINH NGHIỆM

Nói về Thiên Chúa, Phaolô đã nhắc lại điều mà xưa nay những người sống lòng tin hằng xác tín: “Thực sự Thiên Chúa không ở xa mỗi người chúng ta; quả vậy, chính ở nơi Người mà chúng ta sống, cử động và hiện hữu” (Cv 17:27-28). Sau khi Thiên Chúa nhập thể, trở thành người, sự hiện diện này càng sống động và gần gũi hơn nữa. Tên gọi tiêu biểu của Ngôi Lời nhập thể là Emmanuel, “Thiên-Chúa-ở-với-chúng-ta” (Mt 1:23). Biến cố lên trời gây ấn tượng làm như Ngài rời đi xa, vắng bóng, nhưng chính Ngài đã nói trước là Ngài đi như thế thì tốt hơn cho các các môn đồ (x. Ga 16:7), và hứa với họ rằng: “Thầy sẽ không để anh em mồ côi” (Ga 14:18); rồi trong ngày cuối cuộc đời dương thế, Ngài đã long trọng nhắc lại lời hứa ấy: “Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:20). Ngài sai các tông đồ đi rao giảng Tin mừng cho muôn dân, nhưng thật ra sứ mệnh ấy là của Ngài; vì thế, Máccô lưu ý cho hiểu thêm rằng các tông đồ đã ra đi rao giảng khắp nơi và “có Chúa cùng hoạt động với các ông…” (Mc 16:20). Ðó là kinh nghiệm 20 thế kỷ của Giáo hội.

Ngay khi còn là kẻ thù, Phaolô cũng đã có được cảm nghiệm về Ðức Kitô đang sống: “Tại sao ngươi bắt bớ Ta” (Cv 9:4). Sau đó, vị tông đồ đã hoàn toàn dấn thân cho sứ mệnh của Ðức Kitô và chọn Ngài làm lẽ sống đời mình, đến độ cảm nghiệm như là được đồng nhất hóa với Ngài, như là Ðức Kitô đang sống ở trong mình (x. Gl 2:20). Kinh nghiệm thần cảm ấy cũng là kinh nghiệm rất nhiều kitô hữu đã sống qua suốt dòng lịch sử Giáo hội. Một loại kinh nghiệm khác, đó là kitô hữu cảm nghiệm được sống một cuộc sống mới, một thân phận mới cùng với Ðức Kitô: cùng sống, cùng chết như đã thành một với Ngài; hoặc để diễn tả bằng một ẩn dụ khác: “mặc lấy Ðức Kitô” như là một căn tính mới (kinh nghiệm Rửa tội: x. Rm 6:1tt; Gl 3:27), một thứ “căn tính chung” kitô hữu chia sẻ với nhau như anh chị em trong Chúa Kitô (x. Gl 3:26tt). [290] Vì thế, thánh Phêrô định nghĩa kitô hữu là “những người đang sống trong Ðức Kitô” (1Pr 5:14)

II. NHỮNG THỂ CÁCH HIỆN DIỆN

Vì phức tạp, bao hàm nhiều yếu tố khác nhau cả khách quan lẫn chủ quan, ý niệm hiện diện chưa được hiểu cho rõ lắm. Triết lý chưa nghiên cứu nhiều về khái niệm này. Thần học thì đã suy tư về khái niệm “toàn tại” (omnipraesentia) của Thiên Chúa, tức là Người hiện diện ở khắp nơi, hoặc về sự “hiện diện thực sự” của Ðức Kitô trong Thánh thể. Tuy thế, ít khi Kitô học chú ý thực sự đến khái niệm ấy, [291] bởi thường cho là thuộc phạm vi của tu đức và thần nghiệm.

Hiện diện là ý niệm “tương quan” hàm ý “hướng đến,” hoặc “đối với” ai hoặc điều gì: tôi hiện diện trước mặt ai, khi cái gì xảy đến, ở một nơi nào đó, v.v. Nói “hiện diện” là nói về chủ vị: duy chỉ hữu thể có lý trí mới có thể thật sự hiện diện, tức là ý thức về việc mình hiện diện một mình hoặc là hiện diện với ai khác; sự hiện diện mang tính chất nhân linh. Quả vậy, một nhân vị chỉ thành tựu trong tương quan đối tác với một nhân vị khác; vì thế, triết học nêu lên hai chiều kích của nhân vị: cùng hiện diện và khác biệt. Nếu không khác biệt thì không có hiệp thông, bởi tất cả sẽ đều tan hòa thành một hỗn hợp. Càng tự do thì hiện diện càng mạnh rõ, và càng mến yêu phía đối tác thì sự hiện diện càng sâu đậm. Chung sống với nhau làm cho hai phía đối tác [chủ vị] nên phong phú hơn, và đó là điều kiện để có thể có hạnh phúc: hạnh phúc và cô đơn thì nhất thiết mâu thuẫn nhau.

Ðể bước vào tình trạng hiện diện đối với người khác thì phải nhờ đến trung gian của lời nói, cử chỉ, biến cố, v.v. Con người không thể hiện diện trực tiếp với người khác, và chỉ có thể hiện diện một phần nào thôi: có thể hiện diện hơn hoặc kém, và có nhiều loại hiện diện, bởi hiện diện là một ý niệm loại suy. Một chủ vị có thể hiện diện đối với người khác theo nhiều cách thể: cách chung cách riêng, như tình nhân hay như kẻ thù, v.v. Kinh nghiệm đầu tiên về sự hiện diện là kinh nghiệm về người mẹ sinh ra ta; vì thế, bao giờ sự hiện diện nhân vị cũng mang chiều kích “nữ tính,” tức là hơi thụ động, đa tình, và có khả năng tạo cơ hội cho lớn lên.

III. ĐỨC KITÔ HIỆN DIỆN

Tự bản tính, Thiên Chúa là ba chủ vị hiện diện đối với lẫn nhau. Ngôi Con, Lời, hiện diện đối với Cha theo tư thế là chủ vị “được sinh ra,” và đối với Thánh Thần theo tư thế là chủ vị “cùng chủ xuy” (co-spirator). Ðức Kitô hằng hiện diện đối với Cha, như Kinh Thánh muốn ám chỉ khi gợi lên kinh nghiệm Abba! của Ngài. Ngài luôn luôn cảm thấy mình với Thiên Chúa như con và cha đối diện với nhau vậy. Ngài “biết” Chúa Cha một cách đặc thù khôn sánh; “biết” ở đây là: “quen,” “yêu,” “ở với,” v.v.; nhưng, là gì trong chính bản thân mình, thì Ðức Giêsu chia sẻ điều ấy cho các anh em; vì thế, Ngài mạc khải Cha cho loài người chúng ta (x. Mt 11:27tt). Qua mạc khải, Thiên Chúa ở với chúng ta, như chủ vị nói lên (Cha) Lời (Con) và truyền thông ý nghĩa (Thần Khí). Xướng lên: “Ðó là lời Chúa” lúc đọc Kinh Thánh, là Giáo hội muốn nhắc cho nhớ là Thiên Chúa đang ở giữa chúng ta. Vì vậy, sách Ðiđakhế viết: “Nơi nào vương quyền của Thiên Chúa được loan báo thì Chúa [Kitô] hiện diện ở đó.” [292]

Các giáo phụ quan niệm Ðức Kitô như là Lógos hoặc Khôn ngoan tạo hóa, và coi tạo vật là “tiếng dội” của Lời. Ngôi Lời ở mọi nơi, với tất cả những ai muốn tìm biết, trong hết thảy những ai được cứu rỗi. Và vì đã nhập thể, đã mặc lấy phận mệnh loài người, nên Ngôi Lời hằng ở với tất cả những ai cần được cứu rỗi, gõ cửa hết mọi con tim và soi sáng hết mọi tâm trí đang tìm kiếm chân lý. Với sự hiện hữu mới trong thể cách hậu phục sinh, Ðức Kitô có thể hiện diện nơi tất cả những ai đã được Ngài cứu chuộc. Thánh Gioan viết Ðức Kitô là sự sống (và làø sự thật: Ga 14:6), và nêu rõ mục đích của sứ mệnh Ðức Kitô là “để cho họ (tức mọi người) có sự sống dồi dào” (Ga 10:10); nhưng sự sống này lại đi đôi với chân lý: “sự sống soi sáng cho mọi người” (Ga 1:4). Thế nên, tất cả những ai ra sức đi tìm chân lý và sự công chính, thì đều được Ngôi Lời hướng đạo, chính vì Ngài cũng là “con đường” dẫn tới tiêu đích ấy; thật vậy, mỗi một chân lý là một thể cách hiện thân ‘tối vi mô’ của Ngôi Lời, Khôn Ngoan của Thiên Chúa.

Một Số Thể Cách Hiện Diện:

Là không đúng việc hiểu sự hiện diện của Ðức Kitô như chỉ là một kỷ niệm, theo kiểu một tình nhân “sống” trong lòng nhớ thương của người tình, như thầy “sống” trong niềm ngưỡng mộ của các đồ đệ, hoặc như tổ quốc ghi nhớ các anh hùng liệt sĩ, v.v. Cũng không giống như một triết gia, một nghệ sĩ, hoặc một vị sáng lập, v.v. vẫn “sống” còn trong hệ thống tư tưởng, trong các kiệt tác, trong các công trình hoặc tổ chức này nọ… đã để lại. Bởi Ðức Kitô không chỉ đơn thuần hiện diện bằng một sự hiện diện tâm lý, song là bằng một sự hiện diện hữu thể siêu nhiên.

a. Trong Thần Khí

Là Thiên Chúa, Thần Khí ở khắp mọi nơi. Ở đây, không bàn về thể cách Thần Khí hiện diện, mà chỉ nói về việc Thần Khí đã được sai đến để thực hiện và hoàn tất sứ mệnh của Ðức Kitô, trong tư cách là “Ðấng Bảo trợ khác” (Ga 14:16), tức alter ego của Ðức Kitô, Ðấng Bảo trợ thứ nhất (x. 2Ga 2:1). Ðức Kitô sai Thần Khí đến với các tông đồ để các vị có đủ khả năng thực thi sứ mệnh trao phó (x. Lc 24:48-9; Cv 1:8-9), vì, tự bản tính, Thần Khí cũng là chứng tá của Ðức Kitô (x. Ga 15:26). Vì vậy, nơi nào có một con người làm chứng cho Ngài, thì Ðức Kitô ở đó với người ấy nhờ năng lực của Thần Khí; thế là ứng nghiệm lời Chúa phán: “Ai nghe anh em là nghe Thầy” (Lc 10:46tt). Và điều ấy bắt đầu với đức tin: “Xin cho anh em, nhờ lòng tin, được Ðức Kitô ngự trong tâm hồn” (Ep 3:17).

Chúa phục sinh sống nhờ Thần Khí (x. 1Pr 3:18), và Ngài chia sẻ sự sống ấy cho các chi thể Ngài. Ðời sống thiêng liêng siêu nhiên là do Thần Khí của Ðức Kitô mang lại; nhân tố chủ yếu của đời sống đó chính là sự hiện diện của Ðức Kitô trong tâm hồn, như Phaolô nói ở trong Rm 8:9-11, hoặc ở trong Cl 3:3-4: “Thật vậy, anh em đã chết, và sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Ðức Kitô nơi Thiên Chúa; khi Ðức Kitô, nguồn sống của chúng ta, xuất hiện, anh em sẽ được xuất hiện với Ngài.” Ðó có thể là đối tượng của kinh nghiệm thần cảm, hoặc là điều cảm nhận cách êm đềm qua đức tin, nhờ ơn an ủi thiêng liêng chẳng hạn.

Thần Khí đang sống trong thân mình Ðức Kitô là Giáo hội, vì nhờ phép Thánh tẩy chúng ta được đầy Thần Khí và trở thành một thân thể duy nhất (x. 1Cr 12:12-3). Như vậy, Giáo hội vừa là thân thể của Ðức Kitô vừa là đền thờ của Thánh Thần. Không chỉ ở với các môn đồ, Ðức Kitô còn ở trong họ nữa, như Ngài đã tỏ cho Saun biết (x. Cv 9:5), và sau này Phaolô đã cảm nghiệm rõ điều đó (x. Gl 2:20; Ep 3:17). Từ đó, Phaolô hiểu rằng mỗi kitô hữu là một đền thờ của Thần Khí, của Thiên Chúa (x. 1Cr 3:16.17; 6:19; 2Cr 6:16), nghĩa là nơi cư ngụ của Ba Ngôi, đúng như Ðức Giêsu đã hứa: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy; Cha của Thầy sẽ yêu mến người  ấy. Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14:23). [293] Không chỉ làm cho Ðức Kitô cư ngụ trong ta, Thần Khí còn biến chúng ta thành con cái của Chúa Cha (x. Gl 4:6), và như thế, hiện diện trong ta là Ðức Kitô hiện diện theo tư thế trưởng tử ở giữa đàn em (x. Rm 8:29). Phaolô dùng một ẩn dụ để nói rằng chúng ta “đã mặc lấy Ðức Kitô” (Gl 3:27), tức mặc lấy con người và phong cách của Ngài, làm cho người kitô có “bộ dạng” giống Ðức Giêsu; nhờ vậy, xã hội có thể nhận ra được…

b. Trong Giáo Hội

Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo có đoạn viết: “Ðức Kitô giúp chúng ta sống như Ngài đã sống: Ngài sống trong chúng ta và chúng ta sống trong Ngài. ‘Khi khập thể, một cách nào đó,  Con Thiên Chúa đã kết hợp với mọi người.’ Chúng ta được kêu gọi trở nên một với Ngài; những gì  Ngài đã sống trong thân xác Ngài vì chúng ta và nên mẫu mực cho chúng ta, thì Ngài cũng cho chúng ta được hiệp thông, như là chi thể của Thân Mình Ngài.” [294]

Giáo hội là hiện thân của Ðức Kitô ở giữa lòng nhân loại, và là thể cách hiện diện hữu hình nhất của Ngài. Cũng có một số thể cách hiện diện qua các biểu tượng, như: các thánh đường [có thập giá], các cơ cấu của Giáo hội, các tổ chức tông đồ hoặc từ thiện trong Giáo hội, những sách vở báo chí, những trường học hay cơ quan thông tin và dư luận, v.v… tất cả đều nhắc đến, nói lên sự hiện diện của Ðức Kitô ở giữa thế giới.

Do tự bản tính, Giáo hội là bí tích của Ðức Kitô, tức là sự hiện diện hữu hình của Ðức Kitô vô hình. Thường thì con người gặp gỡ với Ðức Kitô qua hay trong Giáo hội: hoặc vì được sinh ra trong một gia đình kitô giáo và lãnh nhận các bí tích trong Giáo hội, hoặc vì nhờ nghe Tin mừng Giáo hội rao giảng mà nhận được đức tin và chịu phép Rửa trong Giáo hội. Sở dĩ Ðức Kitô hiện diện như thế là để tiếp tục thi hành vai trò Trung gian của Ngài (x. ASMD 14a). Vì vậy, Giáo hội luôn luôn xác tín rằng dù “ngự bên hữu Chúa Cha, Ðức Kitô vẫn hiện diện giữa cộng đoàn các linh mục của Ngài… Chúa Kitô rao giảng lời Thiên Chúa cho các dân nước và không ngừng ban phát các bí tích đức tin cho tín hữu” (ASMD 21a). Nếu Giáo hội là thân thể, thì Ðức Kitô hiện diện như là Ðầu, tức như là nguyên nhân của sự hiệp thông, là nguồn sống của các chi thể (x. Eph 4:15; 5:23; Cl 1: 18). Nếu  Giáo hội là hiền thê, thì Ðức Kitô hiện diện như là tân lang (x. Eph 5:21tt); thật vậy, tương giao giữa Ðức Kitô với mỗi kitô hữu mật thiết như giữa vợ chồng; vì thế, thánh Phaolô viết: “Tôi đã đính hôn anh em với một người độc nhất là Ðức Kitô, để tiến dâng anh em cho Ngài như một trinh nữ thanh khiết” (2Cr 11:2). Các bậc thần nghiệm thường nói đến “hôn nhân thiêng liêng,” vì các vị cảm thấy tình yêu của Ðức Kitô tác dụng trong tâm hồn mình một cách nồng cháy, khôn tả, và vì không biết lấy gì ngoài ẩn dụ “hôn phối” để diễn tả kinh nghiệm ấy. Nhưng mỗi linh hồn đều có thể hưởng nếm sự hiện diện mật thiết ấy, nếu biết mở lòng ra mà đón nhận: “Này đây, Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3:20).

Có một nơi đặc biệt để gặp gỡ với Ðức Kitô, đó là cộng đồng phụng vụ, vì có lời hứa: “Thầy bảo thật anh em: ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18:20). Thực vậy, nếu tụ hợp nhân danh Ngài, thì mọi buổi họp mặt của các kitô hữu đều là dịp để gặp Ðức Kitô. Tuy nhiên, Ðức Kitô hiện diện một cách toàn hảo và đặc biệt ở trong cộng đồng cử hành phụng vụ của Giáo hội; vì thế, bao giờ chủ tế cũng chào là: “Chúa ở cùng anh chị em”; điều đó nói lên tính chất đặc thù của cộng đoàn. [295] Công đồng Vaticanô II giải thích rằng:

“Ðể chu toàn công việc lớn lao ấy [sứ mệnh Ðức Kitô trong lịch sử], Chúa Kitô hằng hiện diện trong Giáo hội nhất là trong các hoạt động phụng vụ. Ngài hiện diện trong Hy Lễ không những trong con người thừa tác viên, vì ‘như xưa Ngài đã dâng mình trên thập giá thì nay chính Ngài cũng dâng mình nhờ thừa tác vụ của các linh muc,’ mà nhất là hiện diện thực sự dưới hai hình Thánh Thể. Ngài hiện diện trong các Bí tích với quyền năng của Ngài; vì thế, ai rửa tội chính là Chúa Kitô rửa. Ngài hiện diện trong lời của Ngài, vì chính Ngài nói khi người ta đọc Thánh kinh trong Giáo hội. Sau hết, Ngài hiện diện khi Giáo hội cầu khẩn và hát Thánh vịnh, như chính Ngài đã hứa.” [296]

Bản văn trên đây kể ra nhiều cách hiện diện khác nhau. Hiện diện đặc thù và trọn vẹn nhất là trong Thánh Thể. Thứ nhất, vì đó là memoria, là cuộc tưởng niệm Ngài: “Hãy làm điều này để nhớ đến Ta” (Lc 22:19tt). [297] Trong cuộc tưởng niệm này, Ðức Kitô không chỉ đơn thuần hiện diện ở nơi trí nhớ của các tín hữu, mà còn hiện diện theo cách thể thần học gọi là “khách quan,” hoặc “huyền nhiệm” (mysteric), do sự việc quyền năng Ngài tác dụng trên cộng đồng nhằm mang lại ơn cứu độ cho các tín hữu. Ngài tạo nên một cơ hội ân sủng (kairos), một bầu khí thiêng liêng giúp cho các thành viên cộng đồng dễ mở lòng ra hơn mà đón nhận ơn thánh. Cộng đồng phụng vụ là hiện thân của Nhiệm Thể Ðức Kitô tại một nơi, là hình ảnh cụ thể của “Giáo hội địa phương.” Có thể nói là ‘cường độ’ của sự hiện diện trong cộng đồng như thế là rất cao, chỉ kém thua sự hiện diện thực sự trong Mình và Máu Thánh Thể mà thôi.

Thứ hai, vì Ðức Kitô hiện diện cách đặc biệt ở trong thừa tác viên lúc cử hành các Bí tích. Thừa tác viên hoạt động “trong bản thân Ðức Kitô” (in persona Christi), [298] tức là nhân danh và thay mặt Ngài mà hành dộng, như là để giải tội chẳng hạn: “Tôi giải tội cho anh [chị, ông, bà]…” Tôi này vừa là cá nhân linh mục vừa là Ðức Kitô, vì tự mình, thừa tác viên không có quyền tha tội. Thánh Âugutinô giải thích: “Khi Phêrô rửa tội, là Ðức Kitô rửa tội; khi Gioan rửa tội, là Ðức Kitô rửa tội; khi Giuđa rửa tội, là Ðức Kitô rửa tội.” Trong việc cử hành các bí tích, Ðức Kitô là chủ sự thực sự, là tác viên chính yếu, còn thừa tác viên chỉ giữ vai khí cụ. Ðúng như Vaticanô II giải thích: “Qua sự phục vụ quý hóa của các ngài, Chúa Kitô rao giảng lời Thiên Chúa cho các dân nước, và không ngừng ban phát các bí tích đức tin cho các tín hữu” (ASMD 21a). Chẳng thế mà Ðức Kitô đã kiên quyết khẳng định: “Ai nghe anh em là nghe Thầy; ai khước từ anh em, là khước từ Thầy…” (Lc 10:16tt). Chúa đồng hành và ở với các sứ đồ của Ngài, nhất là lúc bị bách hại (x. Mt 10:19-20).

Thứ ba, vì Ðức Kitô hiện diện trong lời Chúa. Nghe tuyên bố Kinh Thánh, nghe giảng dạy trong các nghi thức phụng vụ, là nghe chính Ðức Kitô dùng miệng của thừa tác viên mà loan báo Tin mừng; bởi như đã nói trên đây, thừa tác viên hành động nhân danh Ðức Kitô. Thần Khí đã linh ứng Sách thánh và để lại cho Giáo hội như là một bí tích của mạc khải. Vì thế, các Giáo phụ thường nói rằng Kinh Thánh “chứa đựng” Ðức Kitô, nhưng cần phải có “con mắt đức tin” thì mới khám phá ra Ngài (x. Lc 24: 44). Ngài hằng nói với các độc giả qua thời đại: “Ai có tai để nghe, thì hãy nghe.” Nhờ Kinh Thánh, Ngôi Lời không còn im lặng nữa. Thánh Xêsariô thành Arles nói rằng: “Lời Thiên Chúa không kém quan trọng so với Thân thể Chúa Kitô,” [299] vì Kinh Thánh thì tựa như Mình và Máu Chúa ở trong chữ viết, nơi đó chúng ta gặp được Ngài. [300]

Sự hiện diện thực sự trong Thánh Thể là trường hợp độc đáo. Trong “Mầu nhiệm Ðức tin” này, sự hiện diện cứu độ của Ðức Kitô được thể hiện nhờ chính sự hiện diện “bản thể” dưới hình bánh và hình rượu; đó là một thể cách hiện diện hết sức đặc biệt vì Ðức Kitô toàn vẹn, vừa là Thiên Chúa vừa là con người, thật sự có mặt ở trong bí tích. [301] Khi nghe Ðức Giêsu nói: “Thịt tôi thật là của ăn và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy,” (Ga 6:55-6), dân Do thái tỏ ra hết sức bỡ ngỡ và phản ứng mạnh, coi đó là “lời quá chướng tai” (Ga 6:60), vì tự nhiên, có ai mà nghĩ như vậy. Nói chung, khó mà thấu đạt được tình yêu; mà “Bí tích Tình yêu” này là hiện thân của lòng yêu thương bao la Ðấng Thiên sai dành cho con người; vậy thì làm sao trí khôn loài người có thể hiểu thấu cho nổi. Thánh Âugutinô đã thử đề nghị một cách để hiểu: cứ yêu mến đi, rồi may ra bạn sẽ hiểu được. Thể cách hiện diện này là hoàn hảo nhất, là một cách “tương tại” (Ðức Kitô và người chịu Lễ ở trong nhau) mật thiết hơn bất cứ thể cách hiện diện nào khác giữa loài người.

Cuối cùng, Ðức Kitô hiện diện trong cầu nguyện của người tín hữu, đặc biệt là trong kinh nguyện chính thức của Giáo hội. Nếu có một lúc nào con mắt đức tin bừng sáng lên nhất, thì đó là lúc cầu nguyện, và vì thế mà dễ nhận ra Chúa hiện diện gần kề. Thánh Phaolô (cũng như các tác giả khác của Tân Ước) đã từng quen “lắng nghe” lời Ðức Kitô trong Kinh Thánh, nhất là trong các Thánh vịnh. [302] Phần sách Cựu Ước được Tân Ước trích dẫn nhiều nhất là Thánh vịnh, bởi Giáo hội sơ khai cảm nghiệm đặc biệt mạnh mẽ sự hiện diện của Chúa Phục sinh lúc hát Thánh vịnh. Thần học gia W. M. Thompson nhận định: “Tôi không nghĩ  người nghiên cứu có thể tiến xa trong nỗ lực tìm hiểu Kitô học mà không nhờ đến phương cách đào tạo và khả năng hình dung đượm đầy tính chất suy niệm, thi vị, cung kính và cả tiên trưng nữa của kho tàng văn chương được Thánh vịnh giới trình và tán trợ.” [303] Kitô học gia nào lại không thấy là cần phải áp dụng cho mình lời nhắn nhủ sau đây của Phaolô: “Hãy thấm nhuần Thần Khí; hãy cùng nhau đối đáp những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca do Thần Khí linh hứng; hãy đem cả tâm hồn mà ca hát chúc tụng Chúa. Trong mọi hoàn cảnh và mọi sự, hãy nhân danh Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, mà cảm tạ Thiên Chúa là Cha” (Ep 5:18-20).

Ðể tổng hợp các thể cách “Ðức Kitô hiện diện trong chúng ta,” thánh Phaolô đã dùng đến cụm từ “en Khristô” = “trong Ðức Kitô.” Ðối với kitô hữu, toàn bộ cuộc sống, mọi lời nói, mọi việc làm, mọi điều chịu đựng, tất cả đều xảy ra trong Chúa Kitô (x. Rm 16:11-13; 1Cr 3:1; 4:15; 11:11; 2Cr 2:10, v.v.). Bởi được cứu chuộc “trong Ðức Kitô” (Rm 3:24), nên sự sống mới của kitô hữu tất cũng diễn ra ở trong chính Ngài (x. Rm 6:11.23). Kitô hữu được định nghĩa là “những ai ở trong Ðức Kitô” (x. Rm 8:1-2), vì Ðức Kitô ở trong họ (x. Rm 8:10) một cách không thể tách rời được, qua mối dây nối kết chặt chẽ của tình yêu vô điều kiện Thiên Chúa dành cho họ (x. Rm 8:35tt). Biết ý thức đến sự kiện này là điều rất quan trọng. Phaolô đã dựa vào kinh nghiệm này mà giải quyết những khủng khoảng trong các cộng đoàn: “Anh em chẳng nhận ra là có Ðức Giêsu Kitô ở trong anh em sao?” (2Cr 13:5). Thật vậy, toàn bộ mầu nhiệm của cuộc sáng tạo, cứu chuộc và thần hóa đều trọn vẹn diễn ra ở trong Ðức Kitô (x. Ep 1:1tt): “Chúng ta được dựng nên trong Ðức Kitô Giêsu” (Ep 2: 10), hoặc nói tóm lại: “Mầu nhiệm là chính Ðức Kitô trong anh em” (Cl 1:27). Trước sự hiện diện ấy, hết mọi dị biệt đều không đáng kể: chủng tộc, giai cấp, thân phận, giới tính, v.v. tất cả đều biến mất; trong cộng đồng kitô giáo, tất cả đều như nhau, vì chỉ còn một yếu tố duy nhất đáng kể: “Ðức Kitô là tất cả và ở trong mọi người” (Cl 3:11). Phaolô còn quan niệm là Ðức Kitô đang “sinh ra” hoặc “hình thành” ở trong kitô hữu (x. Gl 4:19): từ lúc mới chịu phép rửa (= “sinh ra”) cho đến khi “chết trong Ðức Kitô” (1Tx 4:16). Ðó quả là Kitô học hiện sinh. Kitô hữu đích thực là người sống chết trong và cho Chúa Kitô (x. Rm 14:8); mọi sự khác đều là phụ thuộc. Như sách Khải huyền viết: “Phúc thay những ai chết trong Chúa Kitô” (Kh 14:13), vì đó là lúc sự hiện diện của Ðức Kitô và niềm hiệp thông với Ngài đạt đến mức sung mãn, toàn vẹn.

c. Ẩn Danh

Những gì trước đây đã nói về Ngôi Lời hiện diện ở trong vũ trụ và lịch sử, thì đều thích dụng cho phần viết này; dĩ nhiên, không phải chỉ đơn thuần là như thế vì Ngôi Lời đã nhập thể và có tên riêng là Giêsu Kitô. Trong phần viết trước đây, đã có dịp nói đến “hiện sinh thể kitô” (christic existential), tức về điểm này là: “khi nhập thể, một cách nào đó, Con Thiên Chúa đã kết hợp với mọi người” (VMHV 22b), thế nên mọi người đều mang trong mình mầm giống của Ðức Kitô. Mặt khác, Ngài là “trưỏng tử của mọi tạo vật,” “và tất cả đều tồn tại trong Ngài” (Cl 1:15-17). Như vậy, cần phải biết nhận cho ra Ðức Kitô nơi mỗi người như thể là nơi một người em của Ngài, xác tín Ngài là thâm căn hiện hữu của mỗi người. Chính Ðức Giêsu đã ám chỉ đến “họ hàng” không biên giới của Ngài khi nói rằng bất cứ ai thi hành ý Cha ở trên trời là họ hàng của Ngài (x. Mt 12:50). Dấu chỉ của sự hiện diện này (qua ơn thánh, qua Thần Khí) là hành vi đạo đức: ở đâu có người làm điều lành, thì ở đấy có Ðức Kitô tác động. Lắm người lầm tưởng Ðức Kitô chỉ hiện diện khi có người kêu: “Lạy Chúa, lạy Chúa” hoặc vì có người làm những điều to tát nhân Danh Ngài; chưa hẳn là thế (x. Mt 7:21-23). Ai thành thực làm điều thiện, thì chắc chắn đó là người có Ðức Kitô hoạt động ở trong mình. Công đồng Vaticanô II giải thích: “Từ nay, [sau Phục sinh] Chúa Kitô hoạt động trong lòng con người nhờ quyền năng Thánh Thần của Người, không những bằng cách khơi dậy khát vọng đời sau, nhưng còn qua đó, cổ vũ, tinh luyện và củng cố những ước vọng quảng đại thúc đẩy gia đình nhân loại biến cải cuộc sống của mình cho nên nhân đạo hơn và quy phục trái đất về cùng mục đích ấy” (VMHV 38).

Trong dụ ngôn về cuộc phán xét chung, Ðức Giêsu đã gợi ý cho hiểu rằng Ngài ở trong những người gặp khó khăn, cần được giúp đỡ: những gì người ta làm hay không làm “cho một trong những anh em nhỏ nhất đây,” là đã làm hay không làm “cho chính Ta vậy” (x. Mt 25:40.45). Những “anh em nhỏ nhất” ấy là ai? Có lẽ là những môn đồ (kitô hữu); nhưng cũng có lẽ là bất cứ người nào gặp phải hoàn cảnh khó khăn. Có người chịu khổ là có Ðức Kitô ở kề bên. Thế mới rõ tại sao nhà tư tưởng Pascal lại nói: “Ðức Kitô vẫn còn hấp hối cho đến tận thế.” [304] Còn thần học thì gọi thể cách hiện diện ẩn danh của Ðức Kitô là “bí tích tha nhân,” như người bạn đồng hành trên đường Emmau ngày xưa vậy (x. Lc 24:13tt).

Theo tư thế là Ðấng Cứu chuộc, Ðức Kitô hiện diện nơi hết mọi người Ngài yêu thương cho đến thí mạng sống vì họ. Ơn cứu độ chỉ có được trong Ðức Kitô. Thế thì khi đối xử với người khác, tiêu chuẩn nào mình dùng đến thì cũng sẽ được dùng để xét xử chính mình: “Anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy; anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong cho anh em đấu ấy” (Mt 7:2). Giao tiếp với Ðức Kitô là như thế. Trên con đường cứu độ, Ngài gặp gỡ với chúng ta nơi tha nhân.

Giáo hội thường hát: “Tình yêu ở đâu, ở đấy có Thiên Chúa.” Ðiều răn Cựu Ước ghi lại: “Hãy yêu người thân cận như chính mình” (Lv 19:18), có chỉ nghĩa là “yêu đồng bào, đồng hương.” Ðức Giêsu đã quảng diễn ý nghĩa để cho hiểu đó là “tha nhân,” cho dù là “dân ngoại,” hay “thù địch,” như thấy được trong dụ ngôn về người Samari (x. Lc 10:29tt) và trong lệnh Ngài truyền qua bài giảng trên núi (x. Mt 5:43tt). Ðiều răn này tóm gọn toàn bộ Lề Luật (x. Gl 5:14), và thánh Giacôbê gọi là “Luật vương giả” (Gc 2:8). Mà giữ Luật là được ơn cứu độ, được Ðấng Cứu tinh tác động: trong tương quan tình thương thì có Thiên Chúa, có Ðức Kitô, và có “tha nhân” đã trở thành “thân cận.”

Ðể nhận cho ra thực tại này, thì cần phải mở “con mắt đức tin” và được Thần Khí soi sáng. Khi ấy, tình cảnh sẽ đổi mới, trở nên lạ thường: tôi có thể trở nên thân cận với hết mọi người (như người Samari: Lc 10:36-7), và thấy được đối với tôi, mọi người cũng đều đã “thành” Ðức Kitô. Bấy giờ, kitô hữu mới thực “góp phần” tích cực và hữu hiệu vào việc hiện thực hóa thái trạng viên mãn của Ðức Kitô (plhùrwma) nơi mọi người (x. Ep 1:23).

Còn một trường hợp hiện diện đặc biệt khác của Ðức Kitô: hiện diện trong các tôn giáo. [305] Không chỉ vì sự có mặt của “hạt giống Ngôi Lời,” [306] mà còn vì việc các “hạt giống” ấy đã cụ thể mọc lên làm khí cụ cứu độ của Ðấng Cứu Tinh. Tuy nhiên, khác hẳn với lối quan niệm của R. Panikkar, [307] Ðức Kitô ở đây không phải là một thứ “năng động thần linh,” được coi là khác với Ðức Giêsu, song chính là Ðức Giêsu Kitô Nadarét, mà thần học về các tôn giáo có bổn “phải minh trình cho thấy là đang hiện diện chủ động trong tất cả các tôn giáo.” [308] Ðiều này chỉ có thể thành hiện thực nhờ năng lực của mầu nhiệm Phục sinh, qua đó, Ðức Kitô thu nhận tất cả những gì chân thiện ở trong nhân loại làm phương tiện chuyển thông ơn cứu độ của Ngài đến với mọi người. Một thí dụ cụ thể là đời sống tu hành trong các tôn giáo; Vaticanô II nhận định: “Những truyền thống khổ hạnh và chiêm niệm đôi khi đã được Thiên Chúa gieo mầm trong các nền văn hóa cổ xưa…” (HÐTG 18b). Văn kiện Ecclesia in Asia của Hội Nghị Châu Á viết rằng:

“Theo sự hướng dẫn của Công Ðồng Vaticanô II, các nghị phụ Thượng Hội Ðồng đã tập trung chú ý tới hoạt động vừa nhiều vừa đa dạng của Chúa Thánh Thần, Ðấng vẫn tiếp tục gieo các hạt giống chân lý vào các dân tộc, tôn giáo, văn hoá và triết lý của họ. Nói thế có nghĩa là những tôn giáo, văn hoá và triết lý ấy có thể giúp con người, cá nhân lẫn tập thể, chống lại sự dữ và phục vụ sựï sống cũng như tất cả những gì tốt đẹp. Lực lượng tử thần luôn luôn tìm cách cô lập con người, xã hội và các cộng đồng tôn giáo với nhau, gieo rắc nghi ngờ và cạnh tranh, đưa người ta tới chỗ xung đột với nhau. Ngược lại, Thánh Thần luôn nâng đỡ con người đi tìm sự hiểu biết và đón nhận nhau. Thế nên, Thượng Hội Ðồng đã có lý khi coi Thánh Thần Thiên Chúa là tác nhân số một của việc đối thoại giữa Giáo Hội với mọi dân tộc, mọi nền văn hoá và mọi tôn giáo” (số 15)

IV. KITÔ HỌC HIỆN SINH

Học Kitô học không thôi thì chưa đủ, bởi ngoài học còn cần phải sống Kitô học nữa, tức là phải thực thi Kitô hành. Biết giải thích mầu nhiệm ngôi hiệp là điều hay, nhưng noi gương sát gót Ðức Giêsu là điều tốt hơn. Kitô học sống động này dựa vào sự việc Ðức Kitô hiện diện trong mỗi cá nhân và trong lịch sử loài người.

Tựa như mạc khải gợi lên đức tin, thì cũng thế, sự hiện diện cứu độ của Ðức Kitô đưa tín hữu đến chỗ đón nhận ơn thông hiệp của Ngài, tức là tự trao ban chính mình cho lẫn nhau trong quan hệ: Thầy-trò, Anh-em, Cứu tinh-tội nhân, thân tình với nhau, v.v. Quan hệ thông hiệp này thể hiện theo những cách thức khác nhau, và theo những cường độ khác nhau, tùy tình trạng và tính tình thiêng liêng của mỗi người. Thế nào đi nữa thì tín hữu cũng phải sống với ý thức sinh động là Ðức Kitô đang hiện diện với mình, trong mình. Thái độ này giả thiết người “Kitô hành” hằng chú tâm tìm đọc cho ra những dấu chỉ về sự hiện diện của Ðức Kitô trong các thực tại như nêu trên đây, tức là biết nhìn mọi sự với con mắt đức tin.

Kitô học nhấn mạnh đến tầm quan trọng của giáo lý chính thống (orthodoxy), còn ở đây thì ưu tiên được dành cho chính hành (orthopraxis); nói cách khác: giáo lý chính thống là phần nhận thức chuẩn xác về Ðức Kitô, còn chính hành là việc thực thi những gì Ngài dạy qua gương sống và giáo huấn của Ngài. [309] Tư chất con người Ðức Giêsu thì rất phong phú, vì thế môn đồ (kitô hữu) có thể noi theo Ngài bằng nhiều cách: sống đời chiêm niệm hay hoạt động, làm bổn phận thường nhật trong gia đình hay là làm ngôn sứ rao giảng đó đây, làm thầy huấn giáo hay là người chữa bệnh, v.v. Dù noi theo Ngài trong cách thể nào đi nữa, thì tất yếu cũng phải nhờ đến sức năng của Ngài. Ngay từ đầu, Giáo hội đã hiểu rằng đón nhận Lời Chúa có nghĩa là noi theo Ngài (x. 1Tx 1:6). Phaolô cắt nghĩa rõ phép Rửa tội là chết và sống lại với Ðức Kitô, là bỏ lối sống cũ và bắt đầu một đời sống mới (x. Rm 6:1-11), hoặc nói cách khác, là sống theo tác động và sức năng của Thần Khí (x. Rm 8:4.11-13). Như Ðức Giêsu đã đến không phải để được phục vụ, song là để phục vụ (x. Mt 20: 28tt) và muốn các môn đồ bắt chước mẫu gương tình thương ấy (x. Ga 13:15), thì cũng thế, kitô hữu phải biết là lấy tình thương mà phục vụ tha nhân (x. 1Cr 13; Gl 5:13). Người Samari tốt lành (Lc 10:29-36) là hình ảnh chỉ về Ðức Giêsu, lý tưởng tiêu biểu của cách thức xử thế kitô giáo.

Noi theo Ðức Kitô còn có nghĩa là một khi đã trở nên “Kitô khác” thì biết chia sẻ “Ngài” với người chung quanh; chia sẻ cho họ gương sống, cái chết, giáo huấn, và đặc biệt là Thần Khí của Ngài, để họ được cùng sống với Ngài. Noi theo Ðức Kitô là để Ngài dùng mình như là khí cụ nhằm phục vụ người khác. Ý của Chúa Cha là người kitô phải “có những tâm tình như Ðức Kitô Giêsu” (Pl 2:5) và, nhờ Thần Khí, phải “trở nên đồng hình đồng dạng với Con của Người” (Rm 8:29), trở nên hình ảnh sống động của Ðức Kitô ở giữa xã hội loài người, mỗi người một cách, “tùy theo mức độ ân sủng Ðức Kitô ban cho” (Ep 4:7), tức là tùy theo khả năng, hoàn cảnh, địa vị, ơn gọi, v.v., của mỗi người: có thể là giáo dân hay giáo sĩ, sống đời tu hành hay ở giữa thế tục; dù sao, người “Kitô hành” thể ấy cũng không mảy may ỷ vào trí lực của mình, mà chỉ cậy vào ơn Chúa và cố đem hết thiện chí mà nỗ lực hợp tác, điều mà ai ai cũng có thể làm được.

Hân hoan là nét đặc trưng của kitô học hiện sinh, vì bao giờ cũng có Ðức Giêsu hằng sống hiện diện bên cạnh. [310] Ðó là kinh nghiệm phục sinh của các tông đồ (x. Lc 24:41.52; Ga 20:20). Tin mừng mang lại niềm vui cho những ai được gặp Ðức Giêsu: còn trong bụng mẹ, Gioan đã “nhảy mừng vui sướng” (Lc 1:44); Dakêu hân hoan đón rước Ngài (x. Lc 19:6)… Cả đến Abraham cũng vui mừng vì thấy được ngày Ðức Giêsu! (x. Ga 8:56): nếu trước khi nhập thể, Ngài đã là niềm vui cho các kẻ có lòng tin, thì huống chi bây giờ; hạnh phúc Ngài mang lại “không ai lấy mất được” (Ga 16:22). Vì thế, thánh Phaolô khuyên: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa; tôi nhắc lại: vui lên anh em!” (Pl 4:4). Không cần nhấn mạnh nhiều đến điểm này; Giáo hội và truyền thống đời tu đã quy áp cho Ðức Kitô lời sau đây của Thánh vịnh: “Hãy nghiệm cảm xem Chúa tốt lành biết mấy: hạnh phúc thay kẻ ẩn náu bên Ngài” (Tv 34:9).

Cuối cùng, Kitô học hiện sinh nêu rõ chiều kích cánh chung của mệnh phận kitô hữu: một khi đã tin vào Ðức Kitô hằng hiện diện, nhất là đã nghiệm thấy Ngài hiện diện trong lòng mình và nơi tha nhân, tất sẻ nhận ra được rõ sự hiện diện đó chính là bảo chứng của những thực tại trường cửu ở trên trời. Ở đó, trong quê hương thật (x. Kh 21:2tt.22tt), khi Thiên Chúa sẽ là tất cả trong tất cả (x. 1Cr 13:12; 15:28), tín hữu sẽ được “mặt giáp mặt” (Xh 33:11) và đích thực rõ ràng (x. 1Ga 3:2), ngắm nhìn vinh quang của Ðức Kitô, như Ngài hằng cầu mong cho (x. Ga 14:2tt; 17: 24tt; 2Cr 3:18).

 


[290] Xin xem Dupont, J., ‘Sun Christo’. L’union avec le Christ suivant saint Paul, Bruges 1952; Lash, N. His Presence in the World, London 1968; Guillet, J., Jésus dans notre monde, Desclée de Br. 1996.

[291] Nhấn mạnh đến khía cạnh này thì có: Hodgson, P. C., Jesus: Word and Presence, Philadelphia: Fortress 1971; Thompson W. M., Christology and Spirituality, NY Crossroad 1991; Battaglia, V., Cristologia e contemplazione, Bologna 1997.

[292] Ðiđakhê 4. 1; xin xem Torrace, A. J., Persons in Communion. Trinitarian Description and Human Participation, Edinburgh 1996.

[293] Xin xem Moretti, R., “Inhabitation” trong Dict.Spir. VII, 1971, 1735-1757.

[294] Giáo lý… số 521.

[295] LG 26a, GS 21d, Phaolô VI, Mysterium Fidei,  3-9-1975, số 35-39; Cuva, A., La presenza di Cristo nella Liturgia, Roma 1973; xin xem thêm Marion, J.-L., Dieu sans l’être, Paris 1982, “Le présent et le don,” 225-258.

[296] Công đồng Vaticanô II, PV 7a.

[297] Schäffer, Ph., “Eucharist: Memorial of the Death and Resurrection of Jesus,” trong Hängsling, Ph., (ed), The Meaning of the Liturgy, Collegeville: The Liturg. Pr. 1994, 56-78.

[298] Xin xem Ferrara, D., “In Persona Christi. Valeur et Limites d’une Formule,” Maison Dieu số 215-3 (1998) 107-118.

[299] Cesario thành Arles, Sermo 78. 2.

[300] Xin xem Crowe, F. E, sj, Theology of the Christian Word, N.Y.: Paulist 1978.

[301] Xin xem Phaolô VI, Mysterium fidei, số 20, 46-55.

[302] Jacques Trublet, “Les Psaumes,” trong Dict. de Spir. 12/2, 1986, 2553; xem Nédoncelle, M., Prière humaine, prière divine, Paris 1962; Wright, J., A Theology of Christian Prayer, N.Y.: Pueblo 19822; Guillet, J., “Le Christ prie en moi,” Christus 178HS (1998) 185-198.

[303] Thompson, W. M, “Christology as Psalmody: The Role of the Psalms in Christology,” trong The Struggle for Theology’s Soul, N.Y.: Crossroad 1996, tr. 48.

[304] Pascal, Pensées, do Brunschvicg xuất bản, số 552.

[305] Doré, J., “La présence du Christ dans les religions non-chrétiennes,” Salmanticensis 42 (1995) 315-340.

[306] Xin xem LG 17, AG 11; Esquerda Bifet, J., “Alla luce dell Spirito Santo, discernere i semi del Verbo all’interno delle culture e delle religioni,” Euntes Docete 51 (1998)2/3, tt. 91-98; Holte, R., trên đây.

[307] Về đề tài này xin xem cuốn sách tiêu biểu: Panikkar, R., The Unknown Christ of Hinduism, Orbis Books (tái bản) 1994.

[308] Dupuis, J., Jésus-Christ à la rencontre des religions, Paris, Desclée 1989, đoạn kết thúc; xin xem Mondin, B. “Ơn cứu độ trong các tôn giáo không kitô,” HTTH số 3 (1992) 71-84.

[309] Cothenet, E., et alii, “Imitation” trong Dict. de Spiritualité VII, 1971, 1536-1601.

[310] Kinh nghiệm này được thánh Bênađô diễn tả trong ca vịnh: “Jesu, dulcis memoria / dans vera cordis gaudia. / Sed super mel et omnia / eius dulcis prasentia”: “Lạy Ðức Giêsu, nhớ đến Chúa dịu ngọt thay,  Chúa ban hạnh phúc thật cho tâm hồn. Nhưng sự hiện diện của Ngài thì thật dịu ngọt hơn mật ong và hơn mọi sự.”