Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Kinh Tin Kính: Vì Loài Người Và Để Cứu Rỗi Chúng Tôi

Administrator
2018-09-23 08:50 UTC+7 28
Lê Đình Thông   Dẫn nhập Kinh Tin Kính bắt nguồn từ Tín biểu các tông đồ (thánh Phêrô và thánh Phaolô) có từ thế kỷ II ; và được kiện toàn tại Roma vào thế kỷ thứ VI. Sau đó được truyền bá khắp Tây phương. Tín biểu Nicea-Constantinopoli nhằm giải đáp các cuộc […]


Lê Đình Thông

 

Dẫn nhập

Kinh Tin Kính bắt nguồn từ Tín biểu các tông đồ (thánh Phêrô và thánh Phaolô) có từ thế kỷ II ; và được kiện toàn tại Roma vào thế kỷ thứ VI. Sau đó được truyền bá khắp Tây phương. Tín biểu Nicea-Constantinopoli nhằm giải đáp các cuộc thảo luận thần học về bản tính Chúa Kitô, được dấy lên vào hai thế kỷ IV và V. Tín biểu này được các nghị phụ biên soạn trong công đồng đại kết họp năm 325 và 381 tại hai thành phố Nicea và Constantinopoli, căn cứ vào bản văn của Eusèbe de Césarée, còn được gọi là Eusèbe Pampile (Εὐσέβιος ὁ Παμφύλιος) giám mục Césarée.

Thuật từ ‘‘Tin kính’’ (credo) được thánh Gioan viết lần đầu tiên, khi Chúa Giêsu hỏi người mù : Chúa Giêsu hỏi: ‘‘Anh có tin vào Con Người không?’’. Anh đáp: ‘‘Thưa Ngài, Ðấng ấy là ai để tôi tin?’’. Ðức Giêsu trả lời: ‘‘Anh đã thấy Người. Chính Người đang nói với anh đây’’. Anh nói: ‘‘Thưa Ngài, tôi tin’’. Rồi anh sấp mình xuống trước mặt Người. (Ga 9,35-38). Vào các thế kỷ đầu, vào lễ rửa tội, người tòng đáp lại ‘‘tôi tin’’ cả ba lần dìm xuống nước.

Kinh Tin kính là tín biểu đại kết thể hiện sự hiệp nhất của Hội thánh trong đức tin. Bản văn được soạn thảo tại công đồng đại kết thứ nhất họp ở Nicea từ 19/06 đến 25/08 năm 325 ; sau đó được công đồng đại kết lần thứ hai họp tại Constantinopoli từ tháng 5 đến tháng 7 năm 381 chế định về bản tính Thiên Chúa. Từ thế kỷ thứ V, tín biểu được đưa vào phụng vụ Thánh thể và được dịch sang tiếng La tinh.

Từ ngữ ‘‘tín biểu’’ dịch từ ‘‘symbole’’ trong bản tiếng Pháp. ‘‘Symbole’’ do chữ Hy lạp σύμβολον (sumbolon) có nghĩa là gặp gỡ, hội họp. Vì vậy, Tin kính là kinh tập hợp các tín hữu. Đức Giám Mục Basile de Césarée nhận định : ‘‘Không ai sống một mình, không ai tin một mình. Thiên Chúa phán với ta. Người làm thế để tập họp ta lại. Người thiết lập một cộng đoàn Dân Chúa, là Hội thánh. Sau khi Chúa Giêsu về trời, Hội Thánh là dấu chỉ sự hiện diện của Chúa ở trần gian.” Trong cuộc phỏng vấn đăng trên tạp chí Études tháng 11/2013, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã diễn giải về ý nghĩa cộng đoàn (communauté) qua căn nhà ngài đang ở như sau : ‘‘Căn nhà dành cho giáo hoàng tuy rộng rãi, khang trang thật, nhưng cánh cửa lại quá hẹp, người ta chỉ có thể vào nhỏ giọt. Không có tha nhân, tôi không thể nào sống được. Tôi cần sống với cộng đoàn.’’ Vì vậy, ngài ở trong phòng số 201 dành cho khách vãng lai.

Trong tông thư Porte fidei (Cánh cửa Đức tin), Đức Bênêdictô XVI ước mong trong Năm Đức tin, các tín hữu tuyên xưng đức tin với niềm xác tín mới ; như vậy, chứng từ đức tin thể hiện qua cuộc sống của người tín hữu ngày càng tăng thêm. Ngài mời gọi mỗi người tìm lại nội dung của đức tin tuyên xưng, được cử hành trong thánh lễ, qua cuộc sống hàng ngày và bằng lời cầu nguyện. Nguyệt san Dân Chúa Âu Châu đã thực hiện lời giáo huấn của Đức Bênêdixtô XVI, bằng cách học hỏi kinh Tin kính qua nhiều số báo, khai triển các chủ đề từ kinh Tin kính.

Trong Năm Đức Tin, chúng ta đã và đang cùng nhau đọc kinh Tín kính của công đồng Nicea-Constantinopoli :

“Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha toàn năng,

Đấng tạo thành trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình.

Tôi tin kính một Chúa Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa,

sinh bởi Đức Chúa Cha từ trước muôn đời:

Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa,

Ánh Sáng bởi Ánh Sáng,

Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật;

được sinh ra mà không phải được tạo thành,

đồng bản thể với Đức Chúa Cha;

nhờ Người mà muôn vật được tạo thành.

Vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta,

Người đã từ trời xuống thế;

bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria,

và đã làm người.

Người chịu đóng đinh vào thập giá vì chúng ta, thời quan Phongxiô Philatô,

Người chịu khổ hình và mai táng.

Ngày thứ ba, Người sống lại như lời Thánh Kinh,

Người lên trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha,

và Người sẽ lại đến trong vinh quang,

để phán xét kẻ sống và kẻ chết,

Nước Người sẽ không bao giờ cùng.

Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần,

là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống

Người bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra.

Người được phụng thờ và tôn vinh cùng với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con;

Người đã dùng các tiên tri mà phán dạy.

Tôi tin Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, Công Giáo và tông truyền.

Tôi tuyên xưng có một Phép Rửa để tha tội.

Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau. Amen”.

Vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi có trong kinh Nicea-Constantinopoli, lại không có trong tín biểu các tông đồ.

Socrate (470-399 trước Công nguyên) là người đã khai sáng luân lý học. Một hôm, Socrate cầm đèn đi giữa ban ngày. Người ta hỏi ngài đi tìm gì vậy ? Socrate trả lời : ‘‘Tìm một người’’. Con người đó sau này đã được quan tổng trấn Philatô công bố : Ecce homo (Này là Người). Trong số chủ đề ‘‘Vì loài người chúng tôi, và để cứu rỗi chúng tôi’’, chúng ta cùng nhau tìm hiểu ‘‘Con Người’’ (υἱὸν τοῦ ἀνθρώπου : uios tou anthrôpou) : thuật từ cánh chung học này là danh hiệu của Chúa Giêsu Kitô nhập thể, đấng Thiên sai được báo trước trong Cựu ước.

I – Vì loài người chúng tôi

Trước hết là loài người chúng tôi. Thiên Chúa phán: ‘‘Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất.Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình ; Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ.’’ (St, 26-27)

Vì Adong và Evà phạm tội ăn trái cấm, nên loài người phải chịu trầm luân : ‘‘Vì ngươi đã nghe lời vợ và ăn trái cây mà Ta đã truyền cho ngươi rằng: « Ngươi đừng ăn nó », nên đất đai bị nguyền rủa vì ngươi; ngươi sẽ phải cực nhọc mọi ngày trong đời ngươi, mới kiếm được miếng ăn từ đất mà ra. Ðất đai sẽ trổ sinh gai góc cho ngươi, ngươi sẽ ăn cỏ ngoài đồng. Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi trở về với đất, vì từ đất, ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất.’’ (St 3, 17-19)

Con người phạm tội vì phạm luật Chúa, không làm theo giới răn, làm những điều Chúa cấm. Kinh thánh phân biệt giữa nguyên tội (số ít) và các tội (số nhiều). Ta có thể so sánh tội (số ít) là cây, còn các tội là quả trên cây. Loài người chúng ta đều mắc tội tổ tông.

Tội nguyên tổ khiến con người sinh, lão, bệnh, tử. Về mặt siêu nhiên, tội cắt đứt liên hệ giữa ta với Thiên Chúa. Trên bình diện đạo đức, ta biết tội lỗi mà vẫn làm.

Tuy sa ngã, loài người vẫn được tự do : ‘‘Bởi có một vị Thượng Tế siêu phàm đã băng qua các tầng trời, là Ðức Giêsu, Con Thiên Chúa, nên chúng ta hãy giữ vững lời tuyên xưng đức tin. Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Ðấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, chỉ trừ tội lỗi. Bởi thế, ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần. (Dt 4, 14-16)

II – Và để cứu rỗi chúng tôi

Trong chữ Hán, cứu độ : ‘‘độ’’ (渡) có nghĩa là giải thoát qua bờ bên kia, là cứu vớt. Trong tiếng Việt, ‘‘vớt’’ có nghĩa là đem từ dưới nước lên (vớt người chết đuối ; vớt bèo) ; ‘‘đậu vớt’’ là cho thí sinh thiếu điểm được trúng tuyển. ‘‘Cứu độ’’ và ‘‘salut’’ (trong tiếng Pháp) đều có nghĩa được cứu khỏi hiểm nguy và khổ đau. Bản La tinh chép rằng : Qui propter nos homines, et propter nostram salutem decendit de caelis. Cứu thoát một ai có nghĩa là giải thoát và bảo vệ người ấy. Trong Kinh thánh đôi khi còn nói tới giải cứu như trường hợp thánh Phaolô được thoát khỏi cảnh tù ngục : ‘‘Bởi vì tôi biết rằng điều ấy sẽ giúp cho tôi đạt được ơn cứu thoát, nhờ lời cầu nguyện của anh em, và nhờ Thần Khí của Ðức Giêsu Kitô phù trợ.’’(P l1,19)

Cứu độ dịch từ tiếng la tinh salutem, là đối cách (accusatif) của salus có nghĩa là giải thoát khỏi tội lỗi (péché), cứu khỏi sự dữ (mal). Sách Công vụ các Tông đồ chép rằng : ‘‘Thầy còn nói cho anh em biết: con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa. Nghe nói vậy, các môn đệ vô cùng sửng sốt và nói: « Thế thì ai có thể được cứu? ». Ðức Giêsu nhìn thẳng vào các ông và nói: « Ðối với loài người thì điều đó không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa, thì mọi sự đều có thể được ».’’ (Mt 19, 24-25)

1) Ý nghĩa thần học

a) Cựu ước

Theo Cựu ước, Chúa xuống trần để cứu độ loài người, và nhất là Dân Chúa. Trong sách Sáng thế ký, Chúa muốn chúng ta ở cùng Ngài. Ngài muốn chọn Dân Chúa luôn trung thành với Người. Chúa đã phán với Mô sê : ‘‘Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai-cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng. Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai-cập, và đưa chúng từ đất ấy lên một miền đất tốt tươi, rộng lớn, miền đất tràn trề sữa và mật, xứ sở của người Ca-na-an, Khết, E-mô-ri, Pơ-rít-di, Khi-vi và Giơ-vút.’’ (Xh 3,7-8).

Đức tin của dân Do Thái cầu khẩn Thiên Chúa ra tay cứu vớt, ban cho Abraham một xứ sở, dẫn con cháu ra khỏi Ai Cập và kiếp sống lưu đầy ở Babylone. Lòng cậy trông này chứng tỏ loài người yếu đuối, nhiều khi sa ngã, bất trung nhưng Thiên Chúa vẫn thương đàn chiên lầm lạc. Chúa là đấng chăn chiên. Ðức Chúa phán với ông Sa-mu-en: ‘‘Ngươi cứ nghe theo tiếng của dân trong mọi điều chúng nói với ngươi, vì không phải chúng gạt bỏ ngươi, mà là chúng gạt bỏ Ta, không chịu để Ta làm vua của chúng.’’ (1 Sm 8,7).

b) Tân ước

Các Tin mừng nhất lãm đều nhấn mạnh về ơn cứu độ đời đời : ‘‘Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.’’ (Ga 3,17) Muốn được ơn cứu độ, loài người phải tuân giữ các giới răn. Chúa Giê su đã phán rằng : ‘‘Nếu anh muốn vào cõi sống, thì hãy giữ các điều răn”. Người ấy hỏi: « Ðiều răn nào? ». Ðức Giêsu đáp: « Ngươi không được trộm cắp. Ngươi không được làm chứng gian. Ngươi phải thờ cha kính mẹ, và ngươi phải yêu đồng loại như yêu chính mình »’’. (Mt 19, 16-19)

Thánh Augustinô cho rằng chỉ có Chúa là đấng ban hay không ban ân sủng này, thuật từ thần học gọi là sola gratia. Siêu hình học của thánh Tôma dung hòa giữa ân sủng của Thiên Chúa và tự do của con người. Thiên Chúa tác động vào mỗi việc làm của con người, nhưng con người vẫn được tự do lựa chọn.

Thánh Tôma còn diễn giải về kinh Tin kính. Theo ngài, kinh này cần thiết cho tín hữu, nhờ vậy người tín hữu mới xứng đáng với tên gọi là tín hữu (croyant : qui a une foi). Kinh Tín kính giúp ta kết hợp cùng Thiên Chúa một cách mật thiết, như lời Chúa phán : Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong đức tin (Hs, 2,22)

Theo học thuyết Công Giáo về ơn cứu độ, loài người được cứu khỏi cơn ‘‘thịnh nộ’’ (colère) của Thiên Chúa trong ngày phán xét : ‘‘Chúng ta đã được nên công chính nhờ máu Ðức Kitô đổ ra, hẳn chúng ta sẽ được Người cứu khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa.’’ (Rm 5,9), ‘‘Vì Thiên Chúa đã không định cho chúng ta phải chịu cơn thịnh nộ, nhưng được hưởng ơn cứu độ, nhờ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.’’ (1 Tx 5,9)

Chỉ riêng một Thiên Chúa mới có thể cất đi tội lỗi và giải thoát chúng ta bằng chính giá máu của Người. ‘‘Người đã cứu độ và kêu gọi chúng ta do ơn thánh triệu của Người, không phải vì công kia việc nọ chúng ta đã làm, nhưng là do kế hoạch và ân sủng của Người. Ân sủng đó, Người đã ban cho chúng ta từ muôn thuở trong Ðức Kitô Giêsu.’’ (2 Tm 1,9) ; ‘‘không phải vì tự sức mình chúng ta đã làm nên những việc công chính, nhưng vì Người thương xót, nên Người đã cứu chúng ta nhờ phép rửa ban ơn Thánh Thần, để chúng ta được tái sinh và đổi mới.’’ (Tt 3,5)

Học thuyết Công Giáo về ơn cứu độ còn nói rằng loài người được hưởng ơn cứu độ là nhờ Chúa Giêsu Kitô : ‘‘Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.’’ (Ga 3,17). Chính cái chết của Chúa Kitô trên thập giá và việc ngài đã sống lại đã hoàn thành công cuộc cứu độ : ‘‘Thật vậy, nếu ngay khi chúng ta còn thù nghịch với Thiên Chúa, Thiên Chúa đã để cho Con của Người phải chết mà cho chúng ta được hòa giải với Người, phương chi bây giờ chúng ta đã được hòa giải rồi, hẳn chúng ta sẽ được cứu nhờ sự sống của Người Con ấy.’’ (Rm 5,10)

Trong thư gửi tín hữu Êphêsô, thánh Phaolô nói rằng : ‘‘Nhờ máu Thánh Tử đổ ra chúng ta được cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi theo lượng ân sủng rất phong phú của Người.’’ (Ep 1,7)

Sách Phúc âm cho rằng ơn cứu độ là hồng ân Thiên Chúa, hoàn toàn nhưng không, cho dù loài người bất xứng. Chúng ta được hưởng ơn cứu độ là nhờ tin vào Thiên Chúa : ‘‘Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Ðức Kitô. Chính do ân sủng mà anh em được cứu độ. Người đã cho chúng ta được cùng sống lại và cùng ngự trị với Ðức Kitô Giêsu trên cõi trời. Như thế, Người tỏ lòng nhân hậu của Người đối với chúng ta trong Ðức Kitô Giêsu, để biểu lộ cho các thế hệ mai sau được thấy ân sủng dồi dào phong phú của Người. Quả vậy, chính do ân sủng và nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ: đây không phải bởi sức anh em, mà là một ân huệ của Thiên Chúa.’’ (Ep 2, 5-8)

Kinh thánh còn chép rằng : ‘‘Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ.’’ (Cv 4,12)

Loài người nhận được ơn cứu độ là nhờ đức tin, biết lắng nghe tin mừng Chúa chịu chết và sống lại : ‘‘Cho đến khi tất cả chúng ta đạt tới sự hiệp nhất trong đức tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của đức Kitô.’’ (Ep 1,13). Vì ‘‘Tin Mừng là sức mạnh Thiên Chúa dùng để cứu độ bất cứ ai có lòng tin, trước là người Do thái, sau là người Hy lạp. Vì trong Tin Mừng, sự công chính của Thiên Chúa được mặc khải, nhờ đức tin để đưa đến đức tin, như có lời chép: Người công chính nhờ đức tin sẽ được sống.’’ (Rm 1,16)

Trong thư gửi tín hữu Rôma, thánh Phaolô nói về việc tuyên xưng đức tin công khai để được hưởng ơn cứu độ : ‘‘Nếu miệng bạn tuyên xưng Ðức Giêsu là Chúa, và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ. Quả thế, có tin thật trong lòng, mới được nên công chính; có xưng ra ngoài miệng, mới được ơn cứu độ. (Rm 10,9-10) ; vì ‘‘tất cả những ai kêu cầu danh Ðức Chúa sẽ được cứu thoát.’’ (Rm 10,13)

Học thuyết Công Giáo về ơn cứu độ định nghĩa giải thoát (délivrance) là ân sủng Chúa, cứu loài người khỏi án phạt đời đời (châtiment éternel) vì tội lỗi. Ân sủng này dành cho các tín hữu tin vào Chúa Kitô và thực lòng ăn năn, đi theo đường ngay nẻo chính : ‘‘Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy. Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha của Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người’’. (Ga 14,6-7).

Vì loài người chúng tôi, và để cứu rỗi, chúng ta học hỏi lời Chúa qua Thánh kinh, để đào sâu đức tin. ‘‘Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. (Ga 3,16). Chính Chúa Cha đã phán dạy loài người phải vâng nghe lời Đức Kitô : ‘‘Kìa có tiếng từ đám mây phán rằng: “Ðây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!’’ (Mt 17,5)

2) Ý nghĩa Giáo lý

Vì loài người chúng tôi -> (và để) cứu rỗi chúng tôi là hai vế có liên hệ nhân quả : vì loài người tội lỗi nên cần được cứu vớt. Về phương diện cấu trúc, giới từ ‘‘vì’’, ‘‘để’’ (pour trong tiếng Pháp) là để chỉ mục đích (expression du but). Chúa Giêsu Kitô xuống thế làm người có mục đích cứu vớt chúng sinh khỏi bị trầm luân trong tội lỗi.

Sách Toát yếu Giáo lý của Hội thánh Công Giáo chép rằng : ‘‘Tất cả mọi người tạo thành sự thống nhất của dòng giống loài người, vì họ có cùng một nguồn gốc, được lãnh nhận từ nơi Thiên Chúa. Hơn nữa, Thiên Chúa, “đã tạo thành toàn thể nhân loại từ một người duy nhất” (Cv 17,26). Tất cả đều có một Ðấng Cứu Ðộ duy nhất. Tất cả đều được mời gọi dự phần vào hạnh phúc vĩnh cửu của Thiên Chúa.’’ (Sách Giáo lý của Hội thánh Công Giáo, tiết 6: Con người, số 360-361)

Sách Giáo lý còn quy định ‘‘bí tích Thánh Thể là nguồn mạch và tột đỉnh của toàn bộ đời sống Kitô giáo. Thánh Thể là hoạt động thánh hóa của Thiên Chúa đối với chúng ta và là tột đỉnh của hoạt động phụng tự chúng ta dâng lên Ngài. Bí tích Thánh Thể chứa đựng tất cả của cải thiêng liêng của Hội thánh, đó chính là Ðức Kitô, Ðấng là Chiên Vượt qua của chúng ta. Việc hiệp thông vào sự sống của Thiên Chúa và sự hợp nhất của dân Thiên Chúa được diễn tả và thực hiện nhờ Bí tích Thánh Thể. Qua việc cử hành Thánh lễ, chúng ta được kết hợp với Phụng vụ trên trời và tham dự trước vào đời sống vĩnh cửu.’’

Bí tích Thánh Thế gồm bốn phần : nhập lễ, phụng vụ Lời Chúa, phụng vụ Thánh thể, rước lễ (communion). Kinh Tin kính được tuyên đọc giữa phần 2 và phần 3. Kinh Tin kính vừa được cộng đoàn tuyên đọc, nhưng còn riêng của mỗi người : Tôi tin kính.

Khi nhận phép rửa tội, người tân tòng trả lời thừa tác viên : Ông (bà, anh, chị, em, con) xin gì cùng Hội Thánh Chúa? Người chịu phép: Thưa con xin Ðức Tin. Nhờ đức tin, người tín hữu bước vào sự sống đời đời : ‘‘Mà sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Ðấng Cha đã sai đến, là Giêsu Kitô.’’ (Ga 17,3). Thư của thánh Phaolô gửi tín hữu Do Thái viết rằng : ‘‘Ðức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy. Nhờ đức tin ấy, các tiền nhân đã được Thiên Chúa chứng giám.’’ (2,1-2). Đức tin dẫn đường chỉ lối cho ta đi theo Chúa.

Kết luận

Về chủ đề ‘‘Vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi’’, giáo phụ Origène cho rằng : Chúa Giêsu Kitô xuống trần gian là đề cứu rỗi loài người. ‘‘Vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta, Người đã từ trời xuồng thế.’’ Lời kinh thể hiện lòng thương xót Chúa đối với loài người.

Trong tác phẩm Mémoire et identité, Chân phước Gioan-Phaolô II diễn giải ‘‘vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi’’ bằng cách bàn về vấn đề nhập thể và ơn cứu độ của các dân tộc (incarnation et salut des nations).

Theo lời tác giả, Chúa Kitô nhập thể làm người, đồng bản thể với Đức Chúa Cha. Loài người chúng ta được mời gọi tập hợp trong Dân Chúa, gồm mọi quốc gia trên thế giới. Mỗi người trở thành công dân Nước Trời. Điều đó có nghĩa là lịch sử các dân tộc trở thành lịch sử của ơn cứu độ.’’

Mặt khác, Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi chúng ta hiệp thông trong phép Thánh Thể, gặp gỡ Đức Kitô, và qua Ngài, gặp gỡ anh em của chúng ta trong đức tin. Kinh Tin kính tuyên đọc khi cử hành bí tích Thánh Thể không chỉ là một nghi thức, nhưng chính là sức mạnh của Chúa Giêsu Kitô. Mỗi lần đọc kinh Tin kính, chúng ta lại kết hợp với nhau trong cộng đoàn Dân Chúa, cùng nhau tôn thờ Thiên Chúa. Nhờ kinh này mà Hội thánh ngày thêm vữnh mạnh, vượt qua mọi khó khăn thử thách nhất thời.

Đối với chúng ta là người tín hữu Việt Nam, vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi còn mang niềm hãnh diện, vì chúng ta là con cháu các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã can đảm tuyên xưng đức tin bằng cái chết anh hùng vậy.