Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

“”Phép Rửa trong Chúa Thánh Thần””

Administrator
2018-09-23 08:45 UTC+7 25
Vũ Văn An   Trong một hội nghị hồi đầu tháng Năm năm nay Tại Norfolk, Virginia, Hoa Kỳ, Cha Cantalamessa, vị giảng thuyết của Phủ Giáo Hoàng, đã nói về “Phép Rửa trong Chúa Thánh Thần, một ơn phúc cho toàn thể Giáo Hội”. Trước khi đi vào chính Phép Rửa này, Cha Cantalamessa […]


Vũ Văn An

 

Trong một hội nghị hồi đầu tháng Năm năm nay Tại Norfolk, Virginia, Hoa Kỳ, Cha Cantalamessa, vị giảng thuyết của Phủ Giáo Hoàng, đã nói về “Phép Rửa trong Chúa Thánh Thần, một ơn phúc cho toàn thể Giáo Hội”.

Trước khi đi vào chính Phép Rửa này, Cha Cantalamessa cho biết Canh Tân trong Chúa Thánh Thần là gì, nó thường xẩy ra ở đâu và nó tạo ra nguồn gốc và cao điểm cho điều gì.

CANH TÂN TRONG CHÚA THÁNH THẦN

Kiểu nói “canh tân trong Chúa Thánh Thần” có hai tương đương trong Tân Ước. Để hiểu linh hồn của phong trào đặc sủng, sự linh hứng sâu xa của nó, trước nhất ta phải tìm tòi Thánh Kinh. Ta cần khám phá ra nghĩa chính xác của kiểu nói vốn được dùng để mô tả cảm nghiệm canh tân này.

Bản văn Tân Ước thứ nhất là Thư Êphêsô 4:23-24: “anh em phải để tinh thần (1) thay đổi tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới”. Ở đây, chữ “tinh thần” (the spirit) viết chữ thường, và đúng như thế, vì nó chỉ tinh thần của ta, là phần thâm sâu nhất của ta, điều mà Thánh Kinh quen gọi là “trái tim”. Chữ “tinh thần” ở đây chỉ phần trong ta cần được canh tân để ta nên giống Chúa Kitô, Con Người Mới ưu hạng. Tự canh tân chính ta có nghĩa là cố gắng có cùng một thái độ như Chúa Giêsu Kitô (xem Pl 2:5), cố gắng có một “trái tim mới”.

Bản văn trên minh giải ý nghĩa và mục đích cảm nghiệm của ta: canh tân trước nhất phải là canh tân bên trong, canh tân tâm hồn. Sau Vatican II, nhiều điều đã được canh tân trong Giáo Hội: phụng vụ, chăm sóc mục vụ, Bộ Giáo Luật, và các hiến pháp cũng như trang phục các dòng tu. Bất kể tầm quan trọng của chúng, những điều này chỉ là những điều đi trước của việc canh tân thực sự. Sẽ là thảm họa khi ta dừng lại ở những điều này và coi như mọi sự đã hoàn tất.

Điều đáng kể đối với Thiên Chúa là con người, chứ không phải cơ cấu. Chính các linh hồn làm cho Giáo Hội ra xinh đẹp, và do đó, Giáo Hội cần được trang trí bằng các linh hồn. Thiên Chúa quan tâm tới tâm hồn của Dân Người, tình yêu của Dân Người, và mọi sự khác chỉ có nghĩa khi hành xử như một hỗ trợ cho ưu tiên đó.

Tuy nhiên, bản văn trên mà thôi không đủ để giải thích kiểu nói “canh tân trong Chúa Thánh Thần”. Nó đề cao bổn phận phải tự canh tân ta và phải canh tân điều gì (tâm hồn), nhưng nó không cho ta biết phải canh tân ra sao. Có ích gì khi bảo ta phải tự canh tân nếu không đồng thời cho ta biết phải canh tân bằng cách nào? Ta cần biết tác giả và người chủ đạo thực sự của việc canh tân.

Bản văn Tân Ước thứ hai, lấy từ thư gửi Titô, đề cập tới vấn đề trên. Bản văn này viết: Thiên Chúa “cứu chúng ta, không phải vì bất cứ công trình công chính nào chúng ta đã làm, mà là theo lòng thương xót của Người, nhờ nước tái sinh và canh tân của Chúa Thánh Thần” (Tt 3:5).

Ở đây “Thần Khí” (tinh thần) viết hoa vì nó chỉ Tinh Thần (Thần Khí) Thiên Chúa, tức Chúa Thánh Thần. Giới từ “nhờ” ám chỉ dụng cụ, tác nhân. Do đó, danh từ mà ta vốn dùng để gọi cảm nghiệm của chúng ta hàm nghĩa một điều hết sức chính xác: canh tân nhờ công trình của Chúa Thánh Thần, một cuộc canh tân trong đó, chính Thiên Chúa chứ không phải con người là tác giả và là người chủ đạo chính. “Ta [chứ không phải các ngươi]”, Thiên Chúa nói thế, “sẽ làm mọi sự nên mới” (Kh 21:5); “Thần Khí Ta [và chỉ có Người mà thôi] mới có thể đổi mới bộ mặt thế giới” (Tv 104:30).

Điều trên xem ra có vẻ nhỏ nhoi, một phân biệt tầm thường, nhưng thực ra nó bao hàm cuộc cách mạng kiểu Copernic, một lật ngược hoàn toàn mà con người, các định chế, các cộng đồng và toàn thể Giáo Hội trong chiều kích nhân bản phải trải qua ngõ hầu cảm nghiệm được sự canh tân thiêng liêng chân chính.

Theo hệ thống Ptôlêmê, ta thường nghĩ rằng: căn bản của việc canh tân này hệ ở các cố gắng, hệ ở việc tổ chức, ở hiệu năng, ở các cải tổ và thiện chí. “Trái đất” nằm ở tâm điểm kế sách này, Thiên Chúa chỉ đến ban ơn thánh để lên sức mạnh và thăng hoa các cố gắng của ta. “Mặt trời” vòng quanh trái đất và là hành tinh của trái đất; Thiên Chúa là vệ tinh của con người.

Nhưng Lời Thiên Chúa tuyên bố rõ ràng: “Chúng ta cần trả quyền uy lại cho Thiên Chúa” (Xem Tv 68:35) vì “quyền uy thuộc về Thiên Chúa” (Tv 62:11). Đây là tiếng kèn đồng! Ta đã tiếm đoạt quyền uy của Thiên Chúa quá lâu rồi, dám quản trị quyền uy này như thể là của ta, hành xử như thể mình có toàn quyền muốn “cai trị” quyền uy của Thiên Chúa thế nào mặc ý. Đúng lý hơn, ta phải vòng quanh “mặt trời”. Chính vì thế ta nói tới cuộc cách mạng Copernic.

Với cuộc cách mạng trên, ta nhìn nhận rằng không có Chúa Thánh Thần, ta không làm được gì cả. Thậm chí ta còn không nói được rằng “Chúa Giêsu là Chuá!” (xem 1Cor 12:3). Ta nhìn nhận rằng ngay các cố gắng có phối hợp nhất của ta vẫn chỉ là hiệu quả của ơn cứu rỗi, chứ không phải là nguyên nhân của ơn này. Giờ đây, ta mới bắt đầu thực sự “ngước mắt” và “nhìn lên” như lời tiên tri khuyên nhủ (xem Is 60:4) mà nói rằng “Tôi ngước mắt nhìn lên rặng núi, ơn phù hộ tôi đến từ nơi nào? Ơn phù hộ tôi đến từ Đức Chúa, là Đấng dựng nên cả đất trời” (Tv 121:1-2).

Thánh Kinh thường nhắc đi nhắc lại giới răn của Thiên Chúa này: “Ngươi phải nên thánh, vì Ta, Đức Chúa và là Thiên Chúa của Ngươi, là Đấng Thánh” (Lv 19:1; xem Lv 11:44; 1Pr 1:15-16). Nhưng trong một chỗ khác cũng của cùng một sách Lêvi, ta thấy một câu có thể giải thích mọi câu khác, đó là “Ta là Đức Chúa; Ta thánh hoá ngươi!” (Lv 20:8). Ta là Đức Chúa, Đấng muốn canh tân ngươi bằng Thần Khí của Ta! Ngươi hãy để ngươi được canh tân bởi Thần Khí Ta!

PHÉP RỬA: MỘT BÍ TÍCH “CHƯA ĐƯỢC THÁO CỞI” (unreleased)

Giờ đây, ta hãy bước qua chủ đề phép rửa trong Chúa Thánh Thần. Trước nhất, phải nói rằng kiểu nói này không phải là một sáng chế gần đây của Phái Ngũ Tuần hay của Phong Trào Đặc Sủng. Nó trực tiếp phát sinh từ chính Chúa Giêsu. Vì trước khi rời các môn đệ, Người nói với họ: “Gioan làm phép rửa trong nước nhưng chỉ ít ngày nữa, các con sẽ chịu phép rửa của Chúa Thánh Thần” (Cv 1:5). Ta biết điều gì đã xẩy ra sau đó không bao lâu: Hiện Xuống! Do đó, kiểu nói phép rửa trong Chúa Thánh Thần vừa chỉ biến cố vào ngày Ngũ Tuần vừa chỉ phép rửa. Ta có thể nói tới nó như là một “lễ Ngũ Tuần mới” cho Giáo Hội hay một canh tân phép rửa của ta. Giờ đây, ta hãy xem sét chiều kích thứ hai vừa nhắc đến.

Thuật ngữ “phép rửa trong Chúa Thánh Thần” muốn cho thấy: ở đây, có một điều gì rất căn bản đối với phép rửa. Ta nói rằng việc đổ tràn Thần Khí đã hiện thực hóa và tái sinh động hóa phép rửa. Để hiểu làm thế nào một bí tích đã lãnh nhận từ rất nhiều năm qua và được ban cho lúc ta còn thơ ấu lại có thể bỗng chốc trở nên hiện thực, sinh động hóa và tháo cởi cả một dòng thác sinh lực đến như thế như ta được chứng kiến trong các dịp đổ tràn ơn, ta phải nhắc lại một vài khía cạnh của nền thần học bí tích.

Thần học Công Giáo có thể giúp ta hiểu làm thế nào một bí tích có thể có hiệu lực và hợp lệ nhưng vẫn chưa “được tháo cởi”. Một bí tích “chưa được tháo cởi” khi hoa trái của nó vẫn còn bị cầm giữ hay chưa được sử dụng vì thiếu một vài điều kiện nào đó nhằm đẩy xa hiệu năng của nó. Một thí dụ hơi cực đoan là bí tích hôn nhân hay bí tích truyền chức thánh được lãnh nhận lúc người nhận ở trong tình trạng tội trọng. Trong những trường hợp như thế, các bí tích này không thể ban ơn thánh cho người lãnh nhận. Tuy nhiên, nếu trở ngại tội lỗi được loại bỏ bằng việc thống hối, thì bí tích này được cho là tái sinh động hóa hay phục hồi (reviviscit) nhờ tính trung thành và bất khả thu hồi của ơn thánh Chúa. Thiên Chúa vẫn trung thành ngay cả lúc chúng ta bất trung, vì Người không thể nào tự bác bỏ được Người (xem 2Tm 2:13).

Có những trường hợp khác trong đó, một bí tích, dù không hoàn toàn không có hiệu quả, nhưng vẫn chưa được tháo cởi hoàn toàn: nó vẫn chưa được mặc tình thực hiện các hiệu quả của nó. Trong trường hợp phép rửa, điều gì khiến cho các hoa trái của nó bị cầm giữ?

Ở đây, ta cần nhắc lại học lý cổ điển về các bí tích. Bí tích không phải là các nghi thức ma thuật hành động một cách máy móc, không cần tới sự hiểu biết hay sự cộng tác của người ta. Hiệu năng của nó là kết quả của một đồng vận (synergy) hay một hợp tác giữa sự toàn năng của Thiên Chúa (tức ơn thánh của Chúa Kitô và của Chúa Thánh Thần) và ý chí tự do của con người. Như Thánh Augustinô từng nói, “Đấng dựng nên bạn không cần sự ưng thuận của bạn nhưng Người sẽ không cứu được bạn nếu bạn không chịu hợp tác”.

Nói chính xác hơn, hoa trái của một bí tích tùy thuộc hoàn toàn ở ơn thánh Chúa; tuy nhiên, ơn thánh này không hành động nếu không có lời “xin vâng”, nghĩa là ưng thuận và khẳng nhận, của người ta. Sự ưng thuận này, tự nó, là một “điều kiện không có không được (sine qua non) hơn là một nguyên nhân. Thiên Chúa hành động như một tân lang, không dùng vũ lực áp đặt tình yêu của mình mà chờ đợi sự ưng thuận tự do của tân nương.

VAI TRÒ CỦA THIÊN CHÚA VÀ VAI TRÒ CỦA TA TRONG PHÉP RỬA

Trong một bí tích, mọi sự gì tùy thuộc ơn thánh Chúa và thánh ý Chúa Kitô đều được gọi là “opus operatum” (công việc tự có hiệu quả) một thuật ngữ ta có thể dịch là “công trình, tức mục đích và hoa trái nào đó của một bí tích, đã được thực hiện xong khi nó được cử hành cách thành hiệu (validly)”. Nhưng đàng khác, mọi sự gì tùy thuộc sự tự do và thiên hướng của người lãnh nhận đều được gọi là “opus operantis” (công trình có tính nhân hiệu); đây là một công trình còn cần được cá nhân thực hiện, cần được họ khẳng nhận.

Opus operatum (công việc tự có hiệu quả) của Phép Rửa, tức phần do Chúa và ơn thánh thực hiện, khá đa dạng và rất phong phú: tha tội; ban các ơn đối thần là tin, cậy và mến; làm con cái Chúa. Tất cả những điều này được hành động đầy hiệu năng của Chúa Thánh Thần dàn xếp. Như lời Thánh Clêmentê thành Alexandria từng nói: “Khi đã chịu phép rửa, ta được soi sáng; khi đã được soi sáng, ta được nhận làm con; khi đã được nhận làm con, ta trở thành hoàn hảo; khi đã thành hoàn hảo, ta nhận được ơn bất tử… Hiệu quả của Phép Rửa có nhiều tên gọi: ơn thánh, sự soi sáng, sự hoàn hảo, được tắm gội. Gọi nó là sự tắm gội vì nhờ nó ta được tẩy rửa mọi tội lỗi; gọi nó là ơn thánh vì các hình phạt ta đáng chịu vì tội lỗi đã được tháo gỡ; gọi nó là sự soi sáng vì nhờ nó ta được chiêm ngắm ánh sáng cứu rỗi đẹp đẽ và thánh thiện, và nhìn thấu thực tại Thiên Chúa; gọi nó là hoàn hảo vì ta đâu còn thiếu điều gì nữa”.

Phép Rửa thực sự là một tập họp phong phú các hồng ân ta lãnh nhận lúc được sinh ta trong Thiên Chúa. Nhưng sự tập họp này vẫn còn bị niêm phong. Ta giầu có nhờ sở hữu được các hồng ân này, nhưng ta vẫn chưa biết mình sở hữu những gì. Diễn giải câu trích từ Tin Mừng Gioan, ta có thể nói rằng cho tới nay ta đã là con cái Thiên Chúa rồi, nhưng điều ta sẽ trở nên thì còn cần được tỏ lộ (xem 1Ga 3:2). Đây là lý do tại sao ta có thể nói được rằng, đối với đa số Kitô hữu, Phép Rửa là một bí tích vẫn chưa được tháo cởi.

Nói về opus operatum như thế tạm đủ. Thế còn opus operantis bao gồm những gì trong Phép Rửa?

Nó bao gồm đức tin! “Ai tin và chịu Phép Rửa thì được cứu rỗi” (Mc 16:16). Như thế, liên quan tới Phép Rửa, ta thấy có yếu tố đức tin của người ta. “Đối với tất cả những ai tiếp nhận Người, tin vào danh Người, Người ban cho họ quyền trở nên con cái Thiên Chúa” (Ga 1:12).

Ta cũng có thể nhắc tới bản văn rất hay của Tông Đồ Công Vụ nói đến phép rửa của viên quan trong triều Hoàng Hậu Candace. Khi tới gần một chỗ có nước, viên quan này nói với Thánh Philiphê: “‘Này có nước đây! Còn điều gì ngăn không cho tôi chịu Phép Rửa?’ Philiphê trả lời ‘được, nếu ông tin hết lòng’” (Cv 8:36-37).

Phép Rửa giống như một con dấu Thiên Chúa đóng lên đức tin của người ta: “khi anh em nghe lời sự thật, nghe tin mừng cứu rỗi của anh em, và anh em tin ở Người, [anh em] đã được ghi dấu ấn của Chúa Thanh Thần từng được hứa ban cho anh em” (Eph 1:13). Thánh Basilêô viết rằng “quả thực, đức tin và Phép Rửa, hai kiểu thức của ơn cứu rỗi này, đã được nối kết một cách bất khả phân ly với nhau, vì nếu đức tin nhận được sự hoàn hảo của nó từ Phép Rửa, thì Phép Rửa được đặt nền tảng trên đức tin”. Cũng vị thánh này từng gọi Phép Rửa là “dấu ấn của đức tin”.

Đức tin, tức phần đóng góp của cá nhân, không có cùng một tầm quan trọng và độc lập như hành động của Thiên Chúa vì Thiên Chúa cũng đóng một vai trò cả trong hành vi tin của ta: Cả đức tin cũng hành động nhờ ơn thánh thúc đẩy. Tuy thế, hành vi tin bao hàm sự đáp ứng như là yếu tố yếu tính, đó chính là hành vi “tôi tin!” của cá nhân, và theo nghĩa này, ta gọi nó là opus operantis, việc làm của người chị Phép Rửa.

Giờ đây, ta hiểu được tại sao Phép Rửa là một biến cố mạnh mẽ và tràn trề ơn thánh đến thế trong những ngày đầu tiên của Giáo Hội và tại saolúc ấy thường không cần đến bất cứ sự đổ tràn Thần Khí mới nào như nhu cầu của ta hiện nay? Vì lúc ấy, Phép Rửa được ban cho những người trưởng thành, trở lại từ ngoại giáo; sau một kỳ huấn giáo thích đáng, họ ở một vị thế có thể thực hiện được hành vi đức tin, một chọn lựa có tính hiện sinh, đầy tự do và chín chắn, đối với đời sống họ. Ta có thể đọc về Phép Rửa trong cuốn Giáo Lý Giải Thích Huyền Bí (Mystagogical Catecheses) được gán cho Thánh Xirilô thành Giêrusalem, để hiểu chiều sâu đức tin của những người được chuẩn bị lãnh nhận Phép Rửa hồi đó.

Họ đến với Phép Rửa bằng con đường hồi tâm thực sự và chân chính. Đối với họ, Phép Rửa thực sự là một suối nguồn của canh tân bản thân cộng với sự tái sinh trong Chúa Thánh Thần (xem Tt 3:5). Thánh Basilêô, khi trả lời một ai đó yêu cầu ngài viết một khảo luận về Phép Rửa, đã nói rằng không thể giải thích về nó nếu không giải thích việc làm môn đệ Chúa Giêsu trước nhất , vì Chúa từng dạy rằng: “Hãy ra đi và làm muôn dân trở thành môn đệ, rửa tội cho họ nhân danh Cha và con và Thánh Thần, và dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con” (Mt 28:19-20).

Để Phép Rửa hành động hết các khả năng của nó, bất cứ ai muốn chịu nó cũng phải trở nên một môn đệ hay có ý định trở nên một môn đệ. Theo Thánh Basilêô, “Môn đệ, như chính lời Chúa truyền dạy, là bất cứ ai lại gần Chúa để theo Người, nghĩa là để nghe Lời Người, để tin và vâng phục Người như bậc thầy hay như một vị vua hoặc một bác sĩ hay một thầy dạy sự thật… Bất cứ ai tin vào Chúa và chứng tỏ mình sẵn sàng trở thành một môn đệ phải trước nhất từ bỏ mọi tội lỗi và mọi sự có thể làm mình sao lãng việc vâng lời vốn phải có đối với Thiên Chúa vì rất nhiều lý do khác nhau”.

Hoàn cảnh thuận lợi giúp Phép Rửa hành động một cách mạnh mẽ như thế ở buổi đầu Giáo Hội là: Hành động của Thiên Chúa và hành động của con người cùng một lúc đến với nhau, một cách rất xít xao. Việc này diễn ra khi hai cực, một dương một âm, đụng vào nhau, khiến ánh sáng phát ra.

Ngày nay, việc đồng thời (synchronism) xẩy ra như trên thường không có nữa. Vì, cùng với việc Giáo Hội chuẩn nhận Phép Rửa cho trẻ thơ, bí tích này dần dần mất đi hành vi đức tin theo nghĩa bản thân và tự do. Lúc này đức tin được cung cấp hay được nói ra bởi người trung gian (cha mẹ hay người đỡ đầu) nhân danh em bé. Trong quá khứ, khi môi trường chung quanh trẻ thơ là môi trường Kitô Giáo và tràn trề đức tin, thì đức tin của trẻ thơ có thể phát triển, dù một các chậm chạp. Còn ngày nay, hoàn cảnh của chúng ta đã trở nên xấu hơn so với Thời Trung Cổ.

Ngày nay, các môi trường trong đó trẻ em lớn lên không còn giúp đức tin đơm bông trổ hoa nữa. Ta cũng có thể nói như thế về gia đình, về trường học và tệ hơn nữa về xã hội và văn hóa. Điều này không có nghĩa: trong hoàn cảnh hiện nay, đời sống bình thường của Kitô hữu không còn hiện hữu được nữa và không còn sự thánh thiện hay đặc sủng nào nữa. Đúng hơn, nó có nghĩa: thay vì là qui luật, sự thánh thiện trong xã hội càng ngày càng trở thành một ngoại lệ.

Trong hoàn cảnh như trên, họa hiếm lắm hay không bao giờ người đã chịu Phép Rửa đạt tới điểm có thể tuyên xưng “trong Chúa Thánh Thần” rằng “Chúa Giêsu là Chúa!”. Và vì họ chưa đạt tới điểm đó, nên mọi điều trong cuộc sống Kitô hữu của họ vẫn chưa được tập chú và vẫn còn non nớt. Phép lạ không diễn ra nữa. Điều diễn ra cho dân thành Nadarét xưa đang được lặp lại ở đây: “Chúa Giêsu không làm được nhiều phép lạ ở đấy vì sự bất tín của họ” (xem Mt 13:58).

Ý NGHĨA VIỆC ĐỔ TRÀN THẦN KHÍ

Như thế, việc đổ tràn Thần Khí là một đáp ứng của Thiên Chúa đối với tình trạng trục trặc trong cuộc sống Kitô hữu ngày nay. Trong một ít năm qua, Giáo Hội, các vị giám mục, đã bắt đầu lo âu trước việc các bí tích Kitô Giáo, nhất là Phép Rửa, đã được ban phát cho những người không chịu đem chúng ra sử dụng trong cuộc sống của họ. Do đó, các ngài đã nghĩ tới khả năng sẽ không ban Phép Rửa cho ai nếu người này không ít nhất đảm bảo rằng họ sẽ trân qúy và chăm dưỡng ơn thánh này.

Thực vậy, ta không thể “ném các viên ngọc của ta cho heo” như Chúa Giêsu từng dạy, mà Phép Rửa quả là một viên ngọc vì nó là giá máu Chúa Kitô. Nhưng ta có thể nói rằng còn hơn cả Giáo Hội nữa, Thiên Chúa luôn lưu tâm tới tình trạng trục trặc này. Người đã cho xuất hiện chỗ này chỗ nọ nhiều phong trào trong Giáo Hội; các phong trào này đang cố gắng canh tân việc khai tâm Kitô giáo cho người trưởng thành.

Canh tân trong Chúa Thánh Thần là một trong các phong trào trên, và ơn thánh chính của nó chắc chắn được gắn liền với việc đổ tràn Thần Khí và những gì đi trước việc này. Hiệu năng của nó trong việc tái phục hoạt sinh lực cho Phép Rửa hệ ở việc này: cuối cùng, người lãnh nhận chịu góp phần của mình, tự thực hiện một quyết định đức tin được chuẩn bị bằng thống hối. Việc này giúp cho công trình của Thiên Chúa được “tháo cởi” trong mọi sức mạnh của nó.

Có thể nói: bàn tay lớn của Thiên Chúa cuối cùng đã nắm được bàn tay của cá nhân, và qua cái bắt tay này, Người thông truyền hết tất cả sức mạnh sáng tạo của Người, là chính Chúa Thánh Thần. Lấy thí dụ trong khoa vật lý, phích cắm điện (plug) một khi đã được cắm vào chỗ cắm điện (outlet), thì đèn sẽ bật sáng. Hồng ân Thiên Chúa cuối cùng đã được tháo cởi và Thần Khí, như dầu thơm, thẩm thấu toàn thể cuộc sống Kitô hữu.

Đối với một Kitô hữu đã chịu Phép Rửa nhiều năm trước, quyết định đức tin này nhất thiết có đặc tính của việc hồi tâm, trở về. Ta có thể mô tả việc đổ tràn Thần Khí này, trong tương quan với người lãnh nhận, như là một việc canh tân Phép Rửa hay một việc hồi tâm lần thứ hai.

Sự đổ tràn này có thể còn bao hàm một điều khác nữa, khi ta xem sét mối liên kết giữa nó với Phép Thêm Sức, ít nhất trong thực hành hiện nay với việc tách Phép Thêm Sức ra khỏi Phép Rửa để cử hành sau đó. Song song với việc canh tân ơn thánh của Phép Rửa, việc đổ tràn này cũng còn là việc “củng cố” (thêm sức) cho chính Phép Rửa, một lời “xin vâng” đầy ý thức đối với Phép Rửa. Xét như thế, nó song hành (ít nhất trong khía cạnh chủ quan của nó) với các hiệu quả của Phép Thêm Sức trên bình diện khách quan, bí tích.

Phép Thêm Sức được hiểu là bí tích khai triển, củng cố và làm nên trọn công trình của Phép Rửa. Việc đổ tràn là một củng cố có tính chủ quan và tự phát, chứ không có tính bí tích, trong đó, Thần Khí hành động không do sức mạnh của định chế bí tích mà qua sức mạnh của chính sáng kiến tự do của Người và qua sự cởi mở của người lãnh nhận.

Ý nghĩa của Phép Thêm Sức giúp ta hiểu rõ ý nghĩa chuyên biệt của việc can dự lớn hơn vào chiều kích tông đồ và truyền giáo của Giáo Hội vốn là đặc điểm của những ai từng lãnh nhận được sự đổ tràn Thần Khí. Những người này cảm thấy như được thúc đẩy phải góp tay vào việc xây đắp Giáo Hội, phục vụ Giáo Hội trong các thừa tác vụ khác nhau, cả có tính giáo sĩ lẫn có tính giáo dân, và làm chứng cho Chúa Kitô. Tất cả những điều này nhắc ta nhớ tới Lễ Hiện Xuống và việc hiện thực hóa bí tích Thêm Sức.

CHÚA GIÊSU, “ĐẤNG LÀM PHÉP RỬA TRONG CHÚA THÁNH THẦN”

Việc đổ tràn Thần Khí không phải là dịp duy nhất trong Giáo Hội dành cho việc canh tân các bí tích khai tâm và đặc biệt, việc Chúa Thánh Thần ngự xuống lúc chịu Phép Rửa. Các dịp khác nữa là việc canh tân các lời hứa Rửa Tội trong buổi Vọng Phục Sinh; là linh thao; là tuyên khấn, vốn được gọi là “Phép Rửa thứ hai”; và là Thêm Sức, trên bình diện bí tích.

Như thế, trong cuộc sống các thánh, nhất là dịp các ngài hồi tâm trở lại, ta dễ dàng tìm thấy sự hiện diện của một “đổ tràn tự phát”. Thí dụ, khi ngài hồi tâm trở lại, ta đọc được như sau về Thánh Phanxicô: Sau ngày lễ, họ bỏ căn nhà và bắt đầu ca hát ở đường phố. Các bạn đồng hành của Thánh Phanxicô dẫn đầu; còn ngài, theo sau họ một quãng xa. Thay vì hát, ngài chăm chú lắng nghe. Bỗng nhiên, Chúa đánh động tâm hồn ngài, đổ đầy tâm hồn ngài một sự dịu ngọt tuyệt diệu đến nỗi ngài không còn nói được hay chuyển động được gì nữa. Ngài chỉ có thể cảm nhận và nghe thấy niềm dịu ngọt này mà thôi, nó tách biệt ngài hoàn toàn khỏi mọi cảm giác vật lý khác, những cảm giác mà sau này được ngài cho hay đã bị sẻ cắt tan tành ngay tại đó khiến ngài không thể động đậy được nữa.

Khi các bạn đồng hành dõi mắt tìm tòi, họ thấy ngài ở mãi đàng xa bèn chạy lại với ngài. Lạ lùng thay, họ thấy ngài đã biến thành một người khác, nên họ lên tiếng hỏi “anh đang nghĩ gì vậy? Sao anh không chạy theo chúng tôi? Phải chăng anh đang toan tính cưới vợ?”.

Phanxicô trả lời rất rõ ràng: “các anh nói đúng: tôi đang nghĩ phải tán tỉnh nàng dâu cao sang nhất, giầu có nhất và xinh đẹp nhất chưa bao giờ có”. Bạn bè ngài cười nhạo ngài, họ bảo ngài khùng và không biết ngài muốn nói gì; thực ra, ngài nói dưới sự linh hứng của Thiên Chúa.

Dù nói rằng việc đổ tràn Thần Khí không phải là lúc duy nhất canh tân ơn phúc Rửa Tội, nó vẫn giữ một vị trí rất đặc biệt vì nó được mở ra cho toàn thể Dân Chúa, bất kể lớn hay nhỏ, và không những chỉ cho những người được đặc ân nào đó đang thực hành linh thao của Thánh Inhaxiô hay đang khấn dòng nào đó mà thôi. Sức mạnh phi thường được ta cảm thấy lúc có sự đổ tràn này do đâu mà có? Ở đây, ta không nói tới thần học, mà nói tới điều chính ta đã cảm nghiệm. Cùng với Thánh Gioan, ta có thể nói rằng “Những gì chúng tôi nghe được, và những điều chúng tôi tận mắt trông thấy, tận tay rờ thấy, chúng tôi tuyên bố với anh em vì anh em đang hiệp thông với chúng tôi” (xem 1Ga 1:1-3). Thành ra chỉ có thể giải thích sức mạnh này bằng thánh ý Thiên Chúa: chính Người vui lòng canh tân Giáo Hội ở thời ta bằng phương thế này!

Điều chắc chắn là có một số tiền lệ trong Thánh Kinh đối với việc đổ tràn này, như biến cố được thuật lại trong Cv 8:14-17. Thánh Phêrô và Thánh Gioan, khi biết người Samaria đã được nghe Lời Chúa, bèn đến với họ, cầu nguyện cho họ và đặt tay lên họ để họ lãnh nhận Chúa Thánh Thần. Nhưng, để hiểu được điều gì đó về Phép Rửa trong Chúa Thánh Thần, bản văn chủ yếu ta cần bắt đầu là đoạn Tin Mừng Gioan 1:32-33: “Ông Gioan còn làm chứng: ‘Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người. Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Ðấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: ‘Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Ðấng làm phép rửa trong Thánh Thần’”.

Chúa Giêsu là “Đấng làm phép rửa trong Chúa Thánh Thần” nghĩa là gì? Kiểu nói này dùng để không những phân biệt phép rửa của Chúa Giêsu với phép rửa của Thánh Gioan, người chỉ làm phép rửa “bằng nước”, mà còn phân biệt toàn bộ con người và việc làm của Chúa Giêsu với con người và việc làm của vị Tiền Hô. Nói cách khác, trong mọi việc làm của Người, Chúa Giêsu là Đấng làm phép rửa trong Chúa Thánh Thần.

“Làm phép rửa” ở đây có một ý nghĩa phúng dụ: nó có nghĩa “làm ngập, tắm rửa hoàn toàn và dìm ngập” y hệt nước làm cho cơ thể. Chúa Giêsu “làm phép rửa trong Chúa Thánh Thần” theo nghĩa Người “ban Thần Khí vô hạn lượng” (xem Ga 3:34), Người “đổ tràn” Thần Khí của Người (xem Cv 2:33) xuống trên toàn nhân loại đã được cứu chuộc. Câu này có ý nói tới biến cố Hiện Xuống hơn là bí tích Rửa Tội, như ta có thể diễn dịch từ đoạn Công Vụ: Gioan làm phép rửa với nước, nhưng một ít ngày nữa, các con sẽ được chịu phép rửa với Chúa Thánh Thần” (Cv 1:5).

Do đó, kiểu nói “làm phép rửa trong Chúa Thánh Thần” xác định ra việc làm có tính yếu tính của Chúa Kitô, một việc làm đã xuất hiện trong các lời tiên tri của Cựu Ước về Đấng Mêxia, nhằm hướng tới việc tái sinh nhân loại qua việc đổ tràn Chúa Thánh Thần (xem Ge 2:28-29). Áp dụng những điều này vào đời sống và lịch sử Giáo Hội, ta phải kết luận rằng Chúa Giêsu phục sinh làm phép rửa trong Chúa Thánh Thần không chỉ trong bí tích Rửa Tội mà còn trong nhiều cách khác và ở nhiều thời điểm khác nhau nữa: trong Phép Thánh Thể, trong việc nghe Lời Chúa, trong mọi “phương tiện ơn thánh” khác.

Phép Rửa trong Chúa Thánh Thần là một trong các cách để Chúa Giêsu phục sinh tiếp tục công trình chủ yếu của Người là “làm phép rửa trong Chúa Thánh Thần”. Vì lý do này, cho dù ta được phép giải thích ơn thánh này trong tham chiếu với phép rửa và việc khai tâm Kitô Giáo, ta vẫn phải tránh không nên quá cứng rắn trong quan điểm này. Nó không phải là phép rửa duy nhất tái phục hoạt ơn thánh khai tâm, mà còn là phép thêm sức, rước lễ lần đầu, truyền chức linh mục và giám mục, khấn dòng, hôn phối nữa, tất cả đều là ơn thánh và đặc sủng. Đây thực sự là ơn thánh của Lễ Hiện Xuống mới. Giống các điều khác trong cuộc sống Kitô hữu, nó là một sáng kiến mới và cao cả, có thể nói như thế, của ơn thánh Chúa, được đặt căn bản trên phép rửa nhưng không hoàn toàn mất hút trong phép rửa. Nó không chỉ liên quan tới việc “khai tâm” mà còn cả tới việc “hoàn thiện hóa” đời sống Kitô hữu.

Chỉ với cách trên, ta mới giải thích được sự hiện diện của Phép Rửa trong Chúa Thánh Thần nơi các anh chị em Ngũ Tuần. Quan niệm khai tâm khá xa lạ với họ, và họ không dành cùng một tầm quan trọng cho phép rửa bằng nước như người Công Giáo và các Kitô hữu khác. Ở tận nguồn của nó, Phép Rửa trong Chúa Thánh Thần có một giá trị đại kết rất cần được duy trì bằng bất cứ giá nào. Nó là một hứa hẹn và là một dụng cụ của hợp nhất giữa các Kitô hữu, giúp ta tránh được việc “Công Giáo hoá” thái quá đối với cảm nghiệm chung này.

YÊU ANH EM, CẦU NGUYỆN VÀ ĐẶT TAY

Trong việc đổ tràn này, có một chiều kích sâu kín, mầu nhiệm rất khác nhau theo từng người vì chỉ có Thiên Chúa mới biết thẳm sâu cõi lòng ta. Người hành động trong sự tôn trọng tính độc đáo của nhân cách ta. Đồng thời, cũng có một chiều kích hữu hình, cộng đồng, giống hệt như nhau đối với mọi người và tạo nên một thứ dấu chỉ, tương tự như các dấu chỉ của bí tích. Chiều kích hữu hình, hay chiều kích cộng đồng này, chủ yếu gồm ba điều sau: tình yêu anh em, việc cầu nguyện và đặt tay. Ba điều này không phải là các dấu chỉ bí tích, nhưng quả chúng có tính Thánh Kinh và tính Giáo Hội.

Việc đặt tay có thể có nghĩa hai điều: khẩn cầu hay thánh hiến. Trong Thánh Lễ, chẳng hạn, ta thấy cả hai loại đặt tay này. Đặt tay để khẩn cầu lúc nguyện xin làm phép (eclipsis), khi linh mục đọc “chúng con nài xin Chúa dùng ơn Thánh Thần Chúa thánh hoá những của lễ này để trở nên cho chúng con Mình và Máu Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con”. Và việc đặt tay khi các vị đồng tế cầu nguyện trên của lễ lúc truyền phép (thánh hiến).

Trong nghi thức Thêm Sức, như diễn ra hiện nay, cũng có hai dịp để đặt tay. Dịp thứ nhất, nó có đặc điểm của lời khẩn cầu. Dịp thứ hai cùng với việc xức dầu thánh trên trán, nhờ đó, bí tích được thực hiện; dịp này có tính thánh hiến.

Trong lúc đổ tràn Thần Khí, việc đặt tay chỉ có đặc điểm khẩn cầu (giống như trong Sách Sáng Thế 48:14, sách Lêvi 9:22; Tin Mừng Máccô 10:13-16; Tin Mừng Mátthêu 19:13-15). Nó cũng có ý nghĩa biểu tượng rất cao: nó nhắc nhớ hình ảnh Chúa Thánh Thần phủ bóng (xem Lc 1:35); nó cũng nhắc nhớ việc Chúa Thánh Thần như Đấng “bay lượn” trên mặt nước (xem St 1:2). Trong nguyên bản, hạn từ ta dịch là “bay lượn” thực ra có nghĩa là “phủ bằng cánh” hay “ủ cánh như gà mẹ ủ con”.

Tertullianô minh giải tính biểu tượng của việc đặt tay trong Phép Rửa như sau: “thân xác được bao phủ bằng việc đặt tay để linh hồn được Thần Khí soi sáng”. Hành động này quả là một nghịch lý, giống nhiều điều khác nơi Thiên Chúa: việc đặt tay soi sáng bằng cách bao phủ, giống như đám mây đi theo Dân Do Thái trong Hoang Địa và giống đám mây bao quanh các môn đệ trên Núi Tabor (xem Xh 14:19-20; Mt 17:5).

Hai yếu tố kia là tình yêu anh em và việc cầu nguyện, hay “tình yêu anh em tự biểu lộ qua việc cầu nguyện”. Tình yêu anh em là dấu chỉ và là phương tiện của Chúa Thánh Thần. Là Tình Yêu, Người tìm được môi trường tự nhiên trong tình yêu anh em, dấu chỉ ưu hạng của Người… Ta không thể nhấn mạnh đủ tầm quan trọng của bầu khí yêu thương anh em bao quanh những người sắp nhận lãnh Phép Rửa trong Chúa Thánh Thần.

Việc cầu nguyện cũng có liên hệ mật thiết với việc đổ tràn Thần Khí trong Tân Ước. Liên quan tới việc Chúa Giêsu chịu phép rửa, Thánh Luca viết “Trong khi Người đang cầu nguyện thì trời mở ra và Chúa Thánh Thần hiện xuống trên Người” (xem Lc 3:21). Ta có thể nói rằng chính việc cầu nguyện của Chúa Giêsu đã khiến trời mở ra và Chúa Thánh Thần hiện xuống trên Người.

Việc đổ tràn vào ngày Lễ Ngũ Tuần cũng đã xẩy ra cách đó: trong khi mọi người đang tiếp tục cầu nguyện, thì có tiếng gió rất mạnh, và các lưỡi lửa xuất hiện (xem Cv 1:14-21). Còn Chúa Giêsu thì nói rằng “Ta sẽ xin Chúa Cha, và Người sẽ ban cho các con một Đấng Bào Chữa khác” (Ga 14:16). Trong mọi dịp, việc đổ tràn Thần Khí đều được liên kết với việc cầu nguyện.

Các dấu chỉ trên, tức việc đặt tay, tình yêu anh em và việc cầu nguyện đều dẫn ta tới sự đơn giản… Chính vì lý do này, chúng mang dấu ấn của hành động Thiên Chúa. Tertullianô viết như sau về Phép Rửa: “Không có gì khiến tâm trí con người bỡ ngỡ cho bằng tính đơn giản trong các hành động của Thiên Chúa mà họ được chứng kiến lúc thi hành và sự diệu kỳ trong các hiệu quả tiếp theo sau đó… Tính đơn giản và quyền uy chính là hai đặc quyền của Thiên Chúa”.

Điều này ngược với những gì thế gian làm. Trong thế gian, mục đích càng to, phương tiện càng phức tạp. Khi người ta muốn lên cung trăng, thiết bị phải thật khổng lồ.

Nếu đơn giản là dấu ấn của hành động Thiên Chúa, thì ta cần duy trì nó trong lời cầu nguyện của ta để được đổ tràn Thần Khí. Sự đơn giản nên được tỏa sáng trong các lời cầu nguyện, trong các cử chỉ, trong mọi sự. Đừng rườm rà đóng kịch, đừng có những vọng động hay lời nói thái quá v.v…

Thánh Kinh ghi lại sự tương phản rõ nét giữa các hành động của các tư tế thần Baan và lời cầu nguyện của tiên tri Êlia khi dâng của lễ trên Núi Cácmen. Các tư tế kia la hét, ì ạch chạy quanh bàn thờ và cắt cả vào tay đến chẩy máu. Còn Êlia thì chỉ cầu nguyện cách đơn giản “Ôi lạy Chúa, Thiên Chúa của Ápraham, của Ixaác, và của Giacóp… xin đáp lời con, để dân này biết rằng Chúa, lạy Chúa, là Thiên Chúa, và Chúa đã khiến họ thay lòng đổi dạ!” (1V 18:36-37). Lửa của Chúa chiếu cố lễ hy sinh của Êlia chứ không chiếu cố lễ hy sinh của các tư tế thần Baan (xem 1V 18:25-38). Sau đó, Êlia cảm nhận điều này: Thiên Chúa không ở trong gió lớn, hay trong động đất, hoặc trong lửa mà là trong giọng nói êm dịu, nhỏ nhẹ (xem 1V 19:11-12).

Ơn thánh do việc đổ tràn từ đâu mà đến? Có phải từ người hiện diện chăng? Không! Từ người nhận lãnh chăng? Cũng không! Nó từ Thiên Chúa mà đến. Sẽ vô nghĩa nếu ta hỏi Chúa Thánh Thần đến từ bên trong hay từ bên ngoài người ta: Thiên Chúa ở cả bên trong lẫn bên ngoài. Ta chỉ có thể nói rằng ơn thánh ấy có liên hệ với Phép Rửa vì Thiên Chúa luôn hành động một cách nhất quán và tín trung; Người không tự mâu thuẫn với chính Người. Người tôn trọng sự cam kết và các định chế của Chúa Kitô. Điều chắc chắn là: không phải chúng ta ban Chúa Thánh Thần. Đúng hơn, chúng ta kêu mời Chúa Thánh Thần xuống trên người ta. Không ai có thể ban Thần Khí, ngay cả Đức Giáo Hoàng hay các vị giám mục, vì không ai sở hữu Chúa Thánh Thần. Chỉ có Chúa Giêsu mới thực sự có thể ban Chúa Thánh Thần. Con người ta không sở hữu Chúa Thánh Thần, nhưng đúng hơn, họ được Chúa Thánh Thần chiếm hữu.

Về phương thức của ơn thánh này, ta có thể nói về nó như một việc xuống mới của Chúa Thánh Thần, như một việc Chúa Cha mới phái Thần Khí tới qua Chúa Giêsu Kitô hay như một việc xức dầu mới tương ứng với một bình diện mới của ơn thánh. Theo nghĩa này, việc đổ tràn, dù không phải là một bí tích, vẫn là một biến cố, một biến cố thiêng liêng. Định nghĩa này tương ứng một cách gần gũi nhất với thực tại sự việc. Nó là một biến cố, một điều diễn ra và để lại một dấu chỉ, tạo ra một điều mới mẻ trong đời sống. Nó là biến cố thiêng liêng, hơn là một biến cố hữu hình bên ngoài, có tính lịch sử, vì nó diễn ra trong tinh thần người ta, trong phần nội tâm của một người, nơi mà người khác có thể không nhận thấy điều đang diễn ra. Sau cùng, nó là thiêng liêng vì nó là công trình của Chúa Thánh Thần.

Có một bản văn tuyệt vời của Thánh Phaolô, chuyên biệt nói tới việc canh tân ơn phúc của Thiên Chúa. Ta hãy nghe nó như lời mời ngỏ với mỗi người chúng ta: “Vì lý do đó, tôi nhắc anh phải khơi dậy đặc sủng của Thiên Chúa, đặc sủng anh đã nhận được khi tôi đặt tay trên anh. Vì Thiên Chúa đã chẳng ban cho chúng ta một thần khí làm cho chúng ta trở nên nhút nhát, nhưng là một Thần Khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương, và biết tự chủ” (2Tm 1:6-7)

Ghi chú

(1) Bản dịch của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ viết hoa và dịch là Thần Khí