Lm. Giuse Thân Văn Tường
I. Nguồn gốc loài người theo “Humani Generis”.
Đầu thế kỷ XIX, khoa học tiến bộ đã cho người ta thấy nhờ nghiên cứu ở lòng đất, những vết tích của cây cối và động vật trong các giai đoạn khác nhau của lịch sử, người ta nhận thấy chúng như đã có sự tiến bộ dần dần từ các vật phôi thai đến hoàn bị. Từ sự kiện này, có người nghĩ rằng: theo Sáng Thế Ký Thiên Chúa đã dựng nên con người ngay trong ngày thứ sáu, mà nay khoa học cho thấy con người tiến hoá từ vật đơn giản lúc ban đầu đến hoàn hảo trong thời gian. Nói một cách dễ hiểu: con người bởi khỉ mà ra.
Theo Thông điệp “Humani Generis” (DS. 3980), con người có thể bắt nguồn từ tạo vật kém phát triển, và nhờ tiến hoá trở nên con người. Nhưng ở giai đoạn đầu, khi tạo vật kém phát triển xuất hiện trong “hiện hữu” thì nó đã phải nhờ vào quyền năng sáng tạo của Thiên Chúa.
Về cách Thiên Chúa sáng tạo, thì Thông điệp “Humani Generis” phân biệt có hai thứ nguyên nhân cho tạo vật: nguyên nhân bậc nhất (causa prima) và nguyên nhân bậc nhì (causa secunda). Trong việc cày xới đất; người nhà nông là nguyên nhân bậc nhất và máy cày mà anh sử dụng là nguyên nhân bậc hai. Áp dụng vào việc sáng tạo con người, Thiên Chúa là nguyên nhân bậc nhất và tạo vật tiến đến nên một người là nguyên nhân bậc hai.
Theo Triết học thời “Humani Generis” , quan niệm phổ thông về con người là có xác và hồn. Xác cho con người một hình thể bên ngoài với màu da, chủng tộc, ngôn ngữ…; hồn cho con người có suy tư, tình cảm, ý thức luân lý… Trong tiến hoá một con vật nên con người, thì phải có một bước nhảy vọt, vì vật hiện hữu chỉ trở nên một người khi có linh hồn. Việc làm cho xác có hồn để trở nên một con người, đòi phải có một can thiệp trực tiếp của Thiên Chúa. Hình bóng của Sáng Thế Ký tả Thiên Chúa lấy bùn đất dựng nên thân thể, rồi thổi hơi vào thì thân thể ấy mới trở nên một người sống động có suy tư, ước muốn và hành động.
II. Căn cứ vào nguyên nhân bậc nhất và bậc hai
“Humani Generis” giải thích Thiên Chúa là nguyên nhân bậc nhất, Người có quyền tuyệt đối cho mọi thụ tạo có hiện hữu và biến đổi trong thời gian. Các nguyên nhân bậc hai chỉ có quyền tự chủ tương đối; theo bản tính giới hạn của chúng mà Thiên Chúa đã ban cho khi sáng tạo nên chúng. Sắt rất cứng, nhưng nó biến nên chất lỏng ở mức độ nóng cao. Vì thế, ở độ nóng ấy, người ta có thể đúc sắt cho có các hình thể rất phức tạp. Đá cũng cứng, nhưng dễ vỡ, và không nung cho ra lỏng được, nên để sử dụng, người ta phải mài, giũa, cưa xẻ nên hình mình muốn mà thôi.
Con người được Thiên Chúa ban quyền sử dụng sắt và đá vì ích lợi của mình, nhưng phải hiểu biết bản tính của chúng mà tôn trọng thì mới thành công. Quyền của nguyên nhân bậc hai giới hạn như vậy.
Trong thần học ngày nay, việc sáng tạo con người trực tiếp không căn cứ vào việc linh hồn kết hiệp với thân thể nữa. Lý do để con người được sáng tạo không chỉ ở việc con người hiện hữu, nhưng còn ở ơn gọi con người được thông hiệp với Thiên Chúa. Thiên Chúa quyền năng tuyệt đối đã cho vũ trụ có “bởi không” và ban các luật lệ cho sự tiến triển của nó: Đấy là những điều xảy đến trong hoạt động sáng tạo. Còn việc gọi loài người chia sẻ đời sống siêu nhiên của Thiên Chúa thì đó là một hành động không còn thuộc phạm vi sáng tạo nữa. Chắc rằng ơn gọi ấy bao trùm cả nguyên nhân tác thành, vì nó biến đổi hiện hữu của con người. Nhờ ơn gọi ấy, con người được chia sẻ đời sống của Thiên Chúa và hạnh phúc của Người. Đây không còn phải là một yếu tố trần gian, xem thấy được ở đời này nhưng đem lại cho các yếu tố trần gian của con người một chiều kích vĩnh cửu.
Đây là bậc ân huệ cao quí hơn của nguyên nhân tác thành, nó biến đổi con người như tạo vật, vì nhờ nó con người, được chia sẻ bản tính của Con Thiên Chúa, cũng là bản tính và đời sống của chính Thiên Chúa nhờ ân sủng. Đây không phải là một yếu tố xem thấy và kinh nghiệm được ở đời này, nhưng đem lại cho các yếu tố trần gian của con người một chiều kích vĩnh cửu.
Tiếp cận trên không hẳn là một giải đáp về nguồn gốc con người vì nó chỉ nói lên sự đổi mới siêu nhiên của họ. Lý do là đổi mới ấy không cắt đứt trong chất thể biến đổi tự nhiên luôn thể hiện theo mục đích của mình. Aân sủng siêu nhiên chỉ đến khi Thiên Chúa làm cho con người có khả năng sống hợp nhất với Người, và để đạt đến mục đích ấy, họ phải chấp nhận lời Chúa Giêsu dạy và sống theo gương Người nhờ trợ lực của Chúa Thánh Thần.
Ngày nay, khi nói đến nguồn gốc con người, nhà thần học thường không quan tâm đến nguồn gốc loài người nói chung, bằng đến nguồn gốc từng cá nhân. Ban đầu phải nói đến nguồn gốc hữu hình là cha mẹ. Ai sinh ra trên đời cũng phải có cha, có mẹ và cha mẹ chỉ thật là cha mẹ khi sinh ra một cá nhân. Cá nhân nào thì cũng có hình dáng, sức khoẻ, trí thông minh, tâm tình, cảm xúc… mà họ nhận được từ cha mẹ: cha mẹ ấy thuộc chủng tộc, văn hoá và thời đại khác nhau.
Tuy là nguồn gốc của đứa con, cha mẹ chỉ là nguyên nhân bậc hai, còn Thiên Chúa mới là nguyên nhân bậc nhất. Từ lâu lắm, trong Thần học, không còn chấp nhận thuyết nhị nguyên của Platon coi hồn và xác của một người như hai thực tại biệt lập, xung khắc với nhau nữa. Hồn không có trước xác, nhưng chỉ xuất hiện cùng với xác như hiệu quả của sự tiến hoá của một cá nhân.
Nói cách cụ thể, sau khi đôi vợ chồng ăn ở với nhau và một bào thai xuất hiện trong dạ con người đàn bà, bào thai ấy được nuôi dưỡng và phát triển. Lúc nào thì thành một người? Khoa học ngày nay biết khá đích xác về lúc ấy. Lúc ấy đứa con trong lòng mẹ nó có một cá nhân khác với cá nhân của mẹ nó. Ở đây có “bước nhảy vọt”, vì khi cá nhân hiện hữu thì nó cũng được ơn gọi là con Thiên Chúa mà Đức Kitô là đầu và nó là chi thể. Ơn thông hiệp này xảy ra trong lịch sử đời nó. Chắc rằng cha mẹ không chỉ tiêu cực là nguyên nhân bậc hai về hiện hữu của đứa con mình, nhưng để đáp lại sự thông hiệp trên, cha mẹ vượt quá khả năng mình có. Khả năng ấy trực tiếp bởi TC mà đến.
IV. Con người từ nguyên thủy
Cách cắt nghĩa Sáng Thế Ký lúc ban đầu của Giáo Hội coi nguồn gốc loài người là Ađam và Evà là đôi nam nữ đầu tiên Thiên Chúa đã sáng tạo ở ngày thứ sáu. Sau này các nhà chú giải Kinh Thánh coi Ađam và Evà không phải là tên riêng của đôi nam nữ duy nhất đầu tiên ấy, nhưng là tên ám chỉ những người đầu tiên của loài người theo định luật tiến hoá. Nói cách khác loài người không chỉ “nhất nguyên” (monogénisme), nhưng còn có thể “đa nguyên” (poligénisme) nữa.
Nhưng Thông điệp “Humani Generis” thú nhận rằng: về vấn đề này Giáo Hội không dễ chấp nhận bằng về vấn đề con người do tiến hoá của loài vật mà có (DS 3897). Thông điệp không chối thuyết “đa nguyên” , nhưng chỉ tự hỏi thuyết này làm thế nào dung hoà được với tín điều về “tội nguyên tổ”.
Tội lỗi, ở tự nó, không kết hợp, nhưng chỉ chia rẽ loài người với nhau. Nó nói lên yếu tố tiêu cực trước lời mời gọi tích cực của TC cho loài người trở nên một trong Đức Kitô và trong Nhiệm thể Người là Giáo Hội. Nhờ ở sự duy nhất này hơn là sự duy nhất bởi một ông tổ, ta mới hiểu được tại sao mọi người đều bình đẳng trong một gia đình rộng lớn, con cái của một Cha trên trời, không có phân chia biên giới, giống nòi, văn hoá dị biệt nữa.