Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Thần Học Về Con Người

Administrator
2018-09-23 09:02 UTC+7 25
Phan Anh, OP.   Có hai đường lối khác nhau để trình bày thần học về con người: một đàng là nói về con người trong lịch sử cứu độ (tạo dựng, sa ngã, cứu chuộc), họp thành bộ môn Anthropologia theologica; đàng khác thì đào sâu những yêu sách của phẩm giá con người […]


Phan Anh, OP.

 

Có hai đường lối khác nhau để trình bày thần học về con người: một đàng là nói về con người trong lịch sử cứu độ (tạo dựng, sa ngã, cứu chuộc), họp thành bộ môn Anthropologia theologica; đàng khác thì đào sâu những yêu sách của phẩm giá con người khi sống trong xã hội, và phát triển thành học thuyết xã hội. Bài này xin trình bày nội dung môn Anthropologia Theologica và phẩm giá con người với nhân quyền.

I. NỘI DUNG MÔN “THẦN HỌC VỀ CON NGƯỜI”

Chúng tôi xin thú thực là không dễ gì dịch tiếng “Anthropologia theologica”, bởi vì trong Việt ngữ, do ảnh hưởng của các khoa học thực nghiệm, người ta dịch “anthropologia” là “nhân loại học, nhân chủng học”. Tuy nhiên có lẽ những từ đó không thể áp dụng ở đây, bởi vì vấn đề không phải là nghiên cứu về loài người (khác loài khỉ như thế nào?) hay sự thành hình của các chủng tộc; nhưng vấn đề là con người (Anthropos), xét như là một chủ thể tinh thần, khác với các sinh vật và động vật khác vì có trí tuệ và ý chí tự do. Cách riêng “anthropologia theologica” bàn tới con người xét trong tương quan với Thiên Chúa: dưới ánh sáng mạc khải, thần học muốn trình bày về nguồn gốc của con người và ơn gọi của con người. Mạc khải cho ta biết rằng con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa: tuy là một thụ tạo, nhưng con người đã được Thiên Chúa mời gọi vào chia sẻ đời sống thần linh. Tiếc rằng, vì tội lỗi, con người đã làm hư hỏng mối tương giao ấy, gây ra cho chính mình biết bao nhiêu xáo trộn. Thế nhưng, Thiên Chúa không cắt đứt cuộc đối thoại, nhưng đã cứu vớt con người, chữa lành những thương tích mà tội đã gây ra, đồng thời tái tạo hình ảnh của Chúa nơi con người nhờ Đức Kitô. Đại khái, đó là nội dung của môn “anthropologia theologica”, một bộ môn còn chập chững vì mới ra đời.

Xét về phương pháp, thì khi đề ra bộ môn này, các tác giả đã muốn trình bày một cách có hệ thống mạch lạc những vấn đề trước đây đã ra đời vào những giai đoạn khác nhau và dưới những tựa đề khác nhau, đó là De Deo creante về sự tạo dựng. De Deo elevante về ơn thánh sủng. De peccato originali về tội nguyên tổ. Các tác giả chủ trương rằng phải xếp đặt lại các chất liệu của ba phần vừa nói, để tạo ra một bộ môn có tính cách nhất thống và mạch lạc. Môn anthropologia theologica nhằm đáp ứng lại yêu sách đó, với hai lợi điểm sau:

1/. Trong thời đại hôm nay, khi nhân loại đang sống trong khắc khoải vì không tìm ra ý nghĩa của cuộc đời và của giòng lịch sử, thần học cần phải bắt chước công đồng Vatican II, múc lấy từ nguồn mạc khải, để tìm câu trả lời cho câu hỏi: con người là gì?

2/. Làm nổi bật vai trò của Đức Kitô như trung tâm của thần học, của con người cũng như của lịch sử.

Thực vậy, trong các môn nói về sự tạo dựng, ơn thánh và tội nguyên tổ trước đây, ra như thần học chỉ dừng lại ở sách Sáng Thế chứ không chịu đi xa hơn, để tìm chìa khoá giải đáp ý nghĩa của sự tạo dựng, ơn thánh và cứu chuộc nơi Đức Kitô. Đức Kitô mạc khải con người cho con người, nghĩa là Ngài đã giúp con người sống cho ra người, sống xứng đáng với phẩm giá con người hơn. Như thế, Kitô giáo không phải là cái gì áp đặt lên con người hoặc làm nó bị tha hoá; nhưng Kitô giáo đã đáp lại những khát vọng sâu xa nhất trpng con tim con người.

Từ những nguyên tắc ấy, tương ứng với ba phần: Tạo dựng – Tội lỗi – Ơn thánh, các tác giả chia môn Anthropologia Theologica thành ba phần xoay quanh mối tương quan giữa con người với Đức Kitô như sau:

a/. Con người nơi Ađam được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa.

b/. Con người nơi Ađam đã sa ngã và mong chờ ơn cứu chuộc.

c/. Con người được cứu chuộc trong Đức Kitô.

1. Phần thứ nhất – Nói về sự tạo dựng con người theo hình ảnh Thiên Chúa

Hình ảnh Thiên Chúa cần phải được giải thích trong bối cảnh của Cựu ươc lẫn Tân ước (nghĩa là nơi Đức Kitô). Nhờ vậy, vấn đề tạo dựng được nhìn trong chiều kích năng động và không loại trừ tư tưởng tiến hóa, xét vì hình ảnh trọn hảo của Thiên Chúa không phải là cố định bất biến nơi Ađam, nhưng cần được kiện toàn nơi Đức Kitô. Dù sao, ở phần thứ nhất này, con người được nhìn trong kế hoạch tạo dựng: nghĩa là hướng về Thiên Chúa, được ban cho trí tuệ và ý chí tự do; con người không phải chỉ có hồn thiêng nhưng còn có thân xác, con người không sống cô độc lẻ loi nhưng hợp quần trong xã hội, nhờ hành động tự do và nhờ thân xác mà con người hợp tác với tha nhân cũng như tiếp xúc với thế giới vật chất. Con người được Thiên Chúa giao cho việc quản trị vũ trụ: đây là lúc bàn về giá trị của lao động, cũng như những nghĩa vụ đối với môi sinh.

2. Phần thứ hai nói tới tình trạng sa ngã của con người

Đây là chương tương ứng với những vấn đề về tội nguyên tổ trước đây. Kinh thánh đã nói về tội trong bối cảnh của một mối tương giao giữa con người với Thiên Chúa, tội là sự phản loạn của con người, bất tuân lệnh Thiên Chúa. Ngoài ra, Kinh thánh không những nói đến những tội cá nhân nhưng còn nói tới một tội bao trùm cả nhân loại, gây ra những xáo trộn trong thế giới, trong các tương quan xã hội và ngay cả chính trong nội tâm con người. Tuy nhiên, các câu hỏi chung quanh bản chất của tội nguyên tổ cần được đọc trong bối cảnh của toàn thể lịch sử mạc khải. Như ta đã biết, thánh Phaolô đã nhìn thấy nơi sự sa đoạ của con người lòng khao khát được cứu rỗi: “ở đâu tội lỗi đầy tràn thì ơn tha thứ lại càng chan chứa”. Tội nguyên tổ của Ađam cần được đối chiếu với ơn thủ lãnh nơi Đức Kitô.

3. Phần thứ ba bàn đến cuộc sống mới của con người trong Đức Kitô

Phần này tương ứng với những triệt nói về ơn thánh trước đây. Tuy nhiên, vấn đề ơn thánh cần được nhìn trong nhãn giới mới: ơn thánh không phải chỉ là một liều thuốc bổ tăng thêm sức mạnh cho con người. Ơn thánh cần được lồng trong cả kế hoạch tình yêu của Thiên Chúa trao ban cho con người, kêu mời con người vào chia sẻ đời sống hạnh phúc với mình: tình yêu ấy không chịu thúc thủ vì sự khước từ của con người; nhưng sau khi con người sa ngã. Thiên Chúa lại càng tăng thêm tình thương đối với con người qua việc trao ban Đức Kitô cho con người. Nhờ Đức Kitô và trong Thánh Thần, con người được ơn làm nghĩa tử và chia sẻ sự sống thần linh. Tình yêu của Thiên Chúa đã đến gặp gỡ con người trong điều kiện lịch sử, nghĩa là con người đã sa ngã, bị thương tích. Vì thế con người cần được chữa lành, cần được tha thứ. Trên thực tế, tình yêu ấy đã thanh tẩy con người, ban khả năng cho nó đạt được sự tự do của con cái, vượt thắng tính ích kỷ, ngỏ hầu có thể dùng tự do để phục vụ Thiên Chúa và tha nhân. Tình yêu và ơn thánh đã để lại dấu vết sâu xa trong linh hồn, xét vì nó đã biến linh hồn thành đền thờ của ba Ngôi Thiên Chúa, khai mào cuộc kết hiệp với Chúa mà ngày kia sẽ được sung mãn trên trời. Con người sống trong ơn thánh, hoạ theo gương mẫu của Đức Kitô, sẽ trở nên người hơn, sẽ phát triển các tiềm năng của mình hơn nữa. Tiềm năng nói ở đây không phải là sức lực thể chất hay là trí khôn sắc sảo, nhưng là tiềm năng có thể vượt lên trên chính mình để kết hiệp với Đấng là Chân, Thiện, Mỹ tuyệt đối.

Trên đây là những mục chính của môn “anthropologia theologica”. Dĩ nhiên, mỗi tác giả có thể khai triển và khía cạnh mà họ thích. Thí dụ các nhà tu đức học thì thích khai triển phần thứ ba (đời sống ơn thánh). Những ai muốn đối thoại với các khoa học nhân văn hiện đại thì chú trọng đến phần thứ nhất (thí dụ vấn đề tạo dựng và tiến hoá, vấn đề linh hồn và những dữ kiện của tâm lý học hiện đại). Thần học về thân xác và phái tính thì cũng đang phát triển. Sau cùng có tác giả muốn kéo dài ra thêm một phần thứ tư nữa, bao gồm những vấn đề cánh chung. Theo họ, thần học về con người không thể chỉ dừng lại ở nguồn gốc của con người và tình trạng hiện tại của con người, nhưng còn phải nói tới tương lai, tới định mạng của con người nữa. Chết rồi đi đâu? Tương lai của mỗi người, của nhân loại, của thế giới sẽ như thế nào?

Dù sao, thì như đã nói, môn “anthropologia theologica” còn mới mẻ, vì thế chưa có một hình thù rõ rệt. Tưởng cũng nên biết là Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo đã bàn tới những vấn đề nói trên đây trong những nơi khác nhau. Ta thấy trong phần giải thích kinh Tin kính, sự tạo dựng con người trong các số 355-379, sau khi đã nói công trình tạo dựng và quan phòng nói chung: con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, có xác có hồn, với hai giống nam nữ. Kế đó, các số 385-412 nói sự sa ngã của nguyên tổ, nhưng Thiên Chúa hứa sẽ ban ơn cứu chuộc. Còn phần luân lý, ta lại gặp thấy một chương về phẩm giá con người xét vì là hình ảnh của Thiên Chúa, ở các số 1701-1709, cũng như xét vì ơn gọi đến thông hiệp với Ngài qua các hành vi tự do, số 1716-1742. Ơn thánh thì được bàn tới trong các số 1987-2016. Như thế, ta thấy rằng các vấn đề con người, cách riêng về nhân phẩm, không phải là chân lý trừu tượng, nhưng kèm theo những hệ luận trong phần luân lý: một đàng con người cần phải cư xử cho xứng đáng với thiên chức của mình (tự do trách nhiệm), đàng khác phải tôn trọng phẩm giá của những người khác.

II. PHẨM GIÁ VÀ QUYỀN LỢI CỦA CON NGƯỜI

Có rất nhiều quan niệm khác nhau về phẩm giá của con người. Thần học công giáo cho rằng phẩm giá con người hệ tại ở việc nó được tạo dựng giống hình ảnh của Thiên Chúa, có khả năng biết và mến Thiên Chúa, và nhất là được kêu gọi vào hưởng hạnh phúc bất diệt với Thiên Chúa. Tuy nhiên, đó là nói về phẩm giá con người dưới ánh sáng mạc khải. Nhưng liệu có thể dùng ngôn ngữ ấy để đối thoại với các tôn giáo khác, với các chủ nghĩa triết học và chính trị vô thần hay không? Dĩ nhiên đối với những người không nhìn nhận Thiên Chúa thì nói rằng “phẩm giá con người cao quý vì là hình ảnh Thiên Chúa, được gọi vào chia sẻ hạnh phúc với Chúa” là điều vô nghĩa. Nhưng không phải vì thế mà không thể nói tới phẩm giá con người khi không đưa vào mạc khải Kitô giáo. Như công đồng Vaticano II ghi nhận, thời đại của chúng ta rất nhạy cảm tới vấn đề bảo vệ nhân phẩm, đặc biệt qua việc tranh đấu bảo vệ nhân quyền. Giáo hội thấy rằng đây là con đường phải dùng để đối thoại với thế giới hiện đại: con đường của nhân quyền; việc tranh đấu cho nhân quyền là một khí cụ để bảo vệ nhân phẩm, vì nhân quyền biểu lộ những đòi hỏi chính đáng của con người muốn sống xứng đáng với phẩm giá của mình. Trong Tuyên ngôn về “Tự Do Tín Ngưỡng”, số 2, Công đồng Vaticano II mô tả phẩm giá con người hệ tại chỗ nó có lý trí và ý chí tự do, có trách nhiệm bản thân. Nói cách khác, con người có khả năng điều khiển hành vi của mình theo sự hiểu biết, thâm tín của mình, chứ không thể bị lôi kéo bằng xiềng xích hay vũ lực. Hiến chế về Giáo hội trong thế giới hiện đại (Hiến chế “Vui mừng và Hy vọng”, số 14-17) đã khai triển những ưu phẩm đó.

III. NHÂN QUYỀN

Cần phải ghi nhận rằng trải qua lịch sử chính trị tại Âu châu, đã có sự tiến triển trong ý thức về khái niệm và nội dung của “nhân quyền”.

1. Về danh xưng

Trong nhiều bản tuyên ngôn trước đây, nó được gọi là “tự do căn bản” (droits fondamentaux), “quyền lợi của công dân” (droits du citoyen), “quyền lợi tự nhiên” (hay thiên nhiên: droits naturel). Với bản tuyên ngôn của Liên hiệp quốc năm 1948, tiếng “nhân quyền” trở thành phổ thông: nhân quyền là quyền lợi của con người, phát xuất từ bản tính con người, và là những yêu sách để sống xứng với con người. Thực vậy, nhân quyền nhằm giúp cho con người phát triển những đức tính, tài năng của mình, bảo vệ lương tâm và những đòi hỏi tinh thần và thể chất của mình. Những quyền lợi ấy phát sinh từ bản tính con người, chứ không phải là do luật pháp ban cấp, hay là đặc ân của nhà nước dành riêng cho một giai cấp ưu tuyển.

2. Về thực tế

Tuy nhân quyền phát xuất từ bản tính con người chứ không phải do xã hội ban cấp, nhưng trên thực tế, vấn đề nhân quyền được đặt ra bởi vì con người sống trong xã hội. Thực vậy, một con người sống một thân một mình trên cung trăng sẽ không cần đòi hỏi hay tranh đấu cho nhân quyền làm gì hết. Sự tiến triển về ý thức và sự tranh đấu cho nhân quyền đã diễn ra trong lịch sử cận đại sau những cuộc xung đột giữa các công dân với các thể chế độc tài. Các công dân ý thức rằng mình cần được đối xử như là con người, chứ không thể bị đồng hoá như con vật hay như cái máy, như dụng cụ sản xuất. Tuy nhiên, cần phải chờ đợi thời gian để ý thức đó được chín muồi và được diễn tả thành từ ngữ (nhân quyền), cũng như được phát biểu thành bản tuyên ngôn đầy đủ về các quyền lợi căn bản, bất khả nhượng của con người.

Thực ra, những bản tuyên ngôn đầu tiên về những tự do căn bản xem ra mang tính chất không tưởng. Theo một số triết gia Pháp của thế kỷ 18, con người sinh ra vốn được tự do tuyệt đối. Vì nhu cầu sống còn, nên con người thấy cần quy tụ thành xã hội; tuy vậy, trong khế ước hợp xã, con người đã dành lại một số quyền tự do bất khả nhượng; hậu nhiên xã hội không được phép đụng tới các tự do ấy. Ngày nay, thuyết đó không những mang tính cách giả tạo (có bao giờ con người sống hoàn toàn ngoài xã hội đâu?), nhưng còn bị tố cáo là đã đưa tới chế độ tư sản bất công: người ta tranh đấu cho quyền tự do chiếm hữu, tự do sản xuất nhằm ngăn chận sự can thiệp của xã hội; nhưng trên thực tế chỉ có một thiểu số nắm được những quyền đó, còn đại đa số nhân dân chỉ có quyền tự do chết đói .- Đối lại, các chủ nghĩa xã hội chủ trương rằng quyền lợi của cá nhân phải hy sinh cho quyền lợi của tập thể. Tập thể sẽ lo liệu để cho hết các công dân được hưởng đồng đều những nhu cầu kinh tế căn bản: cơm bánh, nhà cửa, việc làm, y tế.

Thoạt tiên, xem ra hai qua điểm về nhân quyền như vậy hoàn toàn đối nghịch nhau: quan niệm của khối tư bản đề cao các quyền tự do cá nhân, nhưng bỏ qua các quyền kinh tế xã hội; còn khối xã hội thì muốn bảo vệ các quyền kinh tế xã hội nhưng phớt lờ các quyền tự do cá nhân. Trên thực tế, hai quan điểm ấy cần được bổ túc cho nhau. Thực vậy, không có tự do hay quyền lợi nào mang tính cách tuyệt đối cả: quyền lợi cần được đi đôi với nghĩa vụ; những quyền lợi cá nhân được đi kèm theo những quyền lợi kinh tế xã hội. Chúng ta có thể nhận thấy trong bản tuyên ngôn nhân quyền của Liên hiệp quốc (1948) sự phối hợp của hai chuỗi quyền lợi đó:

a/. Những quyền tự do cá nhân: sinh sống; an ninh bản thân; không bị làm tôi mọi; không bị hành hạ tra tấn; không bị giam cầm hay trừng phạt trái phép; tự do bảo vệ đời tư, tự do cư trú và đi lại; quyền có quốc tịch, quyền lập gia đình; quyền có tư sản; tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo; tự do phát biểu ý kiến; tự do hội họp và lập hội; quyền tham dự chính quyền.

b./ Những quyền kinh tế xã hội và văn hóa: bảo hiểm xã hội, có công ăn việc làm, được trả lương tương xứng với công việc; lập nghiệp đoàn; nghỉ ngơi và giải trí; mức sống tương xứng (sức khỏe, nhà ở), bảo hiểm khi thất nghiệp già yếu bệnh tật; giáo dục, tham gia vào đời sống văn hoá.

Hai loại quyền lợi vừa nói có liên hệ mật thiết với nhau, chứ không thể tách rời nhau, hay loại trừ lẫn nhau. Trong những thập niên gần đây, học thuyết về nhân quyền tiến thêm một bước nữa. Tuy rằng, chủ thể của nhân quyền lúc nào cũng là con người trong xã hội; nhưng không nên hiểu con người như là những chủ thể đơn độc; bản tính hợp quần của con người đòi hỏi phải nhìn nhận cả những tổ hợp như là chủ thể quyền lợi nữa. Do đó mà người a nói tới quyền của gia đình, quyền của các sắc tộc, của các dân tộc (thí dụ quyền được phát triển kinh tế, quyền bảo vệ văn hoá cổ truyền, quyền được hưởng hoà bình).

Giáo hội Công giáo không những đã chăm chú theo dõi sự tiến triển của học thuyết về nhân quyền, nhưng còn tham gia vào việc tranh đấu cho nhân quyền nữa. Chúng tôi xin ghi nhận vài văn kiện chính: Sứ điệp gửi Tổng thư ký Liên hệp quốc nhân dip kỷ niệm 30 năm Tuyên ngôn Nhân quyền (2-12-1978: AAS, 71, 1979, 121-125); Diễn văn của Đức Gioan Phaolo II đọc tại trụ sở Liên hiệp quốc ngày 2-10-1979; Diễn văn đọc tại trụ sở UNESCO (Paris, 2-6-1980); đó là chưa kể đến những diễn văn đọc trong những cơ hội khác, đặc biệt là khi tiếp xúc với Ngoại Giao Đoàn cạnh Toà Thánh. (Cũng nên biết là Toà Thánh luôn gửi Quan sát viên tham dự các Uỷ ban về nhân quyền của Liên hiệp quốc). Ngoài ra, Uỷ ban Thần học Quốc tế cùng với Hội đồng Toà Thánh đặc trách Công lý Hoà bình đã xuất bản một văn kiện về phẩm giá và quyền lợi con người (6-10-1984).

Nói chung, chúng ta nhận thấy Toà Thánh đã ủng hộ bản Tuyên ngôn Nhân quyền của Liên hiệp quốc, và cố gắng kiện toàn với những đóng góp sau đây:

a/. Giáo hội muốn đặt một nền tảng triết học và thần học cho nhân quyền: chúng dựa trên phẩm giá con người. Hơn thế nữa, phẩm giá con người cao quý không những vì những tài năng tinh thần (lý trí suy nghĩ và ý chí tự do), nhưng còn vì định mạng siêu việt. Hạnh phúc con người vượt lên trên biên cương xã hội, vì con người được kêu gọi vào kết hợp với Thiên Chúa. Chính vì thế mà Giáo hội tranh đấu cho quyền tự do lương tâm và tự do tín ngưỡng. Ở đâu mà quyền này không được nhìn nhận, thì phẩm giá con người bị vi phạm trầm trọng, xét vì như vậy thì con người đã bị chặt mất chiều hướng siêu việt: nó chỉ còn là một sinh vật như cây cỏ, sống ngày nào hay ngày đó, chứ không còn vươn lên trên thế giới hữu hình. Tuy nhiên, nên biết rằng trong hệ cấp các giá trị, Giáo hội đặt quyền lợi căn bản nhất của con người là quyền được sống; do đó mà Giáo hội kêu gọi bảo vệ mạng sống con người từ khi thụ thai cho đến khi lìa đời (chống lại sự phá thai lẫn sự chết êm dịu).

b./ Sự thi hành quyền lợi kèm theo bổn phận. Nếu con người đòi hỏi nhân quyền vì là chúng gắn liền với phẩm giá con người, thì con người cũng phải hành xử những quyền lợi đó phù hợp với phẩm giá của mình, nghĩa là có trách nhiệm. Việc hành xử nhân quyền cần được lồng trong bối cảnh luân lý.

c./ Một cách tương tự, nếu chủ thể quyền lợi không những là những cá nhân mà còn là những đoàn thể, thì không những là các cá nhân mà cả các đoàn thể cũng phải ý thức rằng về những nghĩa vụ tương ứng, thí dụ nghĩa vụ của những nước giàu đối với những nước nghèo; nghĩa vụ của thế hệ này đối với thế hệ kế tiếp (thí dụ trong vấn đề bảo vệ môi sinh, san sẻ các tài nguyên nhiên liệu).

 

———–

Chú thích thêm:

Phải hiểu thế nào về “hình ảnh Thiên Chúa” nơi con người? Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo đã đưa ra nhiều giải thích khác nhau. Con người là hình ảnh Thiên Chúa, bởi vì:

– Có khả năng nhận biết Thiên Chúa (số 36); được gọi nhận biết và mến yêu Thiên Chúa (31; 356; 2002); được mời gọi vào mối tương giao với Thiên Chúa (299; 2563; 2566).

– Mang theo những sự toàn hảo của Thiên Chúa 941; 1978); có khả năng ý thức về chính mình làm chủ mình (357; 1934); có khả năng thương yêu (1604; 2331); được thông dự vào tác động tạo dựng nhờ lao động (2427; 2501); cai quản vũ trụ (373); vì thế cần phải cư xử giống như Thiên Chúa (2784). Cũng nên biết là con người được gọi là hình ảnh của Thiên Chúa không phải chỉ nhờ có tinh thần (hay linh hồn, 363), nhưng thân xác cũng được tham dự vào đặc tính hình ảnh nữa (362, 364).

Tưởng cũng cần thêm rằng con người không phải chỉ là hình ảnh Thiên Chúa trong lãnh vực tự nhiên. Sách Giáo lý cũng còn nói tới hình ảnh Thiên Chúa trên bình diện siêu nhiên nữa; hình ảnh của sự thông hiệp giữa Ba Ngôi Thiên Chúa (2205; 2713). Mẫu gương của hình ảnh Thiên Chúa là chính Đức Kitô (299), và do đó Đức Kitô trở thành khuôn mẫu cho con người hoạ theo (381; 518; 705; 1109; 1701; 1877).

Dù thế nào đi nữa, vì là hình ảnh Thiên Chúa nên con người cần được tôn trọng, đây là phẩm giá cần được nhìn nhận cho hết mọi người (225, 1783), dù là nam hay nữ (369; 2335).